Topa


Con gà móng đỏ.

.

Sau mười một năm… xa mặt nhưng không cách lòng, tôi gặp lại người phụ nữ tự xưng là “con gà móng đỏ” cùng người mà nàng yêu và yêu nàng; trong quán rượu ngày trước, nơi mà lần đầu tôi đã gặp “con gà móng đỏ” – Tên gọi là Thúy.

Thúy rời quê hương Việt Nam, rời Thủ đô Saigon một thuở để theo chồng qua sống bên Vương Quốc Hòa Lan. Theo chồng qua sống bên Hòa Lan mười một năm, ngày trở về thăm lại Saigon, “con gà” Thúy bây giờ đã là con công. Một con công lộng lẫy với trang phục nhiều sắc màu thật tươi và thật đẹp, cùng những thứ nữ trang đeo trên người làm cho gương mặt của “Con gà móng đỏ” sáng chói hẳn lên. Thúy vẫn thật đẹp, thật dễ thương, thật thùy mị và, thật khiêm tốn. Tôi không ngạc nhiên khi thấy “con gà” có “nặng” hơn một chút ít. Chính nhờ “nặng” hơn một chút mà Thúy có được cái hình dạng thật sang trọng. Những ai quen biết Thúy trước kia, nếu gặp lại nàng hôm nay, sẽ ao ước được ra nước ngoài sinh sống. Người Việt sống ở nước ngoài đa số không phải lo sợ những bất trắc về tính mạng luôn xảy ra hằng ngày hằng giờ như ở trong nước. Đất nước gì mà giết người cứ như là giết… gà. Xã hội gì mà cướp giật cứ như là cướp… đất.

Hồi tưởng lại, tôi không nhớ đã gặp Thúy trong quán rượu ngày trước lần đầu vào ngày, hoặc tháng nào. Quán rượu ngày trước bây giờ là nhà hàng buffet hải sản. Ngày đó quán rượu không đồ sộ như ngày nay. Ngày đó bề ngang của quán rượu chỉ có tám thước. Bề dài được mười bảy thước. Bây giờ chiều ngang và chiều dài đều tăng lên gấp ba cùng với sáu tầng lầu. Tôi nghe nói chủ của nó là một ông cán bộ gộc của Thành ủy. Ngày trước quán rượu có diện tích tuy khiêm tốn nhưng đã mang vẻ sang trọng như những quán rượu bên Tây mà tôi thường thấy trên phim ảnh. Chẳng gì… quán rượu ngày trước từng là phòng trà ca nhạc có tiếng của Saigon hoa lệ. Phòng trà này từng “nhận” được trái mìn do đặc công Việt cộng khủng bố đặt. Sau ngày Miền Nam bị thay đổi chế độ chính trị một thời gian, phòng trà này được sửa đổi thành quán café và, sau đó là quán rượu.

Chuyện tôi gặp “con gà” tên Thúy lần đầu, tôi nhớ rất rõ như chuyện mới vừa xảy ra hôm qua đây thôi. Hôm đó thằng bạn thân của tôi đã chỉ tay về hướng quầy rượu cho tôi thấy một cô gái có gương mặt thật trẻ và đẹp với vóc dáng thật thon và nhỏ, ngồi bên ly rượu. Nhưng, “xem ra cô nàng không phải là người biết uống rượu.” Tôi đã nghĩ vậy. Cô gái luôn hướng ánh mắt về lối cửa ra vô như đang ngóng chờ một người nào đó sẽ đến với cô.

Thằng bạn thân của tôi được mọi người khen là biết nhiều chuyện lạ mà rất ít người biết đến, nên, hắn làm điệu bộ như kép hát cải lương, tay trái kẹp điếu thuốc lá, tay phải cầm ly rượu mạnh đưa lên gần đụng môi và hai con mắt của hắn mơ màng nhìn vô khoảng trống trên trần cao rồi gật gù cái đầu như một nhà hiền triết làm như điều hắn sắp nói ra sẽ là điều rất quan trọng, trong khi cái môi dưới của hắn, cái môi có màu thâm đen vì hút quá nhiều thuốc lá đang trề ra phía trước như môi con đười ươi. Hắn nói:

“Con nhỏ đó nó tự cho mình là gà. Nhưng… hình như chưa có thằng nào được đá với nó cả. Và, nó cũng từng tuyên bố là không có tên nào có mặt ở đây xứng đáng đá với nó. Mày thấy đó, gương mặt của nó dễ thương nhưng lời tuyên bố tuyên mẹ của nó ra điều ta đây có giá trị lắm, làm cho bọn đàn ông có nhiều thằng sôi máu lên thiếu điều sắp trào cả ra ngoài miệng… Nhưng rồi cũng chẳng thằng nào được sơ múi gì với nó cả. Nó tuy vậy mà cũng còn dễ thương nhiều chứ không đáng ghét như con mẹ chủ sồn sồn của cái quán rượu này đâu. Con mẹ mập thù lù như cái bao gạo lại lé kim nữa chứ. Vậy mà con mẹ đó cứ tưởng mình sắc nước hương trời nên chẳng có thằng nào muốn hay dám xáp vô với con mẻ cả. Con nhỏ đó thì tính tình cũng kỳ cục quá đỗi đi. Đã tự xưng là gà thì phải… đá ít ra là một lần với bọn đàn ông trong quán rượu này chứ. Đằng này nó chỉ liếc mắt đưa tình thôi, làm cho mấy thằng dê xồm cứ chảy nước miếng thèm thuồng chứ chả có tên nào động được tới cọng lông măng của nó cả, dù có nhiều thằng già dịch chịu bung thật nhiều tiền nhưng nó cũng không ban cho một đặc ân nào cả.

“Cô ấy tên gì?” Tôi hỏi bạn.

“Tên Thúy.”

Hôm đó vì đi với người bạn này nên tôi không “động đậy” gì cả. Một người thiếu nữ tự xưng mình là “con gà móng đỏ” mà có cử chỉ và lời nói không có vẻ gì là “gà” thì, phải có nguyên nhân. Tôi quyết sẽ tìm hiểu vì sao.

Bẵng đi vài tuần tôi không đến quán rượu. Một hôm tôi lại có mặt và, lần này tôi đi chỉ một mình. Bước vô quán rượu, việc đầu tiên tôi nhìn đến quầy rượu xem “con gà móng đỏ” có mặt hay không. Trên quầy rượu có đặt một ly rượu nhưng không có người ngồi bên. Sau khi người bồi bàn đem ly rượu đến cho tôi, tôi nhìn về phía quầy rượu. “Con gà” Thúy đang ngồi một mình với ly rượu vẫn còn đầy. Ly rượu mà tôi thấy lúc mới vô trong quán. Có lẽ Thúy đi đâu đó và vừa trở lại. Mục đích của tôi tối hôm nay là phải nói chuyện với cô ta đôi chút, và, nếu được thì... Tôi tin là tôi có bản lãnh. Tôi cầm ly rượu và đi đến bên “con gà”.

“Em là Thúy phải không? Xin tự giới thiệu với em anh tên Thuận.”

“Chào anh Thuận. Em rất hân hạnh được anh để ý đến. Tuy nhiên em phải nói trước cho anh biết là, anh sẽ thất vọng nhiều về em lắm, nếu như anh nghĩ là anh sẽ được... mây mưa với em.”

“Chuyện đó thì... hạ hồi sẽ rõ. Bây giờ anh muốn nói chuyện với em bởi vì bạn của anh có nói em...”

“Con gà” ngắt ngang lời tôi và nói:

“Bởi vì bạn của anh nói em là… “con gà móng đỏ” phải không? Và vì anh nghĩ em là gà nên anh cũng hy vọng sẽ được đá với em chứ gì? Mà cũng không sao cả, anh muốn nghĩ gì và hy vọng gì thì đó là quyền của anh. Em đã tự xưng mình là gà mà. Nhưng, thật ra em tự xưng như vậy ở chốn này là vì em có một chủ đích. Và hơn nữa chỉ để cho vui thôi. Anh cũng cần phải biết em là con gà lập dị lắm chứ không phải bình thường đâu. Từ ngày em biết “đá” cho đến nay, em chỉ “đá” với một người thôi anh Thuận à.”

“Người nào mà có diễm phúc quá vậy em?”

“Người được anh gọi là có diễm phúc, đó là người đã đến với em lần đầu tiên. Dĩ nhiên là như vậy nên anh mới gọi là có diễm phúc phải không anh? Nói trắng ra là em đã mất trinh với anh ấy khi em mới mười lăm tuổi. Sau đó anh ấy có hứa sẽ cưới em nhưng rồi... ảnh biệt tăm luôn cho đến nay vẫn không thấy mặt.”

“Sao em... “đá” sớm quá vậy? Mới mười lăm tuổi...”

“Em cũng công nhận là sớm thật đó anh. Nhưng, vì em thương ảnh quá nên em không nghĩ gì hết. Đã thương thì em cho người em thương mà không hề nuối tiếc. Em nghĩ em vẫn còn may mắn lắm vì đó là tình yêu mà. Em yêu anh ấy và em nghĩ  anh ấy cũng yêu em nữa. Có những em bé gái còn nhỏ... Thời đại này là thời đại của quỷ sứ lên làm người, nên con người dâm ô quá và tàn nhẫn với nhau quá anh à. Có những đứa bé mới sáu bảy tuổi thôi. Sáu bảy tuổi thôi anh Thuận nghe rõ không? Sáu bảy tuổi là tuổi thần tiên, tuổi của thơ ngây... và chúng đã biết gì đâu.”

“Anh vẫn nghĩ, cái lỗi lớn nhất là vì nhà cầm quyền này đã thi hành luật pháp không nghiêm. Sẵn có tiền do tham nhũng nên... Nhưng đó là chuyện khác rồi. Em và anh sẽ nói về chuyện này sau. Còn bây giờ anh muốn biết người có diễm phúc ấy đâu rồi và vì sao em lại trở thành gái giang hồ?”

“Em… em đã làm gì đâu mà anh gọi em là gái giang hồ? Nếu chỉ vì vài ba ly rượu nhẹ ở đây mà anh cho em là gái giang hồ sao? Nhưng thôi, để em kể anh nghe vì sao em tự xưng mình là con gà nhé. Thật ra thì lần đầu tiên làm tình với anh ấy… Anh ấy tên là Đức Phổ. Lần đầu tiên anh Đức Phổ làm em đau lắm nhưng em cố nén và im lặng để anh ấy được vui trọn vẹn. Nhưng rồi em nghĩ, nếu em im lặng thì có thể làm cho anh ấy mất hứng và mang mặc cảm là hiếp dâm em vì em chưa đến tuổi thành niên, nên em đã rên lên nhè nhẹ, nhưng, là cái rên đau đớn và hưởng ứng thật sự chứ không phải em đóng kịch. Thế rồi không hiểu sao anh ấy nói em đã biểu lộ sự sung sướng giống như con gà. Từ đó em cứ mang nỗi thắc mắc trong lòng và luôn tự hỏi, con gà khi nó làm tình mà nó cũng biết rên lên hay sao. Như em biết thì con gà khi làm tình nó sẽ không có thời gian để biểu lộ cảm xúc ra ngoài chỉ vì... nhanh như gà mà, phải vậy không anh? Em đâu có biết chữ gà mà anh Đức Phổ nói là ám chỉ những cô gái giang hồ đâu. Sau này khi em biết các cô gái giang hồ mà em gặp ở đây có tiếng rên rất dâm dật, lúc thì cao vút như đã đạt đến tột đỉnh, lúc thì thở hổn ha hổn hển đứt đoạn như bị kích thích nên làm những tên đàn ông tưởng bở là... ta đây cũng một cây. Sau lần thứ nhất với em rồi thì anh Đức Phổ biệt tăm luôn. Nhưng, em biết không phải anh ấy muốn… quất ngựa truy phong. Có lẽ anh ấy bận công việc gì đó chứ con người của ảnh có ăn học mà. Em mong chờ từng ngày từng bữa anh ấy trở lại. Thế rồi em nghe bạn em nói đã gặp anh ấy ra vô quán rượu này hai lần. Để tìm gặp lại anh ấy, em đã đến đây và tự cho mình là gà vì em nghĩ nếu anh Đức Phổ nghe bạn bè của anh ấy đồn là có con gà tên Thúy ở chốn này thì, chắc chắn anh ấy sẽ tìm gặp lại em. Em muốn gặp lại anh ấy lắm nên chỉ nói vậy thôi chứ em chưa... đá với một người lạ nào hết. Nếu gặp lại anh ấy rồi mà ảnh không chịu cưới em thì lúc đó em sẽ làm gà thiệt. Bạn bè em khi biết chuyện thì thường hỏi em là, tại sao em lại có thể chung tình với cái người vô tâm như anh ấy được. Nhưng… em lỡ thương anh ấy và tin tưởng anh ấy nên muốn làm vợ ảnh.”

Trong khi “con gà” Thúy nói, tôi luôn nhìn thẳng vô mắt cô để xem lời nói của cô có bao nhiêu phần trăm sự thật. Và, tôi tin lời tâm sự của “con gà” Thúy thành thật chín mươi chín phần trăm nên tôi có cảm tình nhiều hơn. Tôi muốn nói chuyện với Thúy nhiều hơn nên tôi hỏi tới:

“Rồi có người đàn ông nào đến gạ gẫm em không?”

“Nhiều. Nhiều lắm anh Thuận ơi. Có lẽ vì em còn trẻ và... còn mới. Lần đầu em đến đây và có một ông cũng đáng tuổi ba em đến bên em và hỏi em: “Em có muốn đi với anh đêm nay không? Anh sẽ cho em thật nhiều tiền để mua quần áo và ăn quà.” Anh Thuận biết hôn, em nhìn ông già đó mà cứ tưởng tượng ra cảnh bàn tay ông ấy run run sờ vô chỗ đó của em rồi ông ấy cúi xuống hôn vô chỗ đó... và bất ngờ hàm răng giả của ổng rớt ra... cũng ngay chỗ đó. Thế là em cười thật lớn như chưa bao giờ em được cười vui như vậy làm cho ông ấy quê quá ổng bỏ đi thẳng một lèo ra khỏi quán rượu đến quên trả tiền rượu.”

“Như vậy là em đối xử ác với ông ta khi em tự cho mình là gà.”

“Có lẽ em ác thật. Nhưng... anh Thuận biết hôn, ở đây, trong quán rượu này em để ý thấy có nhiều loại khách. Loại khách thứ nhất là loại ăn chơi chính hiệu. Loại này vô đây thường chỉ để uống rượu và gặp gỡ bạn bè. Nhưng, nếu được giới thiệu thì loại này mới “đi” và khi đã chịu đi rồi thì chi sộp lắm. Loại khách thứ hai là loại khách lâu lâu mới được xổ chuồng nên thường vô đây để kiếm gà. Loại này dễ nhận biết lắm vì vừa bước chân vô trong quán là hai con mắt cứ láo liên. Loại này mười người thì họa hoằn lắm mới có một người chi sộp thôi. Ông già mà em vừa nói thuộc loại khách thứ hai.

“Chỉ có một mình ông ấy là người duy...”

“Đâu có… nhiều lắm chứ anh. Với tất cả những người đã đến với em, em chỉ nhìn và cười thôi nên em tuyên bố là không có ai đáng đá với em hết. Nhiều người thấy em... mới nên tưởng em sợ, tưởng em nhát nên dặn bồi bàn: “Đến bảo nó không sao...hết.” Nhiều người đã nói câu này nên từ câu nói chỉ có năm chữ đó, về nhà em đã loáy hoáy viết ra được đến gần năm chục câu lận đó anh.”

“Em nói gì anh chưa hiểu?”

“Có gì mà chưa hiểu chứ… anh. Này nhé! Đến bảo nó không sao. Năm chữ đó, mỗi chữ anh thử đổi qua đổi lại rồi đổi tới đổi lui đổi xuôi đổi ngược… đều có ý nghĩa cả.Chẳng hạn chữ đầu tiên là chữ đến do từ câu :Đến bảo nó không sao, và em làm được: Đến bảo nó sao không? Đến không bảo nó sao? Đến không sao bảo nó. Đến không nó bảo sao? Đến nó sao không bảo? Đến nó sao bảo không? Đến nó không bảo sao? Đến bảo sao nó không. Chữ kế tiếp là chữ bảo thì em cũng làm được như: Bảo nó đến sao không. Bảo nó không sao đến. Bảo nó sao đến không. Bảo đến nó không sao. Bảo đến nó sao không. Bảo sao không đến nó. Bảo sao nó đến không. Bảo không sao nó đến. Bảo không đến nó sao. Chữ nó thì...Nó đến sao không bảo? Nó bảo sao đến không? Nó bảo đến không sao. Nó bảo sao không đến… Vân vân và vân vân. Tại vì em ít học quá chứ em nghĩ người nào giỏi thì có thể làm ra khoảng năm chục câu hoặc hơn với năm chữ đó anh à.”

Tôi ngạc nhiên đến không ngờ. Một cô gái có vẻ như đang bị thất tình mà lại chịu khó tìm tòi chữ nghĩa nên tôi càng có cảm tình hơn và xem như là người đã thân thiết từ lâu rồi. Tôi nhận thấy trong con người của Thúy có tâm hồn thật cao đẹp và bộ óc khá thông minh. Nghĩ vậy nên tôi trở nên thân mật hơn trong cách xưng hô.

“Mà nè! Con gà bé nhỏ và tội nghiệp kia. Mấy ông ấy còn tìm và rủ rê gì con gà nữa không?”

“Có chứ anh! Sau này mấy ông ấy cứ tìm đến em hoài. Để tránh những câu mời mọc và dụ dỗ của mấy ổng nên em kể chuyện vui cho mấy ổng nghe. Anh Thuận biết hôn, để em kể chuyện này cho anh nghe vui lắm. Có ông kia nói: Này! Đừng làm anh buồn nhé! Đố anh Thuận biết ổng ngụ ý nói gì?”

“Thì... đừng làm cho ổng buồn mà phải làm cho ổng vui. Chắc ổng muốn em...”

“Em biết ngay là anh không hiểu mà. Buồn có nghĩa là nhột đó anh. Người Bắc nói như vậy đó anh. Đừng làm anh buồn là đừng làm anh nhột đó. Lúc đầu em cũng không hiểu nên em nói lại: Em đang kể cho mấy anh nghe chuyện vui mà buồn hả?”

Tôi nhìn Thúy và cười thật vui. Lần đầu tiên tôi được nghe... buồn là nhột.

“Thế rồi mấy ổng có cho em tiền không?”

“Có, nhưng em không lấy. Riết rồi mấy ổng nắm tay nắm chân em làm em sợ quá nên sau này khi em vừa thấy bóng mấy ổng là em làm như em đang say vậy. Mấy ổng nhìn em một lúc rồi bỏ đi hết. Có lẽ mấy ổng nghĩ em là con gà bị bệnh dịch hát năm en nờ một.”

Thúy nhìn ngay mắt tôi và ngập ngừng một lúc lâu rồi chồm người đến gần tôi hơn để hỏi nhỏ:

“Em… muốn hỏi anh...”

Thúy ngưng nói và nhìn tôi như không muốn nói tiếp. Tôi biết cô bé muốn hỏi điều gì rồi, nhưng tôi bắt cô bé phải tự nói ra.

“Này, con gà bé nhỏ tội nghiệp kia. Cô muốn hỏi gì tôi thì cứ hỏi đi chứ sao lại ngập ngừng. Tôi rất hiểu những người như cô nên cũng rất thông cảm.”

“Em chỉ muốn hỏi là... bộ anh cũng đang đi tìm gà để đá đó hả?”

“Tôi biết cô sẽ hỏi tôi câu đó mà. Cũng... có thể lắm vì tôi vẫn còn đang sống độc thân mà. Nhưng… chuyện đó không phải lúc này đâu.”

Tôi kêu thêm ly rượu rồi hỏi chuyện tiếp:

“Mỗi tối em đến đây lúc nào và ra về lúc nào?”

“Em ghé qua đây khoảng thời gian… không định trước. Rồi đến khi về cũng vậy. Nếu vài lần đến đây nữa mà vẫn không gặp không nghe tin gì về anh của em thì em sẽ không bao giờ đến nữa. Nếu… ông Tơ bà Nguyệt thật sự muốn se duyên em với anh Đức Phổ thì cho em gặp lại ảnh. Còn không thì…”

Tôi nói tiếp… cho vui:

“Không thì em sẽ làm “gà” thiệt hả?”

Thúy cười thật tươi và nói như nửa giởn nửa thật:

“Nếu em làm “gà” em sẽ… đá với anh liền. Anh có chịu đá với em không?”

Tôi nói như tôi cũng là… nhà tướng số đoán biết được tương lai của “con gà” tên Thúy mà tôi rất mến:

“Không. Anh sẽ không đá với em vì anh biết em sẽ gặp lại người mà em đang tìm. Anh chúc em mau được gặp lại người mà yêu.”

***

Sàigòn đang sửa soạn bước vô mùa hè. Mùa hè Saigon thì những người sinh sống lâu ngày ở vùng cao nguyên như tôi sẽ khó mà chịu nổi với cái nóng gay gắt từ sáng sớm cho đến tận khuya. Saigon từ sau ngày tang thương và tan tác cho đến hôm nay nhiều người vẫn đang sống trong lầm than và khổ cực. Họ sống lầm than là vì nhà cửa đất đai đã bị nhà cầm quyền thành phố chiếm đoạt. Không còn nhà cửa để trú mưa và tránh cái nắng nóng thì sự khổ cực biết nhờ ai và biết thưa gửi với người nào và với cơ quan nào bây giờ. Tất cả chỉ là một. Vì không còn nhà cửa nên cuộc sống hằng ngày vốn đã khổ cực càng thêm cực khổ. Người Saigon đang cố quên những nỗi khổ đau và bất công vẫn đang xảy ra hằng ngày để hướng về cuộc sống ngày mai… tối tăm. Đi đến đâu, đến bất cứ nơi nào tôi cũng nghe người Sàigòn nói về sự tham nhũng nay đã thành sẹo, cùng nỗi buồn bị người đàn anh phương Bắc ăn hiếp và bắt chẹt đủ điều. Nhà cầm quyền vì muốn lấy lòng người phương Bắc nên đã phải chịu nhiều điều nhục nhã như, miễn visa cho hơn một tỷ người muốn ra vô nước Việt Nam lúc nào thì tuỳ ý. Nhưng, với vài triệu người cùng giòng giống cùng màu da và cùng ngôn ngữ thì luôn luôn bị hạch sách, phải xin xỏ và phải chịu nhiều điều kiện.

Tôi vừa từ trong một cái chòi lá rách nát của một người bạn ngày xưa nay ở vùng ngoại ô xa lộ Biên Hòa đi ra. Hiện tôi đang lang thang trong thành phố sắp về đêm nhìn thiên hạ đi ngắm nhìn các cửa hàng và hóng gió. Vừa bước đi tôi vừa nghĩ đến thân phận người bạn lính năm xưa này. Anh đã có một thời gian dài trên năm năm cầm súng chiến đấu trong đoàn quân thiện chiến nên có mặt gần như trên khắp các chiến trường. Anh đâu có ngờ số phận đen đúa đã đến với anh trong những ngày sau cùng khi chiến trận đã gần tàn. Và, anh phải bị bỏ lại hai chân ngay ven đô Saigon. Từ bao năm qua anh sinh sống với nghề bán thuốc lá lẻ ngay trước quán rượu mà tôi thường đến vào mỗi cuối tuần. Anh bắt đầu sống bằng nghề bán thuốc lá sau khi người vợ của anh qua đời. Anh đã từng tâm sự với tôi trong nước mắt: “Vợ tôi đã giấu tôi để đi làm gái, làm “gà” anh à. Vợ tôi là “con gà móng đỏ” thật sự chứ không phải như cô Thúy. Vợ tôi làm “gà” để kiếm tiền nuôi tôi và cũng để chữa bệnh cho tôi. Bệnh tôi vừa khá hơn một chút thì cũng là lúc vợ tôi bị mang bệnh và qua đời. Vợ tôi bị bệnh… của thế kỷ. Tôi không hiểu vì sao tôi không bị lây căn bệnh đó từ vợ tôi. Phải chi tôi cũng bị thì có lẽ… tôi được giải thoát nợ trần gian này...” Anh nấc lên từng cơn và không nói được hết câu chuyện. Tôi cũng không muốn hỏi và cũng không muốn nghe tiếp hết câu chuyện vì tôi hiểu, người đàn bà Việt Nam ngày trước có những đức tính cao đẹp mà, một trong những đức tính đó là, hy sinh cả cuộc đời mình để lo cho người chồng tàn tật thay vì bỏ rơi. Sau ngày ngưng tiếng súng, thành phần chịu nhiều đau thương tủi nhục và bị đày đọa nhất, là những cô nhi quả phụ và những thương phế binh bị hất hủi và bị kỳ thị từ nhà cầm quyền có tiếng man rợ nhất trên hành tinh.

Tôi bỗng nghĩ đến Thúy, nghĩ đến những lời tâm sự thật dễ thương của cô ta, và như vậy có lẽ tôi sẽ ghé lại quán rượu vì từ hai tháng qua tôi cũng chưa gặp lại Thúy.

Khi cách quán rượu khoảng năm mươi thước. Tôi nhìn thấy “con gà” dễ thương đang dung dăng tay trong tay với một anh chàng trông khá trí thức trên đường phố. Tôi không nghĩ đó là người mà “con gà” Thúy đã nói với tôi. Tôi vừa quay lưng định lẫn tránh thì Thúy đã nhìn thấy tôi.

“Anh Thuận! Anh Thuận!”

Tôi làm bộ ngơ ngác nhìn quanh và khi nhìn thấy “con gà” dễ thương, tôi làm như vui mừng và lên tiếng:

“Thúy! Lâu quá mới gặp lại em. Em khỏe không?”

“Con gà” chúm cái môi lại làm điệu.

“Mới có... hai tháng mà lâu quá cái gì chứ. Em giới thiệu với anh đây là người mà em đã nói với anh.”

Tôi nhìn người đàn ông đối diện và gật nhẹ đầu Tôi đưa tay bắt tay anh. Thúy nói:

- Anh Đức Phổ biết hôn, anh Thuận là người mà em gặp và nói chuyện lúc đi tìm anh đó.”

Thúy nhìn qua tôi và lộ vẻ xúc động.

“Em đến quán rượu tìm anh Thuận hoài mà không gặp. Em tưởng sẽ không bao giờ còn gặp lại anh nữa chứ”

“Còn sống ở thành phố này thì có ngày chúng ta vẫn còn gặp lại nhau mà.”

“Bởi vì tụi em không còn sống ở đây bao ngày nữa nên em sợ sẽ không gặp lại anh.”

Và, như không để cho tôi thắc mắc lâu,Thúy nói tiếp:

“Tụi em sắp rời khỏi Việt Nam, rời khỏi Sàigòn rồi anh Thuận ơi. Em sẽ theo anh Đức Phổ ra sống ở ngoại quốc. Anh Thuận biết hôn, nếu không gặp lại anh Đức Phổ thì không biết rồi cuộc đời của em sẽ trôi nổi ra sao và trôi giạt về đâu. Với cái xã hội như thế này thì rồi ra… tất cả những người con gái như em sẽ trở thành “gà” hết anh à. Phải làm “gà” mới có thể sống được anh Thuận à.”

Tôi thân mật hỏi Đức Phổ:

“Anh Đức-Phổ và Thúy sẽ đi đến quốc gia nào?”

Con gà dễ thương lanh lẹ trả lời:

“Tụi em sẽ đến sống ở Hà Lan.”

“Đến đâu?”

“Hòa Lan anh Thuận à.”

Đức Phổ lên tiếng thay cho Thúy.

Tôi vui cho đôi vợ chồng trẻ. Nhưng tôi không thể không bị xúc động. Tôi cảm nhận là mình sắp bị mất một vật quý đang nắm trong tay, tôi sắp phải xa người con gái mà tôi rất quý mến. Tôi nhìn đôi vợ chồng trẻ đang hạnh phúc mà nghĩ đến người bạn lính tàn tật mà tôi vừa đến thăm. Biết bao con người, biết bao gia đình vẫn đã và đang còn quằn quại trong cuộc sống khốn nạn tối tăm hôm nay chỉ vì ánh mặt trời đã bị che khuất bởi những tòa nhà cao tầng mà mấy mươi năm dài đằng đẳng mới vừa được dựng lên.

Thấy tôi im lặng nhìn người qua lại trên đường phố, “con gà” Thúy nói:

“Ba anh em mình kiếm quán nước nào vô ngồi nói chuyện đi anh Thuận. Anh Thuận hôm nay sao ít nói quá và hình như anh có chuyện gì làm cho anh buồn phải không?”

Tôi nhìn Thúy và Đức Phổ đang chờ đợi tôi đáp ứng lời mời. Tôi thầm mừng cho Thúy vì trong thời gian sắp tới đây cô sẽ có những tháng ngày vui hơn và không còn lo buồn nữa.

“Anh vừa đến thăm anh bán thuốc lá trước quán rượu. Thấy tình cảnh của anh ấy làm anh cũng buồn. Cám ơn lời mời của em, nhưng anh có một chút công việc cần phải làm ngay. Chúc hai bạn luôn được hạnh phúc bên nhau. Hy vọng chúng ta sẽ được gặp lại nhau… khi hai bạn trở về thăm quê hương.”

Tôi bước lên một bước cho gần sát với “con gà” hơn và nói nhỏ vô tai nàng:

“Vĩnh biệt con gà bé nhỏ và rất dễ thương của anh.”

Tôi quay lưng bước đi và ngay lúc đó tôi nghe rất rõ Đức Phổ hỏi Thúy:

“Con gà bé nhỏ và rất dễ thương của anh? Bộ em... đá với anh ấy rồi hả?

Tôi không quay lại vì tôi biết anh chàng Đức Phổ hỏi câu hỏi đó chỉ là muốn người yêu phải đính chánh với mình mà thôi.

Trên đường xe cộ chạy qua lại như mắc cửi. Tôi bước vô tiệm bánh Như Lan ở khu chợ cũ mua một lít rượu đế, nửa ký thịt nguội và hai ổ bánh mì. “Đêm nay mình sẽ vui suốt đêm cùng người bạn tàn tật. Thật ra thì mình cũng bị tàn tật, chỉ có điều con người không nhìn thấy được thôi. Tâm hồn mình, trái tim mình có lành lặn gì đâu từ ngày mất quê hương..”

Tôi ngoắc chiếc tắc-xi vừa trờ tới. Tôi bước vô xe và nói địa điểm đến với người tài xế rồi dựa lưng vô ghế và nhắm nghiền hai con mắt lại. Tôi không muốn nhìn cái thành phố có quá nhiều tệ nạn cướp giựt và giết người xảy ra từng phút từng giờ. Tôi đang cố hình dung lại cái thành phố yêu kiều thành phố diễm lệ và êm đềm của tôi ngày xa xưa. Nếu Miền Nam chiến thắng trong trận chiến ý thức hệ vừa qua thì, một điều chắc chắc sẽ xảy ra là, mọi người sẽ vui hưởng hạnh phúc thật sự chứ không bị cướp nhà cướp đất cách trắng trợn như nhà cầm quyền này đã hành động.

***

“Con gà móng đỏ” nhưng không phải là “gà” thật; cùng với chồng chia tay tôi sau khi cả ba người chúng tôi ăn buffet hải sản thật ngon và thật tươi.

Ngày mai trời lại sáng. Chỉ có nước Việt Nam thì chưa thật sự có ánh sáng!./.

.

Topa (Hòa-Lan)

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/congamongdo.htm


Cái Đình - 2021