Chu Nguyễn


Khi quý tử báo đền công đức sinh thành!

Cậu ấm Dennis Oland bị kết án giết chết ngưởi cha tỷ phú

Thời đại chúng ta có những điểm hồng rực rỡ nhờ những công trình vĩ đại chinh phục vũ trụ và phụng sự con người giúp con người kéo dài tuổi thọ và tự do hơn, có năng lực dồi dào trong việc hưởng thụ kiếp nhân sinh. Con người nhờ thế nhiều khi có ảo tưởng tự hào về khả năng, về một số mặt nào dó, đã đoạt quyền tạo hóa làm chủ vận mệnh mình. Tuy nhiên, nhiều nhà đạo đức lại cho rằng, nhân loại có khuynh hướng rơi xuống thời kỳ “mạt pháp” khi đạo dức suy đồi, nhân phẩm bị chà đạp, và nhiều xã hội bị tố cáo đã vi phạm nhân quyền tới mức khắc nghiệt, dã man. Cụ thể nhất là sa vào tệ nạn mà một thi sĩ Việt nam từng than từ đầu thế kỷ trước “văn minh Đông Á trời thu sạch. Nay lúc cương thường đảo ngược ru?”

Dĩ nhiên giá trị đạo đức cũ ngày nay phần nhiều đã lỗi thời cùng chế độ phong kiến, nhưng trong số những điều mà xưa kia tôn sùng, thì hai chữ hiếu-đễ, chữ tu thân vẫn là khuôn vàng thước ngọc bảo vệ gia đình và xã hội.

Ngày nay, chủ nghĩa cá nhân lên cao, con người đi dần tới chỗ chỉ biết hưởng thụ, dấn thân vào rượu chè, ma túy tới mức tranh cướp điên cuồng và khi say, lúc trở thành bầy thú thì không từ bất cứ thủ đoạn nào để hại mình và hại người.

Án mạng xảy ra vì lợi quyền, vì điên dại do nghiện ngập đã gây ra biết bao thảm kịch gia đình.

Năm 2018, báo chí Canada lại có dịp nhắc tới một nghi án giết cha ở New Brunswick.

Khi thiếu gia sát hại người cha phú ông

Một án mạng xảy ra ở Canada vào năm 2011 và mãi tới năm 2016, công lý mới kết án nghi can. Đây không phải án mạng tầm thường vì nhân vật, nạn nhân và nghi can đều thuộc giai tầng thượng lưu trí thức ở Canada. Can phạm và nạn nhân lại là cha con. Án xử rồi nhưng dấu hỏi còn đó nên phiên tái thẩm sẽ diên ra vào mùa thu này.

Vì đâu nên nỗi? Phải chăng mối bất hòa đã có từ nhiều thế hệ trong một gia đình đa triệu phú, từ việc anh em tranh kiện, tới cha con mâu thuẫn và tổ ấm tan vỡ chỉ vì quyền lợi vật chất?

Bản án đã làm vừa lòng mọi người chưa? Hiển nhiên là chưa vì dư luận vẫn có kẻ bênh vực, bên cạnh lời lên án tội nhân sát phụ (patricide).

Cũng cần nhắc lại thảm kịch xảy ra ở miền đông Canada cách đây 7 năm để người khách quan có lời phán xét công bằng:

Vào ngày 14 tháng sáu, 2011, Harbour Bridge của Saint John, NB tạm đóng lại để sửa chữa, trong dự án tân trang nhiều triệu Gia kim đã diễn tiến hai năm rồi. Nhưng giao thông ở khu này vừa bế tắc thì dư luận đồn ầm lên trong thành phố Cảng, rằng Dennis Oland, một thành viên của gia đình nổi tiếng về tiền tài danh vọng trong vùng New Brunswick đã nhảy cầu tự tử.

Dĩ nhiên là tin đồn thất thiệt nhưng nó cũng góp phần vào những lời bàn ra, tán vào bùng lên kể từ cái chết của Dick Oland, 69, một nhà đa-triệu-phú, từng có lúc là truyền nhân của vương quốc rượu bia Moosehead Breweries, một công ty bia thuộc loại lâu đời nhất Canada do một gia đình điều hành.

Người chết chính là thân phụ của Dennis Oland, nghi can lúc đó 43 tuổi.

Phú ông Dick Oland không phải bình thường cưỡi hạc quy tiên mà bị giết. Người ta phát giác ra thi thể của ông tại văn phòng bề thề của công ty đầu tư Far End Corp., do ông làm chủ ở Saint John vào ngày 07 tháng 07, 2011.

Được biết, Dick Oland tuy tuổi gần thất tuần nhưng là một người tráng kiện, ưa thể thao, thích ruổi giong biển cả. Thế mà đang lúc phong độ cao, tiền tài danh vọng bề thế, ông lại gục ngã do bàn tay của một sát thủ mà cảnh sát cho rằng không xa lạ với nạn nhân.

Nguồn tin cho biết thêm, Oland đã bị đánh nát đầu bằng vật cứng có lẽ là cây búa cùn vào lúc đêm khuya và có lẽ trong lúc ông còn làm việc tại văn phòng. Tuy nhiên, hung khí không tìm thấy. Chỉ biết người thư ký riêng của nạn nhân là nhân vật đầu tiên đã thấy chủ nhân bị sát hại và báo cho ban quản trị cao ốc biết.

Cái chết của ông Dick có liên quan gì đến mâu thuẫn trong gia đình đã kéo dài nhiều thế hệ hay không?

Đừng quên Oland là gia tộc nổi danh về bia rượu Moosehead ở Canada, đã xây dựng thành tích hàng thế kỷ rồi, từ cái thời Canada còn là một Liên hiệp các xứ thuộc địa (Confederation.)

Sáng lập công ty Moosehead là Susannah Oland, cùng chồng con từ Anh quốc dọn tới miền đông Canada và phụ nữ phi thường này đã ra tài kinh tế. Công ty được thành lập từ 1867. Nghe nói người phụ nữ tài ba này đã dạy con trai cách pha trộn lúa mạch và hốt bố như thế nào theo một công thức cổ truyền của Anh để tạo ra loại bia độc đáo của Canada. Cho tới nay đế chế Oland đã truyền tới thế hệ thứ sáu và hiện giờ do Derek Oland chủ quản và người con là Andrew làm chủ tịch. Đây là công ty bia rượu không những lâu đời nhất Canada mà còn là công ty hiện còn trong tay người Canada, so với các công ty khác như Labatt, Molson và Sleeman cổ phần đa số thuộc ngoại quốc.

Nếu công ty làm ăn phát đạt trong nhiều đời thì tới những thế hệ gần đây đã nảy sinh ra sự tranh chấp quyền hành giữa những nhân vật có quyền thừa kế.

Sự tranh chấp này khởi từ đầu thế kỷ XX, nhất là sau vụ bến tàu Halifax bị nổ khiến gia đình Oland phải rời cơ sở về Saint John và tiếp đó trong thập niên 1930, có mâu thuẫn giữa hai anh em nhà Oland là George và đại tá Sidney Oland. Họ trở nên bất hòa và chia tay mở văn phòng ở hai nơi khác nhau, người này có Saint John Olands và người kia có Halifax Olands. Tuy nhiên, Saint John Olands nối được nghiệp tổ tiếp tục thịnh vượng, còn công ty ở Halifax sau này chuyển nhượng cho Labatt.

Người con trai của George Oland là Philip Oland điều khiển công ty nối nghiệp nhà và toan tính chọn “thái tử” kế vị giữa hai “hoàng tử” Derek và Dick Oland.

Dick Oland tỏ ra có tham vọng tranh vương vị vì đã tốt nghiệp ngành chế bia và đã trở thành phó chủ tịch của công ty và chính tay ông ta đã thiết lập hệ thống đóng chai tự động tại nhà máy bia ở Saint John. Có lẽ vì tham vọng thừa kế nên hai anh em, Derek và Dick Oland (thua anh 2 tuổi) xảy ra nhiều cuộc tranh chấp và cãi cọ và nhân chứng cho rằng vì Dick thích tranh cãi và cãi cho bằng được ý kiến mình phải được thực hiện.

Mâu thuẫn giữa hai anh em nhà Oland tới thập niên 1980 trở thành gay gắt khiến ông anh Derek có ý định rời sang New Zealand lập nghiệp. Cụ cố Philip Oland đành quyết định người thừa kế và Derek Oland được chọn kế thừa vương quốc Moosehead vì cho rằng Derek Oland có nhiều kinh nghiệm điều hành hơn ông em Dick.

Dick Oland được giao cho đứng đầu công ty Brookville Transport and Manufacturing, bộ phận chuyển hàng khắp Bắc Mỹ của Moosehead Breweries. Trong di chúc, cụ cố chỉ dành cho Dick Oland 33 phần trăm cổ phần của Moosehead, còn phần lớn dành cho Derek Oland.

Giữa hai anh Derek và Dick từ đó ngấm ngầm kình chống và nhiều vụ kiện liên quan đến quyền lợi giữa họ đã xảy ra, nhất là sau vụ Derek vào năm 2007 đã mua lại toàn cổ phẩn của công ty và trở thành ông chủ duy nhất của Moosehead. Nhưng bề ngoài họ vẫn là thành viên của một đại gia đình khả kính ở New Brunswick

Trong cộng đồng, Dick Oland cũng không được lòng người xung quanh vì ông là kẻ hay tranh cãi và đã làm gì thì quyết định làm cho bằng được bất kể sự va chạm với ý kiến và quyền lợi người khác.

Dick Oland có cuộc sống nhiều tranh chấp và lắm mâu thuẫn nhưng xem ra không có kẻ tử thù. Vậy ai đã ra tay hạ sát một nhân sĩ trong tỉnh bang New Brunswick như ông? Một tên trộm đã biết giờ giấc làm việc của Dick Oland và lẻn vào văn phòng ông rồi bị phát giác và xảy ra án mạng? Hay thủ phạm là một người trong nhà vì ghen ghét nạn nhân nên ra tay?

Trước hết cảnh sát đã lục soát cơ ngơi của gia đình Oland, tòa nhà được gọi tên là Bảy Mẫu (Sevenacres) mà thiếu gia Dennis Oland đã được ông nội là Philip Oland để lại.

Sau khi xảy ra án mạng, cảnh sát Saint John cũng cho lục soát một du thuyền ở gần câu lạc bô du thuyền Royal Kennebecasis Yacht Club mà chủ nhân là Lisa Ferguson, người vợ đời thứ hai của Dennis Oland.

Con thuyền này có gì liên hệ tới cái chết của ông bố chồng Dick Oland? Chỉ biết bà Lisa Ferguson và ông bố chồng Dick Oland theo danh sách 2010 của câu lạc bộ, đều là thành viên kỳ cựu của câu lạc bộ du thuyền.

Việc điều tra kéo dài gần nửa năm,. Sau khi thu thập đủ bằng chứng từ những mâu thuẫn trong gia đình tới sự bất đồng ý kiến giữa hai cha con Oland và lời khai của nhân chứng. Thêm vào đó là xét nghiệm những vết máu trên một chiếc áo khoác của Dennis Oland (giấu trong nhà nghi can) đã tìm thấy DNA của nạn nhân. Hơn nữa nghi can là người cuối cùng tiếp xúc với nạn nhân, cảnh sát cho rằng có đủ lý do để bắt giam Dennis Oland về tội giết cha.

Trong phiên xử cuối năm 2015 sang đầu năm 2016 tại Saint John, New Brunswick Dennis Oland bị kết tội sát nhân bậc hai (second degree murder) vì giết cha là Richard Oland trong một lần tranh cãi mà chánh án chủ trì phiên xử đã cho rằng đã tạo ra “một thảm kịch chẳng khác bi kịch Shakespeare.”

Dennis Oland lãnh bản án tù dài hạn về tội cố sát và phải nằm khám ít nhất cho tới 10 năm mới được quyền xin khoan hồng tại ngoại quản thúc.

Cũng có ý kiến cho rằng phiên xử chưa hội đủ chứng cớ thép kết tội bị cáo do việc điều tra của cảnh sát Saint John có nhiều sơ hở và kéo dài vô cớ.

Do đó, bị cáo kháng án và trong năm 2018, vụ án sẽ lại ra trước tòa và dư luận toàn liên bang lại một phen chú ý tới vụ một người con trưởng thành, có địa vị xã hội, đã sát hại người cha triệu phú và sự chia rẽ ý kiến trong một gia đình thế gia vọng tộc ở New Brunswick có cớ xuất hiện rõ hơn.

Con giết mẹ vì tưởng mẹ là quái vật

Tại hiện trường, thi thể người mẹ nằm trên giường với nhiều vết thương, bản thân hung thủ, cả khi bị khống chế vẫn luôn miệng kêu: “Thả tôi ra để tôi đi cứu mẹ, quái vật đang ở đây kìa”.

Cuộc sống giàu sang, đầy quyền lực của các tỷ phú luôn khiến nhiều người mơ ước. Tuy nhiên, đó cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến họ phải đối mặt với vô vàn nguy hiểm, thậm chí có thể phải trả giá bằng mạng sống của mình. Dù luôn được vây quanh bởi đội ngũ vệ sĩ hùng hậu, xe bọc thép, kính chống đạn… nhưng nhiều người trong số đó vẫn không thể tránh khỏi những cái chết tức tưởi mà trong một số trường hợp, nguyên nhân mãi mãi là một ẩn số không lời giải đáp.

Thiếu gia Yegor bị kết án giết mẹ

Bi kịch “con giết mẹ” được báo chí vắn tắt thuật lại:

Rạng sáng ngày 11/12/2015, tại Kazan, thủ phủ Cộng hòa Tatarstan thuộc Nga, cảnh sát thành phố nhận được tin báo của khách sạn Korston về hành vi không bình thường của một khách thuê phòng ở đây.

Trước đó, một khách hàng khác đã phát giác nam thanh niên vừa đi loạng choạng vừa lẩm bẩm ở hành lang, đôi mắt đờ đẫn, trên áo khoác có rất nhiều vết máu. Lập tức, người này liền báo cho nhân viên lễ tân khách sạn. Theo một số nhân chứng, thời điểm này, người thanh niên có tên Yegor không còn nhận thức được điều gì, như có tâm trạng hoang tưởng nặng.

Cảnh sát đã có mặt và nhận định ban đầu cho rằng Yegor Sosin đang trong tình trạng bị tác động mạnh của ma túy.

Theo kết quả điều tra sơ bộ, Yegor Sosin, con trai 19 tuổi của nhà tỷ phú người Nga Igor Sosin. Vào sáng hôm trước, Yegor Sosin cùng mẹ là bà Anastasia Sosina Novikova (44 tuổi) từ Moscow tới thuê phòng của khách sạn Korston để tham gia hội thảo về sinh hoạt gia đình và dự một đợt trị liệu được tổ chức tại đây.

Khi có mặt tại phòng của mẹ con bà Anastasia, cảnh sát địa phương nhận thấy đồ đạc bị vứt lung tung, trên tường và giường ngủ có nhiều vết máu. Thi thể bà Anastasia trên giường, ở mặt và cổ có nhiều vết thương, vết bầm tím. Theo cơ quan điều tra, Yegor đã đánh đập và dùng dây sạc điện thoại siết cổ mẹ đến chết. Yegor Sosin đã bị bắt với tội danh giết người.

Khi được đưa về đồn cảnh sát, Yegor vẫn “phê” ma túy và liên tục có những hành động quá khích, miệng lẩm bẩm yêu cầu thả ra để đi cứu mẹ khỏi “quái vật”.

Ngày hôm sau, Yegor cho biết mình hoàn toàn không nhớ đã có hành động gì với mẹ. “Mẹ đưa tôi tới đây để tham gia một đợt trị liệu, bà đã đưa cho tôi mấy viên thuốc gì đó tôi không biết. Ở khách sạn, bắt đầu xảy ra chuyện gì đấy, tôi bị ảo giác, đến giờ tôi vẫn thấy người cứ ngây ngất…hốt hoảng…”.

Yegor Sosin học tại Trường kinh doanh quốc tế Hult ở London, Anh và thường nói rằng không muốn phụ thuộc vào bố mẹ, sẽ tự vươn lên để trở thành triệu phú. Theo bạn bè, Yegor thường có những cơn giận bộc phát, không kiểm soát được hành vi của mình, nhưng là người tốt bụng, biết thông cảm và có đầu óc kinh doanh. Vì vậy, không ai có thể ngờ Yegor lại có thể bỗng dưng nổi cơn điên giết mẹ.

Được biết, bà Anastasia Sosina Novikova là vợ cũ của ông Igor Sosin. Tỷ phú Igor Sosin được biết đến với vai trò là người sáng lập chuỗi cửa hàng Starik Khottabych nổi tiếng chuyên kinh doanh đồ dùng gia đình. Mấy năm trước, cuộc sống hôn nhân nhiều mâu thuẫn đã khiến hai người quyết định ly hôn. Số tài sản có được sau ly hôn giúp bà Anastasia tiếp tục có cuộc sống sung túc của một nữ tỷ phú.

Còn ông Igor, sau khi ly dị, đã kết hôn với người tình. Gia đình tan vỡ được cho là đã tác động tiêu cực đến cậu con trai mới lớn và hậu quả là, Yegor nghiện ma túy. Theo người thân và bạn bè cậu, sau khi sa vào nghiện ngập, Yegor như biến thành một con người khác, tinh thần có nhiều biểu hiện bất ổn, thường nói năng lảm nhảm, hành động kỳ lạ…

Bà Anastasia là người rất yêu thương con. Người mẹ này quyết tâm chạy chữa cho con bằng mọi cách, trong đó có việc dẫn quý tử tham gia khóa trị liệu kéo dài 4 ngày được tổ chức tại khách sạn Korston. Tuy nhiên, tình yêu ấy đã khiến bà phải bỏ mạng dưới tay chính đứa con của mình.

Phải chăng gia đình ly tán khiến Yegor vô cùng thất vọng. Còn ma túy đã khiến chàng trai rơi sâu vào tuyệt vọng. Còn bà Anastasia quá thương con, quá yêu chiều con, nên người mẹ tốt bụng trở thành nạn nhân của đứa con hư!

.

Chu Nguyễn


Cái Đình - 2018