Chu Nguyễn


Nạn đa phối ngẫu thời nay

Một gia đình đa thê con đàn cháu đống ở Bountiful, B.C.

Luật pháp ở những nước văn minh về hôn nhân quy định chế độ một vợ một chồng (vi phạm luật có thể bị phạt tù tới 5 năm như đạo luật hình sự – criminal code 293– của Canada quy định). Tuy nhiên, không phải sang thế kỷ 21, nạn đa phối ngẫu (polygamy) không tồn tại.

Có nhiều người tin rằng nạn đa thê là hủ tục từ thời phong kiến và chỉ ở những nước lạc hậu mới tồn tại chế độ này như ở ta xưa, một gia trưởng có thê, có thiếp, lại còn có nàng hầu. Nghĩ thế là lầm, vì chẳng ở đâu xa ngay tại Mỹ và Canada vẫn tồn tại các cuộc hôn nhân một chồng, năm ba bà vợ và tạo thành một bầu đoàn thê tử. Phải chăng do hậu quả của lòng ích kỷ hoặc do tín ngưỡng cũ, tập tục cũ, nên có người tin rằng chế độ này như một lối sống đầy hạnh phúc?

Về nạn đa phu, có thành kiến cho rằng chỉ ở chế độ mẫu hệ mới có. Thông thường trong nhiều xã hội, người phụ nữ được tô điểm bằng những nét thánh thiện và nếu hiện tượng “đa phu” còn ở đâu đó trong thời đại chúng ta chỉ là hiện tượng lẻ tẻ ở những nước chậm tiến, bộ tộc thiếu văn minh và thường bị người ta mang ra như một trò cười như câu ca dao đầy châm biến sau đây:

Gái chính chuyên lấy được chín chồng,
Vo viên bỏ lọ gánh gồng đi chơi
Đi đến nửa đường, quang đứt, lọ rơi
Bò ra lổm ngổm chín nơi chín chồng.

Lại thêm một thành kiến sai lầm nữa. Khuynh hướng đa phu vẫn còn trong xã hội văn minh chứ không phải đã biến mất. Tại sao vậy? Nhiều tâm lý gia, xã hội học gia, nhân chủng gia cho rằng phụ nữ cũng không khác nam nhi, đều là nòi tình và đã lãnh trách nhiệm mang nặng đẻ đau, nên có quyền tìm nhiều bạn tình như một nguồn vui, một nhu cầu và hơn thế nữa, có thể cần chọn một nam giới thích hợp nhất gánh vác nuôi dạy con cái.

Thực tế cho thấy tình trạng đa phối ngẫu (polygamy) vẫn còn trong thế kỷ 21:

Bountiful của Canada, thiên đường của giới đàn ông đa thê.

Không phải chỉ bên châu Phi hay Nam Mỹ mới có những vùng với cộng đồng tôn thờ chủ nghĩa đa thê mà ở Canada cũng có. Nhiều người tưởng rằng chuyện đa thê là chuyện đời xưa. Bé cái lầm!

Gần đây trong năm 2006, người ta tiếp tục bàn cãi về nạn đa thê. Tệ nạn này chẳng phải chỉ có ở Á đông hay các quốc gia Hồi giáo mà ở cả Mỹ và Canada. Một chi phái Mormon ở Utah, Mỹ (chi phái Latter-day Saints hay LDS) chủ trương đa thê và coi đó là tín ngưỡng và ở Bountiful, một vùng hẻo lánh của tỉnh bang British Columbia hiện là thiên đường của những người thờ chủ nghĩa đa thê theo giáo phái LDS từ Mỹ di tản sang Canada.

Đa thê giáo ở đâu cũng có chủ trương có phần hấp dẫn như nhau, rằng: “Chỉ những người đàn ông lấy ba vợ trở lên mới được cứu rỗi vào nước Thiên đường (celestial kingdom of God) vì đã làm tròn chức năng gieo giống để con cái của Chúa Trời mỗi ngày một phồn thịnh.”

Được biết, phân đà của FLDS ở Canada, cũng từ Mormon của Salt Lake City tách rời vào đầu thế kỷ XX và di cư sang Canada ở một vùng sơn thanh thủy tú biên giới Canada-Mỹ, có tên là Bountiful, phía ngoài Creston, tỉnh bang British Columbia.

Một vài nhân vật điển hình của FLDS được dư luận chú ý.

Nhân vật Winston Blackmore từng được dư luận chú ý vì đa hôn nhân.

Blackmore nổi tiếng có tới 26 bà vợ và 80 con cháu và là nhân vật từng có tham vọng thay thế tay tổ Warren Jeffs. Nhưng rồi Blackmore bị Jeffs trục xuất khỏi FLDS vì đã dám công khai phản đối dự đoán của Jeffs rằng nhân loại sắp tới ngày tận thế. Từ đó, giữa chi phái theo Jeffs và chi phái theo Blackmore trở nên kình chống và lên án lẫn nhau.

Gần đây, ở Canada hai thủ lãnh của FLDS, ngoài Blackmore còn có Oler vào năm 2009 đã từng bị bắt vì vi phạm luật cấm đa thê (điều 293 của hình luật) nhưng rồi vụ án cũng buông trôi vì cuối cùng họ cũng được tại ngoại với lý do đưa ra là chỉ thực hiện giáo điều FLDS (F chỉ Fundamentalist hay bảo căn) dạy chứ không phạm pháp! Kết tội họ coi chừng “vi hiến” vì Hiến chương Nhân quyền quy định tự do tín ngưỡng.

Cho đến nay, cuộc sống đa thê vẫn có người mê vì nhiều gia đình đa thê được ca tụng là êm đẹp nếu gia chủ biết sắp xếp mọi việc như “trồng trầu thì phải khai mương.”

Ở Trung đông thì tệ nạn đa thê nhiều vô số kể. Nhân vật điển hình thương gia phú ông ở Saudi Arabia đã lấy tới 58 người vợ dù lúc tuổi mới ngoài 60 tuổi. Ông này là một trường hợp đa thê họa hiếm còn lại đầu thế kỷ 21, coi việc đổi vợ như thay áo nên cái quan niệm của ông ta càng dễ bị chỉ trích và cực khó mà chấp nhận ngay cả với tín đồ đạo Hồi.

Người trong câu chuyện là Saleh al-Sayeri đã từng cho báo chí phỏng vấn về các cuộc sống riêng tư và quan niệm độc đáo của mình.

Saleh al-Sayeri trước đây chỉ là kẻ chăn chiên ở USFAN, Saudi Arabia nhưng sau trở thành thương gia giàu có và tù trưởng một bộ tộc, đã tâm sự với một ký giả AP vào đầu năm 2005, rằng ông ta đã cưới tới 58 bà vợ và đã quên tên hầu hết các bà này. Ông ta cũng cho biết có 10 cậu con trai nhưng hỏi có bao nhiêu con gái thì ông ta không nhớ nổi và đếm đi đếm lại, khi thì bảo 22, lúc lại nói 28 và cuối cùng hài lòng với con số 25.

Saleh al-Sayeri, vào năm 2006 đã tới tuổi hồi hưu vì vừa 65 tuổi, cho biết thêm chưa ngừng cuộc chinh phục phụ nữ. Kẻ hào hoa thời đại tự hào, các cuộc phiêu lưu về hôn nhân đã khiến cho ông tốn 1,6 triệu đô chi phí cưới xin và dàn xếp ly dị. Kẻ chịu chơi này, tiết lộ, vào năm 14 đã bị cha mẹ buộc lập gia đình, còn tiết lộ thêm rằng trò chơi hôn nhân rất hấp dẫn và sẽ chẳng bao giờ có ý nghĩ từ bỏ.

Trong một trang trại ở Usfan, cách Riyadh chừng 500 dặm về phía tây, nơi phú ông có một chuồng ngựa 22 con, Al-Sayeri tâm sự: “Hôn nhân chẳng làm tôi chán mà còn làm tôi cảm thấy sung sướng nhất trên cõi đời này.”

Chỉ trích nạn đa thê cứ việc làm mà ca tụng cũng không ai cấm ca tụng.

Lên án chế độ đa thê mà Giáo hội LDS chủ trương đã có nhiều tác phẩm như Escape (Đào thoát) của Carolyn Jessop, và Stolen Innocence (Tuổi thơ bị cưỡng đoạt) của Elissa Wall lên tiếng trong những năm vừa qua.

Giữa tháng 09, 2011, một tác phẩm thuộc loại hồi ký, có tên là Truyện tình bộ ba (Love Times Three) mới trình làng ở Mỹ và được đón nhận nồng nhiệt vì khác thường… Tác phẩm của Joe Darger đã ca tụng một lối sống mà dư luận tiến bộ kết án.

Câu chuyện có thực và tổ ấm của họ hiện giờ ở ngoại ô Salt Lake City, Utah.Darger không phải viết tiểu thuyết mà viết hồi ký, thuật lại kinh nghiệm khó tin của bản thân tạo dựng hạnh phúc với ba phụ nữ và 23 con cái.

Cuộc hôn nhân dưới mắt mọi người là lạ đời và dư luận kết án, lại có hạnh phúc như Joe Darger và ba phu nhân của ông ta là Vicki, Alina và Valerie, đồng tác giả của cuốn Cuộc tình bộ ba (Love Times Three) tâm sự hay không?

Ta hãy nghe họ kể mới biết thực hư.

Tình sử bắt đầu từ lúc chàng trai Joe Darger ở Salt Lake Valley vào tuổi 20 cưới hai chị em họ là Vicki và Alina vào ngày 18 tháng hai, 1990. Chàng tuổi trẻ vùng vẫy trong tình yêu với hai cô gái ngang tuổi và sinh con đẻ cái, tạo ra một tổ ấm điển hình cho chủ trương đa thê. Khát vọng ái ân của chàng chưa thỏa nên vào ngày 14 tháng 10, 2000 Darger lại cưới thêm cô chị em sinh đôi của Vicki là Valerie làm đệ tam phòng. Valerie có một đời chồng, đã có con và quyết định sang ngang với Joe Darger.

Trong hồi ký, gia đình Dargers tự nhận là người của Giáo hội Bảo căn Mormon độc lập. Tại sao lại bảo căn (fundamentalists)? Chỉ vì giáo hội này cho rằng đã tách khỏi Giáo hội Mormon hiện đại và duy trì tôn chỉ đa thê truyền thống, một chủ trương bị Mormon hiện đại có số tín đồ ở Mỹ lên tới hơn 6 triệu lên án.

Cuộc sống đại gia đình Darger xem ra hạnh phúc như lời họ nói. Joe tâm sự : “Tôi có cảm giác có một lúc ba bạn lòng. Chúng tôi yêu nhau tha thiết và tôi san sẻ đồng đều tình yêu cho họ.”

Bà vợ đầu của Joe là Vicki thì xác nhận: “Tôi quyết định sống cuộc sống này vì tôi tin rằng tín ngưỡng đã dạy tôi như thế.”

Làm cách nào một ông ba bà lại sống trong nguồn lạc thú vô biên?

Có lẽ do Joe Darger đã khéo điều hành việc nhà. Ông này kể cho chúng ta kinh nghiệm làm chồng ba mỹ phụ.

Trước hết là việc bếp núc. Joe giao cho mỗi vợ phụ trách hai ngày và chủ nhật thì bắt đầu xoay vòng trở lại.

Quan trọng hơn cả là mỗi đêm Joe ngủ ở đâu? Joe cho biết bí mật phòng the rằng, bắt đầu từ đêm thứ sáu mỗi tuần cứ lần lượt đêm này ngủ phòng này với Vicki thì đêm sau sang phòng khác với Alina rồi tới Valerie chứ không thiên vị và các bà chẳng cần “rắc cỏ dâu” cho dê ăn (để kéo xe vua lại phòng mình) như mấy vương phi đời xưa. Tuy nhiên vì có tới ba bà nên trong việc xoay tua cứ ba tuần, thế nào cũng có bà không đến lần mình má áp, môi kề với đức lang quân. Lúc đó Joe phải là người quyết định đền bù làm sao “dân chủ” nhất để khỏi bị ai than phiền là bên trọng bên khinh cho dù “chị em họ thương nhau như ruột thịt.”

Hồi ký của gia đình Darger ra đời giữa lúc người Mỹ chú ý tới Mormon nhiều hơn trước vì cả tai tiếng lẫn dư luận.

Về văn nghệ thì các chương trình truyền hình ăn khách với các cuốn Big Love (Cuộc tình đình đám) của HBO, Sister Wives (Chị em cùng thờ một chồng) của TLC và vở The Book of Mormon (nhạc kịch) được diễn trên sân khấu Broadway được giải thưởng âm nhạc hay nhất Tony Awards.

Hiện tượng đa phu

Một báo cáo của Hiệp hội Ngân hàng Máu ở Mỹ ghi nhận, trong năm 1999, đã có 250.000 ca xét nghiệm ADN tìm quan hệ cha con được thực hiện ở Mỹ. Trong số này có 28% trường hợp không phải là cha ruột. Ở Thụy Điển, tỷ lệ ngoại hôn dao động từ 1-10%. Ở Anh, tỷ lệ này là 5,9%

Quan sát thế giới loài vật, ông tổ của thuyết tiến hóa Darwin cho rằng con cái thường nhút nhát, ít thích giao phối hơn con đực và chỉ chọn một con đực nào nổi bật nhất. Từ học thuyết này, Darwin đã suy ra phụ nữ cũng có thái độ ứng xử như vậy.

Đến giữa thế kỷ 20, các công trình nghiên cứu di truyền học vẫn tiếp tục củng cố học thuyết của Charles Darwin (1808-1892) tác giả cuốn On the Origin of Species. Qua nghiên cứu trên ruồi giấm (Drosophilidae), các nhà khoa học kết luận: con đực cải thiện giống nòi bằng cách giao phối với con cái càng nhiều càng tốt. Trong khi đó, con cái không bao giờ lại hành động buông tuồng như vậy. Nhà sinh học Angus John Bateman dùng phương pháp loại suy từ loài vật sang loài người và kết luận: con đực càng “háo sắc” bao nhiêu thì con cái càng thụ động bấy nhiêu. Theo Bateman, con đực rất dễ sản xuất tinh dịch nên càng phung phí tinh dịch bao nhiêu càng có nhiều con cháu bấy nhiêu, trong khi con cái sản xuất ít trứng hơn, do đó rất chăm chút tìm kiếm con đực thích hợp mới cho trứng.

Tuy nhiên, hiện nay luận thuyết của Bateman đang bị nhiều nhà nghiên cứu về sinh học phản bác. Thậm chí họ còn yêu cầu xem xét lại học thuyết chọn lọc giới tính của Darwin. Trong thập niên 1980, Hrdy là một trong những người đầu tiên bác bỏ hình mẫu con cái luôn thụ động trong quan hệ giới tính của Darwin qua nhiều bằng chứng: khỉ langur cái (con voọc Á châu) háo hức đi bắt cặp với nhiều khỉ đực, hoặc khỉ cái dù mang thai vẫn tranh nhau giao phối với con đực vừa tranh cướp được ngôi vị đầu đàn. Theo bà, khỉ cái làm thế để che giấu gốc tích cha ruột của khỉ con, vì nạn sát hại con rất phổ biến trong thế giới loài khỉ.

Nhiều nghiên cứu khác cũng đưa ra kết luận rằng, con cái có “máu đa tình” không khác gì con đực đa thê.

Lâu nay, các nhà khoa học cứ nghĩ chỉ có con đực mới đánh nhau vì “bạn gái”. Nhưng Jakob Bro-Jorgensen, Hội Động vật học London (Anh), đã quan sát thấy trong quần thể linh dương (antelope) Tây Phi, con đực thường tập trung vào một khu vực trong mùa giao phối, và chờ các con cái đánh nhau chí tử giành lấy con đực nổi trội nhất.

Trên một số của tạp chí khoa học Proceeding of Royal Society, nhà tâm lý học - sinh học Steven Gangestad, Đại học New Mexico (Mỹ), đã giới thiệu một công trình nghiên cứu bằng phương pháp vấn đáp và xét nghiệm hormone đối với 51 phụ nữ. Ông rút ra kết luận: trong chu kỳ rụng trứng, phụ nữ có khuynh hướng bị những người đàn ông khác thu hút hơn chồng mình, và đôi lúc sẵn sàng ngoại tình. Tuy chỉ một số ít phụ nữ được Steven Gangestad khảo sát, nhưng kết luận này lại được nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận, vì nó phù hợp với nhiều dự đoán lâu nay. Giáo sư sinh học nổi tiếng Jared Diamond, Đại học Y khoa Los Angeles (Mỹ), đã từng đưa ra một nhận định tương tự.

Hàng ngàn năm nay, nam giới thường dùng mọi biện pháp kiểm soát khả năng sinh sản và bản năng tình dục của phụ nữ. Dù vậy, xu hướng ngoại tình theo chu kỳ kinh nguyệt vẫn tồn tại vì xét về di truyền học, xu hướng này là di sản còn sót lại của lịch sử tiến hóa.

Đối với một số loài vật, khả năng duy trì nòi giống phụ thuộc trực tiếp vào khả năng tìm kiếm nhiều bạn tình của con cái. Ở loài khỉ, con cái càng tìm kiếm được nhiều bạn tình, thì thế hệ con của nó càng được “bảo hiểm” tốt hơn.

John Hoogland ở Đại học Maryland (Mỹ) đã chứng minh rằng chó cái giống Cynomys gunnisoni sẵn sàng giao phối với nhiều con đực. Ngoài mục đích sinh sản nhiều hơn, chúng còn muốn con sinh ra có sức khỏe tốt hơn so với của những con cái chỉ giao phối với một con đực duy nhất. Một nghiên cứu mới đây của Đại học Leeds (Anh) trên loài dế Gryllus bimaculatus cũng cho thấy, chất lượng tinh trùng quyết định đến sức khỏe của đời con: Người ta đã cho nhóm dế cái thứ nhất giao phối vói một con đực anh em và nhóm thứ hai giao phối một con đực khác không cùng dòng họ. Kết quả là, nhóm thứ hai sinh con mạnh khỏe hơn. Các công trình nghiên cứu trên thằn lằn sa mạc Lacerta agilis và rắn viper mõm tròn Vipera berus cũng cho ra kết luận tương tự.

“Sở dĩ con cái ngoại tình là để chúng có cơ hội tìm được một con đực tương thích với chúng về mặt di truyền”, Jeanne và David Zeh, thuộc Đại học Nevada (Mỹ), suy đoán. Để khẳng định giả thuyết này, họ cho nhện bọ cạp cái giống Cordylochernes scorpioides) giao phối hai lần với một con đực hoặc một lần với hai con đực khác nhau. Theo cách này, mọi con cái đều nhận được một lượng tinh dịch như nhau, nhưng con cái nào giao phối với nhiều con đực hơn sẽ có tỷ lệ nhện con sống sót đến giai đoạn trưởng thành cao hơn.

Đương nhiên, các kết quả nghiên cứu trên loài vật không thể sử dụng để bắc cầu sang loài người. Nhưng một nghiên cứu gần đây cũng ghi nhận: phụ nữ có khả năng ngửi mùi và biết được người đàn ông nào có hệ miễn dịch thích hợp với mình.

Trong tác phẩm Lý thuyết và thực tế của vai trò người cha tại Nam Mỹ (The theory and practice of partible paternity in Lowland South America), hai nhà nhân chủng học Stephen Beckerman ở Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) và Paul Valentine ở Đại học London (Anh) đã đúc kết 20 năm nghiên cứu của họ bằng hình ảnh sau: “Một đứa bé chào đời. Người mẹ công khai nêu tên một hoặc nhiều người đàn ông mà bà đã quan hệ tình dục. Nếu người đàn ông nào chịu trách nhiệm làm cha, dân làng sẽ đồng ý cho người ấy chăm sóc bà mẹ và cháu bé”.

Theo công trình nghiên cứu này, trong một số bộ tộc Nam Mỹ, người mẹ muốn bảo vệ con cái khỏi đói kém hoặc mồ côi đã hợp thức hóa vai trò của người tình như người cha thứ hai trong gia đình.

Mô hình gia đình đa phu như vậy không chỉ tồn tại trong các bộ tộc lạc hậu, mà còn phổ biến trong những tầng lớp nghèo khó trong xã hội văn minh và đã xuất hiện từ xa xưa. Một số bà mẹ trong vùng đô thị châu Phi, các khu phố nghèo ở Nam Mỹ hoặc Bắc Mỹ sẵn sàng quan hệ tình dục với nhiều người để đảm bảo cuộc sống sung túc hơn. Nhà di truyền học Bryan Sykes ở Đại học Oxford, sáng lập viên công ty Oxford Ancestors, a genealogical DNA testing firm, đã sử dụng phương pháp phân tích di truyền và phát hiện 50% thành viên trong dòng họ của ông không mang gene đặc thù của dòng họ. Trong vòng 700 năm qua, cứ mỗi thế hệ lại có 1,3% trẻ em chào đời trong dòng họ Sykes là con ngoại hôn.

Tuy nhiên, trong chế độ đa thê thường thấy ở xã hội phong kiến hay Trung đông hay ở Bountiful, B.C. Canada, các gia đình đa thê thường xúm xít quanh ông chồng chung và thường sống công khai bất chấp dư luận. Còn xu hướng đa phu chỉ tồn tại một cách kín đáo, nhất là trong xã hội văn minh. Do đó hình ảnh gia đình đa phu ít gặp trong thời đại chúng ta.

Chu Nguyễn


Cái Đình - 2017