Nguyễn Hữu Thời


Ngã 5 Chuồng Chó

.

Mấy năm gần đây, tên gọi ngộ nghĩnh cái giao lộ thuộc đất Gia Định này đã được đổi thành NGÃ 6 GÒ VẤP, vì có thêm một con đường mới mở tên là Trần Thị Nghỉ (ai đây ?)

Trước 1975, từ ngã tư Phú Nhuận, nếu đi thẳng con đường Võ Di Nguy nối dài (bây giờ là đường Nguyễn Kiệm), sẽ thấy ở bên trái vài ba ngọn đồi thoai thoải phủ cỏ xanh mướt; đó là sân golf, dành cho người Mỹ và giới thượng lưu Saigon. Cuối sân golf là công viên rợp bóng cổ thụ, nhìn sang Ngã Ba Chú Ía. Ở góc ngã 3 này có Trại Khóa Sinh Không Quân, Trường Sinh Ngữ Quân Đội, ngay góc Ngã 3 là Trung Tâm Tiếp Huyết liền kề với Tổng Y Viện Cộng Hòa, quân y viện lớn nhất của VNCH, được bao bọc bởi 2 dãy tường bê tông chạy dài đến tận Ngã 5 Chuồng Chó. Ngày đó, đây là khu vực quân sự, thưa thớt dân cư, nhiều căn cứ và doanh trại quân đội. Ngay ngã 5 Chuồng Chó có Trung Tâm Huấn Luyện Quân Khuyển chuyên nuôi dạy chó làm lính. Rẽ vào đường Quang Trung (nắng đổ xa xôi...), đi một đoạn sẽ gặp Trại Cổ Loa là nơi đặt Bộ Chỉ Huy Pháo Binh; đi tiếp qua nhà thờ Hạnh Thông Tây (do ông Lê Phát An, cậu của Nam Phương Hoàng Hậu xây dựng năm 1921) sẽ thấy Nghĩa Trang Quân Đội Gò Vấp (bị giải tỏa đầu tiên sau 1975). Từ Ngã 5, nếu đi đường Nguyễn Oanh, sẽ gặp Trại Phù Đổng, bản doanh của Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp, gần đó là Quân Lao (nơi thọ án của các quân phạm). Có thể nói, dân quân miền Nam rất quen thuộc cái Ngã 5 này và con đường Quang Trung vì là con đường khóa sinh về phép từ Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung và là con đường đi thăm lính (Hôm nay, ngày chủ nhật...). Lính tác chiến sống nay chết mai càng không xa lạ gì khu vực này, nơi có nhiều “chị em ta” luôn chờ đợi để phục vụ các anh.

“ Sờ túi tìm giấy bạc
Đù má còn một trăm
Làm sao lên Gò Vấp
Ghé động đĩ bà Năm...”

     (Thơ Linh Phương)

Kể từ những ngày đầu năm 1973 cho đến mãi năm 1998, tôi mới trở lại con đường Quang Trung để rồi tiếp tục đi đi-về về trên con đường này (May quá; tên đường đã không bị thay thế, bằng tên của một chiến sĩ “cách mạng” nào đó như Bơ, Bánh, Ăn, Nghỉ…!). Năm 1998. khi tôi rời nội thành để ra ngụ cư ở vùng ngoại ô này, dân cư còn ít, một vài dấu vết xưa cũ vẫn còn sót lại. Bây giờ, đã hơn 20 năm, tốc độ đô thị hóa đến mức chóng mặt. Chằng còn gì là “ lối xưa xe ngựa”…

Hãy nghe câu chuyện của một người vợ lính, một nữ Việt Kiều về thăm quê hương, đi tìm lại “hơi ấm cũ” ở Nghĩa Trang Quân Đội Gò Vấp. Đến nơi, chị hỏi thăm một người đàn ông bán kem dạo dọc đường, lại là một cựu quân nhân QLVNCH, và được người cựu binh này kể, như sau:

– “Thì ra mình là nguòi nhà cả… hồi xưa tôi cũng có đi lính, đóng ở ngay Trường Sinh Ngữ Quân Đội gần đây thôi. Mọi chuyện đổi thay hết rồi cô ơi! Không biết cô vượt biên từ năm nào, nhưng kể từ sau khi tụi nó vô, nó phá tan hoang hết rổi cô ơi! Trường Sinh ngữ bị phá, Quân Khuyển cũng phá, Trung Tâm Tiếp Huyết cũng chẳng còn. Tổng Y Viện Cộng Hòa cũng phá, xây lại cái khác đề tên là Tổng Y Viện Quân Đội 175. Nghĩa Trang Quân Đội Hạnh Thông Tây Gỏ Vấp bị nặng nhất, tụi nó đào mả lính của mình lên, san bằng thành bình địa rồi cho lập hãng xưởng tùm lum hết, cô không còn nhận ra nữa đâu. Mồ mả của anh em bà con của cô chắc chắn cũng đã bị cầy xới hết rồi, không còn gì nữa đâu mà cô đi tìm”. (Trích Những Người Muôn Năm Cũ, của Nguyễn Khắp Nơi)

.

Nguyễn Hữu Thời
30/1/2020


Cái Đình - 2020