Lê Ngọc Vân


Những nhà sản xuất dược phẩm sử dụng những bệnh nhân nghèo nhất ra sao?

Những phản ứng phụ đáng sợ trong khi thử thuốc tại những quốc gia nghèo khó.

Những hãng sản xuất dược phẩm thích thử thuốc tại Ai Cập.
Với nhiều bệnh nhân thì đây là cơ hội duy nhất để hưởng sự điều trị.
Khi một trong những người này kể về những phản ứng phụ trong một báo cáo gay gắt,
xí nghiệp Thụy Sĩ đã đến thăm bà. ‘Đó thuần là một cuộc o ép.’

.

Bà Dania người Ai Cập không cần phải suy nghĩ lâu la khi vào năm 2013 bà có thể tham gia vào một cuộc nghiên cứu y khoa của xí nghiệp dược phẩm Roche của Thụy Sĩ. Ba năm trước đó người ta đã cắt bỏ một khối u trong ngực của bà, nhưng bệnh ung thư vẫn tái phát. Di căn đã sang phổi và óc. Người đàn bà 60 tuổi không có tiền cho việc điều trị. Bà ta không có bảo hiểm y tế. Những giấy tờ mà bà phải ký cho việc tham gia cuộc thử nghiệm bà gần như chẳng đọc qua, bà đặt bút ký liền. Để cho bà còn có thể được hưởng sự điều trị miễn phí. Nhưng thứ thuốc mà bà dùng lại mang tới những phản ứng phụ đáng kể. Móng tay móng chân bị rụng, bà bị tiêu chảy nặng, da dẻ nóng rộp như bị phỏng. ‘Cái đau thường là không chịu nổi,’ bà nói.

Câu chuyện của bà Dania được ghi trong bản báo cáo về nghiên cứu y khoa tại Ai Cập, được đăng vào mùa hè năm ngoái. Các nhà báo Ai Cập trước đó đã phỏng vấn hơn ba mươi bác sĩ và chuyên viên và nói chuyện với mười hai bệnh nhân. Bản báo cáo được công bố do ba hội đoàn, trong đó có SOMO (Nederlandse Stichting Onderzoek Multinationale Ondernemingen). Những bản báo cáo như vậy xuất hiện thường xuyên và không được người ta chú ý nhiều. Bản báo cáo trên cũng gây được ít tiếng vang. Cho tới vài tháng sau khi công bố, xí nghiệp Roche bỗng nhảy vào khuấy động. Công ty mướn một luật sư bắt đầu dùng những thủ đoạn pháp lý lôi kéo, để sau đó trát đòi hầu tòa được gởi đến SOMO cách nay hai tuần. Hiệp hội này phải gỡ bỏ tức khắc những hình ảnh đăng tải trong bản báo cáo tiếng Hà Lan và thay đổi tên một người trong đó.

Ít có kiểm tra hơn

Roche không phải là nhà sản xuất dược phẩm duy nhất dùng Ai Cập làm nơi thử nghiệm. Đầu năm vừa qua đã có 21 công ty dược phẩm hoạt động trong nước này, từ những tổ hợp đa quốc gia lớn mạnh như Sanofi và Novartis cho tới những công ty nhỏ trong kỹ nghệ sinh học. Trong số 57 công trình nghiên cứu được thực hiện tại đây, một nửa là nghiên cứu về thuốc trị ung thư.

Thực tế thì nó lan tràn, giáo sư đại học Hans Hogerzeil của bộ môn Sức Khỏe Toàn Cầu của Đại học Quốc gia Groningen cho biết rành mạch. Ông nói: đối với những công ty dược phẩm thì các quốc gia đang phát triển phần lớn mang lại lợi ích kinh tế cho họ: cuộc khảo cứu rẻ tiền hơn và có được một nhóm lớn các người chịu làm vật thí nghiệm. Do bởi một nửa dân Ai Cập không có bảo hiểm. Họ không thể trả chi phí điều trị và coi chuyện tham gia cuộc nghiên cứu như là chiếc phao cuối cùng. Ngoài ra việc kiểm tra về lương tâm chức nghiệp ít chặt chẽ, ông Hogerzeil biết được như vậy vì ông trước kia là giám đốc về những dược phẩm thiết yếu của tổ chức Y tế Quốc tế WHO, chịu trách nhiệm trên những chương trình về dược phẩm được thực hiện trên hơn một trăm quốc gia đang phát triển.

Đôi khi những công ty dược phẩm được đưa vào những quốc gia đang mở mang để thực hiện cuộc khảo cứu, ông Rick Grobbee, giáo sư đại học về dịch tễ lâm sàng tại bệnh viện UMC Utrecht nói: nhiều quốc gia, trong đó cũng có Ai Cập, đưa yêu cầu là các nhà sản xuất dược phẩm trước khi được phép đưa một dược phẩm mới vào thị trường thì phải thử nghiệm nó tại đây. ‘Câu hỏi chỉ là điều đó có ích lợi gì hay không, bởi vì thuốc men mắc tới mức đa số dân chúng không thể trả tiền nổi.’ Thí dụ như vài thứ thuốc trị ung thư được thử tại Ai Cập có tốn phí trị liệu mỗi tháng bằng hai mươi lần mức lương tối thiểu.

Rồi việc giám sát những cuộc thử nghiệm lại còn có khi được thực hiện bởi những công ty do kỹ nghệ dược phẩm thuê mướn. Nó không phải là một phương cách tốt cho độ tin cậy của những kết quả thử nghiệm, theo như báo cáo.

Những kết quả làm đau lòng các xí nghiệp dược phẩm, khi mà họ được tham khảo trước những đoạn được công bố trong báo cáo. Roche có phản ứng, thế là các nghiên cứu viên nghe theo những đề nghị sửa đổi của họ. Trong câu chuyện của Dania công ty không có một lời than phiền nào cả.

Săn lùng

Emad Hamda, chủ nhiệm bộ môn ung bướu tại đại học Caïro nói:

‘Tôi có một ngân khoản hàng năm là 500 ngàn đô la. Chỉ nội việc chữa trị cho những bệnh nhân của chúng tôi đã tốn 1,5 triệu đô la. Chúng tôi không thể làm cách nào hơn là hỏi xin những công ty giúp tiền cho những phòng nghiên cứu của chúng tôi.’

Nhưng rồi có chuyện lạ lùng xảy ra: vài tháng sau, một phái đoàn của Roche kéo đến Caïro. Khi được hỏi ra, mới biết là công ty không hài lòng với bản báo cáo và họ đã lùng kiếm Dania. Tháng 11 năm 2016 bà được chín người của phái đoàn đến thăm. Bỗng nhiên Dania kể là bà không vui khi tên bà được nêu trong bản báo cáo, bài tường thuật chuyến thăm viếng giữa bà và những cộng tác viên của Roche – mà nhật báo de Volkskrant được xem, có ghi như vậy. Hơn thế nữa, bà nói với đại diện của phái đoàn Roche là trong đó có những điều bà hoàn toàn không nói. ‘Tôi cũng đã yêu cầu nhà báo đã phỏng vấn tôi rút lại bản báo cáo.’ Bởi vì những phản ứng phụ mà bà bị không có liên quan gì đến thuốc thử của Roche cả, bà kể. Những phản ứng này bà đã bị sẵn từ những cuộc điều trị khác. ‘Hơn thế nữa, tôi rất mừng là đã tham gia cuộc thử nghiệm. Tôi cũng sẽ khuyên những bệnh nhân khác nên tham gia.’

Một tháng sau, vào tháng mười hai, hiệp hội Public Eye, một trong những nhân sự soạn thảo bản báo cáo, nhận được trát hầu tòa. Bà người Ai Cập Dania hóa ra đã thuê một luật sư người Thụy Sĩ. Bà yêu cầu tên bà và hình ảnh của bà phải được bỏ ra, trong những văn bản pháp lý ghi như vậy. Bà nói đã không cho phép phổ biến buổi phỏng vấn. Điều đáng lưu ý là bà Dania được một luật sư đại diện mà ông này đã nhiều lần tranh cãi cho Roche. ‘Chuyện hiển nhiên là không có lẽ nào lại như vậy,’ Ayman Sabae, người làm cho chương trình Right to Health tại Ai Cập, cho biết qua điện thoại từ Caïro. ‘Làm thế nào mà một bà Ai Cập không có tiền lại có thể mướn một luật sư tại Thụy Sĩ?’ ‘Đó chỉ thuần túy là hăm dọa’, bà Irene Schipper của SOMO nói. ‘Ngoài ra đó là một chiến thuật hoàn toàn mới: lùng kiếm những người mà chúng tôi đã lên tiếng vì quyền lợi của họ để ép buộc họ đưa chúng tôi ra tòa.’

Walaa, một bệnh nhân bị ung thư phổi: ‘Tôi là bà nội trợ và tôi không có bảo hiểm. Tôi đã thật vui mừng khi tôi có được cơ hội để có thể được chữa trị. Tôi ký tên ngay vào tờ phiếu chấp thuận mà không đọc kỹ nó. Tôi tin là đó là một thứ thuốc của một hãng Mỹ. Dùng nó bao tử tôi bị phản ứng mạnh, tôi bị rụng tóc và bị thiếu máu trầm trọng. Sau đó tôi phải cho truyền máu rất đắt tiền.’

Dania thua kiện, phán quyết tòa án ghi như vậy. Những hiệp hội soạn thảo bản báo cáo đã trình ra trong phiên tòa  một đoạn ghi âm cho mọi người nghe trong đó bà ta cho phép phổ biến cuộc phỏng vấn và cho in hình ảnh trong báo cáo. Public Eye trước vụ kiện đã quyết định bỏ hết những hình ảnh trong báo cáo và chọn một tên khác cho bà ta. ‘Đúng ra không cần bắt chúng tôi làm điều đó’, Patrick Durisch của Public Eye cho biết. Ông ta nói vẫn không thể hiểu nổi vì sao bà ấy lại đem chúng tôi ra tòa. ‘Không lẽ nào mà bà ta tự làm như vậy. Bà ta cũng có thể điện thoại và yêu cầu bỏ tên ba ra khỏi báo cáo mà?’ Ông nghi Roche đã trả tiền luật sư, nhưng không thể trưng ra bằng cớ.

Một người phát ngôn của Roche phủ nhận điều này. Tuy nhiên người này cho biết đúng là công ty đã dàn xếp một luật sư Thụy Sĩ cho Dania. ‘Sau khi chúng tôi hay biết là bà ta không vừa ý với bản báo cáo, chúng tôi đã quyết định giúp bà.’ Và vì thế bà ta đã có một vị luật sư vẫn thường ra tòa để bênh vực nhân danh xí nghiệp. Chuyện một phái đoàn của Roche đi tìm bà ta là chuyện hợp lý, người phát ngôn nói. ‘Sự an toàn của bệnh nhân là ưu tiên hàng đầu của Roche. Bởi vì chúng tôi trong quá khứ không được thông báo về những phản ứng phụ nào như ghi trong báo cáo, cho nên chúng tôi muốn truy cứu xem cụ thể như thế nào.’

Nema, một phụ nữ 60 tuổi bị ung thư vú di căn:

‘Khi tôi được báo là tôi bị di căn, tôi biết là tôi không còn tiền cho việc điều trị nữa. Tôi đã sạch túi. Bác sĩ của tôi bảo rằng tôi có thể tham gia cuộc thử nghiệm và tất cả mọi thứ – thuốc men, xét nghiệm và xạ trị – sẽ được miễn phí. Tôi đã lập tức thuận. Sau đó tôi có cảm giác là tất cả những lo lắng của tôi đã qua.’

Những người soạn báo cáo vẫn không hiểu nổi Roche phải bận tâm ở chỗ nào. ‘Đó chỉ là trường hợp một bệnh nhân, mà không phải hoàn toàn xấu,’ Patrick Durisch nói. Tên của thứ thuốc đó không được nêu ra, nhưng rõ ràng là nó ám chỉ Perjeta, một dược phẩm trị ung thư mang nhiều hứa hẹn. Theo lời Durisch: ‘Có lẽ công ty thấy khó chịu khi có những phản ứng phụ được ghi nhận? Thuốc đó đương nhiên là mang tới nguồn lợi lớn. Sau khi những kết quả thử nghiệm đầy hứa hẹn được công bố, giá cổ phiếu của Roche gia tăng. Có thể họ sợ những công bố mang tai tiếng chăng?’

Lo sợ

Nghiên cứu viên Sabae tuần trước vừa gọi điện cho Dania. ‘Bà ta nói là bà chẳng có mướn luật sư gì cả, và không những thế: bà không hề biết đến tên ông luật sư đó. Roche bảo bà ký tên vào giấy tờ và bà ta làm theo lời như vậy. Tôi muốn giúp họ, bà ta nói với tôi. Đương nhiên bà đang ở trong một hoàn cảnh ngặt nghèo, bà cần thuốc mà không thể tự trả tiền. Bà ta có cảm giác bị áp lực.’

Qua bác sĩ bà hiểu là bà thắng kiện. Sabae phải nói cho bà ta biết là bà đã thua kiện và bà còn phải trả 7000 euro án phí và tiền luật sư. ‘Tôi không trả nổi, bà ta nói với tôi. Bà ta hỏi tôi có phải Roche giờ đây chấm dứt cấp thuốc cho bà hay không. Điều đó cho thấy bà sợ hãi hậu quả đến với bà như thế nào.’

©Roger Anis

Vấn đề lương tâm đạo đức và thiếu sót trong việc kiểm soát: ông Hogerzeil, cựu nhân vật hàng đầu của WHO đã quá nhiều lần gặp chuyện là ông không đồng tình với những cuộc thử nghiệm y khoa nơi những quốc gia đang phát triển. ‘Cũng là vì những bác sĩ thường được trả tiền cho việc tham gia của họ, như thế làm sao biết được hậu quả sẽ ra sao.’ Nếu cuộc thử nghiệm được thực hiện nơi một trường đại học thì sự kiểm soát về mặt khoa học phần lớn là được thực hiện chu đáo, ông nghĩ vậy. Nhưng những nhà sản xuất dược phẩm trong thời gian gần đây thường giao phó việc nghiên cứu cho những cơ sở được gọi là cơ quan nghiên cứu theo hợp đồng, đó là những cơ sở có đường hướng thương mại, họ tuyển lựa bệnh nhân và sắp đặt cuộc nghiên cứu. ‘Những tổ chức này đã hơn một lần dày xéo lên luật lệ’. Nghiên cứu viên chịu trách nhiệm không được đi chệch những qui định về đạo đức mà họ cũng tuân thủ ở những quốc gia tiên tiến, giáo sư Grobbee – đã từng hướng dẫn một số nghiên cứu về dược phẩm tại các quốc gia đang phát triển, nói. ‘Nhưng tôi không thể làm gì khác hơn là nghi ngờ chuyện này lâu nay được thực hiện tốt ở mọi nơi.’

Qua một nhà báo có dính dáng đến bản báo cáo, ông Sabae được biết là chủ nhiệm của một bệnh viện có liên quan đến vụ việc đã kiểm điểm những vị bác sĩ. ‘Ông xem, những cuộc nghiên cứu này mang lại lợi ích cho tất cả mọi bên tại Ai Cập,’ ông Sabae nói. ‘Bệnh nhân nhận thuốc miễn phí, bác sĩ có thể công bố kết quả nghiên cứu và trường đại học kiếm được tiền nhờ đó. Bản báo cáo của tôi đe dọa sứt mẻ cái hệ thống đó, vì vậy đám chóp bu mới hoảng lên.’

Ông Sabae không thấy là những chuyện lôi thôi này sẽ có hậu quả tiêu cực. ‘Các nhà sản xuất dược phẩm không ngưng những cuộc nghiên cứu của họ đâu, họ rất cần những quốc gia này. Chúng tôi chỉ mong ước là bản báo cáo sẽ dẫn đến việc từ nay họ sẽ tuân theo những quy tắc quốc tế về đạo đức mà thôi.’  

Nguyên tác: Hoe farmaceuten gebruikmaken van de allerarmste patiënten, Tom Kreling & Ellen de Visser. Trích từ: De Volkskrant, 04.04.2017.
Người dịch: Lê Ngọc Vân


Cái Đình - 2017