Nguyễn Hiền


Du lịch Aruba: Một hòn đảo hạnh phúc – với những nghịch lý

.

Với những người không sống tại Hòa Lan, khi hỏi họ “có biết Aruba ở đâu không?” thì chắc có tới hơn 99% hoàn toàn mù tịt, ngoại trừ những người thích môn lặn dưới biển sâu, và cư dân các tiểu bang phía Đông Hoa Kỳ. Ngay cả với tôi, nếu bốn năm trước không nhờ một cơ hội hiếm có, được chuyến du lịch tại đảo Saint Croix trong vùng biển Caribe, thì chắc chẳng bao giờ tôi nghĩ tới một chuyến đi chơi tại nơi xa xôi này. Giờ đây, cũng do một tình cờ, cộng thêm sự tò mò muốn biết Saint Croix (thuộc Hoa Kỳ) và Aruba (thuộc Hòa Lan) khác nhau ra sao, thì mới có được bài du ký bạn đang đọc.

Aruba là một đảo nhỏ nằm phía nam vùng biển Caribe, cùng vĩ độ với Nha Trang. Vùng quần đảo Caribe, từ ít năm sau khi Cristoforo Colombo (Kha Luân Bố, tiếng Ý) khám phá ra Mỹ châu vào cuối thế kỷ 15, là một khu vực xẩy ra nhiều cuộc tranh giành đất của các đế quốc Anh, Pháp, Hòa Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…, kể cả dân Viking vùng Bắc Âu cũng xúm vào đòi chia phần. Vài hòn đảo đã được mua đi bán lại giữa những đế quốc (gần đây nhất là Đan Mạch đã bán cho Hoa Kỳ một số đảo trong vùng này vào đầu thế kỷ 20, trong đó có đảo Saint Croix), rồi có những giằng co trong phong trào đòi độc lập. Hiện nay Aruba là một vùng đất tự trị thuộc Vương quốc Hòa Lan (Vương quốc Hòa Lan hiện nay gồm nước Hòa Lan nằm ở Bắc Âu và ba hòn đảo trong vùng biển Caribe, xa Âu châu gần 8000km!). Ngoài ba hòn đảo kể trên, Hòa Lan còn một số đảo trong vùng biển này, thuộc quyền bảo hộ. Đó là tóm tắt, trên thực tế chính trị còn nhiều sự phức tạp trong danh xưng và quyền lợi lẫn nghĩa vụ của đôi bên.

Để ghi dấu, Hòa Lan đặt tên phi trường Aruba là “Phi trường Nữ hoàng Beatrix” (tên theo thổ ngữ Papiament: Aeropuerto Reina Beatrix). Bà Beatrix có gắn bó với người Việt tị nạn. Bà lên ngôi ngày 30/04/1980 và nhường ngôi lại cho con trai – vua Willem-Alexander – ngày 30/04/2013. Năm bà lên ngôi là năm cao điểm của làn sóng thuyền nhân Việt Nam. Cho dù kinh tế đang suy thoái, cộng thêm dư âm còn sót lại của những cuộc tuần hành “khuynh tả/thân cộng” rầm rộ phản đối chiến tranh trước kia tại Amsterdam vẫn còn được nhắc lại mỗi khi đề cập đến cuộc chiến Việt Nam, Hòa Lan khi đó lại là một nước đứng hàng đầu trong chương trình tiếp nhận và an cư cho thuyền nhân Việt được tàu Hòa Lan vớt. Họ được xếp vào diện “người tị nạn được mời”, hưởng nhiều ưu đãi. Bù lại, suốt trong thời gian bà Beatrix trị vì, người Việt tị nạn ở Hòa Lan không thể nào tổ chức biểu tình đúng ngày 30/04. Ngày này là “Ngày Nữ Hoàng”, một ngày quốc lễ lớn và vui nhộn nhất trong năm, một ngày để toàn dân vui chơi thỏa thích.

Một cuộc sống chung khác thường

Dân bản địa Aruba vốn có gốc từ những bộ tộc da đỏ của châu Mỹ. Sau này, qua những năm bị Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha rồi Hòa Lan đô hộ, mang theo nô lệ Phi châu (hòn đảo lân cận Curaçao từng là một trung tâm mua bán nô lệ của Hòa Lan), dân Aruba trở thành một pha trộn của những chủng tộc này. Thổ ngữ Aruba hiện nay thuộc dòng ngôn ngữ Papiaments. Trên thế giới hiện có khoảng gần 300.000 người còn giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ này, phần lớn họ là cư dân Aruba và hai hòn đảo nhỏ kế cận, Curaçao và Bonaire. Tuy nhiên, ngôn ngữ Papiament tại Aruba chỉ mới được công nhận là ngôn ngữ chính thức (bên cạnh tiếng Hòa Lan) kể từ năm 2003. Các bảng chỉ dẫn tại công sở, nơi công cộng được ghi bằng hai ngôn ngữ, hay có thêm tiếng Anh. Nếu ta lấy tiếng Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hòa Lan, Anh bỏ chung vào một cái máy xay thì nó sẽ cho ra tiếng Papiament.

Do nằm sát Trung và Nam Mỹ, và có giao thương nhiều với Colombia, Panama, Venezuela…, tiếng Tây Ban Nha cũng rất phổ thông. Nhiều bảng chỉ dẫn nơi công cộng hiện nay chỉ ghi tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Học sinh học rất khổ sở. Trong gia đình, họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Papiament. Ở trường phải học 4 ngôn ngữ cùng lúc thuộc các giòng ngôn ngữ khác nhau, mà 2 trong số này không thể dùng để giao dịch quốc tế. Trong sinh hoạt xã hội hàng ngày, những người có tiếp xúc nhiều với du khách có thể nói tiếng Anh lưu loát. Những người buôn bán, giao dịch trong phạm vi địa phương thường dùng tiếng Tây Ban Nha hay tiếng Papiament. Công chức, nhân viên tiếp tân khách sạn… phải biết nói cả 4 ngôn ngữ. Khi thăm viếng những nơi nằm ngoài khu du lịch quốc tế, tiếng Tây Ban Nha được dùng rộng rãi hơn. Khi mua bán, nói chuyện với du khách, nếu muốn bàn lén với nhau, họ trao đổi rất nhanh bằng thổ ngữ Papiament, y như những người bán hàng trong các tiệm ở Việt Nam. Với khách du lịch, nếu nói được ba ngôn ngữ Hòa Lan, Tây Ban Nha, Anh thì rất bổ ích, vì hiểu được cả những mặt văn hóa, lịch sử nằm sau tên những địa danh, đường phố, cơ sở v.v…

Aruba có đồng tiền riêng. Trước kia, đồng florin Aruba gắn liền với đồng florin Hòa Lan (gulden). Cuối thập niên ‘60 của thế kỷ 20, kinh tế Aruba đang kỳ lụn bại với nguy cơ khủng hoảng toàn diện. Khi đó những tập đoàn khai thác ngành khách sạn tại Hoa Kỳ như Marriott, Hyatt Regency, Hilton…, do lời mời của Ủy ban Du lịch Aruba, đã đến bàn thảo và đề nghị lập ra một khu nghỉ mát dọc khúc biển phía Tây, mạn trên của hòn đảo. Kế hoạch này đã cứu nguy nền kinh tế Aruba cấp thời, với những khách sạn cao ngất chứa cả ngàn người, và bãi biển được sửa sang sạch đẹp, dịch vụ theo kiểu Mỹ… Chính phủ cũng thu được tiền để tân trang lại toàn bộ đường xá và tạo các tiện nghi cho cuộc cộng sinh.

Aruba vì thế ngả dần theo hướng Mỹ. Khi Âu châu bắt đầu dùng đồng euro thì Aruba đã lấy quyết định tháo mối dây tiền tệ với Hòa Lan để buộc vào Hoa Kỳ, từ đó đồng florin Aruba được gắn liền với đồng đô la Mỹ, với tỷ giá cố định là US$ 1 = 1,75 Afl. Vì 90% kinh tế Aruba dựa vào ngành du lịch, và 3/4 du khách đến từ Mỹ, đồng đô la Mỹ được coi như đơn vị tiền tệ song hành trong mua bán. Nhiều du khách không biết là đồng 50 cent Aruba là một đồng tiền thuộc loại quý trong giới sưu tập, vì hòn đảo này được ví như một tiểu quốc, và đồng 50 cent có hình vuông. Đồng bạc cắc 5$ của Việt Nam Cộng Hòa khi xưa hình hoa mai cũng là một đồng tiền được ưa chuộng. Đồng 5$ này hiện nay, nếu ít bị xây xát, có trị giá khoảng 8 - 10 USD (= 200 triệu lần mệnh giá ghi trên đồng tiền!).

Đồng xu 50 cent Aruba và đồng tiền 5$ VNCH

Tuy bạn có thể trả bằng đô la hay florin Aruba, nhưng thực tế không đơn giản như bạn nghĩ. Siêu thị lớn, và tiệm ăn bình dân nơi người bản xứ thường lui tới ghi giá bằng tiền florin. Xe bus Arubus của chính phủ ghi hai giá tiền nhưng họ khoái tiền đô hơn. Arubus, vì là thể diện quốc gia, thiết lập đường xe khắp nước, có bãi, có trạm, nhưng mật độ xe thưa thớt, đa phần phục vụ cho du khách không rành. Dân có kinh nghiệm, hay người bản xứ thì ngoắc xe bus nhỏ 8 chỗ của các công ty tư. Xe này dùng ké các trạm của Arubus, chạy thường hơn, và chạy rất nhanh, lên xe đưa tiền cho tài xế, tiền nào cũng được, nhưng người dân thường trả tiền florin. Vấn đề là bạn phải biết nhận diện thứ xe này, nhiều chiếc không mang bảng BUS. Mua bán, nếu bạn trả tiền đô thì có khi họ thối lại tiền florin cho bạn, hoặc thối tiền chẵn bằng đô, số lẻ bằng florin. Khi bạn trả tiền florin tại những tiệm lớn, họ có thể thối lại bằng tiền đô vì thực sự họ cũng chẳng có florin đủ cho bạn, lắm khi họ tính tròn 1 USD = 2 Afl.  Bạn chẳng thể đòi hỏi hơn, cả hai thứ tiền đều là đồng bạc được công nhận.

Trước mối đe dọa Aruba sẽ thành một thị xã Hoa Kỳ, Hòa Lan luôn tìm cách ve vãn chính quyền sở tại. Aruba nhận nhiều trợ cấp từ Hòa Lan. Phân nửa số sinh viên Aruba đi học tại Hòa Lan qua những chương trình viện trợ giáo dục, với mục đích ngầm là tạo một đội ngũ trí thức có cảm tình với Hòa Lan. Đổi lại, lính Thủy Quân Lục Chiến Hòa Lan đặt căn cứ phòng thủ mặt biển, hợp tác với đội tuần duyên Aruba có tàu tuần tra quanh đảo ngày đêm. Còn dân bản xứ gốc Creol của Aruba nghĩ sao? Với họ, từ ngàn năm qua đã quen với nếp sinh hoạt của dân Nam Mỹ, họ có mối thâm giao với những nước lân cận, nhất là ba nước láng giềng bạn làm ăn là Colombia, Venezuela và Panama. Chuyện trò ngoài phố, họ dùng tiếng Tây Ban Nha hay thổ ngữ Papiament. Giao thiệp với Hoa Kỳ chỉ là tính chuyện làm sao thu lợi về càng nhiều càng hay. Giao thiệp với Hòa Lan dường như vẫn phảng phất một quan hệ “thống trị - bị trị”. Một lý do khác khiến tiếng Hòa Lan ít thông dụng là vì mọi người ít dùng nó trong giao dịch thường ngày. Một triệu du khách chỉ nói tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha là một áp lực rất lớn.

Aruba, một thị xã Hoa Kỳ?

Từ phi trường đi xe vào thành phố, tôi ngỡ ngàng như lạc vào một thành phố hạng trung ở Hoa Kỳ. Từ cô bé có hai đuôi tóc cột nơ Wendy’s cho tới ông già râu chủ nhà hàng “Gà Rán Kentucky” và chú hề McDonald’s, chúng hiện diện khắp nơi. Rồi xe chạy qua các Mall với những cửa hàng thời trang lộng lẫy của các thương hiệu quốc tế, các khách sạn vĩ đại của những tập đoàn Hoa Kỳ. Con đường lộ chính nằm dọc bờ biển Tây Nam, chạy từ phi trường lên tới chót mũi đảo, dường như chỉ có tiệm tùng san sát bên phải và khách sạn bên trái, dọc bãi. Dấu vết Hòa Lan chỉ còn thấy loáng thoáng, qua những cửa hàng bách hóa Blokker, tiệm mỹ phẩm cho đại chúng DA-Drogist và siêu thị Spar, núp dưới tên Tàu. Một chiếc cối xay gió Hòa Lan gần bãi Eagle Beach làm biểu tượng, vài tiệm ăn tiệm nhậu đặc thù Hòa Lan trong đó có quán The Paddock tại bến cảng Renaissance nơi thủ đô Oranjestad còn được coi là quán ăn thuần túy Hòa Lan duy nhất trên đảo. Các supermarket hầu hết nằm trong tay người Tàu, có lẽ họ có cả một hệ thống nhập và phân phối hàng. Còn chủ những minimarket phần lớn là người gốc Nam Mỹ. Minimarket ghi giá bằng tiền đô (hay bằng cả hai thứ tiền), supermarket ghi tiền florin, còn một vật không rời tay người ngồi quầy tính tiền là cái máy tính nhỏ. Điều rất lạ là mặc dầu tỷ giá giữa florin và đô la Mỹ cố định, tôi chưa thấy người nào lưu tỷ giá này vào bộ nhớ máy tính. Một hình thức ăn gian trá hình chăng?

Cối xay gió tại Eagle Beach và quán The Paddock tại bến cảng Oranjestad, hai biểu tượng Hòa Lan

Du khách đến Aruba phần lớn là dân lắm bạc thừa tiền. Nhiều cặp tân hôn hưởng tuần trăng mật nơi đây,  công tử tiểu thư con nhà đại gia tổ chức sinh nhật, hoặc ăn mừng nhân dịp nào đó. Hòn đảo có diện tích gần 200km2 – bằng một thành phố hạng trung – có gần 20 casino, phân nửa hoạt động độc lập, số còn lại nằm trong một khu riêng tại các khách sạn lớn. Con số các tiệm nữ trang đá quý và đồng hồ cao cấp nhiều gấp mấy chục lần số casino, chưa kể những tiệm và sạp chợ dành cho giới thích mua sắm hơn thích khoe tiền. Câu hỏi đặt ra là làm sao các nơi này vẫn sống năm này qua năm nọ, khi tiệm nào tiệm nấy vắng tanh vắng ngắt, cho dù Aruba được quảng cáo là nơi thu hút giới mê shopping vì giá hạ hơn Hoa Kỳ, do chế độ thuế ưu đãi. Có tiệm còn quảng cáo có thể vào xem họ giới thiệu nơi thợ sửa đồng hồ làm việc, nhưng chắc không dành cho tôi. Họ thừa biết cho dù có mỏi miệng quảng cáo, nhưng tôi sẽ chọn một chiếc xe hơi loại khá thay vì một chiếc đồng hồ Patek Philippe, Richard Mille hay Ulysse Nardin chưng trong tủ kiếng. Chi tiết này cho thấy vấn đề an ninh trên đảo được tổ chức chu đáo. Đảo nhỏ, băng đảng hoạt động là vào ngay tầm ngắm của mạng lưới an ninh công cộng.

Để phục vụ cho hơn một triệu du khách mỗi năm mà phần lớn là dân Mỹ nổi tiếng hoang phí, nước ngọt là một vấn đề sinh tử trong ngành du lịch. Nếu bạn biết rằng Aruba có khi hậu bán sa mạc, rất hiếm mưa thì bạn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy cây cối hoa lá xanh tươi đầy màu sắc trong toàn bộ phần đảo dành cho kỹ nghệ du lịch. Nhưng chỉ cần rời dải đất này, đi vào giữa đảo, thì chỉ còn độc những vùng đất khô cằn đầy xương rồng và cây nha đam (Aloe vera). Bạn sẽ giật mình khi nghĩ tới lượng nước cần thiết để giữ cho mặt nổi của thành phố hấp dẫn với những hàng rào dâm bụt, các bụi bông trang và trúc đào nở hoa tươi tốt quanh những bãi cỏ xanh rì, chưa kể tới nước tắm cho khách trọ xài vô tội vạ. Vì khô hạn, Nha đam Aruba thuộc loại tốt hạng nhất thế giới (hàm lượng aloin rất cao), và là một nguồn xuất khẩu chính bên cạnh dầu hỏa trước khi Aruba chuyển sang kinh doanh du lịch. Trước kia, nước ngọt được bơm từ giếng đóng hay được cung cấp từ những nhà máy tinh chế nước biển theo phương pháp bốc hơi. Từ 2015 Aruba đã chuyển sang dùng nguyên tắc “thẩm thấu ngược” (reverse osmosis) với phí tổn hạ hơn. Nhà máy lọc nước biển của công ty Nước và Năng Lượng Aruba (W.E.A.) xây sát bờ biển phía nam thủ đô Oranjestad là nhà máy lọc nước biển lớn thứ nhì trên thế giới. Nhà máy vừa cung cấp nước vừa cung cấp điện năng cho toàn đảo này lại chạy bằng dầu cặn (một phó phẩm của kỹ nghệ lọc dầu), thay vì dùng năng lượng mặt trời hay năng lượng gió thừa mứa trên đảo quanh năm nắng và gió. Trên xe từ phi trường tới khách sạn, bác tài đã đưa ra lời khuyên chí lý là “chớ có mua nước chai, nước vòi ở Aruba tốt thứ nhì thế giới”. Quả thực, nước uống ngọt lịm không có vị tạp chất, sau mới biết họ lọc xuống tới mức 15ppm (phần triệu) muối và sau đó lại cho thêm vào một vi lượng chất vôi để giữ hệ thống ống không bị ăn mòn (nước uống ở Hòa Lan có độ muối khoảng 60ppm). Đổi lại, dân chúng muốn xài nước này phải trả tiền khá cao so với vật giá.

Xương rồng và Aloe giữa đảo Aruba (trái) và nhà máy lọc nước biển của W.E.A. nhìn từ ngoài biển (phải)

Hòn đảo Aruba có thể chia thành hai phần theo chiều dọc. Nửa bên phía Đông Bắc là khu vực du lịch dã ngoại. Nửa bên phía Tây Nam là khu vực buôn bán và du lịch ăn chơi. Trong khu vực này, càng lên phía trên, khách sạn càng cao. Nơi chúng tôi ở, Palm Beach, là bãi đẹp nổi tiếng thế giới. Nơi đây là khu cao cấp (kể về chiều cao khách sạn lẫn giá tiền). Bãi cát trắng tinh dài mút mắt, nước ngập đầu còn thấy rõ những rạn đá phủ đầy rong có những con cá nhỏ bơi ra bơi vào. Nước biển nơi đây ngày đêm luôn luôn ở mức 27 - 28°C (81 - 82°F), nước ngọt để tắm lại cũng nóng luôn! Tôi ngạc nhiên thấy bãi quá sạch, không rong rêu rác rưởi. Có gì không lý giải được so với con số cả chục ngàn du khách trong vùng và số hàng quán dọc bãi. Mấy ngày sau tôi tình cờ khám phá ra là mỗi sáng sớm có xe vào cào rác, sàng cát và trải lại xuống, kéo phẳng lì. Bãi quá sạch cũng có nhược điểm, là trông giả tạo, thiếu mùi tanh của rong rác biển, không có các vỏ sò hến nằm rải rác. Ngay cả chim hải âu cũng chê vì chẳng có gì ăn. Phía xa ngoài khơi có lũ chim chằng bè (pelican) nâu đặc biệt của vùng này và một loại chim bói cá chao liệng tìm mồi.

Theo luật, mọi bãi biển trên đảo đều là bãi tắm công cộng. Giữa những khách sạn vĩ đại – mỗi chiếc có trên dưới ngàn phòng và trải dài một khoảng bãi trên dưới nửa cây số, có con hẻm nhỏ cho dân thường có thể xuống bãi tắm. Tuy nhiên, người ngoài ít khi vào tắm nơi khu cao cấp này, vì không có nơi cho mướn ghế, dù…, còn tiệm ăn trong khách sạn hay quán nhô ra ngoài biển thì chặt đẹp. Người ta nói xài tiền như nước, nhưng nơi đây phải nói xài tiền như thác đổ. Toàn giấy đô la xanh, bạc cắc Hoa Kỳ không chơi. Điều bực mình cho du khách Âu châu và (các nước Đông) Á châu là nạn phải cho tiền tip theo kiểu Mỹ, chỉ thua các khách sạn Hồi Giáo 5 sao, nơi có người bấm giùm nút thang máy mà bạn cũng “phải” tip cho họ.

Thiên nhiên và cảnh trí tại Aruba

Bãi tư duy nhất trên đảo là bãi của khách sạn Renaissance, lập nên do một chòng chéo về giấy phép. Họ lập ra một khu thiên nhiên dành riêng cho khách của họ (nếu khách ra bãi không đông, người ngoài có thể bỏ trăm đô mua vé ra chơi), có thể ra tắm và ngắm đàn chim hồng hạc flamingo đi dạo chung với những loài bò sát trên đảo được nuôi tại đây. Với số tiền tương tự, công ty tổ chức tour du lịch lớn nhất Aruba – De Palm Tours – có hẳn một khoảng đảo tư – De Palm Island – làm khu giải trí cho bạn có được một ngày vui chơi bao luôn ăn trưa buffet chung trong 1 ticket. Không có tiền mà muốn xem chim thì bạn có thể mang ống dòm tới khu bảo dưỡng chim Bubali, leo lên chòi quan sát tứ phương. Trong khu đất nước ngập sâm sấp rộng chừng hơn chục mẫu, người ta nói có mấy chục loại chim khác nhau đến tụ hội, nhưng tôi tìm hoài cũng không đếm được hơn 5. Gần bên đó là trại nuôi bướm, đặc biệt là chỉ mua 1 vé rồi muốn vào chơi khi nào cũng được, suốt trong thời gian ở trên đảo. Họ lượm những con bướm chết mà cánh còn nguyên, gởi qua Panama, nơi đó làm cái mình giả bằng plastic, gắn cánh vô, đóng khung và gởi trở lại cho họ bán với giá hai ba trăm đô một khung 20 con bướm kiểu này (nhập bướm ép có luôn thân là phạm luật tại nhiều quốc gia!). Hướng dẫn viên nói trong vườn có khoảng 35 loại bướm. Con số nghe tưởng nhiều, nhưng chẳng thấm vào đâu so với con số 180.000 loại bướm khác nhau trên thế giới đã được định danh (theo Wikipedia). Còn thằn lằn, cắc ké, kỳ nhông v.v… bò khắp nơi trên đảo, thường thấy nhất là con Kododo màu xanh và con kỳ nhông Iguana. Con này vài chục năm trước còn là món đặc sản của Aruba, hiện nay đã có luật cấm làm thịt (tuy vậy dân trên đảo hay vào khu lâm viên quốc gia Arikok lén bắt).

Thằn lằn Kododo Xanh và kỳ nhông Iguana

Phía nam, dưới Palm Beach là khu trung cấp, những khách sạn nơi đây thấp và nhỏ hơn, có bãi Eagle Beach cũng nổi tiếng về sạch đẹp, bình dân hơn. Tuy nhiên, trừ Palm Beach ra, các bãi khác dường như không có nơi thay đồ và tắm lại nước ngọt. Xuống thêm nữa là thủ đô Oranjestad, đi thêm xuống nữa là thị xã Savaneta, thủ đô cũ của Aruba. Ở Aruba, nếu đứng ở vùng này đón xe và nói “cho tới downtown” thì có thể họ sẽ chở bạn tới Savaneta, vì người ta cũng gọi đây là downtown. Còn đi xuống thêm chừng gần chục cây số nữa là tới San Nicolas, thành phố cuối cùng của hòn đảo, phố xá nhỏ xinh, có thời từng là nơi tấp nập công nhân nhà máy lọc dầu của Exxon. Nơi đây có bãi tắm cho gia đình có con nhỏ mang đồ ăn uống tới picnic. Bãi có tên Baby Beach, hai bên có hai kè đá san hô ngăn sóng, nước rất cạn, em bé 10 tuổi đi ra xa cả nửa cây số chưa ngập đầu. Người lớn chỉ cần bước qua kè đá san hô, mang theo ống thở, đồ lặn là có thể xem nhiều loại cá. Nơi đây muốn ăn uống nhậu nhẹt thì chỉ có một quán duy nhất, quán “Má Bự” (Big Mama), một địa chỉ có ghi trong những sách cẩm nang du lịch Aruba. Nói chung, tại Aruba, khi ra khỏi thành phố là không còn hàng quán gì nữa, ngoại trừ vài trạm bán ít thứ đồ ăn nhanh nằm rải rác dọc đường lộ. Đông vui nhất vẫn là thủ đô Oranjestad – mỗi tuần vài lần có những chiếc cruise khổng lồ cặp bến, có xe trolley bus miễn phí trong vùng city cho họ thăm thú thành phố; và khu Palm Beach, tụ điểm ăn chơi.

Thủ đô Oranjestad chẳng có dính dáng gì đến trái cam kiểu như Quận Cam – Orange County – ở California. Oranje đây là “nhà” Oranje-Nassau, dòng họ hiện đang trị vì vương quốc Hòa Lan. Cũng như đi dọc bờ biển Tây lên cực bắc, có mũi California, trên đó có ngọn hải đăng California. Các bạn ở Mỹ thấy tên này đừng tưởng địa danh này có liên quan đến tiểu bang California. Tên California là để tưởng nhớ chiếc tàu SS California bị đắm tại mũi này năm 1891 khi đụng đá ngầm.

Hải đăng California và nhà thờ Alto Vista Chapel lúc nào cũng tấp nập du khách, vì nằm trên lộ chính

Những người thích đi bộ có thể theo con đường hành hương từ thủ đô Oranjestad lên đến nhà thờ Alto Vista Chapel nằm gần nơi mỏm California. Nhà thờ này độc đáo ở chỗ khi xây xong vẫn chưa có linh mục cai quản. Con đường hành hương dài 20km là một trò đùa so với con đường hành hương Camino francés tới Santiago de Compostela của Tây Ban Nha, vì nó vừa ngắn vừa chán ngắt. Nhưng bạn sẽ đi qua những xóm nhà dân thường, những căn nhà vuông vức, đầy màu sắc. Nhà nghèo lợp mái tôn lạnh. Nhà giàu, thích hoa hòe thì được chủ nhân trang trí ngoài vườn bằng đủ thứ vật dụng ngộ nghĩnh. Đặc biệt, những ngôi mộ trong nghĩa địa có nhiều tầng trông như những nhà lầu tí hon. Mỗi ngôi mộ là nơi an táng chung cho cả gia đình, mộ được sơn màu giống như căn nhà của gia đình đó, không rõ lý do vì sao. Có lẽ không phải vì muốn hồn người chết biết chỗ mà về, vì dân đảo 80% theo Công giáo. Hải đăng California và nhà thờ Alto Vista Chapel là hai điểm mà tour du lịch trên đảo thường thêm vào cho rậm đám, vì nằm ngay trên đường lộ chính, thực ra chúng chẳng có gì coi ngoài chụp vài tấm hình. Gần bên nhà thờ có một khu biệt thự lộng lẫy giá 5 - 6 triệu đô mỗi căn, cư dân là “những người từ hành tinh khác tới”. Nơi đây có cả sân golf 18 lỗ, chắc để khoe hơn để chơi vì gió nơi đây rất dữ.

Một căn nhà của cư dân Aruba trang trí sặc sỡ và nghĩa địa trên đảo

Khi tới Aruba tôi mới hiểu rõ vì sao người ta gọi là “đảo dưới gió” và “đảo trên gió”. “Gió” đây là gió xích đạo, còn gọi là gió mậu dịch (passat) thổi lồng lộng quanh năm từ đông sang tây. “Trên gió” có nhiều đảo, như Haïti, Sint Maarten/Saint Martin, Saba, Puerto Rico, Saint Thomas…. Đảo Saint Croix cũng nằm “trên gió”. “Dưới gió” chỉ có vài đảo, trong đó có Aruba và hai đảo lân cận cũng thuộc vương quốc Hòa Lan. Những đảo “trên gió” chịu ảnh hưởng của luồng gió xoáy trước khi nó thành luồng gió thẳng chạy dọc xích đạo. Luồng gió xoáy này tạo nên những trận bão và cuồng phong vùng đông nam Hoa Kỳ mà ta nghe tin mỗi năm. Trong trung tâm thành phố Christiansted trên đảo St. Croix có cả một hệ thống biển hướng dẫn dân chạy trốn khi có sóng thần. Những đảo “dưới gió” gần như không bao giờ bị bão, nhưng gió dữ dội, cấp 5 - 6 thổi suốt theo một chiều Đông Bắc - Tây Nam, chỉ dịu đi một chút khi đêm về sáng. Mặt trên của Aruba hứng trọn cơn gió này, gió lồng lộng tới mức nghe bưng bưng trong đầu, mũ nón thành vô dụng mặc dù trời luôn nắng gắt. Bờ biển phía này vì thế là nơi lý tưởng để chơi môn trượt sóng cho những tay dày kinh nghiệm sóng gió. Còn nơi bờ biển mặt kia của Aruba cơn gió thổi từ đất ra, cho nên bãi hoàn toàn không có sóng, lý tưởng cho dân chơi lướt sóng do diều kéo (kite surfing). Đảo Aruba có loại cây đặc biệt – Divi Divi (Libidibia coriaria), một cây thuộc họ Đậu, chúng có thể mọc ngược chiều gió để cân bằng trọng tâm, tạo ra nhiều dạng cây độc đáo tựa như bonsai.

Tên gọi gió mậu dịch là do khi xưa các thuyền buôn Âu châu nương theo luồng gió này để tới Mỹ châu, với một hậu quả là quanh đảo có nhiều tàu buôn bị đắm. Quanh Aruba, chỉ nội khu biển có thể bơi ra được đã có khoảng một chục chiếc tàu đang rã mục, là những điểm dân đi lặn thích tới ngắm cá, chớ còn tiền và vật dụng thì đã bị hốt sạch từ lâu. Tại đây bạn cũng có thể mua vé lên chiếc tàu ngầm Atlantis đi lòng vòng 45 phút dưới đáy biển để xem những loại cá và san hô trong vùng, cùng lúc tạt ngang vài chiếc tàu đắm. Chiếc tàu ngầm này có thể lặn tới 150 ft nhưng vì an toàn họ chỉ đưa bạn tới mức 139 ft (= 42 m) mà thôi.

Cây Divi Divi (trái) và một xác tàu đắm ở độ sâu khoảng 35 m, chụp từ tàu ngầm Atlantis (phải)

Sóng gió dữ dội nơi mé biển Đông Bắc này đã tạo nên những cây cầu đá thiên nhiên, cũng là một điểm trong những tour du ngoạn. Nói chung, những tour du ngoạn thăm cảnh quan tại Aruba, dù dài hay ngắn, chỉ là đi phất phơ chụp hình, trên đảo không có thắng tích lớn cho có thể dừng chân lâu hay ngồi ăn uống. Nơi nào cũng cây cối lơ thơ, nắng chói chang. Nếu mướn xe tự đi thì cũng chỉ hai ngày là hết mức, cho dù bạn có lần mò vào thăm các khu phế tích của mỏ vàng xưa, vào trại nuôi đà điểu cưỡi chơi hay vào thăm trại an dưỡng lừa. Những con lừa này xưa kia là phương tiện chuyên chở khi chưa có đường xá tốt, tới khi có đường rồi thì dân bỏ chúng đi hoang. Khách đến thăm có thể nhận bảo trợ một con lừa (làm tôi liên tưởng tới những tour du lịch tại các quốc gia nghèo, họ dẫn du khách tới các viện mồ côi và cầu xin khách bảo trợ một em bé). Khi mướn xe, có điều bất tiện là các văn phòng cho mướn xe thường bắt mướn tối thiểu ba ngày, rồi nạn kẹt xe nơi những đường dẫn vào thủ đô, và khổ nhất là khi ở city nếu may mắn tìm được một chỗ đậu hiếm hoi thì lại bối rối vì trong túi bạn không có một đống tiền cắc 1 florin để bỏ vào máy!

Ngoài xe hơi bạn cũng có thể mướn xe jeep hay các loại xe UTV chạy trên cát để thử tay lái trên những đụn cát hay vào thăm lâm viên quốc gia Arikok, phân nửa hòn đảo mạn đông bắc chỉ có đường mòn. Giá mướn những loại xe này rất cao, một ngày bằng xấp xỉ một tuần mướn xe hơi. Xe taxi tại Aruba, cũng như ở trên đảo Saint Croix, tài xế chạy theo một bảng giá biểu lập sẵn, căn cứ trên nơi đi và nơi đến, bảng giá này có thể xem trên internet. Ước gì một số thành phố du lịch khác trên thế giới cũng áp dụng phương pháp này thì du khách sẽ yên tâm hơn.

Ăn chơi trên đảo

Aruba tự hào có nhiều bãi đẹp nổi tiếng thế giới nhưng tôi thấy dường như du khách không quan tâm tới vụ tắm táp. Hay họ cho tắm biển là thú vui rẻ tiền? Chơi là phải chơi trên nước và dưới mặt nước. Có những tour đi catamaran ra ngoài biển khơi cho người ta lặn xem cá, buổi chiều ăn buffet ngó mặt trời lặn. Hay dong thuyền buồm, các môn lướt sóng, jet ski…, Thích mạo hiểm thì mướn jeep, quad… đi vào vùng hoang mạc, vào lâm viên quốc gia Arikok chơi và leo lên ngọn Jamanota, hay ngọn Đụn Cỏ Khô (Hooiberg) cách đó không xa. Tệ nữa thì nằm phơi nắng, thỉnh thoảng nhào vào quán mua bia, đồ nhậu rồi… phơi nắng tiếp. Buổi tối, nếu không vô casino hay shopping thì có những nơi ăn uống chào mời. Khi du lịch trên đảo Saint Croix tôi chỉ thấy họ chơi có mỗi một điệu Calypso, và người ta nhảy salsa ngay giữa quán. Trên đảo Aruba này phong thái Mỹ châu lấn át. Các quán ăn tìm cách chiêu dụ khách bằng đủ mọi loại: Mỹ đen thổi saxo hay trompet các bản Jazz và Blues; dân Trung Nam Mỹ chơi nhạc mambo, reggae; dân bản xứ múa “mọi”; rồi có các màn xiệc, vũ hóa trang…, chưa kể sân khấu lộ thiên tại food plaza ở Palm Beach có các show nhạc người xen kẽ với nhạc nước. Hôm chúng tôi đến cũng là hôm đảo đang rầm rộ tổ chức Soul Beach Music Festival lần thứ 18, hội nhạc quốc tế nổi tiếng này được tổ chức hàng năm tại Aruba vào cuối tuần Ngày Lễ Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong của Hoa Kỳ. Năm nay có ca sĩ Maxwell, người khai sáng ra phong trào “neo soul” đã đoạt hàng chục Awards, diễn viên hài Marlon Wayans v.v…, và nổi trội nhất có lẽ là Alicia Keys, một trong những ca sĩ chủ lực năm nay, cô nàng lại làm dân mê nhạc soul phát khùng khi cover bản nhạc của Prince “How Come U Don’t Call Me Anymore”.

Quảng cáo um sùm, nhưng menu dở tệ. Người nào đến đây với mục đích tìm món ngon vật lạ thì là điều sai lầm lớn. Nhìn quanh quất chỉ thấy fast food. Ngoài phố đầy dẫy Dunkin’ Donuts, bánh mì hamburger hot dog, wrap và taco, rồi sườn nướng Mexico hay Texas, và pizza. Không muốn những thứ này thì có nửa con gà nướng ăn với khoai chiên, hay cá tôm nướng, và các thứ steak. “Nông dân chỉ ăn những gì họ quen miệng”, câu ngạn ngữ Hòa Lan này cũng đúng với dân Mỹ, họ ít chịu tìm hiểu món lạ. Bù lại, các quán giải khát rất giàu mấy thứ rượu cocktail. Ngoài những loại phổ thông trong vùng, các quán còn chế ra nhiều thứ cocktail mang những tên gợi cảm hay ghê rợn, mỗi quán có một cách riêng. Nếu mỗi ngày bạn thử một thứ, chắc ba tháng chưa đi giáp vòng. Bạn thích uống bia? Buổi chiều leo lên chiếc bus cho họ dắt đi “nhậu” và mặc sức hò hét trên xe cũng như tại các quán đã được họ ăn chia. Ly đầu họ bao (tính trong tiền tour), nhưng coi chừng, đừng quá chén! Nếu không, tới mấy quán chót bạn cũng sẽ chẳng uống nổi ly bia free này.

Hoàng hôn trên biển Aruba và xe bus chở đi nhậu

Qua thăm hỏi, chúng tôi may mắn tìm được một nhà hàng khác thường, đó là Madame Janette. Chủ nhân tự hào đã nghĩ ra món cá mú nướng bọc hạnh nhân bào, với lời quảng cáo “nhiều nơi cố bắt chước nhưng thất bại”. Quán nằm trong một vườn cây lớn, hoàn toàn khuất gió, ấm cúng với hơn 300 chỗ, đông nghịt, cách dọn ăn lịch sự theo phong thái Âu châu, chả trách đại đa số thực khách đến từ các nước bên lục địa này. Lời quảng cáo có thể đúng, nhưng món cá này tôi thấy chẳng có gì gọi là xuất sắc, duy một điều phải công nhận là khó nấu, vì thịt cá grouper rất mềm còn vỏ bằng hạnh nhân bào thì dòn, dễ bể.

Bạn nào thích tôm cá và không kén chọn cầu kỳ thì có thể ăn thử tại một quán ăn bình dân đặc biệt, nằm nơi bờ biển của thành phố Savaneta, mạn nam của đảo. Quán mang tên “Cướp Biển” (Zeerovers). Họ bán tôm và cá bắt được trong ngày – catch of the day – (hôm trước), thường là cá hồng red snapper, cá grouper (một loại cá mú da trơn), cá lưỡi kiếm, cá thu v.v… Tôm cá tươi cân xong, đổ vô rổ, rồi có người mang vô bếp chiên. Khách xếp hàng chờ một dây, lớp mua ăn liền, lớp mua mang về, chậm chân hết tôm cá ráng chịu. Bạn tới quầy khác mua nước và ra ngồi chờ ngoài cầu tàu. Khi chiên xong họ đổ trở lại vô rổ và cứ thế bốc ăn, kèm khoai chiên hay bánh bột bắp, và hành chua. Cá tươi thịt ngọt, trời gió mát, nhắp một hớp bia Balashi  hay Hopi Bon (đảo nhỏ tí cũng có nhà máy bia với ba thương hiệu), ngồi nhìn ra trời biển mênh mông là một cái thú khó tìm. Chỉ ngặt là đường hơi xa, phải đổi xe bus và lội bộ gần cây số dưới trời nắng gắt. Tuy là quán “bình dân”, nhưng tôm có giá 30 USD một kilô, cá phải trả trên dưới 25 đô mỗi kí. Nếu bắt taxi nữa thì đi luôn hơn trăm bạc cho hai người. Giá xăng tại Aruba cao hơn Hoa Kỳ một chút (1,3 USD/l). Từ mỏm cuối của Aruba hay từ trên đỉnh núi Hooiberg, nếu trời tốt, bạn có thể thấy nước Venezuela mờ mờ phía nam, cách 25km. Nơi đó, với số tiền này, bạn có thể mua… 130 lít xăng (một cent USD mỗi lít – giá tra cứu trong Global Petrol Prices tháng 06/2018, nước này có giá xăng thấp nhất thế giới). Nhưng người ta nói Aruba có ký thương ước với Venezuela, không bán xăng cho dân Aruba! Chuyện khó hiểu.

Ăn tôm cá tươi tại quán Zeerovers, và “mẻ cá trong ngày” dành cho ngày hôm sau

***

Một hòn đảo hạnh phúc – One happy island. Tại Aruba, bảng số xe nào cũng có câu này nằm trên cùng như một quảng cáo thường xuyên. Quả thực, nơi đây rất hạnh phúc – miễn là bạn có nhiều tiền. Nhìn vẻ mặt của những nhân viên trong khách sạn, tôi thấy nhiều điều ẩn dấu phía sau. Dân trên đảo sống cuộc hôn nhân tạm bợ với các sắc dân Nam Mỹ, trong khi họ phải lo chiều chuộng cả Hòa Lan lẫn Hoa Kỳ để có thể sống còn. Mối liên hệ “yêu-ghét” này khiến tôi liên tưởng đến người dân miền nam Việt Nam 50 năm trước, khi đối đầu với cộng sản, đã phải chấp nhận một liên hệ “yêu-ghét-lẫn-lộn” với người Mỹ. Giờ đây, tôi đang là người Mỹ hay người Hòa Lan, dù chỉ một thời gian ngắn, trên đảo Aruba. Nhưng tôi có thể làm được gì cho họ? Tương lai Aruba thực sự bấp bênh hơn những gì đang nằm trên mặt nổi. Một quốc gia sống chỉ dựa hoàn toàn vào ngành du lịch cũng giống như một nước sống hoàn toàn nhờ canh nông. Du lịch có các trào lưu của nó. Bên cạnh trào lưu du lịch sinh thái đang lên, Cuba kể từ sau khi cải thiện được quan hệ với Hoa Kỳ, hiện là một nơi du lịch đầy tiềm năng. Và đương nhiên đây là một đe dọa lớn cho Aruba. Du khách từ những quốc gia Nam Mỹ không hào phóng như dân Mỹ. Nếu tình huống này xảy ra, Aruba lại lùi trở lại mấy chục năm. Bãi biển lại đầy rác và đường xá, phương tiện không còn được tu bổ đúng mức. Tôi hy vọng nhà cầm quyền trên hòn đảo này đang ưu tư về tương lai ngành du lịch Aruba, bởi họ đang có những cố gắng cải thiện. Năm 2018 là năm đầu tiên Aruba tổ chức chạy marathon quốc tế, đây cũng là một cách quảng cáo gián tiếp. Riêng tôi, chuyến du lịch này đã cho tôi thấy là cho dù tới một nơi “tưởng là không có gì”, nhưng nếu chịu khó quan sát kỹ thì ta cũng học được lắm điều thú vị.

.

Nguyễn Hiền
(06/2018)


Cái Đình - 2018