Chu Nguyễn


Tình trai và tình lụy

Hai thi sĩ “đồng tính” người Pháp Rimbaud và Verlaine

Tình yêu là bản chất của nhân loại, cho dù là “đồng tính”, “dị tính” hay “lưỡng tính” hay “song tính” (homosexuality, heterosexuality, bisexuality). Đã có “chất tình,” thì khó tránh đam mê và nhiều cảm xúc. Cảm xúc và đam mê mang tới hậu quả ghen tuông, phụ bạc, cuồng trí, tự sát và đôi khi là tội ác hay nói như một thi sĩ tiền chiến “giết chết người trong mộng… để trả thù cho duyên kiếp phũ phàng,” hoặc đúng như một nhà thơ ta từng viết:

Cuộc đời mây nổi, nước triều,
Tình bao nhiêu, lụy bấy nhiêu hay gì!

Tình là lụy. Nếu dị tính để lại những thiên tình sử đẹp và bi thảm như mối tình Mỵ Châu-Trọng Thủy, Romeo-Juliet, thì đồng tính, nhất là “tình trai” cũng để đời với những thi nhân tài danh như cặp Rimbaud-Verlaine, Xuân Diệu-Huy Cận…

Có một bài thơ tình đã công bố lâu rồi rất nổi tiếng. Đó là bài “Biển”, sáng tác năm 1961. “Nguồn cảm hứng” cho Xuân Diệu viết bài thơ lừng danh là ai? Không phải Huy Cận như trong bài “Tình trai” mà gần đây người ta mới biết đó là “Hoàng Cát”, một chàng trai mà Xuân Diệu gửi tấm lòng từ thuở còn thanh niên. Trước một nhân chứng, Hoàng Cát đã lục tìm trong tủ sách của mình và lôi ra một “vật báu”. Đó là một cuốn sổ tay đã ố vàng có những dòng bút tích “Tặng em Hoàng Cát của anh” và chữ ký của Xuân Diệu. Bài thơ “Biển” được chép kín hai trang với những câu tình tứ và nồng nàn, không phải gửi cho má đào mà nhắn bậc trượng phu:

Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ, thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi

Đã hôn rồi, hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt…

“Biển” – bài thơ tình hay vào loại bậc nhất của thi sĩ Xuân Diệu – mà cũng là… “tình trai” chứng tỏ Xuân Diệu thực đa mang với chữ tình và đối tượng là nam nhi như thi sĩ đã xác nhận: “Thây kệ môi son với áo màu!”

Đọc lại hồi ký “Cát bụi chân ai,” mọi người vỡ lẽ, khi Tô Hoài viết: Ai yêu thơ Xuân Diệu, hiểu được thơ tình não nùng của Xuân Diệu, tình trai và tình gái không không phân biệt trai gái, phải thấu nỗi niềm và duyên nợ của nhà thơ, suốt đời nhớ thương và chờ đợi. Không bao giờ sầu não thất vọng, không bao giờ già, mãi mãi ban đầu…”

Hiểu được chân ái tình thì không tới nỗi ngỡ ngàng khi gần đây theo dõi báo chí Bắc Mỹ xúc động trước hai thiên bi kịch tình trai. Tình dẫn tới lụy và kẻ chết kẻ vào tù.

Vụ án giết người phối ngẫu ở Toronto

Nguồn tin từ tờ Star, ngày 7 tháng 6, 2018 cho biết vụ án tình “đồng tính” biến dạng thành mưu sát và sát nhân đã có kết quả chung cục. Phiên tòa diễn ra ở tòa Thượng thẩm (Superior Court) ở Toronto, dưới quyền chủ trì của chánh án Robert Goldstein, sau sáu tháng sôi nổi, bồi thẩm đoàn đã xác nhận Michael Ivezic, 57, và Demitry Papasotiriou-Lanteigne, 38, vào ngày 2 tháng ba, 2011, phạm tội cố sát Allan Lanteigne, 38, người phối ngẫu cũ của Demitry.

Hậu quả sẽ là cặp “gian phu-dâm phụ” sẽ lãnh bản tù dài hạn không được hưởng quyền xin khoan hồng tại ngoại quản thúc sau 25 năm bóc lịch sau chấn song sắt về thủ đoạn tồi tệ mà chánh án mô tả: “Đây chẳng phải là hậu quả của những người tình cãi lẫy, nóng giận trong chốc lát hay từ sự tranh chấp giữa một cặp nghiện hút. Mà đây là một âm mưu bỉ ổi, do hai kẻ sát nhân máu lạnh ra tay với một người đàn ông đàng hoàng, hiền lương. Nạn nhân chỉ có lỗi là có khoản bảo hiểm y tế quá lớn mà bị cáo Ivezic và Papasotiriou vì tham lam, đã sát hại để chiếm đoạt”.

Cũng cần nhắc qua cái thuở ban đầu của cuộc tình tưởng rằng đẹp đẽ:

Allan Lanteigne, từ New Brunswick tới Toronto lập nghiệp vào 1987. Chàng trai này tính tình mềm yếu, thích thú vui gia đình và làm việc cần cù. Từ tuổi thiếu niên Lanteigne thích kết bạn trai nhưng chưa tìm được người lý tưởng nên hy vọng ở nơi đô thị lớn tìm được hạnh phúc lứa đôi. Hy vọng của chàng dễ thành thực tế vì chàng có bề ngoài khá phong nhã lại có nghề nghiệp vững chắc là một kế toán viên cho đại học danh tiếng Toronto và lúc rảnh rỗi thì làm thêm cho một công ty cung cấp dịch vụ.

Trải qua nhiều cuộc tình trai, cuối cùng Allan Lanteigne ngừng thuyền ở bến nước và vào ngày 27 tháng 11 năm 2004 với một đối tượng bảnh bao có tên là Demitry Papasotiriou, ở Toronto, một luật sư gốc Hy Lạp. Cả hai mới gặp đã say bằng mắt và đắm trong tim, họ lập tức tới tòa thị chính ký hôn thú và xây tổ ấm tại căn nhà trên đường Ossington phía nam đường Dupont.

Tuy nhiên lâu đài tình ái mới xây chỉ vài ba năm sau đã lung lay không biết vì anh hay tại em. Chỉ biết vào 2009, nghe nói Papasotiriou có bạn trai mới là Michael Ivezic và với lý do theo học lấy bằng PhD bỏ sang châu Âu.

Cuộc tình Allan-Demitry lại kết thúc bằng một bi kịch. Trước hết là sự xung khắc, chàng một nơi nàng một ngả. Cuối cùng là thảm kịch với cái chết với bao dấu hỏi của kẻ đóng vai người bạn đời vò võ ở lại căn nhà tổ ấm trên đường Ossington: Allan Lanteigne!

Lanteigne, 49 tuổi, vào ngày 2 tháng, ba, 2011 nằm chết, xấp mặt, gần lò sưởi, ở ngay lối ra vào căn nhà ở Ossington. Thi thể người xấu số chỉ được phát giác vào ngày hôm sau.

Demitry Papasotiriou và dấu hỏi bao quanh

Khi lửa ân tình giữa Allan và Demitry nguội dần. Ngọn lửa của lò sưởi ở tổ ấm Ossington cũng tàn lụi. Thế mà như Tây phương thường nói “lửa tắt là gia đình tiêu diệt” (Feu eteint c’est la famille eteinte).

Kể từ lúc, vào 2009, Demitry Papasotiriou sang Thụy Sĩ theo học chương trình PhD tại đại học Lucerne thì ở lại căn nhà Ossington chỉ còn một mình Allan. Allan vẫn cặm cụi đi làm kiếm tiền gửi cho Demitry theo đuổi sự nghiệp, đồng thời tân trang, mở rộng tổ ấm chờ bạn tình trở về sau khi công thành danh toại .

Nhưng Demitry Papasotiriou có thực sự vì mục tiêu sự nghiệp mà xa bạn đời hay không? Hiển nhiên là không vì có chứng cớ Demitry vào 2010 đã trở về Hy Lạp ở với cha. Trong khi ấy một người đàn ông lạ xuất hiện. Chàng là người tình mới, Michael Ivezic, 53 tuổi đã có gia đình và là cư dân Mississauga. Ngoại tình chưa hẳn là một tội lỗi gì ghê gớm nhưng Demitry đã dùng mồ hôi nước mắt của Allan gửi cho mình để chi cho “bồ già” từ ăn mặc tới vé máy bay!

Xung đột về tài chính, dẫn tới án mạng? Mối tình tam giác đã gây ra thảm kịch?

Trong phiên xử hai bị cáo Demitry Papasotiriou và Michael Ivezic, liên quan tới cái chết của Allan Lanteigne, vào tháng ba, 2018, Công tố viên Anna Tenhouse tiết lộ Allan Lanteigne đã bị sát hại vì mối tình tay ba và có tiền bảo hiểm nhân mạng khá cao! Chính Demitry Papasotiriou và Michael Ivezic vì tham dâm và tham tài nên nhúng tay vào tội ác!

Một bi kịch khác xảy ra ở Mỹ là những nét khác rõ minh họa tình yêu thời đại.

Ái tình “tam giác” khi tan rã dẫn tới án mạng

Vào buổi sáng năm 1992, khoa cấp cứu một bệnh viện tại Mỹ nhận được cuộc gọi khẩn cấp từ người sống tại căn hộ ở Bắc Carolina. Khi đến nơi, các nhân viên y tế thấy một thanh niên đã tử vong.

Nạn nhân được xác định là Michael Hunter, 23 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học và đang làm lập trình viên. Bạn cùng phòng khai với cảnh sát rằng sáng hôm ấy, khi đánh thức Michael Hunter dậy để đi làm thì thấy anh ta bất tỉnh từ bao giờ.

Michael Hunter không có thương tích khả nghi nào trên cơ thể. Xét nghiệm máu cho kết quả dương tính với Lidocaine một loại thuốc gây tê với nồng độ gây chết người. Thông thường, loại thuốc này được sử dụng trong một số trường hợp khẩn cấp để làm ổn định nhịp tim. Tuy nhiên, nhân viên y tế khẳng định khi đến nơi thì thấy nạn nhân đã tử vong và họ không hề tiêm bất cứ thuốc gì.

Cái chết của Michael Hunter làm gia đình anh suy sụp. Cha của anh vì quá đau buồn đã rơi vào cơn trầm cảm kéo dài và tự tử sau đó. Vì đâu nên nỗi?

Mối tình đồng tính tay ba của Michael Hunter

Nguồn tin từ Psychologytoday, tiết lộ sau khi Michael Hunter tử vong, gia đình anh mới biết được sự thật đã được che giấu – con trai họ là người đồng tính. Michael Hunter sinh sống với hai người bạn cùng phòng: Garry Walson, một kiến trúc sư cảnh quan và Joseph Mannino, sinh viên năm 4 Đại học Y ở Bắc Carolina.

Những lời khai cho thấy ba người có mối quan hệ tình cảm, sống chung, thậm chí đã trao nhẫn và hẹn ước. Tuy nhiên, sau một thời gian sinh sống, mối quan hệ giữa Michael Hunter và Joseph Mannino dần trở nên xấu hơn. Họ không thể hòa hợp, thường xuyên có những xung đột và xảy ra cãi vã.

Sau một thời gian chung sống, Michael Hunter và Garry Walson quyết định yêu cầu Joseph Mannino dọn nhà đi nơi khác, yêu cầu này được đưa ra một tuần trước khi Michael Hunter tử vong. Trước khi xung đột, ba người đều ngủ chung một giường, nhưng trong suốt một tuần sau đó, Joseph Mannino phải ra ngủ ở phòng khách cho đến khi tìm được nơi ở mới. Phải chăng kẻ bị phụ tình đã trả thù kẻ phụ bạc?

Thời điểm xảy ra vụ án, Garry Walson đang ở xa, chỉ có nạn nhân và Joseph Mannino ở nhà, vì vậy người này nhanh chóng trở thành nghi phạm số một của vụ án. Tại cơ quan điều tra, Joseph Mannino khai rằng vào đêm đó, anh chỉ tiêm một liều an thần cho Michael Hunter vì nạn nhân bị mắc chứng đau nửa đầu. Cảnh sát cũng bất ngờ tìm thấy một chiếc đĩa mềm trong đồ đạc của Michael Hunter, trong đó có nội dung bức thư tuyệt mệnh được cho là của nạn nhân.

Trong thư, Michael Hunter kể về kế hoạch tự tử, giải thích do nghi ngờ mình đã nhiễm HIV. Cảnh sát không xác minh được đây có đúng là bức thư do Michael Hunter viết hay không, vì vậy gửi đến một viện nghiên cứu ngôn ngữ để nhờ làm sáng tỏ. Viện ngôn ngữ ILE do tiến sĩ Dr. Carole Chaski thành lập (the Institute of Linguistic Evidence, Inc.) và đề xướng ra phương pháp phân tích ngôn ngữ của một người tìm ra đặc trưng của người đó (forensic linguistics). Nhờ đặc trưng này, phương pháp điều tra mới, có thể phát giác ra sự giả mạo của kẻ gian đã nhân danh nạn nhân lưu lại một bức thư tuyệt mạng chẳng hạn,

Các chuyên gia đã so sánh văn phong trong bức thư với các bài luận, thư tín của Michael Hunter và nghi phạm, qua đó nhận thấy bức thư tuyệt mệnh có sử dụng một số lượng lớn các liên từ như “and”, “but” và những liên từ này được dùng để nối các câu dài chứ không phải nối các vế câu. Ngoài ra, người viết cũng sử dụng rất nhiều những trạng từ như “hopefully”, “truly”… thay vì sử dụng một trạng từ riêng biệt. Người viết có xu hướng sử dụng các trạng từ cùng với nhau như “never even”, “very very”… Cách viết này không thấy trong các bài viết của Michael Hunter, nhưng lại có trong cách viết của Joseph Mannino.

Thêm vào đó, xét nghiệm máu cho thấy nạn nhân không nhiễm HIV. Tại hiện trường cũng không tìm thấy bất kỳ chiếc kim tiêm nào, trong khi loại thuốc gây mê nạn nhân sử dụng sẽ làm chết người chỉ trong vòng hai phút – điều này mâu thuẫn với giả thiết đã tự tiêm thuốc để tự tử.

Khi bị các nhà điều tra cật vấn, Joseph Mannino đã bất ngờ thừa nhận mình chính là người viết bức thư, cũng chính là người tiêm loại thuốc an thần kia vào người nạn nhân. Tuy nhiên, mục đích ban đầu của Joseph Mannino là để làm giảm chứng đau nửa đầu cho nạn nhân, do không may gây chết người nên mới nghĩ ra cách “giả mạo” bức thư tuyệt mệnh kia.

Phiên toà xét xử Joseph Mannino diễn ra vào năm 1993. Qua lập luận từ phía luật sư, những sơ hở rõ ràng thể hiện sự bất ổn tâm lý trong “kế hoạch” của Joseph Mannino, một số thành viên trong bồi thẩm đoàn đã bị thuyết phục rằng vào đêm hôm đó Michael Hunter có thể đã đồng ý cho phép Joseph Mannino tiêm cho mình, và Joseph thực sự đã “không cố ý” tiêm quá liều gây chết người.

Joseph Mannino bị kết tội ngộ sát và bị phạt 7 năm tù, bị tước quyền hành nghề y.

.

Chu Nguyễn


Cái Đình - 2018