Lê Xuân Cảnh


Ấm ức, chịu không dịch được

.

Thằng cháu chúng tôi tên Nghé, lấy vợ người Mỹ.

Thằng cháu này ngon, ỷ mình có "chuông" tốt nên nhất-quyết "đem chuông đi đấm xứ người", một điều mà trong họ hàng chúng tôi không ai dám nghĩ tới, đừng nói là dám làm.

Riêng tôi, thành-thật mà nói, đối với phụ-nữ Mỹ, nhìn thì có nhìn, chứ lấy thì không dám.

Muốn suốt đời ăn Hamburger và đồ hộp cho hộc máu ra đấy à?

Với lại thật sự chuông của tôi cũng không được hoành-tráng lắm.

Ta về ta tắm ao ta,
Trong đục đều được, nhất là nhỏ hơn.

Hôm đám cưới cháu Nghé, lễ cưới làm buổi sáng tại một ngôi chùa Nhật và tiệc cưới đãi buổi tối tại một khách-sạn Mỹ.

Chúng tôi nhớ rất rõ tối hôm đó bị bối rối ngay tại bàn tiệc vì một câu hỏi của thằng cháu rể người Mỹ, người vừa cưới chị của Nghé trước đó một năm.

Câu hỏi, nghe có chút hài-hước, nguyên-văn như sau, "Ba má Nghé nói theo đúng phong-tục tập-quán của người Việt, chú rể phải mặc áo dài khăn đóng. Năm ngoái con mặc áo dài khăn đóng để đúng với phong-tục tập-quán của người Việt. Sao năm nay Nghé không mặc áo dài khăn đóng để đúng với phong-tục tập-quán của người Việt?"

Câu hỏi của nó làm chúng tôi nhớ lại hôm đám cưới của thằng cháu rể người Mỹ này, nó lụng tha lụng thụng trong chiếc áo dài lụa xanh dương có thêu hai chữ vàng Song Hỷ, đầu đội khăn đóng cũng màu xanh dương, bưng mâm quả đỏ đứng cùng cha mẹ của nó sắp hàng trước cửa nhà cháu gái tôi chờ xin giờ tốt để rước dâu, một điều mà cả dòng họ nhà nó từ thời lập-quốc đến nay chưa bao giờ phải làm khi lấy vợ. Nhà gái đã cho nó biết đây là phong-tục tập-quán của người Việt-nam, không có không được trong một đám cưới.

Thằng cháu rể Mỹ lần này để ý thấy những điều đòi hỏi "không có không được" này rõ ràng không có mà đám cưới của thằng cháu rể Việt của chúng tôi vẫn được. Từ đầu đến cuối Nghé không mặc áo dài khăn đóng. Cậu mặc Tuxedo thoải-mái.

Công-bằng mà nói, thằng cháu rể Mỹ của chúng tôi thắc-mắc rất đúng.

Rể là rể, tại sao rể Mỹ phải mặc áo dài khăn đóng cho đúng phong-tục tập-quán của người Việt-nam trong khi chính chú rể Việt thì lại không mặc áo dài khăn đóng, mà mặc Tuxedo.

Tôi cố ngụy-biện để trả lời nó, đại-khái đây là chuyện nhập-gia tùy-tục, "When in Rome, do what Romans do."

Trước ở VN thì mặc áo dài khăn đóng, nay ở Mỹ thì mặc Tuxedo, thích-ứng vậy thôi, không có gì phải làm ầm-ĩ.

Chẳng lẽ lại trả lời nó là một số gia-đình người Việt chúng tôi rất thích ăn hiếp Mỹ con, để trả lễ mấy anh Mỹ cha trước đây đã cuốn gói về nước, bỏ chúng tôi năm 1975 phải ở lại học-tập cải-tạo cái con khỉ mốc gì không biết mà tốt-nghiệp xong ai cũng có cái hobby mới là thích đi du-lịch, thích cruise, từ Hán Việt gọi là vượt-biên.

Không có chuyện vượt-biên thì không có chuyện Nghé lấy vợ Mỹ.

Xin trở lại chuyện chồng Việt vợ Mỹ có con hai dòng máu.

Hai vợ chồng lấy nhau xong, vẫn đi làm, sau khi sinh một thằng chó con tên là Taylor xong phải nhờ một người bà con mới từ Vietnam sang Mỹ định-cư làm babysitter săn sóc cho cháu bé.

Vì lý-do sinh-tồn, Taylor phải nói tiếng Việt với bà babysitter.

Vì lý-do sinh-tồn, Taylor phải nói tiếng Mỹ với mẹ của nó.

Còn với cha của nó, Taylor thoải-mái thực-tập cả hai thứ tiếng, nói tiếng Việt hay Mỹ gì cha của nó cũng hiểu. Trừ khi nào Taylor muốn thay tã thì nói tiếng gì cha của nó cũng không hiểu. Không chịu hiểu. Sign language cũng không ăn thua. Body language thì may ra. Smell language là nhất.

Mẹ của Taylor rất chìu con, Taylor muốn gì cũng được, chỉ trừ việc lái xe thì cấm vì Taylor mới hai tuổi, chân không đạp được đến thắng.

Nghé thì nghiêm-khắc với con hơn, sợ chìu nó quá nó hư, không giống mình. Phải nói là Nghé rất ngoan, tôi nhớ lần đầu tiên vừa đến Mỹ gặp cháu lúc cháu 11 tuổi, tôi đưa tay ra bắt tay cháu theo kiểu Mỹ thì cháu cúi đầu chào tôi theo kiểu Việt, xong để đầu đó cho tôi xoa, dễ thương chi lạ. Bây giờ Nghé có cúi đầu xuống thì tôi cũng không sao xoa tới được. Nghé nay đã thành trâu, cao lênh-khênh, đến nhà ai thấy có cái quạt trần đang chạy thì cháu tìm cách bỏ về ngay, lấy cớ là nhớ nhà.

Nghé khó với con, cho nên không nói ai cũng biết Taylor thích cha hay mẹ rồi.

Một hôm, chúng tôi ghé thăm vợ chồng thằng cháu lớn để được bồng thằng cháu bé.

Vợ tôi hì-hục bồng cháu Taylor lên, lúc đó đã được hai tuổi. Đầu hai bàn chân của cháu có dính những hạt đậu phộng mủm mỉm trắng hồng trông thật dễ thương. Tôi đếm được đúng tám hột, còn hai ngón kia là hai ngón cẳng cái, tất cả đều của cháu.

Vợ tôi hỏi cháu, "Taylor có thích mẹ không?"

Thằng chó nhoẻn miệng cười, vui vẻ gục gặc đầu, "Dạ CÓ."

WOW!

Tiếng DẠ thoát ra từ cửa miệng của một thằng bé hai tuổi làm chúng tôi vừa ngạc nhiên vừa sung sướng.

Sự lễ-phép thật đặc-biệt này cho chúng ta thấy thằng chó con này có cái gene lễ-phép giống cha nó.

Sự lễ-phép thật đặc-biệt này cũng cho chúng ta thấy được hình-ảnh thật đáng quí của một bà babysitter điển-hình của một gia-đình lễ-giáo Việtnam, đã chịu khó dạy dỗ Taylor từ lời ăn tiếng nói, lúc nào cũng phải có thưa dạ thật lễ phép, trên dưới đâu đó đàng hoàng.  

Nghe thằng bé hai tuổi trả lời người lớn với chữ DẠ khiến chúng tôi thương cháu quá, và quí bà babysitter người Việt kia vô cùng.

Tôi muốn thử thêm, hỏi cháu, "Taylor có thích bố không?"

Thằng chó con ngần ngừ, xong vừa cười vừa lắc đầu, "Dạ NO."

Tiếng Anh của tôi đâu có tồi. Đã từng cãi lộn với supervisor, và thắng lớn. Nó chịu thua vì không hiểu tôi nói cái gì.

Vậy mà chỉ vì hai chữ "Dạ NO." quá dễ thương này mà tôi chịu không cách nào dịch được câu chuyện vui trên đây ra tiếng Anh.

Nó khá lủng-củng cho chúng ta vì rõ ràng Taylor xử-dụng bi-lingual nhuyễn nhừ quá, dịch không được. Nó kết-hợp giáo-dục và bản-năng, trước hết dùng chữ DẠ của người Việt vì tính lễ-phép học được từ bà babysitter người Việt, sau đó dùng ngôn-ngữ mẹ đẻ của mình là tiếng Mỹ, qua chữ NO.  

Cháu bé không thích ba nó, nhưng vẫn lễ-phép trả lời "Dạ NO", chứ không phải trả lời cộc lốc một chữ "NO".

Rõ ràng sự kết-hợp tuyệt-vời giữa giáo-dục và bản-năng đã khiến Taylor, một cháu bé lai Việt Mỹ dùng song-ngữ quá tự-nhiên. Và quá dễ thương.

Làm sao chúng ta dịch được chữ DẠ để nói lên sự lễ-phép của cháu ở đây.

Chẳng lẽ dịch "Dạ NO" ra tiếng Mỹ thành "Yes NO" thì kỳ quá.

"Yes NO" là cái quái gì?

Mà nếu chỉ dịch ra tiếng Mỹ là NO không thôi, không có chữ YES đi trước thì làm sao người đọc thấy được sự lễ-phép của một cháu bé có hai giòng máu Việt Mỹ mới có hai tuổi.

Cái ấm-ức của tôi ở đây là không dịch được câu chuyện vui nhỏ trên ra tiếng Anh để phổ-biến thật rộng rãi trên toàn thế-giới một đức-tính lớn của người Việt-nam chúng ta:

"Thương hay không thương, thích hay không thích, chúng ta vẫn lễ-phép, dịu dàng, nhẫn-nhịn với người lớn tuổi hơn mình."

Cái điểm son văn-hoá Đông-phương này liệu còn giữ được nơi xứ người cho đến bao giờ?

.

Lê Xuân Cảnh


Cái Đình - 2019