Nguyễn Thị Quỳnh Anh


Tự do trong Internet mất chân đứng ở Ɖông Nam Á: ‘Việt Nam sao chép các kỹ thuật của Trung Quốc’

.

Các nhà cầm quyền càng lúc càng cố gắng nhiều hơn để thao túng hay ngăn chận các kênh internet.
Nhất là ở Ɖông Nam Á hiện có rất ít các tin tức gây hy vọng.
Nơi đó sự đàn áp các mạng internet trong tất cả các quốc gia đang gia tăng,
thường là chịu ảnh hưởng của Trung Quốc -
Pascal Laureyn

***

Để lập bản báo cáo mới nhất về tự do trên mạng, các chuyên gia nghiên cứu của tổ chức Freedom House (1) đã ước lượng dựa trên tổng số 65 quốc gia đại diện cho  87% của tất cả những người sử dụng internet.

Theo các kết quả, phân nửa các quốc gia trên cho thấy đã có sự suy thoái tự do trên đất nước họ. Trung Quốc, Syria và Ethiopia là các quốc gia có ít tự do nhất. Nhân dân Estonia, Iceland và Canada hưởng sự tự do nhiều nhất.

Dân chủ hóa bị khựng lại

Sự tiến hóa đáng chú ý nhất đến từ Ɖông Nam Á. Cách đây vài năm khu vực này được xem như còn đầy hứa hẹn. Kinh tế đang phát triển, dân chủ lấn đất. Ɖã có những cuộc bầu cử tự do ở Malaysia, một chiến dịch bài trừ tham nhũng ở Indonesia và một cuộc đấu tranh xã hội cho các công nhân của xí nghiệp dệt ở Campuchia.

“Internet đã hỗ trợ các phong trào này lớn mạnh”, bà Madeline Earp, một nghiên cứu viên chuyên về Á Châu của tổ chức Freedom House, phát biểu. “Nhiều tổ chức và truyền thông khác nhau đã bắt đầu bằng việc sử dụng internet thường hơn. Ɖó quả là điều hứa hẹn”.

Giờ đây sự dân chủ hóa đã bị khựng lại. Cuộc đảo chánh quân sự ở Thái Lan và việc hủy bỏ đảng phái đối lập ở Campuchia chỉ là vài thí dụ về các chính phủ độc đoán đang tiếp tục ngăn chận tự do internet.

Kiểm duyệt gia tăng

Theo bản báo cáo, có bảy trong số tám quốc gia Ɖông Nam Á được nghiên cứu b ị suy thoái tự do trong năm qua. “Kiểm duyệt gia tăng và tự do trên mạng giảm xuống”, bà Earp nói. “Nhất là Miến Ɖiện và Campuchia là hai quốc gia tệ hại nhất”.

Ở Miến Ɖiện các nhà báo vẫn còn bị bắt giữ gần đây. Tin tức ngụy tạo phổ biến lời kêu gọi căm thù và thúc đẩy bạo động chống tín đồ Hồi Giáo. Ở Miến Ɖiện hiện giờ có nhiều nhà báo ngồi tù hơn là trong thời kỳ  cuối cùng của chánh quyền quân phiệt.

Ở Campuchia một tờ báo độc lập đã bị đóng cửa. Những người đấu tranh tố cáo các hành vi bất hợp pháp của các xí nghiệp đều bị bắt giữ. Ở Thái Lan một đạo luật nghiêm khắc cấm vi phạm nhà vua được sử dụng để khóa miệng những người phê phán. Ở Phi Luật Tân số lượng các “cây bút quan điểm” gia tăng đang phổ biến tuyên truyền cho tổng thống Duterte.

Quốc gia duy nhất đã tạo sự thắng lợi của mình khả quan hơn là Malaysia. Nhưng điều đó theo Freedom House thật ra chỉ nhờ vào sự sử dụng internet đang gia tăng. Sự ngăn chận chưa thể theo kịp sự lớn mạnh ở nơi đây. Như đã biết, Malaysia cũng theo xu hướng chung ở Ɖông Nam Á: sự giới hạn tự do báo chí  và tự do tư tưởng bắt đầu một khi sự sử dụng internet gia tăng.

“Chính quyền đã kiểm duyệt các mạng thông tin. Có ít nhất là một người Malaysia đã lãnh án tù cho một thông tin trên Fecebook”, bà Earp nói.

Bức Tường Lửa Vĩ Ɖại – Great Firewall

Một phần của nguyên nhân nằm ở Trung Quốc. Quốc gia đầy ảnh hưởng này có  ít tự do internet nhất trên thế giới trong vòng ba năm qua, theo bản báo cáo của Freedom House. Trung Quốc sử dụng một hệ thống kiểm soát vô cùng hiện đại: hệ thống mang tai tiếng Great Firewall. Cả một đội quân giám sát kiểm soát việc sử dụng internet của người Trung Quốc: từ những apps cho đến các máy thu hình trên các trục lộ giao thông.

Những thông tin không đúng chiều hướng đều bị các hệ thông kiểm duyệt loại ra. Thỉnh thoảng điều đó cũng đưa đến các hoàn cảnh buồn cười. Khi một loại rầy mới được khám phá, nó được mang tên của tổng bí thư Tập Cận Bình. Nhưng các thông tin về điều này lại bị xóa đi bởi vì bản tính tự nhiên thích săn thịt của loại rầy này có thể là một sự xúc phạm đối với nhà lãnh đạo.

Những hành xử này đóng một vai trò lớn trong vấn đề suy thoái dân chủ tại Ɖông Nam Á. “Việt Nam sao lại các kỹ thuật của Trung Quốc và điều đó trở thành mẫu mực ở Ɖông Nam Á”, bà Earp nói. “Càng ngày càng có nhiều blogger và những người đấu tranh bị bắt giữ bởi vì họ sử dụng truyền thông xã hội”.

Tin ngụy tạo

Không chỉ kiểm duyệt mới là vấn đề. Ở Ɖông Nam Á các thông tin ngụy tạo được sử dụng để thanh toán những người chống đối hay để thao túng quan điểm quần chúng. Ed Legaspi, giám đốc của Southeast Press Alliance đã viết điều đó trong tờ The Bulletin.

“Thật là điều gây bất an, rằng các chính quyền dùng truyền thông xã hội để phổ biến các tin đồn đãi và chống lại các tiếng nói phê phán”, Legasi nhận định như thế. “Ɖiều luật của Thái Lan chống sự mạ lỵ nhà vua và điều luật ở Indonesia chống lại sự phỉ báng Thượng Ɖế được sử dụng để giới hạn quyền tự do tư tưởng”.

Ngôn ngữ sách động, kỳ thị chủng tộc chống lại người Hồi Giáo thỉnh thoảng gây ra những bùng nổ bạo lực ở Miến Ɖiện. Các tin tức ngụy tạo về một phụ nữ Phật tử bị một người Hồi Giáo cưỡng hiếp thường được phổ biến rộng rãi. Các thông tin ngụy tạo như thế này đã góp phần vào việc đưa đến bạo lực chống sắc dân  Rohingya, một thiểu số Hồi Giáo. Và nó cũng làm cho quân đội nhận được hậu thuẫn của quần chúng.

Vai trò của truyền thông xã hội không thể bị xem thường. Facebook, Twitter, Instagram, Line, WhatsApp và WeChat đều phổ thông nhất ở Ɖông Nam Á. Nhưng khả năng ban đầu để phổ biến rộng rãi các quan điểm đang bị suy yếu dần.

“Một vài năm gần đây truyền thông xã hội còn là nơi chốn an toàn cho những người đấu tranh và phê phán. Nhưng ngày nay các xí nghiệp đều hoạt động cộng tác với các chế độ độc đoán”, Legaspi thấy như thế. “Họ chẳng hề làm gì cả để bảo vệ những người sử dụng”.

Thao túng các cuộc bầu cử

Trong năm nay có nhiều quốc gia trong vùng tổ chức các cuộc bầu cử. Từ xưa tới nay, đó là những giây phút của những căng thẳng và đấu tranh. Phương thức mà các quốc gia liên hệ vận dụng có thể xác định cho sự tiến hóa của quyền tự do sử dụng internet.

Ở Campuchia có những cuộc bầu cử vắng bóng đối lập, ở Malaysia các cuộc bầu cử này bị thao túng trầm trọng. Như thế có rất ít các thay đổi tích cực mà người ta có thể mong chờ.

Ở Indonesia các cuộc bầu cử địa phương vào tháng sáu là thước đo cho các hậu quả của những tin tức ngụy tạo trên truyền thông xã hội. Một chiến dịch trên mạng nhắm vào thống đốc của thủ đô Jakarta, một người Trung Quốc Thiên Chúa Giáo tên Basuki “Ahok” Tjahaja Purnama. Cuối cùng ông bị kết án về tội phỉ báng.

Sự thông thạo ngày càng tăng trong cách dùng những phương thức nói trên của các người cầm quyền được áp dụng để lái các cuộc bầu cử theo chiều hướng thuận lợi cho họ. Một số nhà lãnh đạo đã kiểm soát được internet và đã khóa miệng đối lập, những người đấu tranh và giới truyền thông. Năm 2018, cũng như năm 2017 vừa qua, có thể trở thành một năm u buồn cho tự do internet trong một vùng mà cho tới gần đây vẫn còn hứa hẹn sẽ có tiến bộ.

.

Nguyên tác: Internetvrijheid verliest terrein in Zuidoost-Azië: 'Vietnam kopieert de technieken van China'/Pascal Laureyn
Trích từ: http://datanews.knack.be
Nguyễn Thị Quỳnh Anh chuyển ngữ

___________

Chú thích

(1) Freedom House (Ngôi Nhà Tự Do) là một tổ chức phi chính phủ, được thành lập vào năm 1941,  có chức năng theo dõi tiến trình dân chủ hóa toàn cầu, cũng như khảo sát và nghiên cứu về tình trạng thực thi tự do chính trị cũng như các quyền tự do cơ bản của công dân tại các quốc gia trên thế giới. Hàng năm, Freedom House đều  công bố một bản báo cáo đánh giá về tình hình tự do trên của các quốc gia trên thế giới.


Cái Đình - 2018