Võ Kỳ Điền


Cách viết của nhà văn

(trích đối thoại giữanhà văn Phan Thị Trọng Tuyến và Võ Kỳ Điền)

***

Phan Thị Trọng Tuyến:

– A, tại em viết truyện, tưởng tượng đủ thứ, hehe, một chị bạn khen em nói dóc như thiệt!

Võ Kỳ Điền:

– Anh ở Laval thuộc Québec Phan Thị Trọng Tuyến ơi, xa thiệt là xa với Paris của em gần 7, 8 giờ bay lận. Anh cũng bị độc giả hỏi tới hỏi lui như vậy hoài hà. Nhà văn mà viết thiệt thì đâu phải là nhà văn. Mà nhà văn viết láo ai mà đọc. Muốn biết cách viết của nhà văn như thế nào thì rán mà tìm giữa hai hàng chữ… coi cách họ viết ra sao. Đó là bút pháp của mỗi người (style) Phải không nè? À, đúng rồi, nói dóc mà thiên hạ cứ tưởng mình nói thiệt, mới đúng là tay cao thủ. Trong văn chương anh em mình thường gọi là hư cấu... là chuyện không có thiệt. Tiểu thuyết là gì? Tiểu là nhỏ, là vụn vặt, còn thuyết là câu chuyện. Câu chuyện vụn vặt là gì... là nói tầm bậy tầm bạ, chớ còn gì nữa! Hồi xưa các nhà nho học để thi cử, không được đọc tiểu thuyết vì là ngoại thư. Chỉ đọc chơi thôi, khi trà dư tửu hậu. Rõ như ban ngày. Còn bây giờ chúng ta muốn đọc sự thật thì nên đọc báo, các ký giả họ viết chính xác từng giờ giấc, các chi tiết và số lượng, các biến cố xảy ra trong ngày... Những vị đó là nhà báo, không phải là nhà văn.

– Nhà báo mà viết bậy, đặt điều sai sự thật... là nhà báo thiếu lương tâm, không chuyên nghiệp, độc giả sẽ đánh giá thấp, coi thường. (như chuyện Con Ma Vú Dài, Chuyện Khỉ Cà Mau của bà Bút Trà, cậu bé Lê Văn Tám tẩm xăng bật lửa rồi chạy vô đốt kho xăng Nhà Bè v.v....)

– Nhà văn mà viết bậy không giống sự thật thì độc giả sẽ chê trách vì thiếu quan sát, thiếu kinh nghiệm trong cuộc sống. Nhưng phải phân biệt và để ý chỗ nầy: Cái thấy, cái nghe của nhà văn khác cái thấy và cái nghe của độc giả. Nó khác xa lắm. Như ông Kim Dung nói Trương Vô Kỵ vẽ lông mày cho Triệu Mẫn trên đỉnh Quang Minh, các bạn tin không? Trịnh Công Sơn nói khóc tớiđầy hồ nước mắt long lanh... bạn thấy thế nào? Nguyễn Tất Nhiên… - mưa rơi trên tượng đá, mưa rơi trên mặt Duyên... Có thật ổng thấy mưa rơi trên mặt cô Duyên lúc đó hay không? Và tại sao khi nghe tới các chuyện nói quá sự thật như vậy chúng ta lại say mê. Đúng vậy, đó là cái thấy của nhà văn, nhà thơ khác lắm so với cái thấy của chúng ta và không thể nói là thấy như vậy là trật, là sai. Đó là cái thấy của người nghệ sĩ, họ làm đẹp cho cuộc đời. Nó rất cần cho đời sống nầy, ngoài cơm ăn, áo mặc!

Viết tới đây tôi ngưng không đành lòng. Làm sao mà tôi quên được bài thơ "Giặt áo quần cho vợ" của thi sĩ Luân Hoán, ông bạn vàng thân quí của tôi. Tôi mê thơ bạn từ khi còn đi học. Qua tới đây may mắn kết thân thành bạn bè. Khen bạn thì mắc cở lắm vì tại sao lại làm một chuyện dư thừa. Nhưng do nhắc tới cái thấy của nhà văn nhà thơ, bật nhớ tới bạn hiền, bèn chép lại bài thơ đã thuộc từ lâu, dù chỉ đọc qua có một lần:

GIẶT ÁO QUẦN CHO VỢ

trộn chút tình ta vào trong bột giặt
vò nhẹ nhàng bởi lo sợ em đau
vải còn đượm mùi thịt da em thơm ngát
tay bùi ngùi như đang vuốt ve nhau (1)

Trời đất ơi! đã ơi là đã. Giặt quần áo là một cực hình, khổ muốn chết, vậy mà nghe ông tả, tôi cũng muốn ôm đống quần áo dơ mà đi giặt nè. Mà nè ông bạn, ở Canada gần mấy chục năm nay, làm gì có chuyện giặt quần áo kiểu như ở xứ Quảng Nam của ông bạn vậy? Máy giặt không hà. Rõ ràng là ông bạn tưởng tượng chuyện trăm năm hồi trước, rồi nói láo ào ào... vậy mà không ai để ý gì ráo trọi, lại xúm nhau say mê, trong đó có bạn ông là tôi đây nè. Hèn chi các giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc ngày xưa, một mình ông ẵm ráo trọi. Bài thơ tả chuyện tình yêu vợ chồng, không đả động tới chuyện hôn hít yêu đương gì ráo trọi... Vậy mà độc giả vẫn thấy nó ẩn hiện, thấp thoáng phía sau những hàng chữ. Bội phục, bội phục.

Ngày nào bạn cho tôi mượn đỡ cặp mắt kiếng để tôi đeo... cho cái thấy của mình cũng giống được chút đỉnh như bạn. Nói theo sư phụ Kim Thánh Thán: chẳng cũng sướng sao.

Võ Kỳ Điền (30-8-2017)

______

(1) Giặt áo quần cho vợ

trộn chút tình ta vào trong bột giặt
vò nhẹ nhàng bởi lo sợ em đau
vải còn đượm mùi thịt da em thơm ngát
tay bùi ngùi như đang vuốt ve nhau
trông thau nước đục lờ những cáu bẩn
ta bỗng thương lớp bụi nổi màng màng
chúng là những nhọc nhằn em gánh chịu
nuôi chồng con dài năm tháng gian nan
vòi nước nhỏ chảy qua từng thớ vải
như chảy vào trong cùng tận lòng ta
em có thấy giọt lệ ta thầm nhỏ
và tan trên màu vải những thiết tha?
hơn bốn mươi lần đầu ta tập giặt
để tiêu xài cho bớt chút thời gian
thân nam tử ở trong thời mất nước
sao trói nơi này lẩm cẩm kêu than?
đời không giữ giùm ta hai chân đứng
có lẽ nào vô dụng mãi hay sao
giặt giũ làm thơ đọc vài trang báo
hai mươi bốn giờ thường trực chiêm bao

Luân Hoán

(Bài thơ Giặt Áo Quần Cho Vợ trong tập Ngơ Ngác Cõi Người)


Cái Đình - 2017