Lê Ngọc Vân


Tượng ghi nhớ “Phụ nữ giải khuây”, cái gai trong mắt Nhật Bản, giờ ngồi trong xe buýt Hàn Quốc

 

Tượng “phụ nữ giải khuây” được đặt trên một chiếc xe buýt trong tháng 8 để ghi nhớ
“Ngày Quốc Tế Tưởng Niệm Các Phụ Nữ Giải Khuây” lần thứ 5 tại Hán Thành.
Ahn Young-joon/AP

Một mục tiêu trong chuyến đi của Tổng thống Trump tới châu Á là tập hợp các đồng minh của Mỹ để gây áp lực lên Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, sứ mạng này lại phức tạp, bởi thực tế là hai đồng minh trung thành nhất của Mỹ ở Đông Á – Nhật Bản và Hàn Quốc – không đồng thuận khi bàn về các vấn đề có liên quan đến lịch sử của họ.

Phần lớn những bất đồng mang dấu thời gian những ngày Nhật chiếm đóng Hàn Quốc vào đầu thế kỷ 20. Những căng thẳng liên quan đến sự chiếm đóng đó vẫn còn âm ỉ – thậm chí cả 70 năm sau khi Nam Hàn được giải phóng.

Sự việc chợt bùng lên trong năm nay qua một bức tượng của một cô gái trẻ được gọi là "Tượng Hòa Bình."

Bức tượng nhỏ bằng đồng mô tả một cô gái đang ngồi trên ghế, nhìn chằm chằm về phía trước với ánh mắt quả quyết. Cô cắt tóc ngắn và mặc hanbok – y phục truyền thống của Hàn Quốc. Cô đi chân đất. Bàn tay nắm lại. Bên cạnh cô, một chiếc ghế trống.

Cô gái gợi lên hình ảnh trong trí của những phụ nữ như Ahn Jeom-sun. Bây giờ bà đã 89 tuổi và bà cho biết là bà thường xuyên ghé thăm bức tượng. Nó tượng trưng cho tuổi trẻ mà bà đã bị mất ở tuổi 13, khi Quân đội Thiên Hoàng vào làng bắt cóc bà.

"Những gì tôi còn nhớ, là tôi đã bị buộc đưa ra khỏi Hàn Quốc và bị đưa đến Trung Quốc", bà Ahn nói.

Liên Hợp Quốc ước tính có 200.000 thiếu nữ và đàn bà – chủ yếu là người Hàn Quốc – đã bị bắt giữ từ các làng để tham gia vào chương trình nô lệ tình dục cho quân Nhật Bản trước và trong Thế chiến II.

"Tôi có thể nói gì nào? Họ đã làm tất cả những gì họ muốn có theo ham muốn của họ, hoặc những gì họ cần. Tất cả mọi thứ đều bị cưỡng ép. Chúng tôi có thể làm gì lúc đó?" bà Ahn nói.

Bà và những người khác được gọi là "phụ nữ giải khuây." Họ phục vụ tại các nhà chứa tạm thời ở gần tiền tuyến – thường là lều trại hoặc chòi bằng gỗ có dây thép gai bao quanh – và buộc phải làm tình với cả 70 người mỗi ngày.

Một bức tượng của một cô gái tuổi teen – tượng đài đầu tiên cho "những phụ nữ giải khuây",
trước đây đã từng làm nô lệ tình dục cho binh lính Nhật trong Thế chiến thứ hai –
nằm ở phía trước Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul.
Jung Yeon-Je / AFP / Getty Images

"Nếu chúng tôi không chiều theo những gì họ muốn chúng tôi làm, họ sẽ đánh chúng tôi và họ sẽ làm bất cứ điều gì mà họ muốn làm trên chúng tôi. Chúng tôi có thể làm gì hơn nữa, ngoài việc chờ đợi cho đến khi Hàn Quốc được giải phóng?" bà Ahn nói.

Tình cảnh này kết thúc vào năm 1945, với sự chấm dứt chiến tranh. Ahn là một trong vài phụ nữ giải khuây vẫn còn sống.

Người Hàn Quốc cảm thấy nỗi đau của những gì đã xảy ra với những phụ nữ này sâu đậm đến nỗi cộng đồng người Hàn Quốc ở hải ngoại đã dựng lên bản sao của bức tượng ở những nơi xa xôi như New Jersey, California, Úc và Đức.

Ở Hàn Quốc, chúng nằm trong khoảng 50 công viên và những địa điểm công cộng. Nhưng Nhật Bản muốn những bức tượng này bị hạ xuống. Một số đảng cầm quyền của nước này đã đặt câu hỏi liệu chính phủ hoàng gia thời chiến khi đó có thực sự tham gia vào chương trình nô lệ tình dục hay không – hoặc, theo như họ, đó là những phụ nữ tình nguyện.

Chính phủ Nhật đã từ chối yêu cầu của NPR cho việc thực hiện một cuộc phỏng vấn, điều đó càng gây thêm những xung đột.

Một vài năm trước đây, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt về phụ nữ giải khuây. Thỏa thuận này yêu cầu Nhật phải bồi thường cho nạn nhân và "đưa ra một tuyên bố hối tiếc." Đổi lại, Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ các tượng cô gái bằng đồng đầu tiên, được dựng lên vào năm 2011 trước Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul.

Nhưng người dân Hàn Quốc và các nhà hoạt động xã hội không bao giờ chấp nhận thỏa thuận. Họ tiếp tục dựng lên thêm nhiều tượng. Một trong số đó đã làm chính phủ Nhật Bản nổi giận đến mức hồi tháng Giêng, họ đã triệu hồi đại sứ từ Seoul về trong vài tháng.

Tượng ghi nhớ mới nhất được bày trên ghế xe buýt trong thành phố Nam Triều Tiên. Bức tượng cho thấy một cô gái có mái tóc ngắn, đang ngồi, với hai bàn tay nắm chặt để trên lòng. Thay vì bằng đồng, bức tượng được sơn – tóc đen, da lợt, mặc váy.

Nó làm cho một số người ngạc nhiên.

"Tôi không sợ, tôi không bị sốc, nhưng tôi thích nó, cái gì vậy? Tôi đã thấy nó trên TV vài lần nhưng lần đầu tiên tôi thực sự thấy nó trong đời thường", bác tài xế xe buýt Yoon Sung-Lim nói.

Đối với các nhà hoạt động, khi đặt những bức tượng này, là với ý tưởng muốn giữ cho vấn đề còn sống mãi khi mà các nạn nhân đang già đi và sắp chết.

"Bằng cách có những bức tượng này, chúng ta sẽ có những học sinh trung học và các thế hệ trẻ tò mò muốn biết ý nghĩa đằng sau những bức tượng này, họ sẽ tìm hiểu nơi các thế hệ trước và hỏi cha mẹ họ hoặc bạn bè xem sự việc này mang ý nghĩa gì và sẽ thực sự nhận được một lời giải thích hợp lý và biết được những gì đã xảy ra ", Kim Hyang-mi, người lãnh đạo những nỗ lực đặt các bức tượng trong xe buýt chạy trong thành phố Suwon cho biết.

Tại Seoul, bức tượng đặt ngồi trên xe buýt số 151 đi khắp nơi – xe ngừng ở trạm ngay trước trụ sở Đại sứ quán Nhật Bản. Người ta có thể nhìn thấy cô gái mỗi khi cửa xe buýt mở.

Bức tượng gợi nhớ lại những “phụ nữ giải khuây” ở Hàn Quốc được đặt trước cổng Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul năm 2011. Woohae Cho/Getty Images

"Đây là một nạn nhân trong số chúng tôi, và bạn đang đối mặt khi bạn bước lên xe buýt, bạn không biết cô ta sẽ ngồi trong xe buýt nào, nhưng cô ấy hiện ở đây và cô ta có thể là bất kỳ ai trong chúng ta", Alexis Dudden, giáo sư về Lịch sử Nhật Bản tại Đại học Connecticut nói. "Tôi nghĩ rằng chừng nào bộ phận đặc biệt này của Nhật Bản còn muốn làm mất uy tín và phá hủy phẩm giá của những người còn sống sót từ tội ác phản nhân loại này, thì chắc chắn, phải đặt bức tượng ngay trước cửa nhà của họ."

Dudden chỉ ra rằng trong khi Mỹ và các nước khác đang tranh luận xem liệu có nên gỡ bỏ những nơi tưởng niệm những người đã từng tham gia hay tội phạm chiến tranh, Nhật Bản đang làm chuyện gì khác.

Dudden cho biết: "Chỉ có Nhật Bản đang tìm cách xóa bỏ bức tượng nạn nhân. Về mặt chính trị, không có thắng thua gì trong chuyện này cả,” ông Dudden nói.

Ahn, từng là nô lệ tình dục, nói là bà không bao giờ lập gia đình hoặc có con sau những gì xảy ra với bà trong chiến tranh. Bà không phát ngôn gì về câu chuyện của mình cho đến những năm 1990. Bà nói rằng bà không muốn được bồi thường từ phía Nhật Bản.

"Về điểm này, chúng tôi thực sự không quan tâm đến tiền, chúng tôi thực sự không quan tâm đến chính trị, chúng tôi chỉ muốn một lời xin lỗi chân thành từ họ, trực tiếp gởi đến chúng tôi. Chúng tôi muốn họ suy nghĩ về chúng tôi, những phụ nữ đã thực sự có dính dáng tới chuyện đó," bà nói.

Và bà muốn các bức tượng vẫn được giữ như vậy.

.

Nguyên tác: 'Comfort Woman' Memorial Statues, A Thorn In Japan's Side, Now Sit On Korean Buses, Elise Hu. National Public Radio (USA), 13.11.2017.
Người dịch: Lê Ngọc Vân (Hà Lan)


Cái Đình - 2017