Nguyễn Hiền


Du lịch Nepal, những ngộ nhận kỳ thú

Viết vào thời điểm 1 € = 120 RS, 1 USD = 110 RS.

Khi nói đến Nepal hoặc Ấn Độ người Việt mình thường nghĩ ngay tới “xứ Phật”. Tuy nhiên, bài du ký này không đi nhiều vào các chi tiết chùa chiền hay các Phật tích. Đây là chuyến du lịch, không phải cuộc hành hương. Ngoài ra, với số vốn kiến thức về Phật giáo giới hạn, không đủ để làm thành một bài đi sâu vào chi tiết, và cuối cùng, hẳn nhiều người cũng tò mò muốn biết Nepal có gì lạ, không lẽ chỉ có đền chùa mà thôi sao.

***

Nepal là một nước nhỏ nằm kẹp giữa hai anh khổng lồ là Trung Quốc phía bắc và Ấn Độ phía nam. Diện tích bằng gần nửa nước Việt Nam, với dân số xấp xỉ 30 triệu. Nepal bị hai anh khổng lồ chèn hai bên có thể hiểu theo nghĩa đen: quốc gia này nằm ngay đường nối hai mảng lục địa đang xáp lại gần nhau: mảng Ấn Độ phía nam đang chùi xuống bên dưới mảng Á-Âu phía bắc, sự chuyển dịch này đã tạo ra rặng Hy Mã Lạp Sơn. Theo tính toán của các nhà địa chất, cứ khoảng 750 năm Nepal lại chịu một trận động đất lớn. Và điều đó vừa xảy ra năm 2015, đúng theo chu kỳ. Nhiều khu dân cư bị thiệt hại nặng, nhà cửa đền đài cung điện cũng chịu chung số phận chứ chẳng có phép lạ nào xảy ra. Nơi thì sụp mái, nơi sạt một góc, nơi chỉ còn một đống cây ngổn ngang hay đống gạch vụn. Trông cảnh hoang tàn mà chỉ biết chắt lưỡi thở dài. Bốn năm trôi qua mà dường như chưa được tái tạo bao nhiêu. Nhà dân thì dễ. Đền đài cung điện, vì là di tích lịch sử đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới, cho nên bắt buộc phải xây cất lại theo cách cổ truyền. Hai trở ngại lớn là không được dùng xi-măng và không còn mấy người giỏi nghề chạm khắc gỗ như xưa. Ngoài ra, chuyện này khó thực hiện trong thời nay, khi người dân còn trăm ngàn thứ khác phải lo ngoài những sinh hoạt tâm linh.

Kathmandu, đền chùa và ngọn Everest

Khi chưa đặt chân tới Nepal, thủ đô Kathmandu trong trí tưởng tượng của tôi hẳn sẽ phải là một thành phố núi, hoang sơ, dân cư thưa thớt. Khi máy bay đáp xuống phi trường Tribhuvan, thấy cảnh quan vắng vẻ như Tân Sơn Nhứt hơn nửa thế kỷ trước, tôi vẫn tưởng như vậy…. Để rồi lầm to khi xe bắt đầu đi vào thành phố. Kathmandu thế kỷ 21 hỗn độn, xe cộ đan xen tứ tung, khói bụi mịt mù, trời mưa thì bùn đất lầy lội. Đường xá mấp mô ổ gà, sửa chỗ này vá chỗ nọ, rác rưởi tràn lan, gạch đá vất lỏng chỏng. Nhà cửa xiêu vẹo, hàng quán xập xệ, người dân ít chưng diện áo quần màu mè, nhiều người đi xe gắn máy mang khẩu trang…. Nếu phải lấy một hình tượng cụ thể so sánh, có lẽ nó giống những vùng ven đô Saigon hơn chục năm trước. Nhưng có hai điều rất khác: xe cộ không bóp kèn tin-tin liên tục, và hàng quán không có đám dân nhậu ngồi quanh những bàn đầy bia và đồ mồi đưa cay như ở Saigon. Tuy vậy, vấn nạn không khí ô nhiễm ở Kathmandu có thể thấy rất rõ qua những đám khói đen từ xe hàng xịt ra và mùi dầu diesel sộc vào mũi khi chúng đi qua. Tổ chức Airvisual, trong báo cáo về ô nhiễm không khí năm 2018, qua khảo sát thực hiện tại hơn 3000 thành phố lớn thuộc 73 quốc gia về mật độ bụi mịn PM2.5 (bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micron) đã sắp Kathmandu đứng hạng 99, ô nhiễm hơn cả Hà Nội (hạng 209) và Saigon (hạng 415). Để so sánh với một số thủ đô: Washington hạng 2156, Amsterdam hạng 1617, Paris hạng 920…

Thành phố đang vào mùa Nam Á Vận Hội (SA Games) lần thứ 13, các trận thi đấu diễn ra ở thủ đô Kathmandu và tại Pokhara, thành phố lớn thứ nhì. Xe đi ngang nhiều cổng chào và biển quảng cáo hai bên đường. Nhờ vậy tôi mới biết có cái SA Games này, ngoài cái SEA Games (Đông Nam Á Vận Hội) thường nghe. SA Games lần này có 7 quốc gia trong vùng tham dự. 7 quốc gia này, cộng thêm Afghanistan (không tham dự vì lý do chiến tranh) hợp thành khối SAARC (South Asian Association for Regional Cooperation – Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á). Chỉ có 8 thành viên mà lại là tổ chức hợp tác kinh tế chính trị lớn nhất hành tinh với 1,5 tỷ người, lý do đơn giản là chỉ riêng Ấn Độ đã có hơn 1,3 tỷ! Có thấy con số, mới hiểu Nepal bị kẹp như thế nào giữa hai anh khổng lồ Trung Quốc và Ấn Độ. Có lẽ để chứng tỏ ta đây thật sự độc lập, Nepal áp dụng một thứ giờ rất quái dị, khác hẳn các nước trong vùng, là GMT+5:45. Có lẽ đây là quốc gia duy nhất trên thế giới dùng giờ lệch 15 phút so với múi giờ.

Phía bắc, giữa Nepal và xứ Tây Tạng là ranh giới thiên nhiên, đỉnh rặng Hy Mã Lạp Sơn, tạm gọi là yên, cho dù rặng núi này qua những biến động địa chất vẫn đang cao thêm và trôi dần xuống phía nam. Còn ranh giới giữa Nepal và Ấn Độ thì mơ hồ hơn. Ấn Độ luôn tìm cách lấn chiếm lãnh thổ hai lân bang phía tây bắc là Pakistan và Nepal. Những vụ tranh chấp đất đai này rất hiếm khi được quốc tế chiếu cố: Nepal không có gì để thế giới phải chịu tốn nước bọt nhúng tay vào. Có một thời Ấn Độ đã khóa đường dẫn dầu, “cho mày biết tay ta”, khiến Nepal nửa năm khốn đốn. Không có dầu, tức là mọi sinh hoạt tê liệt. Điện phân phối nhỏ giọt. Người dân phải dùng đèn đốt bằng bơ trâu yak thay đèn điện hay đèn măng sông. Nước phải ra sông ra giếng hay chờ mưa xuống hoặc xe bồn phân phối (hiện tại xe bồn vẫn còn phải mỗi ngày chở nước đến cho các khách sạn vùng ngoại ô Kathmandu). Xe cộ phải mua xăng giá chợ đen mắc gấp 10, rồi bệnh viện, hãng xưởng… cũng ì ạch. Thời gian “blackout” này, nghe người dân kể lại, theo tôi, chỉ khá hơn thời bao cấp ở Việt Nam chút xíu. Và khi mối xung đột tạm được hàn gắn thì lại gặp nạn câu điện trộm khủng khiếp của toàn xã hội, cộng thêm tham nhũng, thế là lại “blackout” triền miên, tức là mọi người chẳng biết khi nào có điện, khi nào mất điện. Tình trạng này kéo dài tới 10 năm, đến năm 2016 chính phủ mới tạm ổn định được tại thủ đô Kathmandu và thành phố thứ 2, Pokhara. Hiện nay, nhiều ngã tư trong trung tâm thủ đô Kathmandu vẫn có cảnh sát đứng trong “chuồng chim” chơi trò chim bay cò bay chỉ đường y như Saigon thuở chưa có tv. Tình trạng thấp thỏm vì điện và sự lệ thuộc anh ngoại bang không tốt bụng về vấn đề xăng dầu khiến cho việc cơ giới hóa nông nghiệp không thể tiến hành được. Vẫn là trâu bò kéo cày, vẫn là gặt và đập lúa với sức người. Các khách sạn tại Nepal không làm thang máy cũng vì lý do đó. Bù lại, nhân viên khách sạn – nhất là các khách sạn hạng sang – rất sốt sắng, họ có thói quen chờ khách cho tiền típ sau khi mang hành lý lên phòng ngay khi check in xong và mang xuống trước khi check out. Đành chịu thôi. Nhất là khi bạn mướn phòng ở trung tâm thành phố, phải xuống xe đi bộ leo dốc vài trăm thước với hành lý lỉnh kỉnh, thì vài đô có nghĩa lý gì, cứ để cho họ vác.

Một đất nước không có nguồn lợi gì đáng kể – ngoài dịch vụ du lịch mới nở rộ hơn chục năm nay, cũng có lợi điểm. Nepal là quốc gia duy nhất trong vùng không bị vướng vào cuộc chiến tranh chiếm thuộc địa của các đế quốc Âu châu. Quốc gia này mới từ bỏ chế độ quân chủ 30 năm nay, chấm dứt thời gian dài mấy chục vương quốc tí hon tranh giành quyền lực. Trong bước đầu chật vật xây dựng nền móng cộng hòa, người dân Nepal chưa thấy một tương lai sáng sủa. Chẳng lẽ con cháu họ lại lặng lẽ nối nghiệp nông gia, hay làm công quả cho đền chùa, hoặc khá lắm là làm trong ngành du lịch? Ngoài đường có treo nhiều pa-nô quảng cáo dịch vụ môi giới đi học ở nước ngoài: Nhật, Anh, Ấn…. Người ta cố gắng cho con học trường tư, khá hơn thì lo cho vào trường nội trú (board school), để tiếp theo là tìm chỗ học lên bậc đại học ở nước ngoài và khi tốt nghiệp kiếm cách xoay xở ở luôn nơi đó. Đây là vấn nạn lớn của Nepal, theo như những gì tôi nghe được trong câu chuyện, với một kết luận bi quan là quốc gia thiếu trầm trọng nhân lực có trình độ cao, và đó có lẽ phần nào giải thích vì sao nhiều công trình xem ra có vẻ tạm bợ chắp vá. Tuy nhiên, nhìn chung, xã hội toát ra vẻ yên bình, không đua chen. Phải chăng vì không bon chen, cho nên không tiến nhanh được? Hãy tranh luận về vấn đề này với các tu sĩ Ấn giáo và Phật giáo!

Thủ đô Kathmandu là 1 trong 3 cố đô lớn, bên cạnh Bhaktapur và Patan, ba nơi nằm không xa nhau, cùng trong phạm vi thung lũng Kathmandu, lọt thỏm trong một góc của dãy Hy Mã Lạp Sơn. Những kinh đô của Nepal đều có một khoảng sân rộng có tên gọi chung là Quảng trường Hoàng gia (Durban square), nơi tập trung các lâu đài, đền chùa lớn – cùng những sinh hoạt ăn theo không thể thiếu như nhà hàng, quán trọ (vì các nhà trong phố cổ không được phép thay đổi cấu trúc xây cất nhiều cho nên họ không thể làm khách sạn), tiệm bán đồ lưu niệm…. Muốn vào những khu này, cũng như vào thăm những điểm du lịch, đều phải mua vé. Vé vào cửa có hai ba hạng. Dân Nepal và cư dân khối SAARC được hưởng giá ưu đãi, vài nơi du khách Nepal không cần mua vé. Ngay giữa Quảng trường Hoàng gia Kathmandu có một điểm đứng mà ta – nếu may mắn có người hướng dẫn đi theo dẫn giải – có thể thích thú đứng đó chụp một tấm hình độc đáo: ba biểu tượng tôn giáo của Nepal chung sống với nhau: đền Ấn giáo, chùa Nepal và chùa Tây Tạng, may mắn là cả ba không bị hư hại nhiều trong trận động đất, và đã được tu bổ ngay.

Hình trái: Một góc quảng trường Hoàng gia Kathmandu, với chùa Nepal (trái), đền Ấn giáo (phải) và ở xa phía sau là chóp bảo tháp của chùa Tây Tạng.
Hình phải: rặng Hy Mã Lạp Sơn nhìn từ máy bay chở du khách

Không được may mắn như thế, quần thể hoàng cung Hanuman Dhoka, bao gồm các tòa cung điện của triều đại Malla, điểm biểu tượng của Kathmandu, đổ nát hoang tàn. Ba quốc gia: Hoa Kỳ, Nhật và Trung Quốc đang bỏ tiền xúc tiến kế hoạch trùng tu lại, mỗi nước phụ trách một góc, nhưng tiến độ xem ra uể oải như công trình xây nhà thờ Sagrada Família ở Barcelona (tới nay gần 140 năm vẫn chưa xong). Những ông vua nằm dưới mộ hẳn đang cười nhạo chế độ đại nghị, và nghĩ thầm: phải như ta còn sống thì dân đang cắm đầu cắm cổ xây lại lâu đài đền chùa chứ đâu có bỏ bê như vậy! Tại góc do Trung Quốc phụ trách, chính phủ có cho dựng một khu triển lãm trưng bày nhiều hình ảnh và vật dụng ghi lại những hình ảnh quần thể này cho du khách có thể so sánh. Tóm lại, dấu ấn của trận động đất 4 năm trước vẫn còn ghi đậm khắp nơi, thật ngậm ngùi cho cuộc bể dâu.

Nhưng xét cho kỹ, sau khi đi xem nhiều chỗ, thì thấy dân Nepal không bê trễ trong việc tu bổ các phế tích sau trận động đất. Theo tôi, chính phủ đã cố ý lựa chọn, dành ưu tiên cho các đền chùa miếu mạo, nhất là những nơi mang bộ mặt của thành phố. Điển hình là các ngôi đền chùa vừa kể trên, chúng gần như đã trở về nguyên trạng, trong khi đền chùa nơi làng hẻo lánh thì bỏ phế, một phần cũng vì chúng quá nhiều. Còn cung vua, dinh nhà quan v.v…, chuyện đó để sau. Rất có thể vì dân cho rằng đền chùa mới là những nơi phục vụ trực tiếp đời sống tâm linh hàng ngày của họ, cho nên dốc sức ra làm, cũng là một cách tạo phước. Bảo tháp Boudhanath cách trung tâm Kathmandu hơn 10km về mạn đông bắc là một thí dụ. Đây là bảo tháp lớn nhất châu Á, lớn tới mức khó mà chụp được một tấm toàn cảnh. Bảo tháp, theo di vật mà các nhà khảo cổ còn tìm được có lịch sử hơn 1500 năm, theo thời gian lớn lần lên mỗi khi được trùng tu, cho tới khi đạt kích thước hiện giờ. Ngạc nhiên thấy tòa tháp quá sạch sẽ như có người lau chùi thường xuyên, trong khi không ai được phép leo lên tháp, đến khi hỏi ra tôi mới biết tòa tháp này khi đó đã bị sụp phần trên và mọi nơi nứt rạn, nhưng chỉ một năm rưởi sau nó đã được tái tạo. Đây là một trường hợp rất hiếm, khi mà xá lợi cất bên trong bắt buộc phải tạm di dời ra ngoài. Các bảo tháp là một kiến trúc đặc ruột, chứa xá lợi ở trung tâm. Bảo tháp ở Nepal có kiến trúc hình vòm và trơn, màu trắng, đơn giản, khác với bảo tháp ở Indonesia thường bằng đá đen có kiến trúc hình chuông với nhiều hoa văn khắp nơi. Bên trong vòng thành bao quanh Boudhanath mọi người sì sụp bò dài vái lạy, có chỗ cho thuê nệm lót và gối kê. Chung quanh Boudhanath là một vòng phố với các cửa tiệm bán quần áo, đồ kỷ niệm, tiệm ăn…, trong đó có tiệm ăn Việt Nam (Phở 99) của hai chị em Võ Thị Kim Cương/Kim Ánh, hai bà đã lập được một chuỗi tiệm ăn cùng tên tại Nepal, như vậy chắc hẳn làm ăn cũng khấm khá.

Bảo tháp Boudhanath (nath có nghĩa là đền/chùa) cùng với bảo tháp Swayambhunath – có tên phổ thông là “chùa Khỉ” vì có đàn khỉ mấy trăm con sống trên đó, là hai thắng tích Phật giáo tại Kathmandu mà du khách không thể bỏ qua. Swayambhunath nằm trên một ngọn đồi vùng phía tây Kathmandu. Tục truyền thuở xa xưa, nơi này là một cái hồ rộng bao la. Giữa hồ tự dưng nổi lên một đóa sen. Khi ấy, một vị thần trên núi gần đó nghe tin đã đến chiêm ngưỡng và cúng bái. Nhận thấy nơi đây là chốn linh thiêng, và để cho mọi người có thể dễ dàng đến hành lễ, ngài đã dùng kiếm chém vào núi đá để tạo thành một hẻm vực. Nước hồ tự dưng rút xuống thành thung lũng Kathmandu hiện giờ, cây sen nổi lên thành ngọn đồi và đóa sen biến thành bảo tháp mà người ta gọi là Swayambhunath, có nghĩa là “chùa tự sinh”. Theo truyền thuyết khác, A Dục Vương Đại Đế mới chính là người đã khiến dân xây lên ngọn bảo tháp.

Dù sao đi nữa, đây chỉ là huyền thoại được truyền tụng, nghe hướng dẫn viên nhắc đi nhắc lại tên vị thần là Manjushri, rồi thấy nơi đây có nhiều tiệm và hàng quán mang tên này hoặc tên “monkey”, thì tự dưng nhập tâm chứ lúc đó không chú ý, rồi một hôm rỗi rảnh tôi tra cứu xem thêm, mới biết Manjushri chính là Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, và ngài đã cưỡi sư tử tới (sư trong tên ngài không có nghĩa là sư tử)! Bởi vậy, có khi đi giữa đường gặp Phật khi nào mình cũng không biết. Và truyện kể rằng bồ tát Văn Thù Sư Lợi không cạo đầu nên chí tới bu trong tóc, những con chí sau này trở thành lũ khỉ tại đây mà người dân cho là khỉ thiêng! Nhưng khi đó chúng tôi đã rời Swayambhunath rồi, không thể quay trở lại để xem tiếp các chi tiết, dù sao cũng khó vì mọi chữ khắc trên tháp đều là chữ Nepal, các bảng giới thiệu, chỉ dẫn không có, họ làm như du khách nào cũng phải biết rõ lịch sử và ngôn ngữ bản xứ vậy.

Quanh bảo tháp, sát bờ tường có vòng rào thép gắn những bánh xe cầu nguyện bằng đồng. Trên mỗi bánh xe có khắc chữ, chắc là một câu chú. Khách thập phương nối đuôi nhau đi quanh bảo tháp theo chiều kim đồng hồ để cùng quay chúng (đi thăm các bảo tháp, theo tập tục, bắt buộc đi theo hướng kim đồng hồ). Anh hướng dẫn nói là nếu mỗi ngày quay một chiếc và đọc một kinh, thì cả năm sẽ đi giáp một vòng. Nhưng thú thực, mấy ngày liền óc đã phải nhận liên tục những thông tin về đền chùa, mình đã không chú ý cho nên cũng chẳng muốn đếm xem có đúng như vậy không. Lũ khỉ đông đảo, leo trèo len lách khắp nơi, vậy mà chúng không giở trò ma đầu cướp giật như lũ khỉ tại Bali, Indonesia.

Bảo tháp Boudhanath nhìn từ sân thượng của một nhà hàng trong khu (trái)
và hàng bánh xe cầu nguyện quanh bảo tháp Swayambhunath (phải)

Hai bảo tháp này, cộng thêm khu vườn Lâm Tỳ Ni phía nam giáp ranh Ấn Độ – nơi đức Phật Thích Ca ra đời; và Phật tích tại Namo Buddha – có tảng đá ghi dấu nơi được cho là tiền thân của đức Phật Thích Ca đã hiến mình cho cọp đói để cứu đàn con vừa sinh đang nằm thoi thóp vì cọp mẹ không còn sức đi kiếm đồ ăn (hiện vẫn còn tranh cãi là điểm này nằm ở Nepal hay Pakistan – nơi đây cũng có cùng một Phật tích); là bốn Phật tích nổi tiếng nhất của Nepal. Còn những chùa nhỏ khá nhiều, nằm rải rác khắp nơi. Tuy nhiên, số lượng chùa không thấm vào đâu so với số đền Ấn giáo. Theo thống kê cuối cùng, lập năm 2011, 81% dân Nepal theo Ấn giáo trong khi chỉ có 9% theo Phật giáo. Ấn giáo trong khu vực Á châu này là một tôn giáo đã ăn sâu vào văn hóa quần chúng, thấm vào đời sống thường ngày, tạo thành những lễ nghi tập tục xã hội, giống như Thần Đạo ở Nhật Bản. Ngoài ra, khi đi sâu thêm một chút vào Ấn giáo, ta cũng nên biết là từ “Ấn” ở đây (hay Hinduism) không có nghĩa là “xứ Ấn độ”, mà từ này nguyên thủy có nghĩa là “ngoại đạo” (ám chỉ những người không theo đạo Christ và đạo Hồi). Ấn giáo có nhiều chi nhánh khác nhau. Bài du ký này chỉ bàn đến nhánh Ấn giáo của vùng Nepal, Ấn Độ và Tibet, trong kinh sách ghi là Bà-La-Môn giáo có lẽ đúng nghĩa hơn. Thí dụ, xưa kia, sắc dân Newar cư ngụ đông đảo ở Kathmandu, họ có những nghi thức tôn giáo riêng, tại Nepal còn có những đền riêng cho sắc dân này thờ những thần của họ, như đền Taleju ở Kathmandu và Bhaktapur, và những căn nhà dành cho nữ thần Kumari (Kumari Ghar). Tại Kathmandu đây là một điểm đặc sắc không nên bỏ qua, vì nó cũng nằm trong phạm vi Quảng trường Hoàng gia và không bị hư hại nhiều. Nữ thần đương thời Kumari được tín đồ Ấn giáo xem như một người nữ đặc biệt được nữ thần Taleju nhập vào, và khi cô gái này lần đầu có kinh (hoặc bị thương tích chảy máu) cũng là lúc thần Taleju thoát ra khỏi thân xác để tìm cách nhập vào một cô gái đồng trinh khác. Các cô Kumari được tuyển chọn qua một thể thức khắt khe, phải hội đủ một số tướng tốt, và phải chứng tỏ được đức tính can đảm bẩm sinh. Cô được giữ kỹ trong một căn gác, có người phục dịch chăm sóc, và thỉnh thoảng được đưa ra ngoài ngồi trong kiệu rước đi một vòng phố. Người ta nói thường thì khoảng 4 - 5 giờ chiều các thị vệ đưa cô bé ra, mà hôm có hôm không. Thôi thì trái giờ, không xem được, mà cũng chẳng hay gì, vì họ cấm tuyệt đối không được chụp hình cô bé (thần còn sống là bực linh thiêng).

Đền Taleju ở Kathmandu (trái) và căn gác thượng nơi cô Kumari ở (phải)

Ngoài đền chùa, nhiều người ưa núi non đến Kathmandu để trải nghiệm sự thử thách qua các cuộc leo núi hay đi bộ trong dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya). Trong số 10 ngọn núi cao nhất thế giới thì có 7 ngọn nằm (toàn phần hoặc một phần) tại Nepal, tất cả đều thuộc dãy Hy Mã Lạp Sơn. Điều ngộ nghĩnh là dân vùng này không phát âm được vần -rest, vì thế người Nepal gọi ngọn Everest là Sagarmatha (vầng trán trên bầu trời), còn người Tây Tạng gọi nó là Chomolungma (thánh mẫu của các ngọn núi), là những tên mang ý nghĩa văn hóa, thân quen với dân nhiều hơn là tên của một nhà địa lý ở một quốc gia Âu châu xa lạ!

Du khách nào mới đặt chân đến Kathmandu cũng háo hức muốn xem tận mắt và chụp vài tấm hình ngọn núi Everest tuyết phủ làm kỷ niệm. Thực tế không đơn giản như vậy. Ngoài khoảng cách hơn 200km đường chim bay từ Kathmandu tới đỉnh ngọn Everest, dãy Himalaya thường bị mây che giữa chừng, rất họa hiếm mới có một ngày vào sáng sớm tinh mơ, trời quang mây tạnh cho bạn có ít giờ ngắn ngủi xem dãy núi chập chùng sáng lên trong ánh bình minh, và sau đó may ra bạn biết được đâu là ngọn Everest. Đó là do ảo giác. Ngọn Everest ở rất xa, khi lên hình thì trông nó thấp hơn những ngọn núi nằm phía trước. Người nào trong túi rủng rỉnh thì có thể bỏ 200USD mua tour lên máy bay cánh quạt (nếu hôm đó may mắn trời ít mây) tới gần hơn chút xíu thôi, nghe người hướng dẫn chỉ trỏ, chụp vài tấm hình, thấy thêm 4 ngọn Annapurna vì chúng ở gần hơn, thế là nửa tiếng đi toi một tháng lương trung bình nơi đây.

Những dân tài tử thích núi non thì mua tour đi theo những cái track có sẵn. Dân thích leo núi thực sự lại là chuyện khác. Không phải núi nào bạn cũng được phép leo. Có những ngọn núi thiêng, cấm tuyệt không cho leo, hay chỉ cho leo tới nửa chừng. Và nếu đi sâu vào thì mới thấy chi phí để có thể leo núi cao khủng khiếp. Giấy phép để leo lên đỉnh Everest hiện tại là hơn 25 ngàn USD, chưa kể số tiền bắt buộc để mướn người hướng dẫn và mang đồ đạc. Bù lại, chuyện leo núi thời nay không khó khăn lắm, người vác đồ (sherpa) có thể mang thang nhẹ theo để dựng cho bạn leo thoải mái. Ngày 22/05/2019 có hơn 200 người chen nhau trên chặng cuối cùng nơi đỉnh núi như xếp hàng mua vé vào xem phim! Leo núi không còn thuần là môn thể thao nữa, đại đa số leo vì mục đích quyên tiền. Người thích mạo hiểm thực sự thì ao ước leo ngọn K2 thấp hơn 200m nhưng dốc đứng hiểm trở. Everest với họ trở nên quá tầm thường, chẳng có gì cần khoe khoang.

Bhaktapur và Nuwakot

Giáp ranh với khu trung tâm Kathmandu, về phía nam là Patan, một kinh đô cổ của xứ Nepal xưa. Về mặt lịch sử, Patan xưa hơn Kathmandu tới 4 thế kỷ, nhưng theo giòng thời gian, trải qua nhiều triều đại, Kathmandu dần lớn hơn và hiện tại vượt hẳn Patan. Người mới tới Kathmandu, nếu không để ý, có thể lầm tưởng khu Patan cũng thuộc trung tâm thủ đô Kathmandu. Để so sánh, có thể ví Patan như khu Bà Chiểu Gia Định còn trung tâm Kathmandu như khu chợ Bến Thành và trung tâm Lê Lợi/Nguyễn Huệ của Saigon. Mọi thứ ở Patan đều mang kích cỡ nhỏ hơn. Tuy thế, Patan độc đáo ở chỗ có những đền chùa do vua A Dục xây nên khi đức vua đến viếng nơi đây (khi đó sầm uất hơn Kathmandu). Du khách nào không có thời giờ nhiều hoặc lười đi lang thang thường bỏ qua Patan – bị tàn phá nặng trong trận động đất 2015, để đi lên cố đô Bhaktapur cách Kathmandu hơn 10km về phía đông bắc, nơi đây nổi tiếng với những ngành nghề thủ công cổ truyền và những di tích lịch sử. Tuy nhiên, hiện nay, khi tới nơi, họ có thể sẽ thất vọng một phần lớn. Bhaktapur bị hủy hoại nặng nề trong trận đại địa chấn đó. 1 tháng sau trận động đất với tâm địa chấn nằm phía tây Kathmandu, một trận động đất thứ hai với cường độ không kém tại phía đông đã làm sụp đổ phần lớn các cung điện, đền chùa đang còn rung rinh. Bhaktapur chịu cảnh đó.

Cung điện gây được nhiều thích thú là “cung điện 55 cửa sổ” (tên chính thức đọc gãy lưỡi: Nge Nyapa Jhya Laaykoo), do một vị vua trong triều đại Malla (một vương triều lớn của một vương quốc ở xứ Nepal vào thế kỷ thứ 17 - 18, khi đó Bhaktapur là kinh đô của vương quốc này). Vua có 55 phi tần, để công bằng, ngài cho xây cung điện này làm hậu cung, mỗi bà phi có một phòng, đánh dấu bằng 55 cửa sổ có hình chạm trang trí khác nhau, mỗi cửa được làm từ một cây gỗ teak riêng. Một kiểu khôi hài đen sau khi nhìn ngắm mấy cửa sổ này (sự thực chúng không khác nhau bao nhiêu), người ta pha trò bằng cách chỉ trỏ những căn nhà quanh đó và nói “bao nhiêu cửa sổ là bấy nhiêu vợ”. Từ cung điện “55 cửa sổ” nhìn xéo sang bên, cách đó không xa là một kiến trúc độc đáo, đền Dattatraya – ngôi đền có các cột đỡ mái bằng gỗ tạc hình các vị thần phía trên, còn phía dưới là những tư thế diễn tả trong Kamasutra, chẳng biết mấy bà phi khi xưa có học hỏi được chút nào từ đây không.

Tại nhiều đền chùa, hai bên bực thang dẫn lên chánh điện có dựng tượng 5 linh vật, tượng trưng cho 5 sức mạnh của các vị thần, từ thấp lên cao. Phần lớn các đền chùa nơi đây bị hư hại nặng, gạch đá cây gỗ ngổn ngang. Chúng tôi đã đi qua nhiều nơi, nhưng hầu như chưa thấy chỗ nào có thợ thuyền rộn ràng làm việc, nếu có thì cũng uể oải, bởi vì chỉ mới nhìn đống đổ nát là đã ngán quá rồi.

Cung điện “55 cửa sổ” nằm bên cạnh đền Siddhi Laksmi thờ nữ thần Laksmi vợ của thần Vishnu (trái);
và một góc mái của ngôi đền Dattatraya, với hình chạm khắc các thế làm tình, chung với thần linh (phải).

Các người hành nghề thủ công thì được tập trung thành từng phường: phường làm các đồ đất nung terracotta, chạm khắc gỗ, phường dệt, nơi làm chuông khánh v.v… Các phường thông thương với nhau bằng một mạng lưới hẻm hóc chật hẹp, đầy cửa hàng bán đồ lưu niệm, quán ăn và nhà nghỉ. Tại đây, tôi biết được thêm về nghề đúc chuông đồng (chuông kiểu bình bát của mấy nhà sư khất thực, không phải chuông treo) nổi tiếng của Nepal; biết phân biệt thứ thật (đúc kiểu thủ công của Nepal) và thứ bằng đồng thau do nhà máy đúc ở Trung Quốc chế tạo. Những chuông này được đúc với công dụng khác nhau: có chuông để dùng cho lễ nghi, có chuông để trị bịnh…. Phân biệt thì phân biệt, nhưng với cùng kích cỡ, giữa của giả mười đô với đồ thật một hai trăm đô (tùy độ tinh xảo), để tùy mỗi người tự quyết định.

Bhaktapur có một món ngọt ăn chơi không nên bỏ qua là yaourt trâu đông lạnh, họ gọi là Juju Dhau (với du khách thì họ gọi là King Curd), bỏ trong chén đất nhỏ, vị ngọt béo đậm đà, ăn xong đập luôn chén! Buổi tối, sau khi mãn chợ chiều lộ thiên, tại khoảng sân lớn giữa làng và trước các đền, tín đồ Ấn giáo tụ tập từng nhóm chuyện trò và ca ngâm những bài kinh, khung cảnh vừa ấm cúng vừa mang vẻ thần bí ma quái.

Nếu rời vùng này, theo con đường liên tỉnh Pasang ngược dòng sông Trisuli lên phía bắc là tới chân ngọn Langtang, sát biên giới Tây Tạng. Trisuli cùng với Bagmati là hai con sông “thiêng” nằm gần nhau, cùng bắt nguồn từ Hy Mã Lạp Sơn, chảy ngang Kathmandu và cùng đổ vào sông Hằng bên Ấn Độ. Dọc sông, người ta làm những chiếc cầu dây treo cho người đi bộ và xe hai bánh có thể đi qua vùng núi bên kia sông. Khi còn cách biên giới gần 100km, xe sẽ qua một quận hạt mang tính lịch sử, đó là Nuwakot (thủ phủ là Bidur – vì có hai địa danh trùng tên Nuwakot ở Nepal), đã bị thiệt hại nặng nề vì nằm gần tâm địa chấn. Con đường liên tỉnh Pasang là một trong vài con đường huyết mạch thông với Trung Quốc. Nuwakot, có nghĩa là 9 pháo đài, chứng tỏ đây là nơi hiểm yếu, xưa kia có thời chắc chắn là chốn màu mỡ cho vị vương đang cai trị vương quốc nhỏ của vùng nay mặc sức thu tiền mãi lộ. Năm 1996, đảng Cộng sản thân Mao ở Nepal đã âm mưu lật đổ ngai vàng bằng chiến dịch “lấy nông thôn bao vây thành thị”, trở thành cuộc nội chiến kéo dài 10 năm. Khi tàn cuộc chiến, Nuwakot trở thành một nơi có lính trấn ngự để phòng… giặc Tàu tràn sang. Những quân nhân này phần nhiều là dân Gorkha nổi tiếng thế giới về sự gan lì, hăng máu đến tàn nhẫn (chính phủ Anh có hẳn một binh đoàn lính Gorkha cho những cuộc chiến sinh tử, còn dao quắm kukri của dân Gorkha là một vật lưu niệm được ưa chuộng). Cũng như tại nhiều quốc gia, Nepal đã bãi bỏ chế độ quân dịch tốn ngân quỹ vô ích – quân đội hiện nay không còn chủ ở số lượng quân lính mà là ở mức độ kỹ thuật tác chiến hiện đại với máy móc. Quân số Nepal chỉ còn rất ít, dùng cho việc bảo vệ biên giới – cho dù chỉ mang tính hình thức, và cho việc tuần tra trong các lâm viên quốc gia, bắt kẻ săn thú cấm hoặc lâm tặc cưa gỗ trộm. Còn cảnh sát? Ngoài đường có nhiều bảng khẩu hiệu “Cảnh sát, bạn ta” (Police my friend), nhưng thực tế chỉ thấy cảnh sát công lộ chỉ đường nơi ngã tư và giải quyết giao thông ùn tắc mà thôi.

Cầu treo bắc ngang sông Trisuli tại thành phố Dhading (trái) và một góc Nuwakot hoang tàn đổ nát (phải)

Pokhara

Tạm ngưng viết về đền chùa, bây giờ mình đi ngược trở lại, xuôi theo dòng Trisuli sang phía tây, men theo quốc lộ H4. Người dân ở Nepal gọi con đường này là xa lộ Prithvi, tên một vị vua của vương quốc Gorkha vào cuối thế kỷ 18, nhiều hàng quán nơi những làng dọc con lộ mang luôn tên này cho dễ nhớ. Quốc lộ H4 men sườn núi chạy dọc theo dòng Trisuli cả trăm cây số, là một đường xa lộ mới được mở rộng thêm. Một bên là vách núi cao vọi, bên kia là vực sâu thẳm đổ xuống con sông. Suốt dọc đường, rải rác quán ăn và tiệm tạp hóa hay quầy bán trái cây mang từ những vườn trong làng quanh đó. Những nơi buôn bán này, khi đường sắp được nới rộng đã được lệnh giải tỏa, phải dời đi, nhưng dời đi đâu bây giờ. Không dời thì bị cắt đứt một khúc mặt tiền, nhiều căn còn thấy rõ dấu phạt ngang của “đội khoan cắt bê tông” như thời mở rộng lộ giới ở Saigon. Những căn đã quá sát bờ vực thì chẳng còn cách nào khác hơn là dời thêm ra, làm thêm bộ đà xéo bằng gỗ chống vào vách núi để bợ, căn nhà nằm meo một nửa giữa trời, nhìn là đã thấy nổi gai ốc. Kiểu này chắc chắn có sanh nghề tử nghiệp, nhưng họ chẳng còn cách nào khác. Cả mấy đời sống nhờ người qua lại, nếu trở vào làng thì biết làm gì mà ăn.

Xe di chuyển trên xa lộ phần lớn là xe hàng và xe đò, rất ít xe tư nhân. Hơn nửa số xe hàng mang logo Tata, công ty Ấn Độ này chắc điếc đặc trước lời cảnh báo về khói thải từ xe. Năm 2008 hãng này gây chấn động thế giới khi tung ra chiếc Tata Nano 4 cửa với giá chưa tới 2000 đô la. Tôi cố tìm xem chiếc này hình dạng ra sao, nhưng sau đó mới biết là chiếc Nano chỉ bán trong nội địa Ấn Độ. Dân chúng đi xe gắn máy nhỏ, đường dốc không thể dùng xe đạp. Xe hơi đúng là “xế hộp” hay “xe con”, tức là loại super compact nhỏ xíu vuông vức, hiệu Suzuki hay Daihatsu. Các tài, lơ xe đò Việt Nam và Nepal nên trao đổi kinh nghiệm với nhau: một nước vừa bóp còi thúc đít vừa đập thành xe la hét vang trời, một nước im lặng dùng đèn. Thật thích thú khi nhìn tài xế ở Nepal chạy trên đường, họ luồn lách rất nhanh nhưng với vẻ thong dong kỳ lạ, và hay nhất là nhìn họ ra hiệu với nhau bằng đèn chớp theo cách riêng từ xa để biết sẽ phải nhường đường ra sao, ngay cả khi có xe nhỏ hay xe gắn máy len vô giữa. Một điểm tôi cho là tốt ở Nepal là dọc đường xa lộ có nhiều dãy cầu tiêu công cộng – thường là nằm chung với cây xăng hay quán xá, chỉ có điều phần đông là “xí xổm” hôi rình, may thì có vòi xịt nước và một cái xô nước bên cạnh, xui thì mới bước vào là vội tháo lui. Dù sao cũng còn hơn là phải chui vào bụi. Nhưng đám tài xế xe đò có cái app rất hay, nó cho biết nơi nào sạch, nơi nào có “xí bệt” (bàn cầu ngồi), và họ ngừng đúng chỗ.

Đường cao tốc không có nhiều, khi rời đường xa lộ là vào những con đường lồi lõm đầy ổ gà. Do mưa lũ thường xuyên, đường không được trải nhựa mà lát đá dăm, rồi để xe hủ lô cán qua cán lại cho bằng mặt. Nạn đất chuồi, đường lở… làm xe phải dừng là chuyện thường ngày, mà khổ nhất là không biết chừng nào mới thông. Có lần bị ngừng xe như vậy, thấy mấy bà bưng rổ đựng bánh trái ra bầy ở lề đường và đi chào mời, thì ra họ là dân làng gần đó, biết là khúc này thường bị kẹt cho nên luôn trong tình trạng chuẩn bị kiếm chút tiền lẻ. Nhà cửa thường sơn màu vàng, màu đỏ terracotta hay màu nâu cho tiệp với màu đất núi. Dọc đường, đôi khi thấy những người hành hương chậm rãi đi một mình, quần áo luộm thuộm, vai vác bọc hành trang cột nơi đầu gậy, thấy là nhớ ngay đến hình thiền tổ Bồ Đề Đạt Ma.

Pokhara là thành phố lớn thứ nhì, sau Kathmandu. Nằm ở cuối xa lộ H4, 200km phía tây Kathmandu, khi xưa Pokhara là một trong những con đường vận chuyển hàng hóa giữa Tây Tạng và Ấn Độ. Nay Pokhara đã chuyển hướng hẳn sang ngành du lịch và phát triển mạnh từ khi du khách đổ tới Nepal, và trở thành “thủ đô du lịch”. Rất khác với Kathmandu, nơi đây nhà cửa đường xá ngăn nắp hơn, không có nhiều đền chùa đồ sộ, thắng tích cổ xưa. Thành phố mang nhiều vẻ Tây phương, dân chúng giàu có hơn, nhưng rõ ràng thiếu sự quyến rũ những người đi tìm nét đẹp châu Á. Khắp nơi là những hàng ăn, quán nước với bảng hiệu nhiều tiếng Anh hơn chữ rồng rắn Nepal, và nhạc xập xình, tập trung nhiều ở bờ đông và bờ nam hồ Phewa rộng mênh mông nằm phía tây thành phố. Dọc bờ hồ có thuyền cho mướn chèo đi vòng vòng, người ta thích mướn thuyền tới đền Tal Bahari nhỏ xíu nằm giữa hồ để chụp vài tấm hình không bị vướng du khách.

Pokhara nằm sát chân rặng Annapurna, tức nhánh phía tây nam của Hy Mã Lạp Sơn. Dịch vụ leo núi hoặc theo những track len lỏi trong vùng núi non này rất nhộn nhịp. Những cửa hàng bán dụng cụ leo núi, gậy mũ vớ, rồi áo lạnh áo gió, khăn choàng len cashmere (dê núi lông xoăn) hoặc pashmina (dê núi lông dài) và len trâu yak đếm không xuể. Tuy không có kinh nghiệm về len, nhưng nhìn giá bán những chiếc khăn choàng len dài rộng đủ màu mà rẻ như bèo (5 - 20 đô một chiếc) và số lượng hàng bầy bán nhiều hơn mức số dê ở Nepal có thể cung cấp bội phần, tự dưng tôi nhớ lại một phim tài liệu đã xem về trò ma đầu của Trung Quốc đã thao túng ngành len cashmere và số phận những dân Mông Cổ phải sống một kiếp ngựa trâu để phục vụ các nhà thầu Hán tộc ra sao. Đồ lạnh, túi xách nhái nhãn The North Face, Marmot… một cách vụng về bầy tràn lan khắp nơi vẫn thu hút khách hàng. Dù sao, mọi người cần phải có cái gì đó để làm kỷ niệm cho một chuyến du lịch không dễ gì có.

May mắn, khi chúng tôi tới Pokhara thì được liền mấy ngày trời quang mây tạnh. Rặng Annapurna trùng trùng điệp điệp trước mắt, đi theo mấy cái track lên tới độ cao trên dưới 1500m, ngủ một nơi không được tiện nghi cho lắm, để có thể trải nghiệm cảnh núi non hùng vĩ, làm vài cuộc đi bộ quanh chân mấy ngọn đồi và nhất là thấy rõ các ngọn núi đổi màu từ đỏ hồng khi mặt trời mọc, sang trắng như tuyết lúc nắng lên và chiều xuống thì xám dần. Dân Nepal chỉ gọi là núi khi nó có độ cao hơn 3500m, ngọn nào thấp hơn đều là đồi hết. Thời đại internet, người ta bày cho tôi tải cái app Peaklens vào điện thoại, chỉ cần hướng máy vào rặng núi là nó sẽ chỉ ngay ngọn núi nào tên gì và cao bao nhiêu, thật là những chuyện khi xưa nghe như chuyện thần tiên, riêng tôi thì phục người nào đã tạo ra được cái app này quá xá, cho dù đôi khi nó bị mắc lừa, thấy đám mây ngỡ là ngọn núi, thấy tòa cao ốc ở gần lại cho là ngọn đồi ở xa!

Trong dãy Annapurna có 4 ngọn chính mang tên này đánh số thứ tự I, II, III, IV từ ngọn cao nhất trở xuống. Những ngọn này thực ra không phải núi đơn mà là một quần thể nhiều đỉnh gần nhau, phải là dân leo núi mới rõ chi tiết. Những người thích cảm giác mạnh thì cố leo lên nửa ngọn Machapuchare dốc đứng (núi thiêng không được phép leo lên tới đỉnh), người ta cũng gọi là ngọn Đuôi Cá (Fishtail), do nó gồm hai đỉnh núi dẹp nằm cạnh nhau như đuôi cá voi chổng lên trời, rất tiếc ở Nepal không thấy được hình này vì không đúng hướng. Nhà hàng Moondance, một địa chỉ uy tín trong khu ăn uống ở dưới phố, đã nghĩ ra món tráng miệng mang tên Machapuchare Kiss, là một pha trộn giữa bánh, bavarois, kem đánh, kem lạnh trên có rưới sốt chocolat; nhiều người đã cố gắng bắt chước, nhưng dường như chưa có ai thành công.

Rặng Annapurna nhìn từ làng Astam với ngọn Annapurna South bên trái và Machapuchare bên phải.
và rặng Annapurna lúc bình minh, với ghi chú của Peaklens.

Sẵn đây, tưởng cũng nên nói thêm về đồ ăn Nepal. Cà-ri là món không thể thiếu trong bữa ăn Nepal. Cà-ri chay phổ thông hơn cà-ri thịt. Ngoài ra, cải xắt nhỏ xào với dầu trộn với hột mù-tạt và nghệ có bỏ thêm chút xíu cà-ri cũng là một món chính. Họ ăn nhiều đồ bột như cơm, bánh bột hấp hay chiên. Đồ ăn thường không nêm bột ngọt, lấy hành làm chất ngọt. Nepal trồng lúa basmati loại hột ngắn, dẻo thơm hơn basmati Ấn Độ, gạo này không được bán ra ngoài; và lúa đại mạch (barley/gerst). Chất thịt và mỡ trong bữa ăn của họ phần lớn là từ đậu lăng (lentil/linze). Du khách thích món Mo:mo dễ ăn, là món bánh bột hấp tròn nhỏ có nhân rau đậu, tương tự như Gyoza của Nhật hay vài thức Dim Sum của Trung Quốc. Nói chung, những dạng bánh kiểu này phổ thông ở gần khắp châu Á, chỉ khác ở chỗ nhân được nêm theo vị riêng của từng quốc gia và hình cũng thay đổi chút ít. Tiệm ăn Nepal nào cũng có hai món bình dân: Dal bhat và cơm phần Thali. Dal bhat ghép từ hai chữ Dal (hạt đậu lăng) và Bhat (gạo), hai món ăn căn bản chắc bụng cho dân Nepal. Nó cho thấy ngay hình ảnh, là một khay cơm thường có chia nhiều ngăn, có cơm, súp đậu lăng, rau cải xào, cà ri chay. Tóm lại đây là món chay. Còn Thali là món cơm phổ thông khác. Thali hơi khác Dal bhat ở chỗ giàu món ăn hơn, có thể có thịt (gà, heo hay dê), trứng, kèm thêm một tấm bánh tráng chiên papadum và thường được dọn trong chén nhỏ. Kêu món Dal bhat hay Thali, khi thấy mâm đã vơi, người hầu bàn thường hỏi bạn có cần tiếp thêm cơm và đồ ăn không. Tức là bạn trả tiền và chắc chắn sẽ được no bụng. Ngoài ra có nhiều món bánh bột chiên, không nhân và có nhân đủ thứ. Trong những làng quê thường có các xe đi rong bán những món ăn chơi cho học sinh hay người qua lại, đồ ăn được bọc trong lá và múc ăn bằng cọng lá hay miếng carton. Trái cây bán tại các chợ thường có dạng xấu xí, do dân tự trồng, có sao bán vậy. Những trái cây đẹp thường là nhập từ Ấn (chẳng hiểu vì sao họ không nhập từ Trung Quốc?). Nhờ ăn mấy trái mọc thiên nhiên này tôi mới ngộ ra một điều đọc đâu đó trong sách luận về tiến hóa: sở dĩ người ta thích ngọt vì vị ngọt là thứ hiếm gặp, được người tiền sử coi là phần thưởng trời ban cho người may mắn. Thực thế, trái cây nơi đây thường chua, chát, vỏ dầy, nhiều hột v.v…

Người thích xem cảnh quan hơn leo trèo thì có thể chọn một trong vô số tour quảng cáo các track đi bộ treo dán khắp nơi. Ngắn thì đi một hai ngày, dài có thể tới 3 tuần, tour này khởi hành từ Kathmandu, đi dọc rặng núi lần về hướng tây mỗi ngày 4 – 5 giờ với điểm cuối là Pokhara (và sau đó bay trở về Kathmandu). Trước khi rời rặng Hy Mã Lạp Sơn để tới Pokhara, những người thực sự có máu phiêu lưu có thể chọn đi tiếp dọc chân núi, đến Jomsom, cửa ngõ để vào thăm vương quốc Lo thời xưa, mà nay có tên tiếng Anh là Upper Mustang (tình cờ trùng tên với giống ngựa hoang miền Tây Hoa Kỳ), một xứ đầy huyền thoại. Gần như cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, đây là một trong số rất ít vùng lãnh thổ trên thế giới còn giữ nguyên được tiếng nói, phong tục và sinh hoạt cổ xưa của Tây Tạng. Khi đi dọc theo rặng Hy Mã Lạp Sơn, người ta sẽ qua một số vườn quốc gia phía bắc Nepal. Tại đây, ngoài chim chóc hươu nai còn có vài con thú lạ như chim trĩ Hy Mã Lạp Sơn – con chim biểu tượng của Nepal, gấu trúc panda lông đỏ… Vì vùng phía này lạnh, nên nhiều du khách chọn thăm hai khu vườn quốc gia nằm ở bình nguyên phía nam, giáp Ấn Độ, là Bardiya và Chitwan. Hai vườn này có diện tích tương đương. Chitwan nhiều thú hơn, Bardiya hoang sơ hơn, thích hợp cho dân thích cảm giác mạnh. Từ Pokhara tới Chitwan, nhìn bản đồ thấy có 160km, nhưng ở Nepal, nếu không phải là xa lộ mà mỗi giờ bạn đi được 25km là khá lắm rồi. Chúng tôi ghé qua Bandipur nghỉ, đây là thành phố của dân Newar, xưa kia là trạm nghỉ quan trọng của nhánh phía nam con đường tơ lụa, nhưng từ khi đường lớn được mở băng qua núi, dân kéo xuống dưới làm ăn, thị trấn này thành nơi hoang phế, chỉ còn những nhà nghỉ cho người thích yên tịnh, và hàng quán lèo tèo. Vốn là con đường bộ vắt ngang thung lũng, nên sinh hoạt của Bandipur cũng chỉ tập trung vào con phố này, chạy dài hơn nửa cây số. Ghi chú: con đường tơ lụa mới của Tập Cận Bình trong kế hoạch “nhất lộ nhất đới” không đi qua Nepal.

Con đường tơ lụa ngày xưa, nhánh phía nam, nhìn từ Bandipur (trái)
và cá sấu mõm dài nuôi trong vườn gầy giống ở Chitwan (phải)

Vườn quốc gia Chitwan được công nhận là Di Sản Thế Giới, chính quyền cử người canh giữ vườn này rất nghiêm ngặt, để cố gây giống trở lại các loài tê giác Á châu, cọp Bengal và cá sấu mõm dài Ấn Độ (loại cá sấu này có mõm rất dài và yếu, chỉ ăn cá). Cọp thì rất khó thấy mặc dù chúng tôi đã ngồi xe 4 x 4 vào sâu tới hơn 20km, đi trên đường mòn hai bên dầy đặc cỏ voi cao hơn đầu người để vào tới vùng rừng thưa giữa vườn. Trong vườn, cách nhau khoảng 6km có đặt đồn canh, có trại nuôi voi cho lính kiểm lâm cưỡi khi tuần tra buổi tối (để cọp không ngửi thấy), máy camera gắn tứ tung trong tàng cây theo dõi lâm tặc. Khách đến thăm vườn cũng có thể đi bộ, vé thì có thứ nửa ngày, một ngày và nhiều ngày, được ngủ qua đêm tại các chòi quan sát đặt trong rừng. Nửa ngày đi bộ thì bảo đảm chẳng xem được gì ngoài mấy con chim, vì vẫn còn loanh quanh trong khu trái độn, chưa vào tới khu vườn thực sự. Một điều kiện ngặt nghèo nữa là họ bắt phải mướn thêm 2 người dẫn đường, cho dù bạn đi có 1 người, để phòng khi gặp tai nạn thì phải cần 2 người giúp đưa nạn nhân ra hay làm công tác sơ cứu. Thú bốn chân thấy nhiều nhất trong vườn là các loại nai, hoẵng, cheo. Thỉnh thoảng thấy có heo rừng, thỏ băng qua đường, khỉ chuyền trên cây và đương nhiên nhiều loại chim chóc. Vào sâu trong vườn thì tới trạm gây giống cá sấu mõm dài, nuôi mấy trăm con lớn nhỏ đủ cỡ. Muốn xem những con sấu này trong thiên nhiên và xem thêm chim chóc thì phải ra bờ sông Rapti mướn xuồng độc mộc bằng thân cây gòn, cùng với hướng dẫn viên của vườn thả xuôi theo dòng tới bãi đậu xe trong rừng rồi theo xe ra ngoài. Tổng kết lại, trong 6 tiếng đồng hồ ngồi xe và bè, chúng tôi chỉ thấy được chừng 10% các loài thú mà tờ quảng cáo ghi. Trên đường, có chặng bị đối đầu với con tê giác, thấy quá mừng khi chụp được mấy tấm hình độc đáo, nhưng rồi tình cờ lại thấy tê giác đi ngờ ngờ giữa đường lộ trong làng, cái này thật tình không bao giờ dám nghĩ là trong đời mình có dịp rờ lớp da cứng như tấm gỗ bào sơ phơi ngoài nắng của chúng. Khi hỏi ra mới biết tê giác là loài ăn cỏ, nếu không chọc giận thì nó không bao giờ tấn công mình. À ra thế. Kể chuyện này với những tay buôn lậu ngà voi sừng tê ở Việt Nam, chắc chúng tiếc hùi hụi. Chitwan vẫn có dịch vụ cưỡi voi đi dạo, thật tội nghiệp khi thấy 4 người ngất nghểu trên lưng, hơn 300 kí chứ ít đâu. Voi cũng như ngựa hay chó, ngày nào cũng phải cho chúng đi một vòng, vì thế voi trên đường cũng không có gì gọi là lạ.

Voi và tê giác đi trên đường làng

Ít hàng về đền chùa ở Nepal

Thời gian ngắn ngủi ít ngày ở Nepal cũng đủ cho tôi cảm nhận được sự sống chung hài hòa giữa Ấn giáo và Phật giáo tại Nepal, mà theo tôi, có hai lý do: cả hai tôn giáo đều thờ nhiều vị thần linh, cùng tin vào một đời sống khác sau khi chết, và sự chung đụng nhau hơn hai ngàn năm, biết nhau quá rõ.

Ấn giáo tại Nepal thực ra chia làm nhiều nhánh. Tổng quát, tín đồ Hindu tin vào ba vị thần chính: thần sáng thế Brahma, thần bảo hộ Vishnu và thần hủy diệt/sáng tạo Shiva. Ba vị thần này kết hợp và trở thành vị thần Brahman – thần tối thượng hiện hữu trong vũ trụ. Tuy nhiên, mỗi phái trong Ấn giáo nghiêng nhiều về một trong ba vị thần này. Cũng có những sắc dân thờ thần khác, như dân Newar – một sắc dân thiểu số quan trọng ở Nepal – thờ nữ thần Taleju; hoặc những đền thờ các vị thần khác, thường thấy nhất là thần Ganesh (thần Đầu Voi) và thần Hanuman (thần Khỉ). Ở Nepal, ảnh hưởng của thần Shiva lớn nhất trong các ngôi đền. Người ta tin là vị thần này mang đến thành tựu trong thế giới này và thế giới khác cho người thành tâm, phải chăng đó là ước muốn đơn giản nhất của nhân loại. Người Nepal cũng tin rằng khi thần Shiva hóa thân đến Kathmandu, ngài đã thay dạng đổi tên thành Pashupati (chúa tể của muôn loài). Vì thế tại Nepal cũng có nhiều đền mang tên Pashupatinath (đền thờ thần Pashupati). Hơn thế nữa, tín đồ Hindu ở Nepal còn tin là thần Pashupati là một hiện thân khác của Phật Quan Âm. Do đó, người theo Ấn giáo cũng thường chạy sang chùa Phật giáo để cầu khấn Phật trợ giúp thêm, và là nơi họ tìm thấy một sự an ổn tâm thần khác nơi chân Phật. Đền Ấn giáo nằm sát cạnh chùa ở quảng trường Hoàng gia Kathmandu, chung một khoảng sân đủ nói lên điều đó. Trên những con đường dẫn tới đền, ngoài những sạp bán hoa trái đồ cúng hoặc kỷ vật, còn có những ông bà trải chiếu dưới đường coi bói, đây đó lại thấy những ông đạo sĩ tu theo phái khổ hạnh. Họ thường ngồi trong hốc những bờ thành hay nơi có bóng râm, những ông này giờ đây chắc nhắm vào việc kiếm tiền của khách thập phương muốn chụp hình hơn là mục đích tu cho đắc đạo. Và nếu muốn, bạn có thể bỏ 100 roupie để họ ịn một chấm đỏ “tikka” lên trán, mang nghĩa chúc phúc.

Khi chết, người theo Ấn giáo không chôn mà thiêu, tốt nhất là thiêu xác nơi bờ sông thiêng. Người nào không có điều kiện thiêu xác thì chịu khó bỏ công làm điểu táng (mang lên núi cho chim ăn), nhưng hiện nay trường hợp này rất hiếm. Tại Kathmandu, khi đến thăm ngôi đền Pashupatinath, điểm du lịch “không thể bỏ qua”, nằm trong một khu đất rất rộng có một dãy miếu đá thờ linga, chúng tôi may mắn được chứng kiến cảnh một vụ thiêu xác, từ khi mang tới bờ sông Bagmati cho tới khi chất lên bệ thiêu và người con tự tay châm lửa. Gia đình chắc neo đơn, ít người tham dự, nhưng đã chọn một nơi thiêu không rẻ (ngay trước cửa đền, ít tiền thì phải ra những nơi xa hơn!), không thấy thân nhân khóc kể nhiều. Trẻ em đi ngang nơi quàn người chết không biểu lộ cảm giác tò mò hay kinh sợ, rõ ràng việc tiếp cận xác chết đã trở thành một phần trong đời sống dân chúng nơi đây. Dưới sông, có người lụi hụi mò tìm trong bùn những tờ bạc may mắn chưa bị nước cuốn trôi. “Cái chết của người này là bánh mì cho kẻ khác”, Hòa Lan có câu ngạn ngữ như vậy.

Tại một đền khác thờ thần Shiva, trên đường đi lên phía bắc, chúng tôi còn được xem tận nơi một buổi lễ dâng cúng phẩm vật, khi ngôi đền vừa mở cửa. Từ sớm, hàng chục người đã sắp hàng dài trước cổng đền, mang theo lễ vật. Trên con đường vào đền tại đây, ngoài những sạp hàng thông thường còn có những căn lều bán vật tế thần, thấy được qua chuồng gà và bảng treo trên nóc có hình ba con: gà, dê và trâu. Đó là tùy khả năng (và ước muốn), người ta có thể mua (gà) hay đặt mang tới đền (dê, trâu). Nếu không thích, một trái dừa khô hay mâm hoa trái cũng xong. Sinh vật đem tế thần mang nghĩa khác: chúng bay sống kiếp này khổ lắm rồi, tao hóa kiếp cho mày sang kiếp khác, hy vọng sướng hơn. Khi làm lễ xong, vị giáo sĩ sẽ cắt cổ con vật, máu chảy xuống đất, người nhà mang xác về chia cho người thân (đối diện đền có một quầy xẻ thịt trả tiền công). Dừa thì đập bể tại chỗ, nước bỏ, mang trái dừa về. Hoa để lại, thả xuống giếng. Bữa đó, trong số gần trăm người chen chúc, chỉ có một chàng mang gà tới, còn lại là dừa và bông. Nhìn ông giáo sĩ loay hoay tay phải cầm dừa đập vô tảng đá “thiêng”, tay trái thu tiền đút lẹ vào túi thấy cũng hay hay. Những đền Ấn giáo không cho phép người khác đạo vào nơi thờ tự, điều này làm tôi thấy có sự bất bình đẳng mà không rõ lý do từ đâu, khi tín đồ Ấn giáo được vô chùa tự do. Chỉ có điều, đền cũng như chùa, mở cửa có giờ khá hạn chế. Người lễ đền rung chuông hai ba lần và lạy trước cái cổng, hay đi một vòng đền. Bánh xe cầu nguyện nơi chùa thì nằm ngoài trời hay trong gian nhà cửa mở.

Người con tự tay châm lửa thiêu xác bà mẹ ở đền Pashupatinath (trái)
và tín đồ sắp hàng chờ tới phiên được mang lễ vật đến trước bàn thờ làm lễ tại đền Dakshin Kali ở Pharping (phải)

Phật giáo tại Nepal chịu nhiều ảnh hưởng của Lạt-ma giáo (Phật giáo Tây Tạng). Sự khác biệt có thể thấy ở màu áo: Phật giáo Nepal mặc y vàng, Phật giáo Tây Tạng mặc y đỏ sẫm. Màu nâu trên cờ Phật giáo cũng khác sắc độ giữa hai phái, nhưng khó nhận ra khi bị phai màu. Chùa ở Nepal mang vẻ huyền bí, ngoài cửa thường có dựng tượng những thần bảo vệ cầm giáo, cưỡi voi trấn trước cửa v.v…và linh vật ngồi chầu. Có đến Nepal mới cảm được sự khó khăn của những vị bồ tát đi truyền đạo trong một xứ mà Bà-la-môn giáo đã nhiễm sâu vào văn hóa. Nhất là nơi xứ Nepal, núi đồi trùng điệp, đường xá hiểm trở, đi lại khó khăn… Trong kinh sách Phật giáo, nếu bạn thấy ghi Ni-bà-la hay Ni-ba-li, thì đó là xứ Nepal này. Thí dụ như trong sách Đại Đường Tây Vực Ký, thầy Huyền Trang (Tam Tạng) có ghi chú như sau: “Nước Ni-bà-la nằm trong núi tuyết có chu vi hơn bốn ngàn dặm. Đô thành của đất nước có chu vi hơn hai mươi dặm. Sông núi nối tiếp nhau nên thuận tiện trong việc trồng tỉa hoa màu, khai thác đồng đỏ, chăn thả bò yak…”. Về dân chúng thì ghi: “Không học nghề tinh chuyên nhưng có chút khéo léo. Tướng mạo khó coi, tin cả tà chánh. Già-lam hoặc miếu Trời đều có tường bao quanh.... Ít hàng mà chính xác và đầy đủ hơn bài du ký bạn đang đọc!

Tôi có cảm tưởng chùa ở Nepal chú trọng đến bảo tháp hơn là đến ngôi chùa. Nhìn những bảo tháp, thấy ngay sự chăm sóc, làm sạch rác rưởi, chăm lo cảnh quan chung quanh… Phía trên những bảo tháp ở Nepal thường có chóp hình vuông, mỗi bề có vẽ đôi mắt nhìn xuống và một chiếc mũi hình dấu hỏi. Anh hướng dẫn nói là đôi mắt mang ý nghĩa Phật thấy được đủ bốn phương. Ừ. Vậy còn chiếc mũi? “Đó là dấu hỏi”, anh ta nói, “vì Phật đã giảng là phải luôn luôn tìm hiểu trước khi tin!”. Dấu hỏi này in ngay vào đầu tôi, vì thấy nó vô lý quá. Dấu hỏi là một ký tự của văn minh La Hy, làm sao lại nhảy sang bên này được? Mãi lâu về sau tôi mới tìm ra lời giải: đó không phải là dấu hỏi, mà là số 1 viết theo ngôn ngữ Nepal! Có thể hiểu là nhất quán, nhất nguyên hay nhất thể gì đó cũng được.

Vì hoàn cảnh thổ ngơi, Phật giáo ở Nepal không cấm ăn thịt, nhưng theo tôi suy đoán, đại đa số Phật tử ở Nepal ăn chay, vì với phương tiện vận chuyển nhanh chóng, không khó để mua rau củ. Ngoài chợ rất hiếm khi gặp sạp bán thịt cá, những món chay họ nấu không cầu kỳ mà rất ngon. Phần lớn những chùa ở Nepal được gọi là tự viện, tức là bên cạnh chùa có xây nhiều phòng, để tiếp khách trong những khóa tu học và khi không có sinh hoạt Phật sự thì thành nhà trọ. Chúng tôi đã ở 2 ngày trong một tự viện như thế, gần thị trấn Pharping hẻo lánh (tự viện Neydo Tashi Chöling), cùng tham dự thời tụng mặc dù không hiểu tiếng nào, chỉ nghe ngoài tiếng kinh do tăng và tiểu đọc rào rào, tiếng tù và thổi buốt tới óc hòa với từng hồi chuông trống phèng la, trong chánh điện đèn để mờ mờ, có vẻ thần bí ma quái. Và được ăn những bữa chay do các người làm công quả đến nấu, họ tự tay giã gạo, làm bánh. Trong chùa có nhiều chú tiểu nhỏ chạy loăng quăng, nghe nói những gia đình nghèo có thể gởi con cho chùa nuôi và cho chúng tập tu, cha mẹ thỉnh thoảng được đến thăm, khi được (hình như) 12 tuổi thì sẽ phải quyết định đi tu luôn hay hoàn tục. Cách chùa một khoảng xa có sân đá banh của mấy chùa trong vùng. Tôi tự nghĩ thủ môn của những đội bóng này sướng nhất thế giới, vì Phật giáo chủ trương phải tự thắng mình, không được tranh giành. Không hiểu khi chơi bóng họ hành xử ra sao.

Chú tiểu trong chùa Tây Tạng (trái) và Chùa Hòa Bình Thế Giới ở Pokhara (phải)

Còn hiện tại cũng có một nhánh Phật giáo khác muốn phát triển sang đây. Đó là nhóm tăng già thuộc tông phái Nippozan-Myohoji (Nhật Liên), muốn tạo nên một phong trào cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Phong trào này được khởi xướng sau khi 2 trái bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki, chấm dứt thế chiến thứ 2. Trên tường bao quanh tháp là bốn bức tượng mạ vàng tóm tắt câu chuyện thành đạo của đức Phật, ngoài ra không có nhiều tượng linh vật cầu kỳ. Nếu có thời giờ quan sát kỹ có lẽ ta có thể thấy sự khác biệt giữa Phật Nepal, Phật Tây Tạng và Phật Nhật Bản. Qua câu chuyện với thầy trụ trì người Nhật, thầy cho biết rất vui mừng vì phong trào vận động hòa bình do một thầy tổ khởi xướng đã được nhiều người ủng hộ. Thầy nói là cho tới nay phong trào đã vận động xây được hơn 80 ngôi “Chùa Hòa Bình Thế Giới” (World Peace Pagoda) tại nhiều quốc gia ngoài Nhật Bản (tuy nhiên thầy cũng nói thêm là chỉ có khoảng một nửa trong số này thuộc tông phái Nippozan). Tại Nepal có 2 chùa của nhóm này, chùa kia lớn hơn, ở gần vườn Lâm Tỳ Ni. Thầy có phong cách nói chuyện cởi mở từ tốn, niềm nở tiếp chuyện đời chuyện đạo, tuy nhiên tôi nghĩ nhiều Phật tử khi thăm chùa sẽ bất bình khi thấy (tại chùa ở Pokhara) hình sư tổ được thờ ở bàn giữa, còn Phật Thích Ca được thờ ở bàn bên trái.

Chiều theo khách hàng

Nepal sống nhờ vào du lịch. Điều này du khách mới đến Nepal có thể cảm nhận ngay lập tức. Rất khó tiếp cận dân thường. Họ ở sâu trong làng, những sinh hoạt trông chờ vào sức người hơn sức máy. Cày bừa bằng trâu bò, gieo mạ cấy lúa gặt hái bằng sức người. Những nơi có thể luân canh thì một vụ bắp một vụ lúa xen kẽ nhau. Gùi mây là vật thông dụng để mang vác hàng nặng, ngay cả với những vật liệu xây cất như gạch đá. Nói chung họ có thiện cảm với du khách, nhất là khi bạn nói được vài câu chào hỏi tiếng bản xứ. Trong làng, khi gặp nhau mọi người đều chắp tay chào “namaste”, đây là từ ngữ bắt buộc phải biết và áp dụng mọi nơi. Đi ngang xóm, trẻ nhỏ thường chạy ra bắt chuyện tiếng Anh, hỏi bạn tên gì, ở đâu tới v.v…, một hình thức tập ngoại ngữ chăng? Hay là muốn sau đó khoe với chúng bạn là đã nói chuyện được với người ngoại quốc?

Sự tiếp cận thường xuyên với du khách khiến người dân phải tìm hiểu du khách thích gì để chiều theo. Điển hình là qua ăn uống. Nepal là xứ uống trà, sáng trưa chiều tối khi nào cũng trà. Trà có 3 loại phổ thông: trà xanh, trà đen và trà masala, tức là trà pha sữa và vài thứ hương liệu nhẹ mùi. Tại nhiều quán ăn, trà được rót miễn phí. Nhưng dần dà, hàng quán thấy là du khách cần một thứ khác hơn là trà. Đó là cà-phê. Và sau này du khách còn cầu kỳ hơn, do đó rất nhiều quán ăn hoặc tiệm nước phải sắm thêm máy espresso tự động, và nhập cà-phê để pha cho đúng hương vị, giờ đây đã trở nên phổ thông cho dù giá gấp hai ba lần ly cà-phê vợt. Nước Ý thành công tại đây trong dịch vụ cà-phê với thương hiệu Lavazza, có thể thấy qua những bảng quảng cáo và ly trong các quán nước. Rất nhiều quán dọc đường vẫn còn để nguyên bảng quảng cáo cũ của Ruslan, một thương hiệu rượu wodka gốc từ Nga, mặc dù Nepal năm 2017 đã ban hành luật cấm quảng cáo bia rượu dưới mọi hình thức.

Lợi nhuận nhiều khi làm mờ trí khôn. Tuy tôi chưa thấy tận mắt, nhưng người hướng dẫn địa phương quả quyết là tại một số chùa hiện nay có bán bia cho khách đến trọ! Tiền bán bia có lẽ là động lực thúc đẩy? Thứ bia rẻ tiền Gurkha trong quán bình dân không dưới 4 euro một chai, gần bằng một phần cơm (tuy nhiên bia ở Nepal thường là chai nửa lít). Bia ngon, hiệu Everest, sản xuất tại Kathmandu, có giá mắc hơn một chút. Nó đánh vào nhu cầu của du khách: tuyệt đối không được uống nước vòi vì ô nhiễm, lại có nơi nước chảy ra đục ngầu bùn đất. Vậy thì mấy bà cứ nốc CocaCola, còn mấy ông gọi thêm chai bia trong mỗi bữa ăn là tiện nhất. Các khách sạn có thông lệ, hàng ngày để sẵn trong phòng cho mỗi người một chai nước to, không ai cần thắc mắc số vỏ chai plastic đó sẽ đi về đâu. Nói chung, các nhà hàng và quán ăn tiếp đãi lịch sự – cũng có thể vì chúng tôi đến Nepal vào cuối mùa du lịch, buổi chiều khí núi xuống lạnh buốt, người ta lười đi ra ngoài.

Theo trào lưu hiện nay, ngành du lịch tại Nepal đã biết khai thác các nhãn “eco”, “bio”, “nature”… Muốn thực hiện điều này không khó lắm. Dân chúng vốn canh tác theo lối cổ truyền, đất có sẵn, lấy công làm lời, nuôi thêm đàn gà lấy thịt, vài con bò lấy sữa, gắn một hệ thống cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời để đun nước nóng trong bồn chứa nước suối đã lọc qua bể cát, thế là xong. Chúng tôi đã ở hai nơi như thế. Một nơi – Eco-village, trên đỉnh đồi tại làng Astam hẻo lánh nằm gần chân rặng núi Annapurna, tự lực cánh sinh là chuyện gần như bắt buộc. Còn nơi kia, Famous Farm, là một chuỗi các trung tâm nghỉ dưỡng có cơ sở ở nhiều nơi xa phố thị, thích hợp cho những người muốn một không gian yên tĩnh. Họ hợp đồng với dân trong vùng, làm những vườn rau riêng của gia đình, tự sản xuất đủ cung cấp cho khách trọ. Tôi hỏi họ làm sao điều chỉnh mức gieo trồng cho ăn khớp với lượng khách, họ nói rất dễ, vì mùa du lịch cũng là mùa nắng, rau cỏ tốt tươi, không có mưa thì sẵn nước suối từ núi đổ xuống (tại nhiều làng, có những nơi cho dân tới hứng nước, vòi nước thiên nhiên chảy suốt ngày đêm), rác đem ủ làm phân. Tuy nghi ngờ về tính xác thực 100% của câu chuyện, nhưng dù sao đây cũng là một cố gắng đáng ghi nhận. Có những trung tâm giải trí, vườn quốc gia nêu khẩu hiệu “100% không plastic”. Nhựa dẻo đúng là một kẻ thù nguy hiểm của nhân loại ngày nay.

Để tăng sự hấp dẫn du khách, cũng như tại nhiều nước khác, một số nhà nghỉ trong vùng quê ở Nepal mời khách ghé thăm cùng chung tay nấu một vài món ăn dân dã của họ. Chúng tôi đã tham dự vài nơi như thế, thí dụ như dân du mục Tharu ở những bản làng phía nam, họ thường ra suối mò ốc gạo đem xào với dầu và cà-ri, vợt tép nhỏ ram mặn v.v., chúng tôi đã chung tay nấu bữa trưa ngoài trời trên ông lò ba cục gạch, ăn bốc và uống rượu đế kodo, sau đó cùng chung nhảy múa và ca hát. Vui cho cả đôi bên, mặc dù đó là dịch vụ phụ trong nhà trọ của họ. Hay những khi vào trong làng, được người dân chỉ cho xem – dĩ nhiên bằng ngôn ngữ tay chân, sinh hoạt, nhà cửa của họ. Đương nhiên họ không bao giờ từ chối số tiền nhỏ bạn đưa. Chỉ mong sao họ đừng biến thói quen hiếu khách này thành một dịch vụ kiếm tiền là chính.

Giáo sĩ Ấn giáo đang cử hành nghi thức hôn lễ trong nhà chú rể tại một làng của dân Tharu (trái),
và bà cụ 86 tuổi nhẫn nại ngồi đập các gié lúa đại mạch tại một làng của dân Magar (phải)

Người Tây Tạng tại Nepal

Có tới Nepal mới thấy số phận hẩm hiu của người Tây Tạng. Người Việt mình có thể quan tâm vì họa Hán hóa đang đe dọa cả vùng Đông Nam Á, nhưng dường như thế giới đã ngoảnh mặt quay lưng. Người đời thường phù thịnh, Nepal cũng vậy. Họ chứa chấp người Tây Tạng là vì không còn cách nào khác. Trên các bản đồ treo trong hàng quán hay khách sạn, đều thấy ghi “China”, may lắm thì ghi “CHINA (Tibet)”. Người Tây Tạng tị nạn ở quốc gia láng giềng phương nam này nhắc đến biến cố tháng 3 năm 1959 như người Việt tị nạn nhắc tới tháng tư năm 1975.  Khi đó Đức Đạt Lai Lạt Ma cùng nhiều người Tây Tạng đã vượt dãy Hy Mã Lạp Sơn đến Ấn Độ xin tị nạn, một số dừng lại ở biên giới Nepal, hiện tại không rõ có bao nhiêu người Tây Tạng đang ở đây (phần lớn là lậu). Nepal nhiều năm vất vả đi dây trong thế giằng co giữa Trung Quốc và Ấn Độ, họ chẳng muốn làm mất lòng hai anh khổng lồ này. Họ nói đa số người Tây Tạng tự ý di dân. Người Tây Tạng ở Nepal vì thế bị cấm nhiều thứ, điển hình là họ chỉ được phép làm thuê, và không được treo cờ xứ Tây Tạng tại chùa chiền cũng như trước cửa nhà. Nhiều người sống tập trung tại các trại tị nạn được xây lên khi đó. Tại Pokhara, ngoài 3 trại lớn, khi đi trên đường quốc lộ từ Pokhara lên biên giới phía bắc, ta có thể thấy nhiều khóm gia đình người Tây Tạng sinh sống, qua những chòi nóc tròn bằng rơm đặc biệt của họ. Tôi đã ghé thăm một trong những trại tị nạn này (Tashi Palkhiel), hiện giờ đã trở thành một khu phố nhỏ với nhiều dãy nhà gạch, và đương nhiên một ngôi chùa rất lớn nằm ngay lối vào “làng”. Trong làng, người ta không chào nhau “namaste” mà “shokpa delek”. Khung cảnh nói chung ảm đạm buồn tẻ như số phận của họ, hàng quán lèo tèo. Vài gia đình trong khu này mở những cơ sở làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bán tại chỗ cho du khách, như đan móc những món trang sức, dệt thảm…

Một góc trong trại tị nạn Tây Tạng, nằm sát bờ vực (trái)
và tranh Thangka vẽ các cảnh giới (phải)

Đặc biệt, khu phố quanh chùa Boudhanath ở Kathmandu đã trở thành một dạng gần như Little Saigon, rất nhiều gian hàng bán sản phẩm Tây Tạng, rồi tiệm ăn Tây Tạng, nhiều tăng áo nâu đỏ đi trên đường phố (tôi chưa từng gặp bà ni nào ở Nepal). Một số mở các tiệm bán tranh cuộn Thangka và tranh Mạn Đà La, mà họ gọi là “trường”, trong đó những “học viên” cặm cụi ngồi tô vẽ những đường nét sắc sảo tỉ mỉ bằng những thứ mực có màu sắc tươi sáng trên một loại giấy đặc biệt cho tranh này. Tranh Thangka vẽ những hình tượng các vị Phật, cảnh giới cực lạc và địa ngục nhằm cho người ta biết mà tự sửa mình. Một tấm 40 x 60cm họ bán từ 100 đô tới trên 300 đô, tùy theo trình độ người vẽ và chất mực sử dụng, vì theo họ, phải mất cả tháng mới vẽ xong một tấm.

***

Qua chuyến du lịch, tuy ngắn ngủi, nhưng tôi cũng có cảm nhận rất rõ: Nepal là một quốc gia nghèo, lại không có nhiều cơ hội phát triển. Tài nguyên sẵn có của Nepal là thiên nhiên và sinh hoạt tâm linh, hai trụ đỡ cho ngành du lịch đang trên đà nở rộ. Trong sự phát triển này ẩn chứa mối nguy: dân từ vùng quê đang đổ ra những thành phố lớn để kiếm sống, và ô nhiễm môi trường cùng vấn nạn rác thải là những vấn đề rất khó giải quyết. Nhiều con sông ngập rác rưởi, người chết thiêu xong, tro xương hất ngay xuống sông. Cộng thêm vào đó, sự chảy máu chất xám sẽ gây ra mất cân bằng xã hội. Hiện tại, nơi làng quê, người dân vẫn giặt đồ bằng tay, đun bếp củi, nhiều nhà còn phải hứng nước nơi vòi công cộng. Rồi lại thấy những nông cụ thô sơ của họ như cày, cuốc, bàn cào, liềm rựa v.v… phần lớn xệu xạo, không rõ vì họ tằn tiện hay vì nghèo.

Theo báo cáo World Happiness Report của Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của LHQ năm 2019, thì Nepal đứng thứ 92, ngang ngửa với Việt Nam (86) trong tổng số 147 nước. Một báo cáo khác, về Chỉ số Hạnh phúc (Happiness Index) vào đầu năm 2019 cũng ra kết quả tương tự (Nepal: 100, Việt Nam: 94 trên tổng số 156 nước). Năm 2013, Nepal đứng hạng 135/156 trong World Happiness Report. Như vậy, có thể kết luận là hạnh phúc của dân Nepal không đi xuống bởi hậu quả của trận động đất năm 2015. Tuy nhiên, nhìn chung, tôi không thấy dân chúng mang vẻ u sầu. Nhưng lại thiếu sự sinh động, còn nghèo thì rõ ràng lắm. Một quốc gia sống nhờ nghề nông và chăn nuôi – vốn đã bấp bênh vì trông cậy vào thời tiết và dịch bệnh, mà mọi người phải lại còn phải lao động theo kiểu tay chân thì đúng là vất vả. Công nhân và học sinh chỉ được nghỉ thứ bảy, đây là điều làm tôi ngạc nhiên trước khi kịp hiểu ra “chủ nhật” nguyên thủy là “ngày của Chúa”, một ý niệm xa lạ nơi đây.

Suy cho cùng, hạnh phúc hay không một phần cũng là do nhu cầu và ước muốn của riêng từng cá nhân, khi họ so sánh cuộc sống của họ với những người chung quanh. Tôi mong là triết lý sống của Ấn giáo và Phật giáo sẽ giúp người dân Nepal có được một suy nghĩ hòa hợp với thiên nhiên và với đất nước của họ. Sự tiếp cận với thế giới “văn minh” hiểu theo nghĩa vật chất chưa biết sẽ đi về đâu. Khi tôi bày tỏ sự ngạc nhiên thấy không có người tàn tật ngoài đường, mới biết rằng tại Nepal, người tàn tật hay có tật bẩm sinh bị coi như một hình thức trừng phạt của thần thánh, do đó người ta dấu kỹ những người này trong nhà và coi đó như một điều cấm kỵ không được hé môi. Vấn đề nối dõi tông đường cũng là chuyện quan trọng: bổn phận người vợ là phải sinh con trai, nếu “vô phúc” không có người nối dõi thì người chồng có thể lấy vợ khác để bảo toàn danh giá. Phá bỏ những định kiến này là điều không đơn giản.

.

(Tháng 01/2020)
Nguyễn Hiền


Cái Đình - 2020