Cao Xuân Tứ


Vài nét về dòng tâm tình trong Đường Thi

Cao Xuân Tứ
(Thân tặng anh Trần Văn Tích)

Đề tài bài này tôi dùng “tâm tình” thay vì “trữ tình”, bởi vì tôi muốn nói đến nhánh thi ca mà Viên Mai, nhà thơ đời Thanh, gọi là thơ “thương hoa tiếc nguyệt” nặng về tình huống lứa đôi, trong khi “trữ tình” ngoài tình yêu trai gái còn bao hàm nhiều thứ tình khác: niềm hoài cổ, nỗi nhớ nhà, nhớ nước, nỗi buồn kiếp nhân sinh có cớ và… vô cớ, vân vân. Dòng thơ tâm tình Trung quốc khơi nguồn từ thuở chớm khai của nền văn minh Hán tộc, Bộ Kinh Thi do Khổng Tử (551-479 trước Công Nguyên) san định gồm nhiều khúc ca dao và lễ nhạc cung đình góp nhặt qua các triều đại Thương (1166-1122 trước C.N.), Chu (1122-256 trước C.N.), trong đó không thiếu những câu nồng nàn, tình tứ. Ta thử đọc bốn câu sau đây xuất xứ từ nước Trịnh, một chư hầu đời Chu:

Thanh thanh tử khâm
Du du ngã tâm
Túng ngã bất vãng
Tử ninh bất tự âm

Bài ca, do một tác giả khuyết danh nào đó sáng tác khoảng ba nghìn năm trước đây, nói lên nỗi nhớ nhung của người con gái với người tình lúc xa cách. Bài này Tạ Quang Phát đã dịch ra Việt ngữ trong bộ Thi Kinh Tập Truyện, mà tôi mạo muội thêm bớt mấy chữ:

Áo anh bâu áo xanh lơ
Nhớ anh lòng cứ ngẩn ngơ xa gần
Dù rằng em chẳng đến thăm
Sao anh không gửi đôi dòng tới em?

Bốn câu này diễn theo thể lục bát khiến ta liên tưởng đến một khúc ca dao trong văn chương bình dân Việt Nam. Trong Kinh Thi ta thấy nhan nhản các điệu khúc với từ ngữ thật dung dị, cô đọng, nói về tình cảm lứa đôi, những chia xa ngậm ngùi. Vì dụ hai câu:

…Tương nhật bất kiến
Như tam nguyệt hề

(Một ngày chẳng thấy mặt nhau
Dài dằng dẵng như ba tháng)

Chính từ hai câu này thi hào Nguyễn Du mượn ý để diễn tả trạng huống Thúy Kiều tường nhớ Kim Trọng với ngôn ngữ và hình ảnh tuyệt vời vượt hẳn nguyên tắc:

Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu cộng lại một ngày dài ghê

Chất tình trong thơ Trung quốc tiếp tục được vun xới, nẩy nở qua các triều đại kế tiếp, nhưng phải đợi cho đến đời Đường (618-907), dòng thơ tâm tình mới đạt tới điểm cao, với sự trưởng thành của thơ cách luật ngũ ngôn, thất ngôn, mà lối sử dụng ngôn ngữ và âm thanh đã đạt tới mức điêu luyện. Các bực thi bá như Lý Bạch (tiên thi), Đỗ Phủ (thánh thi) thời Thịnh Đường, Bạch Cư Dị thời Trung Đường… dù cho khuynh hướng, phong cách sáng tác mỗi người một khác, nhưng thảy đều lưu lại cho hậu thế những dòng thơ tình rất đạt. Ngay cả một người đi trước như Trương Cửu Linh (673-740), nhà thơ kiêm nhân vật chính trị làm quan đến chức Tể tướng, ngày ngày bận bịu với việc giúp vua trị nước, công việc dù khô khan, vẫn có thể viết nên những dòng thơ lãng mạn, kể lể nỗi nhớ nhung lúc xa cách bạn tri âm:

…Diệt chúc liên quang mãn
Phi y giác lộ ti
Bất kham doanh thủ tặng
Hoàn tẩm mộng giai kỳ

Tôi xin tạm dịch:

…Dụi đèn bóng nguyệt mênh mang
Sương sa thấm ướt áo quàng trên vai
Trăng kia khó lấy trao ai
Ngủ đi vỗ mộng gặp người trong mơ

Xuôi dòng thơ tâm tình một thế hệ sau, đến lượt Lý Bạch (701-762) người đã viết cả vạn bài thơ, ông tiên bị đày xuống cõi thế, coi trời bằng vung, có thời được vua Minh Hoàng trọng vọng ngất ngưởng ở chốn cung đình, lúc thì bị đày ra nơi biên ải, cũng không thoát khỏi vòng tục lụy của nỗi nhớ nhau thấm thía giữa “thiếp” với “chàng”. Tôi xin đơn cử bài Xuân Tứ tuyệt tác:

Yên thảo như bích ti
Tần tang đê lục chi
Đương quân hoài quy nhật
Thị thiếp đoạn trường thì
Xuân phong bất tương thức
Hà sự nhập la vi

Bài thơ thoạt nghe có vẻ phảng phất điệu quốc phong trong Kinh Thi, nhưng đọc kỹ ta thấy qua ngọn bút Lý Thái Bạch với những nét chấm phá chứa chan tình ý, hội nhập với âm điệu tuyệt vời, ông thơ tiên đã đưa thơ ngũ ngôn Đường luật đến tuyệt đỉnh.

Tôi xin phỏng dịch:

Cỏ Yên xanh phớt tơ trời
Dâu Tần um lá đã ngời sắc dương
Lúc chàng vọng nhớ cố hương
Là khi ruột thiếp đứt từng khúc đau
Gió xuân chẳng ghẹo gì nhau
Cớ chi để lọt vào sau tấm màn

Thơ Lý Bạch chất ngất hương tình như thế, còn thơ Đỗ Phủ (712-770) thì sao? Qua sự nghiệp thi ca còn được ngót 1400 bài để lại, vị thánh thi được ghi nhận đã đóng góp nhiều nét hiện thực cho nền thi ca Trung quốc, cũng không thiếu những bài chan chứa yêu thương. Không như họ Lý tiêm nhiễm chất Lão Trang, tiêu dao ngày tháng với trăng, gió, rượu và hàng tá người đẹp, nhân sinh quan Đỗ Phủ chịu ảnh hưởng đậm đà của Nho giáo. Ông giữ lối sống chừng mực, thơ ông thường là những dòng ký sự viết theo nhiều thể, với bút pháp gân guốc, hùng tráng, ghi lại cảm xúc, suy tư của ông đối với các biến chuyển thời cuộc. Suốt cuộc đời cùng khổ, Đỗ Phủ phải nhiều phen lang bạt đó đây, sống lìa xa chốn bếp nồng, mái ấm gia đình. Nhờ vậy mà ông đã sáng tác một số thơ lai láng chất “tình” như ta thấy qua bài Nguyệt Dạ khi ông bị giam ở Trường An sau cuộc phản loạn của An Lộc Sơn, nói lên nỗi niềm nhớ nhà, nhớ… vợ đang chạy loạn mãi tận xứ Thiểm Tây ngàn dặm cách trở:

…Hương vụ, vân hoàn thấp,
Thanh huy, ngọc tý hàn
Hà thời ỷ hư hoảng
Song chiếu lệ ngân can?

Tản Đà đã dịch thơ:

…Sương sa thơm ướt mái đầu
Cánh tay ngọc trắng lạnh màu sáng trong
Bao giờ tựa bức màn không
Gương soi chung bóng lệ ròng sương khô

Trong văn học sử Trung quốc, Bạch Cư Dị (772-864) đời Trung Đường được xem là người có công đưa ngôn ngữ của đời sống hằng ngày vào trong thi ca. Lối thơ tân nhạc phủ nhiều nét dân gian, lời lẽ bình dị, do ông chủ xướng cùng với Nguyên Chẩn (779-831), được xem là một bước đầu đáng kể cho nền thơ mới ở Trung quốc. Đối với văn học Việt Nam, Bạch Lạc Thiên đã đi vào lòng người yêu thơ với hai bài trường thiên chứa chan tình cảm Tỳ Bà Hành Trường Hận Ca. Tỳ Bà Hành được viết theo lối thất ngôn cổ thể, tả tâm sự ông quan bị giáng chức trấn nhậm nơi xa, và người kỹ nữ về chiều, gặp nhau trên bến Tầm Dương, với bối cảnh là con thuyền, trăng, nước, lồng vào tiếng tỳ bà nỉ non trong đêm thu thanh vắng. Mấy ai trong chúng ta lại không thuộc bốn câu mở đầu Tỳ Bà Hành:

Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu
Người xuống ngựa, khách dừng chèo
Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ty…

Nguyên tác:

Tầm Dương giang đầu dạ tống khách
Phong diệp dịch hoa thu sắc sắc
Chủ nhân hạ mã, khách tại thuyền
Cử tửu dục ẩm, vô quản huyền

Tỳ Bà Hành được một số tác giả diễn sang quốc âm. Ngoài bản dịch theo thể lục bát của Trần Trọng Kim trong cuốn Đường Thi xuất bản năm 1950, trước đây còn có các bản diễn Nôm khác của Phạm Nguyễn Du (1739-1786), Phan Văn Ái (1850- ?). Nhưng bản được lưu hành rộng rãi và yêu chuộng hơn cả là bản dịch theo thể song thất lục bát mở đầu bằng bốn câu dẫn ở trên, mà từ trước đến nay vẫn cho là do Phan Huy Vịnh (1801-1873) sáng tác. Tuy nhiên, một số tài liệu “gốc” được tham khảo gần đây như gia phả của dòng Phan Huy, cho thấy chính Phan Huy Thực (1779-1846), thân phụ của Phan Huy Vịnh, mới đích thực là dịch giả bản này. Phân tích bản dịch Tỳ Bà Hành của Phan Huy Thực về nội dung lẫn ngôn ngữ, với nhãn quan của người yêu thơ song song với cảm quan bén nhạy của một nhà khoa học, học giả Trần Văn Tích đã gọi bản dịch này là một kiệt tác dịch thơ Hán ra thơ Việt… vận dụng được tiếng mẹ ru đến độ lột nguyên vẹn được cái thần, cái tứ… thì hầu như trước đó không có ai sánh được, kể cả Đoàn Thị Điểm và những người diễn Chinh Phụ Ngâm khác như Phan Huy Ích…

Con nước mênh mang, trời trăng huyền ảo, ngón đàn não nuột trong Tỳ Bà Hành đã ăn rễ vào thi ca Việt Nam hiện đại, mang mang chút hận, chút buồn, chút thương, chút nhớ, nghe càng thấm thía qua âm giai độc đáo của tiếng mẹ ru, mượn lời anh Trần Văn Tích. Ta hãy đọc mấy dòng thơ Xuân Diệu thời tiền chiến trong bài Nguyệt Cầm:

Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh
Trăng thương trăng nhớ, hỡi trăng ngần
Đàn buồn đàn lặng ôi đàn chậm
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân…

Chính Xuân Diệu trong bài tiểu luận về bản Tỳ Bà Hành của Phan Huy Thực, đã thú nhận nhớ thuộc lòng bốn câu đầu tiên Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách… khiến ông cảm tác dòng thơ:

Long lanh tiếng sỏi vang vang hận
Trăng nhờ Tầm Dương nhạc nhớ người…

Nếu Tỳ Bà Hành  đã hội nhập vào văn chương Việt Nam nhờ thi tài của Phan Huy Thực, thì một thế kỷ sau Tản Đà Nguyễn Khắc Hiều (1888-1939) lại đưa Bạch Cư Dị và thể trường ca lên một điểm mới qua bản dịch Trường Hận Ca không kém đặc sắc. Ta hãy đọc bốn câu dẫn nhập của Bạch Cư Dị:

Hán Hoàng trọng sắc tư khuynh quốc
Ngư vũ đa niên cầu bất đắc,
Dương gia hữu nữ sơ trưởng thành
Dưỡng tại thâm khuê nhân vị thức

Bạch Lạc Thiên nhập đề thẳng tuột, không cần đi vòng vèo lôi thôi, cũng chẳng đưa ra chút triết lý vụn nào: ở chốn cung đình ông vua hiếu sắc ra công kén người đẹp nghiêng nước nghiêng thành về làm phi tần, thì ở nơi dân gian đang có nàng khuê nữ mới lớn khóa kín trong buồng the chưa ai mò tới, chờ được kén vào cung. Tản Đà dịch thơ:

Đức vua Hán mến người khuynh quốc
Trải bao năm tìm chuốc công tai
Nhà Dương có gái mới choai
Buồng xuân khóa kín chưa ai bạn cùng

Phần dịch giữ đủ ý của nguyên bản từng câu một, nhưng về mặt nghệ thuật Tản Đà đã đi xa một bước, khi ông tận dụng ngôn ngữ độc đáo Việt Nam một cách thần tình để giới thiệu hai nhân vật chủ chốt, với những nét ấn tượng thật ngoạn mục. Một bên là “đức vua Hán”, thật trang trọng, tôn nghiêm, để chỉ Đường Huyền Tông; một bên là “gái mới choai”, rất bình dị, lại hơi chớt nhả, để chỉ gia thế bình thường của Dương Quý Phi lúc chưa được tuyển vào cung. Cái ngông, cái hay của ngọn bút Tản Đà, nhà thơ Việt Nam, cộng với vốn tiếng Hán học của kẻ từng vác lều chõng đi thi Hương, đã đưa nghệ thuật chuyển dịch thơ Hán tự ra quốc ngữ qua Trường Hận Ca đến một đỉnh cao mới.

Trường Hận Ca kể lại quãng thời gian từ lúc Minh Hoàng gặp Dương Quý Phi, mối tình nồng nàn giữa đấng vương giả với trang quốc sắc, cho tới hồi phải bôn tẩu khỏi Tràng An sau cuộc nổi loạn của An Lộc Sơn. Lúc Minh Hoàng trở về chốn đế kinh thì ngôi báu đã nhường cho con là Túc Tông, người tình họ Dương đã bị ba quân bức tử ở Mã Ngôi. Lủi thủi một mình trong cung lạnh, ông vua về già càng thấm thía cái mất mát đau lòng đó, nhớ lại thuở mặn nồng với nàng Dương thời vàng son. Không dằn được nỗi nhớ tiếc, Minh Hoàng bèn vời đạo sĩ sai làm sứ giả đi khắp nơi, từ cõi mây xanh tới chốn suối vàng, cũng không thấy nàng Dương ở đâu. Phải tìm mãi đến núi tiên ở tận ngoài bể khơi mới gặp người đẹp cũ nay đã thành tiên nữ Ngọc Chân. Nàng tiên nữ giờ đang phiêu diêu nơi cõi Bồng Lai cũng không quên mối ân tình với vị quân vương còn đang lưu đày nơi cõi thế. Nhưng cõi tiên và cõi trần muôn vàn cách trở, nàng chỉ còn cách bẻ cành thoa, chia mảnh khảm trao về làm kỷ vật, cùng lời nhắn nhủ người tình chung:

Tại thiên nguyện tác ty dực điểu
Tại địa nguyện vi liên lý chi…

Mà Tản Đà chuyển dịch với rất nhiều chất thơ, rất… Việt Nam:

Xin kết nguyện chim trời liền cánh
Xin làm cây cành nhánh liền nhau…

Từ Bạch Lạc Thiên trở đi, dòng thơ tâm tình tiếp tục được khai phá cho đến thời Vãn Đường. Thơ tình thời này nổi bật với nhiều lời hay tứ lạ, mạch thơ trau chuốt, bóng bẩy qua những cống hiến của Lý Hạ (789-816). Đỗ Thu Nương (? - ?), Đỗ Mục (803-853), Ôn Đình Quán (813?-870?), và nhất là Lý Thương Ẩn (813-858), nhà thơ tình nổi tiếng đời Vãn Đường. Lúc này nhà Đường sắp đến hồi tan cuộc, triều đình thì bị bọn hoạn quan thao túng, ở ngoài xã hội thì dân chúng cùng khổ vì nạn quan lại bóc lột. Phải chăng đây là lý do khiến các nhà thơ tìm lối thoát bằng nếp sống phóng khoáng, vượt lễ giáo đạo Nho, quên đời trong chén rượu, trong tiếng đàn ca, vui đùa với vòng eo gái Sở ở chốn bình khang như Đỗ Mục trong bài Khiến Hoài:

Lạc phách giang hồ tái tửu hành
Sở yên tiêm tế chuông trung khinh
Thập niên nhất giác Dương Châu mộng
Doanh đặc thanh lâu bạc hãnh danh

Tôi xin tạm dịch:

Giang hồ một nải rượu ngon
Nhẹ tay gái Sở eo tròn lưng ong
Dương Châu tỉnh mộng mười năm
Lầu xanh mang tiếng phụ lòng cũng cam!

Bài Tặng Biệt của Đỗ Mục tả nỗi vui qua đêm với người đẹp, nhưng lúc biệt ly không khỏi đau xót, ngậm ngùi:

Đa tình khước thị tống vô tình
Duy giác tôn tiền tiếu bất thành
Lạp chúc hữu tâm hoàn tích biệt
Thế nhân thùy lệ đáo thiên minh

Xin tạm dịch:

Đa tình rõ khéo vô tình
Vui gì vui gượng chén quỳnh đãi bôi
Sáp đèn luyến phút chia phôi
Thì xin nhỏ lệ giùm người sáng đêm

Các bài thất ngôn tuyệt cú của Đỗ Mục đã hay, nhưng đến mức trác tuyệt thì Lý Thương Ẩn mới đáng được tôn làm bậc sư của phái thơ tình cảm thời Vãn Đường. Cũng như Đỗ Mục, Lý Thương Ẩn thi đỗ tiến sĩ, tuy vậy cuộc đời làm quan của ông không mấy hanh thông, thường bị biếm đi làm việc ở những nơi xa xôi, hẻo lánh. Ông nổi tiếng nhất qua các bài Vô Đề và bài Cẩm Sắt từng được thi hào Nguyễn Du dựa ý để tả tiếng đàn Thúy Kiều gẩy cho người tình Kim Trọng;

Khúc đâu đầm ấm dương hòa
Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh
Khúc đâu êm ái xuân tình
Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên
Trong sao châu rỏ duyềnh quyên
Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông!

Nguyên tác bài Cẩm Sắt như sau:

Cẩm sắt vô đoan ngũ thập huyền
Nhất huyền nhất trụ tư hoa niên
Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp
Vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên
Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ
Lam điền nhật noãn ngọc sinh vân
Thử tình khả dãi thành truy ức
Chỉ thị dương thời dĩ vọng niên

Xin tạm dịch:

Năm chục dây tơ một phím đàn
Trục nào dây nấy, hỡi hoa niên
Tiếc xuân quốc gọi, hồn Thục Đế
Ngỡ mình bướm mộng, giấc Trang sinh
Nghìn trùng trăng dãi, châu nhỏ lệ
Lam Điền nắng chiếu, ngọc pha sương
Khối tình đày đoạn bao ngày tháng
Để lòng ray rứt mãi sầu thương!

Thơ Lý Thương Ẩn ẩm ướt tình yêu, ngôn ngữ kỳ bí, chứa nhiều ẩn từ, điển tích. Có người cho rằng ông làm bài thơ Cẩm Sắt vào tuổi năm mươi (năm mươi dây ở đây tượng trưng cho năm mươi năm trong đời sống của nhà thơ). Nhà nghiên cứu François Cheng nhận xét bài thơ có nhiều ẩn dụ về tính dục. Theo ông, chữ huyền (dây đàn) tượng trưng cho bộ phận sinh dục phái nữ, còn chữ trụ (trục) ám chỉ dương vật. Chủ đề bài thơ này, cũng như các bài Vô Đề nổi tiếng khác, là những mối tình éo le, vô vọng, mà có người cho rằng đối tượng của chúng là những ngõ cụt tình yêu, trong số đó có hai chị em được tuyển làm cung nữ, và một cặp chị em khác đã cắt tóc đi tu.

Để tạm kết, tôi xin mời bạn thưởng thức một trong những bài Vô Đề của Lý Thương Ẩn, mà theo tôi nghe còn não nùng, tê tái hơn cả bài Cẩm Sắt, xứng đáng là viên ngọc quý trong kho tàng thơ tình Đông Tây:

Tương kiến thời nan, biệt diệc nan
Đông phong vô lực bách hoa tàn
Xuân tàm đáo tử ti phương tận
Lạp cự thanh hôi lệ thủy can
Hiểu kính dãn sầu vân mấn cải
Dạ ngâm ưng giác nguyệt quang hàn
Bồng lai thử khứ vô đa lộ
Thanh điểu ân cần vị thám khan

Tôi xin tạm dịch:

Gặp nhau đà khó, khó chia xa
Ngọn gió đông tàn, rụng xác hoa
Con tằm dẫu chết, tơ chửa tận
Bấc lụi sáp trào, lệ mãi sa
Sáng soi gương, buồn thiu tóc bạc
Đêm ngâm thơ, lạnh tái trăng già
Bồng lai chốn ấy nào xa lắm
Chim xanh mượn cánh nhắn giùm ta.

.

Cao Xuân Tứ
(Đã đăng trong Văn Học, số 82 - Tân Niên, tháng 2 năm 1993)

______________

Tài liệu tham khảo:

– Cheng, François: L’Ecriture Poétique Chinoise, Seuil, Paris, 1977.

– Cooper, Arthur: Li Po and Tu Fu, Penguins Books, London, 1973.

– Guillermaz, Patricia: La Poésie Chinoise des Origines à la Révolution. Marabout Université Verviers, 1966.

– Nam Trân (chủ biên): Đường Thi (2 tập), Văn Học, Hà Nội, 1987.

– Ngô Tất Tố: Đường Thi, Xuân Thu tái bản ở Mỹ.

– Tạ Ngọc Liễn và Hoàng Thị Ngọ: Phan Huy Thực Người Dịch Tỳ Bà Hành: Một Nhà Thơ Tiêu Biểu Của Dòng Văn Phan Huy, Hà Sơn Bình, 1983.

– Tạ Quang Phát (dịch giả): Kinh Thi Tập Truyện (3 tập), Trung Tâm Học Liệu Bộ Giáo Dục, Sài Gòn, 1969, Đại Nam tái bản ở Mỹ.

– Trần Trọng Kim: Đường Thi, Đại Nam tái bản ở Mỹ.

– Trần Văn Tích: Tỳ Bà Hành, Một Kiệt Tác Dịch Thơ Hán Ra Thơ Việt, Độc Lập, số 10 - 11- 12, 1990, Đức.

– Xuân Diệu: Đọc Bản Dịch Tỳ Bà Hành Của Phan Huy Thực trong Phan Huy Chú Và Dòng Văn Phan Huy, tài liệu đã dẫn.


Cái Đình - 2018