Chu Nguyễn


Thủ tướng ưu tú của Canada

Sir Wilfrid Laurier (trái), William Lyon  MacKenzie King (giữa) và John

Ngày 1 tháng bảy, ngày quốc khánh Canada, Canada Day (Fête du Cannada) là ngày sinh của liên bang Canada, ghi lại ngày ra đời của đạo luật có tên là Constitution Act, 1867 (còn gọi là đạo luật Bắc Mỹ thuộc Anh 1867 -British North America Act 1867) nhằm kết hợp ba thuộc địa của Anh tại Bắc Mỹ thành một hình thức liên bang gọi là Dominion. Ban đầu ngày trọng đại này được gọi là Dominion Day và từ 1982, sau khi đạo luật Canada Act được thông qua tại quốc hội, ngày này chính thức mang tên Canada Day.

Từ 1867 tới nay 2017, trải qua hơn một thế kỷ, đã có 29 vị thủ tướng và mỗi khi có một chính quyền mới ra đời, dư luận có khuynh hướng phẩm bình về công lao của các nhân vật đại diện Canada này. Kết quả nhìn chung có giá trị khách quan nhưng khó tránh đôi khi thiên vị và rơi vào chủ quan. Lý do? Trước hết các học giả tùy theo có khuynh hướng nào, bảo thủ hay tự do, khó tránh “thiên vị” khi đánh giá một vị thủ tướng đại diện cho khuynh hướng mình chọn. Hơn nữa, tùy theo hoàn cảnh lịch sử, trải qua hai cuộc Thế chiến, cuộc khủng hoảng kinh tế (Great Depression), Chiến tranh lạnh và theo tiến trình Canada tách rời dần khỏi Đế quốc Anh (British Empire) và trở nên độc lập, thì những vị thủ tướng có công trong việc mưu đồ độc lập cho Canada hẳn được xếp vào vị trí cao hơn các vị khác.

Cuối cùng, cũng vì hoàn cảnh chính trị trong và ngoài nước nên có vị thủ tướng cầm quyền trong thời gian quá ngắn, không có cơ hội ra tài kinh bang tế thế, nên khó đủ tiêu chuẩn để xếp hạng ưu hay liệt.

Nhóm Maclean’s vào cuối 2016 đã thực hiện một cuộc thăm dò quy mô việc xếp hạng thủ tướng Canada kể từ 1867 dựa vào phương pháp và tiêu chuẩn sau đây:

Họ đã mời 187 chuyên gia về chính trị, kinh tế, báo chí, lịch sử và bang giao quốc tế của Canada xin cho biết ý kiến phẩm bình các thủ tướng và nhận được 123 phúc đáp. Bản thăm dò nhắm vào các thủ tướng ít nhất có bốn năm tại nhiệm và nhằm đánh giá các khả năng sau đây của họ: điều hành nội các, thành công và duy trì được sự ủng hộ của đảng mình, công chúng và quốc hội, biến lời hứa thành hành động, chứng tỏ thanh liêm, để lại chứng tích khả quan cho quốc gia, bênh vực và kiện toàn vai trò Canada trong nước và ngoài nước, tạo dựng đoàn kết quốc nội và khéo lèo lái con thuyền đất nước khi gặp cơn sóng gió. Điểm sẽ cho từ 1 (dở) tới 5 (xuất sắc).

Tờ Maclean’s, trong năm 2011, lần thứ hai mở cuộc trưng cầu ý kiến các học giả để tìm ra những nhà lãnh đạo, ở vai trò thủ tướng, tài ba nhất trong lịch sử Canada. So với bảng xếp hạng lần đầu vào 1997, bảng 2011 đã có một vài thay đổi ngôi thứ quan trọng. Phải chăng công lao của các nhân vật lịch sử, qua thời gian thử thách đã được đánh giá chính xác hơn hay do khuynh hướng chính trị của thời đại thay đổi nên việc thẩm định thay đổi?

Đặc biệt các chuyên viên được tham khảo cũng nói rõ về giới tính, tuổi tác, cư ngụ tỉnh bang nào và bỏ phiếu cho ứng viên đảng nào trong cuộc bầu cử.

Kết quả cuộc thăm dò cho thấy trong việc xếp hạng, so sánh ba lần thăm dò, 1997, 2011, và 2016 thì dù thuộc nhóm dân số nào của liên bang, việc đánh giá vẫn không sai biệt mấy. Bất kể tuổi tác, khuynh hướng chính trị, giới tính, vùng cư ngụ hay lãnh vực chuyên môn của các chuyên viên, thì ba khuôn mặt lớn Laurier, MacDonald và King vẫn được xếp đứng đầu bảng.

Tuy thế, ba vị thủ tướng được điểm cao nhất, ở tư thế tranh nhau ngôi vị đệ nhất, được xếp hạng theo thứ tự không giống nhau trong các lần thăm dò.

Chẳng hạn trong bảng xếp hạng 2011, các học giả dù Bảo thủ, Tự do hay Tân dân chủ đều xếp Mulroney hạng chín, và John Diefenbaker hạng 10 nhưng vị cựu thủ tướng này được xếp hạng thứ bậc có khác tùy theo cử tri, cử tri miền tây xếp ông hạng 10, còn cử tri Bảo thủ, đáng lý ủng hộ ông, lại để ông vào thứ bậc 12 (Bảng xếp hạng 2016, ông ở hạng 11).

Nữ thủ tướng Kim Campbell đứng cuối bảng dưới mắt cử tri nam cũng như nữ, ở miền tây cũng như ở các miền khác Canada.

Những chuyên viên được hỏi đánh giá cao các thủ tướng có tầm nhìn xa rộng trong việc điều hành quốc gia. Ngoài ra, họ cũng xét xem vị thủ tướng nào đã tạo cho những năm mình cầm quyền một kỷ nguyên đặc biệt dù đương thời chưa nhận rõ. Khả năng điều hành chính đảng được coi là trọng điểm. Các điểm được xưng tụng khác là khả năng của nhà lãnh đạo tạo cho Canada uy tín trên trường quốc tế, cho việc thống nhất quốc gia và cho kinh tế quốc dân. Chính sách đối nội, không kể kinh tế và việc thống nhất liên bang, được phán xét ở mức kém quan trọng hơn so với các tiêu chuẩn trước.

Thời gian cầm quyền lâu dài cũng là yếu tố quan trọng trong việc xếp hạng. Một vị thủ tướng phải ở cương vị ít nhất bốn năm và nhiều hơn càng tốt. Ba vị thủ tướng ở đầu bảng đều ở chức vụ ít nhất 15 năm.

Bảng xếp hạng không làm người ta ngạc nhiên khi thấy 6 trong bảy vị đứng hàng đầu bảng thuộc phe Tự do vì trong khoảng thời gian từ 1896 tới 2006 đảng này đã chiếm vai trò thống lãnh chính trị toàn quốc Canada. Các vị thủ tướng đảng Tự do ở chức vụ lâu dài nên có cơ hội tạo cho “triều đại” của mình nhiều dấu ấn độc đáo.

Các nhà xếp hạng nhìn nhận khi so sánh phải để ý tới điều này: không có hai vị thủ tướng nào có cùng hoàn cảnh khi cầm quyền. Sao có thể so sánh cựu thủ tướng R.B. Bennett (1930-35), nhân vật cầm quyền sau cuộc kinh tế Đại suy thoái (Great Depression) với Louis St. Laurent (1948-57), xếp hạng tư trong năm 1997, nhân vật làm thủ tướng trong thời kỳ kinh tế thịnh vượng của thập niên 1950?

Nhiều chuyên viên được hỏi nhìn nhận vấn đề này và khi đánh giá đã mềm dẻo trong việc khen chê để có sự chính xác.

Ba vị đầu bảng

Ba vị đầu bảng kỳ xếp hạng năm 2011 là Wilfrid Laurier, John A. MacDonald và William Lyon  MacKenzie King (năm 2016 thì thứ tự là King, Laurier, MacDonald) thì ông nào cũng có nhiều công lao với Canada không về mặt này thì về mặt kia và dĩ nhiên cũng có một số khuyết điểm.

 MacKenzie King đứng đầu bảng xếp hạng của Maclean’s trong năm 1997 nhưng 2011 phải nhường chỗ cho Sir Wilfrid Laurier. Laurier được các học giả đánh giá ở tài khéo hòa hợp, hòa giải dân tộc, bằng cách tìm ra điểm chung giữa nhiều nhóm chính kiến và quyền lợi khác nhau.

Ngoài ra Laurier là nhân vật đầu tiên thành lập Hải quân Canada và Bộ đối ngoại (Department of External Affairs), đặt viên đá đầu tiên cho việc Canada đi tới độc lập. Chính phủ của vị cựu thủ tướng này lấy trọng tâm là miền Tây, mở rộng cửa cho di dân và thành lập hai tỉnh Alberta và Saskatchewan.

Học giả Tom Cook nhận xét Sir Wilfrid Laurier là lãnh đạo có đủ đặc điểm “nhiệt tâm, phi thường và là một nguồn thúc đẩy tinh thần cho hai ngôn ngữ ở Canada phát triển.” Chính Laurier được coi như là nhân vật đăt nền móng cho sự thành công của đảng Tự do trong thế kỷ 20.

Nhân vật thư hai là John A. MacDonald được đánh giá về vai trò kiến quốc. Ông là vị thủ tướng đầu tiên xây dựng đường xe lửa xuyên lục địa, hô hào nhập di dân, củng cố miền Tây Canada và phát triển lãnh vực chế tạo ở Canada với chính sách thuế “National Policy of high tariffs.” Ông cũng là lãnh tụ xiết chặt được hàng ngũ đảng có nhiều khác biệt của mình và thành công trong 6 cuộc bầu cử liên tiếp.

Cũng có nhiều người chỉ trích MacDonald như khuyết điểm không duy trì được sự hài hòa giữa dân Canada nói tiếng Anh và dân nói tiếng Pháp và trong việc kém bén nhạy trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến sắc dân Metis và các bộ tộc thổ dân. Cũng có học giả chê chính phủ của MacDonald bị tố là tham nhũng trong vụ xì căng đan Pacific vì đảng Bảo thủ của ông khi ấy đã thu hàng ngàn Gia kim của các nhà thầu khi cho họ thầu đường xe lửa liên bang. Còn bản thân MacDonald lại bị chỉ trích là tay nghiện rượu.

Ở bảng xếp hạng năm 1997,  MacKenzie King đứng hàng đầu, nhưng trong bảng vàng năm 2011, chính khách này tụt xuống hạng ba nhưng tỷ số phiếu (4,52) gần sát Laurier (tỷ số phiếu 4,59) và MacDonald (4,54) và ở vị trí bỏ rơi các lãnh đạo sau này khá xa. Sang 2016, ông King lại lên đầu bảng.

Các chuyên gia được hỏi cho rằng King có công đưa Canada từ một xứ thuộc địa tới tình trạng một quốc gia độc lập, từ một kỷ nguyên có chính quyền thu hẹp sang một thời kỳ có chính quyền phát triển có kỷ cương và từ thừa kế sự phân hóa của Đệ nhất Thế chiến tới xu hướng thống nhất đầy lạc quan và sự thịnh vượng sau Đệ nhị Thế chiến. King cũng được khen là là mở rộng mạng lưới an sinh xã hội sau thời kỳ kinh tế khủng hoảng. Ký giả Andrew Cohen đã khen King: “duy trì và thay đổi được Canada.” King tại chức sau trong 21 năm trời cầm quyền nhờ bén nhạy với sự thay đổi của công luận.

Có người nhận xét, King là kẻ cô độc, thần quyền, không lập gia đình, cố chấp, có chút mê tín và là một chính khách cực kỳ khôn ngoan, có viễn kiến và mưu trí. Nhưng có người chê ông trong việc ngược đãi người Canada gốc Nhật trong Đệ nhị Thế chiến và cho rằng đường lối này đã tạo “một vết nhơ trong lịch sử Canada.”

Các vị ở phần dưới bảng

Lester Pearson đứng hạng bốn trong bảng 2011, gia tăng thứ hạng từ 6 trong bảng 1997 và được điểm suýt soát (4,05) với ba nhân vật hàng đầu. Pearson có khuynh hướng cải cách, có công thúc đẩy xã hội Canada canh tân hóa. Trong bảng xếp hạng 2016 thì Pearson ở hạng 5.

Ông đã thực hiện chương trình y tế quốc gia, kế hoạch hưu bổng Canada (Canada Pension Plan) và kế hoạch tài trợ cao niên (Guaranteed Income Supplement for Seniors), tạo cho Canada một quốc kỳ đặc biệt và thành lập ủy ban giám định song ngữ và song văn hóa “Royal Commission on Bilingualism and Biculturalism.”

Các chuyên gia xếp Pearson vào hàng đầu về đối nội còn các mặt khác thì mờ nhạt.

Hạng năm trong bảng 2011 và lên 4 trong bảng 2016 là Pierre Trudeau. Trudeau được nhiều người kính phục và khen ngợi trước công lao như chống lại xu huớng ly khai của Quebec, thúc đẩy thành lập một hiến pháp độc lập cho Canada (tách khỏi Anh quốc), về việc thành lập hiến chương quyền và quyền tự do (Charter of Rights and Freedom).

Tuy nhiên, Trudeau bị chê là khiến miền tây nảy sinh xu hướng phân ly vì chương trình National Energy Program nhằm thu hẹp lợi nhuận của các tỉnh miền tây và vì quan tâm tới vấn đề Quebec quá đáng nên ông đã coi nhẹ các mặt khác. Trudeau cũng bị trách về việc ban hành luật 1970 có tên là War Measures Act để chống lại những phần tử cực đoan ở Quebec nhưng cũng vì thế mà tạo ra hố ngăn cách giữa dân Quebec và dân Canada nói chung.

Nhân vật hạng sáu trong bảng 2011 là Jean Chrétien (sang bảng 2016 thì ở thứ tự 7). Trong bảng phân ngôi thứ 1997 thì vì Jean Chrétien mới làm thủ tướng bốn năm nên thành tích chưa có gì, nhất là trong cuộc trưng cầu dân ý ở Quebec vào năm 1995, chính quyền ông suýt thua trong gang tấc. Nhưng sang 2011, các nhà nghiên cứu cho rằng ông có nhiều công lao như giải quyết được tình trạng ngân sách thâm thủng, không cho Canada tham gia cuộc chiến ở Iraq và cho ra đời luật Clarity Act đòi Quebec muốn ly khai phải đạt được điều kiện quy định và phải có sự thương lượng với Canada.

Tuy nhiên Chrétien bị chỉ trích vì chính quyền của ông thiếu sự đoàn kết nội bộ và vì nhiều nhân vật hàng đầu của đảng Tự do bị tố cáo là bao che tham nhũng ở Quebec.

Brian Mulroney ở hạng cao hơn Jean Chretien trong bảng 1997 nhưng trong bảng 2016 thì sụt hạng xuống hạng 8. Có lẽ uy tín của vị cựu thủ tướng này xuống thấp sau vụ tai tiếng ông ta có dính dáng tới thương gia Karlheimz Schreiber, một nhà buôn gốc Đức từng bị trục xuất về Đức ra tòa về tội mánh mung gian lận.

Stephen Harper, thủ tướng của Canada trong bảng xếp hạng 2011 được liệt vào vị trí 11 (trong bảng 2016 ông ở hạng 10.) Ông trở thành một trong những vị thủ tướng thành công đáng kể trong các cuộc bầu cử ở Canada. Điểm đặc biệt là đối với cử tri Bảo thủ, Harper cũng chưa được đánh giá cao. Harper bị chê về chính sách đối ngoại, về môi sinh và đoàn kết quốc gia và biện pháp giải quyết ngân sách thâm thủng.

Chu Nguyễn


Cái Đình - 2017