Tâm Tịnh An


Chị Mậu

.

Quê ngoại tôi ở làng Trầu Hôi, thuộc xã Thạnh Xuân, huyện Cái Tắc, tỉnh Cần Thơ. Lúc tôi khoảng hai ba tuổi thì ba má tôi xuống Bạc Liêu làm ăn. Công việc của ba tôi bận nhất vào dịp Tết nên hàng năm cứ vào ngày mùng hai Tết thì má dắt mấy chị em tôi về ngoại ăn Tết, còn ba tôi phải hi sinh ở nhà một mình.

 Chúng tôi khởi hành sớm lắm, đi chuyến tài nhất từ Bạc Liêu đến chợ Cái Tắc thì trời hãy còn mờ tối. Ở đây đã có gia đình của dì Năm, dì Sáu, dì Bảy và dì Chín cùng các anh chị em họ ở các nơi khác cũng tụ họp về đây để chờ ông ngoại và cậu Tư tôi đem ghe ra rước. Trong khi ngồi chờ thì má với mấy dì chuyện trò hàn huyên rất là vui vẻ, còn lũ trẻ chúng tôi thì tha hồ chạy giỡn, lại được ăn quà sáng ở chợ nên rất thích.

 Hồi đó ít có ghe máy và ghe chèo từ Trầu Hôi ra chợ Cái Tắc mất khoảng vài giờ. Tôi đoán chắc làng nầy hồi đó có trồng dây trầu có mùi hôi nên mới có cái tên ngộ nghĩnh như vậy. Khi ông ngoại và cậu đến, chúng tôi vừa người lớn vừa trẻ con có gần hai chục ùa xuống chất đầy hai chiếc ghe tam bản, ông ngoại chèo một chiếc, cậu tôi chèo một chiếc. Ghe vừa rời bến một đỗi thì bắt đầu gặp các ghe từ trong rạch ra, mà ghe nào cũng ơi ới gọi chào ghe của chúng tôi. Tôi hỏi má: “Sao ai má cũng quen hết vậy?” Má nói: “Ờ, ờ, má lớn lên ở đây mà con.” Dọc hai bên bờ sông nhà nào cũng có bàn thờ ông thiên trước nhà, trên bàn thờ có chưng hoặc trái dưa hấu có dán giấy đỏ, hoặc một dĩa trái cây với bình bông vạn thọ làm rộn lên cái không khí Tết của đồng quê miền Nam. Buổi sáng sớm nước lớn đầy sông, lục bình trôi bềnh bồng, không gian êm ả, tiếng chèo khuấy nước như điểm nhịp cho sự thinh lặng. Tôi nhắm mắt lại và tưởng tượng mình đang trôi trên mây…

Nhà ngoại đây rồi. Đó là một căn nhà lá ba gian hai chái cách bờ sông khá xa và ông ngoại có làm cái cổng trồng bông huỳnh anh trổ hoa vàng rực. Trong sân trồng rất nhiều thứ hoa kiểng nhưng nhiều nhất là bông trang nên sau nầy mỗi khi thấy bông huỳnh anh hay bông trang là tôi bồi hồi nhớ ngoại. Chúng tôi lục tục kéo vô nhà, khuân theo lỉnh kỉnh các thứ quà Tết ở chợ. Mọi người lại tiếp tục chào chào hỏi hỏi, rồi lại dọn bánh tét, bánh ít, bánh bông lan, bánh phồng, bánh tráng… ra mời những người mới tới. Bà ngoại lại hối xẻ dưa hấu cho mấy đứa ăn cho đỡ khát nước.

Đang say sưa thưởng thức những món ăn chỉ có trong ngày Tết thì bỗng một đứa trong bọn con nít la lên: “Chị Mậu tới! Chị Mậu tới!” Tôi lật đật nhìn ra thì thấy một người đàn bà người thấp thấp, đầu đội nón lá, chân hơi khập khễnh đang từ ngoài cổng đi vào. Tôi thấy người lạ lại có tướng mạo xấu xí thì hơi sợ nên nép sau lưng má tôi. Mấy đứa nhỏ kia cũng lấm lét lẩn vào phía sau. Chị bước vô nhà, nón lá cầm tay rồi hỏi bà ngoại tôi xin mấy cái tàu cau khô rụng ngoài đường trước nhà. Lúc nầy tôi mới có dịp quan sát chị Mậu.

Chị khoảng trên dưới bốn mươi, da đen sạm, người thấp lùn và đặc biệt là nửa người bên trái của chị từ mắt mũi, lỗ tai, gò má xuống tới tay chân đều nhỏ hơn bên phải, nói nôm na kiểu đồng quê là một bên chắc một bên lép, vì vậy mà chị đi hơi cà nhắc và khi nói chuyện thì ngọng nghịu, có thể là vì cái lưỡi của chị cũng một bên chắc một bên lép chăng.

Sau nầy tôi hỏi má thì được biết chị Mậu bị tật bẩm sinh và sống ở Trầu Hôi không biết từ lúc nào. Chị lớn tuổi hơn má tôi nhưng cả làng Trẩu Hôi già trẻ lớn bé đều gọi chị là chị Mậu. Chị cũng từng có chồng có con nhưng chồng con đều chết cả. Tuy nghèo nhưng chị sống rất lương thiện và thật thà. Tuy tật nguyền nhưng chị lại có sức khỏe đặc biệt. Với một tay và một chân khỏe, chị sống bằng nghề xay lúa giã gạo cho cả xóm và làm bất cứ công việc gì có thể làm được. Chị ăn rất khỏe và ăn rất mặn. Chị nói ăn lạt như mấy cô thì làm sao đủ sức xay lúa giã gạo. Hôm nào chị giúp việc và ở lại ăn cơm ở nhà ai thì chủ nhà phải nhớ nấu cơm thật nhiều, bởi vì nếu chị ăn xong mà không còn dư cơm trong nồi thì chị sẽ kêu rêu với hàng xóm là nhà đó hà tiện lắm, cho ăn không no! Do hình dung chị xấu xí nên con nít rất sợ, vì thế mà các bà mẹ trong xóm hay dùng chị Mậu để nhát mấy đứa nhỏ không chịu nghe lời hay khóc nhè. Nhờ vậy mà vô hình chung chị Mậu đã giúp dạy dỗ mấy đứa con nít hư trong làng.

Khi chiến tranh leo thang, quê ngoại tôi trở thành vùng oanh kích tự do. Bom đạn đã liên tục cày nát cái làng Trầu Hôi hiền hòa trù phú ấy, và chúng tôi cũng không còn được về ngoại ăn Tết nữa. Cả làng tản cư hết, phần lớn đi tá túc với bà con ở ngoài chợ hoặc ở vùng khác, thỉnh thoảng mới liều lĩnh trở về cầy cấy vội vã hoặc nhặt nhạnh thứ gì có thể ăn được, dùng được. Không ít những người bà con của tôi đã trúng bom chết trong những lần trở về làng như thế. Chị Mậu không có bà con thân thích ở đâu cả nên người làng mới đưa giùm chị ra chợ Cái Tắc để chị đi ăn mày. Nhưng người đàn bà nầy đã không chịu được cách sống nhục nhã ấy nên lại lẻn trở về làng, sống chơ vơ trơ trọi một mình giữa bom đạn trong cái thôn xóm đìu hiu thê lương hoang vắng không một bóng người. Một thời gian sau, người làng trong một lần trở về đã tìm thấy xác chị chết trong nhà không biết từ hồi nào, trên người không có một vết đạn. Bom đạn đã tránh né chị, đất lành chắc cũng đã không bỏ đói chị vì chị cũng có thể mò cua bắt ốc sống lây lất được, nhưng má tôi nói chắc chị Mậu đã chết vì thiếu tình người!

Nhiều năm về sau và mãi cho đến cuối đời, má tôi những lúc kể chuyện xưa vẫn thường nhắc đến chị Mậu với một sự quí mến đặc biệt. Má nói chị Mậu là một tấm gương sáng của sự thật thà, chơn chất, siêng năng, cần mẫn, tuy nghèo mà không tham lam, gian dối, tuy xấu xí tật nguyền mà tâm hồn trong sạch, đẹp đẽ. Và trong ký ức tuổi thơ của tôi, chị Mậu cũng có một chỗ đứng tuy khiêm tốn kín đáo nhưng cũng không kém phần trang trọng.

 

Tâm Tịnh An

(Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/chimau.htm)


Cái Đình - 2019