Phan Văn Song


Chỉ có Văn và Nhạc! Chỉ có Đời Sống và Tình Yêu!

Cám Ơn - Merci Jean d’O & Johnny.

.

Đôi lời xin lỗi:

Nói đến văn, nói đến nhạc, là nói đến sở thích của mỗi con người, là ít nhiều bắt buộc, phải kể đến cái cá nhơn, khi nói đến cái ý thích, cái sở thích, cái “goût” của mỗi con người, không ai giống ai, có giống chăng, là do sự tình cờ, do cùng “yêu” cái độc đáo, cái riêng biệt của mỗi tài tử, mỗi nhà văn, nhạc sĩ, ca sĩ... Người viết chúng tôi, xin phép, và xin tất cả quý thân hữu tha thứ, nếu quý vị thấy bực mình, vì tôi sẽ kể chuyện về tôi rất nhiều… Nếu hợp “goût” nhau, xin chia sẻ, trao tặng nhau một nụ cười, hề hà với nhau… nếu không chia sẻ với nhau được xin quý vị rộng lượng, tha thứ cho!

Hôm nay, xin phép, bỏ qua tất cả, những thời sự, quê nhà, quốc tế, chiến tranh xa gần, thật giả, cả bom nguyên tử, cả thời lẫn tiết nắng hạn, tuyết rơi, bão lụt... Xin phép… bỏ ngoài tai tất cả! Hôm nay, xin phép kể chuyện thời xưa, thời của những năm cuối những năm ‘50, đầu những năm ‘60; thời cái tuổi mới lớn của thế hệ chúng tôi và chúng ta; thế hệ nay cùng lứa, “già 7 bó, non 8 bó”!

***

Tuần qua nước Pháp đầy văn hóa bỗng mất hai nghệ sĩ khổng lồ, hai cây cổ thụ. Kẻ nhà văn, người ca sĩ: Hàn lâm Viện sĩ Jean d’Ormesson, nhà văn 92 tuổi với gần 40 tác phẩm và Johnny Hallyday, 74 tuổi ca sĩ, cũng với 50 tuyển phẩm với hàng ngàn bản nhạc.

Nếu Jean d’Ormesson thuộc thế hệ trước của người viết, sanh năm 1925, thì Johnny Hallyday, lại cùng thế hệ, sanh năm 1943. Cả hai đều sanh vào tháng 6, tháng Juin – cùng tháng với ông Cụ người viết. Kẻ cùng ngày 15 – Johnny; người, sau một ngày – Jean D’O, ngày 16. Nhưng Jean d’Ormesson lại chết ngày 5 tháng 12 nầy, sanh sau một ngày, lại chết trước một ngày, Johnny ra đi ngày 6 tháng 12. Và ông Cụ tôi cũng ra đi tháng 12 (ngày 15 năm 1987, tại Sài gòn).

Thật là một ngẫu nhiên, trùng hợp kỳ lạ, thật là những tình cờ của cuộc đời!

Có lẽ vì thế, thằng tôi có duyên, thích mến đọc sách Jean d’Ormesson và thích và mê nghe nhạc do Johnny hát. Thật tình, tôi cũng chẳng khác gì ai cả, cũng như bao nhiêu người khác thôi. Cũng cùng thuộc thế hệ thanh niên, thanh nữ lớn lên trong những năm bản lề của sau thời kỳ thế giới vực dậy sau Thế Chiến II, với những “năm ‘60 đầy Sự Sống và nhiều Tình Yêu” của thế hệ chúng tôi và chúng ta đó thôi!

Vì những thế hệ trước “thế hệ ‘60 chúng ta”, âu tây hay á đông gì cũng thế, thường “bị” giáo dục gia đình, thủ tục xã hội, gò bó: Sống theo ý gia đình, nhơn danh truyền thống hàng xóm láng giềng đất nước tổ tiên; Yêu cũng theo ý cha mẹ, trầu cau dạm ngõ, cân đo, gia đình phải môn đăng, hộ đối, cũng nhơn danh truyền thống tổ tiên, văn hóa đất nước!

Và cả hai nghệ sĩ, kẻ viết văn, người ca nhạc đều ca tụng “cuộc Sống đầy Sự Sống tự do”, và những “cuộc Tình đầy Chất Yêu tự do”. Hai vế chánh của Cuộc Đời!

Cả hai đều được người viết, thằng tôi ngưỡng mộ và mê thích.

***

1 / Jean d’Ormesson: Chúng ta đang mất đi Một Ánh Sáng -

une clarté qui nous manquera et nous manque déjà. (điếu văn của Tổng Thống Pháp E. Macron)

Người viết, có cái may mắn, đã được đọc sách d’Ormesson thuở chơn ướt chơn ráo đến đất Pháp. Tháng 11/1961, đến Paris, để nhập học Viện Chánh trị Học, đã may mắn được dịp, đọc ngay, trong những ngày đầu bỡ ngỡ ấy, cuốn sách đầu tay của ông. Khi viết những giòng nầy, hồi tưởng cuộc gặp gỡ với cuốn tiểu thuyết “L’amour est un plaisir – Tình yêu là là một lạc thú”– Nxb Juillard 1956 đó. Ngay tủ sách của nhà trọ, đường Henri Barbusse, tỉnh Clichy, ngoại ô Bắc Paris. Lúc ấy trạm métro cuối cùng – terminus, là Porte de Clichy, phải lội bộ hay đi xe bus – 1 trạm – để về nhà trọ, là nhà của một người bạn của ông bà Cụ, chú Đoàn Xứng; lúc ấy tùng sự tại Sứ quán Việt Nam Cộng Hòa, số 45, avenue des Villiers, quận 15, Paris.Thím Simone, vợ Chú Xứng là người Pháp, Giáo Viên, nên nhà đầy sách. Gặp Jean d’Ormesson vì tình cờ, hay duyên số? Nhưng đọc, vì tò mò, chỉ vì đã nghe tên ông, qua lời khen của thầy Bornecque – dạy Pháp Văn - Français, lớp “classe de Première M1”, năm thi Tú tài Bac 1, 1960, Lycée Yersin Dalat, nhưng không có dịp đọc, vì không tìm ra sách.

Thật sự, đọc Jean d’Ormesson, lúc ấy, đúng hơn, chỉ muốn để so sánh với Françoise Sagan, nữ văn sĩ đang lên, đã được thằng tui, người viết (và nhiều bạn cùng lứa, cùng thời) đã đọc say mê. Với cái tuổi mới lớn đầy mơ mộng, với cái thời trung học tại một trường Pháp dạy phải lắm tò mò học hỏi, với cái không khí đầy lãng mạn của Dalat; mê văn Sagan, mê tiếng hát Dalila (với bài Bambino), mê tài tử James Dean, mê nhạc Rock, mê jazz, mê Be bop… với nào Be bop a Lula, với nào Blue Berry Hill gần như là chuyện bình thường, chuyện của thời đại – Thuở ấy, khoảng những năm 58, 59, 60, Việt Nam thanh bình, tuổi trẻ, giới học trò mới lớn của đám Yersin Dalat chúng tôi thực sự sống xa thực tế, mơ mộng với sách vở, ảo tưởng, văn chương âm nhạc... ngoại quốc, Pháp, Mỹ ... đứa nào cũng ca tụng, cũng mê sống như Françoise Sagan, giống cuốn tiểu thuyết đầu tay của nàng. Sách pháp được truyền tay nhau đọc,… nhạc Mỹ bu đầu nhau nghe. Ngày ngày, ngoài cái học trường, thì chỉ bắt chước học đời. Học chữ đã đành, học suy nghĩ dĩ nhiên, nay thêm học chưng diện, học chải chuốt, học ăn, học uống, học yêu, học sống... và học nhảy đầm… Mẫu, modèle là những tài từ phim, tây mỹ... Thằng tôi tuy còn nhỏ, chưa đầy 17 tuổi, học cỡ Seconde (Đệ tam), đã bắt đầu, bắt chước Sagan, thèm những cuộc tình “vượt biên giới” – bạn gái cùng lứa tuổi đều chê là choai choai, xem như đàn em, con nít, chỉ thích được “các chị” thương thôi! – Các nàng chắc cũng vậy, xem tụi tui là con nít luôn – kết luận suốt ngày “cu ky, và cũng trồng cây si” – dáng tóc phồng, đầu gục, vai rút, suốt ngày thất tình, kiểu James Dean!

(Hồi tưởng lại, dạo ấy, được xem có cả hai phim tạo bởi hai cuốn tiểu thuyết của thiên tài Françoise Sagan, chiếu ở rạp Ngọc Lan Dalat. Nay nhớ rõ phim Buồn ơi, chào mi – Bonjour Tristesse do Jean Seberg và David Niven thủ vai chánh và còn phim Un certain sourire - A certain smile, quên nội dung tuồng chỉ nhớ bài ca với giọng ca Johnny Mathis diễn tả, rầu đứt ruột: “A certain smile, a certain face. Can lead an unsuspecting heart on a merry chase….”

Đọc sách ấy, trong những ngày đầu Paris đó, vì khi nhìn thấy sách nầy, tại tủ sách của Thím Simone, bèn nhớ lại, tác giả Jean d’Ormesson đươc giới thiệu bởi nxb Juillard, như là một Françoise Sagan thứ hai. Ngày nay, với kỷ niệm, quên hẳn nội dung sách, mại mại ấn tượng mơ hồ rằng không bằng Sagan, nhưng chắc khá hấp dẫn vì, theo trí nhớ, đã tìm đọc, suốt thời gian ấy, ở Paris và sau đó khi về Toulouse, năm sau đọc, những cuốn tiếp theo như “Un amour pour rien – một cuộc tình vô tích sự” hay “Du côté de chez Jean – bên lề cuộc đời Jean”… Sau đó, một phần bận bịu với gia đình, vợ con, vừa đi làm, vừa phải soạn luận án. Tiếp theo đó, trở về Sài gòn phục vụ đất nước, rồi thân phận cá nhơn, cũng như toàn dân miền Nam đất Việt chúng ta, cùng nổi lẫn trôi theo vận nước; nước mất, nhà tan, người người tứ tán… Riêng thằng tôi, 4 năm tù tội xong, hết tỵ nạn, đến lang thang, tha phương cầu thực, lúc lên voi, làm “giám đốc thuê” châu Phi phè phởn, khi xuống chó, đi “bán mướn” lội khắp châu Âu…, lúc lên hương, đóng phim, tài tử, hào hoa hái bạc, lúc hết thời tạp hóa, quán ăn, sớm khuya bạc cắc từng xu, chắt chiu tằn tiện, độ nhựt kiếm cơm; thằng tui, quên hẳn Jean d’Ormesson, và quên cả văn chương, tiểu thuyết..., chỉ biết cuộc sống và gia đình thôi!

Và khi thằng tôi trở lại với tiểu thuyết văn chương, với những truyện của Jean d’O – Jean d’Ormesson nay đã trở thành Jean d’O, tác giả đại thành công và đại nổi tiếng – tuổi đời thằng tui cũng đã khá cao rồi – xêm xêm trên dưới 60 – sóng đã lặn, gió đã ngừng… và đã hưu trí tại Hồi Nhơn Sơn, nơi đất lành chim đậu, đã hơn hai thập niên; hai thằng trai út đã vào Đại học, hai thằng trai lớn đã thành tài, đã là hai con chim vững cánh bay xa và lập riêng tổ ấm rồi!

Với Jean d’O, với tuổi già hưu trí của tôi, vì nay tôi đã hưởng đủ tinh túy đầy vị ngọt của đời, nên dễ dàng tìm được qua hương vị của giọng văn nhẹ nhàng ngọt ngào, yêu đời của ông, với nào là “Saveur du temps – Mùi vị của thời gian”, với nào là “C'est l'amour que nous aimons – Chỉ có tình yêu là ta thích nhứt”, hay “La Conversation - Cuộc Đàm thoại” hay…, nhưng cuốn tôi thích nhứt, vừa đọc xong cách đây một tháng “Je dirai malgré tout que cette vie fut belle - Cuối cùng, tôi khẳng định rằng cuộc sống bao giờ cũng đẹp”. Tôi yêu văn Jean d’O, là tôi yêu cái Sống trong văn chương của ông.

Con người Jean d’O rất bình dân. Mặc dù sanh trưởng “có giòng có giống”, quý phái… với cái tên dài “dòng dọc” có chữ đuôi - de – thuộc về. Tên Jean d’O trọn vẹn là: Jean Bruno Wladimir François de Paule Lefèvre d’Ormesson.

 Ông quả thật là đẻ bọc điều:

Tôi thích Jean d’O, bởi cái tinh thần yêu nước (Pháp) của ông. Một tình yêu nước điềm đạm, ôn hòa, cởi mở. Tuy ủng hộ hướng chánh trị phái hữu, ủng hộ các vị Tổng thống phái hữu, nhưng ông là người cuối cùng được Tổng thống phái tả François Mitterand mời vào Viện Élysée ăn chia xẻ buổi cơm cuối cùng đời Tổng thống.

Xin trích một đoạn trong bài điếu văn của Tổng thống Macron nói về Jean d’Ormesson:

“Có phải ông là người của Ánh sáng?”

Không một chỗ nào, không một buổi thảo luận nào, không một cơ hội nào, đi đến đâu, ông đều mang ánh sáng đến đó. Và rõ ràng hơn nữa, ông mang sự yêu đời đến cho người chán nản, và mang tương lai đến cho người tuyệt vọng:

“Ne fut-il pas lui-même un être de clarté? Il n'était pas un lieu, pas une discussion, pas une circonstance, que sa présence n'illuminât. Il semblait fait pour donner aux mélancoliques le goût de vivre et aux pessimistes celui de l'avenir.”

Tóm lại, tôi ngưỡng mộ Jean d’O, do Jean d’Ormesson là một nhà văn, vừa được quần chúng – bình dân ưa chuộng, nhưng cũng được giới văn hóa - thượng lưu quý trọng. Bằng chứng, tác phẩm của ông được in trong Bộ sách La Pléiade (Chòm Sao Thất Đẩu) một ấn bản đặc biệt của nhà xuất bản Gallimard dành cho những nhà văn có uy tín trên thế giới. Thường thường là những nhà văn đã qua đời, vì chỉ sau khi mất, tổng kết cuộc đời, mới tổng kết giá trị được sự nghiệp. Ông được nhập bọn Nhóm Sao Thất Đẩu nầy năm 2015. Đặc biệt với các nhà văn rất hiếm hoi – đứng đầu là André Gide, người đầu tiên (năm 1939) – mà các tác phẩm được in lúc còn sống. Tất cả chỉ 11 người tính đến năm 2011 với Milan Kundera. Ông nay là thứ 12 đó thôi!

2/ Jean d’O và Việt Nam Cộng Hòa chúng ta:

Giám đốc nhựt báo Le Figaro, năm 1975, ông đã cùng với Raymond Aron (1905-1983) tích cực bênh vực miền Nam Việt Nam, trong khi cả xứ Pháp cộng sản và thiên tả vỗ tay reo mừng Sàigòn và Pnompênh “bị” giải phóng, và phía phe hữu im lặng khóc thầm. Ngày nay, vẫn còn người nhắc nhở những cuộc tranh luận nẩy lửa giữa Jean d’O và các ký giả thiên Cộng Sản Pháp về chiến tranh Việt Nam. Ông đã từng (dám) viết: “việc Cộng Sản chiếm Pnompenh và Sàigòn là một đại họa. Bởi vì người ta muốn nói gì thì nói, không ai có thể chối cãi có “một luồng gíó tự do” (un air de liberté) trước khi rơi vào tay Cộng Sản”. Ca sĩ cộng sản nổi tiếng Jean Ferra (làm sao có thể vừa là ca sĩ vừa là cộng sản được? Chỉ có ở Pháp – nó vừa hát cho Đảng vừa bán dĩa hát – hành động tư bản với lợi nhuận tư bản!!) làm một bản nhạc, Un air de liberté, kết án d’Ormesson tay vấy máu vì đã bênh vực những người chống Cộng. Bài hát không được hát, trong buổi phát hình ký giả Jacques Chancel giới thiệu nghệ sĩ Jean Ferrat ngày 15 tháng 11, năm 1975, của Đài truyền Hình 2 Pháp lúc bấy giờ, vì lời bài hát của Jean Ferrat đã đụng chạm, mạt sát Jean d’O (bàn tay vấy máu). Năm 1978, Jean d’O có làm đơn yêu cầu cấm bài hát nầy, nhưng thất bại. Quyền tự do dư luận là một quyền công dân rất được tôn trọng ở Pháp. Khác hẳn Việt Nam Cộng Sản ngày nay!

Merci Monsieur Jean D’Ormesson pour cet Air de Liberté!

3/ Với Johnny: Và tôi yêu em, và tôi yêu em, và tôi yêu em -

Et je t’aime et je t’aime, et je t’aime…

Và Johnny? Nói đến Johnny, là nói đến Rock and Roll, nói đến Elvis, nói đến Chuck Berry, nói đến Blue Berry Hill, nói đến Be Bop A Lula,… Và nói đến Tình Yêu! Nhớ lại, thuở ấy, chúng tôi, một bầy trẻ “mồ côi địa dư”, nội trú trường Trung học Yersin, Đà lạt, sau giờ ăn trưa, sau khi tan trường, trước vào “étude – phòng học” họp nhau tại “phòng chơi – foyer”, một căn nhà sàn – sur pilotis, gỗ nhỏ. Ở đấy, một chiếc đàn piano, một lô dĩa hát... thường để đọc báo, chơi cờ, đờn ca,… nhưng chúng tôi lại... nghe nhạc Rock… và dạy nhau nhảy “danse “de salon”– nhảy “đầm” (tiếng người lớn nói: dạ vũ, tại sao “dạ” – đêm?, ban ngày tụi tui cũng nhảy tuốt!): Dạy nhau nhảy tất cả các kiểu: từ “cha cha cha”, đến boléro, valse, hay tango... hay “bộp”. Nhảy “bộp” tức là “bebop”, tức là “rock”, phải tay giỏi, tay hay truyền nghề. Nào phải “giữ ligne”, nào phải “giữ nhịp” tempo, nào phải... Nhờ được luyện như vậy, mà thằng tui, vào một tối, hè năm 63, đi “nhót” ở một Cave (hầm), gần Place Odéon Paris, lãnh được một cái Giải Nhảy Rock. Ở Pháp không dùng từ Bop, dùng từ Rock. Được các bạn Yersin truyền nghề, tôi đã làm tây lé mắt… Hãnh diện một thời!

Xin lỗi quý thân hữu, kể chuyện thời trai trẻ, thật tình thế hệ chúng tôi, biết lắm chuyện.

Trở lại nhạc Rock! Và chuyện Johnny Hallyday với chúng tôi người viết! Nhạc Rock là tuổi trẻ chúng tôi. Chúng tôi biết Rock trước khi Mỹ đến Sàigòn, biết trước cả Elvis Phương hát Rock. Năm 1961, khi thằng tui đến Paris, Johnny đã nổi danh, nên thằng tui đã tốn tiền, hao dầu, mỗi tuần thứ Sáu đi đến quán Golf Drouot, 2 rue Drouot quận 9 Paris – métro Richelieu Drouot, nghe Johnny hát. Hồi ấy, ở đấy cũng có nhóm Chaussettes Noires – Vớ đen, hát độc lắm. Sau nầy ca sĩ của nhóm Vớ đen là Eddy Michel (sanh ngày 3/07/42 hơn tôi 4 ngày!) ra hát ra riêng, ngày nay cũng còn nổi tiếng lắm! Lúc ấy cũng có những tay hát Rock hay lắm như Gene Vincent hay là Vince Taylor…

Với Johnny, tôi học nhảy Twist, ngay tuần đầu khi đến Paris! Noël 61, lễ gia đình, tôi “mồ côi địa dư”, đi nhót ở một Cave gần đường Saint Michel, cùng với một cô bạn, cũng dân Sciences Po, cùng lớp, cũng mồ côi địa dư, nhà xa không tiền về quê ăn Giáng Sanh được. Lần đầu tiên, tôi cặp một “cô em tóc đỏ, mắt xanh tím như Elisabeth Taylor thần tượng”, và em đi “bop” tuyệt diệu. Tiếc cuộc tình đấu ấy ở Pháp không bền lâu… Không có cảnh “Người em mắt nâu,... ngồi vườn Lục Xâm… Tóc vàng sợi nhỏ...” như thơ Cung Trầm Tưởng, nhạc Valse của Phạm Duy bất hủ.

Vì vậy, nhạc Rock và Johnny rất gắn bó với thế hệ chúng tôi “thế hệ lớn lên của những năm 60” của chúng tôi, và cá nhơn chúng tôi. Yêu với nhạc Johnny, Xa nhau cũng với nhạc Johnny, gặp lại cũng với nhạc Johnny… Chúng tôi lúc ấy Sống và Yêu với nhạc Johnny nhiều... Johnny đi cạnh cuộc đời tình ái của chúng tôi! Cũng có qua những thời kỳ Beatles, hay Stones… tôi có nghe đấy, nhưng vẫn gắn bó với Rock xưa cũ, với những Chuck Berry, với những Elvis,…

Để kết luận:

Tôi rất thủ cựu, xưa cũ, rất nhà quê. Ngày nay, tuy già rồi, với nhạc Việt Nam hay nhạc “tình yêu” chỉ thích tiền chiến, “Nỗi lòng... Yêu Ai yêu cả một đời ...”, hay “Em đến thăm Anh một chiều mưa”... hay Boléro thật mùi thật “Sến”. Nhạc Pháp thì vẫn Yves Montand với “Les Feuilles Mortes”, hay Aznavour với “Sur Ma Vie”… cả nhạc Mỹ cũng thế, Johnny Mathis với “A Certain Smile”, hay Bing Crosby, Nat King Cole, hay Frank Sinatra...

Nói dông nói dài, cá nhơn tôi là một thằng nhà quê, với cái goût nhà quê; ciné Mỹ thì phim cao bồi, chưởng Tàu chỉ có hai ba phim với Lý Tiểu Long, một hai phim với Khương Đại Vệ thời những năm 72/73 Sài gòn, thuở ấy thường chiếu ở rạp Oscar, đường Trần Hưng Đạo thôi!

Hôm đám ma Johnny, tôi ngồi xem truyền hình suốt 4 tiếng đồng hồ, xem cái ngưỡng mộ của dân bình dân Pháp, xem cái ngưỡng mộ của dân thượng lưu Pháp, và khóc cho cái tuổi thiếu thời – nay đã mất - hẳn của tôi.

Merci Johnny! Tu as emporté un bout de ma jeunesse avec toi. Cám ơn Johnny, bồ đã mang theo một mảnh tuổi trẻ của tôi!

Xin cảm ơn quý thân hữu đã chia sẻ cùng tôi một khoảng quá khứ!

.

Hồi nhơn Sơn, 10 tháng 12 2017
Phan Văn Song


Cái Đình - 2017