Lê thị Thanh Tâm


Chiếc bánh chưng đầu tiên xa xứ

Vừa mới đến Hòa-Lan mẹ đã thấy cái lạnh băng giá của mùa đông Âu châu tràn ngập rồi, thế mà tết Nguyên-Đán lại sắp đến, làm sao có tết V.N. mình được?? Vì hãy nhìn xem, tuyết trắng cả khu rừng thông Victoria Vesta của nhóm V.N. mình đang ở, và cánh cửa ra vào của nhà Fagus cũng bị tuyết lấp bít kín hết cả rồi... Mẹ biết rằng xuân này mình sẽ chỉ có tuyết và... tuyết lạnh giá mà thôi.

Trời lạnh dưới hai mươi lăm độ C (- 25°), nhóm Việt-Nam tỵ nạn mình chưa quen khí hậu ấy, nên ai cũng run cầm cập khi cần phải ra ngoài dù đã có đủ áo, quần, giày, vớ cho mùa đông rồi. Bố mẹ và mọi người trong trại mỗi buổi sáng đều đến lớp học sinh-ngữ H.L., trừ hai ngày cuối tuần. Gặp nhau ai cũng nói chuyện ngày Tết sắp đến, rồi lại vương vấn buồn khi liên tưởng đến giờ này mọi người trong nước, có lẽ đang vui vẻ sắm sửa ăn tết. Riêng mẹ thì không buồn nhiều, vì cái vui mừng được đến nước tự do này sinh sống, vẫn còn sung sướng tràn ứ trong lòng. Cái hạnh phúc ấy to lớn quá, thì xá gì với cái buồn xa xứ khi xuân về nhớ nhà này đâu!!

Nhưng bố thì nghĩ khác mẹ, rằng phải có cái gì để đón giao thừa và cúng kiến ông bà trong ngày tết sắp đến này. Nên cuối tuần ấy bố lặn lội đi Amsterdam là một trong các thành phố lớn nhất, tìm mua các thứ cần thiết của người Á châu để gói bánh chưng ăn tết. Cuối cùng cũng tìm ra được tiệm Tàu Toko có bán vài thứ như gạo nếp, đậu xanh cùng vài thứ mứt nữa. Quan trọng nhất là phải có một bó nhang thơm mới đủ bộ.

Chiều hôm ấy sau khi ăn cơm xong, bố bèn bày đồ ra gói bánh. Một kí nếp đã ngâm suốt cả ngày cho nở đều từng hạt trắng tinh no tròn, đậu xanh cũng đã nấu chín và đánh nhừ. Quan trọng nhất là thịt heo phải có đủ da bì và mỡ cùng thịt đã ướp nước mắm và tiêu sọ đen suốt một đêm cho thấm. Tuyệt đối không cho củ hành hay bột ngọt hoặc thêm đường gì cả. Đấy là bánh chưng rặt của người Bắc (chứ không bị ướp đủ thứ như sau này họ làm). Rồi các thứ như dây nhợ để cột bánh thì dễ mua và khuôn gói bánh có thể chế biến được, nhưng quan trọng nhất là phần lá chuối tươi thì làm sao kiếm ra? vì gần bốn mươi năm trước, các món Á châu này rất khan hiếm, khó tìm... Thế nên bố nghĩ ra dùng loại alumininum folie, mà mình thường gọi là giấy bạc, bọc gói bên ngoài là thượng sách, vì nó giữ được kín nước, các góc bánh khi dằn sẽ không bị rách. Loại này dễ tìm mua, tuy không phải là rẻ nhưng rẻ hơn lá chuối tươi rất nhiều. Vì suốt cả hai thập niên ấy, giá một bao lá chuối tươi đông lạnh chỉ nặng 250 gram mà đắt bằng giá ba kí nếp rồi, mà lại rất khan hiếm nữa.

Thế rồi suốt buổi tối hôm ấy bố hì hụi làm bánh chưng. Bánh gói rất đều và đẹp trước bao con mắt thán phục của mấy người ở chung nhà, dĩ nhiên trong đó có mẹ con mình, vì đây là lần đầu tiên bố trổ tài gói bánh chưng ăn tết xa nhà. Chả biết bố học ai mà biết làm như thế? Vì sau này bà nội của con cũng tự gói bánh chưng ngày tết, vì có lần cô út nhà bố khoe với mẹ cái bánh chưng ngọt bé xíu thật xinh của bà gói cho cô. Còn bà ngoại thì tết chỉ gói bánh tét người Trung và bánh ít người Nam thôi, vì bánh chưng không phải là dễ làm.

Trở lại nồi bánh chưng trong trại tỵ nạn, nhờ mỗi nhà đều có một nồi hơi to để nấu soup, nên vài cái bánh chưng được sắp xếp vào đấy là vừa đủ, không bị sát nhau quá. Thế là suốt đêm ấy, chốc chốc bố phải mò dậy để lo châm nước sôi vào nồi bánh. Còn mẹ bị cái lạnh giá làm lười ra khỏi giường hơn bố (sau này bố tìm mua nồi mới rất to, để có thể nấu được nhiều bánh và nấu suốt cả đêm cũng không hề sợ cạn nước). Bánh nấu suốt mười hai giờ mới tắt lửa để vớt bánh ra, dù mẹ cũng vài lần sốt ruột lắm, cứ muốn tắt lửa cho xong nhưng bố không cho, vì càng nấu lâu thì bánh sẽ càng ngon hơn. Sau đó đợi bánh nguội rồi phải dằn bánh suốt mấy giờ cho bánh dẻo rặt lại nữa, chứ không dễ làm như bánh tét của mẹ. Tất cả đều phải làm thật khéo và gượng nhẹ để tránh cho bánh không bị rách.

Nhưng khi ấy nhìn lại chiếc bánh chưng này, mẹ cảm thấy nó xa lạ và không hấp dẫn như các bánh chưng gói lá chuối xanh mướt mà bao nhiêu năm rồi mình vẫn quen nhìn, quen ăn. Vì thế những chiếc bánh chưng này, dù nấu suốt đêm mà mùi bánh không hề thơm nồng của hương vị lá chuối tươi và nếp cùng thịt mỡ. Ôi, khi ấy mẹ lại nhớ những nồi bánh tết của những năm còn trong nước với gia đình, mùi bánh nấu thơm lừng cả gian nhà bếp ấm nồng, làm mình càng háo hức mong trời mau sáng để được ăn vô cùng.

Tối hôm ấy đêm giao thừa bánh chưng dằn cũng vừa xong, các góc bánh đều đẹp không bị vỡ. Đêm giao thừa cúng ngoài sân chỉ có dĩa trái cây, lọ hoa tươi cùng nhang và đèn nến đầy đủ, dù ngoài trời vào đầu tháng 3 mà còn lạnh giá và tuyết vẫn còn trắng xóa khắp nơi. Năm ấy là năm đại-hàn mà mấy mươi năm mới bị lại một lần.

Sáng mồng một tết cũng như mọi ngày thường, chỉ có nhóm người Việt-Nam trong trại mình được nghỉ học một ngày để ăn Tết. Bố bày bánh chưng làm đầu tiên ấy ra bàn cúng ông bà. Và cả nhà mình lúc ấy được thưởng thức bánh chưng tết. Dù rằng nấu xong vỏ bánh không xanh thơm mà lại có màu xám đen, bóc ra nếp lại có một lớp màu ngà vàng do giấy bạc thấm vào. Nhưng nhờ nấu già lửa nên nếp rất dẻo, độ muối vừa phải và thịt rất mềm, nhất là mỡ và da bì đều mềm lừ béo béo như tan vào nếp, ngon vô cùng. Mọi người ở chung nhà khi ăn vui mừng lắm, vì ai cũng thèm được ăn món bánh của mùa xuân quê nhà, nhưng không tìm đâu mua được. Nên cái khiếm khuyết của lá chuối tươi thay vào giấy bạc này, vậy mà được bà con hoan nghênh nhiệt liệt. Để từ đó nếu nhắc lại bánh chưng của tết đầu tiên xa nhà, là bạn bè cùng trại Victoria Vesta đều nhớ đến bố: người đã nghĩ ra bánh chưng gói bằng giấy bạc cho tiện. Và cũng hầu như nhiều người Việt mình, từ từ biết làm bánh chưng gói bằng giấy bạc cho dễ. Sau đó ở các tổ chức tết của cộng-đồng người Việt tỵ nạn c.s. cũng bày bán bánh chưng như vậy, chứ chưa có bánh gói bằng lá chuối hay lá dong như sau này.

Sau này nhờ có nhiều người Á-châu sang đây, họ cần dùng nhiều thực phẩm quê hương, nên lá chuối đông lạnh của Thái-Lan thường thấy bán ở tiệm Tàu Toko. Cũng có loại lá chuối tươi rất tốt của Indonesia hay Suriname bán ngoài chợ trời. Nên lá chuối đã rẻ hơn xưa rất nhiều và trở nên thông dụng hơn. Bây giờ không còn ai gói bánh chưng bằng giấy bạc kia nữa.

Thế mà hơn mười năm trước có chị bạn tặng cho bố mẹ một cái bánh chưng, mà chị đã gói bằng giấy bạc của ngày xưa ấy. Khi đó, mẹ cầm chiếc bánh trên tay mà mãi bồi hồi, nhớ ngày xưa mình đã sung sướng biết bao nhiêu khi được ăn tết với cái bánh chưng nghèo nàn này. Tự dưng mắt mẹ cay cay muốn khóc. Cám ơn và thương chị bạn ấy vô cùng.

.

Lê thị Thanh Tâm


Cái Đình - 2018