Nguyễn Hiền


Du lịch Úc: Sa mạc, Alice Springs và thổ dân Aboriginal

.

Một chuyến du lịch thật sự thoải mái có lẽ là một chuyến đi mà ta không phải bận tâm lo nghĩ tới ngày về. Điều này tôi đã trải nghiệm trong chuyến du lịch dài ngày tại Úc. Trên chặng đường từ Đông sang Tây Úc, khi đi ngang sa mạc Great Victoria có “Vùng Đất Phẳng Không Cây” Nullarbor Plain (xem “Con Đường Xuyên Úc"), suốt một ngàn cây số trong vùng lãnh địa của thổ dân Aboriginal, thấy rải rác đây đó những dấu tích của họ hay những câu chuyện ghi trên bảng chỉ dẫn nhưng không thấy bóng một người nào, tôi thắc mắc thì nhận được cái nhìn chế riễu: “Trời nắng gắt như vầy, đất lại trụi lủi không cây cối thì họ ra đây làm gì?”. À ra thế. Họ ở sâu trong sa mạc, những nơi có thể tránh nắng chứ. Thấy tôi tò mò muốn biết thêm, người ta bảo: “Muốn xem sinh hoạt của họ thì lên vùng Northern Territory mà xem.”

Thế là óc hiếu kỳ của tôi nổi dậy thúc bảo tôi phải làm tiếp một chuyến lên vùng sa mạc Trung Úc cho biết. Xem bản đồ, Úc có 10 sa mạc, con số chính thức là 18% diện tích quốc gia, nhưng thực tế khoảng 35% đất đai được coi là “vùng ít mưa”. Xuyên qua những sa mạc này có trục giao thông Bắc Nam, từ Darwin xuống Adelaide với thành phố Alice Springs nằm chính giữa. Darwin là thủ phủ của tiểu bang Northern Territory (gọi tắt là NT, tiếng Việt chính thức dịch là “Lãnh Thổ Bắc Úc”). Alice Springs là thành phố du lịch nổi tiếng, một phần cũng vì kế cận thành phố này có “cục đá đỏ” Ayers Rock mà du khách đến Úc có thời gian và điều kiện đều ráng đến coi. Tôi đang ở phía Nam, như vậy tiện nhất là mua vé từ Adelaide lên Alice Springs.

Con đường Adelaide – Alice Springs

Sau khi cân nhắc, tôi chọn phương tiện xe đò “con chó” (Greyhound). Đi máy bay chỉ mất hơn hai tiếng đồng hồ nhưng mất cái thú ngắm cảnh dọc đường có một không hai trong đời. Xe lửa? Cũng được. Có một chuyến xe duy nhất, tên “The Ghan”, chạy 2 lần mỗi tuần. Ghan là tên tắt của Afghanistan, ghi dấu công trình khai trục lộ giao thông Nam-Bắc, khi đó chính phủ mướn nhiều công nhân Afghanistan vì họ chịu khó, dẻo dai và lại có thể sử dụng luôn đàn lạc đà của họ, để chở vật liệu xây cất và lương thực lên vùng sa mạc rồi chở len về. Công trình xong, Úc được ba di sản đáng ghi dấu: đoàn xe lửa The Ghan, lũ lạc đà bị bỏ lại thành bầy lạc đà hoang nửa triệu con, và một thế hệ thổ dân Aboriginal lai dân Afghan.

Xe lửa The Ghan nối Adelaide với Darwin, nổi tiếng thế giới và được dân du lịch khen ngợi là tổ chức chu đáo, xe chạy qua nhiều vùng có địa thế khác nhau. Chuyến tàu dài 1 cây số, tại ga Adelaide người ta phải ngắt nó thành 3 khúc mới lọt nhà ga. Chặng Adelaide - Alice Springs 1500km, xe chạy hơn 1 ngày, có mấy trạm nghỉ giữa đường để hành khách xuống xem cảnh hoang dã trong sa mạc, có tour đưa đón tại chỗ đi xem núi non hang động và nhất là xem cảnh mặt trời lặn và lúc bình minh. Nhưng… có muốn cũng không được. Phải mua vé trước cả tháng, những mùa đông khách có khi phải mua trước nửa năm. Chẳng lẽ lại đi loanh quanh đâu đó chờ tới chuyến. Mà vé đâu có rẻ. Giá vé hạng rẻ nhất đã gấp 3 - 4 lần vé máy bay và gấp 7 - 8 lần vé xe đò! Thôi thì đành tự an ủi bằng lý do: mắc quá không “thèm” đi.

Thế là tôi mua vé xe đò, 155 AUD. Lên xe 6 giờ chiều ở bến Adelaide. Tới Alice Springs 2 giờ chiều hôm sau. Sử dụng phương tiện chuyên chở công cộng rẻ tiền có sự hên xui. Chuyến tôi đi không biết gọi là hên hay xui. Một nửa số khách nhìn bộ dạng thấy gớm, dân bụi quần áo xốc xếch bốc mùi điếc mũi. Và nửa còn lại, nhìn qua hình tướng, chẳng cần ai bảo cũng biết là thổ dân Aboriginal. Đàn ông đen đúa, mặt mũi u nần. Đàn bà mập tròn, cắp kè kè bên nách chiếc chăn bông rẻ tiền. Lần đầu tiên tiếp cận trong không khí như vậy, tôi mất hứng một phần. Nhưng được cái hên là xe không đầy, và chắc chắn là phòng vé cũng có kinh nghiệm, cho nên vé được rải đều khắp xe, để người đi đơn lẻ không gặp cảnh đụng chạm với “hàng xóm bất đắc dĩ”.

Xe xuất bến, tôi hí hửng lôi smartphone ra giết thời giờ, vừa lơ mơ ngắm cảnh chung quanh, bởi khúc đầu hơn ba trăm cây số cho tới Port Augusta tôi vừa đi qua trong chuyến du lịch tháng trước, hình ảnh còn đậm trong trí. Xe quảng cáo có wifi và nơi cắm điện. Cắm điện thì có đó, nhưng wifi thì… ra khỏi Adelaide một chập là mất sóng luôn. Và đi chút nữa thì mất luôn đường điện thoại, cho dù tôi đã phòng xa, mua sim card của Telstra, công ty có độ phủ sóng rộng nhất. Đành ngồi khan, ngó ra đường đang dần tối. Nơi đồng không mông quạnh xứ Úc, tối là… tối thật sự, chỉ còn hai ngọn đèn pha phía trước soi sáng con đường vắng tanh. Và sao trên trời, thật nhiều sao. Thấy được cả giải Ngân Hà mà người dân Bắc Âu chỉ biết nó qua sách vở.

Qua khỏi Port Augusta, xe quẹo lên hướng bắc, bắt đầu đi vào cõi mịt mù, hoàn toàn không còn đèn đuốc nữa, chỉ còn con đường hun hút.

Xe đò Greyhound Úc (trái) và đoàn xe lửa The Ghan với hai đầu máy (phải)

Một phần nào đó, xe đò “con chó” giống xe đò Việt Nam khi xưa. Tức là nó kiêm thêm một nhiệm vụ quan trọng: chở hàng và giao thư. Tất cả chất trong chiếc rờ-moọc kéo sau xe, nằm chung với đám hành lý. Dọc đường có những chiếc thùng sắt sơ sài nằm chơ vơ ngoài bờ lộ, xe tấp vào, tài xế nhảy xuống bỏ đồ vào thùng, chẳng cần khóa. Suốt quãng đường hơn 1500km, xe dừng tại bốn thị trấn cho mọi người xuống dãn gân cốt, có thể ăn uống trong những quán hàng đơn sơ nằm trong cây xăng. Còn tài xế cũng phải nghỉ, theo luật. Trong bốn thị trấn này – Port Augusta, Coober Pedy, Marla và Erldunda, thì Coober Pedy có lý nhất. Chúng tôi tới đây vào lúc trời sắp sáng. Hơn 850km đã bỏ lại phía sau. Sinh hoạt về đêm coi vậy khá nhộn nhịp, do dịch vụ giao thư và hàng, cũng là nơi có nhiều người lên xuống. Xe thay tài, bác tài trước đã ngồi cầm lái mười hai tiếng đúng, rất may là chưa đụng con kangaroo nào, tai nạn này xảy ra khá thường nơi đây khi lái ban đêm. Tôi tiếc đã không biết, để xuống nghỉ ở đây thăm thú. Coober Pedy là thị trấn du lịch nổi tiếng do kỹ nghệ khai thác đá quý Opal – tiếng Việt là ngọc mắt mèo, và hơn nửa số dân cư sống trong hang ngầm dưới đất để tránh nóng. Có nhiều khách sạn, tiệm tùng, cả nhà thờ nữa… cũng nằm dưới lòng đất cả. Qua Coober Pedy rồi, khi tra cứu tôi mới biết nơi đây có mỏ opal quý lưỡng sắc (tiếng Anh là precious opal), do cấu trúc các tinh thể silica rất đều đặn với độ chính xác tuyệt hảo ngăn lọc từng màu trong ánh sáng cho nên nhìn từ mỗi góc cạnh sẽ thấy những màu khác nhau. Úc cung cấp tới 90% số ngọc opal quý này cho toàn thế giới. Khi biết thì đã muộn!

Từ đây đổ lên là vùng sa mạc cát đỏ – do oxid sắt, khác với vùng sa mạc phía Nam Úc với cát mịn màu trắng xám hay màu ngà – do chất vôi. Cây cối dường như chỉ còn hai thứ, là Acacia (cây keo) và những bụi rậm Mulga (một loại Acacia lùn). Nếu đi xe riêng thì tôi đã ngừng xe nơi phía bắc Coober Pedy để chụp vài tấm hình bức rào ngăn chó rừng dingo dài 5400km – tấm rào chắn dài nhất thế giới, chạy ngoằn ngoèo từ phía bắc thành phố Brisbane nơi bờ biển đông, ngang qua Coober Pedy, xuống tới bờ biển Nam Úc trong vùng Yalata của thổ dân Aboriginal. Trong chuyến đi tháng trước, ngang vùng Yalata, tôi đã bỏ lỡ dịp chụp bức rào này rồi. Mỗi lần nghĩ tới, tự dưng tôi liên tưởng đến tổng thống Donald Trump làm khuấy động dân Mỹ qua tuyên bố sẽ làm nốt bức tường 3200km dọc biên giới Hoa Kỳ và Mexico để ngăn dân latino chạy qua.

Qua Marla, xe vào tiểu bang NT, từ đây xe được phép tăng tốc lên 130km/giờ, chẳng mấy chốc đã tới trạm nghỉ chót ở đầu làng Erldunda. Nơi đây có ngã rẽ sang phía tây, đi về Uluru nơi có “cục đá đỏ”, xe đò tôi ngồi thì đi tiếp chặng cuối, sau khi mọi người đã chụp hình mấy chục con đà điểu nơi trại chăn nuôi kế trạm xăng, một cố gắng giới thiệu một món ăn trời cho nhưng không được nhiều người hưởng ứng. Chỉ còn đúng 200km nữa thôi là xe cặp bến, ngay đầu phố chính Alice Springs.

Alice Springs và sông Todd

Đúng là phố núi “đi dăm phút đã về chốn cũ”, trung tâm thành phố thu gọn trong một khu vuông vức với Todd Mall dài chừng hai trăm thước và vài con đường ngang dọc chung quanh, rõ ràng phục vụ cho du khách là chính. Cửa tiệm san sát, bán quần áo, đồ lưu niệm, sản phẩm nghệ thuật của thổ dân Aboriginal, đồ giả chen lẫn đồ thật. Và tiệm ăn, tiệm nhậu, khách sạn, nhà ngủ. 3 siêu thị đồ sộ. Chấm dứt? Chưa, còn một tiệm nail duy nhất của người Việt, vài văn phòng du lịch, và một tiệm cho mướn xe đạp, thứ xe đi đường núi bánh gai, đã được tháo bỏ tất cả những bộ phận không cần thiết, trụi lủi, với giá gần bằng tiền mướn xe hơi nhỏ.

Đến Alice Springs bạn sẽ nhiều lần chạm mặt với tên “Todd”. Khu thương mại Todd Mall nằm cuối đường Todd street, kề bên con sông Todd cạn khô, chảy ngang hẻm núi Heavitree Gap, cũng là Todd. Todd đây là từ tên Charles Heavitree Todd, một nhà thám hiểm và nhà thiên văn quý tộc sống vào thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20. Ông có công nhiều trong việc điều hành những trạm khí tượng và nhất là thiết lập được mạng điện tín nối Adelaide với Eucla (thị trấn sát biên giới Tây Úc và Nam Úc, trong sa mạc Great Victoria) và với Alice Springs. Vợ ông, Alice Gillam Todd, là một người tích cực trong công tác “khai hóa” (dịch nghĩa: đem văn minh Anh và kỹ thuật tây phương đến cho dân bản xứ, dạy dỗ nuôi nấng trẻ em). Để nhớ ơn, tên bà đã được đặt cho thành phố này, một vinh dự rất hiếm có cho một phụ nữ không xuất thân từ giai cấp quý tộc. Springs là ám chỉ những mội nước nằm gần trạm điện tín cũ dọc bờ sông Todd.

Muốn tới đây, từ cuối Todd Mall bạn có thể đi theo con đường rừng dọc bờ sông Todd, khi đi ngang “đồi Anzac” thì nhớ ráng leo một con dốc đá lởm chởm lên đồi xem toàn cảnh thành phố (Anzac là tên tắt của Australian and New Zealand Army Corps – Binh đoàn Úc-Tân Tây Lan). Trên ngọn đồi có đài tưởng nhớ các binh sĩ đã tham gia các cuộc thế chiến. Thời gian quân đội Úc tham chiến ở Nam Việt Nam cũng được ghi dấu bằng một số bảng tưởng nhớ và ghi công. Trên con đường dọc bờ sông tới trạm điện tín cũng có những bảng ghi công cẩn trên gạch lót đường. Con đường mòn được ủi phẳng phiu chạy giữa hàng cây rợp lá, buổi sáng sớm có những chú walliby (một giống kangaroo nhỏ, lông màu lợt) và chim chóc đứng hai bên đường tò mò nhìn theo, dường như ít có người chịu khó đi bộ vào khu này, cho dù đi dưới bóng râm và cái nóng khô trong sa mạc không làm đổ mồ hôi. Còn du khách thì tò mò lẫn ngạc nhiên nhìn lòng sông Todd rộng ba bốn chục thước, như con đường cát khô queo, vậy mà giữa lòng sông lại có những cây Gum tree cổ thụ mọc rải rác chẳng biết từ bao nhiêu năm.

Bảng ghi dấu sự tham chiến của quân đội Úc tại Việt Nam cẩn trong gạch lót đường (trái) và trạm điện tín Alice Springs (phải)

Uống hết nửa lít nước thì trạm điện tín hiện ra. Trạm được bảo tồn kỹ lưỡng, lớn hơn trạm Eucla rất nhiều, hiện nay là viện bảo tàng ghi lại những hoạt động truyền tin trong lịch sử. Tại đây có trưng bày rất nhiều dụng cụ máy móc dùng trong ngành truyền tin thời xưa. Vào xem mới thấy tốc độ phát triển chóng mặt trong ngành viễn thông. 150 năm trước đây, thư từ (thường là công văn) trao đổi giữa Úc và Âu châu mất 6 tháng đường tàu (3 tháng đi, 3 tháng về). Từ khi có các trạm điện tín, thời gian này rút lại còn 2 ngày đi và 2 ngày về – rồi cuối cùng xuống còn chưa tới 5 tiếng đồng hồ, qua những trạm chuyển tiếp rải suốt các quốc gia từ Á sang Âu. Và hiện nay… chỉ vài giây đồng hồ cả ngàn trang giấy vừa chữ vừa hình đã từ nơi này bay sang nơi khác bằng một con đường xa hơn xưa rất nhiều (qua các vệ tinh viễn thông)!

Sau trạm điện tín này là điểm đầu của Larapinta Trail, một "track" dài hơn 220km nổi tiếng trên thế giới, chạy luồn trong rặng West Mac Donnell xuyên qua nhiều nơi còn mang dấu tích sinh hoạt tâm linh của thổ dân Aboriginal. Con đường này gồm 12 chặng luồn lỏi vào sâu tới nguồn sông Todd và chấm dứt nơi ngọn Sonder mà người ta còn gọi bằng tên âu yếm là "Ngọn Bà Bầu" vì mang dáng một người đàn bà có thai đang nằm nghỉ, đương nhiên là cùng với một câu chuyện cổ tích huyền hoặc của dân Aboriginal.

Ngọn “Bà Bầu” – Mount Sonder

Sông Todd là con sông kỳ lạ, không chảy ra biển mà đổ vào hồ Eyre tuốt dưới tiểu bang Nam Úc. Mỗi năm chỉ vài tuần có nước lũ từ núi tuôn xuống, cho nên người ta không cần làm cầu cho xe hơi. Đường nhựa bắt ngang lòng sông luôn, chừng nào nước tràn về thì có cổng rào chắn lại, và thế là chỉ còn cách đi bộ hay xe hai bánh, vì những cây cầu hiếm hoi được bắt ngang sông chỉ đủ sức chịu cho những loại phương tiện nhẹ.

Nếu bạn muốn xem cảnh này thì đi trở lại, theo con đường cũ hay bước luôn xuống lòng sông để hưởng cảm giác lạ, và để cảm được lời nhạc của Nguyễn Ngọc Bảo:

Dòng sông không mang con thuyền
Nên đành muôn đời đứng đợi
Để trông bên kia đáy bờ
Để bên đây ta mong em suốt kiếp…
(Dòng Sông Cạn – Nguyễn Ngọc Bảo)

Nếu bạn đi trong lòng sông mà có mang thịt theo thì có thể góp vui với những gia đình Aboriginal đang tụ họp nướng barbecue ngay trên lòng sông, trong bóng râm. Họ chỉ cần có thịt, bia rượu và thuốc lá là vui rồi. Nhưng tôi không có mấy thứ này, nên đi tiếp. Qua vườn thảo mộc chỉ có lèo tèo vài cây vùng sa mạc rồi tới hẻm núi Heavitree Gap nơi con sông Todd băng ngang rặng núi trước khi đổ xuống vùng sa mạc phía nam, rồi thêm chục cây số nữa, vào Desert Park chơi, tức là một thứ sở thú trong sa mạc. Gọi là sở thú cho oai, nhưng nó cũng như Alice Springs, “đi dăm phút lại về chốn cũ”, hết một vòng, chỉ xem được bầy dingo và một khúc rào ngăn chó rừng chưng làm kiểu là mới, còn những con thú khác tôi đã xem phát ngán trong chuyến đi trước. Mấy show biểu diễn chim bay bắt mồi, cho thú ăn trong đó chỉ để cho con nít hay dân lơ tơ mơ coi, thua xa những show ở Âu châu.

Lòng sông Todd, Alice Springs, khúc chảy qua Heavitree Gap

Thực ra, tôi đã biết được khá nhiều điều thú vị trong khu vườn này: trong những chiếc chòi nghỉ mát có treo những tấm bảng ghi những mẩu chuyện có liên quan đến thổ dân Aboriginal. Thí dụ như cách săn và làm thịt con đà điểu emu ra sao, có những chi tiết hay hay, như không được phóng lao từ phía trước vì ức của nó cứng như tảng đá chẳng nhằm nhò gì, rồi trước khi nấu phải đút túm lông của nó vào bụng cho nước thịt ngọt không bị mất, để khi nấu xong thì trút ra và húp rồi sau đó… nên nhờ một người có kinh nghiệm xẻ thịt làm giùm việc này (có lẽ vì con chim này quá lớn chăng!)

Hay biết một phương cách giản dị của thổ dân Aboriginal giải độc khi bị rắn cắn. Nạn nhân sẽ từ từ tìm một nơi có bóng mát, nhờ người khác đào cho một cái lỗ sâu và… nằm yên, đút tay hay chân có vết cắn vào đó, cố gắng ngủ và chờ một vài ngày. Giải thích theo y khoa thì do bình tĩnh nên tim không đập nhanh, và nhờ hơi đất lạnh kéo dài sự lan tỏa của nọc rắn, để cơ thể có đủ thời gian vô hiệu hóa từ từ.

Động vật hoang dã

Nếu bạn có can đảm đi bộ tiếp chục cây số nữa, thì sau khi rời sở thú sa mạc bạn sẽ tới trại nuôi lạc đà Pyndan và có thể nhập bọn cưỡi lạc đà đi một vòng trong khu hoang dã, trong cảnh mặt trời lặn. Nhưng bạn sẽ không còn đủ thời gian trở về đâu. Giữa sa mạc hoang vắng chẳng thể gọi xe, và thực sự cũng không cần thiết phải lặn lội tới nơi. Bạn ngồi nhà, điện thoại hẹn, và họ sẽ vui vẻ cho xe đưa đón tận nơi miễn phí, Alice Springs nhờ nhỏ nên mọi trò vui ở ngoài thành phố đều có dịch vụ này. Lạc đà đi hoang trong sa mạc được anh em nhà chủ trại bắt về, thuần hóa xong, bán cho những ai thích “chơi kiểu” bằng cách nuôi lạc đà thay vì nuôi ngựa cưỡi trong trang trại. Giá bán nghe nói từ 400 tới 4000 AUD tùy theo độ thuần hóa. Con nào cứng đầu không chịu thuần phục thì cho vào nồi. Đi xa vài trăm cây số nữa thì có những trại lớn hơn, là nơi bạn có thể thuê lạc đà đi thành đoàn "lữ hành" caravan cả ngày.

Cưỡi lạc đà lúc hoàng hôn

Tại nhà hàng thịt nướng Overlanders nơi phố chợ Alice Springs bạn có thể gọi món “tứ bửu thịt rừng” ăn khai vị cho biết gồm có: kangaroo, lạc đà, bò rừng và cá sấu, trước khi quyết định con thú nào sẽ phải lên nằm trên vỉ nướng. Tiệm có lối mời chào khách đặc biệt, là tấm thực đơn được in riêng cho mỗi ngày trên giấy giả cổ, phía trên thực đơn có bảng liệt kê vài sự kiện đáng ghi nhớ trong quá khứ xảy ra trong ngày đó. Tấm thực đơn sẽ là món quà lưu niệm cho thực khách sau bữa ăn. Nhưng không qua mắt được dân sành ăn đâu, họ chấm điểm cao hơn cho quán thịt nướng Red Ochre trong Todd Mall. Quả thực vậy, tôi nghĩ chủ quán Cá Sấu Hoa Cà ở Thủ Đức nên làm một chuyến qua Alice Springs, vào Red Ochre gọi một đĩa sườn cá sấu nướng than để học hỏi thêm nghệ thuật ướp nướng. Miễn là có khá tiền, vì đồ ăn thức uống trong sa mạc không phải chuyện đùa.

Hay vào Trung Tâm Loài Bò Sát đối mặt với chú cá sấu nước mặn khổng lồ Terry hơn 25 năm tuổi nặng hơn 200kg và cả trăm con kỳ nhông kỳ đà cắc ké trăn rắn đủ loại, mỗi chiều có nhân viên bắt từng con bỏ vào thùng nhựa, mang cất trong phòng ấm kẻo chúng chết rét!

Xéo bên Reptile Centre này là phòng ghi công và vinh danh những phụ nữ Úc, nằm kế trụ sở của tổ chức Royal Flying Doctors. Nếu không có bộ phim tập cùng tên chiếu trên truyền hình nhiều năm trước thì tôi đã bỏ lỡ dịp biết thêm về một mạng lưới y tế cấp cứu nơi những vùng xa xôi hẻo lánh của Úc, được đảm nhiệm bởi những nhân viên y tế tình nguyện. Trạm Alice Springs là một trạm quan trọng, vì nó phủ gần như toàn vùng sa mạc Úc, và thường phải “xuất quân”, có khi phải điều động máy bay từ trạm khác tới. Giờ đây tôi mới hiểu những khúc đường xa lộ được sửa làm phi đạo hoạt động ra sao. Cũng thích thú nhìn thùng thuốc cấp cứu họ mang theo năm 1958, chai lọ bông băng xếp lủng củng chẳng có hộp ngoài, với các thứ thuốc mà những người đã bước sang nửa sau cuộc đời may ra còn nhớ, như thuốc kí ninh (trị sốt rét), sulfaguanidine (tức Ganidan, trị tiêu chảy), kim tiêm ống chích được nấu đi nấu lại v.v…

Thùng thuốc cấp cứu năm 1958 của toán Royal Flying Doctors

Dĩ nhiên những thứ thuốc giã nọc rắn, nọc nhện, bọ cạp không thể thiếu trong thùng thuốc đeo trên vai. Điều trớ trêu là những con vật độc này lại là loài được bảo vệ, bạn nào du lịch Úc nhớ đừng có khoe những món “độc” ngâm rượu, chiên nướng tại quê nhà hay tại Cambodia cho người Úc nghe.

Những điểm du lịch cũng là núi thiêng

Nếu bạn yêu thích thiên nhiên nhưng không ham trò mạo hiểm vào sâu trong sa mạc hay không muốn ngồi xe lâu thì có thể đi vào khu vườn quốc gia nằm trong rặng West Mac Donnell, cũng có những hẻm núi, hồ nước, rừng cây, chim chóc v.v…, tóm lại cũng đủ mọi thứ để trải nghiệm khung cảnh hoang dã trong vòng một ngày và còn làm được một tập ảnh đẹp mang về khoe với bạn bè. Hay như tôi, đã thử đi chặng đầu trong Larapinta Trail mà chưa hết nửa đã phải bỏ cuộc vì lạc lối và khi đó mới ý thức được là chớ nên đi một mình vào chỗ hoang vu như thế.

Không cần lội bộ, bạn có thể đi hết Larapinta Trail theo kiểu "nhảy cóc" bằng xe hơi, tức là ghé vào những nơi trong tài liệu hướng dẫn ghi là nơi đáng coi dọc theo con đường này. Như hẻm núi Simson Gap có suối nước trong như gương, với xe hơi bạn có thể xem được mặt này rồi chạy vòng ra coi mặt kia. Nơi đây mang vẻ huyền bí, gió lùa từng cơn kêu u u, là chỗ thổ dân Aboriginal dẫn con cháu tới cho chúng cảm nhận sự giao tiếp của đất trời và để kể cho chúng nghe những chuyện cổ tích truyền khẩu của họ. Núi đá Stanley Chasm có những vệt cắt sắc, trơn láng cho thấy những tầng trầm tích đỏ sậm và xám đen của nhiều thời kỳ địa chất. Vực Glen Helen Gorge nơi mà nếu bạn chịu chi bộn tiền thì có thể leo lên trực thăng bay một vòng xem toàn cảnh. Hay ngâm chân trong nước mát lạnh dưới Omniston Gorge hoặc ráng leo xuống chiếc hồ Big Hole tại Ellery Creek nắm tay nhau đi trên những hòn đá nằm chìm trong lòng suối đồng thời cố chụp vài "pô" hình sao cho giống như trong tài liệu quảng cáo giới thiệu vùng này. Tuy nhiên đây có lẽ là ảo tưởng, suối khi thì quá cạn, khi thì quá sâu, bạn phải rất may mắn mới chụp được tấm hình vừa ý. Riêng cảm giác vừa bàng hoàng vừa rờn rợn trước sự hùng vĩ của thiên nhiên thì có.

Simson Gap

Và đương nhiên, khi tới chặng chót, bạn chụp luôn "Ngọn Bà Bầu" nhìn từ xa để có thể so sánh với Hòn Vọng Phu của Việt Nam.

Nhưng đại đa số du khách mới tới Alice Springs lần đầu không phải chỉ để xem rặng West Mac Donnell hay những điểm du lịch vừa kể, mà điểm đến của họ là Uluru - cục đá đỏ Ayers Rock, và Kata-Tjuta, cụm đá thiêng gần đó. Gọi là gần, nhưng cũng hơn 40km, gần một tiếng xe hơi!

Nhiều du khách xem chuyến đi tới Uluru như một cuộc hành hương. Một chuyến đi khá vất vả, rồi tới nơi, sau khi chiêm ngưỡng vẻ hoang dã huyền bí của mấy cục đá thì chẳng còn thú vui gì, ngoài đi bộ trong sa mạc giữa trời nắng gắt. Vì muốn giữ gìn những nét văn hóa của thổ dân Aboriginal, du khách chỉ được phép qua đêm trong khu resort tại làng Yulara, cách Uluru vài chục cây số.

Từ Alice Springs tới Uluru chỉ có một con đường xa lộ dài 462km, xe chạy nhanh cũng mất 6 tiếng và chán vô cùng, hai bên đường chỉ có cát và lơ thơ đây đó những cây còi cọc và bụi rậm gai; và những trạm tiếp vận sóng radio cách khoảng hơn trăm cây số. Bên trái, dọc theo đường xa lộ là một dãy hồ laguna. Có ai đó chơi nghịch, treo mấy bánh xe hơi cũ lên mấy cây khuynh diệp khẳng khiu dọc xa lộ và nó trở thành một tên diễu: cây cao su (rubber tree), cho bạn có cớ vui lên một chút. Có những người đi được hơn ba phần tư đường, ngó sang bên trái thấy xa xa ngọn núi Conner, thoáng nhìn tưởng đã đến nơi, hí hửng tới chụp hình, làm trò cười cho thiên hạ. Sự khác biệt là núi Conner nhỏ hơn và có đỉnh phẳng, còn Uluru có đỉnh tròn.

Bé cái lầm: đây là ngọn Conner (trái). Và “cây cao su” (phải)

Qua được 400km bạn đã có thể thấy dạng núi Uluru từ xa, không thể lầm lẫn được. Do những biến động địa chất nhiều triệu năm, đất bị ép trồi lên thành đá và sau đó bị gió cát bào nhẵn, tuy nhiên nhìn vào kích thước và địa thế quanh vùng, không ai có thể hiểu vì sao tự dưng giữa sa mạc cát mênh mông lại có một cục đá màu đỏ gạch trơn lẳn vĩ đại nổi lên như thế. Duy nhất một khối đá (monolithic), không phải nhiều tảng ghép lại với nhau. Thổ dân Aboriginal gán sự huyền bí vào khối đá này là chuyện tự nhiên thôi.

Tuy trơn nhẵn, hoàn toàn không có chỗ bám víu để leo nhưng bản tính con người là thích chinh phục, nên người ta vẫn tìm cách leo. Theo số liệu, đã có hơn 40 người tử nạn, hoặc do trượt chân khi leo, hoặc do những người hiếu kỳ đẽo đá mang về làm kỷ niệm và làm rớt cuốc hay đá từ trên núi xuống trúng đầu người tới số. Từ xa bạn đã có thể thấy một hàng người nhỏ li ti như kiến đang "bò" lên đỉnh núi đá. Tới gần, bạn sẽ thấy một sự mâu thuẫn. Dân Aboriginal coi cục đá là nơi thiêng liêng, họ tới thờ cúng chứ không ai leo lên, và họ có ghi trên bảng: "Chúng tôi không leo." Nhưng ghi thì ghi, du khách leo thì vẫn cứ leo. Cấm leo gắt gao thì mất khách, tâm linh đã phải nhượng bộ cho vật chất. Một người leo đâu phải chỉ đơn độc, vì còn phải có người đứng dưới chụp hình, chưa kể bạn bè đi theo. Công khó đi tới, leo là cách giải trí và giải tỏa những căng thẳng. Do đó, người ta phải làm bực sơ sài, có chăng dây để nắm mà bước lần lên, và sau đó là "che mắt" cho thiên hạ mặc tình "leo". Một tấm bảng khác ghi đại ý: "Nếu bạn bị nạn thì bạn đã thiệt thòi rồi, gia đình bạn sẽ buồn mà chúng tôi cũng buồn nữa." Thế nhưng đại đa số du khách coi những lời van nài khẩn thiết này như không có. Sự quyến rũ có tấm hình chụp trên đỉnh núi quá mãnh liệt. Duy hiện tại thì có cấm một thứ, đó là chơi drone trong vùng. Hợp lý thôi. Xác máy bay rớt trên đỉnh núi thiêng là một sự phạm thượng có bằng chứng. Còn leo tới nơi, vạch quần đái một phát cho sướng – nếu còn đái được – thì chẳng để lại dấu tích gì.

Còn đây mới là (một góc) của hòn núi đá Uluru, với những du khách đang leo (trái) và một động đá trong núi (phải)

Người nào không muốn mất 3 tiếng leo lên leo xuống với bao rủi ro thì có thể đi theo cái track quanh hòn núi. Track này đi trọn một vòng 10km phải mất 6 tiếng đồng hồ. Người ta khôn khéo lợi dụng một số hang động để làm những điểm giới thiệu vài sinh hoạt tâm linh của dân Aboriginal nơi chặng đầu cho những người sợ con đường cheo leo còn có thể chụp vài tấm hình làm kỷ niệm rồi quay trở ra, vì thế toán đi bộ càng vô sâu càng rớt lần. Lại một điều kỳ lạ. Trước mỗi hang có đặt bảng cấm chụp hình nhưng đèn cứ nháy liên tục để thâu những hình khắc trên vách hang, mặt dù không ai hiểu nghĩa của chúng là gì. Đi bộ những nơi này, hai lời khuyên hữu ích nhất là lúc nào cũng phải nghĩ tới đường trở về, đừng quá cố gắng mà không còn sức trở ra được nữa. Và điều thứ hai là luôn luôn nhớ mang hai chai nước theo. Uống hết một chai là phải tính chuyện có tới đích không hay phải quay về. Trời có thể không nắng gắt, nhưng khi gió sa mạc nổi lên bạn sẽ khát nước rất nhanh, tới mức trong đầu đã cố gắng tự nhủ là "chỉ nhấp môi thôi", vậy mà tới chừng vừa kê chai vô miệng là uống ào ào không kịp thở.

Một ngày trôi qua rất nhanh. Trước khi mặt trời lặn là mọi người lo lật đật chạy ra xa, tới những "điểm tập trung nghỉ chân" cách hòn núi dăm cây số, vừa tầm nhìn. Giờ đây núi phía trước, mặt trời đang lặn phía sau. Từ khắp nơi, xe cộ dồn về tấp nập: xe tour đổ xuống mỗi chiếc mấy chục người, thêm vài chục chiếc xe du lịch nữa là đầy một bãi đậu. Xe tour nào cũng chuẩn bị sẵn đồ nghề, họ nhanh chóng bày lò nướng barbecue, kê bàn xếp ghế thành hàng như trong rạp hát, mang đồ ăn thức uống ra nhậu nhẹt "ăn mừng" rân trời. Xe nhỏ thì kéo thùng lạnh xuống và cùng chung vui, nhộn không tưởng. Trong cái nhộn có cái hồi hộp, chờ xem hòn núi đổi màu. Máy chụp hình được lôi ra, cùng nhắm về một hướng. Do cấu trúc của những tinh thể cát đá, được tạo hóa bọc khéo léo bằng một thứ hợp chất sắt, hòn núi ban ngày màu đỏ nâu, khi mặt trời đang lặn, trong chừng chục phút sẽ sáng lên thành màu đỏ tươi, rồi thành màu vàng chói và ngả xuống thành màu xám đen. Buổi sáng, tiến trình này quay ngược trở lại.

Tôi cũng háo hức chờ và nghĩ sẵn trong đầu một serie hình đẹp, nhưng... quả là xui. Trời bỗng chuyển mây, chuyện họa hiếm trong sa mạc, mà có mây là mọi chuyện tiêu tan. Mọi người tiu nghỉu, đương nhiên chẳng ai nghĩ tới chuyện hôm sau sẽ trở lại để chụp hình. Xem cảnh thiên nhiên, không người canh gác hướng dẫn mà thâu 25 AUD vô cửa, chẳng lẽ chạy xe gần 500km tới rồi lại bỏ về. Một trăm cũng phải bấm bụng trả, nói chi vài chục. Trong tài liệu quảng cáo không có ghi vụ này. Bởi vậy người ta tới nơi rồi, cố leo lên hòn núi bất chấp lời van xin cũng là chuyện không lạ.

Mọi người đang háo hức chờ xem hòn núi đá Uluru đổi màu

Cách Uluru 50km là Kata-Tjuta, một quần thể đá có cùng màu như hòn núi đá Uluru. Những hòn núi tròn lớn nhỏ chen nhau, ngăn cách bởi những vực sâu. Uluru cho người xem một cảm giác thán phục chen lẫn ghê sợ bởi sự hùng vĩ của nó, còn Kata-Tjuta mang vẻ huyền bí hơn. Nơi đây bạn có thể đi vào – tới một giới hạn nào đó cho phép du khách – những hẻm núi, lội xuống những khe nước để chụp hình, có những người nhảy xuống tắm. Những vách núi thiên hình vạn trạng, có những vách đá thẳng tắp láng bóng như núi bị nhát kiếm khổng lồ xẻ dọc. Có những sườn núi nghiêng như sắp đổ sụp. Có những cục đá lớn nằm cheo leo trên vách. Nơi đây cũng là nơi người Aboriginal dẫn con tới, kể cho chúng nghe những truyện cổ tích của họ, dựa trên những truyền thuyết thần bí. Hoặc dậy cho chúng biết cách sinh tồn trong vùng sa mạc, nhận dạng những cây ăn được và cây độc, các kinh nghiệm về săn bắn… Con gái phải học nhiều hơn con trai, nhất là việc nấu nướng vì… chồng mang về thứ gì là phải biết nấu thứ đó.

Một góc của quần thể núi đá Kata-Tjuta

Nếu bạn thích đi bộ trong những vực núi thì có thể đi lên phía bắc Uluru và Kata-Tjuta chừng 300km, tới Kings Canyon, nơi được sách du lịch mô tả là đẹp tuyệt vời. Tuy nhiên, cũng vì những hạn chế (nơi này cũng là đất thiêng của dân Aboriginal) khi du lịch trong vùng này, nên tôi bỏ qua, với ý nghĩ là công khó và tiền bạc không xứng đáng với cái thú ngắm cảnh, khi so sánh nơi này với Grand Canyon ở tiểu bang Arizona, Hoa Kỳ.

Thổ dân Aboriginal và những vấn nạn về văn hóa

Có nhiều tranh cãi về định nghĩa: ai là “Aboriginal”, nhưng trong bài này, Aboriginal mang nghĩa những thổ dân đã sinh sống trên lãnh thổ Úc Đại Lợi hàng ngàn năm trước đây, tức trước khi Úc có tiếp xúc với người Âu châu.

Aboriginal là tên chung, trên thực tế, vì nước Úc quá rộng lớn nên có rất nhiều bộ lạc thổ dân với tên riêng của họ. Trong công việc hành chính, để cho tiện, nhiều bộ lạc lại được gom thành từng nhóm với tên cho cả nhóm, tương đối dễ gọi dễ nhớ hơn tên nguyên thủy. Aboriginal vốn là tính từ, danh từ đúng là Aborigines – hay Aboriginal people, nhưng Aboriginal do quen miệng nay đã trở thành danh từ chỉ thổ dân Úc. Những thổ dân Aboriginal trong vùng Uluru và Alice Springs thường được gom chung bằng tên Anangu, nhưng nếu phân tích rộng ra thì họ thuộc nhiều bộ lạc khác nhau như: Pitjantjatjara, Pintupi-Luritja, Luritja, Ngaanyatjarra, Ngaatjatjarra, Yankunytjatjara…

Những người da trắng đến Úc đầu tiên bằng con đường hàng hải. Từ vùng biển, họ lấn chiếm lãnh thổ lần lần, qua con đường đổi chác vật dụng lấy đất đai, không xong thì dùng võ lực. Thổ dân Aboriginal lần lần bị đẩy vào vùng giữa khô hạn và có nhiều núi non. Họ sống trong những hang động trong núi, hầm ngầm dưới đất. Trong tiến trình phát triển của văn minh nhân loại, dân Aboriginal đã nhận thức vị trí đích thực họ phải có. Họ liên tục tranh đấu đòi lại đất bị cướp, hay ít ra một sự bình đẳng trong đối xử và buộc chính phủ Úc phải trả lại những di sản văn hóa cho họ. Người da trắng (chính phủ Úc) trong nhiều thập kỷ qua đã có những bước nhượng bộ đáng kể. Nhiều vùng lãnh thổ nay được công nhận là vùng đất riêng của thổ dân Aboriginal và họ có được một số quyền trong việc điều hành trong những vùng đó. Hòn núi đá tại Uluru trước kia mang tên Ayers Rocks, quần thể núi đá Kata-Tjuta trước đây mang tên The Olgas giờ trả về tên nguyên thủy. Cả một vùng sa mạc rộng lớn này vốn là vùng đất thiêng của dân Pitjantjatjara, quyền cai quản và khai thác đã được trả lại cho họ. Trên toàn nước Úc có nhiều khu tự trị như thế, có những khu đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa.

Gần Kata-Tjuta một trung tâm giới thiệu lịch sử và văn hóa của thổ dân Aboriginal được thành lập (Uluru-Kata Tjuta Cultural Centre). Trung tâm rất lớn, có nhiều tài liệu ghi chép “lịch sử Úc theo cách nhìn của người Aboriginal”, có những đoạn kết tội hay châm biếm, người da trắng đọc tới chắc đỏ mặt. Trên tường có viết những câu chuyện cổ tích mang vẻ huyền bí, những con thú hóa thành người, núi đá thiêng v.v…. Một số đồ thủ công mỹ nghệ được trưng bày, họa phẩm, sinh hoạt của người Aboriginal qua hình ảnh. Nhiều nhưng phải ráng đọc, ráng nhớ, vì hoàn toàn không được phép chụp hình trong phạm vi trung tâm. Tôi có thắc mắc là xem những hình chụp cảnh sinh hoạt thì chỉ thấy trẻ em và người lớn tuổi, rải rác đây đó có hình thanh niên, tuyệt nhiên không thấy ảnh thiếu nữ. Đem chuyện này hỏi người ngồi bàn hướng dẫn, họ cũng không đưa ra được câu trả lời thỏa đáng.

Trung tâm văn hóa Uluru - Kata Tjuta được thiết kế cho bạn không thể chụp được tấm hình nào

Một thói tục của dân Aboriginal làm công việc nghiên cứu lịch sử gặp trở ngại. Đó là khi một người qua đời, gia đình phải cố thâu hồi tất cả những hình ảnh của họ lại vì những vật đó cũng thuộc về người quá cố. Trong những viện bảo tàng, rất thường gặp một khoảng trống trên tường với ghi chú “theo yêu cầu của thân nhân, vật thể đã được trao lại cho gia đình”.

Nghệ thuật cổ của dân Aboriginal đặc sắc nhất là những bức vẽ bằng than và phấn đá, những hình chạm khắc trên tường hang động hay trên vách núi; và tranh vẽ bằng những chấm sơn theo những biểu tượng riêng của họ. Tại khu trung tâm thương mại của Alice Springs có nhiều nhà bán tranh và nghệ phẩm của người Aboriginal, nhiều nhất là những món đồ rẻ tiền: cây boomerang, đồ đất nung, tượng v.v…. Lớn hơn thì có những vật trang trí trong nhà bằng gỗ, cây “tù và” didgeridoo, và đương nhiên là những bức họa, từ nhỏ bằng bàn tay tới cỡ chiếm đủ một vuông tường lớn. Những đồ vật nhỏ, rẻ tiền xem ra là do Trung Quốc nhái, làm theo đơn đặt hàng. Cách nhận biết khá dễ là cây boomerang, thứ mắc tiền có bảo đảm khi quăng ra thì nó sẽ quay trở lại. Phía sau nhiều phòng tranh có “xưởng vẽ” cho khách xem tận mắt những nghệ nhân đang gò lưng sáng tác. Với động tác chính xác, họ dùng cọ chấm sơn và nhanh chóng chấm lên tấm vải căng đặt dưới đất. Những bức vẽ này, cũng như những bức chạm trong hang động ít mang dấu nghệ thuật thuần túy theo nghĩa hội họa cận đại. Chúng thường chuyên chở một lời nhắn nhủ, một bài học hay một hướng dẫn nào đó. Mua bức tranh của thổ dân Aboriginal không phải chỉ thuần túy là mua một tác phẩm nghệ thuật, mà mang ý nghĩa là nghệ nhân gởi gấm câu chuyện lồng trong bức tranh cho bạn để bạn tiếp tục phổ biến nó cho mọi người. Những bức tranh vì thế bao giờ cũng có kèm theo một bản tóm tắt ý nghĩa. Ngoài phố thì có những người Aboriginal ngồi vẽ tranh bán ngay cho người qua lại, giá rẻ, nhưng chỉ nhìn thoáng qua cũng thấy đa số là vẽ nhăng vẽ cuội, cướp thời gian.

Trong cuộc sống hàng ngày, thổ dân Aboriginal được hưởng nhiều ưu đãi. Tại Alice Springs có những khu gia cư dành riêng cho họ. Có trung tâm sinh hoạt Anangu ở ngay góc phố chính, nhà trọ riêng cho họ cách đó không xa. Có văn phòng của những hội đoàn bảo vệ quyền lợi cho dân Aboriginal, họ có lịch sinh hoạt với những buổi bàn thảo với chính quyền địa phương. Dường như chính phủ Úc phần nào cảm thấy xấu hổ vì sự bạc đãi mà thổ dân phải chịu nhiều trăm năm qua. Và mặc cảm do quan niệm một chiều hồi đi chiếm thuộc địa là “người da trắng là nhất, họ có sứ mạng khai hóa thổ dân những vùng thuộc địa.” Những điều xưa kia người ta cho là mê tín thì nay trở thành những chuyện chấp nhận được, hay phải chấp nhận để tranh thủ tiếng tốt trong cuộc chơi toàn cầu. Úc chính thức công nhận là dân Aboriginal có những nét văn hóa đặc thù riêng của họ, và thấy cần phải tôn trọng nó. Để lấp mặc cảm phạm tội, chính phủ Úc đổ tiền vào những công trình phúc lợi cho thổ dân, công tác huấn nghiệp và tìm việc để cho họ cảm thấy cũng được bình đẳng. Nhưng theo tôi, nhiều người Aboriginal hành xử như trẻ con. Họ không biết lợi dụng cơ hội đó để tiến lên theo chiều hướng “văn minh”. Đúng ra, do phong cách sống của họ, là sinh tồn. Thiếu thì đi săn, đủ thì ở nhà. Họ không thích chôn chân trong căn phòng tù túng, mà muốn ngồi ngoài thiên nhiên hóng gió, nói chuyện với bà con hàng xóm. Giờ đây họ được ưu đãi nhiều, sinh ra tật ỷ lại, ngồi chơi mà không chịu làm. Trong những cơ quan rất ít thấy thổ dân. Ngoài đường ở Alice Springs thì người Aboriginal nhan nhản, tụ tập pick nick ăn nhậu – được cái họ không to tiếng. Thêm vào đó, thổ dân Aboriginal không canh tác, cho nên họ cũng chẳng biết cách làm rượu gạo hay rượu nho. Người da trắng mang rượu vào, một hình thức dụ dỗ lẫn ru ngủ, như chuyện ngầm khuyến khích sử dụng thuốc phiện và rượu mạnh ở Việt Nam thời thuộc địa Pháp. Giờ đây, họ có tiền, đâm ra rượu chè say xỉn, bao nhiêu trợ cấp cũng không đủ. Họ đi lang thang, với bộ dạng dễ nhận, đã gây ấn tượng xấu. Tiếp theo đó là những tệ nạn do rượu và túng thiếu phát sinh. Để ngăn chặn tật say sưa, Úc liên tục tăng giá thuế đánh vào bia rượu, nhưng chính sách này lại đánh vào túi tiền dân Úc. Khi đi dạo phố tại Alice Springs, nhiều lần tôi bị chặn lại bởi những người thổ dân hỏi xin tiền ăn trong khi người họ nồng nực mùi rượu. Ấn tượng mạnh nhất trong chuyến du lịch Alice Springs chính là những dấu hỏi cấy vào đầu tôi: người dân Việt phải có thái độ ứng xử ra sao khi tiếp cận với những nền văn hóa “lạ” để con người không bị mê mờ bởi những cám dỗ hời hợt bên ngoài. Trong quá khứ, dân Việt đã có những lầm lẫn, nhưng không hiểu dân mình đã học được bài học nào chưa.

Nguyễn Hiền


Cái Đình - 2017