Trần Ngọc


Thế giới đón chờ một cơn lũ tuyên truyền giáng xuống từ Trung Quốc

Trong những năm tới, Trung Quốc sẽ làm cho bộ máy tuyên truyền của họ chạy nhanh hơn hiện tại.
Thông điệp gửi đến cho thế giới phải được gói ghém một cách thân thiện và khôn ngoan hơn – cho dù có phải ‘vung kiếm’.

Quay phim ảnh Tập Cận Bình trong Viện bảo tàng Đảng Cộng Sản Trung Quốc ©EPA

“Hãy đi vào các quốc gia để kể câu chuyện về Trung Quốc một cách tốt đẹp.” Với chỉ thị này, Tập Cận Bình vào năm 2012 đã tự giới thiệu mình – trong cương vị Chủ Tịch Đảng – đến báo chí thế giới. Chín năm sau, rõ ràng là ông ta không hài lòng khi thấy câu chuyện đã diễn biến ra sao, bởi vì mới đây ông Tập đã dành một ngày để bàn luận với Bộ Chính Trị về điều đó. Tất cả mọi đảng viên phải ‘nói lên tiếng nói đúng đắn’ để tạo cho Trung Quốc một hình ảnh ‘đáng tin cậy, hòa nhã và đáng kính.’ Cả thế giới giờ đây đang đợi một cơn lũ tuyên truyền khôn ngoan và tinh vi hơn từ Trung Quốc.

Trong nhiều thập kỷ, Bắc Kinh đã không dè sẻn về tốn phí cũng như công sức để bẻ cong quan điểm của công luận thế giới theo chiều hướng của họ. Sự bành trướng ra toàn cầu của truyền thông nhà nước Trung Quốc trong năm 2009 lên tới hơn 6 tỷ đô la. Mặc dù không có số liệu chính thức nào được công bố kể từ đó, nhưng vào năm 2017, theo chuyên gia người Mỹ về Trung Quốc David Shambaugh, 10 tỷ đô la đã được sử dụng để có được 'quyền lực mềm' của Trung Quốc. Kể từ đó, nỗ lực đã được đẩy mạnh.

Mọi chính phủ đều cố gắng gây ảnh hưởng đến dư luận thế giới thông qua ngoại giao công chúng, nhưng Trung Quốc làm điều đó với quy mô chưa từng có, họ không ngại ngùng trong việc đe dọa những người chỉ trích và việc loan truyền khắp mọi nơi các thông tin sai lệch. Cho dù các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc củng cố các tài khoản của chính họ, rồi còn vô số tài khoản giả mạo và với sự trợ giúp từ các đội quân trên mạng quậy phá trên các mạng truyền thông xã hội phương Tây như Twitter và Facebook, nhưng tầm ảnh hưởng của những vụ tuyên truyền được gắn liền với hình ảnh gấu trúc và đường sắt cao tốc không đạt được bao nhiêu.

‘Cộng tác biên tập với nhau’

Vì vậy, một chiến thuật cổ xưa hơn mang tên “mượn thuyền để ra biển” vẫn còn nguyên giá trị. Trung Quốc ‘kết bạn’ bằng cách lôi kéo các biên tập viên của các phương tiện truyền thông nước ngoài. Ví dụ như các bài báo và video từ đài truyền hình nhà nước CGTN và hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã được cho sử dụng miễn phí, giúp thiết bị cho các biên tập viên gặp khó khăn hoặc khẩu trang cho các nhà báo. Quà tặng khiến cho tâm trí chín mùi cho ‘một sự hợp tác biên tập’ triệt để hơn. Bất kỳ ai tham gia cuộc chơi cũng sẽ nhận thấy rằng nói xuôi theo đường lối của đảng là hình thức đối thoại duy nhất được chấp nhận đối với Trung Quốc.

Ảnh hưởng này lúc đầu không gây được sự chú ý, bởi vì Trung Quốc khi đó tập trung vào báo chí, các trang mạng và đài phát thanh dành cho cộng đồng người Hoa hải ngoại. Vào năm 2018, theo Financial Times, hơn 200 phương tiện truyền thông độc lập bằng tiếng Trung Quốc đã bê nguyên con các bản tin của các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc. Các bài báo của các biên tập viên mang tính phê phán đã bị chôn vùi bởi tuyên truyền được ban phát theo kiểu tặng không, cho đến khi chỉ còn lại âm thanh từ Bắc Kinh vọng đến. Phương pháp này cũng đã được áp dụng trên các phương tiện truyền thông đại chúng thông thường trong vài năm với mức độ thành công khác nhau.

Các tổ chức của nhà nước Trung Quốc cũng tuyển dụng các ứng cử viên từ các nghiệp đoàn nhà báo cho các chuyến đưa báo chí đi tham quan, với chi phí do Trung Quốc đài thọ, họ đã bị thâm nhập những điều tốt đẹp dưới ánh mặt trời của Trung Quốc. Trong các chương trình đào tạo đôi khi kéo dài hàng tháng, họ học cách kể câu chuyện đó và cách tự kiểm duyệt mình. Cũng có các khóa đào tạo của Trung Quốc cho chính phủ của các đối tác trong kế hoạch kinh tế vĩ mô Sáng kiến ​​Vành đai Con đường (BRI), họ được tiếp cận với cách quản lý truyền thông kiểu Trung Quốc, là tuyên truyền và kiểm duyệt, loại bỏ những người chỉ trích cứng đầu, và công nghệ cao của Trung Quốc làm mọi chuyện đó dễ thực hiện hơn.

Đôi khi có những bạn truyền thông nước ngoài bỏ ngang, cho nên đó cũng là lý do vì sao 'mua thuyền' cũng được phổ biến. Đó là những quảng cáo đắt tiền hoặc những thứ phụ trợ khác được họ trả phí tổn, nhưng ngày nay các công ty cho vay Trung Quốc cũng mua toàn bộ các công ty truyền thông. Trung Quốc dùng lưới lớn để bắt cá – là những app tải tin tức hay trò chơi trực tuyến, tất cả các kênh truyền thông đều hấp dẫn. Không có quốc gia nào được quá coi thường trong công tác 'hợp tác biên tập', mặc dù theo cơ quan giám sát dân chủ Mỹ Freedom House, ưu tiên của Trung Quốc là dành cho các nước lớn, các nước đang phát triển, các đối tác BRI và các nước có hệ thống chính trị độc tài hoặc quản trị thất bại.

Cơ sở hạ tầng

Theo nghiên cứu của Liên đoàn Nhà báo Quốc tế (IFJ) – một tổ chức quốc tế của các công đoàn nhà báo, truyền thông tại bốn quốc gia châu Âu đã rơi vào tay Trung Quốc. Tại Bồ Đào Nha, Tập đoàn Truyền thông Toàn cầu (Global Media Group) đã có phần hùn trong hai tờ nhật báo, một tờ báo thể thao, một đài phát thanh và các tạp chí. Một bước nữa là thiết lập một cơ sở hạ tầng toàn bộ cho truyền hình kỹ thuật số chẳng hạn, bao gồm cả phần lập trình và kiểm soát nội dung. Ở châu Phi, một công ty Trung Quốc cung cấp truyền hình kỹ thuật số giá rẻ tại ba mươi quốc gia.

Hiệu quả của tất cả những nỗ lực này cho đến nay hầu như chưa được nghiên cứu. Theo hai cuộc khảo sát của IFJ, các nhà báo tự coi mình là người kiên cường: sau cùng, họ nhận ra phong cách buồn tẻ và vụng về của các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc là tuyên truyền. Trong khi đó, sự tuyên truyền này đang lan tràn khắp các phương tiện truyền thông quốc tế đến mức Trung Quốc ngày càng phải chú ý hơn đến câu chuyện của mình. Nghiên cứu của IFJ ở 54 quốc gia cho thấy kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng do đại dịch corona, báo cáo về Trung Quốc đã trở nên tốt đẹp hơn ở hơn nửa số quốc gia được khảo sát, do kết quả của việc ngấm ngầm xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc để làm cho tin tức ngày càng chứa nhiều quan điểm của Trung Quốc hơn.

Thường thì các chiến thuật của Trung Quốc không hiệu quả, nhưng đôi khi chúng cũng mang lại hiệu quả và đó là tất cả những gì Bắc Kinh cần thiết: rằng sự thật – thứ sự thật của của Trung Quốc – đang lấn sân chơi, nếu cần thì chỉ từng câu chuyện một cũng được. Giờ đây, Chủ tịch Tập đang gia tăng cường độ khi ông cảm thấy ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với dư luận quốc tế đang tụt hậu so với thế lực của đất nước ông.

Zheng Ruolin giải thích lý do tại sao điều này lại xuất hiện trên truyền hình nhà nước Trung Quốc, nơi mà cựu phóng viên người Pháp này phàn nàn về việc không có người nói tiếng Trung trên các chương trình trò chuyện của Pháp. Theo Zheng, những người Trung Quốc bào chữa cho đất nước của họ trên các phương tiện truyền thông nước ngoài có quá nhiều rủi ro. Một sự lỡ lời đã có thể gây nên các vấn đề, có thể ở nước ngoài nhưng đặc biệt là ở trong nước. Zhang ủng hộ ‘quyền tự do phạm lỗi’, thậm chí ông còn thả ra những lời chỉ trích nhẹ nhàng về Trung Quốc, để những người nói tiếng Trung trở nên đáng tin hơn đối với người nước ngoài. Theo Zheng, nhà nước nên tổ chức đào tạo truyền thông cho việc này.

Trong khi Trung Quốc muốn tỏ ra dễ mến hơn, báo cáo tiếng Trung của Tân Hoa Xã về việc tăng cường tiếng nói của Trung Quốc trong diễn ngôn toàn cầu lại chứa đầy ngôn ngữ chiến tranh của ‘những thanh gươm’. Họ đè bẹp những quan điểm không được hoan nghênh, cho đến khi thế giới trở thành một cái hố vang vọng dư âm của các quan điểm Trung Quốc khắp nơi. Đó là lý do tại sao từ giờ trở đi, các đảng viên và quan chức sẽ bị đánh giá dựa trên đóng góp cá nhân của họ trong các hệ thống mới nhằm truyền bá câu chuyện tốt đẹp về Trung Quốc đến mức ưu thế của phương Tây tự động biến mất khỏi cuộc tranh luận quốc tế.

Các cố vấn của ông Tập tin tưởng chắc chắn rằng phương Tây đang ở những bước cuối cùng trong cuộc chiến thông tin này, vì Trung Quốc ‘âm thầm và thấm đẫm’ mọi người dân Trung Quốc từ trong nôi cho đến khi chôn bằng câu chuyện phải đạo. Người nước ngoài thì ít bị tuyên truyền hơn, Bắc Kinh biết điều đó, nhưng với một giọng điệu khác và là 'những người bạn mới' trên trường dư luận quốc tế, Trung Quốc nghĩ rằng chuyện này sẽ đi đến hồi kết.

.

Nguyên tác: De wereld wacht een stortvloed aan Chinese propaganda – Marijke Vlaskamp.
Trích từ: De Volkskrant, 27.06.2021
Người dịch: Trần Ngọc

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/xahoi/thegioidonchomotcon.htm


Cái Đình - 2021