Thạch Đạt Lang


Xóm Lò Đúc

.

Tôi không biết tại sao người ta gọi cái khu gia đình tôi ở là Xóm Lò Đúc. Phải chăng vì khu dân cư này trước năm 1975 nằm gần một hãng nhôm tên là Hiệp Lợi, chuyên đúc nồi, niêu, xoong, chảo bằng nhôm?

Ranh giới rõ ràng của xóm Lò Đúc thật khó diễn tả vì hãng nhôm Hiệp Lợi nằm bên kia đường Võ Di Nguy, trên con hẻm dẫn đi vào Ấp Đông Nhất, trong khi xóm Lò Đúc nằm bên này đường, giới hạn bởi đường Võ Di Nguy, Nguyễn Minh Chiếu (hiện nay là đường Nguyễn Trọng Tuyển?) vòng qua tới đường Trương Tấn Bửu, Võ Tánh, trở lại Võ Di Nguy, tất cả khu vực đều nằm trong địa phận xã Phú Nhuận.

Trước tháng 4 năm 1975 xã Phú Nhuận rất lớn, thuộc quận Tân Bình, tỉnh Gia Định, gồm có các ấp Trung Nhất, Trung Nhì, Đông Nhất, Đông Nhì, Đông Ba, Tây Nhất, Tây Nhì... trụ sở hành chánh là một tòa nhà nằm ngay bên trái con hẻm dẫn vào trường tiểu học Võ Tánh.

Sau 30.04.1975, chế độ cộng sản tách xã Phú Nhuận ra khỏi quận Tân Bình và thành lập quận Phú Nhuận với 17 phường.

Xóm Lò Đúc, nếu từ đường Võ Di Nguy đi vào, dọc theo Nguyễn Minh Chiếu thì ngay đầu đường là hai tiệm bán hủ tíu, mì, bánh bao, xíu mại... của người Tầu trấn giữ hai bên, mời gọi bao tử người đi đường mà chế độ CS gọi là người tham gia giao thông (dù không sai nhưng vừa dài vừa ngô nghê).

Phía tay phải, bên ngoài tiệm hủ tíu, trên lề đường là một xe nước mía ép, chủ nhân cũng là một người Tầu. Nước mía được ép ra từ một cái máy ép nhỏ chạy bằng mô-tơ (moteur) điện, chẩy qua một cái vòi nhựa trắng (chẳng biết người bán có bao giờ súc, rửa cái vòi, hai cái trục ép mía này không) vào một cái chậu có đập nước đá vụn.

Trời Sàigòn mùa hè nắng gắt, nóng nực, uống ly nước mía ép cùng một trái quýt với nước đá đập vụn, đã con tì, con vị gì đâu. Không biết cái máy ép, cái chậu đựng có sạch sẽ, vệ sinh không, nhưng quả thật chưa bao giờ tôi bị đau bụng vì ly nước mía ép từ chiếc xe này.

Đi tới vài bước là một chiếc xe hủ tíu bò viên nhưng chỉ bắt đầu bán từ khoảng 4-5 giờ chiểu trở đi đến 9-10 giờ tối. Xe hủ tíu này đặc biệt có món sa- tế cay xé miệng.

Bên trái, bên ngoài tiệm hủ tíu mì thứ hai, đầu thập niên 50 là một phông tên nước (fontaine: well, fountain) chẩy có giờ, nằm trên một khoảng trống lót xi-măng (cement). Vào những giờ nước chẩy, thường là chiều tối, người dân chung quanh đem thùng, gánh ra hứng nước về dùng, chuyện này tạo thành một nghề là nghề gánh nước mướn.

Thời gian đó, xóm Lò Đúc chưa có đường ống dẫn nước do thành phố cung cấp, người dân dùng nước mưa, nước giếng đào trong nhà hoặc lấy nước từ phông-tên như nói ở trên.

Người gánh nước mướn dùng một cặp thùng và một quai gánh, thường là thùng dầu hôi có hình con gà bên ngoài, khoảng 20 lít, rửa sạch, tráng nhựa đường hoặc sơn đen, đóng quai ở giữa. Tôi không nhớ rõ một thùng được trả bao nhiêu công, nhưng tùy theo nhà ở gần hay xa vòi nước.

Gia đình tôi thời gian đó cũng có một hồ chứa nước mưa lớn khoảng 2.000 lít và vài ba thùng phuy 150 lít cùng những cái lu bằng sành lớn để đựng nước uống và nấu ăn.

Bên cạnh phông-tên nước, khu vực tráng xi măng rộng chừng 20m vuông không hiểu từ bao giờ, cứ buổi tối là có một xe bán chè lớn của một gia đình (cũng) người Tầu với các món chè đặc biệt như sâm-bửu-lượng (gồm có nhãn nhục, hạt sen, táo tầu, thổ tai, bạch quả…), chè sen nóng (lạnh), chè đậu xanh đánh (lục tào xá?) cùng nhiều loại chè khác tôi không nhớ hết. Khi đẩy xe ra bán trên khoảng trống lót xi-măng, họ kê vài ba chiếc bàn xếp tròn, hơn chục cái ghế cũng thuộc loại xếp được. Bán hết thì họ xếp bàn, ghế lại đẩy xe về.

Đi khỏi phông-tên nước chừng 30m là tới tiệm thuốc bắc Vĩnh An Đường của một gia đình người Tầu Phúc Kiến. Tôi là chúa ghét thuốc bắc nhưng lại hay ra tiệm Vĩnh An Đường này mua cà na với trần bì (vỏ quýt xào ngọt) ăn. Mẹ tôi thỉnh thoảng uống thuốc bắc, mỗi lần cân vài thang cho mẹ tôi, ông chủ tiệm hay cho thêm một vài trái cà na ngọt ngào quấn trong giấy trắng mờ, đục, có những chữ tầu xanh, đỏ, không biết nghĩa là quỷ quái gì.

Từ tiệm Vĩnh An Đường, đi vài bước tới một con hẻm nhỏ là con đường tôi thường luồn, lách trong thời gian học ở Võ Tánh vì nó gần, không phải đi vòng ra đường Võ Di Nguy. Dùng chữ luồn, lách vì con hẻm rất nhỏ, đi ngang qua hông một vài căn nhà, nhiều đoạn chỉ vừa cho một chiếc xe Honda chạy, gặp người đi bộ đối diện thì phải ngừng cho người ta đi qua.

Đứng ở con hẻm, nhìn sang bên kia đường, hơi xéo về phía trái là nhà may âu phục Tân. Tân là tên con trai trưởng của bác chủ tiệm (tôi quên mất tên), bạn học của tôi. Năm 1968, Tân đậu tú tài hạng Bình, đi du học ở Pháp. Nghe nói Tân hiện là bác sĩ ở Paris nhưng không liên lạc được vì không có tin tức.

Đứng từ nhà may Tân nhìn về hướng đối diện, thấy ngay tiệm thuốc bắc thứ hai tên Ích Thọ Đường với ông chủ trẻ, mập, bụng phệ. Tôi ít khi vào tiệm này mua cà na hay trần bì, không hiểu tại sao.

Tiệm thuốc này trước đó là một cửa tiệm chạp phô (tạp hóa tiếng Tầu), cũng của người Tầu bán đủ thứ hàng từ đậu xanh, lạp xưởng, nước mắm, xì dầu, hằm bà lằng xắng cái... Đặc biệt của tiệm chạp phô này là họ bán hàng ngay cả khi đã đóng cửa nghỉ trưa hay tối. Cứ gõ cửa, mua một hai trăm gram đậu xanh, nửa ký đường, chai nước mắm, ít mộc nhĩ (nấm mèo), nửa lít dầu hôi… đều được vui vẻ tiếp đón, không bao giờ nghe một tiếng cằn nhằn.

Người Tầu buôn bán rất vui vẻ, chiều lòng khách và rất ít khi cạnh tranh, đụng độ nhau. Mua một ký lô đậu xanh tiệm chạp phô này giá $3, bước qua một tiệm gần đó, giá cũng y chang, họ không dìm giá xuống để giết nhau như người Việt.

Cách tiệm thuốc Ích Thọ Đường vài căn là tiệm Tân Dân, chuyên bán giấy, bút, dụng cụ cho học sinh , cho thuê sách, báo, truyện…, có mấy cô con gái cao lòng nhòng nhưng trông xinh xẻo, có vẻ trí thức. Tôi cũng là khách hàng (thuê truyện kiếm hiệp, truyện gián điệp Z 28...) thường xuyên của nhà sách này.

Bên cạnh tiệm sách Tân Dân là một tiệm mộc, đóng bàn ghế theo nhu cầu cho từng gia đình, buổi sáng có bán cà phê và thức ăn nhẹ như bánh bao, bánh mì ốp-la, xíu mại... Đứng ở tiệm Tân Dân nhìn qua đường thấy ngay nhà Phúc Ký, chuyên về cơm gà, nhưng cũng bán phở và các món ăn, nhậu khác. Tiệm này của gia đình một người Tầu Quảng Đông, có anh con trai cao nhòng là bạn của tôi.

Mỗi lần mẹ tôi buôn bán về trễ thường sai tôi chạy qua tiệm Phúc Ký mua xí quách (xương heo nhưng còn nhiều thịt, thứ anh em chúng tôi rất thích gặm) về nấu canh cho nhanh, anh bạn lúc nào cũng múc cho tôi một thau (tình cảm) đầy oặp, nhiều hơn hai ba lần bình thường bán cho người khác.

Chỉ cần vài cục xí quách bỏ vào nồi, nấu sôi, thái một ít bắp cải, trái bí đao thêm vào là có một nồi canh đủ bốn yếu tố nhanh, gọn, ngon, ngọt.

Rời khỏi tiệm Phúc Ký, chỉ đi vài bước là tới chợ Lò Đúc, nằm ngay ngã ba Nguyễn Minh Chiếu - Minh Mạng. Chợ không lớn, thường chỉ họp buổi sáng, từ khoảng 6:30-7:00 giờ đến độ 1 - 2 giờ chiều thì tan dần, nhưng đóng hẳn thì khoảng 3 - 4 giờ.

Con đường dẫn vào chợ là đường Trần Khắc Chân (Phú Nhuận). Đa số các sạp hàng hóa đều nằm trong nhà của các gia đình cư ngụ hai bên đường. Bên trái, dài khoảng 50m là các sạp bán thịt, cá, đoạn này không có nhà vì là hông của một tiệm bán thuốc tây lớn mà mặt trước của tiệm nhìn ra đường Nguyễn Minh Chiếu.

Chợ Lò Đúc mang tiếng là chợ nhỏ nhưng thực phẩm không thiếu thứ gì, đủ các loại rau, trái, thịt, cá, đậu hũ, đậu xanh, đậu đỏ, trứng bắc thảo, dưa muối, cà... cho nhu cầu của các bà nội trợ.

Ngay đầu chơ, bên phải là một hàng bán bánh cuốn với giò chả, bánh tôm khô, rồi tới một gánh bún riêu, thỉnh thoảng có một gánh bán xôi bắp, xôi đậu xanh hoặc chè trôi nước, sương sa, hột lựu... cho các cô, các bà đi chợ sớm ăn điểm tâm.

Tóm lại là đủ các món ăn chơi. Còn muốn ăn thiệt? Dễ thôi! Cứ đi hết con đường Trần Khắc Chân ra tới đường Võ Tánh (sau này là Hoàng Văn Thụ) quẹo phải là gặp phở Quyền.

Trở lại chợ Lò Đúc, đi sâu vào trong chợ, qua khỏi các sạp rau, trái... là cửa hàng bán kim chỉ, vải vóc của bà Cự, có hai cô con gái rất đẹp, tôi chỉ nhớ cô em tên Nguyệt. Đến sau năm 1968, gia đình cô Nguyệt dọn đi đâu mất tăm.

Đi tiếp xuống dưới, thỉnh thoảng cũng gặp một vài gánh chè, cháo bán di động, có một quai gánh với hai ba chiếc ghế gỗ nhỏ.

Gần hết đường Trần Khắc Chân có một con hẻm nhỏ bên trái dẫn ra trường trung học tư thục Hoài An. Nếu đi thẳng hết Trần Khắc Chân sẽ gặp đường Võ Tánh, đi tới khoảng 150m là ngã tư Phú Nhuận.

Phía bên phải đường Trần Khắc Chân chợ Lò Đúc có những con hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo dẫn ra đường Võ Di Nguy. Có một hẻm dẫn ra nhà trồng răng Vinh Sơn.

Nếu đi ngược về hướng ngã tư Phú Nhuận 20-30m sẽ gặp trạm xe buýt (Bus) Sài Gòn-Phú Nhuận. Ngay trạm xe buýt này có vài tiệm bán tạp hóa, đồ điện, bóng đèn, linh tinh các cái…

Lộ trình xe buýt này chạy từ ngã tư Phú Nhuận, đường Võ Di Nguy, qua cầu Kiệu, thẳng trên đường Hai Bà Trưng, tới đường Thống Nhất (Hồng Thập Tự), quẹo phải qua Công Lý, tới Lê Thánh Tôn và chợ Bến Thành.

Những năm đầu vào trung học Nguyễn Trãi, trụ sở mượn của trường tiểu học Lê Văn Duyệt, tôi thường phải đi xe buýt này để đến trường, lên xuống trạm nằm ở góc đường Hai Bà Trưng-Phan Đình Phùng để đi bộ tới trường. Lớn hơn một chút, năm đệ ngũ tôi bắt đầu đi xe đạp đến trường.

Từ Vinh Sơn đi về hướng Nguyễn Minh Chiếu vài chục thước gặp nhà may Bảo Toàn rộng lớn, chuyên về âu phục, veston.

Đi tiếp hơn chục bước nữa là tới rạp ci-nê Cẩm Vân, thuở nhỏ tụi tôi gọi là rạp hát, rạp chiếu bóng.

Từ nhà tôi đi ra rạp Cẩm Vân chưa đầy một phút. Đây là rạp ci-nê tôi được coi những phim đầu đời của Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ... như Aladin và cây đèn thần, Aladin và 40 tên cướp... (Ấn Độ), Cậu bé giáp đỏ, Cóc thần báo thù, Người phu xe, Tám dũng sĩ Cửu Đầu Sơn, Dĩa bay tấn công địa cầu... (Nhật bản), Bắn chậm thì chết (với Gary Cooper) Cầu sông Kwai... (Mỹ). Tuổi thơ của tôi được coi rất nhiều phim hay, vẫn nhớ tới bây giờ.

Rạp Cẩm Vân sau 1975 trở thành trường trung học Hải Quan, nơi đào tạo cán bộ thuế quan của chế độ cộng sản. Năm 1980, trong một dịp tình cờ, tôi quen một cô học trường này, từ ngoài Bắc vào, da trắng, dáng vẻ thanh tao, rất xinh và dễ thương tên Thu Hương.

Ban đầu, tôi không biết cô làm gì, chỉ thấy thường đi bộ ngang qua nhà vào buổi chiều lúc 5-6 giờ với 3-4 cô gái khác. Một bữa tò mò, tôi lấy xe đạp chạy chậm chậm theo sau thì thấy nàng đi vào trong cư xá dành cho học sinh hải quan ở cuối đường Minh Mạng, giáp đường Trương Tấn Bửu.

Từ đó, tôi hay đứng trước cửa nhà buổi chiều, ngắm cô đi qua. Đối mặt nhiều lần nhiều lần nhưng tôi không đi theo tán tỉnh, nói chuyện, thỉnh thoảng cũng thấy cô nhìn tôi, mỉm cười nhẹ như một lời chào.

Cho đến một buổi sáng đi lãnh quà từ nước ngoài gửi về ở Bưu Điện Sàigòn, thùng quà được khám ngay tại bàn của cô, tôi buột miệng hỏi có phải cô học trung học Hải Quan không?

Cô cười, gật đầu, cho biết đang đi thực tập. Lãnh hàng xong, nhìn tên trên phiếu kiểm hàng, tôi mới biết cô là Thu Hương. Thùng quà được khám rất nhanh và không phải đóng thuế dù có nhiều món rất giá trị.

Thu Hương có giọng nói nhỏ nhẹ, thanh tao, dễ thương còn sót lại (không nhiều) của dân Hà Nội. Sự liên hệ của chúng tôi cũng không đi xa hơn, trừ một lần duy nhất tôi đi bộ theo Thu Hương nói chuyện đến khi nàng vào trong cư xá, có lẽ nàng ngại vì một lý do nào đó.

Tuy vậy nàng cũng giúp tôi thêm vài lần lãnh quà không bị khó dễ, đóng thuế hoặc có nhưng chỉ tượng trưng. Lần cuối gặp nhau tại Bưu Điện Sàigòn, Thu Hương cho biết đã mãn khóa học, sắp trở về Hà Nội với gia đình. Từ đó tôi không gặp lại.

Cách rạp Cẩm Vân hai căn nhà là tiệm may Thành Lực, sát vách với tiệm hủ tíu, mì. Thành Lực là tên con trai ông chủ tiệm họ Đoàn, học Võ Tánh chung với tôi. Từ khi lên trung học, tôi cũng không còn gặp lại hay liên lạc với Đoàn Thành Lực cho đến nay.

Đứng ở tiệm thuốc tây đầu chợ Lò Đúc nhìn sang phía đối diện là đướng Ấp Trung, sau đổi là đường Minh Mạng. Từ khi “Cắt mạng” vào trở thành phường 15, quận Phú Nhuận, ngay đầu đường là tiệm bán điểm tâm,cà phê, bánh bao, xíu mại (cũng lại của người Tầu), trứng omelette (dân miền Nam gọi là hột gà ốp la).

Từ tiệm này đi dọc theo đường Nguyễn Minh Chiếu chừng 150m gặp phòng mạch của đông y sĩ Đông Hải chuyên chữa bệnh nhãn khoa với tấm bảng quảng cáo vẽ hình một con mắt thật lớn, bên cạnh đó là một gia đình kinh doanh bàn bi da lỗ loại nhỏ, có hai bàn đá banh tay bằng gỗ, mỗi bên có 11 cầu thủ như đá banh thật. Mỗi lần bỏ vào năm cắc, kéo một cái cần nhỏ, 7 trái banh gỗ chạy ra, hai người chơi.

Đi tới nữa là trường tiểu học tư thục Việt Hưng rồi đến vựa củi của gia đình Phước cũng là bạn học Võ Tánh với tôi. Từ khu này trở đi không còn được tính là xóm Lò Đúc nữa.

Một đặc điểm của xóm Lò Đúc là các gánh hàng rong. Hàng rong ở Sàigòn nói riêng, cả miền Nam nói chung, trước tháng 04.1975 hầu như nơi nào cũng có, đủ các loại như chè trôi nước, chè chuối, đậu hũ nước đường, bánh rán, bánh chưng, bánh giò... không thiếu thứ gì.

Hàng rong ở xóm Lò Đúc khác các nơi khác là có một ông già Tầu bán đậu phụng (người Bắc gọi là lạc) rang húng lìu và một xe bán bò bía cũng của một ông già Tầu khác. Ông già bán đậu phụng rang húng lìu dáng ốm yếu, nhỏ thấp, đẩy chiếc xe đạp có cái chuông rung leng keng, ở yên sau có 2 cái thùng sắt tây sơn xanh lá cây đậm có nắp, đựng đậu phụng, những hạt nhỏ hơn bình thường nhưng chắc, rang với dầu và húng lìu (ngũ vị hương?), ăn rất ngon, bùi.

Đậu phụng được bán, tùy theo mua nhiều hay ít, được gói trong những tờ giấy nhỏ cuộn lại thành một cái phễu, những hạt đậu được múc, đong bằng một cái tách uống trà nhỏ bằng sành.

Bò bía thì được đẩy bằng một cái xe thùng, ông già Tầu bán món này cũng không mập mạp gì hơn ông bán đậu phụng húng lìu,

Toàn bộ cái xe của ông chỉ có một chảo lớn đựng củ sắn ( người Bắc gọi là củ đậu) xào với cà rốt, tôm khô..., vài cái thố (tô) lớn có nắp đậy, cái đựng lạp xưởng thái mỏng dính như lá liễu, cái đựng trứng chiên thái thành sợi, đậu phụng chiên dầu giã nhỏ, hai lọ tương, môt tương đen, một tương ớt cay xé họng và một xấp bánh tráng lớn cắt làm tư.

Một cái bò bía được cuốn bằng một phần tư cái bánh tráng, quét hai nhát tương đen, ớt bằng cái đũa gỗ dẹp, ít củ sắn xào, một hai miếng lạp xưởng, vải sợi trứng, dăm ba hạt đậu phụng chiên dầu.

Dân Sàigòn đa số đều thích ăn vặt. Bố mẹ tôi không giầu có gì, chỉ là tiểu thương buôn bán quần áo, vải vóc, anh em chúng tôi tương đối đầy đủ. Buổi sáng mẹ tôi thường hay cho ăn bánh cuốn hoặc hủ tíu, cơm tấm…, đến khoảng 3-4 giờ chiều, không làm một hai cuốn bò bía thì cũng chơi một chén chè chuối, cái bánh cam, chén đậu hũ nước đường, ly cơm rượu...

Xóm Lò Đúc nói cho cùng, chỉ là một địa danh ít người biết đến, trừ những người ở Phú Nhuận, nhưng với tôi nó là quê hương. Từ khi mở mắt chào đời cho tới khi rời khỏi đất nước, gần nửa cuộc đời tôi đã sống gắn bó với xóm Lò Đúc. Biết bao nhiêu kỷ niệm thân thương với những người bạn thuở còn tiểu học, trung học giờ không còn gặp lại người nào.

Năm 2000 về Việt Nam sau hơn 19 năm xa cách, tôi nhận ra xóm Lò Đúc đã thay đổi rất nhiều, đường phố trở nên chật hẹp hơn trước vì người dân cơi thêm diện tích nhà ở bằng cách xây thêm sân lấn ra mặt đường một cách rất ư tùy tiện, hoàn toàn không có một sự quy hoạch rõ ràng, mạnh ai người đó lấn. Ai có tiền đút lót cho phường, phòng nhà đất quận là có thể lấn thêm ra đường.

Chợ Lò Đúc cũng thế, khang trang hơn nhưng đồng thời cũng chật hẹp, tù túng hơn. Giao thông trên những con đường quanh xóm Lò Đúc luôn tấp nập từ tờ mờ sáng đến 10-11 giờ đêm, không còn vẻ bình yên, vắng lặng như thập niên 50, 60, 70 nữa.

Thời gian đã làm thay đổi mọi thứ (đương nhiên) kể luôn cả tình cảm con người. Người Việt Nam giờ đây đối xử với nhau không còn nhân hậu, tình người như trước.

Không riêng người dân miền Nam, người Sàigòn đã dần dần mất đi bản chất thật thà, xởi lởi, phóng khoáng, tốt bụng mà người Hà Nội cũng không còn nét thanh lịch, phong lưu, đài các... Tại sao?

Tất cả chỉ vì chủ nghĩa cộng sản do ông Hồ Chí Minh du nhập vào đất nước.

Nghĩ, nhớ về quê hương chỉ còn lại một nỗi buồn, thất vọng cùng câu hỏi: - Đến bao giờ thì Việt Nam sẽ trở thành Tây Tạng thứ hai?

.

Thạch Đạt Lang


Cái Đình - 2017