Nguyên Ngôn


“Gã Triết Gia”

Gã bị các đồng nghiệp gọi là “gã triết gia”. Chỉ thêm một chữ “gã” phía trước, bao nhiêu vẻ vang của một triết gia như gã bỗng nhiên biến mất sạch.

Gã là cán sự xã hội của Cơ Quan Giúp Đỡ Người Tỵ Nạn Đông Nam Á. Có lần gã nhận thuyết trình cho buổi họp chuyên đề của Phòng Cán Sự Xã Hội. Gã đưa ra chủ đề “Lẽ Phản Phục Trong Tâm Lý”. Đề tài đã có vẻ bí hiểm cho các đồng nghiệp người Hòa Lan của gã. Gã lại dùng Dịch Lý để diễn giảng lẽ phản phục. Một sự kiện khi tiến tới cực điểm, thì nó sẽ trở lại cực đối nghịch. Bài thuyết trình kéo dài nửa giờ. Tới phần thảo luận, không ai dám đi thẳng vào nội dung để phê phán, nhận định. Họ chỉ nhận xét hời hợt vòng ngoài.

Sau khi tan họp, người bạn đồng nghiệp Việt Nam nói với gã:

‘Anh dùng Kinh Dịch để diễn giảng sự chuyển hóa tâm lý thì làm sau tụi Tây nó hiểu được.’

Gã cười mím chi cọp, phán ra một câu “triết lý”:

‘Khi nó chỉ hiểu lờ mờ và cảm thấy đầy xa lạ, nắm bắt không vững, thì nó mới tưởng rằng bài thuyết trình của tôi cao siêu, đầy giá trị. Thật ra tôi chỉ thuổng một ly ông cụ cái học của người xưa mà thôi.’

Từ đó, gã được các đồng nghiệp tặng cho một ngoại hiệu rất ư là vẻ vang: “triết gia”. Sau khi nhận được cái ngoại hiệu nổ hơn sấm sét như thế, gã ăn nói, hành xử “cao siêu, huyền bí” như một triết gia thứ thiệt.

Gã đứng ra nhận tổ chức một ngày du lịch hè cho phòng cán sự. Khi bà trưởng phòng của gã đọc xong bản dự án kế hoạch ngày du lịch, bà vui mừng nôn nóng nói:

‘Tầm vóc của bản dự án nầy trên cả sự mong đợi của tôi. Tôi rất nôn nóng trông đợi tới ngày nầy.’

Hòa Lan là giống dân sống theo chương trình, làm việc theo kế hoạch, xài tiền theo bản dự chi, nên khi đi chơi cũng phải lập dự án.

Mọi người được một buổi đi dạo thoải mái bằng xe đạp. Bắt đầu bữa thịt nướng ngoài trời, gã yêu cầu tất cả mọi thành viên cộng tác. Mỗi người một việc.

Các thùng giấy đựng dụng cụ và các thùng giữ hơi lạnh đựng thịt, rau cải, bia, thức uống lần lượt được mở ra. Kẻ bắt vít ráp các lò nướng, người xắt rau cải, người xỏ xâu thịt, người nhóm lửa các lò nướng. Gã bắt đầu “triết lý”:

‘Chúng ta lúc làm việc, thường nhắm tới thành quả và chỉ hướng đến việc hưởng thụ thành quả. Đây là một sai lầm trầm trọng.’

Mọi người ngớ ra, ngừng làm việc, nhìn gã triết gia. Xưa nay, thiên kinh địa nghĩa vẫn chỉ ra rằng làm việc cho có kết quả, có kết quả thì hưởng kết quả, thế thì sai chỗ nào. Gã chỉnh sắc mặt nghiêm trang, đạo mạo rất ư là hiền triết:

‘Sự sai lầm nầy dẫn đến tình trạng mệt mỏi trong công việc. Vì phải cố gắng liên tục để đạt được thành quả tốt hơn, to lớn hơn, vài người trong chúng ta bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu Burn-out (kiệt quệ tâm lý).

Hãy nhắm tới tiến trình, cải thiện trong tiến trình và thưởng thức tiến trình. Khi tiến trình được chăm sóc tốt, kết quả tốt sẽ đến. Khi chúng ta thưởng thức được tiến trình, thì sự làm việc trong hiện tại chỉ là cung cách để chúng ta thưởng thức, không còn là một công việc phải cố gắng làm.

Thật ra tiến trình và kết quả là một chuỗi liên tục. Đầu óc chúng ta đã bị điều kiện hóa do khuynh hướng duy lý, lúc nào cũng tách đôi sự việc thành hai thế giới đối lập nhau, ở đây là tiến trình và kết quả.

Ngay bây giờ và tại đây, có phải các bạn đang thưởng thức công việc trong sự hòa nhập vui vẻ với các đồng nghiệp không? Hãy thưởng thức công việc từ lúc bắt đầu cho đến kết quả.

Bây giờ mời các bạn hãy tự nướng phần thịt của mình, và đừng quên hưởng sự thú vị trong khi nướng, sau đó thưởng thức xâu thị nướng.’

Sau bữa thịt nướng ngon lành, vui vẻ, mọi người xuống thuyền.

Gã cho thuyền ghé vào một hòn đảo nhỏ vắng vẻ trên IJsselmeer thuộc thị xã Hardewijk. Gã yêu cầu mọi người ngồi vòng tròn trên bãi cỏ khuất sau các lùm cây. Nghi thức bắt đầu:

‘Xin các bạn ngồi thẳng lưng, thở đều, loại ra khỏi đầu óc mọi ý nghĩ, hãy đạt đến tình trạng nghỉ ngơi tuyệt đối, toàn diện. Nếu ai không thể ngừng nghĩ ngợi thì hãy nghĩ tới hơi thở của mình theo nhịp đếm đều đặn.’

Gã bắt các đồng nghiệp Tây của gã ngồi Thiền. Sau đó gã yêu cầu các đồng nghiệp suy gẫm để trả lời cho câu hỏi:

‘Thật ra, bản ngã chân thật của bạn là gì?’

Gã phát cho mỗi người một trang A4 trên đó minh họa một hội nghị mà mỗi thành viên tự xác nhận mình thuộc về một trường phái khác nhau, như kinh điển, thực dụng, duy lý, duy vật, duy tâm, câu nệ, phá chấp, bi quan, lạc quan….

Đến phần thảo luận, tất cả các câu trả lời của đồng nghiệp đều bị gã bác bỏ. Anh thì nói, tôi được giáo dục theo truyền thống gia đình Công Giáo nên… Gã bác bỏ ngay, cái đó chỉ là một lớp trong nhiều lớp vỏ mà anh mới nhận vào sau khi sanh ra. Anh thì nói, tôi giúp đỡ thân chủ là giúp cho chính mình, tôi coi thân chủ như chính mình. Cái đó không phải là bản ngã chân thật của anh, gã bác bỏ. Bà sếp thì nói, tôi không có cái khuôn đúc riêng, tôi vui cái vui của người, tôi buồn cái buồn của người. Gã cũng bác luôn, gần đúng, nhưng cái đó không phải là bản ngã chân thật. Các câu trả lời khác cũng bị gã bài bác luôn.

‘Vậy thì bản ngã chân thật là cái gì?’

Câu trả lời của gã làm mọi người ngỡ ngàng:

‘Không là cái gì cả. Tất cả mọi thứ làm nên bản ngã con người chỉ là những lớp vỏ của một củ hành. Lột hết lớp nầy chúng ta lại gặp một lớp khác. Và cuối cùng, cái còn lại, thì cũng chỉ là một lớp vỏ nữa. Không hề có cốt lõi bên trong.

Bi kịch là chúng ta cứ tưởng một trong những lớp vỏ, hoặc một số lớp vỏ là bản ngã chân chính của mình. Và cứ thế mà lao tới.’

Gã phát cho mỗi người một tấm hình. Trong hình có nhiều người, mỗi người đứng trên một bánh xe riêng lẻ, đang lao xuống vực thẳm với các cách thế khác nhau. Gã im lặng một lúc lâu để cho mọi người “thấm đòn”. Bằng một giọng trang trọng, ấm áp như kẻ đang cứu rỗi nhân loại, gã tiếp tục:

‘Hãy buông xuống tất cả để trở lại cái ta nguyên thủy.’

Mọi người xuất hồn, ngồi yên bất động. Đâu đó tiếng sáo nhẹ nhàng, thanh thoát vang lên trong cõi tĩnh mịch như xoa dịu tâm hồn mọi người. Khi gã đặt ống sáo  xuống, bà sếp đi lại nắm hai tay gã:

‘Thật là một ngày đầy ý vị.’

“Địa vị triết gia” của gã được cũng cố. Nhưng không, vì quá triết gia nên gã bị gán thêm cho một chữ “gã”.

Lần khác, tất cả nhân viên của cơ quan cùng đi chơi hè vùng hải cảng Rotterdam. Cả bọn đi bộ chờ qua đường. Người bạn đồng nghiệp người Hòa lan của gã, Gerrit, bước lại bấm nút đèn giao thông. Đèn vẫn đỏ. Gã đến bấm nút. Gerrit nói:

‘Không có hiệu quả.’

‘Có chớ, gã trả lời.’

‘Hiệu quả đâu, đèn vẫn đỏ mà?’ Gerrit chỉ đèn.

Gã thản nhiên:

‘Hiệu quả tâm lý.’

Gerrit hừ một tiếng:

‘Đúng là gã triết gia.’

Từ đó, cái ngoại hiệu triết gia danh giá của gã bị biến thành gã triết gia. Triết gia là người cõi trên, không kịp thích hợp ở trần gian, gã triết gia bị anh bạn vàng chơi cho một vố rất ư là lém lỉnh trần gian.

Trong chuyến đi chơi hè của Cơ Quan, cả bọn bước xuống tàu nhà hàng để đi xem hải cảng lớn nhứt Âu Châu, Rotterdam. Khi vừa bước xuống thuyền, Gerrit đến để tay lên vai gã. Chân gã vừa đặt vào trong thuyền, Gerrit bỗng nói lớn với hành khách trong thuyền:

‘Kính thưa quí bà, quí ông, ông bạn vàng của tôi đây, hôm nay sinh nhựt.’

Cả tàu vỗ tay rào rào và cùng hát lên bản nhạc sinh nhựt. Mà quả thật như vậy, hôm nay gã sinh nhựt. Quá bất ngờ, gã bối rối, quýnh quáng không biết phải ứng phó như thế nào. Gã biết Gerrit vốn lém lỉnh, thông minh vặt, nhưng không ngờ lém lỉnh tới mức nầy. Không có cách chi ứng phó kịp với tình thế, gã liền đứng thẳng lưng lên, lớn tiếng:

‘Xin chân thành cám ơn quí bà, quí ông.’

Chỉ cám ơn khơi khơi thế nầy, hình như không phải điệu nghệ của người Hòa Lan. Gã nhẩm đếm số người trên thuyền, khoảng ba mươi người. Nếu mời mỗi người một ly nước, thì mất toi nó khoảng sáu, bảy chục gulden (thời đó chưa có euro). Ngoài nghề cán sự xã hội, gã còn có một xưởng sản xuất dây nịt. Lợi tức của xưởng dây nịt cao gấp mười lần đồng lương của gã. Ối! nhằm nhò gì mấy cái lẻ tẻ, bất quá con trâu bị mất một sợi lông. Gã tươi cười, dĩ nhiên là gượng gạo:

‘Tôi xin mời quí vị, mỗi người một ly nước.’

Gã xoay qua người phục vụ:

‘Hóa đơn của họ tính cho tôi.’

Thiên hạ vỗ tay rào rào.

Gã bị ông bạn vàng chơi khăm một vố bất ngờ đầy thú vị, một cách khá đau đớn.

Cái lém lỉnh của Gerrit không phải chỉ chơi trên một mình gã triết gia, có lần hắn chơi luôn một vố cả Cơ Quan Giúp Đỡ Người Tỵ Nạn Đông Nam Á.

Gerrit nhận lãnh tổ chức một trò chơi trong ngày Cơ Quan đi chơi hè. Hắn chọn trò chơi ném bi sắt. Mỗi người khi tới phiên sẽ ném viên bi sắt nặng khoảng một kí lô. Ai ném được viên bi xa nhứt sẽ đoạt được giải thưởng. Giải thưởng được giữ bí mật. Hai mươi mấy “bi thủ” (người ném bi) tranh nhau để đoạt giải. Cái trò chơi chỉ dựa vào sức mạnh là trò của kẻ “vũ phu”, không phải của triết gia, gã triết gia không thèm hơn thua với kẻ vũ phu. Gã vẫn chơi nhưng không cầu thắng. Mà thật ra, dẫu cho gã có quyết tâm thắng đi nữa, thì gã vẫn thua. Nhưng ngoài sự mong đợi của mọi người, kẻ đoạt giải lại là một cô gái trẻ, rất trẻ và đẹp nữa.

Lễ phát giải thưởng được tổ chức trang nghiêm. Anh chàng lém lỉnh Gerrit cầm loa lên lễ đài tuyên bố thành tích và phát giải. Hắn long trọng mời người trúng giải lên lễ đài lãnh thưởng. Giải thưởng là một cái túi để đựng viên bi sắt.

Cả sân cỏ cười ầm một cái. Bão nổi lên rồi.

Viên bi sắt nầy, tiếng Hòa Lan gọi là kloot. Zak là cái túi, cái bọc để đựng đồ. Ráp chữ viên bi với chữ cái túi thành ra chữ klootzak, là túi đựng viên bi.

Nhưng khốn nỗi, chữ klootzak lại có nghĩa là tên vô loại, kẻ lưu manh. Nó lại đồng loại với một thứ tiếng chửi thề tức bực, tục tĩu của dân Nam Kỳ, “con c…”. Tệ hại hơn nữa, nó lại còn có nghĩa là… bọc tinh hoàn!

Nhân viên của Cơ Quan là dân trang nghiêm, trịnh trọng, vét ton cà vạt, phái nữ thì mặc áo đầm. Qui định nầy không áp dụng cho phòng cán sự xã hội, vì lẽ thường xuyên phải tiếp xúc với dân cùng khổ. Ngoài ra còn cấm chửi thề, không được dùng từ ngữ bẩn thỉu. Thế mà tên lém lỉnh bày ra một từ ngữ tục tĩu, lại vừa có tính chửi thề ngay trước mặt tổng giám đốc và tất cả nhân viên.

Từ lễ đài cô bé cầm giải thưởng đi xuống, mặt đỏ gấc vì e thẹn. Ai đời giải thưởng là một lời chửi thô tục, là bọc… tinh hoàn. Một cô gái nõn nường, đoan trang, thùy mị như thế mà lên lễ đài để nhận bọc… tinh hoàn, thì còn để cho ai sống nữa không hả trời!

Mọi người cười rũ rượi, cười gập người xuống, cười đến độ không kịp thở. Gã triết gia quên luôn “thân phận triết gia” của mình, cười mất thở, phải há to mồm để hít không khí. Khi tỉnh táo, gã triết gia trang nghiêm chiêm nghiệm cái “triết lý cao siêu” của Gerrit, bèn tán thán một câu rằng, dụng ý cao thâm khó lường.

Ngày kia, toàn thể nhân viên của Cơ Quan Giúp Đỡ Người Tỵ Nạn Đông Nam Á vào phòng thính thị để xem phim hình ảnh công tác của Cơ Quan trong tam cá nguyệt vừa qua. Khi đi ngang qua bảng cấm hút thuốc, tiện tay gã triết gia lấy bớt một nét trên chữ K thành chữ V. Chữ VERBODEN HIER TE ROKEN: cấm hút thuốc nơi đây, biến thành chữ VERBODEN HIER TE ROVEN: cấm ăn cướp nơi đây. Cơ quan là một tổ chức cứu dân độ thế, mà chỉ cấm nhân viên ăn cướp nơi đây, có nghĩa là được phép ăn cướp ở các chỗ khác. Lại có nghĩa là nơi đây trước kia thường có ăn cướp nên nay phải treo bảng cấm.

Ai nấy đi ngang qua bảng cấm cũng đều nhếch mép cười. Khi anh chàng lém lỉnh tới bảng cấm, hắn la lên như vừa khám phá ra châu Mỹ:

‘Gã triết gia. Chỉ có gã triết gia mới nghĩ ra được cái trò nầy.’

Gã triết gia nhìn mọi người cười hiền từ vô tội.

Dĩ nhiên, đây chỉ là một phương diện của phòng cán sự. Còn về mặt công tác, các tâm bịnh như chấn thương tâm lý, trầm cảm, bi quan… từ thân chủ lây lan qua người cán sự, thì không thể tránh được. Hàng ngày tiếp xúc với thân chủ, chỉ nghe toàn là chuyện đau thương rắc rối, gã triết gia đã chìm sâu vào các vấn nạn. Trong lúc tìm lối thoát cho chính mình, gã triết gia đã gặp gỡ, ngưỡng mộ và thưởng thức anh chàng lém lỉnh.

Cười cũng là một lối thoát.

.

Nguyên Ngôn


Cái Đình - 2018