Topa


Bóng ma trong vườn cao su.

.

Trời Sàigòn từ hai ngày qua cứ rả rích mưa. Có lúc mưa đổ xuống ào ào và liên tục làm cho con đường trải nhựa thành con sông…. một lúc thì ngừng. Nhưng lại không ngừng hẳn mà cứ rả rích hoài. Mưa rả rích từ bầu trời đầy mây đen kịt. Sắp hết tháng sáu nhưng mùa mưa mới bắt đầu. Còn đến những năm tháng nữa mới có dấu hiệu chấm dứt. Mưa làm cho thành phố thêm u ám nặng nề. Đường sá bị ngập nên cũng vắng  xe cộ và người bộ hành. Đường bị ngập nước cũng là nổi khổ cho những người chạy xe gắn máy… như Hạnh. Hạnh hì hà hì hục đẩy chiếc xe bị chết máy đi trong “con sông” và dưới mưa nên bị ướt sũng như con chuột. Hạnh buột miệng than: “Mưa thật đáng ghét quá đi.” Không thể tiếp tục đẩy chiếc xe trong khi trời mưa như còn lâu mới dứt, Hạnh đẩy xe vô đứng dưới mái hiên của căn nhà lầu bên đường, cái nhà lầu có mái che thật rộng bằng tôn. Hạnh đứng tại chỗ và ngước mặt lên nhìn trời. Ngay lúc đó có hai ông bán vé số dạo mà Hạnh đoán là hai người Thương Phế Binh của chế độ Cộng Hòa cũng vừa đến đứng trú mưa.

Sàigòn sau ngày bị mất tên thì những người đàn ông bị mất một phần thân thể trong cuộc chiến, đã “xuống đường” với hai công việc chính để kiếm sống, bán vé số và ăn xin. Thật tội nghiệp các ông. Từng một thời là những người hùng của đồng bào Miền Nam mà nay các ông bị nhà cầm quyền xem như là những con chó hoang sống lang thang trong thành phố cần phải tiêu diệt… nhưng đã không dám tiêu diệt. Hạnh tuy được sinh ra sau khi chiến tranh đã chấm dứt được mười năm, nhưng, vì cũng là con của người từng là lính chiến thuộc Sư đoàn nổi tiếng thiện chiến nên, Hạnh được cha kể về những ngày ông đi chinh chiến năm xưa vì vậy mà Hạnh rất thương những người chẳng may phải sống những ngày còn lại trên thế gian trong sự thù hận không nguôi của những người cầm quyền cũng có cùng một ngôn ngữ.

Ông còn đủ hai tay hai chân nhưng bị mất hai con mắt thì cầm cây  đàn. Ông còn một tay một chân nhưng hai con mắt thì còn đủ; cầm xấp vé số được bọc trong bao ny-lon. Hạnh nghe ông cầm đàn nói: “Mỗi khi có mưa dài ngày như thế này, làm tao nhớ lại ngày trước quá. Không biết bây giờ… em ở đâu, còn hay đã mất” Nói xong ông liền dạo đàn một bài hát mà Hạnh   có nhiều kỷ niệm. Ông cất tiếng hát mà giọng của ông thật lâm ly tuy có hơi khàn khàn. Lời bài hát đã làm cho Hạnh xúc động khi nhớ lại những  ngày sống êm đềm bên người chồng thật đáng yêu… “Nhớ chiều nào anh đến thăm em. Hai bên đường phố đã lên đèn. Mưa xuân giăng mờ trắng khung trời. Ngồi  bên nhau lưu luyến. Mưa thấm ướt đôi bờ vai. Tiếng nhạc trời xao xuyến   đôi tim. Mưa giao hòa nước mắt ân tình. Tay đan tay trong tiếng đàn thầm. Nhìn nhau nhưng không nói. Sợ tình yêu chóng phai...”

Hơn ba năm trước, lúc đó cũng dưới cơn mưa tầm tã như hôm nay, cô gái  tên Hạnh vừa mười bảy tuổi và nàng gặp người thanh niên tên Hiếu, là  nhân viên quan thuế. Cả hai có tình cảm với nhau nên khi Hạnh vừa mười   tám tuổi nàng về chung sống với anh. Cuộc sống vợ chồng đang êm đềm  hạnh phúc thì… Hạnh đẩy xe xuống đường đi tiếp tuy mưa vẫn rả rích; sau  khi Hạnh cúi đầu chào hai người bán vé số đồng thời cũng gởi một nụ cười thay cho lời chào từ biệt.

Xưởng may nơi Hạnh làm việc tọa lạc trên mảnh đất rất rộng lớn tại quận Tư. Đây là xưởng may tư nhân từ chế độ Cộng Hòa mà người chủ là người

Đài Loan đã trở về cố quốc sau ngày miền Nam bị mất. Chiều nay Hạnh  làm ca hai nhưng lại vắng mặt năm chị nên Hạnh thấy ông quản trị nhân công mặt quạu đeo đang đi từ văn phòng vô xưởng may. Ông rất nghiêm khắc với nhân công nên ai cũng ngại gặp ông. Ông đi đến cách chỗ Hạnh đang ngồi may khoảng dăm ba thước và gọi lớn:

“Cô Hạnh.”

Hạnh giật mình ngẩng đầu lên nhìn ông quản trị công nhân viên. Hạnh không ngờ bị ông gọi nên có hơi lúng túng một chút. Ông ngoắc tay ra hiệu cho Hạnh đi theo ông lên văn phòng. Khi vào văn phòng, ông nói với Hạnh nhưng nhìn đến một người đàn ông đang ngồi trước trong văn phòng:

“Ông đây muốn gặp cô.”

Ông vẫn nhìn người đàn ông và nói với vẻ khép nép:

“Mời ông qua bên phòng khách ngồi nói chuyện. Tôi sẽ cho người đem trà nóng đến mời ông.”

Người đàn ông đứng lên và nói:

“Cám ơn ông.”

Hạnh gật đầu chào ông quản trị công nhân viên và cùng người đàn ông xa lạ bước qua phòng khách. Qua thái độ của ông quản trị nhân công khi nói với người đàn ông đã tỏ vẻ cung kính làm cho Hạnh nghĩ ông phải là cán bộ có chức quyền cao. Khi Hạnh và người đàn ông đã an tọa, ông lên tiếng:

“Tôi là cán bộ ngành quan thuế, và cũng là sếp của anh Hiếu. Tôi gặp chị… Tôi gặp cô hôm nay là để bàn với cô một chuyện rất quan trọng. Chuyện này nếu giải quyết tốt đẹp thì nó sẽ giúp cho cô thay đổi cuộc sống hiện tại được khá hơn.”

Ông ngưng nói và nhìn ngay mắt Hạnh như dò xét. Hạnh nhìn ông vẻ lúng túng vì không biết phải nói gì nên ngồi im chờ nghe ông nói tiếp. Ông nói:

“Trước khi anh Hiếu bị mất vì tai nạn, anh ấy có nói với cô hay dặn dò cô chuyện gì về… những thứ mà anh ấy cất giấu ở nơi nào không?”

Hạnh vẫn nhìn ngay người đàn ông. Ông cán bộ nói giọng miền Nam. Ông có dáng người cao và lực lưỡng. Chắc chắn ông phải là cán bộ cao cấp nên mới được ông quản trị công nhân viên, một ông già khó tính kính nể cách đặc biệt. Tuổi của ông chỉ khoảng bốn mươi đến bốn mươi ba nhưng khuôn mặt rắn rỏi và rất phong trần. Hạnh nhớ lại trước ngày chồng đi xa rồi bị tai nạn, anh có nói sơ qua cho Hạnh biết về số tài sản trị giá khoảng hai ba chục tỷ đồng mà anh đã… buôn lậu theo sự sắp xếp của một ông sếp. Anh cho biết số tài sản lớn đó là ma túy mà chỉ có anh và người sếp đó biết mà thôi. Người đàn ông đang ngồi trước mặt Hạnh đây có phải là ông sếp mà chồng Hạnh đã nói đến hay không, hay là những người trong nhóm đã sát hại anh Hiếu và bây giờ lại tính giở trò với Hạnh. Thấy Hạnh im lặng lâu nên ông nói tiếp:

“Tôi tên Tùng. Tôi đi công tác mấy tháng ở nước ngoài và vừa về trưa nay liền đến gặp cô, trước là để làm quen, sau là để hỏi thăm xem anh Hiếu có nói cho cô biết về số tài sản là những gói… mà anh và tôi cùng làm chung với nhau không. Thật ra thì… đó là những gói ma túy mà nếu tìm được thì cô cũng không phải đi may cực khổ như thế này nữa.”

Hạnh đã bình tĩnh hơn nên nàng nói thật:

“Dạ, em có nghe anh Hiếu nói sơ qua về những gói ma túy đó nhưng… như ông thấy, hiện tại em đang sống rất khó khăn chứ không được… như hồi anh Hiếu còn…”

“Tôi hiểu anh Hiếu là người rất trọng chữ tín. Chắc chắn anh Hiếu không lấy lẻ ra để hưởng một mình.”

“Em chưa nhìn thấy những gói đó nó có hình thù ra sao cả.”

“Cô Hạnh… chắc chưa nói cho ai biết về chuyện làm ăn của anh Hiếu chứ?”

“Dạ chưa.”

Ông Tùng nhìn vô đồng hồ đeo tay:

“Vậy cô đừng cho ai biết chuyện về những thứ đó vì rất nguy hiểm.Tôi gặp cô là để muốn biết mặt cô, nhưng bây giờ tôi có công việc cần phải đi ngay. Tôi đã xin cho cô nghỉ làm ngày mai rồi. Chiều mai tôi muốn mời cô ăn cơm rồi chúng ta nói chuyện tiếp. Cô có bị trở ngại không?”

“Dạ không.”

“Vậy thì… năm giờ chiều ngày mai tôi chờ cô tại nhà hàng Bạch Đằng bên bờ sông Sàigòn, cô Hạnh nhé?”

***

Chiều nay Hạnh đến nhà hàng Bạch Đằng bằng xe ôm nên đến sớm hơn giờ hẹn mười lăm phút. Trời Sàigòn chiều nay thật đẹp và mát. Ánh mặt trời tỏa xuống thành phố những tia nắng cuối ngày thật dịu và bầu trời thì thật trong xanh khác với ngày hôm qua, nên trên bến sông hiện đang có đông người qua lại. Hạnh đứng cách nhà hàng một khoảng đủ để cho Hạnh nhìn thấy rõ người ra vô nhà hàng.

Sàigòn đã bước qua thế kỷ thứ hai mươi mốt được năm năm rồi. Sàigòn chật chội vì người từ các nơi đổ về đây sinh sống. Sàigòn phải nói là nơi dễ kiếm công việc sinh sống nhất nước. Người ta kiếm tiền dễ quá. Người ta kiếm tiền bằng mọi cách và bằng mọi thủ đoạn, nhất là đám cán bộ có chức có quyền. Cũng vì họ có quá nhiều tiền nên cần phải hưởng thụ. Cứ chiều đến là các nhà hàng hoạt động rất nhộn nhịp. Ông Tùng là cán bộ có chức quyền thì chắc chắn ông cũng phải làm như các cán bộ khác thôi. Chắc chắn khi ông Tùng nhận anh Hiếu vô tổ chức, ông đã biết rất rõ về Hạnh. Có điều là làm sao ông lại biết Hạnh làm nhân công xưởng may trong khi ông nói ông đi công tác mấy tháng và mới về? Hạnh nhớ lại ngày anh Hiếu còn sống, anh cũng thường đưa Hạnh đi ăn tối chứ ít khi nấu ăn ở nhà. Tiền lương của anh không nhiều nhưng một tuần anh về nhà ba ngày thì cả ba ngày đều đi ăn tiệm; điều đó đã cho Hạnh hiểu là anh cũng có kiếm thêm… ngoài công việc chính thức. Có lần anh tâm sự là, anh sẽ tham gia vài chuyến buôn lậu thứ mà, nếu đổ bể thì có thể anh phải bị lãnh án tử hình. Nhưng, anh nói là kế hoạch của ông sếp anh rất hoàn hảo. Hơn nữa ông sếp hình như cũng có qua lại với ông Thủ Tướng nữa nên… mọi chuyện được bảo đảm. Anh nói sẽ chỉ buôn lậu vài chuyến rồi nghỉ chứ anh cũng sợ phe cánh chơi nhau lắm. Không ngờ anh bị tai nạn và bị mất mạng. Theo Hạnh nghĩ thì, rất có thể anh bị sát hại vì công việc buôn lậu anh đã biết quá nhiều và quá rành rẽ; chứ chẳng có tai nạn nào xảy ra cả.

Ông Tùng đang đi vô nhà hàng. Ông ăn mặc thật lịch sự. Nhìn gương mặt ông lúc này trông ông cũng trí thức lắm chứ không như các cán bộ người Miền Bắc. Hạnh cũng không hiểu tại sao người Miền Bắc di cư vô Miền Nam khi nước Việt bi chia đôi mà Hạnh thường tiếp xúc thì luôn nhã nhặn, lịch sự, gần gũi và trông rất trí thức. Nhất là giọng nói rất sang. Trái lại người Miền Bắc vô Miền Nam sau năm một chín bảy lăm thì thường ba hoa và gian xảo. Họ không bao giờ nói thật. Một trăm điều nóì ra thì hết chín mươi chín là không thật, nên Hạnh luôn nghi ngờ và đề phòng.

Ông Tùng đứng lên đón Hạnh với nụ cười thật tươi và lịch sự kéo ghế mời Hạnh ngồi. Ông Tùng hành động thật lịch sự có lẽ vì ông từng đi làm ở ngoại quốc nên học được ở người ngoại quốc chăng? Do vậy mà Hạnh nghĩ ông đang đóng kịch. Trong khi chờ đợi món ăn đem ra, Hạnh mở lời trước:

“Ông Tùng ạ! Từ suốt đêm qua cho tới tận bây giờ em đã suy nghĩ nhiều đến lời nói của ông, nhưng, em sợ ông sẽ thất vọng bởi vì em cũng không biết… những thứ đó anh Hiếu cất giấu nơi nào cả. Anh Hiếu chỉ nói là đã cất giấu ở một nơi rất kín đáo chờ ông sếp về rồi tính. Anh Hiếu chỉ nói có vậy và em cũng chỉ biết có vậy thôi chứ em cũng chưa thấy những gói đó lần nào cả. Một tuần sau khi nói chuyện đó với em thì người bạn làm cùng sở với anh đến báo tin là anh bị tai nạn và mất.”

Ông Tùng đưa tay xoa xoa lên trán như suy nghĩ và rồi ông nói cách quả quyết:

“Theo tôi thì… chưa bị khám phá ra đâu. Anh Hiếu rất kín miệng nên chỉ mình anh và tôi biết thôi. Cô là người thứ ba biết chuyện này.”

Ông Tùng ngồi trầm ngâm một lúc thật lâu như suy nghĩ và tự nhiên Hạnh lại tin tưởng mãnh liệt là số ma túy kia rồi sẽ được tìm ra. Hạnh nghĩ nếu số ma túy đó mà tìm ra thì Hạnh chỉ cần ông Tùng cho Hạnh mười phần trăm thôi là Hạnh có thể kiếm một chỗ thật thuận tiện để mở một tiệm may là sinh sống được để khỏi phải làm công cực nhọc mà mỗi tháng vẫn thiếu trước hụt sau.

Ông Tùng cắt ngang dòng suy tư của Hạnh:

“Cô có thấy anh Hiếu… có biểu hiện gì lạ trước khi anh về nhà lần cuối cùng không?”

“Em không thấy có gì lạ cả. Hay… có lẽ có nhưng em không để ý thôi.”

“Một dấu hiệu khác thường nào đó dù nhỏ, cũng là manh mối giúp cho hai chúng ta.”

“Ngày sau cùng anh Hiếu về nhà thì lúc đó đã gần ba giờ sáng. Người chở anh về là người bạn cùng làm chung với anh, và cũng là người đến báo tin anh bị tai nạn… Chỉ vậy thôi ông Tùng à.”

“Người đó tên gì cô có biết không?”

‘Dạ biết. Em nghe anh Hiếu gọi anh ấy là anh Nghĩa.”

Ông Tùng trầm ngâm suy nghĩ rồi nói nhỏ trong miệng: “Thằng Nguyễn Trọng Nghĩa… à?”

“Khi… chở anh Hiếu về thì thằng Nghĩa đi ngay hả?”

“Dạ không. Vì lúc đó đã gần ba giờ sáng nên anh Nghĩa ngủ ở phòng khách và khi em thức… đâu khoảng chín mười giờ thì anh Nghĩa đã đi rồi.”

Hai con mắt của ông Tùng cứ nhìn vô ly bia nhưng không nói thêm câu nào. Hạnh nghĩ ông đang suy nghĩ về câu nói của mình. Lúc ông Tùng định nói gì đó thì người phục vụ đem thức ăn đến nên cả hai cùng im lặng.

Ông Tùng ăn rất từ tốn và luôn tiếp các món ăn cho Hạnh. Khi ăn đến món trái cây, ông Tùng như khó khăn lắm ông mới nói ra được cái ý nghĩ mà ông muốn nói:

“Cô Hạnh à, chuyện tìm lại… số tài sản đó không thể một sớm một chiều mà tìm ra được. Tôi có ý kiến như thế này và đề nghị với cô để cô xem có thuận tiện không nhé. Hiện tại tôi có một số tiền rất lớn đủ để cho cô không cần phải đi làm cực khổ như hiện nay nữa. Cô tạm thời cứ ở nhà và một thời gian sau thì cô và tôi sẽ chính thức sống chung với nhau như là vợ chồng để tôi có thể đem cô vô làm việc cùng cơ quan với tôi. Tôi sẽ sắp xếp để cô tiếp cận nhiều công việc, cũng như để cô có dịp đi nhiều và nghe ngóng. Hai chúng ta chỉ đóng kịch thôi. Cô hiện cũng... độc thân mà tôi thì cũng đã góa vợ từ hai năm nay nên sẽ không bị một trở ngại nào cản trở cả. Cô cứ suy nghĩ một hai ngày rồi trả lời cho tôi biết sau cũng được. Đây là số điện thoại ở cơ quan và số di động của tôi. Cô gọi bất cứ lúc nào tôi cũng sẵn sàng đến với cô. Nếu cô đồng ý thì chúng ta cần phải thành thật với nhau. Số tài sản đó tuy lớn nhưng đó cũng chỉ là phương tiện tạm giúp cho chúng ta trên cõi đời này chứ mai này khi đã vĩnh viễn ra đi rồi thì có ai đem theo được gì đâu. Tôi hy vọng là sự đề nghị của tôi không làm cô khó nghĩ để mà khước từ.”

Ông Tùng nói với giọng thật nhẹ và thật dịu dàng. Nhìn hai con mắt của ông khi nói, Hạnh không thể đoán nổi là ông đang thành thật hay đang đóng kịch. Chỉ có trời mới biết được lòng dạ con người cán bộ nhà nước vốn luôn thay đổi xoành xoạch như người ta thay áo quần. Ông và Hạnh hiện đang rất mong tìm lại được số tài sản đó. Nhưng, liệu khi tìm được rồi thì mọi sự cũng sẽ êm đẹp như ông đang tính với Hạnh hay là lúc đó ông sẽ trở thành một người khác để hưởng trọn một mình. Hạnh có tánh nghi ngờ là kể từ khi đọc báo công an và pháp luật thấy đăng tin những vụ lường gạt, những vụ giết người nhan nhản xảy ra thường ngày mà Hạnh không thể nào có thể tưởng tượng ra nổi những chuyện đó là có thật. Nhưng, không thể vì một sự nghi ngờ mà để ông buồn lòng vì anh Hiếu thường nói với Hạnh ông là người sếp rất tốt với anh và với mọi người.

“Ông Tùng ạ, thật ra thì em chỉ cần một số vốn vừa đủ… chẳng hạn như chừng... chừng khoảng... chừng khoảng mười phần trăm số tài sản đó là em có thể xoay sở để tự mình làm chủ lấy mình chứ không phải khổ cực như hiện nay. Đó là em nói thật lòng. Nếu như ý kiến vừa rồi của ông là thành thật thì em thấy không có gì trở ngại cả.”

Ông Tùng cười thật tươi và với ánh mắt nhìn thật hiền, ông nói:

“Vậy thì kể từ bây giờ... em phải gọi anh là anh cho quen dần đi chứ đừng có ông ông nữa nghe… kỳ lắm.”

***

Hạnh nằm lõa lồ trên giường không một mảnh vải che thân. Ông Tùng đã rời khỏi nhà trước khi Hạnh thức và hiện tại thì đầu của Hạnh nặng trĩu như đang bị đeo chì. Từ bốn tháng qua ông Tùng cứ đêm xuống thì ông đến với Hạnh và sáng ra thì ông rời khỏi nhà. Nhưng, Hạnh vẫn luôn có cảm tưởng là ông đang lừa dối mình chứ không như đã thỏa thuận lúc ban đầu là cùng đóng kịch.

Hạnh không muốn ngồi lên ngay mà vẫn nằm yên để nhớ về anh Hiếu. Anh thật hiền và đạo đức thật sự từ những ngày đầu quen anh cho đến ngày anh bị tai nạn và qua đời. Anh và ông Tùng tính tình hoàn toàn khác nhau. Ông Tùng không là người như Hạnh nghĩ. Ông Tùng là người rất bí hiểm và có hai mặt thật rõ ràng. Khi cần, ông sẽ là nhà hiền triết với những lời đạo đức và cử chỉ thật thánh thiện. Nhưng, nếu đụng chuyện thì ngay lập tức ông trở thành con người hung bạo, dữ dằn và nói năng thô tục.

Từ những ngày đầu tiên ông đến với Hạnh, ông đã tặng cho Hạnh những số tiền lớn và đồ trang sức đắt tiền mà Hạnh hằng mơ ước. Và thế là Hạnh đã không thể cưỡng lại sự đòi hỏi của ông… trước khi ông để lộ ra cái bộ mặt hung bạo. Mọi cư xử thường ngày đối với Hạnh thì ông vẫn là người đàn ông rất lịch lãm. Hạnh không hối hận. Nhưng, những gì Hạnh đã được chứng kiến làm cho Hạnh bối rối và từ đó đã xem cuộc chung sống giữa hai người chỉ là tạm thời thôi. Hạnh không phải là người không thực tế để mà phải luôn tôn thờ mối tình đã đứt đoạn nửa chừng và chung tình với người đã mất. Từ bốn tháng qua ông Tùng và Hạnh có làm được việc gì gọi là để tìm kiếm đâu. Kế hoạch sống chung giữa hai người mà theo Hạnh thì, thứ  nhất, ông muốn chiếm đoạt thân xác Hạnh. Thứ hai, ông không tin Hạnh không biết nơi cất giấu những gói ma tuý. Ông viện dẫn nhiều lý do để trì  hoãn việc đưa Hạnh vô làm việc trong cơ quan của ông, mà,  một trong những lý do ông thường nói là: “Mọi chuyện phải từ từ nếu không sẽ bị lộ  thì chết cả đám chứ chẳng phải chơi đâu. Tụi nó đang chống… đủ thứ để cho dân yên lòng thì không khéo mình sẽ là vật tế thần”.

Cách nay vài ngày và thật tình cờ, Hạnh nhìn thấy một trang sách học trò vẽ nguệch ngoạc một vòng tròn có đường kính một thước sáu và độ sâu là tám thước ba mươi phân; nằm trong một rừng cây cao. Phía trước rừng cây cao vẽ một ngôi nhà màu xanh cách xa con đường đất, lối đi vô trong rừng cây và được ghi những con số khó hiểu: 22 - 215 - 75. Bản vẽ đơn sơ này anh Hiếu đã vẽ trên một tờ giấy trong quyển tập của học trò và anh để nó trên nóc tủ quần áo. Hạnh nhìn hình vẽ thì tự nhiên Hạnh như nghe được một tiếng nói vô hình nói cho nàng biết tờ giấy đó có sự liên hệ với thứ mà ông Tùng và Hạnh đang muốn tìm. Hạnh liền suy luận, đó là hình vẽ của cái giếng trong rừng cây bên quốc lộ 22, là con đường đi từ Sàigòn về Tây Ninh. Căn nhà màu xanh có thể là điểm. Con số 215 và 75 là số gì thì Hạnh nghĩ chưa ra.

Đây là lần đầu ông Tùng chịu nghe Hạnh nói về những suy đoán cũng như sự quả quyết về những con số có sự liên hệ với thứ mà ông Tùng và Hạnh đang tìm. Hạnh nói:

“Điều quan trọng đầu tiên là mình phải đi Tây Ninh xem có căn nhà nào màu xanh không. Nếu có thì xem như đã giải được một phần rất quan trọng. Anh Tùng có để ý là tại sao con số 215 lại đứng trước, thay vì phải là số 75… không? Nhưng, khi mình thấy được căn nhà màu xanh thì sẽ có lời giải ngay… anh Tùng đồng ý không?”

Sau khi nghe Hạnh giải thích, ông Tùng quyết định cùng Hạnh sáng sớm ngày hôm sau đi lên Tây Ninh vào lúc năm giờ sáng.

Khởi hành từ Sàigòn bằng xe hơi nhỏ mà ông Tùng nói là mượn, khoảng năm giờ sáng thì, đúng mười giờ hai mươi ba phút ông Tùng và Hạnh có mặt ngay trước căn nhà màu xanh đóng chặt cửa bên rừng cây cao su. Cách căn nhà màu xanh khoảng chỉ hai mươi thước có con đường đất lớn. Ông Tùng nói giọng hơi run có lẽ vì quá xúc động:

“Đúng…  như em đã… suy đoán. Bây giờ mình… mình làm gì tiếp đây em?”

Hạnh thấy ông Tùng hơi run làm Hạnh cũng phát run lên… vì mừng quá:

“Theo em thì… con số 215 là con số chỉ… chỉ… đến cây cao su thứ 215 sẽ gặp một cái… hình tròn mà em nghi là…”

Ông Tùng buột miệng nói:

“Là cái giếng! Đúng rồi em Hạnh ơi. Vùng này khi trước có nhiều giếng  của bọn Tây để công nhân đồn điền sử dụng…”

“Em cũng nghĩ đó là cái giếng. Bây giờ anh cứ lái chầm chậm còn em sẽ đếm các cây cao su bên đường. Đi anh! Mình đi liền đi anh.”

Ông Tùng lái xe thật chậm và Hạnh ngồi bên bắt đầu đếm từ cây cao su thứ nhất đến cây cao su thứ 215… thì hết. Sau cây cao su thứ 215 có một khu đất chưa được khai phá nên vẫn còn cây cối mọc um tùm. Ông Tùng quan sát khu đất để tìm lối đi nhưng không thấy. Ông nói:

“Em ngồi đây. Anh sẽ đi vô khu đất đó… may ra sẽ thấy được điều gì chăng.”

Ông Tùng nhìn trước nhìn sau khi thấy không có người ông liền mở cửa xe bước ra và đi vô khu đất. Hạnh ngồi nhìn theo ông với một chút thương cảm trong lòng. Dạo sau này ông thường ít nói it ăn và suy tư nhiều như đang có việc gì hệ trọng lắm. Đi với ông đến những nơi thanh vắng như thế này Hạnh không hề lo sợ. Hạnh biết ông giao thiệp rộng rãi với những người có thế lực lớn thì “những con tép riu” sẽ không bao giờ dám làm phiền đến.

Ông Tùng đi trở lại xe với vẻ mặt hớn hở:

“Đúng là đi khoảng… 75 thước thì gặp cái giếng em à. Cái giếng nằm sau trong đám có cây cối um tùm. Cái giếng này chắc chắn có từ thời Tây nên bây giờ chỉ còn là một cái giếng cạn bị bỏ hoang mà thôi. Nếu đúng chỗ này là nơi anh Hiếu cất giấu thì… quả là anh không lầm khi chọn anh Hiếu để cùng hợp tác.”

Ông Tùng trầm ngâm suy nghĩ một lúc rồi nói cách quả quyết:

“Mấy ngày nữa sẽ không còn trăng. Rất thuận cho anh và em hanh động. Khi đó anh và em sẽ trở lại đây. Khi ấy anh sẽ xuống cái giếng cạn đó xem như thế nào. Bây giờ mình đi về xem cần chuẩn bị những thứ nào cần cho công việc.”

Trong một lúc quá hứng khởi, ông Tùng nói về những toan tính của những ngày sẽ đến mà hai cánh tay của ông cứ đưa lên đưa xuống như người nhạc trưởng đang đứng trước ban đại hòa tấu:

“Mình… sắp giàu rồi Hạnh ơi. Anh sẽ mở xưởng may thật lớn cho em làm bà chủ. Chúng mình sẽ… giao hết cho người làm trông coi còn hai đứa mình chĩ đi du lịch thôi. Anh phải công nhận là đầu óc của em rất khá. Phán đoán rất chính xác… hơn anh nữa.”

Hạnh buột miệng nói như một phản ứng mà Hạnh thấy rất cần thiết:

“Anh thấy có cần phải đem theo một hai người mà anh tin tưởng vì… lỡ có chuyện gì thì còn có người…”

Ông Tùng ra dấu cho Hạnh đừng nói tiếp. Ông quay mặt nhìn khu đất mà ông vừa đi vô như muốn ghi sâu vô tâm trí ông. Khi cả hai người vô ngồi trong xe, ông vừa lái vừa nói thật từ tốn với vẻ mặt thật buồn:

“Anh cho em biết một chuyện mà anh thì vẫn chưa muốn em biết. Anh giấu em vì anh sợ em buồn và lo thôi. Anh đã bị… bị tạm ngưng công tác và xem như sắp bị loại rồi. Những người trên anh cũng đang bị thất thế nên anh sẽ không còn gì cả. Nếu anh còn làm việc thì anh đã không bị cực khổ đến như thế này đâu. Dĩ nhiên là anh có vài người rất tin tưởng như anh Hiếu vậy. Nhưng… bây giờ không thể tin được ai khi mình không còn quyền hành gì cả.”

Ông Tùng thở ra một hơi dài, rồi ông nói tiếp:

“Bây giờ em đã hiểu vì sao anh chưa đưa em vô sở làm việc như anh đã bàn tính với em trước kia. Anh rất thương em và rất thật với em… ngoại trừ việc anh bị hạ bệ vì anh không muốn em buồn.”

Suốt cuộc hành trình trở về lại Sàigòn Hạnh không mở miệng nói một câu nào. Bây giờ Hạnh thấy ông Tùng là người quá tốt và thành thật. Ông không đem Hạnh vô làm việc trong cơ quan của ông là vì ông đã không còn quyền hành nữa. Tự nhiên Hạnh như cảm thấy trong lòng có ngọn lửa râm ran đốt làm cho nàng bị bức rứt... giống như  trước khi anh Hiếu mất vài ngày. Hạnh lo sợ cho mình và ông Tùng nhưng Hạnh không thể nói ra điều đó được. Nguời cộng sản không tin có Thượng Đế thì ông Tùng sẽ nghĩ Hạnh lo sợ vu vơ. Thỉnh thoảng ông Tùng nhìn qua Hạnh rồi ông nghĩ Hạnh buồn cho ông khi nghe ông bị thất thế nên ông cũng im lặng cho tới khi về đến nhà.

Có một điều mà Hạnh và ông Tùng không bao giờ ngờ đến. Đó là, mỗi bước chân, mỗi hành động của hai người đã bị theo dõi từng chút một.

***

Đúng ngày trời tối đen không trăng không sao. Ông Tùng lái chiếc xe bảy chỗ ngồi chạy thẳng đến nơi mà mấy ngày trước ông và Hạnh đã đến. Bây giờ đã hơn mười một giờ đêm. Thời gian thật lý tưởng để ông Tùng và Hạnh hành động mà không sợ có người nhìn thấy. Hạnh cứ liên tục bị rùng mình khi nhìn thấy quang cảnh quá âm u tĩnh mịch. Ông Tùng và Hạnh ngồi trong xe quan sát một lúc rồi cùng nhau đi ra sau xe. Ông đeo vào cổ của mình và cổ của Hạnh, mỗi người một cái đèn pin. Ông đưa cho Hạnh cầm cây cuốc và cái xẻng. Ông ôm một thùng carton lớn và nặng đựng cuộn dây thừng. Sau đó cả hai người bước từng bước thận trọng đi trong đêm tối, và, khi đến gần cái giếng thì ông Tùng cúi người để đặt thùng carton xuống. Ông đang lấy cuộn dây thừng ra thì Hạnh nghe một tiếng “bộp” thật khô khan và thật mạnh. Hạnh quay đầu qua bên thì nhìn thấy ông Tùng ngã chúi về phía trước đến không kịp thốt ra một lời nào. Hạnh chưa kịp hoàn hồn thì đã bị một cú đấm thật mạnh vô thái dương làm cho Hạnh quỵ xuống. Có lẽ tên sát nhân định đánh giữa đỉnh đầu nhưng lại trúng vô phía bên thái dương. May mà cú đánh không mạnh,chứ không thì … Hạnh nằm im giả chết nên nhìn thấy một bóng người đang ngồi trên người ông Tùng và cố đâm liên tiếp nhiều nhát dao lên ngay mặt của ông. Hạnh nghĩ mình phải giả chết may ra thoát được. Nhưng, cái bóng đen đó sau khi giết ông Tùng xong, liền đi đến chỗ Hạnh đang nằm. Trái tim của Hạnh như muốn bay ra khỏi lồng ngực. Hạnh cố nín thở nhưng hồi hộp quá nên hơi thở càng dồn dập hơn. Tên sát nhân cúi người xuống và đưa tay lên mũi của Hạnh. Hạnh run quá nên muốn lên tiếng van xin tên sát nhân tha mạng. Nhưng, tên sát nhân đã nâng cái đầu của Hạnh lên và gọi:

“Chị Hạnh. Chị Hạnh. Tôi đây chị đừng sợ.”

Hạnh mở mắt thật lớn để nhìn tên sát nhân lúc này mặt của hắn gần sát với mặt của Hạnh. Trời tối quá. Trời tối đen như mực nên Hạnh không thể thấy được mặt tên sát nhân. Bỗng hắn lại lên tiếng:

“Chị Hạnh. Tôi là Nghĩa đây chị Hạnh.”

Tuy đang sợ nhưng Hạnh nghe tên sát nhân xưng tên thì Hạnh liền lên tiếng:

“Anh… Nghĩa đó hả? Đầu của tôi đau quá anh Nghĩa ơi. Sao anh lại đánh…”

“Tôi sợ chị la toáng lên khi tôi giết thằng chó đẻ kia nên tôi phải làm vậy cho chị bất tỉnh. Bây giờ chị cứ nằm im để tôi chôn cái xác của thằng khốn nạn này xong thì tôi đưa chị về nhà. Mọi chuyện… rồi ra chị sẽ rõ tại sao tôi giết thằng khôn nạn này.

***

Nghĩa nói khi cả hai đã về đến nhà của Hạnh an toàn:

“Trong tình đồng nghiệp, có những điều anh Hiếu không thể nói ra… Nhưng, đến một lúc nào đó thì tự nhiên anh ấy linh cảm được sự không an toàn cho bản thân… thì muốn nói ra điều bí mật mà anh đang giữ kín. Chuyện đó xảy ra cũng giống như là chuyện trinh thám ly kỳ mà tôi cũng từng đọc trong các quyển tiểu tuyết vậy. Một ngày nọ anh Hiếu đã kể thật và trọn vẹn câu chuyện buôn lậu ma túy của ảnh và, ảnh linh cảm là, ông Tùng sẽ giết ảnh để hưởng trọn một mình.

Từ ngày đáng nhớ đó, mối quan hệ thân thiết giữa anh Hiếu và tôi được hình thành như tình anh em ruột. Cái đêm mà tôi ngủ ở nhà chị, là để sáng sớm ngày hôm sau tôi sẽ thi hành kế hoạch đã cùng anh Hiếu bàn tính. Năm giờ sáng ngày hôm đó, tôi đã chở những bao ma túy về Tây Ninh, nơi có chú tôi đang làm quản lý khu đồn điền cao su. Và, căn nhà màu xanh chính là nhà của chú tôi. Vì vậy mà tôi dễ dàng theo dõi thằng chó đẻ đó khi nó đến đó với chị. Tôi theo dõi nó tối hôm đó như vẫn thường theo dõi nó mỗi khi nó đến nhà của chị.

Chính tôi đã chôn số ma túy dưới cái giếng hoang đó mà chú tôi không hề hay biết.Tôi không muốn chú bị liên lụy sau này, nếu như chuyện không suôn sẻ.

Trước lúc anh Hiếu mất, anh ấy còn một tâm sự muốn nói với tôi. Khi đó tôi đã hoàn tất công việc giúp anh Hiếu như, viết những điều cần thiết và bí mật lên tờ giấy học trò cho anh ấy để sau này nếu anh ấy muốn, thì anh có thể tự mình tìm đến được. Anh Hiếu tâm sự: “Tôi rất yêu vợ nên đã tham gia vô công việc nguy hiểm này. Tôi không bao giờ nghi ngờ ông Tùng sẽ hại tôi để hưởng một mình. Nhưng… mấy đêm liền tôi nằm mơ thấy mình bị giết. Người giết tôi có vóc dáng giống như… Anh Nghĩa à. Nếu tôi có mất đi… thật, thì khi nào ông Tùng tìm đến Hạnh, tức là ông ta đã giết tôi thật rồi. Hạnh sẽ tìm ra điều bí mật trong tờ giấy vì Hạnh thông minh và biết suy đoán. Nếu đúng ông Tùng tìm đến Hạnh thì… anh cũng nên cẩn thận. Ông Tùng quỷ quyệt và rất nhiều thủ đoạn mà, không việc tàn tệ nào mà ông không dám làm. Hạnh sẽ chỉ vô tình nói ra tên của anh. Thật ra thì Hạnh cũng không biết gì về việc anh đã giúp tôi. Anh hãy giúp và bảo vệ Hạnh giùm tôi. Ông Tùng là người cộng sản nên… thà giết lầm còn hơn bỏ sót.”

Có nhiều lần tôi ngồi bần thần từ bên này đường nhìn qua nhà của chị, nơi có căn phòng khách mà cả ba nguời chúng ta từng cùng trải qua một buổi tối… sau cùng. Nay chỉ có chị và thằng chó đẻ kia thôi thì lòng tôi xót xa cho người bạn cũng như lo lắng cho bản thân mình. Tôi phải giết thằng chó đẻ đó chứ không để nó giết tôi. Những gì đã xảy ra đều đúng như anh Hiếu đã tiên đoàn trước. Trong số ma túy mà anh Hiểu đưa cho tôi có kèm theo một gói vàng khoảng… hơn ký.”

Nghĩa ngừng nói và lấy gói giấy lớn từ trong túi xách tay ra đặt lên bàn, và nói tiếp:

“Số vàng này khi anh Hiếu đưa cho tôi đến nay tôi cũng chưa hề mở ra xem nên không biết rõ trọng lượng thật. Đây là tài sản của anh Hiếu và cũng là của chị. Chị có quyền thụ hưởng. Với số vàng này, chị có thể thực hiện những điều mà chị hằng mong ước cũng như chị sẽ có cuộc sống an nhàn hơn là mỗi đêm phải đi may. Còn số ma túy cũng là tài sản của chị… thì cứ để ở đó khi nào cần thiết lắm thì chị có thể lấy lên bán từ từ chứ nó là đố quốc cấm đấy. Không kỷ lưỡng thì mất mạng đấy chị Hạnh à. Tôi thấy không cần thiết phải chứng minh với chị là tôi thành thật. Điều đó thời gian sẽ trả lời. Tôi chỉ xin chị giúp cho tôi năm lượng vàng. Với số vốn đó tôi sẽ tạo sự nghiệp cách dễ dàng ở một nơi thật xa mà tôi đã chọn từ lâu rồi. Tôi không muốn sống trong cái thành phố ngột ngạt và đầy gian trá này.”

“Anh có biết là… ông Tùng bị cách chức…”

“Toàn là xạo cả chị Hạnh à. Cũng nhờ tên xảo trá đó xạo với chị mà chị sẽ không bị an ninh của nhà cầm quyền để ý đến.”

“Anh Nghĩa ơi. Anh đừng nghĩ là tôi nghi ngờ anh. Trái lại tôi mang ơn anh đã cứu mạng. Tôi muốn chia cho anh số vàng này…”

“Chị Hạnh à. Năm lượng vàng là đủ cho tôi rồi. Nhiều hơn có khi lại nguy hiểm cho tôi và… tôi vẫn muốn gặp lại chị sau này nữa mà.”

“Anh Nghĩa nhớ liên lạc thuờng xuyên với tôi nhé? Tôi sẽ không bao giờ quên được anh đâu.”

 ***

Khu đất sau vườn cây cao su mãi mãi là khu đất hoang vì không một người nào dám đến đây khai khẩn sau khi xảy ra hai điều mà không người nào giải thích được. Trước tiên là những người phu cạo mũ cao su thấy bóng một người đàn ông xuất hiện vào những đêm có trăng, và, đêm nào người đó cũng xuất hiện và vác một bao nhỏ trên vai đi từ khu đất sau vườn cây cao su ra đến con đường quốc lộ rồi lên chiếc xe hơi và lái chạy về hướng Sàigòn. Người quản lý vườn cao su tên là Nhân đã kể rằng: “ Một tối nọ tôi có việc phải đi ngang chỗ có cái giếng hoang mà tôi cũng có rất nhiều lần đi ngang qua đó. Khi đi đến chỗ cái giếng bỏ hoang thì. Đúng lúc ấy… hai chân tôi bỗng mềm nhũn, tôi suýt hét lên thật lớn. Một cái bóng đứng lù lù cạnh miệng giếng. Vì có trăng nên trời cũng không tối lắm, vì vậy mà tôi đã nhận ra đó là người đàn ông. Một người đàn ông. Tôi đoán ông không còn trẻ là vì vóc dáng khá… béo phệ; đang nhìn xuống cái giếng. Tôi chưa biết ông này, vào thời điểm phải nói là khuya rồi mà ra đây nhìn xuống đó để làm gì và muốn gì thì… ông quay mặt nhìn tôi. Nhưng, cái mặt đầy máu me đến không còn thấy rõ mặt. Tôi liền ù té chạy mà hai cái chân cứ như bị quíu lại… vì tiếng cười cứ như đuổi theo tôi. Tiếng cười như từ một nơi xa xôi nào đó vọng lại. Vì là vùng đất do tôi trông coi nên,từ sau đêm hôm đó tôi phải mỗi ngày ra đó đốt nhang ngay bên cái giếng bỏ hoang. Nhưng, chưa bao giờ tôi dám đi qua đó vào ban đêm nữa. Tôi không bị nhát nữa nhưng, các cây cao su thì… bỗng nhiên không còn một cây nào cạo ra mủ làm cho mấy chục người phu và gia đình bỏ đi sống nơi khác hết. Không một người nào ở lại… ngoài tôi. Tôi không muốn bỏ căn nhà màu xanh mà tôi rất thích.”

.

Topa (Hòa Lan)

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/bongmatrongvuon.htm


Cái Đình - 2021