Lê Ngọc Vân


Trẻ mồ côi nơi xứ nghèo và các tour du lịch

Trẻ mồ côi tại Java (hình: AD)

Vào những ngày đầu năm 2017, khi mọi người đang bắt đầu nghĩ đến chương trình du lịch trong mùa hè sắp tới, thì tổ chức Better Care Network Netherlands đã lên tiếng báo động về một tình trạng tệ hại đang xảy ra: nhiều trẻ đang sống trong các trung tâm nuôi dưỡng cô nhi không thực sự là trẻ mồ côi!

Lời cảnh báo được đưa ra sau một cuộc thăm dò qua các tour du lịch “văn hóa”, mà trong chương trình du ngoạn có mục đi thăm một cô nhi viện. Theo một khảo sát thực hiện năm 2016 của hiệp hội ANVR trên 162 công ty du lịch hội viên, 19 công ty cho biết có chương trình thăm viếng cô nhi viện. Những lần thăm viếng này được kết hợp với lời kêu gọi lòng từ tâm của du khách, đã thu được một mối lợi cho các cô nhi viện và xoa dịu phần nào sự ray rứt của du khách trước cảnh khổ của đồng loại. Tuy nhiên, một phần số tiền du khách tặng cho trung tâm lại chạy vào tay của những người điều hành cô nhi viện. Tệ hại hơn, có những gia đình vì hoàn cảnh khó khăn, muốn cho con cái có được cuộc sống vật chất tương đối sung túc hơn, hoặc vì họ không có thời gian trông coi con, đã gởi chúng ở luôn trong cô nhi viện. Tại vài quốc gia, như tại Cambodia, chính các viện mồ côi đã tìm đến các gia đình còn đầy đủ nhưng nghèo khó, để đề nghị họ đưa con vào viện. Đứa nhỏ khi bị bứt ra khỏi gia đình, sống trong một môi trường với những người không có tình thương chân thật sẽ bị ảnh hưởng nặng về tâm thần. Cô nhi viện trở thành nơi “ăn xin”: khi xe bus chở du khách tới, họ được đưa đi thăm viếng trung tâm, vào xem các phòng ốc trẻ được nuôi dạy. Chưa kể việc phải luôn tiếp xúc với người lạ và phải trả lời những câu hỏi tương tự, nếp sống của các em trong cô nhi viện bị liên tục quấy rối bởi những chuyến viếng thăm. Đời sống riêng tư của các em không còn nữa. Nhiều khi các em phải diễn một màn kịch hay phải hát cho du khách nghe, để gợi lòng từ tâm của họ. Trẻ nhỏ, sau nhiều năm sống trong môi trường như thế, sẽ không thể tự lập được và có cái nhìn không đúng về xã hội, và khi lớn lên chúng sẽ tiếp tục muốn chịu sự lệ thuộc vào người khác. Nhìn xa, cứu trợ không suy nghĩ chín chắn sẽ làm mất công ăn việc làm, chúng không tạo ra công ăn việc làm do đòi hỏi tự nhiên của phát triển.

Trẻ mồ côi tại Trung Quốc (hình: AFP)

Tình trạng bỏ thí con cái cho cô nhi viện sẽ ngăn cách chúng với gia đình. Nó khiến cho các tổ chức buôn người hay buôn bán cô nhi có thêm cơ hội làm ăn vô đạo đức.

Có ý kiến ngược lại là nơi những gia đình khốn khó, nếu cha mẹ không cho chúng vào ở trong cô nhi viện thì chúng sẽ phải làm những công việc dơ bẩn nặng nhọc để kiếm thêm tiền, và không có cơ hội được học. Chúng sẽ dễ sa vào con đường tội phạm, đĩ điếm; hay là miếng mồi ngon của bọn buôn nô lệ. Tóm lại, vấn đề không đơn giản như người ta nghĩ.

Better Care Network Netherlands ước tính trên toàn thế giới có khoảng 8 triệu trẻ em sống trong các cô nhi viện, 80% trong số này vẫn còn hoặc cha hoặc mẹ, hoặc có khi còn cả hai. Theo định nghĩa, những trẻ này không là “trẻ mồ côi”. Cuộc khảo cứu mới đây dựa trên những thăm dò tại Cambodia, Nepal, Trung Quốc, Indonesia…

Better Care Network không chống những hoạt động từ thiện nhằm gây quỹ cứu giúp các em cô nhi. Họ chỉ muốn nhấn mạnh tới những âm mưu lợi dụng không mang lại lợi ích thực sự cho các em. Thay vì giúp như vậy, nên tìm cách lập ra những kế hoạch giúp thẳng cho gia đình, tạo cho gia đình có điều kiện giáo dục con cái của họ. Nói tóm lại, nếu con trẻ còn cha hay mẹ thì chúng phải được ở nhà và hưởng sự chăm sóc của cha/mẹ. Nếu cần, sự giúp đỡ sẽ là giúp cho cha mẹ có điều kiện hay phương tiện để họ chăm sóc con cái theo như ước muốn của họ. Cô nhi viện chỉ là giải pháp cuối cùng, khi hoàn toàn không có một phương cách nào khác với sự tiếp tay của cha mẹ hay của chòm xóm.

Better Care Network Netherlands là một mạng lưới của một số tổ chức tại Hà Lan, trong đó có những cơ quan quốc tế có tầm vóc như Unicef, Defence for Children, với mục đích chung là tìm phương cách giúp đỡ cho các trẻ em tại các quốc gia đang phát triển nếu chúng không được hưởng sự chăm sóc thích đáng của cha mẹ.

Hiệp hội các văn phòng du lịch Hà Lan (ANVR) trong dịp hội chợ quảng bá du lịch vừa qua đã tổ chức những buổi hội luận với chủ đề “Nhân quyền và ngành Du lịch” nhằm khơi dậy sự suy nghĩ của những tổ chức du lịch khi lập tours.

Trẻ mồ côi tại Việt Nam (hình: Tormod Sandtorv)

Ở Việt Nam, nhà nước luôn luôn muốn thắt chặt sự quản lý những hoạt động từ thiện giúp cô nhi. Chính sách này lại sản sinh ra tình trạng tập quyền trong một xã hội mà việc chạy chọt bè phái được đại đa số (phải) chấp nhận như một luật chơi.

Lê Ngọc Vân
(01/2017)


Cái Đình - 2017