Topa


Anh Đực

.

Khi xảy ra biến cố trọng đại cho miền Nam Việt Nam, tôi đang là cô nữ sinh lớp mười một trường Trung học Gia Long. Tôi sẽ không bao giờ quên được cái biến cố xảy ra trong cái Tết của năm ấy. Cái Tết Mậu Thân 1968 kinh hoàng vì Việt Cộng nuốt lời hứa hưu chiến để gây cảnh chết chóc tang thương cho đồng bào toàn miền Nam Việt Nam.

Ngày mùng chín Tết Mậu Thân 1968 tôi đã gặp anh. Buổi chiều hôm đó tôi lái chiếc Honda Dame đến chợ Hai Mươi ở góc đường Cao Thắng và đường Phan Thanh Giản để mua vội ít thức ăn vì mấy ngày qua thức ăn dự trữ trong nhà cho ba ngày Tết đã cạn. Khi tôi vừa cho xe rẽ vô đường Bàn Cờ, tôi liền bị hai người thanh niên chở nhau trên chiếc Honda 67 giựt cái đồng hồ đang đeo ở tay. Tôi hốt hoảng quá nên bị té nhưng tôi cũng kịp la lớn để cầu cứu. Thật may cho tôi là khi ấy có một người thanh niên khoảng hai mươi hai hai mươi ba tuổi từ trong ngõ hẻm gần đó tình cờ đi ra và, khi thấy hai người thanh niên chuẩn bị phóng xe đi thì anh liền chỉ tay ngay mặt hai người như ra lệnh phải đứng lại. Nhưng, anh chưa nói một lời nào cả. Lạ lùng thay, hai người thanh niên giựt đồng hồ có dáng du côn liền ngoan ngoãn bước xuống xe và đỡ tôi đứng lên đồng thời trả lại tôi cái đồng hồ cùng nói những lời xin lỗi rối rít. Người thanh niên ân nhân đã cứu tôi kín đáo khoát tay như ra hiệu và hai người thanh niên cướp giựt liền lên xe và chạy thẳng. Người thanh niên đến bên tôi nói cho tôi yên tâm: “Tôi biết mặt chúng nó nên chúng nó sợ. Từ nay khi cô chạy xe cô nhớ quay cái mặt đồng hồ vô trong thì an toàn hơn”.

Tôi quen người thanh niên ân nhân từ hôm đó. Thỉnh thoảng đôi ba tuần anh đến nhà xin phép ba mẹ tôi mời tôi đi ăn hoặc đi nghe nhạc vì lúc đó tôi mới mười sáu tuổi. Tôi kính trọng anh cũng như anh rất tôn trọng tôi. Sau đó vì công việc làm ăn nên có khi đôi ba tháng anh mới đến nhà tôi, và, tôi lại được hưởng trọn vẹn một ngày vui không bao giờ quên được. Khi tôi đang theo học năm thứ tư Văn Khoa thì tôi quyết định chung sống với anh như vợ chồng khi anh vừa thoát ra khỏi trại giam ở Tây Ninh.

Anh tên là Nguyễn Văn Đực. Biệt danh Đực Ba Dao. Anh Đực rất nổi tiếng ở vùng Bàn Cờ, nhưng vì anh có dáng thư sinh và rất lịch sự nên tôi thấy anh chẳng có gì đáng sợ như tiếng tăm đồn đãi cả. Và, cũng bởi vì tánh giang hồ nghĩa hiệp cộng với sự khôn ngoan anh đã không cho phép mình nhúng tay vô những việc làm tầm thường của tội ác hoặc làm hại bất cứ người nào. Anh tâm sự với tôi khi tôi hỏi anh về… biệt danh Đực Ba Dao: “Trong giới giang hồ người ta gọi anh là Đực Ba Dao, cũng vì anh đã trải qua bốn lần đụng độ với nhóm giang hồ Cón Mã Tấu rất nổi tiếng lỳ lợm và hung dữ trong Chợ Lớn. Và, cả bốn lần anh chém những đàn em Cón Mã Tấu chỉ đúng ba dao rồi ngừng tay như là hành động cảnh cáo thôi, thay vì anh chém tiếp. Cón Mã Tấu đã xin gặp anh rồi kết bạn và kêu gọi anh hợp tác”.

Trước khi anh Đực gặp anh Cón Mã Tấu, anh chuyên về buôn lậu. Hợp tác với anh Cón Mã Tấu, anh Đực trở thành tay buôn lậu quốc tế. Anh Đực có quá nhiều tiền nên việc miễn nhập ngũ là chuyện đương nhiên. Người dân lao động vùng Bàn Cờ ai ai cũng thương mến anh vì anh luôn giúp đỡ họ nên không một ai muốn anh bị cảnh sát bắt. Trong số những gia đình lao động vùng Bàn Cờ có những người làm cảnh sát, và, họ đã nhờ anh mà được phục vụ ở các quận trong đô thành.

Lần sau cùng anh bị thua lớn tại Tây Ninh và bị giam chờ ngày ra tòa. Một người của đô thành đến gặp anh nói sẽ giúp anh nếu như anh nói cho ông ta biết hết những tên tuổi của nhóm người Tàu mà anh đang cộng tác. Anh không bao giờ phản bội những người đã sống chết cùng anh nên anh sẽ bị đưa ra tòa và bị đưa ra giam ở Côn Đảo. Nhưng, anh Cón Mã Tấu đã đến giải thoát anh ra khỏi nhà giam Tây Ninh làm cho các quan chức của Tỉnh phải lập tức ra lệnh truy nã toàn quốc với quyết tâm phải bắt anh Đực lại cho bằng được; dù chỉ còn là cái xác không hồn.

Được tin báo từ người thân tín của anh Cón Mã Tấu, tôi quyết định nghỉ học và chọn anh để cùng chung sống với anh. Tôi biết anh rất yêu tôi và tin tưởng tôi. Hơn nữa trong thời gian vừa vượt thoát khỏi ngục tù anh cũng cần có nơi để nương tựa tinh thần khi mà màn lưới an ninh đang bủa vây anh khắp nơi. Anh phải tạm lánh mặt một thời gian.

Tôi theo đi đón anh ở một địa điểm mà tôi cũng không biết nơi đó có tên gọi là gì. Khi về đến Saigon, anh Cón Mã Tấu đã đưa anh và tôi đến một căn nhà lớn và kín đáo trong vùng Chợ Lớn. Sân thượng căn nhà này có vườn cây và hồ tắm nhìn hết sức thơ mộng và hết sức đẹp. Anh nhìn quanh và mỉm cười. “Xem như em và anh đang đi nghỉ mát vậy. Từ hôm nay chúng ta sẽ không cần phải thận trọng nữa vì không một người nào có thể đến được đây để bắt anh”.

Anh Đực là người có tài và có sức thu hút đối với những người chung quanh. Chỉ trong một thời gian ngắn anh đã quen rất nhiều người lớn tuổi và có uy thế trong các Bang, Hội, của người Hoa. Tại những buổi họp mặt, theo yêu cầu của các chức sắc cao cấp trong các Bang, Hội, anh đã kể lại những chuyện ly kỳ trong những lần theo những chuyến buôn lậu táo bạo nhất. Anh biểu diễn cách mở các ổ khóa và khóa của cái còng tay chỉ trong tích tắc bằng cái kim băng. Anh cũng biểu diễn cách thu mình để chui qua khỏi song sắt chỉ vừa đủ cho cái đầu của anh.

Chúng tôi sống hạnh phúc bên nhau trong căn nhà sang trọng và thơ mộng đó được chín tháng mười tám ngày thì, ngày 30 tháng tư năm 1975 quân Việt Cộng tràn vô thành phố. Anh Đực và anh Cón Mã Tấu hiểu rằng, trước sau gì Việt Cộng cũng sẽ tìm đến đây nên cả hai anh bàn tính thâu đêm suốt sáng để tìm cách đối phó. Vài tuần sau anh Cón Mã Tấu đã thành lập được nhóm kháng chiến và nhận chỉ thị của một tổ chức cũng của người Hoa sinh sống tại Chợ Lớn do một người từng giữ chức vụ cao cấp trong chính phủ của Việt Nam Cộng Hòa. Nhóm người bí mật này đã cung cấp những đồ tiếp liệu dùng vô việc phá hoại… Vì là tổ chức kháng chiến mới thành lập nên anh Đực chưa có dịp gặp mặt nhóm người bí mật kia. Vài vụ ám sát sĩ quan Việt Cộng đã được thi hành. Việt Cộng thấy nguy nên liền chiếm một dãy kho hàng rất rộng lớn nằm liền nhau ở khu Bến Hàm Tử. Việt Cộng chiếm dãy kho hàng để ém khoảng ba trăm tên đặc công Việt Cộng vô trong đó chờ tung ra một đợt thanh toán lớn và toàn diện trong một đêm nào đó. Chiếm dãy kho hàng này, Việt Cộng yên tâm vì có chỗ sinh hoạt thuận tiện cho khoảng ba trăm con người mà vẫn giữ được bí mật. Nhưng, việc làm của Việt Cộng đã không qua khỏi những con mắt của tổ chức bí mật. Tin tức đã được thông báo đầy đủ cho anh Đực và anh Cón Mã Tấu biết từng chi tiết cũng như đã yêu cầu phải hành động gấp bằng cách dùng mìn để san thành bình địa dãy kho hàng đó. Thời điểm và kế hoạch hành động thì do chính hai anh thảo luận và sẽ thực hành vào một đêm không trăng. Những người được tuyển chọn được phân công “chăm lo” sáu vọng  gác bên ngoài dãy kho hàng. Vì lính Việt Cộng không được phép lộ diện nên mìn đã được những người kháng chiến bí mật chuyển đến những điểm đã định cách dễ dàng để sẵn sàng cho sử dụng. Thời gian dần trôi qua và, thời điểm hành động đã gần đến. Anh Đực và anh Cón Mã Tấu luôn lo lắng đến một câu mà người đời thường nói đến khi muốn làm một việc đại sự nào đó, nhưng bị thất bại: “Muôn sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Kế hoạch đã được cả hai tay giang hồ ngoại hạng của Saigon tính toán gần như hoàn hảo… lại xem ra như bị thất bại. Toán phá hoại đã cố gắng hết sức thế mà cũng không thể nào mở được những ổ khóa đặc biệt trên các cánh cửa bằng thép.

Kế hoạch được lùi lại hai ngày sau. Trong buổi họp quyết định mà tôi được anh

Đực cho tham dự. Trước mặt những chức sắc cao cấp của các Bang, Hội, anh Đực nói: “Thời gian qua tôi quan sát rất kỹ thì thấy lính Việt Cộng không phải là hiền và cũng không phải là vì lạ nước lạ cái gì cả, mà vì do bị tuyên truyền quá nặng. Bọn lính sợ bị hình phạt nên tuân lệnh cách tuyệt đối như những con thú và trở thành những tên khù khờ. Tôi sẽ mặc quân phục Việt Cộng. Tôi sẽ đeo súng ngắn và đeo lon sĩ quan. Tôi sẽ đến mở các khóa. Tôi hành động và sẵn sàng hy sinh vì đất nước và dân tộc”. Anh quay đầu nhìn qua anh Cón Mã Tấu ngồi bên cạnh tôi và tôi thấy anh nháy một con mắt cùng mỉm nụ cười. Anh nói tiếp: “Tôi chỉ yêu cầu quý vị cùng quý anh một điều. Nếu có chuyện gì xảy ra với tôi, quý vị và quý anh cũng đã hiểu rằng… Đực Ba Dao luôn vì mọi người. Tôi chỉ xin quý vị và quý anh hãy lo cho… nhà tôi đây”.  Anh chỉ tay qua tôi khi anh nói đến hai chữ nhà tôi làm cho tôi phải ôm mặt. Tôi đã khóc vì xúc động nhưng không dám khóc thành tiếng. Lần đầu tiên anh gọi tôi bằng tiếng thương yêu của người miền Nam mà tôi không bao giờ có thể nghĩ là nó lại được xuất phát từ miệng của một con người giang hồ không biết sợ là gì. Tôi linh cảm sự gần gũi giữa anh và tôi chỉ còn tính từng giờ. Nhưng, tôi rất hãnh diện chứ không hề sợ hãi.

***

“Sau khi anh Đực mở được các khóa thật nhanh và thật dễ dàng. Theo kế hoạch thì anh Đực có thể rời khỏi kho hàng một cách an toàn. Nhưng anh nói: “Tôi muốn tự tay đặt một trái mìn lần đầu tiên trong đời. Tôi đã hèn vì từ chối cầm súng giữ quê hương thì nay tôi muốn tự tay mình giết được thật nhiều Việt Cộng… như là một cách chuộc tội”. Khi anh đưa bàn tay lên cao, tốp đặt mìn liền rút lui và biến mất ngay trong màn đêm; chỉ có một người… chỉ có tôi là được ở lại để chờ đón anh vào giờ phút anh thi hành xong điều mà anh mong muốn. Từ khoảng cách thật xa và an toàn, tôi chứng kiến những tiếng nổ lớn làm rung chuyển nhà cửa và cháy rực sáng cả bầu trời vùng Chợ Lớn. Tôi quả quyết sẽ không còn một thứ gì trong dãy kho hàng, ngoài những đống gạch đá và xác người”.

Người kháng chiến đã kể lại vắn tắt với vẻ xúc động mạnh, vì tôi thấy người của anh đang rung lên. Anh Cón Mã Tấu từ từ đứng lên nhìn mọi người. Và, cuối cùng đôi con mắt của anh ngừng lại chỗ tôi. Anh nói: “Anh Đực Ba Dao nổi tiếng nhanh nhẹn khi mở các khóa nhưng anh lại quá chậm chạp khi đặt mìn. Chắc chắn vì anh chưa qua công việc này lần nào. Anh là người duy nhất đã không kịp rời khỏi dãy kho hàng để trở về với chúng ta. Chúng ta đã thật sự  vĩnh viễn mất…”. Anh Cón Mã Tấu xúc động không nói được hết lời và ôm mặt khóc thật lớn làm nhiều người cũng khóc theo. Anh Cón Mã Tấu đã làm cho tôi phải ngạc nhiên và kính phục. Một người giang hồ nổi tiếng có trái tim bằng đá, nổi tiếng giết người bằng mã tấu không chùn tay… trước khi gặp anh Đực, thế mà nay phải khóc như đứa bé vì sự hy sinh dũng cảm của một người bạn cùng chí hướng.

Cơn xúc động rồi cũng đi qua. Anh Cón Mã Tấu lau nước mắt rồi cúi người xuống để nắm chặt hai bàn tay của tôi. Anh nói thật lớn cho mọi người cùng nghe: “Chị có người chồng mà sau này tên tuổi sẽ được ghi vào lịch sử. Một cái chết thật oai hùng của một con người từng ngang dọc một thời trên đất mẹ Việt Nam thương yêu.

.

Topa (Hòa Lan)


Cái Đình - 2018