Lâm Nhược Trần


Sự gia trưởng, độc đoán và tính bảo thủ

Như trong phần 1 có đề cập đến, văn hóa cùng nếp sống, sinh hoạt của người Việt, ngoài những đặc thù mang đậm chất dân tộc, thì nói chung chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi nền văn minh và tư tưởng Trung Quốc. Rất không may, sự ảnh hưởng này quá nặng nề và mang những đặc tính tiêu cực. Ba yếu tố điển hình nhất là sự gia trưởng, độc đoán và tính bảo thủ (chưa đề cập đến việc cùng chung một thể chế chính trị). Dân trí thấp kém cùng với nền văn minh tiểu nông, làng mạc, lúa nước lâu đời (khoảng 80% dân số sống ở nông thôn, chủ yếu làm nghề nông), đã góp phần làm tô đậm thêm cái tính chất gia trưởng, độc đoán, bảo thủ và khó tính của người đàn ông Việt Nam.

Dù đã trải qua nhiều biến động của thời cuộc, hơn 100 năm lệ thuộc nước Pháp và nhiều năm tiếp cận với các nền văn minh tiên tiến trên toàn cầu, khi xem lại chính mình, nhìn thẳng vào thực tế để thấy rằng, dân tộc Việt Nam là một trong những dân tộc bảo thủ nhất thế giới. Sự bảo thủ này được thể hiện rõ nét trên hầu hết mọi lãnh vực trong cuộc sống, từ các mối quan hệ dân sự đơn thuần cho đến những toan tính hay mưu đồ trị nước. Đó là nguyên nhân chính đưa đến sự trì trệ lâu dài mang tính hệ thống khiến cho xã hội và đất nước chậm phát triển so với tiềm năng thực tế mà thật ra nó phải có.

Đàn ông Việt Nam đa số có tính gia trưởng, thô lỗ và độc đoán. Điều này không có gì để bàn cãi. Trong vai trò làm ông, làm cha, họ là trụ cột của gia đình. Trong một xã hội thuần nông mà từ lâu, do trình độ nhận thức còn thấp kém, do hoàn cảnh lịch sử, kinh tế của đất nước, miếng cơm manh áo vẫn là yếu tố được quan tâm hàng đầu. Người làm ra tiền là kẻ có quyền, quyền ‘bất khả xâm phạm’, quyền ra mệnh lệnh và được phép định đoạt số phận người khác. Hấp thụ nền giáo dục truyền thống, người đàn ông Việt Nam không có thói quen tôn trọng quan điểm, ít chịu lắng nghe và chia sẻ công việc với vợ con của mình, kể cả trong những việc tế nhị liên quan đến quan hệ tình cảm riêng tư vợ chồng. Không cởi mở lắng nghe ý kiến của người khác còn là vì sĩ diện, lắng nghe là hạ mình, mà đàn ông VN thì sĩ diện lắm. Họ muốn chứng tỏ uy quyền và thể hiện thái độ lúc nào cũng cho rằng mình hay nhất, đúng nhất và giỏi nhất, đặc biệt đối với những người có vai vế thấp bé hơn họ, bất kể trình độ hiểu biết của người góp ý có cao xa như thế nào. Nói cụ thể một chút, không phân biệt hay hơn thua nhau về vấn đề học vấn, một người đàn ông ‘truyền thống’ có gốc gác là nông dân, lớn lên trong môi trường nông thôn, chung quanh toàn là những người nông dân ‘chính hiệu’, kể cả cái đại gia đình của họ, việc học hành hay cơ hội tiếp cận với thế giới ‘văn minh’ bên ngoài rất hạn chế. Nếu có một vài người, trong cái xã hội hạn hẹp đó, từ nhỏ đã nổi bật hơn hẳn nhiều người, họ có thể thông minh, khôn khéo trong quan hệ gia đình, bạn bè, đối tác hay tháo vát, nhạy bén trong việc làm ăn, nói chung là khá thành công trên thương trường và cuộc sống (chỉ trong môi trường thu nhỏ như đã nêu ở trên) lại thường xuyên được nhiều người đề cao, tâng bốc. Từ đây, ở các đối tượng này dễ hình thành nên tính cách tự mãn hay tự cao tự đại thái quá, lúc nào cũng có thể tự cho là mình hay nhất, giỏi nhất và đúng đắn nhất. Sự tự mãn quá lớn cộng thêm với tánh bảo thủ, gia trưởng và sự độc đoán cùng cực sẽ là tác nhân khiến cho cuộc sống của những người liên quan xung quanh sẽ chịu nhiều áp lực nặng nề. Muốn góp ý hay thay đổi tư duy ‘lệch lạc’ của họ do đó vô cùng khó. Trong cuộc sống thường ngày, nhiều người đàn ông, đặc biệt trong giới lãnh đạo và quan chức VN ít hay nhiều đều có những nhược điểm này. Nhiều bạn bè của tôi thường chia sẻ sự bất lực trước số phận đã sinh ra và lớn lên trong một gia đình có những đặc điểm ‘truyền thống’ như đã đề cập tới ở trên. Xã hội của ta vì thế sẽ còn tiếp tục bị tụt hậu và trì trệ lâu dài.

Với tinh thần Khổng Mạnh, đàn ông Việt Nam thích thể hiện quyền lực. Ngoài xã hội thì thích làm anh chị. Tại các cơ quan công quyền thì thích được làm xếp, mà làm xếp thì được nhiều thứ, không cần nói thì ai cũng biết, và điều này đã hình thành cái tánh quan cách rất đặc trưng Việt Nam. Trong gia đình, chúng ta thường thấy người chồng đi làm kiếm tiền là chủ yếu. Người vợ đi làm với số lương ít hơn thì hầu như công việc gia đình được giao cho phụ nữ. Anh chồng đi làm về gần như không động tay vào công việc gia đình. Nhiều phụ nữ Việt Nam khá vất vả vì vừa phải đi làm, vừa phải chăm sóc con cái, vừa phải lo toan hầu hết các việc gia đình.

Dù rất thương yêu con cái, nhưng với cái tánh nghiêm khắc, độc đoán của mình, người cha thường ít khi gần gũi và là người bạn thân thiết của những đứa con của họ, nhiều lúc còn khiến cho chúng cảm thấy e dè, sợ hãi và xem như hung thần.  Bên Tây thì ngược lại, giữa con cái và cha mẹ có sự bình đẳng, tôn trọng nhau tương đối rõ nét.

Trẻ con khá ngoan và biết cái gì được phép và cái gì không được phép làm. Thông thường cha mẹ thường quy định khá rõ ràng những gì được làm và những gì không được phép làm ngay từ đầu, trẻ con tuân thủ khá tốt những quy định này, cha mẹ biết tôn trọng và lắng nghe ý kiến của con cái, không ngần ngại mất thời gian trả lời, giải thích và hướng dẫn cho con em mình, không có tư tưởng áp đặt quan điểm và thậm chí áp đặt sở thích, ý muốn của mình cho con cái một cách phi lý mà không có lời giải thích thỏa đáng. Quan hệ giữa anh, chị em trong gia đình cũng khá rõ ràng, tôn trọng nhau, mọi thứ trong công việc và cuộc sống không quá lệ thuộc vào sự thân quen, họ hàng, phần lớn mọi người đều phải có ý thức độc lập, tự chủ, không giúp nhau được gì thì thôi, đặc biệt không làm phiền lòng nhau. Với tinh thần độc lập và tự lập cao, những cô gái Tây trước khi lấy chồng ít khi quan tâm đến yếu tố tài chính của chồng, để phải dựa dẫm, phụ thuộc vào chồng và được bảo bọc cho cuộc sống của mình sau này. Họ không có khái niệm hoặc đặt nặng vấn đề lấy chồng là để chồng nuôi (không quan tâm nhiều đến việc chồng giàu hay chồng nghèo, tương lai có đủ khả năng để nuôi vợ con không). Khi lập gia đình, họ cũng bình đẳng như người đàn ông, nghĩa là, ngay từ đầu, họ cũng góp phần rất lớn vào việc đóng góp công sức của mình để gầy dựng mái ấm gia đình cho tương lai.

Hấp thụ nền giáo dục cũ kỹ cộng với trình độ học vấn hạn chế đa phần hình thành nên những con người với nhận thức, quan điểm, cách suy nghĩ, cử chỉ, lời nói, hành động… mang tính gàn bướng, độc đoán và bảo thủ. Do ràng buộc đại gia đình, một số người, dù đã có gia đình riêng tư, vẫn vô ý thức và có thói quen ỷ lại vào người khác, họ luôn nghĩ rằng người thân (họ hàng) có bổn phận phải giúp đỡ hoặc chăm lo cho đời sống của họ khi họ gặp khó khăn hoặc có nhu cầu. Ai cũng có những nỗi lo toan riêng, tự tạo ra sự phức tạp và khó khăn để rồi không tự giải quyết được, bắt người khác phải gánh vác trách nhiệm thay mình. Quan điểm không phù hợp, suy nghĩ lệch lạc sẽ dẫn đến những lời nói, những nhận xét, những quyết định, những hành động, những việc làm sai trái, và hậu quả thì thường là rất tai hại. Điều đáng nói là sự việc này có thể lập đi lập lại nhiều lần, chẳng những gây khó khăn cho bản thân mà còn là gánh nặng, làm ảnh hưởng không tốt đến đời sống yên lành của những người thân xung quanh, và người có hiểu biết, có trình độ, có ý thức thường thấy rõ được vấn đề, muốn ngăn chặn mà không ngăn chặn được, rồi bất lực và phải đứng ra giải quyết cái hậu quả đó.

Nếu bạn không giúp đỡ thì cho là bạn bỏ rơi, không thương xót. Khi bạn phản ứng gay gắt hoặc tỏ thái độ lạnh nhạt, xa lánh… để rồi sau này khi có chuyện gì bất trắc xảy ra thì bị trách móc, và vì tình thương ruột thịt không thể bỏ được, bạn sẽ dễ cảm thấy day dứt và ân hận.

Bản thân tôi đã có quá nhiều kinh nghiệm ‘xương máu’ và đau thương với những người bảo thủ, độc đoán khi mà trình độ và sự hiểu biết của họ còn hạn chế. Họ có thể thông minh, bén nhạy hay thành công ngoài xã hội, ngoài thương trường, nhưng đối với gia đình thì lại thiếu sót trong việc cư xử. Với một người có hiểu biết, khi diễn giải hay bày tỏ quan điểm, dù có thực tế, đúng đắn hay xác đáng cỡ nào, ở một tầm kiến thức tương đối cao, (đôi khi còn đi trước thời đại), nhưng do những hạn chế bản thân, không tiếp thu được ý kiến một cách đầy đủ, tích cực, người ‘bình dân’ thường có khuynh hướng cho rằng kẻ ‘học thức nhiều lời’ kia chỉ biết lý luận suông, rập khuôn theo sách vở và lý thuyết. Nghịch lý ở chỗ, một con người, dù nhận thức có thấp kém thế nào, họ vẫn có khuynh hướng luôn tự mãn cho rằng những gì mình nghĩ, mình làm là hợp lý nhất, đúng đắn nhất (đặc biệt là đối với những người có chút uy tín hay gặt hái được ít nhiều thành công ngoài xã hội), ta khó có thể buộc họ phải nhìn nhận là đôi khi họ cũng mắc phải sai lầm. Trong một gia đình lao động bình thường, nhiều người có khuynh hướng coi trọng việc kiếm tiền hơn là chịu khó học tập để mở mang kiến thức. Do đó, người làm ra nhiều tiền hoặc giàu có thường được vị nể và được xem là tài giỏi. Sống trong một xã hội thực dụng cũng giống như lớn lên trong một gia đình ‘bình dân’, bạn là người có học thức uyên bác, trình độ học vấn hay sự hiểu biết có sâu rộng cỡ nào cũng ít khi được mọi người trân trọng, đề cao, kiến thức và sự hiểu biết của bạn cũng ít khi được thấu hiểu, công nhận, tiếp thu và được đánh giá một cách công bằng và đúng nghĩa nhất, bạn sẽ luôn cảm thấy cô độc. Ngẫm ra, trí thức và bình dân, hai thế giới và một khoảng cách nhất định khó có thể san bằng. Bình dân thì ngày càng thô thiển. Trí thức thì nhu nhược, ‘trùm chăn’ và yếu hèn.

Nói đến sự bảo thủ của đàn ông Việt Nam, xưa hay nay vẫn có nhiều điểm tương đồng. Xin trích lại 4 câu thơ của Nhà văn, Nhà văn hóa Phan Khôi:

Những kiếp người sống lâu trăm tuổi
 Y như một cái bình vôi
 Càng sống càng tồi
 Càng sống càng bé lại”. 

Với những người có tánh độc đoán, bảo thủ, để thay đổi cách suy nghĩ của họ thật khó. Trước tiên, họ ít khi ý thức rằng mình là người bảo thủ. Kế tiếp, vì bảo thủ nên họ có thể có những suy nghĩ, hành động và quyết định lệch lạc. Để thuyết phục, chứng minh cho họ thấy được sự lệch lạc đó tốn rất nhiều công sức và thời gian. Khi thực tế xác nhận (không phải trường hợp nào cũng dễ xác nhận) việc làm của họ là không đúng đắn thì, vì sĩ diện, phải mất thêm một khoảng thời gian nữa để họ chịu công nhận họ sai. Công nhận sai rồi nhưng để họ dễ dàng tiếp thu ý kiến xác đáng của người khác thì lại là một quá trình lâu dài. Tiếp thu ý kiến xong, họ có chịu thay đổi cách nghĩ, cách làm cũ kỹ của họ không lại là một chuyện khác. Đợi đến khi họ từng bước chịu thay đổi và sửa sai rồi bắt tay ngay để hành động thì mọi người trên thế giới đã cùng nhau bay lên cung trăng hết rồi. Để thay đổi tư duy của một người bảo thủ đã vô cùng khó khăn như thế thì thử hỏi, muốn thay đổi cái đầu của một tập thể (tập thể bảo thủ) mà trong đó, vì những lý do cục bộ riêng tư, không phải ai cũng có thiện chí, thì sự trở ngại đó còn có thể nhân lên gấp bao nhiêu lần. Một người ngu dốt có thể khiến cho một gia đình kiệt quệ. Một tập thể ngu dốt có thể biến một xã hội, một đất nước triền miên rơi vào tình trạng lạc hậu, trì trệ và khủng hoảng. Mọi sự cải cách ở VN do đó đều được thể hiện một cách rất chậm chạp, nửa vời và lề mề!!! Ở đây, tôi chưa tiện đề cập tới việc trung thành với một niềm tin, dù là phù phiếm, giống như một thứ niềm tin tôn giáo. Bạn đọc có thể vận dụng trí tưởng tượng phong phú của mình để tiếp tục khai triển sự việc cho rộng mở hơn để mọi người cùng tham khảo.

Tính bảo thủ và sự độc đoán còn thể hiện rất rõ nét, chẳng những trong giáo dục con cái mà còn rất phổ biến ở những người lãnh đạo tại các cơ quan công quyền, trong những sự việc liên quan đến chính trị (tôi sẽ đề cập đến trong một phần khác). Nhiều bạn bè của tôi, sau thời gian nỗ lực học tập ở nước ngoài, một số không muốn về nước làm việc, số khác sau khi về được nhận vào làm tại một số cơ quan. Sau một thời gian ‘cống hiến’, phần đông đều cho biết không thể tiếp tục làm việc lâu dài trong môi trường như thế được nữa. Lý do được nêu ra: Trình độ hiểu biết, nhận thức, tư duy của những người lãnh đạo ở các cơ quan nêu trên đều có một điểm chung là yếu kém và lạc hậu, đặc biệt tác phong quan liêu, bảo thủ và độc đoán. Không đủ trình độ, năng lực nhưng lại không chịu lắng nghe, không tiếp thu và trân trọng những kiến thức mới và đúng đắn. Họ yếu kém (đa số được làm lãnh đạo nhờ lý lịch tốt, do cơ cấu hoặc do có những mối quan hệ đặc thù khác) nên rất sợ mất cái ghế quyền lực. Họ có khuynh hướng nhận vào làm những người yếu kém hơn họ để bảo đảm sự ‘thông suốt’ và thái độ phục tùng tuyệt đối. Nếu anh giỏi và có tâm huyết nhưng vì những lý do cục bộ như đã nêu ở trên thì anh, những người trí thức trẻ sẽ dễ cảm thấy lạc lõng, dễ bị trù dập, nếu không biết khôn khéo để thỏa hiệp thì sớm muộn cũng bị loại bỏ, bị đào thải hoặc thấy bất mãn rồi tự động rút lui. Và cuối cùng, thời gian sẽ làm thui chột, mai một kiến thức bao năm tích lũy của bạn.

Nhiều năm qua, thông tin về các vụ phá thai (tại các cơ sở y tế chính thức và cả những cơ sở hoạt động chui), nhất là từ các em gái còn ở trong lứa tuổi vị thành niên tràn ngập trên các trang báo và việc này đã tồn tại từ rất nhiều năm, có chiều hướng gia tăng, rất đáng báo động. Trẻ sơ sinh bị vứt bỏ một cách nhẫn tâm và không thương tiếc, phát hiện kịp thời thì còn được cứu sống, nếu không thì cắn răng đem chôn, nhiều trường hợp không biết cha mẹ là ai. Theo con số thống kê chính thức của các tổ chức quốc tế thì nạn nạo phá thai trong lứa tuổi vị thành niên ở Việt Nam là một trong các trường hợp đứng đầu trên thế giới. Bên cạnh đó, 1 trong 4 em gái và 1 trong 6 bé trai ở vào lứa tuổi này bị lạm dụng tình dục. Các cơ quan chức năng đã nhìn nhận thực tế nhưng cho đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức hoặc có một giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Điều quan trọng, cần thiết và cấp bách nhất là việc đưa giáo dục giới tính vào học đường đã không được thực hiện triệt để mà nguyên nhân bắt nguồn từ sự lạc hậu trong nhận thức, từ tính bảo thủ truyền kiếp của người lớn, của các cấp chính quyền, của những người có trách nhiệm xây dựng và thực thi chính sách. Đây không chỉ là sự thể hiện quan điểm và nhận thức lạc hậu khi lo ngại chuyện ‘vẽ đường cho hưu chạy’ mà còn là thái độ tránh né hay sự giả vờ của những con người có những hành vi đạo đức giả.

Khi nói đến sự bảo thủ và tánh ích kỷ của người đàn ông Việt Nam, ngoài các hình thức như lạm dụng bia rượu, quan hệ trai gái ngoài luồng, bừa bãi thì hiện nay, nhất là trong giới thanh thiếu niên, rộ lên một hiện tượng mà nhiều người đặt cho nó một ý nghĩ nôm na là ‘những kẻ Sở Khanh’ hay ‘Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều’. Dù biết rằng, việc nạo phá thai có thể làm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bạn gái, nhưng thực tế có rất nhiều thanh thiếu niên, đàn ông nói chung chấp nhận hoặc yêu cầu bạn gái mình phá thai nhiều lần cũng chỉ với một lý do ngớ ngẩn, họ vô trách nhiệm, cẩu thả hoặc cảm thấy không quen hay không thích sử dụng bao tránh thai (bao cao su), chỉ vì nó không đủ… sướng. Khi mới quen nhau, nhiều đàn ông, thanh niên, vì không kiềm chế được dục vọng, luôn thúc ép bạn gái cho quan hệ. Nếu cô gái từ chối thì bị chê trách, bị gây áp lực. Vì lo sợ bị chối bỏ, các cô đồng ý chiều theo ý thích của bạn tình để rồi sau đó sẽ lập tức bị lên án là không đàng hoàng hoặc quá dễ dãi. Quan hệ xong, khi biết bạn gái có thai, họ tránh né, biến đi mất dạng. (Người phụ nữ nói chung nhạy cảm nên rất dễ bị tổn thương). Họ thản nhiên chơi bời, ham hố, dụ dỗ, ép uổng bạn gái dâng hiến ‘cuộc đời con gái’ cho mình, nhưng khi cưới vợ thì lại đòi hỏi vợ của họ phải là người còn trinh tiết. Tôi không lên án cũng như không khuyến khích việc quan hệ tình dục trước hôn nhân. Sự việc cần được xem xét, xử lý một cách thỏa đáng và tùy theo từng hoàn cảnh, từng trường hợp cụ thể. Tiết trinh không chỉ là cái màn mỏng nằm trong đường âm đạo (mà nhiều người cứ loay hoay đề cập tới trong những cuộc tranh luận trên báo chí) mà nó còn thể hiện tính cách, giá trị vô hình của một người con gái. Nhiều người đàn ông, do cảm tính, thường bị ám ảnh lâu dài (những hình ảnh lởn vởn trong tâm trí) và ít khi chấp nhận việc bạn gái hay vợ của mình đã từng ăn nằm với một người đàn ông khác (cũng như việc một người đàn ông khác đã từng ‘con ong đã tỏ đường đi lối về’ đối với bạn gái hoặc vợ của mình). Trong trường hợp này, dân Tây thực tế hơn. Do lỗ hổng về giáo dục, về văn hóa ứng xử, nhiều người trở nên ích kỷ và thiếu trưởng thành trong việc thể hiện tình cảm, đe dọa hay giết vợ, giết bạn tình khi bị từ chối, trong đó có cả việc sử dụng những thủ đoạn, những hành động đê hèn như tạt axit hay tưới xăng đốt người. Có những trường hợp, sau một thời gian yêu đương và đi quá giới hạn với nhau, rồi quay phim ‘làm kỷ niệm’, đến khi mâu thuẫn, người con gái chủ động nói lời chia tay liền bị bạn trai tung clip sex lên mạng để làm nhục.

Điển hình, ngày 20/06/2015, trên tờ Vietnamnet có đưa thông tin, một nữ sinh 15 tuổi, tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai tự tử (chết) bằng thuốc trừ sâu vì bị bạn trai 22 tuổi tung clip sex lên mạng để trả thù việc cô gái này nói lời chia tay để tập trung lo ăn học. Tôi thật sự không hiểu, ngày nay, những người đàn ông, những thanh thiếu niên được giáo dục, được nuôi dạy như thế nào mà lại có những hành động ích kỷ, ngu xuẩn và thấp hèn đến thế. Họ không có cả sự hiểu biết cùng cái ý thức của việc quan hệ tình cảm trai gái là sự tự nguyện, sự vị tha mang tính nhân văn, hai chiều, thay vào đó là những toan tính, những hành động bắt buộc, áp đặt mê muội đầy khiên cưỡng và tội lỗi.

Một ví dụ điển hình về tánh ích kỷ, thực dụng, gian xảo và thấp hèn của không ít người đàn ông khi lợi dụng bạn gái trong sáng, ngây thơ của mình để tiến thân. Tôi xin trích lại để rộng đường dư luận:

“Tôi đã mất đi cái ‘ngàn vàng’ trong đau đớn, nỗi đau đó khiến tôi không còn dám tin vào đàn ông nữa. Tôi tự nhủ với chính mình “Cuộc đời này chẳng thể tin ai, chỉ nên tin vào bản thân mình…”. Tôi và anh đã có quãng thời gian 6 năm quen biết, 4 năm hẹn hò yêu đương. Chúng tôi học cùng trường, anh hơn tôi một tuổi. Anh là người đàn ông chững chạc, hiền lành, tâm lý và sâu sắc. Ngay từ lần gặp đầu tiên tôi đã có cảm tình với anh. Chúng tôi yêu nhau được sự chấp thuận của cha mẹ hai bên, vì vậy để đến được với nhau, đi đến hôn nhân chỉ phụ thuộc vào tình cảm giữa tôi và anh. Chúng tôi đã từng hứa hẹn tốt nghiệp đại học xong nhanh chóng ổn định công việc rồi kết hôn. Mọi dự tính khi còn ngồi trên ghế nhà trường không giống như những gì đang diễn ra. Sau khi tốt nghiệp đại học tôi chật vật mãi vẫn không thể xin được một công việc ổn định. Lúc đầu chưa xin được việc nên tôi đành phải đi dạy gia sư, sau này được một vài người bạn giới thiệu cho một số chỗ làm. Nhưng công việc ở đó bấp bênh, vất vả mà lương lại bọt bèo nên tôi đành xin nghỉ việc. Một thời gian dài thất nghiệp tôi sinh ra chán nản, đã có lúc tưởng như muốn buông xuôi. Những lúc như vậy anh lại ở bên vỗ về, an ủi tôi khiến tôi cảm thấy vững tin hơn. Trong khi tôi vẫn đang vật lộn tìm việc thì anh lại được nhận vào làm ở một công ty xây dựng có tiếng. Chỉ mới 4 tháng đi làm nhưng dường như anh đã thay đổi rất nhiều. Anh thường xuyên chê tôi quê mùa, bảo tôi phải nhanh chóng tìm việc và ăn diện để phù hợp với anh. Hôm đó anh dẫn tôi đi ăn cùng giám đốc công ty anh, trước khi đi anh bắt tôi phải mặc váy ngắn, trang điểm đậm, nhưng lúc đó tôi chỉ nghĩ chắc anh muốn giữ thể diện với sếp mà thôi. Bây giờ ngẫm lại có lẽ đó chính là cái ngày anh đem tôi đi ‘chào hàng’. Lão sếp đó chính là người đã cướp đi đời con gái của tôi. Nhìn mặt lão khi ấy như muốn ăn tươi nuốt sống tôi, lão cứ nhìn đăm đăm vào ngực tôi, rồi chúc rượu tôi, khi đó tôi vừa sợ vừa khinh lão, nhưng vì người yêu nên tôi vẫn phải cố nín nhịn, vì sợ làm điều gì thất ý với lão nhỡ ra anh bị đuổi việc thì hóa ra tôi lại làm hại anh. Ra về tôi nói với anh là tôi không thích những cuộc gặp gỡ như thế này vì nó chả giúp gì được cho công việc của anh, nhưng anh cứ chối đi, và lần sau anh lại tiếp tục dẫn tôi đi. Đêm đó, là một buổi tiệc ngoài trời do công ty anh tổ chức nhân dịp sinh nhật sếp. Tôi vẫn phải mặc váy ngắn và phấn son đầy mặt, bước vào bữa tiệc lạc lõng. Anh bỏ mặc tôi ở lại bữa tiệc với một tin nhắn “Anh có việc riêng phải đi, em tiếp sếp giúp anh và anh ấy sẽ đưa em về”. Sau đó, lão sếp đã ‘chăm sóc’ tôi nhiệt tình, hắn chuốc rượu tôi, còn tôi thì sợ không vừa lòng lão thì người yêu của tôi sẽ gặp khó khăn trong công việc nên cứ thế uống. Và rồi tôi tỉnh dậy trên giường với lão, không một mảnh vải trên người. Tôi không thể nhớ được chuyện gì đã xảy ra chỉ biết bây giờ, tôi ở đây, bị cướp đi cái ‘ngàn vàng’ nhưng không phải với người tôi yêu. Tôi gào lên hỏi gã nhưng gã chỉ cười khẩy dâm đãng: “Hắn ta sẽ lấy con gái tôi làm vợ, hắn ta sẽ có ghế trưởng phòng, em còn yêu hắn không?”.

Tôi vùng dậy, lao ra khỏi giường vẫn còn kịp nhìn trên chiếc ga giường trắng tinh của khách sạn vương những giọt máu hồng của mình, mặc vội quần áo vào lao ra khỏi cửa, nước mắt cứ thế tuôn. Tìm về căn nhà trọ của anh thì không thấy anh đâu, nhà cửa đã trống hoác, điện thoại thì tắt. Tôi lê từng bước một về lại nhà mình trong tâm trạng hoang mang tột độ. Mấy ngày liên tục tôi đi tìm anh, đi tìm sự thật có phải anh đã… dâng tôi cho gã giám đốc già của anh hay không, nhưng hoàn toàn vô ích. Tôi đến cơ quan thì bảo vệ không cho gặp, điện thoại thì mãi không gọi được, vậy là tôi đã hiểu, những lời nói của lão ta là thật. Tôi đã mất đi cái ‘ngàn vàng’ trong đau đớn, nỗi đau đó khiến tôi không còn dám tin vào đàn ông nữa. Tôi tự nhủ với chính mình “Cuộc đời này chẳng thể tin ai, chỉ nên tin vào bản thân mình…” (5).

Nói đến vấn nạn nạo phá thai cũng xin điểm qua một chút về việc kế hoạch hóa gia đình. Nhà nước hô hào, toàn dân hưởng ứng. Nghe rất hay nhưng thực tế chỉ là những lời kêu gọi suông mang tính hình thức hoặc chạy theo thành tích. Những người có điều kiện kinh tế, trình độ như cán bộ công chức, dân trí thức thành thị, v.v… để nuôi dạy con cái thì hạn chế việc sinh đẻ. Thành phần nghèo dốt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những đối tượng không có điều kiện sống tốt cần được quan tâm đặc biệt thì việc quản lý lại bị buông lỏng. Nhiều người vẫn có thói quen cho rằng ‘Trời sinh voi sinh cỏ’, họ sinh con đông, không có điều kiện để nuôi dạy con ăn học nên người, làm việc cật lực vì miếng cơm manh áo, cuối cùng lại kể khổ, lại than phiền cho số phận, và rồi, sinh thêm con thì lại cứ sinh. (Ngày xưa ông bà ta đa phần làm nghề nông, sinh con đông để phụ giúp việc đồng áng và cũng vì lúc đó không có điều kiện để ngăn ngừa thì có thể chấp nhận được). Có người lại viện dẫn, sinh con đông, ‘về già, không nhờ được đứa này thì nhờ đứa khác’. Có thật vậy không? Nếu không được giáo dục tốt thì có đến 10 đứa con, đẩy qua đẩy lại trách nhiệm lo cho cha mẹ, rồi cũng có thể không nhờ được đứa nào. Với chỉ 1 đứa, chăm lo tốt cho nó, không có ai để ỷ lại, nó có thể tập trung mọi tình thương dành hết cho mình. Ngày nay, tôi cũng như một số người thật sự không hiểu lợi ích của việc sinh con hoặc sinh nhiều con là gì, (khi thế giới đang rơi vào tình trạng bế tắc của nạn nhân mãn), nhưng thiên hạ vẫn cứ nhắm mắt đưa chân mà làm như một thói quen, một nếp sống hay chỉ vì bổn phận? Những đứa trẻ trong hoàn cảnh như thế tiếp tục ra đời, trình độ không có nên rồi cũng sẽ tiếp tục bon chen trong cuộc sống mưu sinh, thiếu thốn mọi thứ cũng giống như cha mẹ của chúng, từ thế hệ này qua thế hệ khác, họ luôn là gánh nặng của gia đình và xã hội. Dân trí vì thế làm sao phát triển được. Ngẫm ra, cái vòng luẩn quẩn của sự nghèo đói, thất học, sinh con đông rồi lại thất học, đói nghèo… không biết đến bao giờ mới thoát ra được. Một người bạn của tôi, đi dạo ngoài đường, quá cám cảnh trước sự xô bồ, nhếch nhác của dòng người đông đúc chen chúc nhau trên một con phố, đã thốt lên mấy câu phũ phàng: “Thời buổi này, cọp beo ngày càng hiếm, có lẽ đã gần như tuyệt chủng, còn ruồi muỗi thì cứ thế mà sinh sôi, đầy đàn đầy đống.” Tại các thành phố lớn, vào giờ tan tầm hay những dịp lễ hội, đi đâu cũng gặp người, nhìn thấy thiên hạ đi qua đi lại thì đúng là mình muốn ngộp, người đông như kiến, thật sự đã quá tải. Bạn tôi lại đùa dai: “Nhiều lúc… nghĩ quẩn, dân số Việt Nam chỉ nên hạn chế ở mức 50 triệu người, phần còn lại, ai tự cảm thấy mình không xứng đáng làm người thì tự tìm cách ‘biến đi’, kẻ không đáng sống mà cứ nhởn nhơ tạo gánh nặng cho gia đình, cho xã hội thì tập hợp lại, trói chặt tay chân rồi quăng xuống biển!”.

“Mỗi khi các bà mẹ Việt Nam lên tiếng “Chị/tớ/em giờ chỉ tập trung lo cho con cái thôi, sức đâu mà lo chuyện ngoài xã hội!”, là mình lại vô cùng bối rối, vì mình không thể nào giải thích được thế nào mới là ‘lo cho con cái’ theo định nghĩa của họ. Mỗi khi than thở về những vấn đề như môi trường, tham nhũng, bầu cử, biểu tình, bất công…, mình luôn bị các bà mẹ (và cả các ông bố) phủ đầu, với lý lẽ là vì mình còn một mình, còn rảnh rỗi, thừa hơi nên mới lo chuyện linh tinh. Lời khuyên luôn là khi mình có gia đình, con cái như các bạn/anh/chị ấy, mình sẽ thấy lo cho gia đình mình là quan trọng nhất. Đặc biệt như các chị, giờ chỉ mong yên ổn để tập trung kiếm tiền nuôi con, để lo cho tương lai của con cái là mệt lắm rồi, lấy đâu ra hơi sức để mà lo chuyện bao đồng nữa. Nhưng mình lại thấy tất cả các vấn đề trên thực ra ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai con cái chúng ta. Hãy nhìn bản thân, nhìn xung quanh xem, có phải bạn đang chọn trồng cây trái, rau xanh tại nhà để tránh ăn bẩn. Chọn làm bình lọc trong nhà để không bị uống nước bẩn. Chọn bịt mặt bịt mũi ra đường để chống bụi. Chọn cho con học trường đắt tiền để con có tuổi thơ. Chọn đút lót cô giáo để con cái không bị trù dập. Chọn đút lót tiền Bác sĩ để họ làm đúng chức trách. Chọn chạy việc cho con. Chọn nai lưng ra đi làm thêm để bù đắp lại tiền lương thiếu hợp lý. Chọn mua thêm bảo hiểm bên ngoài dù đã bị bắt buộc mua bảo hiểm của nhà nước. Chọn dạy con phải ‘khôn ngoan’ khi ra đời, vì ‘xã hội đầy phức tạp’.

Thật ra, tại sao bạn không nghĩ tới việc tất cả cùng trồng cây sạch để công chức không phải đi làm cái việc của nông dân (điều này đồng nghĩa với việc yêu cầu nhà chức trách phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình, vì bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn cho người dân là việc mà chúng ta đã phải trả thuế cho Cục Vệ sinh và An toàn Thực phẩm). Tại sao không nghĩ tới việc phải đấu tranh để có được nguồn nước sử dụng trong sạch (và đây chính là chuyện môi trường, vấn đề mà đáng lẽ Bộ Môi trường phải có trách nhiệm). Sao không nghĩ đến việc yêu cầu các cơ quan chuyên trách phải đảm bảo việc quy hoạch phù hợp, bảo vệ môi trường để đi ra ngoài đường nếu ta bịt mặt là vì sợ đen chứ không phải sợ bụi. Sao không nghĩ đến việc đấu tranh để người làm công ăn lương có đồng lương xứng đáng, phù hợp hơn, để mỗi người có thể yên tâm lo cho cuộc sống với công việc chân chính của mình (nếu ai thích giàu có thì xin mời, cứ đi làm thêm, nhưng phải đi làm thêm để đủ mức sống tối thiểu là không phù hợp với định nghĩa của chữ tiền lương). Có như vậy họa chăng mới hết hiện tượng Giáo viên, Bác sĩ, công chức nhũng nhiễu, vì nếu họ sống vui vẻ với đồng lương, bên cạnh cơ chế nghiêm minh, những hành vi nhũng nhiễu sẽ dẫn tới khả năng bị sa thải, cân nhắc thiệt hại sẽ khiến họ chọn làm tốt công việc của mình để giữ được chỗ. Tựu trung, câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không nghĩ tới việc đấu tranh để có một xã hội minh bạch, nơi ở đó pháp luật được coi trọng, và ‘xã hội phức tạp’ được thay thế bằng việc ‘tôi không làm gì sai với luật pháp, tôi không sợ’? Rõ ràng, những vấn đề tưởng đao to búa lớn ấy thực ra là các vấn đề thiết thân, ảnh hưởng trực tiếp và thường xuyên lên cuộc sống của từng người hàng ngày.

Quay lại chuyện tương lai con cái. Bạn muốn con mình trở thành người thế nào? Tử tế, có cuộc sống hạnh phúc? Bạn thực sự nghĩ rằng bạn có thể dạy con thành người tử tế, khi chính bản thân các bạn đang bị cuốn theo cái xã hội đầy xấu xa, và các bạn không thèm làm gì khác ngoài nương theo cái xấu xa ấy để sống? Bạn dạy con thật thà bằng việc đút tiền cho thầy cô, Bác sĩ, cảnh sát giao thông và bao nhiêu dịch vụ công khác nữa? Bạn dạy con chính trực với việc đi mua việc cho con? Bạn dạy con sáng tạo với việc răm rắp nghe theo những bất công, những điều vô lý đầy dẫy quanh bạn? Các bạn đang sống đầy khốn khổ, và các bạn lại chọn không làm gì, vậy dựa vào đâu mà các bạn hy vọng con cái mình sẽ được sống một cuộc sống hạnh phúc?

Mình cực kỳ hoang mang khi cân nhắc tới việc sinh con. Nhưng mình còn hoang mang hơn nữa khi nhìn thấy phản ứng của tầng lớp có học trong xã hội Việt Nam trước những bất công của xã hội. Có con là mong ước chính đáng của mỗi người, và mình thực sự khâm phục sự dũng cảm của phụ nữ Việt Nam khi họ dám sinh con trong xã hội này, như thể họ chẳng thấy nó có vấn đề gì cả. Chưa cần nói tới chuyện mong muốn con cái khi trưởng thành trở thành người ‘khiêm tốn – thật thà – dũng cảm’, mình sợ với môi trường độc hại ở Việt Nam – nơi mình đang bị đầu độc, và con mình sẽ bị đầu độc từ trong bụng đến khi ra đời – không biết mình có sống để nuôi được nó tới lúc trưởng thành hay không? Hoặc giả, con mình có thể sống đến lúc trưởng thành để bắt đầu hành trình ‘tự diễn biến’ sao cho ‘phù hợp’ cái cái xã hội này không nữa? Mình không nhìn thấy bất cứ một tương lai tốt đẹp nào cho con cái mình, nếu mình cứ ‘kệ’ như cách các bạn chọn. Đấy, vì mình nghĩ thế, nên mỗi khi các bà mẹ Việt Nam lên tiếng “Chị/tớ/em giờ chỉ tập trung lo cho con cái thôi, sức đâu mà lo chuyện ngoài xã hội!”, là mình lại vô cùng bối rối, vì mình không thể nào giải thích được thế nào mới là ‘lo cho con cái’ theo định nghĩa của họ.” (6).

Những quan điểm, tâm tư, tình cảm được thể hiện trong bài viết của bạn Việt Anh và Hà Linh quá thiết thực, chân thành và xác đáng!!! Tôi ngưỡng mộ sự trung thực và lòng can đảm của bạn, hai bạn đã nói thay cho tôi những gì mà đã từ lâu tôi luôn ấp ủ trong lòng, đó có thể là tâm trạng của những ‘tâm hồn lớn’ gặp nhau.

Tôi là đàn ông, nhiều lúc không chịu nỗi cái tánh độc tài, độc đoán, gia trưởng, bảo thủ, ích kỷ hay sĩ diện hão của đàn ông Việt Nam, nhất là đàn ông sinh sống ở nông thôn. Hỏi tại sao một số phụ nữ Việt Nam cảm thấy bức xúc hay có mặc cảm với chồng, với cha hay với người đàn ông nói chung, họ tránh né hoặc chọn một người đàn ông Tây, Hàn quốc, Đài Loan, v.v… để làm chồng (vì quá lậm vào những nhân vật trong phim ảnh). Xin nói thêm một chút, Tây có những cái hay và cũng có những điều không phù hợp. Bất đồng ngôn ngữ, văn hóa, cách nghĩ, cách sống có thể làm cho mối quan hệ, bước đầu hay nhìn bề ngoài có vẻ rất hoàn hảo, nhưng khi vào cuộc thì phát sinh nhiều vấn đề cần phải được cân nhắc kỹ. Người Tây rất thực tế và phóng khoáng, trắng ra trắng, đen ra đen, không có sự nhập nhằng, khi yêu thương ai họ nồng nhiệt và có trách nhiệm, khi không còn tình yêu hoặc không thể đến với nhau được nữa thì họ rõ ràng, dứt khoát và sòng phẳng. Sự sòng phẳng này nhiều khi hơi máy móc đã khiến cho một số người hiểu nhầm, cho rằng họ là người xấu xí, không có thiện chí, không có tình có nghĩa.

Sự bảo thủ và sự thiếu óc cầu thị của đa số người Việt còn thể hiện cả trong các lãnh vực hay những hoạt động liên quan đến giới làm nghệ thuật. Âm nhạc, kịch nghệ, văn học thì quẩn quanh trong sự sáo mòn, nếu có đổi mới thì chỉ bắt chước người khác một cách thô thiển và hời hợt mang tính thời thượng. Năm 2005, quyển sách ‘Nỗi buồn chiến tranh’ của Bảo Ninh (một nhà văn đã từng là bộ đội) trước khi cho xuất bản đã bị kiểm duyệt gắt gao. Cuối cùng, quyển sách vẫn được cho ra đời, nhưng phải sửa lại cái tựa cho đúng ‘quan điểm’: ‘Thân phận của tình yêu’. Đối với chế độ ta thì chiến tranh phải cao đẹp và hào hùng, không thể có cái chuyện buồn đau vớ vẩn. Chiến sĩ của ta là những người anh dũng, hiên ngang, không sợ chết. Ta chiến đấu vì chính nghĩa, vì sự cao cả. Chỉ có địch mới bạo ngược, xấu xa, v.v… Trong lãnh vực điện ảnh thì tệ hại hơn. Hàng năm phát hành hàng chục phim truyện, hàng trăm phim truyền hình, đi tham quan học hỏi hay nhiều lần tiếp cận với các nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới cũng không tác động được chút nào đến cái đầu của những nhà làm phim (ngoại trừ một số nhỏ làm việc có năng lực và tâm huyết). Những cái lỗi sơ đẳng về xây dựng tình huống, tâm lý nhân vật, kịch bản, biên tập, đối thoại (như trả bài), v.v… cứ rập khuôn và lập đi lập lại nhiều lần, năm này qua năm khác vẫn không được khắc phục hoặc cải tiến cho tốt, cho phù hợp hơn. Nhà biên kịch hay đạo diễn có thói quen làm việc cẩu thả, thiếu chuyên nghiệp, hay áp đặt ý đồ, quan điểm chủ quan của mình vào nhân vật, những tình huống, những tính cách hay những lời thoại ngớ ngẩn và hoàn toàn giả tạo, không thật, không phù hợp với thực tế, nhiều lúc vì mục đích minh họa chính trị khiên cưỡng (chưa nói đến chuyện bị kiểm duyệt gắt gao). Vài thí dụ điển hình: Trong phim truyền hình dài tập ‘Bỗng dưng muốn khóc’ của đạo diễn Vũ Ngọc Đảng, một cô gái trong giới lao động, đi bán sách trên vỉa hè mà lúc nào cũng mặc chiếc áo dài trắng tinh khôi. Phim ‘Áo lụa Hà Đông’, đạo diễn Lưu Huỳnh lại lồng ghép vào đó hình ảnh cô gái tìm được chiếc áo dài trắng trong cơn hỏa hoạn rồi treo chiếc áo dài đó lên một cành cây, đưa qua đưa lại như đang phô diễn một lá cờ. Dù hình ảnh đó có mang ý nghĩa biểu tượng hay ẩn dụ gì đi chăng nữa thì cũng quá khiên cưỡng. Kế tiếp là việc minh họa trái bom rơi đúng ngôi trường có in rõ hàng chữ Made in USA to tướng. Cuối phim là cảnh có hậu, (như nhiều bộ phim khác), những cô gái Việt Nam mặc những chiếc áo dài trắng tinh khôi đi dạo trong công viên xanh tươi một cách hạnh phúc và an bình. Hình ảnh minh họa trắng trợn cố tình được lồng ghép với mục đích tuyên truyền. Trong phim ‘Duyên nợ miền tây’, cô gái đang thực tập tại cơ sở chăn nuôi bị bà chủ đuổi ra khỏi nhà. Đi lang thang ở vùng quê xa lạ một lúc, đói quá liền gọi mua một bao… rau đọt choại, không biết là thứ rau gì nhưng nhân vật chính vẫn cứ bỏ vào mồm nhai ngấu nghiến rồi nhăn mặt. Áp đặt một cảnh phim chẳng ăn nhập gì với thực tế, con người đang đói thì chỉ có tìm mua bánh mì, khoai lang, khoai mì… để ăn lót dạ, ai lại đi ăn đọt choại, một việc ‘sáng tạo’ thật khác thường.

Nhiều hoạt động nghệ thuật, hàng ngày được thể hiện trên sân khấu, trình chiếu trên TV, trong các rạp hát như phim ảnh, ca nhạc, kịch nghệ, cải lương, những chương trình giải trí, những buổi trình diễn thời trang, v.v… tất cả đều xuống cấp nghiêm trọng (chung một số phận với việc xuống cấp đạo đức xã hội). Tài năng thật sự thì không có mấy người. Những thứ nhố nhăng, lố bịch, hời hợt, xàm xí, ngớ ngẩn, rẻ tiền… thì được tô vẽ và tung hê đến mỏi cái mồm của người làm chương trình, của bọn sản xuất.

Riêng các chương trình quảng cáo trên TV, vì lý do lợi nhuận, tiền và chỉ là tiền, nó đã bị lạm dụng quá nhiều, chiếm lĩnh nhiều thời gian phát sóng, cách thể hiện đa số là vô duyên, nội dung thì cường điệu thái quá. Và việc làm thiếu văn hóa này của một số người thực hiện chương trình đã hàng ngày gây nên phản cảm và tra tấn người xem.

Lâm Nhược Trần

Trích từ: "Người Việt Nam Tồi Tệ" – Nghiên cứu văn hóa - Điều tra xã hội

________

Chú thích:

(5). Báo Đời sống & Pháp luật, số ra ngày 02/08/2015, tác giả Linh Anh.
(6). Báo mạng Vietnamnet, số ra ngày 06/06/2015, tác giả Hà Linh.


Cái Đình - 2017