Chu Nguyễn


Thảm kịch tại y viện và viện dưỡng lão

Trong thời đại chúng ta, bạo hành diễn ra tước đoạt tính mạng con người gần như ở khắp nơi trên thế giới và vào bất cứ thời điểm nào. Đó là bi kịch bình thường mà chúng ta không chứng kiến trực tiếp thì qua tin tức truyền thông đều biết. “Những điều trông thấy”, kẻ có tâm thì đau lòng, kẻ vô tâm thì mặc kệ. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng có một vài nơi vắng bóng bạo hành, đó là bệnh viện, dưỡng đường, trường học và những nơi thờ tự… Niềm tin này gần đây đã lung lay vì ở những nơi tôn nghiêm nhất, dạy người, cứu người, vốn được coi là cõi bình an, thì những cái chết của trẻ thơ, người ngoan đạo, bệnh nhân và các vị cao niên khi được phát giác đã khiến biết bao người bàng hoàng và thất vọng.

Nguồn tin Agence France Presse ngày 30 tháng 10, 2018, cho biết tại tòa án Oldenburg, Đức quốc đã diễn ra một vụ xét xử làm nhiều người đau lòng, thất vọng vì nạn nhân là những bệnh nhân, không còn đủ sức chống chọi với mầm bệnh, đành tạm rút khỏi cuộc sống quá xô bồ, nhiều áp lực, và trông chờ nơi những lương y như từ mẫu săn sóc họ, an ủi họ như mẹ hiền.Nhưng tất cả đã lầm, vì có người đã gặp chó sói đội lốt môn đệ của Hippocrates nên mất mạng một cách âm thầm và oan ức. Nhờ một tình cờ nào đó đã vén màn bí mật và một vài con sâu đã được loại bỏ khỏi nồi canh xưa nay vẫn coi là bổ béo, ngon lành.

Kẻ ra trước vành móng ngựa trong phiên xử có một không hai ở Đức quốc sau Chiến tranh thứ hai là Niels Hoegel.

Can phạm Niels Hoegel đã từng bị kết án tù và nằm trong nhà giam trên 10 năm về tội sát hại một số bệnh nhân bằng cách tiêm cho họ những liều thuốc không được chỉ định và với lượng quá liều. Ai cũng tưởng tên này giết người vì lầm lẫn trong nghề nhưng trong phiên xử mới, y đã nhìn nhận ngay, không phải chỉ sát hai ba bốn nạn nhân mà đã từng đưa trên 100 mạng bệnh nhân, từ tuổi 34 tới tuổi 96, tới quỷ môn quan trong những năm tự nhận vai trò cứu nhân độ thế.

Vài nét về sát thủ Niels Hoegel

Sát thủ Niels Hoegel

Xem mặt mà bắt hình dung? Nhưng khó có ai ngờ nhìn qua khuôn mặt tươi cười, dễ mến, thân hình tuy mập mạp nhưng đầy nét trẻ trung, Hoegel lại là tên máu lạnh lấy việc giết người làm vui.

Niels Hoegel, sinh ngày 30 tháng 12, 1976 ở Wihelmshaven, Đức quốc tốt nghiệp ngành y tá, được giao cho săn sóc bệnh nhân ở một số bệnh viện và dưỡng đường tại Oldenburg. Chết ở bệnh viện do bệnh nan y là việc thường. Nhưng bệnh viện Oldenburg lại có tỷ lệ tử vong cao, nhất là trong những ca mà Hoegel trực ca đêm. Từ mối nghi ngờ nên có người theo dõi.

Hoegel bị bắt vào năm 2005 khi chích cho một bệnh nhân ở Delmenhorst một liều thuốc không theo toa chỉ định. Năm 2008, hắn bị kết án bảy năm tù về tội mưu sát. Nghi can đã lãnh án nhưng nghi vấn chưa giải trừ. Phiên xử thứ hai trong khoảng thời gian 2014 - 2015 do áp lực của gia quyến nạn nhân khiếu nại về việc các công tố viên trì hoãn việc kết thúc vụ xét xử, Hoegel phải ra tòa về tội mưu sát 5 bệnh nhân khác và lãnh bản án 15 năm tù.

Nhưng tội ác của Hoegel không ngừng ở con số mươi nạn nhân mà trong phiên xử tháng mười, 2018, ngay ngày đầu khi bị công tố viên cật vấn, hắn đã thú nhận sát hại 100 bệnh nhân mà hắn có bổn phận săn sóc với mục tiêu đưa họ tới gần tử môn quan rồi tìm cách phục hồi tính mạng của họ để tỏ ra mình có khả năng và quyền quyết định sinh tử của người khác như Thượng đế. Nhưng thay vì tham vọng cứu họ từ phút thập tử nhất sinh, thì kẻ ngông cuồng, bất tài, thường tiễn họ sang bên kia thế giới.

Theo cáo trạng trong khoảng thời gian từ 2000 tới 2005, đã có 36 nạn nhân bị sát hại tại bệnh viện Oldenburg nơi hắn làm việc, và thêm 64 người khác, tại một dưỡng đường gần Delmenhorst, bị ngờ là bất đắc kỳ tử dưới những mũi tiêm lén của Hoegel.

Hơn 130 tử thi nạn nhân chết từng có Hoegel bên cạnh, đã được khai quật và có chứng cớ họ không phải chết một cách tự nhiên dù khó xác định họ chết vì thứ thuốc gì. Dư luận Đức quốc xôn xao và lên án giới hữu trách y tế ở Oldenburg vì sự thờ ơ, tắc trách trong việc theo dõi, điều tra trước những cái chết có nhiều dấu hỏi khiến kẻ phạm tội tiếp tục nhúng tay vào việc hạ sát những kẻ có lòng tin vào bàn tay lương y khi lâm trọng bệnh.

Không phải chỉ ở Âu châu mới có chó sói đội lột thầy tu mà ở Bắc Mỹ, ngay xứ Canada cũng có nữ ma đầu khoác áo Lê sơn thánh mẫu cứu nhân độ thế. Nhân vật quen tên biết mặt này là Elizabeth Wettlaufer.

“Angel of Death”

Elizabeth Tracy Mae Wettlaufer, sinh ngày 10 tháng sáu, 1967, nữ y tá có khuôn mặt tròn trặn, dáng mập mạp dễ thương nhờ có nụ cười tươi tỉnh, khó có ai ngờ lại là một sát thủ hết sức nguy hiểm đối với các vị cao niên chân yếu tay mềm, bệnh hoạn triền miên, sống chuỗi ngày hoàng hôn của cuộc đời, hoàn toàn trông cậy vào sự săn sóc của xã hội.

Elizabeth Wettlaufer là nhân vật thay mặt xã hội săn sóc những mảnh hồn và thân xác suy nhược trên. Họ được trông coi với tấm lòng lương y như từ mẫu chăng?

Nữ sát thủ Wettlaufer

Không, họ bị đẩy dần vào tử môn quan hoặc vì bị tiêm lầm thuốc (medication error) hoặc quá liều hoặc bằng một liều đoạt mạng.

Tài liệu trước phiên tòa cuối tháng ba, 2017 cho thấy, nếu Elizabeth Wettlaufer phạm tội sát nhân thì trách nhiệm của cơ quan quản trị viện dưỡng lão và y tế thực là sơ hở vì không kịp thời ngăn ngừa một tâm hồn bệnh hoạn phạm tội ác khó dung tha đối với các bậc cao niên không có khả năng tự vệ.

Người phụ nữ bỗng nhiên nổi danh là sát thủ có tâm địa độc ác, mới bước vào tuổi 50, nửa chừng xuân của cuộc đời, hành nghề y tá săn sóc người già và bệnh nan y từ 2007. Bà ta tốt nghiệp Baptist Bible College, London vào năm 1991 với chuyên nghành săn sóc tinh thần bệnh nhân và tiếp đó là chứng nhận hành nghề y tá tại Connestoga College vào năm 1995.

Từ 2007 tới 2014, nữ sát thủ này làm việc săn sóc cao niên và bệnh già tại trung tâm Caressant ở Woodstock (Woodstock Long Term Care Home). Công việc của Wettlaufer như được chỉ định gồm: “coi sóc thuốc men cho bệnh nhân, thực hiện huấn lệnh của bác sĩ điều trị, kiện toàn cách chăm lo cho cao niên và bệnh cao niên và giúp họ và gia đình họ yên tâm về mặt tinh thần.”

Tuy nhiên, trong bảy tám năm dưới quyền giám sát và săn sóc các vị cao niên của nhà già Woodstock, bị cáo đã làm gì? Phụ nữ bị cáo đã để lại nhiều tai hại cho đối tượng được săn sóc hơn là lợi ích cho họ. Bị cáo, thay vì săn sóc bệnh nhân, đã bị truy tố về tội, đã bằng cách này hay cách khác giúp họ về bên kia thế giới bằng insulin.

Ban đầu tội trạng của Elizabeth Wettlaufer chỉ bị coi là sơ ý, cho lầm thuốc, cho lầm liều lượng thuốc dù đã được nhắc nhở. Sau nhiều lần vi phạm, gây nên những cái chết đáng ngờ của sáu bệnh nhân, nên ban giám đốc nhà già Caressant đã đình chỉ công tác với bị cáo vào cuối tháng ba năm 2014 vì “không chấp hành đúng việc sử dụng dùng chất hormon insulin.”(for falling to follow insulin protocol.)

Phải chăng do quản lý lỏng lẻo của ngành y tế tỉnh bang, nên bị cáo vẫn giữ nhiệm vụ y tá ở vài trung tâm săn sóc người cao tuổi khác như ở Meadow Park, London và gây thêm dấu hỏi khi có bệnh nhân tử vong “được” bị cáo săn sóc và hai người khác suýt nữa rơi vào tay nữ tử thần.

Cho tới 2016, dấu vết “tội ác” của bị cáo đã buộc cảnh sát mở cuộc điều tra hành vi của bị cáo tác hại như thế nào đối với bệnh nhân. Lúc đó, bị cáo mới bị tước chứng chỉ hành nghề và bị truy tố về tội sát hại tám bệnh nhân. Cho đến nay bị cáo nhìn nhận sai lầm của mình trong trị liệu nhưng vẫn cho là do vô ý lầm lỗi chứ không cố tình sát nhân.

Sự thực ra sao?

Hành vi của Wettlauder bị nghi ngờ cố ý. Mới xét, xem ra chỉ là sự sơ sót của y tá như trường hợp đối với bệnh nhân là bà Doidge.

Tài liệu cho biết vào 26 tháng ba, 2014, nữ cao niên được Wettlaufer săn sóc và chích insulin liều cao không biết do sơ ý hay có mục tiêu nào khác.

Hậu quả tai hại không phải chỉ đối với một người bệnh mà có ít nhất gần một chục người bệnh đã bị chích loại thuốc chuyên trị tiểu đường dạng I. Insulin chẳng phải là thuốc bổ hay một loại thuốc giảm đau nào đó mà là thứ kích thích tố (hormone). Nó có tác dụng hạ thấp “mức đường huyết” (blood-sugar level). Một số người bị bệnh tiểu đường cần chích insulin nếu đường huyết lên cao, còn không mắc bệnh này mà bị chích insulin thì lượng đường ở máu sẽ giảm rất mau và có thể khiến bệnh nhân bất tỉnh và tử vong vì đường huyết giảm quá mức (hypoglycemia).

Hơn nữa, Wettlaufer có khuynh hướng tái phạm “tiêm lầm thuốc”. Chỉ trong vòng năm ngày sau khi bị tố là tiêm lầm thuốc cho bà Doidge và rồi bị sa thải, Wettlaufer lại bị tố chích bậy khiến Maureen Pickering, 79 tuổi, một bệnh nhân của Caressant thiệt mạng vào 28 tháng ba.

Từ đó hồ sơ được mở ra và việc điều tra đi sâu vào các trường hợp tử vong bất thường khác ở Caressant mà cái chết của các nạn nhân ở tuổi từ 75 tới 96, chỉ xảy ra khi Wettlaufer nhúng tay trực tiếp vào chữa trị hoặc trước đó vài ngày tử thần đến với họ. Các bệnh nhân này gồm James Silcox, Maurice Granat, Gladys Millard, Helen Matheson, Mary Zurawinski và Helen Young.

Wettlaufer cũng bị cáo toan sát hại hai cao niên khác ở Caressant là Wayne Hedges và Michael Priddle, và gây thương tổn trầm trọng cho hai bệnh nhân khác là Clotilde Adriano và Albina Demedeiros.

Còn nữa, chuyển sang làm việc ở trung tâm săn sóc dài hạn Meadow Park được khoảng năm tháng sau khi rời Caressant, thì một bệnh nhân tại nơi làm mới là Arpard Horvath lăn ra chết ở tuổi 75 sau khi được Wettlaufer chăm nom.

Bi kịch kể lại, vào mùa hè 2014, sau khi Wettlaufer lãnh trách nhiệm săn sóc Horvath thì giới hữu trách tại nhà già phát giác ông này bị huyết đường xuống thấp đột ngột và mặc dù cho dùng glucagon cũng chỉ tạm nâng mức huyết đường lên. Lần cuối vào 24 tháng 8 bệnh nhân ngất xỉu, mồ hôi ướt đầm toàn thân, hơi thở đứt quãng, nhịp tim thất thường… nên được đưa vào bệnh viện Victoria và một tuần sau thì qua đời tại bệnh viện ngày 30 tháng 8.

“Cái nết đánh chết không chừa”, Wettlaufer làm việc tại Telfer Place Long Term Care ở Paris, Ont., lại toan giở trò “thế thiên hành đạo” với bệnh nhân Sandra Towler vào tháng 9, 2015. Towler dưới sự chăm sóc của Wettlaufer được đưa vào bệnh viện với tình trạng đường huyết hạ thấp.

Cho tới lúc đó, chưa ai phát giác trò chơi quỷ quái hay sai lầm chết chóc của Wettlaufer nhưng vì cách cư xử của bà ta với các nhân viên trong trung tâm Telfer Place nên vào tháng tư, 2016 bị sa thải.

Còn nữa, tháng 8, 2016 Wettlaufer lại bị nghi ngờ toan sát hại Beverly Bertram ở một nơi dưỡng già tư nhân tại Oxford County

Cuối cùng, Wettlaufer bị truy tố về 8 vụ cố sát. Tại sao? Những cái chết của bệnh nhân ngờ là dưới tay của Wettlaufer đều có hiện tượng mức đường trong máu xuống thấp, bệnh nhân toát mồ hôi, đồng tử giãn ra, co giật, mê sảng… Tất cả đều là triệu chứng của hạ đường huyết quá mức do mức insulin xâm nhập vào cơ thể tăng cao .

Trước kết quả điều tra, Wettlaufer vẫn cho rằng do vô ý gây tội lỗi nhưng giới hữu trách cho rằng, hành vi của Wettlaufer là cố tình gây thảm án và dư luận đã gán cho bị cáo một hỗn danh là “nữ sát thủ insulin.”

Phải chăng Wettlaufer bỗng nhiên nảy sinh niềm tin mình có quyền thay thượng đế định đoạt số mạng người khác? Nếu như thế thì Wettlaufer quả là con bệnh thần kinh dạng nặng.

Một nguồn tin điều tra cho thấy bị cáo có thể nhận ra mình mắc bệnh điên nên vào mùa thu vừa qua đã nhiều lần tới Centre for Addiction and Mental Health để điều trị. Việc làm quá muộn màng. Nhưng có còn hơn không!

Tháng 6, 2017, Wettlaufer lãnh án tù dài hạn về tội cố sát tám nạn nhân, bốn tội mưu sát và hai tội bạo hành. Bản án dành cho bị cáo là án tù dài hạn, không có khả năng xin tại ngoại quản thúc sau 25 năm bóc lịch sau chấn song sắt.

Mới đây, tháng 10, 2018, một nguồn tin cho biết, Wettlaufer được chuyển trại từ nhà tù sang một dưỡng đường bệnh tinh thần ở Montreal, một nơi kẻ bị giam giữ có nhiều tự do thoải mái, có cơ hội làm vườn và vui chơi, giải trí… lại sẵn internet để hòa đồng sở thích với thế giới bên ngoài.

Nạn nhân không thể hồi sinh, niềm đau của thân nhân không bao giờ nguôi vì có rất nhiệu dấu hiệu khả nghi khi thân nhân họ nhắm mắt. Trước hết là có mặt của Wettlaufer bên cạnh người chết, lại thường xảy ra vào ca đêm khuya khoắt. Hơn nữa, Wettlaufer không phải là y tá mẫu mực, bà ta thường nghiện rượu và ma túy, lại ly dị và từng bị kỷ luật trong khi làm việc tại bệnh viện. Tại sao dấu hỏi sát nhân không ai trong giới hữu trách bệnh viện hay dưỡng đường chú ý và kịp thời ngăn chặn con chiên ghẻ gieo rắc mầm bệnh? Một tài liệu mới đây đã đặt giả thuyết, Wettlaufer có thể đã nhúng tay vào hàng trăm cái chết của các vị cao niên chứ không phải chỉ hàng chục. Trách nhiệm tại ai?

Một câu hỏi khác về các sát thủ như Niels Hoegel và Wettlaufer. Động cơ chính thức nào thúc đẩy họ giết người vô tội? Có chuyên viên bệnh học cho rằng họ đều là con bệnh thần kinh, hy vọng tìm thấy khoái lạc trong việc coi bệnh nhân là vật thí nghiệm. Hiển nhiên khoái lạc này chỉ là tạm thời và nếu muốn tìm lại hứng thú, cứ thế họ sẽ nhúng tay vào án mạng kế tiếp nếu không bị phát giác.

.

Chu Nguyễn


Cái Đình - 2018