Lê thị Thanh Tâm


Bích Huệ

.

Vào đại-học, xa rời khung trời nhỏ trung-học, Ngà buồn làm sao. Những buổi sáng đến trường một mình, vì bạn mới chưa có ai là tri kỷ. Có những ngày Ngà cứ tha thẩn một mình trong sân trường.. buồn buồn. Như có ngàn mũi kim rơi vào đáy giếng sâu - như có vạn giọt nước mắt đổ nguồn ra đại dương - trời một mình ta đứng chênh vênh - đất lẻ loi bóng ta cô quạnh...

Được vài tháng sau thì Ngà đã có cô bạn mới: Bích-Huệ, học cùng ban Việt Hán, nhưng nó học trước Ngà một năm, và cùng "đầu quân" vào bộ Giáo-dục. Hai đứa có cùng tư tưởng và cùng trình độ nên hợp tính nhau – vừa mới quen là hai đứa thân thiết như từ lúc nào. Ở Huệ, bề ngoài tuy rất bình thường, nhưng bên trong chứa một kho tàng nội tâm khúc triết. Huệ có đôi mắt tròn nâu thẫm cùng hàng mi mà nó thích uốn cong, đẹp như mắt nai vàng ngơ ngác.

Huệ rất gầy và mỏng như con sếu khô buồn. Đã thế nó lại thích mặc những chiếc áo dài ôm sát người, nên nhiều khi ai bất chợt nhìn thấy nó đi lơ thơ dưới nắng mênh mông kia, sẽ chẳng chạnh lòng thương thương sao ấy.

Huệ bảo:

– Ôi! tuổi con gái đầy mơ mộng.

Ngà tiếp lời bạn:

– Chúng mình lại có nghệ thuật tính nên rất buồn cười, tao với mi đi ngoài trời mưa nhè nhẹ, mi buồn cứ muốn đi mưa, mà còn nói khích để kéo tao đi theo luôn, vì tao có mang áo mưa đẹp mà mi thích để che chung...

Nghe Ngà nói đúng ý, nó cười nắc nẻ.

Đi ngoài phố Huệ kể chuyện làm cả hai cười vang. Nó kể về cô bạn dạy ở trường công lập ở Phú-Yên, gặp ông hiệu-trưởng đã ba mươi tuổi. Ông rất khó tính và không bao giờ nói chuyện lâu được với ai. Nhưng khi gặp cô bạn này, ông bỗng đổi tính vui vẻ với mọi người và dễ chịu hơn. Đó là điều tâm lý rất sâu sắc, vì từ trước đến giờ ông chưa gặp được người nào trong trường nói chuyện hợp với ông cả. Họ hoàn toàn không hiểu ông và ngược lại... Như khi ông bảo:

– Bên ngoài tôi rất tầm thường, nhưng bên trong tâm hồn tôi là viên ngọc vô giá.

Các gíáo-sư nữ bèn nói:

– Viên ngọc giả cũng chiếu lắm chứ.

Ngà cười muốn nứt bụng.

Và cũng một lần, trường cô bạn đi cắm trại. Đang đi dạo trong rừng, ông ta bảo:

–Phải chi bây giờ có một con nai xuất hiện.

Những g.s. khác lại nói:

–Thịt nai nướng nhậu thì số dách.

Ngà bảo:

– Chao ơi, đầu óc mọi người thời đại này đa số không còn thơ mộng chi nửa, mi hỉ?

Có lần ông ta làm cô bạn sợ quá, vì đang dạy mà ông ấy nhờ bác tùy phái lên tận lầu trên, mời cô xuống cho ông ta nói chuyện. Thì ra ông đang uống trà. Vừa thấy mặt cô ông đã hỏi:

– Có bao giờ cô thấy những vì sao khóc không?

Cô bạn sợ quá, tưởng ông này "mad" nặng, liền bỏ trở về lớp. Ông ta bèn bưng tách trà đi theo và nói tiếp:

– Có bao giờ cô thấy những vì tinh tú khóc không?

Ngà kêu lên:

– Đây có thể là loại người huyễn mộng như Bùi-Giáng hay bao nhiêu nhà thơ khác, nhưng... còn phải xét lại!!

Huệ gật đầu đồng ý.

Có lần Ngà có vé mời đi xem hai màn cải lương của vở Đoạn-Tuyệt do đoàn Thanh-Minh Thanh-Nga diễn ở trường Quốc-gia-âm-nhạc, Ngà rủ Huệ đi cùng. Sáng chủ nhật Ngà đến Ký-nhi-viện Mẫu-Tâm ở Thị-nghè để đón Huệ, nơi nó ở trọ. Hai đứa đến trường Quốc-gia-Âm-nhạc vừa đúng giờ, nên thấy cô đào Thanh-Nga vừa mới đến. Vào trong, Ngà gặp vài đứa học trò của trường Trang-trí Mỹ-thuật, chúng cũng học đàn tranh ở đấy. Mới bước vào cửa phòng hát, Ngà đã thấy thích ngay, vì họ làm hàng rào danh dự đón quan khách, có cả trải thảm đỏ xem lịch sự và long trọng lắm. Vở kịch bắt đầu.

Cô Thanh Nga, bà Năm Sa-Đéc, bà Phùng-Há đều diễn rất sống động, nhất là màn cuối với khung cảnh toà án rất hào hứng và vui. Nhưng đến đoạn Thanh Nga hát những lời than thân thật xúc cảm khiến Ngà phải rơi nước mắt, vì giọng hát của Thanh Nga như có hơi điện dẫn lực, làm xúc động lòng người vô cùng, mà mình không thể diễn tả được. Nhất là lúc cô trong vai Loan đứng trước vành móng ngựa của toà án. Thấy bà Hai ngồi xem tòa xử án mình, Loan xúc động gọi:

– Má.

Phía dưới này tim khán giả cũng như ngừng đập theo, và Ngà tưởng tượng nếu sự thật mình gặp cảnh như vậy chắc cũng sẽ nghẹn ngào, chết mất thôi!!

Vãn hát, Huệ mời Ngà ăn cơm chay ở tiệm Vạn-Lộc. Tuy không phải ngày rằm ăn chay, nhưng Ngà cũng chìu nó, còn nó thì muốn Ngà biết tiệm ấy vì có các món ăn chay nấu y hệt món mặn, thời ấy loại thức ăn chay của Taiwan, Hongkong còn quá mới và hiếm quý.

Hai đứa gọi bánh canh cua và cơm thập cẩm, cùng đĩa bì cuốn. Ăn xong còn sớm, hai đứa lại qua tiệm Phương-Lan làm một chầu kem bốn mùi nhưng không ngon bằng tiệm Caravelle. Huệ muốn mua mỹ phẩm nhưng thương xá Tax còn đóng cửa trưa, làm hai đứa qua chợ Bến-Thành mua xấp lụa may áo dài. Ngà chỉ thích mặc áo lụa vì trời nắng mặc lụa rất mát. Lúc đến tiệm may áo dài, trời mưa nho nhỏ, hai đứa được mời trú mưa, ngồi nhìn ngoài trời thật đẹp. Bên cạnh quán café còn trống, Huệ muốn qua uống nhưng Ngà thấy quán nhiều dân húi cua, nên không dám vào. Nó bảo ở Phú-Yên quê nó, anh em nó hay dắt nhau đi uống café lắm.

Trên đường về nhà, Huệ kể về mối tình tuyệt vọng của nó. Ngà hứa viết tặng cho nó bài thơ, nên tối hôm ấy ngồi viết:

Em biết rằng rồi chúng mình cũng phải chia xa.
Nỗi buồn chảy xuống hàng mi,
và buổi trưa thức dậy, chợt dưng em bồi hồi muốn khóc.
Em ngồi im như pho tượng sứ trắng trong công viên,
lòng em tê tái
như cơn buồn từ vô biên tận
vẫn rót vào hồn, làm tim em tràn ứa...

Chả biết Huệ còn giữ lại bài thơ ấy không? mà chỉ biết rằng đọc xong mắt nó đỏ hoe, bảo tao sẽ cho anh ấy xem tài làm thơ của mầy.

Có một điều Ngà không hợp với Huệ là nó sống rất phóng túng nên có nhiều bạn trai, vì nó xa nhà phải ở trọ, nên có quá nhiều tự do hơn Ngà. Điều này Ngà vẫn biết nó rất bình đẳng và đứng đắn, nhưng cũng rất nghi ngờ tình yêu của nó. Tuy nhiên với Huệ, về mặt tư tưởng và văn chương nghệ thuật, hai đứa rất hợp nhau.

Rồi có một ngày Ngà chợt thấy Huệ quá bi đát: nó bắt đầu cuộc tình mới.

Ôi, đây có phải là điều làm Ngà khinh bỉ nó không? nó phản phúc với người yêu - nó phản phúc với cả quãng đời thơ mộng ngày trước. Thì ra nó hết yêu anh ấy, vì một vài tên lạ mặt trong số những đứa bạn trai nó đã chen vào. Bây giờ lý luận của anh bạn của Ngà có còn vững nữa không ở cái gương của Huệ? vì anh lớn tuổi nên khuyên bọn Ngà rằng "nên gõ nhiều cửa, để chọn người yêu (chồng) xứng đáng hơn" Ngày ấy Ngà chống đối lý luận của anh ấy vô cùng, vì Ngà cho rằng gõ cửa khác, để mua cái phản trắc và hủy hoại tình yêu chung thuỷ với nhau ư? Ngà cũng không ngờ rằng mình "thủ cựu" như vậy. Vì hãy xem đây nhá:

Rồi sau tháng tư đen ấy, bộ Giáo-dục phải giao lại cho các cán bộ ngoài Bắc vào, họ bắt cả bọn đi học chánh-trị tơi bời. Ngà có máu chống đối những điều dối trá tà mỵ, nên học hoài cũng vô ích. Còn Huệ thì học chính trị rất giỏi, nó có óc tính toán hơn thiệt nên chịu khó theo dõi bài vở và giơ tay lý luận nhiều cùng cán bộ giảng viên nữa chứ, làm cả bọn "kiềng" nó luôn. Rồi phải chọn học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ suốt mấy tháng dài, để sẽ bổ đi dạy khắp nơi. Học xong tất cả học viên đều hồi hộp chờ kết quả xem nhiệm sở mới của mình ra sao, thì Huệ đi lấy chồng rất sớm và được dạy ở trường Thánh Mẫu Gia-Định, sát gần nhà chồng nó. Ngà cũng không hiểu tại sao nó may mắn thế, dù đã đến thăm nó một lần cuối, nhưng ngại không hỏi vì Huệ đã thay đổi mất rồi, nó không còn thân mật và vui vẻ với Ngà như ngày nào nữa. Ra về, Ngà cứ ngờ rằng cái hôn nhân kia là thủ phạm làm bạn mình thay đổi, có phải vì lo cơm áo gạo tiền cho chồng con? Nhưng lý luận này xem ra không đúng, trông nó sống rất thong thả và sung túc hơn trước nhiều... Ngà cũng mừng cho bạn.

Riêng Ngà thì không cần ai đỡ đầu chi cả, mà cũng may mắn được bổ về dạy học một nơi chỉ xa nhà hơn hai mươi km và khá yên lành. Trong khi bao nhiêu bạn bè khác bị đi xa vô cùng, khó khăn quá phải bỏ việc, về Sài-Gòn bán khoai, bắp... Ngà thương cho bạn, mỗi lần nhắc đến chúng mà chạnh buồn, dù rằng mình cũng cực nhọc và chán nản, nhưng vẫn còn có nơi làm việc theo đúng nghề của mình, cũng là sung sướng hơn các bạn ấy nhiều.

Nhưng điều đau buồn nhất là xã hội này bỗng đổi thay, thì lòng người cũng thay đổi theo, nên từ đó Bích-Huệ mất hút luôn. Những ngày ấy nếu nhớ lại có lẽ ai cũng buồn đau, nhưng trong cái khổ nhọc vẫn còn có ánh sáng ở cuối đường hầm. Đó là niềm hy vọng ngày mai sẽ tươi sáng. Cũng như Ngà đã tìm thấy ở các bạn đồng nghiệp mới nơi quê mùa nghèo nàn, một tình bạn chân thành rất khó tìm ở buổi giao thời, vàng thau lẫn lộn này. Trong số các bạn ấy, dĩ nhiên không có Bích Huệ ngày nào vui buồn cùng nhau, vì nó đã thay đổi theo trào lưu xã hội mất rồi, chỉ biết toan tính lợi danh và đua chen…

Ngà buồn biết bao khi đã mất một người bạn cũ, mà kỷ niệm ngây thơ ngày nào vẫn còn đây.

.

Lê thị Thanh Tâm


Cái Đình - 2018