Topa


Chị tôi.

 

Nhân dịp đầu năm mới ít khách đặt hàng, ông chủ hãng quyết định đóng cửa hai mươi ngày để sửa chữa và thay mới gần như toàn bộ. Tôi điện thoại cho bạn với ý định qua Mỹ thăm bạn vì rất lâu rồi chúng tôi chưa gặp lại nhau. Nhưng, bạn nói: “Thời gian này tôi trả nợ nhiều quá, vì vậy tôi phải cày mỗi ngày đến mười hai tiếng, nhưng thỉnh thoảng có ngày cũng mười ba mười bốn tiếng. Bận quá anh à.  Anh thông hiểu cho tôi nhé. Tôi mời anh qua đây mùa hè, tôi sẽ dành cho anh ba ngày trọn vẹn…” Tôi thấy tội nghiệp bạn quá. Tôi vẫn nghĩ, tôi có may mắn hơn bạn vì tôi được định cư ở Vương quốc Hòa Lan. Hòa Lan là một trong những quốc gia trong khối Âu Châu mà tôi xem là thiên đàng dưới trần thế. Là một trong những quốc gia đáng sống nhất thế giới.

Không lẽ lại đi ra rồi đi vô căn nhà cho hết ba tuần thì uổng quá, tôi quyết định trở về Việt Nam thăm lại thành phố Dalat xem bây giờ thành phố đã xây dựng ra sao mà những người đã trở về thăm rồi nói với tôi là: “Thành phố Dalat bây giờ là thành phố công nghiệp. Dalat không còn khoáng đãng không còn là thành phố của ngàn thông, nên cũng không còn thơ mộng như ngày trước nữa đâu anh. Thành phố cho xây dựng bừa bãi quá nên đã làm mất đi cái vẻ đẹp và cái sang trọng của một thành phố du lịch mang sắc thái Tây phương … Một điều tệ hại hơn hết của nhà cầm quyền thành phố, đó là con đường xe lửa Dalat – Phan Rang cũng bị phá bỏ mất một phần rồi. Nhà cầm quyền thành phố Dalat đã cho phá nát, phá tan tành, phá trọn vẹn các nhà ga và con đường xe lửa từ Trại Mát đến Phan Rang theo lệnh của lãnh đạo cao nhất đảng Cộng sản Việt Nam khi vừa chiếm được Miền Nam. Người Pháp đã bỏ tiền của và, bỏ ra đến ba mươi năm để hoàn thành con đường xe lửa đẹp nhất và hùng vĩ nhất vùng Đông Nam Á lúc bấy giờ. Thế mà, chỉ vì một sự tính toán không suy nghĩ mà lại phá đi để rồi vĩnh viễn Việt Nam sẽ không bao giờ xây dựng lại được. Nếu muốn xây lại thì Việt Nam phải bỏ ra… một trăm năm mà chưa chắc đã hoàn thành nổi.”

Nghe những người Dalat nói vậy, làm cho tôi nhớ đến nhà ga Trạm Hành quá. Nhà của ba mẹ tôi không phải ở Dalat mà ở Trạm Hành, cách thành phố Dalat hai mươi sáu cây số. Nhà ba mẹ tôi ở trong Ấp Chiến Lược tên  gọi là Phát Chi. Sau ngày Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị các tướng lãnh phản bội lật đổ và giết đi, thì ngay lập tức, các Ấp Chiến Lược trên toàn quốc cũng liền bị phá bỏ. Ba mẹ tôi phải dọn nhà đến gần nhà ga xe lửa Trạm Hành, cách khoảng sáu mươi mét. Từ đó mỗi ngày tôi ra đứng trước nhà nhìn đoàn tàu chạy đến ga đón khách rồi chạy đi.

Năm tôi lên bảy tuổi cho đến năm chín tuổi, tôi thường được theo mẹ đi xe lửa từ Trạm Hành ra Dalat và ngược lại. Có một lần duy nhất tôi được theo ba tôi đi xe lửa từ Trạm Hành đến Phan Rang. Tôi mê và rất thích đi xe lửa từ những năm đó. Cảnh rừng núi trùng trùng điệp điệp và tuyệt đẹp đã ghi sâu vô tâm thức một đứa bé để sau này khi lớn khôn hơn, tôi đã vô cùng thán phục và biết ơn người Pháp vô cùng. Dù sao thì người Pháp cũng đã xây dựng cho nước Việt Nam một thành phố tuyệt đẹp và sang trọng cùng một công trình rất vĩ đại là, đường xe lửa có răng cưa để leo lên núi cao cách dễ dàng. Sau này khi được định cư tại Hòa Lan, mỗi khi đi du lịch đến các quốc gia trong vùng, tôi rất thường di chuyển bằng xe lửa… Tôi thấy tiếc vô cùng con đường xe lửa của Dalat. Cũng chẳng lạ gì khi người Cộng sản bỗng một sớm một chiều thấy mình có toàn quyền sinh sát trong tay đối với Miền Nam Việt Nam nên đã làm một việc không cần biết đến lợi hại để rồi mang tiếng xấu cho đến muôn đời sau.

***

Nhìn con ngựa nhỏ xíu ốm tong ốm teo kéo chiếc xe nặng trịch chở tôi chạy vòng hồ Xuân Hương mà thấy tội nghiệp nó quá. Hai ngày qua trong thành phố, tôi thấy đại đa số người lao động nghèo cả ngày làm lụng đầu tắt mặt tối thế mà vẫn không đủ ăn nên họ cũng ốm tong ốm teo… thì con ngựa đang kéo chiếc xe nặng trịch này làm sao to lớn được chứ.

Những chiếc xe ngựa của tư nhân ngày hôm nay rồi đây sẽ không còn nữa. Theo kế hoạch mở mang thành phố để phát triển ngành du lịch thì, sắp tới đây, tất cả những hình thức kinh doanh du lịch nhỏ của tư nhân đều phải vô cái gọi là quy hoạch do nhà nước quản lý. Khi đó những con ngựa có lẽ sẽ bị ốm hơn vì sẽ được - bị - ăn bớt cỏ? Nếu lần sau tôi còn trở lại đây nữa và muốn đi xe ngựa như hiện tại thì phải “đăng ký” mua vé đi cùng với nhiều người. Muốn “một mình một ngựa” như hiện tại thì số tiền phải trả sẽ tăng gấp nhiều lần. Những công việc nào xem ra sẽ “hái ra tiền” đều bị o ép hợp tác kinh doanh với nhà nước hết. Thậm chí những thắng cảnh thiên nhiên mà người dân muốn đến xem cũng phải trả tiền. Gần nửa thế kỷ trôi qua rồi nhưng những điều bất công xem ra vẫn… trước sau như một thôi.

Con ngựa đang ngon trớn gõ đều nhịp trên đường thì tôi nói với người điều khiển xe cho ngựa ngừng lại. Tôi vừa nhìn thấy tấm bảng thật lớn ghi bốn chữ “Quán Nem Ninh Hòa” dựng trước cái quán có khu vườn rộng nằm cách con đường khoảng mười lăm đến hai mươi thước.

Từ bên này đường nhìn qua cái quán có bốn chữ to lớn đó, tôi thầm khen người chủ quán. Nem Ninh Hòa đã quá nổi tiếng nên gần như khắp cả nước đi đâu tôi cũng gặp quán bán món ăn này. Nhưng, muốn thưởng thức đúng nem Ninh Hòa thì phải là nem làm tại Ninh Hòa xuất đi mới ngon. Tôi rất có kinh nghiệm và sự tự tin để nói chắc như vậy, vì, tôi từng ăn thử món này ở Ninh Hòa nhiều lần và sau đó là ở những tỉnh thành mà tôi đi qua.

Quán nem khá lớn và có đến ba dãy bàn, mỗi dãy có đến sáu cái bàn, mỗi cái bàn cho sáu hoặc tám người thì quán dư sức đón hơn trăm thực khách cùng lúc. Cạnh ngay cửa ra vô có một cái tủ kiếng thật lớn trưng bày nào là nem chua, nem nướng, bánh tráng để cuốn nem với rau, bánh tráng cuốn tròn đã chiên v.v... Cộng thêm những cái hủ lớn bằng thủy tinh đựng các món đồ chua, tương đen và tương đỏ… nhìn rất hấp dẫn. Tôi chưa đói bụng nhưng nhìn những thứ được trưng bày trong cái tủ kiếng đó đã làm cho tôi phải nuốt nước miếng vì thèm.

Phía trước tủ có hàng chữ màu đỏ ghi: “Nem nướng chính gốc Ninh Hòa. 20.000 đồng một phần.” Bên phải tủ kiếng có hai lò than bằng sắt mà mỗi dài cũng hơn hai thước và đang bốc khói nghi ngút. Mùi thơm của nem bay tỏa qua đến bên này đường, chỗ chiếc xe ngựa đang đậu làm cho cái bao tử của tôi như muốn nổi loạn.

Người xà ích thấy tôi chú ý đến cái quán nên ông quảng cáo không công cho chủ quán:

“Quán mới mở chỉ độ dăm ba tháng nay thôi nhưng rất đông khách. Có rất nhiều khách Việt Kiều và người nước ngoài đến đây ăn lắm. Quán rất vệ sinh mà giá cả thì phải nói là rẻ so với vật giá hiện nay. Nếu ông muốn thưởng thức cho biết ngon dở ra sao thì xin ông cứ tự nhiên.Tôi chờ được mà.”

Hiện tại người đàn bà chủ quán, tôi đoán vậy, bà ăn mặc thật lịch sự và thật đẹp. Bà đang đặt vô tủ những xâu nem còn mới vì màu lá còn xanh tươi. Quán có nhiều nhân viên nữ phục vụ còn rất trẻ, và hai người đàn bà tuổi trung niên đang đứng nướng những cây nem trên lò lửa than cháy đỏ rực. Quán hiện khá đông khách.

Không thể nhịn được, tôi bước xuống xe rồi lững thững đi vô quán. Khi đi gần tới cửa tôi giật mình đứng khựng lại như có người phía sau níu lấy vai. Bà... Chị chủ quán có lẽ cũng vừa nhìn ra tôi nên hai con mắt của chị mở lớn hơn như muốn xem có phải là tôi không. Khi biết chắc là tôi thì chị ngưng tay và đi ra cửa.

Để cho chắc chắn nên khi chị đi gần đến tôi chị liền hỏi:

“Phải… Thuận đó không?”

Tôi quá bất ngờ và quá xúc động nên vẫn đứng yên tại chỗ và gật đầu xác nhận chứ chưa thể thốt ra lời nói nào.

Chị chủ quán và tôi qua giây phút mừng vui bất chợt rồi cùng nắm tay nhau. Chị khẽ nói nho nhỏ:

“Thuận... khỏe không? Tôi... tôi không ngờ...”

Tôi vẫn còn quá xúc động nên cứ nhìn ngay mắt của chị mà cổ họng như bị nghẹn. Mãi một lúc tôi mới nói:

“Em không ngờ... Em thật không ngờ được gặp lại chị? Em... em nghĩ chị đang sống ở một quốc gia nào đó trên thế giới chứ có ngờ đâu... Mấy mươi năm rồi chứ ít ỏi gì phải không chị? Không ngờ rồi em cũng được gặp lại chị ở thành phố du lịch này.”

Nói rồi, rất tự nhiên như những ngày xa xưa, tôi kéo chị lại gần và ôm chị sát vô người tôi. Mái tóc chị vẫn thơm mùi nước hoa quen thuộc của ngày nào. Tôi không ngăn được ý nghĩ: Ngày xa xưa ấy, thân hình này đâu có bị mềm nhão đến như thế này đâu. Thời gian đã làm thay đổi mọi cảnh vật và con người. Chị và tôi ôm nhau thật chặt như đôi tình nhân lâu ngày vừa gặp lại.Tôi vừa xúc động và vừa vui nên quên mất hiện tại. Tôi vẫn ôm ghì lấy chị và thủ thỉ bên tai chị:

“Thời gian trôi qua nhanh quá. Chị cũng đã hơn sáu mươi tuổi rồi. Còn em thì cũng đã hơn năm mươi. Em rất mừng được gặp lại chị.”

Chị nói như bị nghẹn:

“Thuận… Thuận cũng còn nhớ cả… tuổi của tôi nữa à?”

“Chị ơi, làm sao em có thể quên được những ngày chị nuôi nấng em khi chị mới hai mươi ba tuổi… và ngày ba mươi tháng tư năm một chín bảy lăm là ngày khởi đầu để em phải ra sống vất vưởng ở ngoài đường như con ma đói vì nhiều ngày không có cái gì để bỏ vô bao tử.”

Lúc này những người khách trong quán đều đã quay mặt ra cổng nhìn chị và tôi. Thấy vậy nên chị đề nghị:

“Mình về nhà nói chuyện Thuận nhé.”

Chị giao hàng cho những người phụ việc rồi cùng tôi lên ngồi trên chiếc xe ngựa. Con ngựa đã quá quen thuộc với công việc nên khi sợi dây cương chỉ giật nhẹ một cái, nó liền cong mình để lấy sức kéo chiếc xe mà giờ đây có nặng hơn trước. Con ngựa tuy nhỏ xíu và ốm tong vậy mà bốn chân của nó sải bon bon trên con đường nhựa trước mặt như chẳng hề thấy nặng. Nhìn con ngựa làm cho tôi không khỏi không nghĩ đến những người con anh hùng của Miền Nam Việt Nam bị bắt buộc phải buông súng đầu hàng để rồi bị gạt đưa vô những khu rừng có khí hậu khắc nghiệt được gọi với một cái tên tưởng vô hại nhưng lại vô cùng hung ác: “Trại học tập cải tạo”… để làm những công việc nặng nhọc còn hơn cả con ngựa này, mà lại chẳng được cho ăn no. Tôi so sánh những con người anh hùng sa cơ bị đầy ải đó và con ngựa này, thì, có lẽ con ngựa vẫn còn sung sướng hơn nhiều. Bởi dù sao, tuy là kiếp thú vật nhưng nó vẫn được tự do, được con người đối xử có phần nhân đạo hơn là con người đối với con người.

Nhà của chị ở Ấp Thái Phiên nên phải đi ngang qua hồ Than Thở. Khi đến hồ Than Thở, tôi nói với người xà ích ngừng xe lại để tôi nhìn cái hồ. Nhìn cái hồ mà lòng tôi quặn đau và thương tiếc vô cùng vì nay không còn một chút gì gọi là thơ mộng cả; đúng với cái tên của nó là hồ Than Thở. Nước hồ thì đục ngầu. Nước hồ đã gần cạn đến đáy do những người làm vườn đã tận dụng nước hồ để tưới vườn. Những cây thông chung quanh hồ… Năm một ngàn chín trăm sáu mươi mốt, tôi và các bạn cùng trường Donbosco Trạm Hành được đưa đến đây cắm trại hai đêm một ngày. Ngày đó chúng tôi vô cùng thích thú khi nghe cái âm thanh vi vút từ những cây thông phát ra giống như tiếng reo mừng chào đón những chú bé chúng tôi. Chính những cây thông đã tạo nên cảnh trí đặc sắc của hồ Than Thở. Cái hồ với rừng thông cao vút tuyệt đẹp và lãng mạn nên đã tạo được cảm xúc cho các nhà văn các thi sĩ các nhạc sĩ viết ra những truyện, những bài thơ và những ca khúc trữ tình… muôn đời sống mãi trong tim của những người Việt Nam yêu Dalat… nay chỉ còn không bao nhiêu cây thông nhưng cũng đã trơ trụi và khô khốc. Thông già không còn nhiều mà thông non đâu cũng chẳng thấy. Chị thấy tôi cứ nhìn cái hồ với nét mặt đăm chiêu nên chị nói:

“Cái hồ ngày trước đẹp, thơ mộng, và trữ tình bao nhiêu thì nay lại tiêu điều lại thảm hại bấy nhiêu. Không thể đỗ lỗi cho ngườì dân được. Trách nhiệm là của nhà cầm quyền. Theo tôi thì cố nhạc sĩ Hoàng Nguyên chắc chắn đã có đến đây và rồi đã sáng tác ra ca khúc thật trữ tình, Ai Lên Xứ Hoa Đào nổi tiếng đến ngàn đời. Khi tôi mở quán nem thì có nhiều người khách tuổi trung niên từ ngoại quốc trở về và đến quán nem nói chuyện với nhau về hồ Than Thở, rồi ca với lời sửa lại. Tôi ca cho Thuận nghe nhé: “Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe lệ rơi. Nghe nuối tiếc len vào hồn mình chiều xuân mây đen thui…”

Tôi nghĩ, có lẽ chị cũng biết chị ca không hay nhưng chị vẫn ca như muốn cho tôi cảm nhận được nỗi buồn của những vị khách kia cũng là nỗi buồn của tôi hôm nay. Chị nói tiếp:

“Chỉ chừng vài chục năm nữa thôi, khi khách đi du lịch đến đây sẽ được các hướng dẫn viên du lịch giới thiệu: “Nơi đây vào thời… xa xưa từng có một cái hồ tuyệt đẹp và rừng thông thơ mộng hiện diện. Hồ Than Thở đã không còn như cái tên định mệnh của nó nên… được thay bằng những khách sạn hiện đại và khu giải trí…”

Chị thở dài như luyến tiếc một thắng cảnh được thiên nhiên ban cho để rồi lại do chính con người làm mất đi. Chị nói trong tiếng thở dài:

“Tất cả đã mất hết rồi, đã thay đổi hết rồi, còn lại chăng chỉ là những kỷ niệm…” Chị không nói tiếp hết câu nhưng chị vẫn nhìn tôi với đôi con mắt thật buồn. Tôi nói và cố nén nỗi xúc động:

“Tất cả đã mất hết thật rồi… kể từ mùa xuân năm một chín bảy lăm. Căn nhà lớn của Miền Nam bị mất nên tất cả những gì trong căn nhà đó cũng bị mất theo. Về đây em có trở lại căn nhà xưa của ba mẹ. Nhìn căn nhà mà em từng có những tháng ngày sống trong đó với biết bao niềm vui sướng… nay đã đổi thay hoàn toàn. Nhà ga xe lửa chỉ còn lại bốn vách tường đá xanh vì xây quá kiên cố, nhưng, mái nhà thì không còn nữa. Chính tại cái nhà ga bé nhỏ xinh xinh đó ngày xưa mẹ và em thường ngồi ở đó chờ chuyến xe lửa từ Phan  Rang đến để đi Dalat.”

Tôi liếc nhìn chị và thấy chị khóc.

***

Nhà của chị thật đẹp và toàn bằng cây thông. Mặt trước nhìn ra những ngọn đồi cao mà nay là những vườn rau vườn hoa xanh tươi bát ngát. Nhà chị có hai phòng: phòng khách và phòng ngủ. Trang nhã nhưng lạnh, không phải vì không có lò sưởi mà vì quá lặng lẽ. Nhìn cái giường với một cái gối nằm và một cái gối ôm làm tôi hình dung ra cảnh mỗi đêm lạnh lẽo chị một mình trong căn nhà này... Tôi kéo chị sát vô tôi. Tôi muốn cho chị biết tôi vẫn là đứa em của chị và xem chị như ngày nào.

Chị và tôi lút sâu trong cái giường rất êm và rất thơm mùi nước hoa quen thuộc. Tôi làm một việc như muốn đưa chị về những ngày hai chị em còn sống bên nhau:

“Chị... em rúc vô nách chị như ngày xưa nhé?”

“Thuận… Thuận nhắc lại làm tôi mới nhớ vì từ lâu lắm rồi tôi cũng đã quên.”

Chị gọi tên Thuận thật âu yếm nồng nàn thay vì gọi tiếng em làm tôi không còn biết đã có mấy mươi năm trôi qua. Tôi nói với nỗi xúc động:

“Chị ơi. Dù thời gian có bào mòn thể xác chị và em nhưng chị vẫn là chị đáng kính đáng yêu của em như ngày nào. Chị đừng xưng tôi với em. Không có gì có thể ngăn cách tình chị em mình được.”

Chị thở dài vẻ xót xa:

“Tôi... Chị bây giờ như là giọt sương đọng trên lá. Giọt sương thật mong manh, thấy đó vào buổi sớm mai nhưng có thể rớt xuống mặt đất và tan biến đi lúc nào không biết được.”

Tôi nhắc lại câu nói mà có lẽ chị đã quên vì cũng đã quá lâu rồi:

“Đây là lần thứ hai chị nói về giọt sương. Chị còn nhớ lần thứ nhất chị nói về giọt sương là lúc nào không?”

“Gặp lại Thuận là chị nhớ lại gần như tất cả những kỷ niệm của ngày trước. Nhưng… chị không nhớ đã nói giọt sương lần thứ nhất khi nào. Em nhắc cho chị nhớ lại đi.”

***

Ngày trước đó được bắt đầu vào một ngày giữa năm một ngàn chín trăm bảy mươi ba, chị đến nơi hẹn đón tôi về nhà chị. Chị là chị em họ với tôi. Ba mẹ tôi cùng qua đời trong một chuyến xe lửa đi từ Trạm Hành đến Phan Rang và bị trúng mìn. Chị hay tin ba mẹ tôi không còn nên đã rộng lòng cưu mang và bảo bọc tôi. Với cái tuổi mười một, vào thời gian đó tôi vẫn còn là đứa con nít khờ khạo lắm. Tôi sung sướng và hạnh phúc vô ngần khi lần đầu tiên được ngồi trong chiếc tắc xi theo chị vô Chợ Lớn, vô khu La-Cai ăn mì vịt tiềm. Rồi được về nhà chị và được chị cho đến trường tiếp tục học hành đàng hoàng.

Hồi đó, cứ khoảng một hoặc hai, hay có khi ba bốn đêm là có người đàn ông khác nhau theo chị về nhà ngủ. Lúc đầu tôi không để ý gì về chuyện đó nhưng, chỉ một vài tháng sau thì tôi đã hiểu ra là chị làm nghề tiếp viên trong quán rượu, tiếng thời thượng gọi là bán bar.

Rồi một đêm kia, một đêm vào đầu năm 1974, đêm đó không có người đàn ông nào theo chị về nhà và, đêm đó cũng là đêm đầu tiên tôi được chị cho ngủ chung để sau đó, những đêm tiếp theo không có người đàn ông nào theo chị về nhà là tôi lại được qua ngủ chung với chị. Những lần như vậy tôi thường rúc đầu vô nách chị. Hồi ấy thân hình chị luôn ấm áp và săn chắc chứ không như bây giờ… lạnh và mềm nhũn.

Từ sau khi được chị cho ngủ chung tôi đã biết ghét thật nhiều, và, ghét cay ghét đắng những người đàn ông nào theo chị về nhà. Bởi, có họ là tôi sẽ không được ngủ với chị.Tôi không thể nào nhắm mắt ngủ được khi nghe tiếng thở mạnh và dồn dập cùng những tiếng sột soạt phát ra từ phòng của chị.

Rồi một hôm không có người đàn ông nào theo chị về nhà, nhưng chị cũng không gọi tôi qua ngủ với chị. Quá buồn bực và tủi thân tôi đẩy cửa phòng chị để vào và muốn hỏi tại sao. Tôi thấy chị đang nằm trên giường nhưng trên người chị chỉ có một cái áo khoác thật mỏng.Tôi còn nhớ rất rõ đó là cái áo màu đỏ có thêu con bướm thật lớn phía trước mà, nếu không có con bướm đó thì tôi tưởng chị không mặc gì cả. Chị thấy tôi đứng như ngây như dại nhìn chị mà không nói gì nên chị khoát tay cho tôi lại với chị.

Tôi lại rúc đầu vô nách chị, nhưng lần này thì mặt mũi của tôi đã tiếp xúc với da thịt của chị. Thật tình thì lúc đó tôi không hiểu tại sao nhưng tôi đã ôm chặt chị trong vòng tay.

Tình cảm tôi đối với chị là thứ tình cảm tôn thờ. Tôi xem chị cũng là người mẹ, người mẹ rất hiền và thương con. Tôi cảm thấy thật sung sướng được ngủ chung với chị, được rúc đầu vô nách chị như tôi từng làm vậy với mẹ tôi. Tôi được ôm chị cả những khi chị không có một mảnh vải nào trên thân thể. Bên chị, lúc nào tôi cũng ngủ thẳng giấc cho đến sáng. Rồi cuối năm đó, năm một ngàn chín trăm bảy mươi tư chị theo một người lính, người đàn ông đã về nhà này nhiều lần và nói là lên Ban Mê Thuột mở quán vì  người lính đổi về đơn vị mới trên vùng cao nguyên. Chị nói khi nào mọi việc xong xuôi chị sẽ quay lại đón tôi.

Trước ngày chị đi, đêm đó tôi đã vùi đầu vô nách chị và chị đã ôm tôi thật chặt làm cho tôi có linh cảm lần xa này sẽ là vĩnh viễn. Thấy tôi khóc, chị nhìn vô mắt tôi và trách:

“Con trai mà khóc sao? Phải mạnh dạn lên chứ. Chị đi rồi chị lại về đón em chứ có đi luôn đâu mà khóc. Giọt nước mắt trên má của em trông giống như là… giọt sương vậy. Hãy lau mặt rồi cười và vui lên, chị sẽ lo mau công việc rồi về đón em.”

Chị đi rồi tôi khóc suốt mấy ngày. Tôi không hiểu là mình đã làm gì, đúng hay sai nhưng tôi không hề tủi hổ và xem đó như là tội lỗi.Tôi mong chờ từng giờ từng ngày chị trở về đón tôi. Nhưng rồi…

Cuối cùng thì chị và tôi đã gặp lại nhau.

Giờ đây tất cả đã trôi qua hết và đã mất hết tất cả rồi. Không còn người lính, không còn quán rượu nơi chị làm việc. Thậm chí tên của con đường Tự Do cũng không còn. Không còn căn nhà ở khu chợ Hai Mươi trên đường Phan Thanh Giản - Cao Thắng quận Ba; mà chị đã đem tôi về nuôi và, cũng không còn những người đàn ông nào đến với chị nữa… mà chỉ còn chị và tôi đang ở giữa thành phố và bên những di tích của một thời được xem là thành phố đẹp mang đậm nét cao sang giống như các thành phố của Tây phương… nay cũng đang từ từ được thay bằng những khối bê tông và cốt sắt.

Chị nói như giải thích cho tôi hiểu:

“Chị mở quán bán rượu và học làm nem khi chị vừa đến Ban Mê Thuột. Nhờ học được cách làm nem nên giờ chị mở quán sống cho qua ngày. Thời của chị nay đã hết rồi. Mong sao cho những người trẻ hôm nay nhận thức ra được điều phải làm. Chị như là...”

Chị ngưng nói và đưa cánh tay chỉ về hướng cái vườn trước nhà chị, nơi đó tôi nhìn thấy có một cái cây mà trên những cành lá tôi nhìn thấy có những giọt sương. Chị không nói hết ý và để cánh tay xuống. Cầm cánh tay gầy, khô, và mỏng manh của chị. Tôi thương chị vô cùng vì chị đang như là giọt sương, đang như cành lá trước gió; cành lá rực rỡ của vùng nhiệt đới bị để nhiều năm trong khí hậu ôn đới. Cành lá thì vẫn là cành lá của ngày nào,

nhưng từ từ bị khô bị héo và bị mất hết sắc màu.

Tôi lại rúc đầu vô nách chị và cố ngăn cho đôi dòng lệ đừng tuôn ra.Thời gian mấy mươi năm tôi sống ở nước ngoài nhưng tôi vẫn chưa làm được một việc gì cho ra hồn, chưa làm được một việc gì cho đất nước.

Vẫn rúc đầu trong nách chị, tôi thổn thức:

“Chị ơi! Lẽ ra chị và những người cùng thời đã có mấy mươi năm sống trong tự do hạnh phúc và trong tình người. Nhưng, cũng vì...”

Chuông nhà thờ bỗng vang lên báo cho mọi người biết giờ lễ buổi chiều đã bắt đầu.Tôi nghe thật rõ tiếng chuông của nhà thờ Con Gà đang rền vang trong không gian và được những luồng gió đưa về tận nơi đây.

Chị nhìn tôi rồi mỉm nụ cười thật tươi và thật hiền hậu.

Tôi lại rúc đầu vô nách chị. Kỷ niệm của những tháng ngày êm đềm xưa cũ như đang hiện ra trước mắt và rồi tôi đã chìm trong giấc ngủ say trong vòng tay của chị như ngày nào tôi còn là đứa bé và được chị bảo bọc.

.

Topa (Hòa Lan)

 

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/chitoi.htm


Cái Đình - 2020