David Shukman


Trẻ em Việt Nam và nỗi lo sợ biến đổi khí hậu

Thế hệ trẻ Việt Nam đang lớn lên, đối mặt với nhiều rủi ro
và tác động của biến đổi khí hậu (GILES CLARKE)

Các thế hệ trẻ Việt Nam đang phải đối diện với các tác động ngày càng trầm trọng hơn của biến đổi khí hậu, như lũ lụt tàn phá, hay mất mùa.

Một bé gái vẽ bức tranh ác mộng trong đó mọi người đang kêu cứu trong dòng nước dâng cao.

Một em khác vẽ một con rắn khổng lồ với những chiếc răng sắc nhọn để cho thấy sự hung dữ và sức mạnh của cơn lũ.

Những bức tranh ám ảnh này là tác phẩm của các học sinh ở một trường tiểu học tại Cần Thơ, một vùng thường xuyên bị ngập lụt của Việt Nam.

Người dân ở đây sống trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), một lưu vực sông rộng lớn với các ruộng lúa phì nhiêu hút khách du lịch, nhưng nằm ngay trên mực nước biển.

Vùng đất này đang chìm dần, cùng lúc là mực nước biển dâng cao do trái đất đang nóng lên khiến mặt nước nở ra và làm tan băng.

Bức vẽ của một em nhỏ ở Cần Thơ về thảm họa lũ lụt

Tranh của trẻ em Việt Nam về lũ lụt

Đó là lý do tại sao mà vùng đồng bằng trù phú này, một trong những vựa lúa phì nhiêu nhất của thế giới, với 18 triệu dân, lại được ghi nhận là một trong những nơi dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu.

Các học sinh vẽ tranh là một phần của dự án do cô Florence Halstead, đến từ Đai học Hull, khởi xướng. Dự án nhằm nghiên cứu thái độ của giới trẻ đối với vấn đề biến đổi khí hậu.

Tại một trường tiểu học từng ngập lụt ba năm trước, Florence Halstead đề nghị các em nhắm mắt lại, nghĩ về lũ lụt, sau đó miêu tả các em đã thấy gì.

Em Lợi sau đó vẽ lại bức tranh gây sốc: Người dân đang kêu cứu trong dòng nước lũ.

Tố Như, bạn học cùng lớp, vẽ cảnh một bé gái ngồi một mình trên một chiếc thuyền đang trôi dạt về dòng nước xoáy.

Châu, ngồi cùng bàn, lại vẽ một cảnh tượng dường như quá đáng sợ đối với lứa tuổi nhỏ như em: những xác người trong dòng nước, dưới mặt nước, một con rắn quái dị đang ẩn nấp.

Ngập lụt nghiêm trọng

Đồng bằng Sông Cửu Long trù phú nay còn đâu? (VW PICS)

Lũ lụt thường xuyên xảy ra tại khu vực đồng bằng này.

Trong nhiều thế kỷ, lũ lụt đã đóng một vai trò có lợi, mang lại chất dinh dưỡng cho khiến vùng đất này trở nên vô cùng màu mỡ.

Nhưng, trong những năm gần đây, lũ lụt trở nên tàn phá hơn hơn; các dự báo tình trạng ngập lụt nghiêm trọng và thường xuyên hơn.

Các rào chắn đã được dựng lên. Nhưng dọc ven biển, có hàng trăm ngôi nhà đã bị cuốn trôi cùng những ruộng lúa màu mỡ quý giá.

Ông Lâm Văn Nghĩa, một nông dân chứng kiến cảnh đồng ruộng bị chôn vùi dưới những con sóng, nói: "Nước dâng lên quá nhanh khiến không kịp làm rào chắn ven biển".

Sản lượng lúa giảm

Đồng bằng Sông Cửu Long từng là vựa lúa của Việt Nam (STR)

Trầm trọng hơn, nước biển dâng còn làm vùng đất này bị nhiễm độc do bị mặn hóa, khiến sản lượng lúa giảm, hoặc khiến không thể trồng lúa được nữa.

Nhiều nông dân đã chuyển sang trồng cỏ, hoặc nuôi tôm, những thứ thích ứng với nước ngập mặn. Những điều này khiến sản lượng lúa bị sụt giảm.

Một chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp nhận định rằng thời kỳ hoàng kim của lúa tại ĐBSCL đã chấm dứt. Điều này tác động lớn đến an ninh lương thực và thu nhập quốc gia.

Thomas Rath, Giám đốc tại Việt Nam của Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế của Liên Hiệp Quốc, nói với BBC rằng "tất cả đều bị đe dọa".

"Sản lượng gạo đang bị đe dọa với 80% là để xuất khẩu, do đó, đây một rủi ro kinh tế lớn đối với Việt Nam", ông nói với BBC.

Đây là lý do tại sao Việt Nam, cùng với hàng chục quốc gia đang phát triển khác, cho rằng mục tiêu chính của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu - giới hạn sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 2C so với mức ở thời tiền công nghiệp - là không đủ. Việt Nam đang hướng tới mục tiêu 1.5C.

Hội đồng Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu, cơ quan khí hậu của Liên Hợp Quốc, đã đưa ra một báo cáo về lợi ích của việc đảm bảo giữ mức độ nóng ấm toàn cầu trong mức kiểm soát được, và những gì cần thiết để đạt được điều này.

Đo trầm tích

Nhiều đồng lúa Đồng bằng Sông Cửu Long bị mặn xâm nhập (CHRISTIAN BERG)

Để hiểu được sự thay đổi nhanh chóng của khu vực này, các nhà khoa học Anh và Việt Nam đang nghiên cứu dòng chảy của các dòng sông và trầm tích mà chúng mang theo.

Khi bùn lắng đọng lại trên các cánh đồng, nó làm tăng độ dày của đất, giúp chống lại tác động của nước biển dâng.

Tôi gặp Giáo sư Dan Parsons từ Đại học Hull, trên một con tàu chở đầy những thiệt bị để đo lượng trầm tích và đáy sông.

Việc đo đạc tiến hành trong 20 năm qua đã ghi nhận lượng trầm tích được mang về cho khu vực ĐBSCL đã giảm hẳn, nước trong hơn. Đó là do các đập ở thượng nguồn đã chặn phù sa chảy về hạ lưu.

"Một nguy cơ rõ ràng là lũ lụt," Giáo sư Parsons nói. "Cùng với đó là xâm nhập mặn do nước biển dâng tạo nên một cơn bão các rủi ro đối với người dân nơi đây."

Trong khi Giáo sư Parsons điều tra các thay đổi về mặt vật lý, học trò của ông, cô Florence Halstead, nghiên cứu các tác động xã hội, đặc biệt đối với thế hệ tương lai. Những người sẽ lớn lên và phải đối mặt với các ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.

Florence Halstead từ đại học Hull muốn tìm hiểu thêm về thái độ của trẻ em về biến đổi khí hậu

.

David Shukman
Trích từ: bbc.com, 05.10.2018


Cái Đình - 2018