Topa


B… u… ô… n… g… Hằng!

.

Khi một người nổi tiếng qua đời, người ta thường muốn biết người đó đã làm gì khi còn sống. Và, có để lại cho đời sau những gì không?

Một ngày Chúa nhật giữa năm 1980 Saigon có trận túc cầu giữa hai đội Cảng Saigon và Hải Quan tại sân Cộng Hòa đường Nguyễn Kim Quận 5. Đây là trận đấu… rất quan trọng với tôi vì tôi đang sống với “nghề” cá độ bóng đá. Trong các đội bóng đá của Saigon lúc đó thì hai đội Cảng Saigon và Hải Quan là hai đội hay nhất nhì. Vì vậy mà khán giả đến xem chật ních sân đến không còn vé vô cửa. Vé chợ đen mắc cỡ nào cũng không còn. Người đến xem vừa được thưởng thức và vừa được cá độ công khai. Người cá độ mà theo tôi thì gần như là toàn sân.

Tôi đang ngồi uống café cùng những người trong nhóm cá độ mà một chút nữa đây, các bạn này có nhiệm vụ tỏa ra khắp sân để cá độ. Phần tôi thì chờ chiếc xe bus chở đoàn cầu thủ của đội Cảng Saigon đến để nhận tín hiệu. Khi chiếc xe bus vừa xuất hiện ở đầu đường Nguyễn Kim, tôi liền đứng lên và bước đi như chạy đến trước cổng sân banh, nơi mà chiếc xe bus sẽ đổ đoàn cầu thủ của đội Cảng Saigon xuống.

Từ trên xe các cầu thủ đang lần lượt bước xuống. Tôi nhìn ngay Anh Nguyễn Văn Ngôn – Ngôn là tả biên nổi tiếng của Hội Tuyển Việt Nam Cộng Hòa - Anh Ngôn bước xuống xe thì Anh làm như vô tình đưa cái túi xách mà Anh đang cầm trong tay và vác lên vai, nhưng, chỉ bằng hai ngón tay thôi. Nhìn thấy tín hiệu, tôi quay qua nói nhỏ cho các bạn trong nhóm biết rồi tôi ung dung bước đi vô sân. Khi đến chỗ tôi ngồi tôi rao thật lớn: – Cảng Saigon chấp trái rưỡi. Những người xung quanh tôi đang hướng mắt nhìn xuống sân cỏ trống và bàn tán râm ran. Nhưng, khi nghe tôi rao lên như vậy họ liền quay mặt qua nhìn ngay tôi. Họ có vẻ không tin là tại sao tôi bắt giàn trên nhưng lại chấp giàn dưới nhiều vậy. Giàn trên là đội Cảng Saigon. Giàn dưới là đội Hải Quan… mà thông thường thì chỉ chấp nửa trái hoặc nhiều lắm là một trái thôi. Cảng Saigon thắng Hải Quan một trái là chuyện từng xảy ra. Hơn một trái thì hình như chưa xảy ra lần nào. Nhưng, vì tôi đã có tín hiệu từ Anh Ngôn nên lúc tôi vừa rao lên và khi mọi người biết tôi nói thật thì… họ liền nhào đến. Cũng cần nói thêm một điều khá đau lòng là, thời gian đó các đội banh thi đấu hoàn toàn không phải vì danh dự hay vì màu áo của đội, mà, chỉ vì tiền thôi. Cầu thủ nào bị thương nặng phải nghỉ đá vài trận thì mới được cán bộ phụ trách về thể thao ưu ái tặng cho một ký đường hoặc một hộp sữa đặc có đường gọi là bồi dưỡng. Không cần phải dài dòng thì ai cũng biết những thứ này là… đồ tầm thường trước năm 1975. Thế mà bây giờ….

Trận banh chiều hôm đó thật hào hứng, thật hồi hộp. Đội Cảng Saigon thì ai ai cũng biết là đá rất hay. Nhưng, chiều hôm đó đội Hải Quan cũng đã tỏ ra thật lão luyện và gần như giành thế chủ động trong suốt ba mươi phút đầu của hiệp thứ nhất. Hai đội đá hết mình như muốn cống hiến đến những người đang theo dõi trong sân một trận banh… để đời, nên khán giả vỗ tay khen thưởng và la ó cổ vũ vang dội khắp cả sân, và, suốt cả trận. Cả hai đội thay nhau tấn công mà đội Hải Quan chuyền banh thật nhịp nhàng và chính xác như thể không có gì là đã có giàn xếp trước.

Hiệp một chấm dứt với tỷ số là 0 - 0.

Và, tôi vẫn vui cười vì tin tưởng. Những người cá độ với tôi cũng cười mà sau này tôi hiểu là họ cười vì sự ngông cuồng của tôi. Họ thường nhìn lén tôi vì tôi giữ tiền nên tôi có cảm tưởng như là họ sợ tôi… chuồn.

Hiệp hai vừa bắt đầu thì đội Cảng Saigon như cơn bão thổi hơn trăm cây số giờ tràn lên tấn công làm cho hàng hậu vệ của đội Hải Quan lúng túng thấy rõ.Tôi đứng thẳng người lên và đưa cả hai tay lên trời rồi vừa vỗ vừa la đến gần khản cả họng. Tôi đinh ninh hiệp này thì đội Hải Quan sẽ lấy thúng ra mà đựng vì ít ra thì cũng phải từ ba trái trở lên. Nhưng, một trung vệ của đội Hải Quan – một tên vô danh tiểu tốt mà tôi chưa biết tên vừa được đưa vô sân và tên này đã đoạt được banh từ trong chân của Anh Ngôn rồi chuyền thật nhanh thật chính xác cho đồng đội để người này dẫn banh xâm nhập vô vòng cấm địa và… sút mạnh. May mắn quá vì trái banh trúng cột dọc và bay ra lằn biên ngang của khung thành. Trán của tôi đầy mồ hôi hột và đang chảy xuống hai bên má. Tôi kinh ngạc đến gần như không còn sức để vỗ tay và la hét nữa.

Từ lúc đó cho đến gần cuối trận thì Anh Ngôn cũng không bao giờ còn đi banh qua khỏi tên trung vệ vô danh tiểu tốt kia nữa. Mắt tôi dõi theo tên vô danh đó và lòng thì tràn dâng sự căm tức.

Bây giờ khi viết lại những giòng này tôi như nhìn thấy tôi, nhìn thấy toàn cảnh sân banh ngày hôm đó. Nhưng, tôi chỉ nhớ được có hai người.

Tôi nhớ tôi cố gắng lắm mới đủ sức đứng thẳng người lên được khi tiếng còi của trọng tài thổi lên để chấm dứt trận banh với tỷ số vẫn là 0 và 0 mà phần trội hơn lại về đội Hải Quan. Những tiếng cười và tiếng chửi thề của những người cá độ với tôi như là mũi dao nhọn đâm vô trái tim tôi làm tôi đau đến không thể nói hoặc cười với họ được. Tôi bàng hoàng tôi sửng sốt nhìn theo Anh Ngôn… đang bước những bước thật nặng và mắt của Anh thì nhìn xuống đám cỏ dưới chân như Anh đang cố tìm một vật gì đó mà Anh vừa bị đánh mất. Hay, cũng có thể là Anh đang suy nghĩ về một người đã làm cho tiếng tăm của Anh bị giảm bớt trong buổi chiều hôm nay?

Qua ngày hôm sau gặp lại Anh Ngôn, Anh đã nói cho tôi nghe:

– Tên nó là Hằng, Nguyễn Kim Hằng. Nó như là chiếc xe tăng. Khi chỉ còn chừng mười phút nữa là dứt trận đấu và khi nó ra cản tôi, tôi đã la lên thật lớn với nó: B… u… ô… ng… Hằng! Vậy mà nó cũng không chịu buông. Thằng chó má thiệt!

Sau trận banh đó tôi trở lại nghề cũ chứ không còn tiếp tục cá độ banh nữa. Cũng nhờ trở lại nghề mà tôi đã “may mắn” gặp lại người đã làm cho tôi… sạch túi.

Một hôm kia có một người rất quen thân với tôi muốn giới thiệu cho tôi một người khách mới: – … Anh ấy là cầu thủ đội Hải Quan đang lên tên là Hằng, Nguyễn Kim Hằng….

Nghe nói người khách mới tên là Hằng tôi liền hẹn gặp ngay chiều ngày hôm đó.

Hằng – Nguyễn Kim Hằng khá đẹp trai, cao ráo và rất lịch sự. Tôi lớn hơn Hằng vài ba tuổi nên Hằng gọi tôi là anh và xưng em rất lễ phép. Khi nói chuyện tôi cứ nhìn ngay mắt của Hằng. Tôi không ngờ người đang ngồi trước mặt tôi đây lại là người mà chỉ một thời gian ngắn trước đây thôi đã làm cho tôi, và làm cho rất nhiều người phải… cười đau và khóc hận!

Hằng và tôi đã trở nên đôi bạn kể từ buổi chiều ngày hôm đó. Hằng thường muốn tôi có mặt trong những trận banh của đội Hải Quan nhưng tôi luôn viện cớ bận. Tôi cũng không bao giờ cho Hằng biết Anh Ngôn và tôi có sự quen biết rất mật thiết.

Tôi quen rất nhiều các cầu thủ của Hội Tuyển Việt Nam Cộng Hòa, nhưng… chỉ vài ba cầu thủ của chế độ mới thôi. Tôi đã đưa rất rất nhiều người thoát ra khỏi Saigon, thoát khỏi nước Việt Nam thành công. Nhưng, hai người mà tôi quen thật thân thiết tôi lại không đưa thoát đi được. Tôi nhớ có một lần Nguyễn Kim Hằng đã nói với tôi: – Nếu đi với anh mà không được thì em sẽ ở lại đây luôn.

Ngày Mùng 2 Tết, tức ngày 06.02.2019 trang báo Thanh Niên điện tử  đưa tin: -Vĩnh biệt cựu trung vệ “thép” Nguyễn Kim Hằng-.

Hằng đã thật sự buông. Hằng buông xuôi hai tay khi tuổi đời mới sáu mươi bốn ngay ngày đầu năm, tức ngày Mùng 1 Tết con Heo. Khi đọc tin và nhìn hình của Hằng thì tự nhiên hai hàng nước mắt của tôi đã tự động chảy ra. Tôi nhớ lại trận banh “định mệnh” năm xưa thì quả thật Hằng đúng là trung vệ “thép”! Từ ngày nhìn thấy Anh Ngôn đi banh lần đầu trong sân cho đến lần cuối, tôi chưa từng thấy một cầu thủ nào cản phá được trái banh trong chân của Anh Ngôn; ngoài trung vệ “thép” Nguyễn Kim Hằng.

Tôi không thể về – không được nhà cầm quyền cho về – để gặp mặt và thắp nén hương cho Hằng lần cuối. Tôi không thấy báo chí viết về gia đình của Hằng mà chỉ viết về ước nguyện khi Hằng ra đi vĩnh viễn. Khi sinh thời Hằng đã cống hiến cho đời những đường banh tài năng mà không phải cầu thủ nào cũng dễ có được. Và, khi mất đi Hằng lại cống hiến cho y khoa cả thân xác mình mà, qua đó, biết đâu những người đang sống và những thế hệ tiếp nối sẽ được hưởng những điều lợi ích từ một con người từng được ca tụng là “thép”.

Vĩnh biệt Nguyễn Kim Hằng! Vĩnh biệt trung vệ “thép” Nguyễn Kim Hằng! Hằng hãy yên nghỉ bình an, Hằng nhé!

.

Topa (Hòa Lan)

____

Chú thích của Ban Biên Tập:

Nguyễn Kim Hằng sinh năm 1955, là một đại thụ trong làng bóng đá Việt Nam sau 1975. Ông xứng đáng với danh hiệu “trung vệ thép” được dân hâm mộ tôn vinh tặng cho, do kỹ thuật chặn lừa và sút bóng trong những tình huống ngặt nghèo, gay cấn. Ông đá cho đội Cảng Sài Gòn (1976) và một năm sau đó ông sang đội Hải Quan. Sau khi giải nghệ vào cuối thập niên ‘80, ông tiếp tục ở đội Hải Quan làm huấn luyện viên, đã đưa đội này lên hàng vô địch năm 1991. Sau khi đội Hải Quan xóa sổ vì không thích ứng được với cơ chế thị trường, Nguyễn Kim Hằng làm huấn luyện viên cho 6 đội bóng khác nhau. Tính ông xuế xòa, nhưng rất thẳng thắn và bộc trực, nhất là hết lòng với đàn em. Do quan hệ rộng, ông biết được nhiều chuyện thâm cung bí sử trong làng bóng. Năm 2012 ông thực sự giã từ sự nghiệp bóng đá và mở một quán ăn nhỏ ở quận Bình Thạnh. Ông qua đời vì bạo bệnh.


Cái Đình - 2019