Nguyễn Hữu Thời


Văn người, vợ mình

.

Một hôm, tôi đọc thấy trên facebook lời phát biểu lạ lùng của một nhà thơ: “Tôi ít khi đọc thơ của những nhà thơ (khác) mà chỉ đọc thơ của mình, vì e rằng đọc nhiều thơ của người khác sẽ bị ‘nhập tâm’ khiến cho những câu thơ của mình làm ra có thể bị ảnh hưởng mà trở thành na ná như thơ người khác, rồi sẽ bị mang tiếng là đạo thơ". Đại khái nhà thơ đó (tôi không nhớ tên) viết như thế.

Ý nghĩ thật lạ; tôi mới đọc thấy lần đầu.

Nỗi lo sợ bị mang tiếng đạo thơ khi chính mình không hề đạo thơ của ai cả là một nỗi lo sợ lạ lùng.

Việc các nhà thơ ít đọc thơ của nhau dường như là sự thật (?). Mới đây, một nhà thơ, dịch giả cao tuổi có nhắc lại điều này trên timeline của ông, nhân dịp ông được tặng một tập thơ mới xuất bản.

Điều này không có gì lạ, vì người ta vẫn nói “Văn mình, vợ người". Nghĩa là về văn hay thơ thì của mình là... nhất, còn về cái "hay đẹp" của vợ, thì vợ mình chắc chắn không bằng vợ... người khác (!)

Ở nhà, mình chỉ đọc thơ của mình thôi, chẳng cần ngó ngàng gì hay muốn thưởng thức gì ở một bài thơ độc đáo duy nhất, đó chính là bà xã của mình. Ra đường, thì mình lại thích ngó bà xã của thiên hạ!

Tôi không phải là nhà văn nhà thơ mà chỉ có lúc làm công việc dịch văn hay thơ của người khác. Lâu lâu tôi mới viết được một tùy bút hay làm được một bài thơ không đáng kể. Đối với tôi văn thơ thì của người khác mới hay, vì có hay thì tôi mới dịch, còn dở thì không tài nào dịch cho nổi.

Còn vợ thì tôi lại thấy "cơm nhà, quà vợ" là nhất.

Nghĩa là đối với tôi VĂN NGƯỜI, VỢ MÌNH.

Vì là người dịch nên tôi đọc nhiều thơ của người khác. Tôi thấy việc này cũng mang lại niềm vui, của sự đồng cảm, ngoài niềm vui thưởng thức văn học, dĩ nhiên. Trong những năm qua, không biết tại sao tôi chỉ tìm lại được những bồi hồi khi đọc thơ lính, những người cùng cảnh ngộ như tôi, đã cùng khoác một màu áo giống tôi.

Cuộc mưu sinh mệt mỏi với những lo toan cơm áo đã làm trái tim và tâm hồn teo tóp lại? Sức lực cạn dần theo thời gian. Xúc cảm cũng trở nên nghèo nàn, bó hẹp trong phạm vi những cảnh đời gần gủi, quen thuộc với mình, chỉ với những con người cùng một tâm thức như mình?

Đó là lý do tôi ít đọc thơ tình, nếu có thì cũng chỉ là thơ tình của lính.

Trong lúc lên mạng, tìm kiếm thơ cho sưu tập THƠ NHỮNG NGƯỜI THUA CUỘC, dù đường truyền internet ở đây chập chờn, tôi cũng đọc được cả ngàn bài thơ của những tác giả nổi tiếng hoặc chưa thành danh, đã quen, chưa quen... Tôi đã đọc được nhiều bài thơ hay; đó là niềm vui, không chỉ của một độc giả bình thường, mà của một người sưu tập, cho công trình của mình.

Mỗi lần tìm được một bài thơ hay, tôi lại mở Word ra, gõ lại, rồi đọc đi đọc lại trước khi bắt tay dịch thuật. Tôi biết mình cần làm việc, và làm việc, cần mẫn như một con ong.

Đây là một trong số các bài thơ hay mà tôi tìm được.

Bài thơ 7 chữ ngắn, chỉ có 4 khổ, mỗi khổ 4 câu, tựa là BẠT NGÀN GIÓ THỔI của một người tên là Nguyễn Đông Giang, mà đối với tôi, là một cái tên lạ.

Chưa qua sông, lòng buồn vô hạn
Cạn chén ly bôi, biệt quan hà
Anh hôn nhúm đất nghèo, lần cuối
Ngậm ngùi, đời... tít tắp mù xa
..................................................................

Thể thơ thất ngôn, có vần điệu, ngôn ngữ thơ cũ, giản dị, cái kiểu giản dị của lính: nghĩ sao nói vậy, có sao kể vậy, không ngụy trang dưới những mỹ ngữ thời thượng kiểu thơ tượng trưng hay siêu thực.

Vậy mà, mới đọc câu đầu đã nghe xúc động;vì đó là những tình cảm có thật, không ngụy tạo, được viết ra một cách mộc mạc.

Câu thơ nào cũng có dấu phảy, ngắt quãng sau vài ba từ, một sự ngập ngừng, vì tình cảnh đó đã khiến đôi nam nữ trong cuộc phân vân.

Một cuộc chia ly: người đi - kẻ ở. Còn gì buồn hơn? Một con sông, chỉ cần một người bước qua bờ bên kia là kể như... "biệt quan hà", không biết có còn trở lại hay không? (Tôi cũng có làm một bài thơ trong cảnh huống tương tự, mà chắc không hay bằng bài thơ này).

Lời bài thơ này đơn giản, nhưng ý thơ không phải là không sâu sắc; đọc câu cuối khổ thơ đầu:

Ngậm ngùi, đời... tít tắp mù xa

Ai mà không ngậm ngùi trong giây phút đó? "Đời" ở đây không phải là cuộc đời theo nghĩa chung, mà chính là sự sống - hay cái chết - đang chờ đợi ngoài khơi kia. Sự sống đó, không ở trong tầm tay con người, mà trong ân sủng của Thượng Đế, Trời Phật... Đi tìm sự sống, mà sự sống đó sao tít tắp, mù mịt! Vậy mà vẫn phải ra đi, vì không thể ở lại:

Bạt ngàn gió thổi, nghìn phương gọi
Em đừng buồn nữa, để anh đi

Người ta có thể nói lời gì khác trong giây phút từ biệt? Lời thơ rất thật ! Đọc xong bài thơ, tôi đã lặng đi ít phút.

Rồi tôi tự hỏi: Nguyễn Đông Giang là ai mà làm thơ hay quá?

Rồi tôi tìm hiểu và biết tác giả là một niên trưởng xuất thân Võ Bị. Và tôi đã bắt tay dịch bài thơ này, với những dòng đầu bằng tiếng Anh như sau:

ENDLESS RISING WIND

Before crossing the river, I am very sad
Draining off the parting cup, good-bye to the country
I kiss the ground of our poor land, the last time
Being grieved, life is... as far as the eye can see
..................................................................

Tôi cũng đã ghi tiểu sử vắn tắt ngay bên dưới tên của tác giả, như sau:

NGUYỄN ĐÔNG GIANG

sinh năm 1943 tại An Hải, Đà Nẵng, cựu sĩ quan QLVNCH, khóa 19 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam; hiện sống tại Hoa Kỳ.

Đối với các tác giả khác góp mặt trong tập thơ, tôi cũng sẽ ghi tiểu sử vắn tắt như vậy. Tôi nghĩ thế là đủ và rất chính danh.

Tôi sẽ cố liên lạc bằng messenger, email, nhờ các tác giả có quen biết tôi chuyển lời đến các tác giả tôi chưa được quen như anh Nguyễn Đông Giang, để xin phép và cảm ơn, nếu tôi liên lạc được (như đã làm gần đây với một vài tác giả ở Mỹ, Canada, Vietnam). Nếu như tôi không làm được việc này, tôi rất mong sự thứ lỗi từ các tác giả... vì xa xôi cách trở, và những khó khăn khác.

Tôi nghĩ sưu tập thơ này, nếu được xuất bản, không chỉ là niềm vui của các tác giả, mà nó còn có thể tác động tích cực vào suy nghĩ chung của các độc giả Vietnam, nhất là độc giả nước ngoài, về cảnh ngộ của những người thua cuộc.

Đó là một tập thơ nhiều cảm xúc.

Nguyễn Hữu Thời - 23/8/2018

_____________

Chú thích của BBT:

THƠ NHỮNG NGƯỜI THUA CUỘC – POEMS OF THE LOSERS

Tuyển tập thơ song ngữ (Việt - Anh)

Nhiều tác giả, do Nguyễn Hữu Thời sưu tập, tuyển chọn và dịch sang Anh ngữ

Tập thơ sẽ do NXB Sống ở Nam Cali xuất bản (đầu năm 2019).

Nguyễn Hữu Thời năm 2017 đã thực hiện tuyển tập thơ song ngữ Việt-Anh: Thơ Lính Chiến Miền Nam - ARVN Soldiers' Poetry. Xem giới thiệu tại đây.


Cái Đình - 2018