Nguyễn Hiền


Du lịch Costa Rica: quốc gia đi tìm sự cân bằng giữa môi trường và du lịch

Viết trong thời điểm 1000 CRC = 1,66 USD = 1,44 Euro

Costa Rica là một quốc gia từ ít chục năm nay trở thành một nơi hấp dẫn du khách thích cảnh trí thiên nhiên, do trào lưu du lịch sinh thái đang thịnh hành. Về mặt chính trị xã hội, trong khi những quốc gia lân cận gặp nhiều xáo trộn trầm trọng, Costa Rica là quốc gia duy nhất trong châu Mỹ Latinh gần như không bị ảnh hưởng gì từ những biến động trong vùng. Costa Rica có Chỉ số Hạnh phúc Thế giới (World Happyness Index) vào hạng rất cao và ít thay đổi (từ 2013 tới 2018 đứng hạng 12 - 14, Việt Nam năm 2013 còn được hạng 63, ba năm mới đây bị tụt hạng còn trên dưới 95). New Economic Foundation đã vinh danh Costa Rica là nước “xanh” nhất (greenest country) thế giới, và đã cho quốc gia này danh hiệu “quốc gia hạnh phúc nhất thế giới” hai lần, năm 2009 và 2012. Đó là những lý do khiến tôi làm chuyến du lịch tại đây để tìm hiểu lý do vì sao. Cộng thêm một lý do rất thực tế là KLM vừa thiết lập đường bay trực tiếp tới thủ đô San José (11/2018), không phải ghé Hoa Kỳ, một quốc gia với thủ tục xin nhập cư (dù chỉ là để đổi máy bay) phiền phức.

***

Khi nói đến Costa Rica, tưởng cũng nên nhắc tới vài nhầm lẫn thú vị. Đầu thế kỷ 16, nhà thám hiểm người Ý Cristoforo Colombo (Kha Luân Bố), khi đặt chân tới vùng đất này, ông ghi nhận là có nhiều người dân mang đồ trang sức bằng vàng, do đó ông gọi nơi đây là “bờ biển giàu có” (costa rica). Thực sự, dải đất hẹp này thời còn hồng hoang vốn là biển, sau đó các mảng lục địa ở hai bên chuyển dịch ép sát nhau, độn vùng này nổi lên thành eo đất nối Bắc với Nam Mỹ châu. Khi xưa, dải đất này là nơi giao thương rộn rịp giữa các nền văn minh Bắc Mỹ và Nam Mỹ, đưa tới hình ảnh xã hội giàu có mà Kha Luân Bố mô tả. Tới khi người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chiếm các vùng đất Mỹ châu, thổ dân bị tàn sát và bị dịch bệnh hoành hành đến gần như tuyệt chủng. Thổ dân không còn, Costa Rica chỉ còn trơ lại một vùng đất hiểm trở, đầy núi lửa và rừng nguyên sinh.

Costa Rica có diện tích khoảng 1/6 Việt Nam. Với dân số gần 5 triệu, quốc gia này được coi là thưa dân. Thủ đô là San José. Trong thời đại đặt vé qua internet, chắc hẳn đã có người vô ý lầm tên phi trường Juan Santamaria ở San José của Costa Rica (SJO) với phi trường ở San José California (SJC). Dấu ấn Thiên chúa giáo tại những quốc gia cựu thuộc địa Tây Ban Nha ghi đậm nét nơi những địa danh, thánh này thánh nọ, sự trùng tên địa danh, ngay cả trong một quốc gia, là điều không thể tránh khỏi. Ngay như ở Costa Rica, chưa tính các làng nhỏ, đã có 2 thành phố mang tên San José!

Tại quốc gia này, tiếng Tây Ban Nha trong giao dịch là chính. Tuy thế, với Anh ngữ và ngôn ngữ tay chân, bạn cũng có thể có được một cuộc du lịch thích thú. Costa Rica còn sót lại dăm bộ lạc thổ dân, được biết đến nhiều nhất là dân Boruca, họ sống quần tụ trong khu đất dành riêng tại tỉnh Puntarenas phía Tây Nam. Người Boruca giỏi nghề làm mặt nạ. Những chiếc mặt nạ sơn vẽ hình man rợ hay khôi hài, bằng gỗ bấc nhẹ tênh, là món kỷ vật mang ý nghĩa nhất cho du khách. Hình man rợ là để dọa nạt quân đế quốc. Còn hình vẽ mặt khôi hài? Để làm trò cười, chế nhạo đám ngoại nhân này. Mỗi năm, họ vẫn tiếp tục tổ chức ngày tưởng nhớ đến một cuộc chiến đã trở nên vô vọng.

Đơn vị tiền tệ của Costa Rica là đồng Colón. Những tờ giấy bạc polymer mang hình cảnh vật thiên nhiên và các con thú đặc biệt của xứ này. Trên thực tế, du khách có thể dùng USD để trả tiền tại phần lớn các tiệm và nhà hàng, họ có thể thối lại bằng tiền Colón hay USD. Tiệm nhỏ, hay mua bán lặt vặt, hoặc tại vài điểm du lịch người ta chỉ nhận tiền Colón hay chỉ nhận tiền mặt. Do đó trở ngại lớn cho du khách là tuy một số nhỏ máy rút tiền có thể cho ta chọn lấy Colón hay USD, nhưng tại những thành phố đông du khách, muốn lấy tiền phải xếp hàng rồng rắn lâu lắm, mà tình trạng hết USD hay hết luôn cả Colón thường xuyên xảy ra, khi đó phải vào ngân hàng làm thủ tục đổi tiền, hay ráng nhịn tiêu xài và đi tiếp.

Thủ đô San José

Thủ đô San José nằm ngang vĩ độ với Sóc Trăng, nhưng nhờ biển kẹp hai bên (Thái Bình Dương 50km bên trái và Biển Caribbe thuộc Đại Tây Dương 75km bên phải) và địa thế cao nên khí hậu ôn hòa hơn. Quanh năm nhiệt độ ban ngày là 27 - 28°C (Sóc Trăng 30 - 34°C). Những vùng núi ban đêm trời tối rất nhanh, gió thổi gây gây, phải mặc áo ấm.

San José cho thấy hình ảnh của một thị trấn bậc trung với sinh hoạt buôn bán sầm uất ồn ào và tiệm ăn đan xen nhau. Ít có những tiệm sang trọng bán các thương hiệu thời trang cao cấp. Những cửa hàng nhỏ hẹp, mang dạng tiệm tạp hóa. Tiệm ăn bình dân tại San José chỉ có món gà, may lắm là có món bò, còn tôm cá thì hơi khó kiếm. Mùi gà chiên và dầu cháy quyện đẫm trong không khí. Nơi đây gà rán KFC phổ thông hơn McDonalds. Còn cơm gà, tortilla, wrap… là những món dằn bụng rẻ tiền dễ kiếm.

San José có khu phố chợ nhộn nhịp và ồn ào như “chợ vỡ”. Vật dụng, áo quần, giày dép, bóp ví, nữ trang “dỏm”… ê hề, mà ít người mua. Mẫu mã không sắc sảo, chủ ý chuyện “ăn chắc mặc bền”. Người bản xứ đâu cần những thứ này, còn du khách đại đa số đến đây vì thiên nhiên, không vì hàng hóa. Đó là chưa kể đến giá cả. Có những sự cạnh tranh rất tếu. Trên con phố chính tại khu này, một bên đường là cửa tiệm MasxMenos bán những món hàng “nhiều đồ & giá hạ”, xéo bên kia là Tienda Ropa Americana bán quần áo cũ bận có đôi lần, trông mới tinh, mang từ Hoa Kỳ tới. Giữa lòng phố là dãy bạt trải dưới đất của dân “hàng chạy”, phần lớn là dân từ Nicaragua đến tìm kế sinh nhai. Cảnh sát làm lơ, can thiệp cũng như bắt cóc bỏ đĩa. Hơn nữa, chẳng thấy bóng dáng cảnh sát đâu. Costa Rica từ năm 1949 đã giải tán quân đội, một chuyện rất hiếm quốc gia dám làm! Có lẽ chẳng ai muốn dòm ngó tới mảnh đất này. Một vòng thành với các tháp canh đồ sộ, nơi từng là tổng hành dinh quân đội trong thời kỳ bị đô hộ, nay thành Viện Bảo tàng Quốc gia. Người ta chỉ giữ lại một phần của tòa lâu đài để ghi dấu lịch sử. Ngân quỹ vốn dành cho quân sự được chuyển sang giáo dục, y tế, an ninh và bảo tồn thiên nhiên là chính.

Ngay cả giờ đây, khi những nước trong vùng gặp biến động kinh tế hay chính trị, cũng chẳng có mấy ai đến xin tị nạn. Thực ra cũng có, phần lớn từ Nicaragua, lân bang phía bắc. Họ được tập trung ở các trại gần biên giới, tương lai mù mịt, vì họ khó nhập vào sinh hoạt xã hội của Costa Rica. Người nào không bán hàng chạy mà cố gắng tìm được việc thì thường là những việc nặng nhọc, như hái cà phê trên rừng, vào đồn điền trùm kín người để chặt mía (họ phóng hỏa đốt vườn mía cháy đen trước khi chặt), hay may mắn kiếm được chỗ chịu mướn chạy việc vặt nơi các bãi tắm.

Đường xá tại San José, cũng giống như tại những thành phố lớn ở Costa Rica, được đặt tên rất giản dị và rất dễ tìm. Trừ vài con đường ngay trung tâm thành phố, các đường lớn chạy song song với nhau được ghi là lộ/đại lộ với số thứ tự, các đường này bị cắt ngang bởi những đường nhỏ mang tên đường/phố và cũng được đánh số thứ tự. Chỉ có điều, đại đa số là đường một chiều và vì thế, rất hẹp. Ở San José còn thêm nạn xe lửa chạy chung đường với xe hơi, không có dấu phân cách, người ta nói tai nạn do đụng nhau xảy ra thường xuyên, nhưng không có cách nào cải tiến.

Những điểm thăm thú tại San José không nhiều. Những dinh thự lớn tập trung quanh khu Quảng trường Trung tâm (Parque Central). Trên trần Nhà hát quốc gia (Teatro Nacional) có bức họa phẩm nổi tiếng Alegoría al café y al banano (tạm dịch: ‘Biểu tượng cà-phê và chuối’) do họa sĩ Aleardo Villa người Ý vẽ vào cuối thế kỷ 19, mô tả cảnh rộn rịp của vùng quê Costa Rica, có các cô thôn nữ đang hái trái cà-phê và các thương buôn đang bận rộn chất chuối lên tàu. Cho dù người ta phát hiện ra rằng ông họa sĩ (vẽ hoàn toàn theo tưởng tượng) đã vấp phải nhiều sai lầm – cây cà phê không mọc nơi bãi biển, hái cà phê không ai mặc đồ sặc sỡ hở da mà cũng chẳng có ai ôm buồng chuối theo như cách của người đàn ông đứng giữa bức tranh – thế nhưng đây là một bức tranh tường nổi tiếng trên thế giới, và đã có thời nó được in trên mặt sau đồng tiền giấy 5 colón. Nhà hát này (cũng như nhiều tòa nhà cổ ở San José) có những phần kiến trúc bằng ngọc thạch đủ màu. San José có viện bảo tàng ngọc thạch (Jade Museum) độc đáo, tiếc là vì phải đi nơi khác nên chúng tôi bỏ lỡ dịp may xem viện bảo tàng hiếm có này. Ngọc thạch trưng bày trong viện bảo tàng này phần lớn là vật dụng, tượng và cổ vật đào được, không phải đồ trang sức. Tại một số cửa hàng lưu niệm bạn có thể mua những viên ngọc thạch đánh bóng lớn bằng ngón chân cái, đủ màu, được tự lựa bỏ vào bịch vải bằng nắm tay em bé, giá ba bịch là 20 USD. Rẻ, nhưng câu hỏi đặt ra là mang về để làm gì? Chẳng lẽ trải chúng lên chậu cây cảnh?

Nhà hát Quốc gia San José (trái) và bản phóng họa bức tranh ‘Alegoría…’, vẽ trên tường trong hãng làm xe bò ở Sarchí (phải)

Tại những nơi trọ, buổi sáng thức dậy bạn thường được cho điểm tâm bằng món ăn căn bản của Costa Rica, gồm có gạo nấu chung với đậu, ăn với trứng chiên hay trứng đánh, thêm vài miếng tortilla, may ra thì có ít khoanh chuối chiên hay chuối nướng. Ngày nào cũng như ngày nấy, chỗ nào cũng vậy. Nếu bạn than phiền chỉ có một thứ ăn hoài thì bạn nên nghĩ tới người dân tại đây, một năm 365 ngày thì hơn 300 ngày họ ăn sáng với món có tên hoa mỹ là Gallo pinto (con gà đốm) này, tên có được là từ hình muỗng cơm trộn đậu đen bới úp trên đĩa coi giống lưng con gà nước. Đó là chưa kể tới nhiều người ăn ngày hai ba lần một món căn bản. Dọc đường liên tỉnh có rất nhiều quán bình dân dựng bảng sơ sài với chữ “có ăn sáng, giá 1000” (chưa tới 2 đô Mỹ), là ăn món Gallo pinto. Tôi nghĩ họ dựng biển để chơi, có khách ghé vô thì nhà có thêm chút tiền, và bà chủ nhà sau đó lụi hụi nấu cơm tiếp chờ mối sau. Ế hàng thì sẵn cơm nguội đó cả nhà no bụng được buổi trưa và buổi tối. Sang chút nữa thì có món “cơm phần” Casado, cũng dọn chung trên một đĩa như vậy, nhưng cơm riêng đậu riêng và có thêm miếng thịt hầm hay cá, có rau sà-lách sắp bên cạnh. Có khi có thêm miếng khoai mì chiên, mà dân xứ này gọi là Yucca (không phải Cassave). Casado có nghĩa là “đàn ông đã có vợ”, ý nói (hồi xưa) khi người chồng đi làm thì vợ bới theo một tụm gồm đủ thứ, gói trong lá chuối làm bữa trưa cho chồng. Thấy họ ăn uống kiểu này nghĩ bụng chắc tiền để dành cả bó, nhưng thực ra đời sống của họ rất chật vật, lương tháng 500 đô là khá lắm rồi. Và khi thấy khắp nơi vô số cửa hàng thực phẩm nhỏ mang biển Liquor thì hiểu ra rằng nhiều người chi cho cái vụ nhậu nhẹt chắc nhiều hơn cho vụ ăn (cốt lấy no làm chính). Cũng nên nói thêm: các món đồ khô, đồ hộp trong tiệm mắc không ngờ.

Các đồn điền…

Costa Rica nổi tiếng thế giới về bảo tồn thiên nhiên. Khoảng một phần tư diện tích đất đai là những khu lâm viên quốc gia và khu thiên nhiên được bảo vệ. Có một dạo, nạn phá rừng lấy gỗ quý đã trở nên báo động, từ đó chính phủ mới đề ra quốc sách ngặt nghèo, và theo số liệu, khoảng 50% rừng nguyên sinh bị phá nay đã được tái tạo. Từ đầu thiên niên kỷ này, nạn phá rừng (vô tổ chức) đã được phúc trình là 0. Thiên nhiên là của trời cho, nó mang lại phần lớn thu nhập do dịch vụ du lịch sinh thái, chính phủ quý là phải.

Dĩ nhiên công nghệ khai thác gỗ quý ở xứ này vẫn là một nguồn lợi lớn. Rời San José, đi lên phía tây bắc vài chục cây số là tới Sarchí, nơi đây tập trung những xưởng mộc của các nghệ nhân giỏi nghề tiện chạm gỗ. Hai bên đường dẫn qua làng, các cửa tiệm đồ mộc san sát, bàn, ghế, tủ, giường, tượng lớn tượng nhỏ. Những nét chạm chưa tới mức sắc sảo, thấy uổng cho giá trị của món đồ. Hoa văn xem từa tựa nhau, có lẽ một phần do mình chưa có thời giờ đi vào tới chi tiết của từng nhãn hiệu gia đình. Nhiều bộ bàn ghế, tủ thấy phảng phất nét Việt Nam, cũng ngăn kéo với tay nắm và khóa kiểu đó, cũng có tủ chân quỳ. Ngoài ra có những kiểu dáng hiện đại. Gỗ dùng cho sản phẩm tốt là những loại gỗ cứng và nặng, như pochote (tức là gỗ của cây Pachira, cây này có hoa lớn hơn bàn tay xòe, đi trên ghe dọc theo những con lạch thấy chúng nở bung giữa màu cây xanh, chỉ biết xuýt xoa nhìn), có vân tựa như gỗ cẩm lai; và gỗ ronrón màu nâu hạt dẻ lấy từ một cây thuộc họ trái điều, vào những tiệm ăn sang hay khách sạn lớn thường thấy họ dùng gỗ này làm trần hay đóng vách. Tại các thành phố lớn, vào các phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật, thấy có nhiều bức tượng gỗ có độ thẩm mỹ cao, mà không mắc, tiếc rằng chúng nặng quá.

Hoa Pachira và một chiếc băng 2 chỗ làm từ một chạc cây

Thành phố Sarchí còn có một nơi du khách thích tới chụp hình. Đó là những nhà làm xe bò. Những xe này nặng lắm, cần hai con bò kéo. Có hai loại: loại để cộ cà phê từ trên rừng xuống, mộc mạc nhưng coi chắc chắn vô cùng, và loại tương đối thanh mảnh, được sơn vẽ những hoa văn, có kê băng ghế bên trong, để dùng cho các dịp lễ lạc, và để chở du khách đi thăm những vườn cà phê. Đầu làng sừng sững một chiếc xe bò khổng lồ sơn vẽ sặc sỡ, được coi là chiếc xe bò lớn nhất thế giới, của nhà Eloy Alfaro, một cơ sở đóng xe bò vĩ đại. Ông chủ có sáng kiến sửa sang khu nhà máy thành nơi triển lãm công nghệ này, mà ông hãnh diện khoe với chúng tôi (và biểu diễn cho thấy cách vận hành) là từ năm 1928 xưởng ông đã áp dụng được thủy lực để chạy toàn bộ cơ xưởng. Thán phục tài nghề và óc sáng tạo của họ.

Nếu từ San José, khi bạn định tới Sarchí xem ngành mộc, trên đường nên ghé vào làng Grecia xem ngôi nhà thờ Đức Bà Nhân Ái (Iglesia de Nuestra Señora de las Mercedes) xây vào cuối thế kỷ 19 theo kiểu Tân Gô-tích, độc đáo ở kiến trúc bên trong bằng gỗ trắng ngà tương phản với màu đỏ hung bên ngoài, đơn giản mà trang nghiêm rất mực. Trên tường trong chánh tòa có treo chục bức tranh gỗ diễn lại, theo thứ tự thời gian, cảnh những ngày cuối của Chúa Jesus và nhiều bức tượng chúa thánh mỹ thuật.

Nhà thờ ĐBNA Grecia (trái) và một cỗ xe bò dùng trong lễ hội (phải)

Từ đây đổ lên phía bắc, khi qua khỏi những đồn điền trồng chuối và thơm, và xa hơn về phía tây là vùng núi lửa với những đồn điền cà-phê, thì tới vùng giáp ranh với Nicaragua – vùng của những lâm viên quốc gia lớn trải dài từ đông sang tây. Nói nghe dễ, thực sự hệ thống đường giao thông ở Costa Rica còn rất kém. Mọi đường “xa lộ” chỉ có hai lằn xe, một lằn lên, một lằn xuống, ngoại trừ đường quốc lộ số 1 từ biên giới Nicaragua xuống San José và tiếp theo đó là số 2 từ San José thẳng xuống biên giới Panama, mà tên phổ thông nơi đây gọi chung là Pana Americana. Con đường “Liên Mỹ” này với chiều dài 30.000km chạy từ mỏm trên của Alaska xuống tới chí mũi phía nam châu Mỹ, con đường xe hơi dài nhất thế giới, là thành quả đáng khen của sự hợp tác liên quốc gia. Costa Rica là con hẻm thông từ Bắc Mỹ xuống Nam Mỹ, xe vận tải Mack khổng lồ qua lại liên tiếp như con thoi, không những trên Pana Americana mà cả trên các đường liên tỉnh. Nhà cửa hai bên đường nhỏ thường có cấu trúc xây cất đơn giản, thẳng góc, rào kẽm gai, mái lợp tôn lạnh hay ngói composite. Rải rác dọc đường có những gia đình bày chiếc sạp nhỏ trước cửa, bán những trái cây theo mùa, nhiều nhất là thơm, chuối, dưa gang, đu đủ…. Nhìn toàn bộ thì thấy mọi thứ có vẻ hơi lộn xộn, có thể là do tôi sống trong một quốc gia mọi chuyện sắp đặt ngăn nắp có trật tự đã nhiều năm cho nên quen mắt như vậy. Còn nơi đây: rào dậu nhà cửa xiên xẹo, vật dụng ngổn ngang, nhiều căn bỏ trống hoang tàn. Bò trong đồng cỏ thì hỗn tạp, trắng, đen, nâu, đốm đủ loại, còn lộn chung cả với bò bướu. Dọc đường miệt bờ biển lại thấy có người chống cây gậy, đầu gậy móc một xâu cá tươi! Có lần, xe chạy ngang một trường tiểu học, trường lớp sơ sài, học sinh ngồi trên những băng ghế dài và thầy cô đứng giữa giảng bài trong gian lớp trống trơn (không có vách, chắc để hứng gió mát?). Theo số liệu, giáo dục ở Costa Rica thuộc hạng cao (xếp hạng khoảng 20), nhưng suốt thời gian ở đây, ngoài đường tôi không thấy nhiều học sinh sinh viên. Xe chở học sinh thì rất nhiều.

Đường nhỏ, xe tải chạy ào ào sát sườn nhau làm những người yếu tay lái thót tim. Trong một forum du lịch tôi có đọc một cảnh báo là nên mang theo nước và đồ ăn nhẹ khi đi đường trường ở Costa Rica, và khi tới đây người hướng dẫn cũng dặn như vậy. Thoạt đầu tôi có ý coi thường, cho tới một lần đụng chuyện mới hiểu: khi gặp tai nạn, đường thường bị đóng cả hai chiều, chờ tới khi thông xe có thể mất vài tiếng (dựng xe vận tải Mack lên và dọn số hàng rơi rớt trên đường không phải chuyện đơn giản). May là gặp tài xế rành địa thế, quay đầu xe và tìm đường khác đi vòng trong đồng, không thì chưa biết chừng nào mới tới.

Trên đường lên phía bắc, xe chạy ngang những trang trại bạt ngàn chuối, thơm và mía. Những cây chuối trĩu buồng, 50 kí có dư, còn non thì bao plastic trắng, sắp tới cữ hái thì được bọc bao màu xanh dương. Qua câu chuyện, mới biết lịch sử của ngành trồng chuối ở Costa Rica. Số là người Tây Ban Nha hồi xưa cố tìm cách khai thác cà phê ở vùng phía nam Costa Rica, nhưng không được như ý muốn. Họ đặt kế hoạch lập đồn điền cà phê nơi vùng phía bắc, và làm đường rầy xe lửa dọc bờ biển phía đông lên mạn trên. Cây chuối, do dễ trồng và là thực phẩm giàu năng lượng nên đã được trồng dọc đường với mục đích cung cấp thức ăn cho thợ thuyền. Ngành cà-phê cuối cùng vẫn không tiến triển được bao nhiêu, nhưng chuối đã trở thành một kỹ nghệ lớn. Chỉ có hai thứ: chuối và thơm là các đại công ty nhào vào kiếm ăn được. Gần như toàn bộ chuối nằm trong tay United Food Company (với thương hiệu Chiquita). Công ty này do có thế lực rất lớn có thể khuynh đảo chính quyền nhiều nước Trung-Nam Mỹ nên được người ta tặng cho cái tên “con bạch tuộc” (El Pulpo), tên “cộng hòa chuối” cũng phát xuất từ đây (1). Thơm thì nằm hầu hết trong tay Del Monte, Simba và Tropical Paradise Fruits Co., cho thấy bắt đầu đã có sự cạnh tranh của các đại công ty. Vài nơi, bạn có thể vào thăm những nông trang trồng chuối hay thơm.

Còn cà-phê, món hàng xuất cảng đứng hàng thứ 3, sau chuối và thơm? Khi chúng tôi thăm một đồn điền, tôi mới hiểu vì sao các nhà đầu tư thất bại trong kế hoạch lập đồn điền cà-phê. Một phần do địa thế không thích hợp với một quy mô canh tác lớn, phần khác do những gia đình đã sẵn có mảnh vườn nhỏ chừng chục hécta lại không thích bị nhập vào các đại công ty. Họ tự hào với thương hiệu của gia đình dòng họ, mỗi thương hiệu có đặc tính riêng, có số khách hàng riêng, tự làm tự sống. Và rõ ràng nhất: họ có thể bán cà phê cao giá hơn. Trong siêu thị hay những cửa hàng bán đồ lưu niệm có cả chục thương hiệu cà-phê cho bạn lựa. Nhiều quá hoa mắt, giá cả đúng là mắc thực, mà chưa biết ngon dở ra sao. Đồn điền nơi chúng tôi tới thăm được quảng cáo là hoàn toàn bio (nông nghiệp hữu cơ), họ bón phân hữu cơ và nuôi các loài chim hay bọ để diệt trừ sâu bệnh. Hái trái cà-phê theo kiểu chọn trái chín, không dùng kiểu tuốt trụi cả cành như lối của các đại công ty mướn dân Nicaragua hái để hạ giá thành v.v… Cũng được uống thử cà-phê, nhưng sự thực khó phân biệt ngon dở, vì họ pha cà phê bí-tất, uống toàn nước dão. Tới khi gần về, có thời giờ đọc trong tài liệu mới biết là cà-phê trồng ở quận Tarrazú gần San José ngon nổi tiếng thế giới, nhưng lúc đó làm sao mua?

Có đi sâu vào những chuyện này, mới biết chuối tại đây, cũng như hầu hết chuối bán trong siêu thị trên thế giới hiện nay là giống chuối Cavendish, cây chuối lùn hơn cây chuối già ở Việt Nam (để dễ trảy buồng, không cần leo thang) và kháng nấm bệnh. Chuối được chặt khi đã già nhưng chưa chín, sắp gọn trong thùng có lỗ thông hơi, để trong phòng lạnh được cả mấy tháng, rồi được chuyên chở tới các kho chứa chuối khắp thế giới, chừng nào đại lý phân phối đặt hàng thì họ canh ngày và đem lô hàng đó vô phòng cho “hồi sinh” bằng cách xông khí ethylene, trong vòng 4 ngày chuối sẽ bắt đầu chín vàng, chở tới siêu thị 2 ngày sau thì nó vàng đều nhất loạt, không có một vết thâm. Còn thơm? Hãng Del Monte đã gây được giống MD2 (extra sweet) và giống này hiện đang phổ biến khắp nơi. Họ cứ để trên cây, khi nào đại lý phân phối đặt hàng thì họ khoanh vùng, xịt thuốc “ép chín” trong vùng đó cho vàng (sự thực thuốc chỉ làm vàng trái thơm mà thôi, và thơm vì không chứa tinh bột, cho nên sau khi hái nó không chín thêm, “ready to eat” chỉ là lừa người không biết). Chờ cho thơm chín cây thực thì nó đã quá mềm để có thể chất lên xe hàng. Nghe chuyện, tôi thấy kinh cho trí tuệ con người và khoa học hiện đại, đồng thời cũng ngộ ra rằng hai thứ chuối và thơm vì quá nặng cho nên các nhà trồng tỉa đành phải giao phó cho các đại công ty. Chuối và thơm cũng là những mặt hàng thường được siêu thị dùng để câu khách mua món hàng khác, cho nên ta thường thấy họ quảng cáo 99 cent 1 trái thơm hay 99 cent 1 kí chuối.

Như vậy, ở Costa Rica bạn có thể thưởng thức được chuối, đu đủ hay thơm chín cây tại chỗ, đúng là vị nó có khác, chất ngọt dịu hơn, nhất là thơm, mềm như tan trong miệng. Tiếng Việt gọi “trái thơm” đúng quá, để trái thơm chín trong phòng một buổi là nó làm cả phòng thơm ngọt.

…và lâm viên quốc gia

Giờ đây chúng tôi đang trên đường lên phía bắc, vùng của các lâm viên quốc gia. Một khu thiên nhiên nổi tiếng của ngành du lịch Costa Rica là Lâm viên Quốc gia Tortuguero, địa danh mang hơi hám “rùa”. Đúng như vậy, từ tháng 7 tới giữa tháng 10, vào tuần trăng non, ba ba (rùa biển) kéo hàng đàn lên bờ cát nơi đây đẻ trứng. Nhưng khi chúng tôi tới, mùa sinh đẻ đã qua. Con đường xa lộ từ tỉnh Limón lên đây nhộn nhịp xe. Song song với đường lộ là đường rầy xe lửa, mấy chục năm bỏ không, giờ đây chính phủ dự định sẽ trùng tu lại để dùng xe lửa vận chuyển hàng hóa, giải quyết nạn kẹt xe. Trên đường, xe băng ngang dòng Rio Succío, nước chảy hai đường: bên tả ngạn màu vàng bùn đất do nước từ trên núi đổ xuống, bên hữu ngạn màu xanh do nước mưa tụ về.

Khúc hợp lưu của sông Rio Succío (trái) và con Lười, dọc bên con đường dẫn tới Tortuguero (phải)

Tortuguero có một địa thế đặc biệt: khu lâm viên trải dài 35km dọc bờ biển, bao gồm các dạng sinh thái khác nhau tạo thành một mạng lưới sông rạch chằng chịt: rừng mưa dầm, rừng ngập mặn, đầm lầy, bãi biển, và một cái hồ dọc suốt khu rừng, do nước từ các con sông trong vùng đổ vào trước khi ra biển. Nơi đây hứng trọn cơn gió xích đạo, phía Tây lại có rặng núi chắn, nên mưa thường xuyên. Vũ lượng hàng năm là hơn 6 thước, tính trung bình gần một gang tay nước mưa mỗi ngày. Bạn có thể theo dõi sự thành hình của mây, từ những vẩn trắng nhỏ tụ lại thành mây, từ trắng đổi qua xám và đen cho tới khi mưa rơi như cầm chĩn đổ, chỉ trong thời gian vài giờ. Dọc hai bên hồ, người ta lập nhiều resort. Xe hơi chỉ có thể đi được tới bến tàu đầu làng, sau đó có ghe của resort đón vào, nếu không thì đi tàu đò tới nơi trọ. Ghe chạy vào trong, chui vào những con lạch đâm ngang ngoằn ngoèo, nước đen thẫm do lá cọ rớt xuống lâu năm mục nát. Khi ghe cặp cầu tàu ở resort đã thấy cá sấu bơi phía dưới. Các nhà trọ cất sơ sài, toàn bộ cửa có căng lưới chống muỗi (trong rừng ở Costa Rica có thứ bù mắt chích rất đau, phát ghẻ mấy ngày mới hết), sáng nghe chim hót trước nhà và Khỉ Rú (Howley monkey) kêu vang ồ ộ ồ ộ khắp nơi. Nói chung, Costa Rica ít có chỗ trọ hạng sang, dân du lịch sinh thái không thích quá nhiều tiện nghi, phần nữa là giá cũng đã tương đối cao rồi.

Du khách tới những khu rừng quốc gia ở Costa Rica phần lớn chỉ với mục đích xem cho được những loài chim, thú và hoa lạ tại đây. Trong gần như tất cả tài liệu tổng quát về Costa Rica thường nêu chi tiết: “với diện tích chỉ bằng 0,03% diện tích toàn thế giới nhưng Costa Rica có tới 6% đa dạng sinh học”. Theo thống kê, quốc gia này có hơn 2000 loại cây cỏ khác nhau, hơn 400 loại chim và hơn 100 loại thú có vú, đó là chưa kể số côn trùng và loài bò sát, tôm cá…. Hàng năm, các nhà thám hiểm vẫn tiếp tục phát hiện ra những giống mới mà họ không ngờ, điển hình là cuối năm 2018 họ vừa tìm ra một loại bọ nhỏ xíu, chỉ dài hơn 1 mm, chuyên đeo bám trên lưng kiến mỗi khi muốn di chuyển! Lý do của sự đa dạng là các loài cầm thú, cũng như người, khi dải đất hẹp Trung Mỹ nổi lên thì chúng thiên di từ Bắc xuống Nam Mỹ và ngược lại, thế là trên đường di cư có những con “ham vui” ở lại nhận nơi đây làm quê hương luôn.

Kể lể với con số thống kê thì nhiều, thực tế khác xa. Trở ngại lớn nhất là: làm sao biết cách nhận ra chúng giữa rừng cây bạt ngàn? Tức là bạn phải mướn hướng dẫn viên tại chỗ, giá mắc không nói làm gì, nhưng nhiều nơi họ đòi hỏi phải có số tham dự viên tối thiểu, bằng không thì phải bao với giá căn bản. Nhưng đã tới nơi, đành bấm bụng móc tiền. Muốn có mấy tờ hướng dẫn có hình chụp riêng cho từng loại chim, thú, bướm, cây v.v…, mỗi tờ lớn hơn tờ A4 chút xíu, ép plastic, bạn phải trả 10 đô la hay hơn nữa. Đâu cũng vậy. Đã thế, vào rừng mới biết là chẳng có chim và thú nào thích chường mặt ra cho mình chụp hình như vài vị chính khách. Tôi đã lội gần hai tiếng trong bùn ngập tới ống quyển, rồi ngồi ghe thả chầm chậm theo những con lạch quanh vùng hai chuyến, mỗi chuyến hơn tiếng đồng hồ nữa, mà không thấy được bao nhiêu, một phần vì cái gì cũng thấy mới lạ. Nếu dừng chân nghỉ hay neo ghe vài phút rồi ngồi im thì chung quanh rộ lên đủ thứ tiếng: chim kêu, khỉ réo, dế gáy ri rỉ…. Thấy có những toán du khách mang theo viễn vọng kính và máy chụp hình chuyên nghiệp, vác giá chống và thang theo, thì biết là nó khó khăn dường nào. Tới khi nản chí, hỏi ra mới biết không nên ôm đồm, mỗi vùng chỉ đặc biệt có vài thứ mà thôi. Do đó, chúng tôi đã rời Tortuguero lên tiếp phía bắc, làm một chuyến du hành trên con Sông Lạnh (Rio Frio) ngăn cách Costa Rica và Nicaragua, thấy được mấy chục loại chim với những cái tên lạ, thường là thuộc giống chim diệc, sếu cò và chim én. Sau đó, khi sang bên bờ Thái Bình Dương, làm thêm một chuyến trên hạ lưu sông Tarcoles để thấy thêm một số chim sống trong vùng khí hậu này (Tarcoles là nơi Bắc và Nam Thái Bình Dương tiếp cận nhau), và cả cá sấu mõm dài mõm ngắn nữa. Thành quả lớn thâu được là tôi thấy được đủ 4 loại khỉ sống tại Costa Rica, và sau mấy phút nhìn theo tay ông hướng dẫn và hỏi chục lần “Đâu? Đâu?...”, tôi mới thấy được con Great Potoo, một giống chim hiếm ở đây, màu xám tiệp với màu thân cây, có mình giống cú, miệng ngoác rộng và đuôi giống chim én. Vậy mà chưa bằng những người đi lùng xem con chim Quetzal đuôi dài, một loại cực hiếm, màu xanh lá mạ, chuyên ăn trái bơ (avocado), nghe nói họ phải cắm trại trong rừng mấy ngày mới có hy vọng thấy. Lúc người ta phát giác ra loại chim này tại vùng Monteverde, các nhà điểu học trên toàn thế giới đã đổ xô tới vùng này, rồi du khách tài tử cũng hiếu kỳ tới xem, khiến cho dân chúng lo sợ rằng nếu mà du khách Hoa Kỳ tới đông, với phong thái phí phạm của họ thì còn gì là thiên nhiên nữa. Bởi vậy, con đường đèo băng qua núi Monteverde cho dù bao năm tranh cãi, người ta vẫn cố tình không sửa sang, để đá sỏi lồi lõm tùm lum hầu ngăn chặn phần nào du khách.

Dơi mũi dài, chúng có thói quen đậu sắp hàng một dọc, khi bị động thì cả đám lắc lư cho giống con rắn – Tortuguero (trái)
và nhái Blue Jean – Frog’s Heaven, Sarapiquí (phải)

Bởi vì thiên nhiên là của trời cho, và muốn đi xem thì vất vả, cho nên nhiều người có sáng kiến làm ra các vườn đặc biệt, nuôi một loại thú mà thôi. Chúng tôi đã đi xem vườn bướm, vườn nuôi ếch nhái Frog’s Heaven (chụp được hình con nhái Blue Jean đỏ thẫm với cẳng chân màu xanh, nhỏ bằng đốt ngón tay mà cực độc), trại Iguana (một loại kỳ nhông chỉ có ở Trung Mỹ). Và thích nhất là vào vườn nuôi 14 thứ chim ruồi (colibri), loại chim này sống bằng cách vừa bay vừa hút nhụy hoa, họ dụ chúng tới bằng mật ong và nước đường, chỉ tiếc là với máy chụp hình bỏ túi đành chịu thua. Loài chim này có thể đập cánh mau tới hơn 20 lần mỗi giây và bay nhanh tới hơn 70km/giờ. Gần 200 tấm hình, lựa được có 2 tấm coi tạm được.

Người nào thích nằm nhà phơi nắng cũng có thể thấy khỉ chuyền cành gần nơi trọ, chim én bay trên trời, tôi thấy cả con heo vòi đi lang thang trong rừng nơi resort, kỳ nhông iguana bên hồ bơi hay heo rừng được người ta coi như con heo nhà.

Chim Ruồi – Monteverde (trái) và cá sấu dài hơn 5m trên sông Tarcoles (phải)

Kỳ nhông Iguana bên hồ bơi – Manuel Antonio (trái) và heo rừng được phát cho đồ ăn dư – đảo Tortuga (phải)

Núi non, với Canopy, môn giải trí đặc biệt của Costa Rica

Với hơn 100 ngọn núi, trong đó có gần 2 chục ngọn núi lửa, có núi còn đang âm ỉ cháy, Costa Rica là nơi lý tưởng cho các môn thể thao vùng núi. Phổ thông nhất là chống gậy đi bộ (hiking) theo những cái track. Bên cạnh đó, mưa liên tiếp tạo nên một hệ thống sông suối chằng chịt. Từ ngọn núi Rincón de la Vieja chẳng hạn, có ít nhất 15 con suối đổ nước xuống thung lũng, tại đây hay dọc biển Thái Bình Dương, vùng Jaco hoặc vùng Quepos là những nơi có chỗ cho bạn chèo thuyền kayak trên sông, còn bên bờ Đại Tây Dương có sông Pacura là nơi lý tưởng cho môn chống bè xuôi giòng nước chảy xiết.

Tôi không ham sông nước cho nên chỉ theo mấy cái track chung quanh ngọn núi lửa Arenal, Rincón de la Vieja và Monteverde. Sau khi ngọn Arenal phun trào dữ dội lần cuối năm 1968 phá hủy luôn ngôi làng cùng tên dưới chân núi, người ta đã dựng lên thành phố La Fortuna cách đó không xa để khai thác ngành du lịch vùng núi, làm cho vùng Arenal giờ trở nên tấp nập. Những con suối phát sinh từ vùng Arenal đổ xuống một cái hồ rộng mênh mông, đầu hồ là đập thủy điện, cung cấp hơn 30% điện năng cho toàn Costa Rica. Nơi đây có trồng cây Macadamia và người ta nghĩ ra món cà-phê có pha kem Macadamia và rắc hột Macadamia lên. Trên xa lộ số 1, khúc chạy ngang hồ ở tỉnh Puntarenas, có quán ăn nổi tiếng Café & Macadamia, khung cảnh thanh lịch, nhìn xuống hồ phía dưới ở xa xa, chỉ có điều phải chờ rất lâu. Nhân nhắc tới quán xá, phải kê thêm nơi đây một quán ăn tối đặc biệt. Đó là El Avión ở làng Manuel Antonio, được thiết kế trong lòng chiếc vận tải cơ C-123 của Mỹ. Chiếc phi cơ này đã tham gia chiến dịch chở hàng trong toàn bộ kế hoạch giải cứu con tin do nhóm hồi giáo Hezbollah của Liban bắt giữ, trong một âm mưu chòng chéo liên quốc gia bị phát giác năm 1986, là Hoa Kỳ bí mật bán súng cho Iran thông qua Do Thái để vận động đổi lấy sự trả tự do cho 7 con tin tại Liban, rồi lấy một phần tiền trong đó chuyển ngầm cho nhóm phiến quân Contra’s thân Hoa Kỳ tại Nicaragua chống lại chế độ cộng sản tại nước này. Đây là một xì-căng-đan chính trị động trời trong nhiệm kỳ của tổng thống Ronald Reagan. Khi bị phanh phui (do một chiếc C-123 chở vũ khí bị bắn rơi trên không phận Nicaragua và viên phi công đã thú nhận về kế hoạch), Hoa Kỳ đã bỏ luôn một chiếc phi cơ trong toán này lại Costa Rica nơi một phi trường được xây bí mật vùng tây bắc, để cuối cùng được một tư nhân mua lại, sửa thành quán, và cũng là nơi triển lãm về cuộc chiến tranh lạnh.

Nai nịt gọn gàng trước khi tham dự Canopy (trái) và nhà hàng El Avión (phải)

Tại Rincón de la Vieja (“Góc Của Bà Già”, tên này có được do huyền thoại khi xưa có cô gái yêu anh chàng kia nhưng gặp chống đối, anh người yêu bị ông bố ném vào miệng núi lửa, và cô ta buồn quá đi mất biệt, sau này có người tình cờ thấy cô ta trên núi ở ẩn luôn, đã già và tự dưng có năng lực trị bịnh!) có cái track dẫn qua những miệng núi lửa phụ, bùn sôi sùng sục. Ở Monteverde được cưỡi ngựa băng rừng lội suối, tắm hồ nước nóng thiên nhiên v.v… Còn ở Manuel Antonio (gần tỉnh Quepos) thì du khách có thể theo cái track dẫn tới nơi thấy cá voi bơi phía xa, và có bãi tắm được. Nói chung, bãi biển ở Costa Rica nhiều, nhưng bãi tắm được rất ít. Biển phía đông có cá sấu, biển phía tây có thêm cá mập. Và sóng dữ dội, thêm sóng ngầm có thể kéo mình ra biển.

Monteverde còn nổi tiếng ở một bộ môn “thể thao giải trí”, đó là “đu dây tử thần” – tiếng Việt mình hồi xưa gọi môn nắm ròng rọc móc trên dây mắc trên các chướng ngại vật, nhưng tên gọi quốc tế thời nay là canopy hay zip line. Canopy là sáng kiến của các nhân viên kiểm lâm Costa Rica. Để không phải leo lên tuột xuống các cây cổ thụ suốt ngày trong công việc, người ta đã nghĩ ra cách chăng dây trên các ngọn cây trong một khu rừng để có thể chuyền theo dây đi thám sát cả một vùng rộng lớn. Với ý này, vùng Monteverde trở thành một nơi lý tưởng cho bộ môn canopy. Các trung tâm giải trí chạy đua theo kiểu dây càng dài càng hay, theo cách bố trí là sẽ đu dây từng chặng một, chăng lòng vòng suốt khu rừng (trên dưới 20 chặng, tùy nơi), có khi ở độ cao hơn 200m và băng qua những ngọn thác, để sau cùng theo chiếc dây kết thúc dài hơn cây số đưa về lại điểm khởi hành (khi này thì bạn đã tỉnh trí và có thêm kinh nghiệm để thưởng thức cảnh vật bên dưới hay chung quanh). Thêm vào đó người ta còn bày ra những màn rợn da gà như Tarzan đu dây văng (cho rơi tự do chừng 20m và đung đưa qua lại), nằm sấp mà bay như Siêu Nhân Superman, hay có nơi còn có cả ghế cho con nít ngồi. Xem hình thấy ghê rợn, nhưng thực ra có đi rồi mới thấy sự an toàn 200%. Người nào không dám đi thì có thể leo lên những chiếc cầu treo (Walk on Tree) đi dạo và chụp hình.

***

Tóm lại, chuyến du lịch Costa Rica cho tôi chứng nghiệm là quốc gia này thật thanh bình hiền hòa. Theo tôi, phần lớn là do nếp sống quy tụ trong sinh hoạt của gia đình, làng xóm nhỏ. Tôi đã thu lượm được thật nhiều kiến thức về cách tổ chức, về xã hội và nhất là về thiên nhiên trong thời gian ở đây. Đương nhiên Costa Rica chịu chung ảnh hưởng vùng Trung Mỹ, là trạm chuyển tiếp bạch phiến, nhưng nó nằm trong bóng tối khó thấy. Vài nơi tại bến cảng tấp nập được cảnh báo là coi chừng móc túi, tại phi trường San José cũng có lưu ý là chỉ nên đi taxi chính thức, sơn màu đỏ. Vật giá ở đây theo tôi quá mắc so với thu nhập của người dân. Và muốn đi xem cho thỏa chí thì tiền chi cho hướng dẫn viên là một khoản không nên coi thường.

Rõ ràng, Costa Rica được trời ban cho một gia sản thiên nhiên quý giá, nhưng tại sao họ biết lợi dụng và gìn giữ gia sản này một cách tối đa để thu lợi, khác hơn hai nước láng giềng là Nicaragua và Panama? Tôi có cảm tưởng người dân nơi đây ít có sự đua đòi vật chất. Xem dân tình trong các làng nhỏ, và đối chiếu với những thứ bầy bán trong siêu thị, tôi nhớ lại mấy chục năm trước, những thứ giờ thấy tầm thường tỷ như hộp thịt bò xay, nho khô Sun-Maid, cây sô-cô-la hay kẹo cao su, viên nước sủi v.v… là những thứ khi đó vượt xa tầm tay thằng bé. Bây giờ ngó mấy bịch chips, túi bánh hay hộp kẹo bé xíu với giá tương đương hai phần cơm sáng Gallo pinto cũng thấy ngậm ngùi cho mấy em nhỏ. Không biết chúng có thèm thuồng những thứ này như tôi hồi xưa không?

Điều gây trong tôi ấn tượng mạnh nhất là quyết định giải tán quân đội, tới nay coi như đã tròm trèm 60 năm, thế mà quốc gia này lại trở nên nổi trội nhất trong vùng và đạt thứ hạng cao về hạnh phúc. Tại sao vậy? Nghĩ cho cùng, vào thời các quốc gia đã có mối giao kết toàn cầu với nhau, đã có biên giới rõ ràng, cớ sao phải giữ quân đội? Giả sử một nước lân cận xua quân vào chiếm thì chuyện gì xảy ra, khi nước bị xâm lăng cầu cứu quốc tế? Dĩ nhiên, để có thể tạo được một quốc gia không có quân đội thì cần phải có một sự đồng thuận vô cùng lớn giữa con dân và chính phủ, điều này tôi rất muốn tìm hiểu thêm, nhưng không thể. Chỉ biết là đồng thuận ở quê hương tôi là chuyện mơ mộng viển vông.

.

Nguyễn Hiền
01/2019

_______

(1) Cộng Hòa Chuối: Tên do nhà văn O. Henry nghĩ ra trong tác phẩm “Cabbages and Kings”, chỉ một số nước nhỏ ở Trung Mỹ, mà do xã hội tham nhũng cộng với chính phủ bấp bênh nên những tài phiệt tỷ phú trong kỹ nghệ trồng chuối (hàng đầu là United Fruit Company – thương hiệu Chiquita và Standard Fruit Company – thương hiệu Dole), qua thông đồng với các quan chức chính phủ, đã khuynh đảo chính quyền và nền kinh tế quốc gia phải phụ thuộc gần như hoàn toàn vào họ.


Cái Đình - 2019