Nguyễn Minh Tâm


Kẻ phản bội

Đây là câu chuyện về một gia đình băng đảng trong xã hội đen ở Amsterdam, Hòa Lan.
Cô em gái thu âm lời người anh trai xác nhận y là thủ phạm giết người,
cô ra trước tòa làm nhân chứng để tố cáo anh trai của mình.
Liệu rằng cô em có bị người anh trả thù hay không?

Astrid Holleeder có đôi mắt rất đẹp, xanh lơ như nước hồ bơi, lôi cuốn sự chú ý của người khác. Nhưng đó là điểm duy nhất người ngoài biết được về cô, bởi vì cô đang sống trong vòng trốn tránh, trốn tất cả mọi người ở thành phố cô đang ở, thủ đô Amsterdam. Trong suốt hai năm qua, cô phải sống tại nhiều nơi trú ẩn khác nhau để tránh sự trả thù. Cô thích chọn những bin đinh có chỗ đậu xe ngay dưới hầm cao ốc để cô yên tâm đi khoảng đường ngắn đến chiếc xe bọc thép chống đạn của cô. Cô mua loại xe chống đạn với giá 15 ngàn Euro ở tình trạng cũ, rồi sửa chữa lại. Cô cũng mặc cả áo vét chắn đạn để che chở thân mình. Lúc nào trong đầu cô cũng lo có thể bị ám sát, hay bị lôi kéo vào một cuộc xô xát chết người. Mỗi khi phải ngừng ở ngã tư chờ đèn đỏ, thấy một chiếc xe lạ chạy kề sát bên xe cô, là cô nắm chặt tay lái, tim cô thót lại. Chờ đến khi đèn đổi sang màu xanh, cô dọt đi, lúc đó cô mới cảm thấy yên tâm.

Amsterdam, một thành phố chưa tới một triệu dân, thât khó để trốn tránh, nhất là khi bạn đã sống ở đó từ thuở bé. May thay, cô Holleeder đã biết tập thói quen ẩn mình ngay từ lúc còn nhỏ. Trên internet, không ai có thể tìm thấy một tấm hình nào của cô. Hiện nay, cô hạn chế liên lạc, chỉ gặp gỡ một số rất nhỏ bạn bè. Bình thường cô chỉ ở trong nhà. Mỗi khi đi lại trên đường phố Amsterdam, cô đi trong âm thầm, bí mật, và nhiều khi phải hóa trang. Cô có sẵn trong người những vật dụng để ngụy trang như mũi giả, răng giả. Cô Holleeder thường mặc y phục mầu đen, nhưng khi nào nghi có người đang theo dõi, cô sẽ lẻn vào một nhà vệ sinh gần đó để thay trang phục, mặc áo đầm mầu đò, và đeo tóc giả. Đôi khi cô còn phải hóa trang làm đàn ông.

Sống ẩn mình kiểu này khiến cô không còn cuộc sống giao du với bạn bè. Hiển nhiên là cô chẳng bao giờ dám gặp một người lạ mà cô chưa quen biết. Bản chất cô Holleeder là người vui tính, thích có bạn bè xung quanh, nhưng hiện nay cô phải sống ẩn mình để tránh rủi ro. Cô tiết lộ cho tôi biết là ở tuổi 52, cô đang sống cuộc đời một phụ nữ độc thân, và nói thêm: “Khuyên tôi nên có bồ bịch, hay người yêu là chuyện không bao giờ tôi dám nghĩ đến.”.

Mối đe dọa mạng sống của cô Holleeder bắt nguồn từ quyết định cô chọn hồi năm 2013 là sẽ ra tòa làm nhân chứng trong một vụ án liên quan đến băng đảng của xã hội đen. Cô đồng ý đứng ra khai sự thật về một tay tội phạm nổi tiếng nhất ở Hòa Lan, một kẻ giết người có hỗn danh là “De Neus”, tức “Cái Mũi”, bởi vì hắn có cái mũi dài quá khổ, hơi lập dị. Đây là một chọn lựa hết sức nguy hiểm, đầy rủi ro. Cô giải thích: “Bất cứ ai tố cáo với nhà chức trách về việc làm của hắn đều bị sát hại chết.”. Hiện nay tên “De Neus”, “Cái Mũi” đang bị giam trong nhà tù được canh chừng gắt gao. Hồi năm 2016, từ trong nhà tù, hắn đã ra lệnh cho đàn em ở bên ngoài xử tử hình cô Holleeder, cùng với hai nhân chứng khác trong vụ án. Mưu toan này bị hỏng vì một trong những tù nhân khai thật cho nhân viên cai tù biết. Nhưng lời hăm dọa của hắn vẫn còn treo lơ lửng ở đó. Như cô Holleeder xác nhận: “Dĩ nhiên là hắn sẽ làm. Hắn sẽ tìm mọi cách để giết tôi.”.

Cô mô tả hành động của De Neus một cách chắc nịch về những gì y có thể làm. Bởi vì chính cô đã từng làm cố vấn pháp luật cho De Neus, nên cô hiểu rõ những thủ đoạn y có thể làm. Cho đến lúc cô phải sống trốn tránh, cô từng là một luật sư hình sự rất giỏi. Điều đáng nói hơn cả là tên De Neus lại là anh trai của cô.

Tên thật của De Neus là Willem (hay Wim) Holleeder. Hắn bị đưa ra tòa xử về 5 tội giết người, hai tội âm mưu giết người, và tham gia vào “tổ chức tội phạm”. Thủ tục xét xử diễn ra trong phòng xử án được bảo vệ an ninh chặt chẽ ở ngoại ô Amsterdam, trong khu kỹ nghệ tên là Bunker. Khi cô Astrid nói lời khai, cô phải ngồi trong một căn phòng che kín, ngăn ánh sáng lọt vào, để bảo đảm rằng không một ai trong phiên tòa trông thấy mặt cô, và cũng để cô không thể nhìn thấy mặt tên Wim, vì hắn có cái nhìn đầy dọa nạt, khiến cô phải khiếp sợ. Ông biện lý từng nói rằng tên Wim có cái nhìn sắc, lạnh lùng, ai cũng phải sợ.

Báo chí Hòa Lan gọi vụ án này là “vụ xử án cực kỳ to lớn” (mega-trial). Nhiều người phải đứng xếp hàng từ sáng sớm để có thể dành được chỗ ngồi trong phòng xử. Phòng xử thuộc loại nhỏ, trong một căn nhà thường dùng để trưng bầy tranh. Vụ xử án trở nên hào hứng, hấp dẫn một phần cũng vì cuốn truyện do cô Astrid viết. Năm 2016, cô cho xuất bản cuốn hồi ký mang tựa đề “Judas” (Kẻ Bán Chúa), hay “Kẻ Bội Phản”, mô tả cuộc sống của cô khi sống chung với anh trai tên là Wim. Cuốn truyện cũng giải thích vì sao cô buộc lòng phải phản bội anh trai của mình. Cuốn sách được bán ra khoảng nửa triệu cuốn. Số sách bán được coi là rất lớn, trong một nước có dân số khoảng 17 triệu người. Tuy hiện nay cô đang là một nhà văn nổi tiếng, nhưng cô chưa hề gặp mặt một độc giả nào của cô. Việc đứng ký tên bán sách không được đặt ra.

Tựa đề của cuốn sách phản ảnh sự mâu thuẫn sâu xa trong nội tâm của cô khi cô quyết định đứng ra tố cáo anh trai của mình. Nhưng cũng chính vì hoàn cảnh ngang trái đó khiến cho cuốn sách của cô hết sức lôi cuốn, thành công. Nhiều người tò mò muốn đến dự phiên tòa ở Bunker: Cuộc tranh hùng giữa hai anh em trong nhà được đem ra trình bầy ngay tại phòng xử án. Hồi tháng Ba, cô Astrid đã nói tại tòa án như sau: “Đây là một vụ phản bội vô tiền khoáng hậu.”. Trong đôi mắt dàn dụa nước mắt, cô Astrid thừa nhận rằng mặc dù Wim nhúng tay vào tội ác nhiều lần, nhưng cô vẫn yêu quí anh trai của cô. Thật là “điên khùng và ghê tởm” khi cô đứng ra khai hết tội của anh cô. Cô đưa ra một ví dụ: “Khi bạn có một con chó bạn rất yêu quí, con chó đó cắn trẻ em, bạn phải chọn lựa giữa trẻ em hay phải hạ sát con chó.”.

Wim là đứa con trai đầu lòng trong một gia đình có bốn đứa con. Astrid là cô con gái út. Cô Sonja và cậu Gerard là hai đứa con giữa. Các đứa trẻ này lớn lên ở khu Jordaan, một quận ở trung tâm thủ đô Amsterdam, với cảnh trí đẹp như một bức tranh, những căn nhà nhỏ xinh xắn, và con sông nhỏ chạy ngang. Ngày nay, khu Jordaan có rất nhiều cửa hàng bán đồ sang trọng, đắt tiền. Nhưng vào thời thập niên 1960’s, khu này còn là khu bình dân, nơi cư ngụ của giới trung lưu, lao động. Cha của cô Astrid, cũng mang tên Willem, làm việc trong hãng bia Heineken gần đó. Ông rất kính nể chủ nhân hãng bia là ông Alfred (Freddy) Heineken. Heineken là thương hiệu bia nổi tiếng, 40% số bia sản xuất được tiêu thụ tại Hoa Kỳ. Ông Freddy Heineken là một trong những người giầu nhất Hòa Lan. Cô Astrid nhớ rằng khi còn nhỏ, mấy anh chị em ngồi học bài, làm bài với cây viết mang nhãn hiệu Heineken, và uống sữa bằng những ly cốc cũng mang nhãn hiệu Heineken. Trong nhà cái gì cũng mang dấu hiệu liên hệ đến Heineken. Cha của cô cũng nghiện rượu bia Heineken. Ông là một ông bố độc tài, hay đánh đập con cái tàn nhẫn. Bà Stien, vợ của ông cũng bị ông thượng cẳng chân, hạ cẳng tay nhiều lần. Khi Astrid liên tưởng đến hoàn cảnh sống trốn tránh hiện nay của cô, cô ngậm ngùi nhớ lại khi còn bé, và nói: “Tôi quen sống trong ngục tù rồi, vì gia đình tôi hồi đó cũng giống như một nhà tù.”.

Cậu Wim là một thiếu niên cao lớn, khá đẹp trai, với cánh tay vun đầy bắp thịt và sống mũi dài của dòng giống Gaulle ở Pháp. Giống hệt cha, cậu Wim thuộc loại nóng tính, hai cha con nhiều lần đụng độ, đánh nhau. Wim bắt đầu đi chơi khuya, về nhà rất trễ, vào lúc nửa đêm. Nhiều khi về đến nhà, cậu lay đầu cô em gái hỏi: “Assie, mày còn thức không? Mầy có thấy Bố ở nhà không? Tối nay ổng có nổi cơn khùng không?” Cô em Assie thì thầm trả lời ông anh: “Ổng vừa mới chửi tại sao anh về trễ vậy. Nhưng mẹ đã cứu anh bằng cách vặn lui kim đồng hồ, đế ổng không bắt quả tang anh về trễ.”. Bà Stien nói với cô Astrid rằng cậu Wim rất là dễ yêu khi còn nhỏ, nó bắt đầu hư vào tuổi 12 hay 13 gì đó. Bà than thở: “Mẹ đâu có dè nói đi chơi với lũ du côn. Tụi đó chuyên làm chuyện bậy bạ, phá làng phá xóm.”.

Về mặt chính thức, Amsterdam là một trong những thủ đô có tỉ lệ tội phạm rất thấp. Trong ít năm gần đây, hai chục nhà tù phải đóng cửa vì không có tù nhân. Thả lỏng việc cho hút cần sa hợp pháp, cũng như cho phép mãi dâm công khai, cộng thêm chương trình trợ cấp xã hội hùng mạnh, và tỉ lệ người dân sống trong mức nghèo đói rất thấp khiến cho Hòa Lan được coi là thiên đường hạ giới với cuộc sống hết sức an ninh, thanh bình. Nhưng theo báo cáo mật của ngành cảnh sát Hòa Lan mới tiết lộ cho báo chí biết, thì con số chính thức về tội phạm thực ra không phản ảnh trung thực khối lượng tội phạm ở trong nước. Cảnh sát nói có hàng triệu vụ ăn cắp nhỏ, và nhiều loại tội phạm khác không được báo cáo bởi vì nạn nhân cho rằng thiệt hại nhỏ quá, không đáng để báo cho nhà chức trách, hay họ cho rằng cảnh sát cũng chẳng thèm truy lùng những đứa phạm tội. Theo phúc trình của Cảnh Sát Quốc Tế ở Âu châu – Europol, khoảng phân nửa cocaine đưa vào Âu châu đều qua ngả Rotterdam. Khi một chuyến hàng lớn bị mất cắp cách đây vài năm, một cuộc chiến khốc liệt xảy ra giữa các băng đảng. Hơn một chục người bị giết, và những tay sát thủ ria súng bắn loạn nhau trên đường phố Amsterdam.

Khi Wim Holleeder mới bắt đầu gia nhập băng đảng, xã hội đen, việc nó làm rất tầm thường, khiêm tốn. Nó chỉ là đứa thiên lôi chỉ đâu đánh đó, sử dụng bắp thịt, gan dạ, liều lĩnh chuyên đi đòi nợ những người thiếu tiền. Khi được 20 tuổi, nó bắt đầu làm chuyện lớn hơn, tham gia những vụ ăn cướp có vũ khí. Từ đó, nó bắt đầu có những dấu hiệu tàn ác, dữ tợn giống như cha, kể cả việc hăm dọa, làm cho mấy đứa em gái phải hoảng sợ. Astrid kể lại anh của cô thường nói câu: “Tao là xếp. Tao nói gì chúng gì chúng mày cũng phải nghe lời.”.

Bà Stien, mẹ của Wim nói với tôi: “Nó là đứa ngang tàng, giống hệt cha của nó.”. Thỉnh thoảng Wim về nhà thăm mẹ và mấy đứa em gái. Nó đem về nhà người bạn thân thuở nhỏ là Cornelius van Hout, thường được gọi bằng cái tên thân mật là Cor. Cô Astrid thích cậu Cor, theo cô “Cor lúc nào cũng vui tính, thoải mái, hay cười.”. Cậu ta không có cái vẻ cau có như anh Wim. Cô Sonja thì thấy cậu Cor dễ mến, và hai người yêu nhau, bắt đầu hò hẹn với nhau. Cô Astrid vui mừng khi thấy Cor và Sonja yêu nhau.

Astrid và Sonja là hai chị em gái rất thân với nhau, nhưng tính tình khác hẳn nhau. Sonja xinh đẹp, ăn mặc quần áo thời trang, và kỹ lưỡng, đầy nữ tính, sẵn sàng tuân phục người mình yêu. Astrid trái lại, tánh tình độc lập, cứng rắn, đôi khi đến độ cứng đầu. Bà mẹ của hai cô con gái thường ví von: “Sonja dễ yêu như một con búp bê, còn Astrid thì cứng rắn như xe tăng bọc thép.”. Astrid luôn luôn tỏ ra độc lập quá đáng đến nỗi chị em trong nhà nói đùa rằng cô là đứa trẻ mổ côi, bố mẹ đem từ cô nhi viện về nhà để nuôi. Cô chấp nhận lời phê bình này với chút nghiêm chỉnh. Cô băn khoăn không biết khi nào cha mẹ ruột của cô sẽ đến để đem cô về nhà.

Ở trường, Astrid học rất giỏi, cô học môn gì cũng xuất sắc. Cô nói tiếng Hòa Lan thật là chuẩn mực, nhất là ngôn ngữ thị thành của khu Jordaan. Anh Wim trêu ghẹo cô, và nhái giọng nói của cô em gái trên đài phát thanh. Ngoài ra, cô còn thích học tiếng Anh, và cảm thấy thích thú khi biết người cha hung dữ của cô không hiểu tiếng Anh. Thậm chí cho đến nay, mỗi khi dùng tiếng Anh để nói chuyện là cô lại cảm thấy thích thú vì tìm được một cảm giác yên bình, tránh xa mọi người. Khi Astrid trở thành một phụ nữ chững chạc, cô mang mặc cảm về sự phân biệt đối xử nam nữ. Cô cho rằng phụ nữ luôn luôn là nạn nhân, và đàn ông bao giờ cũng là kẻ hà hiếp phụ nữ. Cô tâm sự với tôi: “Tôi luôn tỏ ra cứng rắn, xử sự như đàn ông, bởi vì tôi không muốn trở thành nạn nhân. Tôi không bao giờ mặc váy đầm.”. Cô thích chơi bóng rổ, và sau đó được tuyển vào đội bóng rổ nữ bán chuyên nghiệp. Khi được 17 tuổi, Astrid ra khỏi nhà đi ở riêng, vĩnh viễn tránh xa người cha hung dữ. Dự tính của cô là tìm cách đi khỏi Hòa Lan, xin học bổng đi du học ở nước ngoài. Cô tâm sự: “Tôi chuẩn bị đi Hoa Kỳ du học. Nhưng vì vụ ông chủ hãng Heineken bị bắt cóc làm cho tôi phải kẹt lại, không đi được.”.

Vào ngày 9 tháng Mười Một năm 1983, ông Freddy Heineken rời khỏi văn phòng làm việc để về nhà. Bất ngờ một chiếc minivan mầu cam chạy kề sát vỉa hè. Vài kẻ lạ mặt, trùm kín đầu, súng trên tay xông lại kéo ông, và người tài xế lên xe van. Chiếc minivan chạy rà rà theo đường đi dành cho xe đạp một quãng đường, rồi vọt ra ngoài thành phố. Ông Heineken, và người tài xế bị dấu kín trong một căn phòng ngăn tiếng động phát ra ngoài. Đêm hôm đó, cảnh sát Hòa Lan nhận được mảnh giấy đòi một số tiền chuộc khổng lồ, tương đương với 30 triệu đô la ngày nay.

Ông Peter R. De Vries, một nhà báo chuyên về điều tra tội phạm, nói với tôi: “Bắt cóc là một loại tội phạm thường chỉ xảy ra ở những nước như Hoa Kỳ, hiếm khi nào xảy ra ở Hòa Lan.”. Ông De Vries viết cuốn sách về vụ bắt cóc ông chủ hãng Heineken. Theo ông, Freddy Heineken là một nhân vật nổi tiếng là giầu có ở Hòa Lan, vì thế dân chúng rất chú ý đến vụ bắt cóc ông. Lúc bấy giờ, cô Sonja đang sống với cậu Cor van Hout, hai người có với nhau một cháu bé gái, đặt tên là Frances. Một buổi tối, cô Astrid và anh Wim cùng ghé nhà hai vợ chồng cô Sonja ăn tối, ngồi xem truyền hình, và biết được tin về vụ bắt cóc. Cô Astrid buột miệng nói: “Tụi này ngu quá. Chúng nó dám bắt cóc ông Heineken. Chúng sẽ bị truy nã suốt đời.”.

Cậu Wim hỏi lại cô: “Em nghĩ như vậy sao?”.

Cô trả lời: “Em chắc chắn như vậy.”.

Ba tuần sau, cảnh sát vẫn bó tay chưa thể giải quyết được vụ bắt cóc ông Heineken. Gia đình Heineken đưa cho tài xế đem bó bạc thật lớn, gồm bốn loại giấy bạc đúng như kẻ gian đòi hỏi, để đi chuộc ông chủ. Tài xế lái xe đến khu Utrecht, ném bao tiền xuống ống cống, và ra về.

Lúc đó, nạn nhân chưa được thả ra. Nhưng cảnh sát nhận được lời nhắn bảo họ nên đi đến một nhà kho ở Amsterdam để đem ông Heineken về. Cảnh sát tìm thấy ông Heineken và người tài xế. Sau này ông Heineken viết hồi ký kể lại: “Tôi bị trói chặt ở bàn tay trái, hạn chế không cho nhúc nhích gì được.” Có lúc ông phải chải tóc bằng cái nĩa lấy thức ăn. “Tôi tìm cách giết thời giờ bằng những việc tỉ mỉ này.”.

Người bị bắt cóc được đem về an toàn. Nhưng rõ rệt là kẻ tội phạm được một số tiền chuộc rất lớn. Tuy nhiên, vào một buổi sáng, trong lúc cô Astrid đang ở nhà cô Sonja, thì cảnh sát ập vào, vũ khí trang bị đầy mình. Một người mật báo đã nói cho nhà chức trách Hòa Lan biết thủ phạm vụ bắt cóc là ai. Đầu sỏ vụ bắt cóc này chính là Wim Holleeder và Cor Van Hout. Cảnh sát đặt hai chị em Astrid trong vòng theo dõi. Lúc đó Astrid vừa mới 17 tuổi.

Đầu mùa Xuân năm nay, tôi liên lạc với ông Oscar van Gelderen, nhà xuất bản cuốn truyện của cô Astrid. Ông là một người năng nổ, vui tính, có nụ cười thông minh tinh quái. Ông có nhiều kinh nghiệm xuất bản những cuốn truyện nổi tiếng trong đó tác giả bị hăm giết. Năm 2006, ông đã từng xuất bản truyện dịch của cuốn “Gomorrah” của một nhà báo người Ý, ông Roberto Saviano viết về nhóm Mafia ở Napoli. Cho đến nay, ông nhà báo người Ý này vẫn còn phải sống trốn tránh vì sợ mafia xử tử. Ông Van Gelderen giới thiệu tôi gặp cô Astrid. Cô đồng ý sẽ gặp tôi với những điều kiện do cô đặt ra. Tôi không được biết trước địa điểm nào cô sẽ gặp tôi ở Amsterdam. Nếu Wim biết được tin tức về điểm hẹn, hắn có thể sai đàn em theo dõi tôi, đi đến nơi hẹn để giết cô. Trước khi gặp cô, ông Van Gelderen đã lưu ý tôi về tâm trạng của cô hiện nay. Cô ta hết sức phân vân, và khó xử. Ông nói: “Cô ấy là một người trí thức, và rất gan dạ.”.

Một buổi chiều, khi mặt trời vừa lặn, tôi được một tài xế đón tôi đến một khách sạn sang trọng. Tại đây tôi được dẫn xuống khu đậu xe ở tầng hầm của khách sạn, rồi dùng thang máy đi lên một nhà hàng Nhật. Rồi tôi được dẫn đến một bàn ăn, loại thấp, kiểu Nhật, trong một phòng riêng, có tấm sáo bao quanh. Một lúc sau, tấm sáo được kéo lên, và cô Astrid xuất hiện. Đối với người ít giao du rộng, tôi thấy cô Astrid ăn mặc thật đẹp, gọn gàng. Cô mặc toàn một màu đen, và ngỏ lời ân cần chào đón tôi, rồi cô bắt đầu chăm chú nhìn vào tấm thực đơn. Cô nói: “Tôi ít đi ra ngoài ăn tiệm, chỉ đến nơi nào có phòng riêng cho thực khách.”. Cô nghiên cứu thực đơn một hồi lâu, rồi đặt 12 món ăn đắt tiền. Cô đề nghị tôi cũng nên ăn những món giống của cô. Kế đến, cô nói chuyện với tôi về anh trai của cô bằng một thứ tiếng Anh hoàn chỉnh. Cô dùng nhiều chữ còn nguyên trong sách vở. Cô tỏ ra là một người rất sính chuyện, và uyên bác. Theo nhận xét của cô, khi quyết định bắt cóc ông Freddy Heineken, anh trai của cô có nghĩ đến tầm vóc, uy tín của ông Heineken. Ông này được cha của cô hết sức tôn kính, và chính ông ta cũng là người cung cấp bia rượu cho cha cô uống mỗi ngày. Bắt cóc ông Heineken không phải vì lý do hận thù chi cả, chẳng qua chỉ muốn làm tiền.

Khi cảnh sát đến bắt hai chị em nhà Holleeder, thì Wim và Cor đã trốn sang Pháp. Cô Astrid và Sonja nói với các điều tra viên rằng họ không hề biết gì về âm mưu bắt cóc cả. Cậu Wim chẳng bao giờ nói chuyện, bàn bạc với em gái, có lẽ cô Sonja biết chút ít nếu cô nói chuyện với cậu Cor về việc này. Hai chị em được nhà chức trách cho về sau khi thẩm vấn. Sáu tuần sau, cả Wim lẫn Cor bị bắt tại một căn hộ, gần đại lộ Champs-Elysées ở Paris. Cor đã gọi điện thoại cho cô Sonja, nhờ đó cảnh sát đã truy lùng ra nơi ở của hai tên này. Chính quyển Hòa Lan đưa lệnh dẫn độ Wim và Cor về nước, nhưng việc dẫn độ bị sa vào những phức tạp về thủ tục pháp lý. Vì thế, hai nghi can vẫn bị giữ ở Pháp trong gần ba năm. Trong thời gian đó, thỉnh thoảng hai nghi can được một số nhà báo Hòa Lan chạy sang phỏng vấn. Khi trả lời nhà báo, hai cậu thanh niên này tỏ ra phách lối, họ thuộc thành phần cứng đầu trong giới lao động, dám bắt cóc một nhà quí tộc, danh giá. Cô Astrid chê bai cách biện minh, tự quảng cáo của hai người anh. Trong lòng cô có những cảm nghĩ lẫn lộn, bởi vì dù sao thì Wim cũng là anh lớn của cô, và Cor là người yêu của chị Sonja. Cô Sonja không bao giờ giảm lòng tin, yêu quí của cô dành cho Cor. Còn bà Stein tuần nào cũng đi sang Pháp để thăm cậu Wim ở trong tù. Cô Astrid cố giữ vị trí xa cách đối với vụ kiện nhưng không được, bởi vì cô không thể đánh mất tình máu mủ, cũng như tên của gia đình bây giờ trở nên quá nổi tiếng. Cả nước Hòa Lan đều biết đến.

Trong lúc Wim và Cor còn đang bị giam giữ ở Pháp, cô Astrid yêu một nghệ sĩ tên là Jaap Witznhauser, già hơn cô 20 tuổi. Ông ta khác hẳn với mọi người trong gia đình cô. Ông ta không hề biết nóng giận là gì, luôn luôn ở bên cạnh hỗ trợ tinh thần cho cô Astrid. Cô Astrid nói đùa: “Anh ấy là vú em của tôi. Ảnh làm tất cả mọi việc trong nhà như nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, làm đủ mọi việc trong nhà.”. Khi gia đình cô Astrid lại chơi, họ trông thấy ông Witzenhausen hút bụi trong nhà, họ bật cười chế diễu. Khi Astrid được 19 tuổi, cô sanh một cháu gái, đặt tên là Miljuschka. Trong vài tháng sau khi sanh, cô cố gắng tìm cách bảo vệ cháu bé, không cho cháu dính líu gì đến dòng máu hung dữ của gia đình. Bà ngoại Stien cũng ủng hộ ý kiến này. Họ đi tìm gặp chuyên gia tâm lý để hỏi về việc này. Đây là điều mọi người quen biết trong khu xóm không bao giờ làm. Nhưng Astrid vẫn cứ làm vì cô không muốn con gái của cô sẽ lớn lên trong hoàn cảnh giống như cô ngày xưa. Câu đầu tiên cô hỏi chuyên gia tâm lý: “Như thế nào là đời sống bình thường? Người có đời sống bình thường hành xử ra sao?”.

Cuối cùng thì đến năm 1986, Wim và Cor bị giải giao về Hòa Lan, và bị kết án 7 năm tù giam. Chiếu theo luật lệ của một nước cấp tiến như Hòa Lan, hai cậu này sẽ được tự do sau 5 năm ngồi tù. Công chúng ở Hòa Lan đồn đại với nhau rằng khi được trả tự do, hai cậu đã tổ chức tiệc ăn mừng thật lớn, và mời ban nhạc chơi bản đồng dao Heineken. Cô Astrid nói với tôi rằng hai anh ấy không có lý do gì để mà ăn mừng cả: “Nhà chức trách vẫn chưa thu lại được tiền chuộc mạng cho ông Freddy Heineken.”. Theo giới hữu trách, sau khi ông Heineken và tài xế được thả, họ chỉ tìm thấy bao bố đựng tiền chôn trong một khu rừng ở tỉnh Zeist, cách Amsterdam 35 dậm về hướng đông nam. Nhưng có đến một phần tư số tiền chuộc đã bị lấy mất. Số tiền đó vào khoảng tám triệu đô la. Theo cô Astrid, hai anh Wim và Cor đã dùng số tiền đó để giao cho đàn em chuyển sang hoạt động buôn bán ma túy. Vì thế, trong lúc họ ngồi tù, số tiền 8 triệu đô la này được dùng để kinh doanh sinh lợi. Hai anh đi ngồi tù với số tiền khá lớn, và khi ra tù họ lại giầu hơn trước.

Khi cậu Cor được thả ra, cậu và cô Sonja chọn lối sống xa hoa của một tay anh chị quyền thế, với những chiếc xe hơi hào nhoáng đắt tiền, và những chuyên đi nghỉ mát ở Địa Trung Hải dài ngày. Hai vợ chồng lại có thêm một đứa con trai, và Cor đặt tên đứa bé là Richie lấy cảm hứng về cuộc sống giầu sang của họ. Hai anh em rể Cor và Wim vẫn tiếp tục cộng tác với nhau. Có thể nói là họ thành lập một “gia đình tội phạm”. Cha của cô Astrid qua đời khi Wim còn đang ngồi tù. Đến khi Wim trở về nhà, đương nhiên cậu ta nắm chức quyền huynh thế phụ, và trở thành người cột trụ trong gia đình. (Cô Astrid còn một người anh trái khác tên là Gerard, nhưng cậu này sống xa lánh gia đình, và đi biệt tăm, không trở về nhà). Ký giả chuyên về tội phạm, ông Peter de Vries viết về hai anh em Wim và Cor khi họ bị giam cầm ở Pháp. Ông viết cuốn sách nhan đề: “Vụ bắt cóc ông Heineken.” Xuất bản vào năm 1987. Cuốn sách trở thành một “best-seller”. Trong cuốn sách này, Cor từng tuyên bố rằng anh ta không hề cảm thấy ân hận gì về việc làm của mình, và anh rất hài lòng về mối liên hệ giữa anh với Wim, và đồng bọn trong vụ bắt cóc. Theo anh đó là “ tình đồng chí độc đáo, hiếm có, vững bền như keo sơn, và bất diệt.”.

Gia đình chủ hãng Heineken chưa bao giờ ngỏ ý muốn thu hồi lại số tiền chuộc bị mất, bằng cách tiếp tục thủ tục pháp lý đi kiện Cor và Wim. Nhà báo De Vries giải thích cho tôi biết rằng gia đình Heineken quá hoảng sợ về những gì bọn bắt cóc đã làm đối với ông già Freddy, vì thế họ vẫn sợ rằng tổ chức băng đảng sẽ còn ra tay lần nữa nếu gia đình Heineken tiếp tục kiện chúng. Tính chất thụ động trong văn hóa người Hòa Lan bắt nguồn không những từ tinh thần cấp tiến trong dân chúng, mà còn từ tinh thần thực tiễn, cắn răng chịu đựng cho qua, thay vì làm lớn chuyện. Điều này được thấy rõ xảy ra trong kỹ nghệ mãi dâm, nếu khắt khe quá, cũng chẳng thể nào ngăn cản được nghề này. Ông Heineken giàu có, ông có rất nhiều tiền, nên ông chỉ muốn sống yên ổn mà thôi. Vào khoảng thập niên 1990’s, nhà báo De Vries tổ chức cho trưởng ban an ninh, cận vệ của ông Heineken gặp gỡ anh em Wim và Cor. Hai tên này khẳng định với trưởng ban an ninh rằng: “Ông già Freddy không có gì phải sợ hãi bọn chúng cả.”. Nhưng lời cam kết này chỉ được giữ nếu gia đình Heineken im tiếng, đừng đòi hỏi truy tìm số tiền bị mất. Sau buổi gặp gỡ đó, đôi bên đường ai nấy đi, tránh không muốn gặp nhau. Về phần ông Heineken, sau vụ bắt cóc, ông trở nên kín tiếng, sống cuộc đời ẩn dật, và mất vào năm 2002. (Gia đình từ chối không đưa ra lời bình luận nào.)

Anh em nhà Holleeder nghi ngờ rằng nhà chức trách bắt đầu theo dõi chúng rất sát. Vì thế chúng tuyệt đối không bao giờ bàn chuyện làm ăn trong nhà, hay trong xe hơi. Cô Astrid nhớ lại: “Để bảo vệ số tiền kiếm được, chúng tôi phải nói chuyện với nhau bằng mật mã.”. Ví dụ: “Tôi có mua cho anh vài trái dứa.” Điều này có nghĩa là: “Chúng ta đang có vấn đề rồi đấy. Anh hãy đến gặp tôi, để cùng thảo luận.”. Khi nào Wim muốn nói chuyện dài dòng, chi tiết với Astrid hay Sonja, anh ta đều rủ hai cô em gái đi bộ với anh để bàn tính công chuyện. (Sau này, khi đứng trước tòa xử án, hắn còn nói đùa: “Tôi là người ưa sinh hoạt ngoài trời.”). Mặc dù chỉ bàn chuyện khi đi bộ, nhưng Astrid cũng cẩn thật lấy tay che miệng, để tránh trường hợp cảnh sát dùng ống nhòm nhìn môi cô mấp máy, và diễn dịch lời nói của cô. Khi Wim cần nói điều gì quan trọng với Astrid, cậu ta thì thầm bên tai của cô. Cô Astrid nói với tôi: “Chúng tôi hết sức cẩn thận khi liên lạc với nhau để có thể sống ung dung với số tiền lấy được của gia đình Heineken. Chính vì vậy, cô mang nặng mặc cảm mình là kẻ đồng lõa với anh trai dính líu vào tội phạm.

Một phần số tiền họ kiếm được do việc bắt cóc ông Heineken được đầu tư vào kỹ nghệ mãi dâm, kỹ nghệ khai thác tình dục. Họ chú tâm khai thác lợi nhuận tại “khu đèn đỏ” ở Amsterdam. Tên của gia đình được giữ kín, không để lại một chút dấu vết nào trên giấy tờ. Về khía cạnh pháp lý, không hề có một số tiền nào xuất phát từ tiền chuộc của gia đình Heineken. Khi ai hỏi Wim về việc mất tiêu hàng triệu đô la tiền chuộc, anh ta chỉ trả lời mơ hồ rằng có lẽ số tiền đó bị đốt cháy ngoài bãi biển.

Việc Wim và Cor làm ăn trong địa hạt mãi dâm ở khu đèn đỏ trở thành một bí mật được tiết lộ ra ngoài. Sau khi họ đầu tư vào rạp hát Casa Rosso, chuyên chiếu phim sex, công ty Heineken gửi thư nói rõ công ty sẽ không cung cấp cho rạp hát loại bia của hãng nữa.

Cô Astrid nhận thấy anh Wim thường có thái độ ăn hiếp, và khinh miệt phụ nữ, càng ngày anh ta càng giống cha của cô ngày xưa. Tuy rằng khi còn nhỏ, cô đã từng sống trong ác mộng vì có người cha hung dữ, song mối liên hệ giữa cô và anh Wim vẫn hết sức thân mật. Cô tâm sự với tôi: “Mối liên hệ giữa anh em chúng tôi thật là đặc biệt. Nó dựa vào sự sợ hãi, dọa nạt, và bạo lực. Chúng tôi ở tình trạng cùng lệ thuộc vào nhau để mà sống. Tôi phải học cách yêu người mình không ưa.”. Có một dạo cô làm việc tại quầy hàng trong một tiệm bán dụng cụ kích dâm của anh cô. Cô nói thêm: “Có lẽ tôi là thành viên trong gia đình. Tôi không thấy có vấn đề gì về nghể mãi dâm cả, bởi vì nó gần gũi với tôi quá. Hàng ngày tôi trông thấy nó diễn ra trước mắt tôi. Tôi rút ra một bài học là muốn được tự lập, không lệ thuộc vào đàn ông, mình phải có đầu óc, có khả năng làm việc, và chống lại họ.”.

Khi cô Astrid được 23 tuổi, cô theo học luật trên đại học, vì cô thấy ngành học này chính xác, và rõ ràng. Cô là phụ nữ trẻ duy nhất, có con thơ ở trong lớp học. May thay chồng cô luôn luôn tiếp tay giúp cô thực hiện tham vọng của cô. Ông giúp cô chăm sóc cho cháu bé Miljuschka. Cô Astrid dự tính sẽ theo học ngành luật chuyên về “Luật Công Ty Doanh Nghiệp.” Nhưng cơ hội tìm việc khó quá, lại thêm uy tín của dòng họ cô bị tai tiếng. Thêm một lần nữa, cô không thể thoát ra khỏi gia đình mang tên Holleeder.

Wim quen biết khá rộng trong giới luật sư hàng đầu chuyên về hình sự ở Amsterdam, và anh ta giới thiệu cô em gái của mình cho những luật sư này. Khi đến với những luật sư chuyên về hình sự, cô Astrid lại nhận thấy tên của cô là một vốn quí, giúp cô rất nhiều. “Các luật sư hình sự lấy làm vui mừng khi thấy em gái của Wim Holleeder gia nhập vào giới luật sư hình sự.”. Trong giới xã hội đen, việc quen thuộc đôi khi cũng tạo ra sự khác biệt, ưu đãi riêng.

Cô Astrid mau chóng được sự mến chuộng của nhiều thân chủ, và đồng nghiệp trong nghề luật sư hình sự. Cô tỏ ra rành rẽ trong việc dùng những mật mã giang hồ. Cô khéo léo sử dụng rất uyển chuyện giữa ngôn ngữ lịch sự, học thức của nơi cô lớn lên, và ngôn ngữ cổ xưa của tòa án Hòa Lan. Cô cũng dễ dàng tiếp chuyện với những thành phần dính líu đến tội phạm vì những kinh nghiệm cô có sẵn trong gia đình. “Tôi biết nói chuyện, gạn hỏi những người thân chủ. Tôi đối xử với họ không phải như một tội nhân, mà là một con người, có danh dự riêng.”. Khi nói chuyện về kinh nghiệm của người luật sư hình sự, giọng của cô nghe có phần rung động, thương cảm. Tôi hỏi cô có nhớ, luyến tiếc nghề cũ của mình hay không? Cô trả lời: “Nhớ lắm chứ! Nghề này đưa tôi gặp những người đang ở tận cùng của sự khổ ải. Họ cần mình nhiều lắm, họ bám chặt lấy mình.”. Đến khi cô nhận lời đứng ra làm nhân chứng tố cáo anh Wim, việc nghiên cứu hồ sơ pháp lý hết sức liều lĩnh, khó khăn, nó có thể đem lại rủi ro chết người cho thân chủ. Cô lắc đầu nói nhỏ: “Sự thực là, tôi cũng giống như anh của tôi. Chúng tôi cùng đứng trong phạm vi bốn bức tường.”.

Cô Astrid mô tả về anh Wim như một lỗ hổng mầu đen, hút sạch, hay làm dơ bẩn bất cứ vật gì bay ngang qua quĩ đạo của nó. Thậm chí ông chồng của cô, một nghệ sĩ cấp tiến, cũng không tránh khỏi bị đầu độc. Khi cháu bé Miljuschka còn bé tí, chưa đầy một tuổi, ông Witzenhausen phải nhận làm quản lý cho một ổ điếm của anh Wim và Cor. Cô Astrid kể lại: “Anh Jaap, chồng tôi tìm cách cứu giúp những phụ nữ phải đi làm điếm. Cô nào cũng tội nghiệp, cần được giúp đỡ.”. Cho đến một lúc chính anh Jaap cũng ăn cắp tiền ở ổ điếm để tiêu riêng. Đây là một ván bài tự sát, nếu anh Wim mà biết được, Jaap chỉ có nước chết mà thôi. “Rõ rệt là Jaap biến đổi từ một tay trí thức trở thành một tên ăn cắp.”. Năm 2005, một thám tử thẩm vấn ông Witzenhausen, và ông khai rằng nhiều lần Wim đã đánh đập cả Sonja lẫn Astrid. Wim là hình ảnh đáng sợ cho mọi người trong gia đình. Ông ta khai thêm rằng vì Astrid cứng đầu, chống lại anh Wim, nên cô ta còn bị đòn nhiều hơn.

Khi tôi kể điều này cho cô Astrid nghe, cô nói rằng cô không nhớ khi cô trưởng thành đã bị anh Wim đánh mấy lần. Cô xác nhận có bị đánh vài lần. Cô nói: “Miễn là những cú đánh đó đừng trúng vào mặt tôi, tôi không nhớ đến làm gì.”. Wim từng nhổ nước miếng vào mặt cô, xô đẩy cô, và có lần hắn định bẻ khóa căn phòng riêng của cô. Cô nói: “mấy chuyện đó rất thường đối với tôi.”.

Ngày nay, cô Astrid công nhận có sự mâu thuẫn vừa kể. Cô nói: “Tôi có hai cuộc sống – một cuộc sống của riêng tôi, và một cuộc sống của đứa con trong gia đình.”. Trong lãnh vực nghề nghiệp, cô trở thành một luật sư giỏi, nổi tiếng, và có nhiều quen biết với những trạng sư trứ danh. Tuy nhiên, trong vai trò em gái của Wim, cô bị đóng khung trong vị thế của một nạn nhân. Cuối cùng cô khám phá ra ông Witzenhausen, đã phản bội cô, đi gian díu với một cô gái trong ổ điếm. Cô chia tay với ông Witzenhausen, và một mình nuôi cháu gái Miljuschka. Đây là một cuộc chia tay âm thầm và êm thắm, thậm chí bà mẹ và cô chị gái của cô cũng không biết ông Witzenhausen bây giờ đang sống ở đâu. (Tôi có ý đi tìm tông tích của ông ta, nhưng không tìm thấy.). Nhưng cô Astrid không có đủ can đảm, nghị lực để vứt bỏ quan hệ gia đình của riêng cô. Cô nói: “Lẽ ra tôi nên rũ áo ra đi. Nhưng nói rằng tôi bỏ đi thì dễ, còn những người trong nhà lại không chịu rời bỏ tôi.”. Cô tiếp tục đi gặp nhà tâm lý trị liệu trong suốt ba mươi năm, và tiếp tục lâm vào thế kẹt, không biết phải xử trí ra sao. Phải chăng cuộc sống với gia đình của cô mang tính chất “hồi hộp, hấp dẫn” hay vì cô thương xót cho gia đình nhiều quá? Hay cũng có thể cả hai lý do. Cô nói: “Sống một cuộc đời đầy nguy hiểm đã trở thành thói quen của tôi mất rồi.”.

Một ngày mùa xuân năm 1996, anh Cor và cô Sonja lái xe đưa đón cháu Richie từ trường đồng ấu trở về nhà. Trước khi bước vào nhà, Cor còn ngồi trong xe để nghe nốt bản nhạc do ca sĩ Andrea Bocelli hát. Lúc đó cô Sonja trông thấy một người đàn ông tiến lại gần xe. Hắn ta rút khẩu súng cầm trong tay, và bắn xối xả. Cô Sonja sợ quá, kéo cháu bé Richie bung ra ngoài xe, mở cửa băng sau, và nằm núp trong xe. Anh Cor bị trúng thương khá nặng, bị bắn ở cánh tay, và vai, một viên đạn bắn vỡ hàm của anh, nhưng anh vẫn còn sống sót. Astrid gặp hai người ở bệnh viện, và nhận thấy một nhánh lông thú hiện ra trên mặt ghế băng sau. Cô lần mò theo, và tìm thấy một viên đạn còn nằm sâu trong nệm xe.

Ngay sau khi Cor ra khỏi bệnh viện, Wim thu xếp đưa Cor, Sonja và hai đứa con sang bên Pháp để sống. Gia đình sống ẩn náu trong một căn nhà bí mật để tránh không bị ám sát. Sau vài cuộc điều tra, Wim cho biết hai tên gangster Sam Klepper và John Mieremet thuộc băng đảng lớn ở Amsterdam đã được lệnh đi hạ sát Cor. Lúc bấy giờ Wim và Cor đã trở nên rất nổi tiếng trong thế giới xã hội đen ở Hòa Lan. Theo Wim tiết lộ bọn gangster hứa sẽ không tìm cách hạ sát Cor nếu y đồng ý trả cho bọn chúng một triệu tiền Hòa Lan. Wim năn nỉ Cor nên thực tế, chịu theo điều kiện này để yên ổn làm ăn. Nhưng Cor cương quyết từ chối. Trong lúc Cor đang nghỉ dưỡng sức trong một căn nhà miền quê ở Pháp, còn Wim quanh trở về Amsterdam để đối phó với Klepper và Mieremet.

Ngay từ khi còn nhỏ, Cor luôn luôn giữ thái độ xếp xòng, đàn anh trong mọi cuộc làm ăn của băng đảng. Sáng nào Wim cũng đi mua thức ăn sáng cho Cor. Nhưng vào thời điểm Cor bị đe dọa tính mạng, mối liên hệ giữa Cor và Wim có phần nào bị ảnh hưởng. Đôi bên tỏ ra không thuận thảo với nhau, Ký giả Peter de Vries gặp họ nhiều lần trong thời gian này. Ông nói: “Hai đứa chúng nó cãi nhau hoài. William không muốn đóng vai trò hiện tại của y nữa. Trong lúc Cor lún sâu thêm vào những hoạt động buôn bán ma túy, và nhiều hành vi bất hợp pháp khác, còn Wim thì chỉ muốn làm ăn hợp pháp mà thôi. Hắn nói trước tòa án: “Tôi chỉ muốn làm cái việc rửa tiền, để sau đó, giã từ xã hội đen, về sống lương thiện. Tôi có cái nhìn xa, về lâu dài.”.

Một nguyên do khác khiến hai anh em rể bất hòa với nhau là cái tật uống rượu của Cor. Hắn lúc nào cũng uống rượu. Hắn coi cuộc đời là những chuỗi ngày tiệc tùng lu bù. Wim thì khác, hắn nhìn tấm gương của ông bố, nên không bao giờ đụng đến một giọt rượu. Thỉnh thoảng Cor uống bia Heineken. Khi đó, hắn nâng ly bia lên, và nói một cách mai mỉa: “Thế là tôi lại bị bia Heineken quyến rũ mất rồi.”. Cor thường hay đánh đập Sonja khi hắn say rượu. Nhưng chưa bao giờ đến mức cô phải bỏ hắn ra đi. Cô Astrid nói với tôi: “Tội nghiệp cho Sonja, khi còn nhỏ phải sống với người cha nghiện rượu, lúc lớn lên lại gặp người chồng nghiện rượu.”. Trong thế giới của hai chị em, đàn ông là những tên khốn nạn như thế đó.

Lo sợ kẻ thù sẽ tiếp tục tìm cách sát hại mình, Cor bắt đầu đi sưu tầm, mua súng rất nhiều. Cậu ta tâm sự với Sonja rằng nếu cậu bị giết, cậu muốn có một đám tang thật lớn, với xe ngựa song mã đưa áo quan đến tận huyệt mộ. Trong lúc đó, cậu Wim tìm đủ mọi cách để ép Cor thuận trao số tiền do bọn gangster đòi hỏi. Wim làm áp lực qua đáng đến nỗi có lúc Cor phải đặt vấn đề liệu Wim có còn trung thành với hắn hay không. Wim khẳng định rằng hắn chỉ có một người thân cận duy nhất là Cor mà thôi. Nhưng Cor tỏ ra bất mãn và gọi Wim là “Judas”, kẻ phản bội.

Mùa đông năm 2000, vài ngày trước Lễ Giáng Sinh, Cor thoát chết trong đường tơ kẽ tóc một vụ mưu sát thứ hai, nhằm giết hắn. Một tay sát thủ nhắm bắn chết Cor khi anh ta bước vào nhà. Nhưng tay sát thủ bắn hụt. Cả nhà hoảng sợ. Cô Astrid linh cảm sẽ có một người trong gia đình bị giết chết. Một ngày tháng Giêng năm 2003, Cor đang đứng nói chuyện với tay phụ tá trước cửa một nhà hàng Tầu, bỗng dưng có hai người đàn ông phóng xe gắn máy đến gần, và bắn chết Cor trong chớp mắt.

Chiếu theo ước nguyện của Cor, đám tang của hắn được cử hành rất trọng thể với hai con ngựa giống Frisian, và xe song mã mầu trắng. Khách dự tang lễ ngồi trong xe limo mầu trắng. Một số người cư dân Amsterdam đứng xem đám tang bị bọn du côn, dắt mối xô đẩy lên vỉa hè. Cô Astrid nhớ lại là cả thành phố xôn xao về đám tang quá lớn. Cô Astrid nói gia đình chỉ muốn cử hành tang lễ theo đúng ý nguyện của người chết. Cô hất sức xúc động, đau lòng về vụ mưu sát Cor. Mặc dù Cor không phải là người chồng, người cha tốt, lý tưởng, nhưng Sonja và những đứa con hết mực kính yêu Cor, và cô Astrid luôn luôn xem Cor như một người anh trai của cô. Có lẽ nhưng người phụ nữ trong gia dình dành nhiều cảm tình cho Cor hơn là cho Wim. Cô Astrid và Sonja luôn luôn nói về Cor với sự yêu mến, thân thương.

Sau vụ sát hại Cor, Wim tỏ ra cứng rắn, củng cố quyền lực và sức mạnh của y trong thế giới xã hội đen. Từng đứa một, những tay bộ hạ thân tín của Wim lần lượt bị sát hại, hay thủ tiêu. Hắn không bao giờ để bị dính líu đến bất cứ một vụ sát hại đàn em. Nhưng hầu hết các vụ giết người này đều xảy ra tương tự như kiểu bắt cóc ông Heineken để lấy tiền. Không ai có thể đưa được bằng chứng Wim nhúng tay vào vụ mưu sát, nhưng ai cũng hiểu rằng chính Wim đứng sau những vụ giết người này. Wim bắt đầu lại thăm cô Sonja và những đứa con của cô nhiều hơn. Hắn không hề bầy tỏ lòng mến thương chú Cor, trái lại thường hay dèm pha, chê trách Cor. Khi cháu bé Richie lớn lên, ở tuổi thiếu niên, vạm vỡ, giống hệt cha, bác Wim thường nói với Richie rằng cha của nó là một gã “bất tài” vô tích sự. Trong lúc đó, hắn đề nghị với Sonja hãy trao cho hắn hết số tiền còn lại do vụ bắt cóc ông Heineken, để hắn đứng ra chỉ đạo đàn em làm ăn. Không giống như Sonja, Wim mới là người phải nhận những rủi ro, và trách nhiệm trong việc kinh tài.

Năm 2007, Wim bị truy tố về tội tống tiền một số thương gia giầu có ở Amsterdam, và y bị tống giam vào tù trở lại. Năm năm sau, nó được thả ra, và nó càng ngày càng trở nên nổi tiếng trong giới giang hồ ở Hòa Lan. Nó thường cưỡi chiếc xe Vespa đi loanh quanh những khu ăn chơi ở Amsterdam, đến nỗi, đám đàn em, như nhạc sĩ Lange Frans, làm những bài hát “rap” như “Wim đã trở lại với chúng ta.”. và “Wim is Teng”. Hắn còn bắt đầu viết nhiều cột báo khoe khoang về cuộc đời giang hồ của nó trên tờ tạp chí Nieuwe Revu. Rồi nó tưởng nó đã trở thành văn sĩ nổi tiếng, nên kết bạn với những nhân vật nổi danh trong giới văn nghệ sĩ. Nó thuê người ta viết cuốn truyện:” Holleeder: The Early Years” “Holleeder vào những năm đầu sự nghiệp giang hồ.”. Sau đó, một cuốn phim mô tả vụ vụ bắt cóc ông Freddy Heineken phỏng theo phóng sự của ký giả De Vries được thực hiện. Trong đó, tài tử Anthony Hopkins đóng vai ông Freddy Heineken. Ngoài ra, Wim còn xuất hiện trên một show truyền hình “College Tour” chuyên phỏng vấn các nhân vật nổi tiếng như Bill Gates, hay Giám Mục Desmond Tutu. Báo chí tôn xưng Wim Holleeder như một “tên tội phạm đáng yêu”. Thanh thiếu niên gặp hắn ngoài đường yêu mến hắn, và xin được chụp hình với hắn. Một tay trùm găng tơ ở địa phương, gốc dân Serb, tên là Steven Jocic ví von rằng Willem Holleeder là sản phẩm nổi danh nhất của Hòa Lan, không thua gì cheese của nước này.

Đối với cô Astrid, việc công chúng tôn vinh anh cô là một sự chuyển hướng dễ hiểu. Một lý do để giải thích sự kiện này là những người chủ trương bảo vệ dân địa phương bất mãn về tình trạng di dân từ Morocco sang Amsterdam ở nhiều quá, và nghe nói những di dân từ các nước hải đảo đã chiếm lĩnh xã hội đen của giới giang hồ Hòa Lan, và Wim Holleeder thường được tôn vinh như giới anh chị Hòa Lan sau cùng còn ngự trị xã hội đen. Là một người Da Trắng, và cách ăn nói thuần Hòa Lan, Wim trở thành niềm kiêu hãnh của dân Amsterdam trong giới anh chị, giống như người ta mến chuộng tay giang hồ John Gotti ở New York ngày xưa.

Nhưng có điều hơi lạ là một tay giang hồ cỡ lớn còn tồn tại, trong khi nhiều tay khác đều đã bị giết hết, và người giết chính là tay giang hồ lớn này. Những người gần gũi với Wim Holleeder cảm thấy kinh hãi về tỉ lệ giết người xảy ra. Khi tôi hỏi ký giả De Vries kể tên một vài tay anh chị khác, từng nổi tiếng, thì ông suy nghĩ một lúc rồi nói: “Hầu hết đều đã chết cả rồi.”. Vụ án xử Wim hồi năm 2007, chủ yếu là về những người tình nghi đã bị Wim giết. Cảnh sát Hòa Lan phỏng vấn Willem Endstra, một tay đàn em cũ của Wim. Hắn cho biết Wim là người chủ mưu thực hiện hàng chục vụ mưu sát. Wim từng khoe rằng hắn đã gài người mật báo trong Sở cảnh sát. Nếu điều này đúng, những ai có ý định tố cáo y, chắc chắn sẽ gặp nguy hiểm. Sau khi Endstra tiết lộ với cảnh sát được ít lâu, thì chính y đã bị bắn chết.

Astrid biết rõ anh của cô là kẻ giết người. Hắn thường đến tìm cô xin ý kiến về khía cạnh luật pháp, cho mỗi vụ giết người xảy ra ở Amsterdam. Với mỗi vụ, cô chuẩn bị cho hắn một hồ sơ pháp lý khá dầy để bào chữa, biện minh. Trong đó, cô đề nghị nên đưa nhân chứng nào ra, nên bác bỏ những luận điểm nào của phía công tố. Thông thường Wim lái xe đến nhà cô thật sớm, rồi yêu cầu cô ra ngoài đi bộ với hắn, để hắn kể rõ sự việc, chỉ có hai anh em nghe với nhau. Có khi y cần một số tiền nóng để trang trải, che dấu một vụ nào, chính cô là người cung cấp tiền mặt cho y. Nhiều lần, cố đã tìm cách đánh lạc hướng các điều tra viên để bảo vệ cho anh của cô. Khi ra tòa, được hỏi về những vi phạm này: “giữa công lý, và bảo vệ cho Wim, cô sẽ chọn cái nào.” Cô trả lời là sẽ chọn công lý.”.

Sau khi các đồng đảng của Wim lần lượt bị giết chết, cô Astrid bắt đầu nghi ngờ. Trước đây, anh của cô từng đổ lỗi về cái chết của Cor van Hout là do hai tên gangster Sam Klepper và John Mieremet chủ mưu. Nhưng sau này chính Wim lại cộng tác làm ăn với tên Mieremet. Cor bị giết vào năm 2003, ngay sau đó Klepper bị bắn gục ở Amsterdam, và Mieremet bị ám sát chết ở Pattaya, Thái Lan. Suy xét về diễn biến của sự việc, Astrid cho rằng Klepper và Mieremet không thể nào ra lệnh cho đàn em giết Cor được, mà chính là do Wim chủ mưu sắp xếp mọi chuyện.

Một buổi sáng Chủ Nhật, tài xế đến đón tôi tại bờ sông ngay giữa trung tâm thành phố Amsterdam, và chúng lái đến chung cư nơi cô Sonja ở. Astrid đón chúng tôi tận cửa. Cô là người tổ chức bữa ăn gia đình và mời tôi đến ăn chung. Sonja lo phần nhà bếp, nấu nướng. Cô có mái tóc vàng, hơi nâu, rất quyến rũ, và nụ cười thầm lặng. Giống như cô Astrid, hai chỉ em chỉ ưa mặc quần áo mầu đen. Căn hộ thật sạch sẽ, không một vết bụi, trắng bóng qua ánh sáng rèm cửa cũng màu trắng. Cô Astrid thẳng thắn tiết lộ cho tôi biết cô Sonja vẫn tiếp tục sống bằng lợi nhuận có từ khoản tiền chuộc trong vụ bắt cóc ông Heineken. Cô nói: “Nhà nước không đòi lấy lại số tiền, và Heineken cũng không làm thủ tục pháp lý để đòi lại tiền. Do đó, số tiền thuộc về chúng tôi.”.

Trên tường nhà treo nhiều hình của Cor chụp chung với Sonja, có cả tấm hai người chụp chung với tài tử của cuốn phim “Bắt cóc ông Heineken.”. Hai đứa con của cô Sonja, cháu Frances và Richie cùng ngồi tại bàn ăn, còn bà ngoại Stein ngồi ở ghế sa lông, ngồi chậm chạp ăn chén súp. Bánh mì và bơ được chuyền tay cho từng người. Cô Astrid lên tiếng nói: “Chúng tôi vừa mới cãi nhau trước khi ông tới đây.”. Cô giải thích có lẽ Richie sẽ lên tiếng truy tố bác của nó, mặc dù cô Sonja không muốn như vậy.

Richie nói: “Giới báo chí cứ nghĩ rằng chúng ta có một đời sống tốt, hạnh phúc trong một gia đình làm việc phi pháp. Thực ra bác Wim là người làm chị cháu và cháu hết sức sợ hãi.”. Cháu Richie trông đẹp trai giống bố, với đôi chân dài, tóc vàng dợn sóng, và khuôn mặt tròn nhỏ nhắn xinh xắn. Lúc ngồi trong xe, cậu bé kể cho tôi bác Wim có ý định giết cha cậu khi cậu mới ba tuổi, và khi cậu được chín tuổi thì Cor, cha cậu bị giết. Rồi cậu nói: “Bây giờ cháu 25 tuổi.” Với thành tích của cha và bác, Richie có thể trở thành một thành viên lớn trong thế giới xã hội đen. Là cháu của Wim, và con của Cor, cậu có thừa tư cách trở thành một ông Hoàng của băng đảng. Nhưng cậu không làm chuyện đó. Cậu đi theo vết chân của dì Astrid sang Hoa Kỳ du học bằng một học bổng thể thao. Cậu học ở trường University of San Francisco, thời giờ rảnh thì đánh tennis. Học xong đại học, cậu trở về Amsterdam, mở một cơ sở kinh doanh, và trở thành huấn luyện viên thể dục. Trong lòng của cậu nuôi mối hận thù bác Wim, kẻ đã giết chết cha của cậu. Cậu nói với tôi: “Cháu đã nghĩ đến việc giết chết ông ấy. Ông ta đã lấy đi mạng sống của người cháu yêu quí. Giờ này cháu vẫn còn thương nhớ cha của cháu.”.

Vài tháng sau lần bị ám sát hụt hồi năm 1996, Cor từ nơi ẩn náu bên Pháp trở về nước, và mua một villa ở Hòa Lan. Wim ép buộc Astrid và Sonja phải cho hắn biết nơi Cor sống, nhưng hai cô đều tìm cách dấu kín nơi ở của Cor. Wim tức giận, rút khẩu súng ra, chỉ vào mặt Richie, gằn giọng nói: “Mày phải nói cho tao biết, cha mày đang sống ở đâu.”. (Wim thường tỏ ra khinh bỉ, oán ghét con cái của Cor, giống như trong huyền thoại Hy Lạp, tin rằng con cái của nạn nhân lớn lên sẽ phục thù cho cha.).

Cô Frances, bây giờ được 35 tuổi, có khuôn mặt hiền dịu, và đôi mắt xanh, nói với tôi rằng hồi cô còn nhỏ, bác Wim thường hay chửi mắng cô, và nhổ nước miếng vào mặt cô. Nhưng cô không dám đưa tay lên chùi mặt, sợ bác nghĩ là cô coi thường ông. Cô than: “Phải giả vờ là thích bác. Đó là việc rất khó làm.” Cô kể lại trong tang lễ của cha cô, bác Wim ra lệnh cho nhà quàn phải trang điểm thật nhiều phấn sáp lên mặt của cha. Cô nói với vẻ ngậm ngùi: “Trông cha như một thằng hề.”.

Cô Astrid có vẻ vui mừng khi thấy cả gia đình ngồi quây quần với nhau. Ở đó, họ cảm thấy nhẹ nhõm vì đã thoát khỏi cảnh bị đe dọa, ức hiếp, và có thể thoải mái nói về thái độ tai ngược của Wim, sau nhiều năm cắn răng chịu đựng. Cùng lúc đó, họ cảm thấy khó chịu khi phải nhắc lại một số kỷ niệm cũ. Cô Sonja không nói chuyện nhiều, cô chỉ lo tiếp cà phê cho tôi uống,và thức ăn cho mọi người dùng. Cô kể cho tôi nghe rằng hồi trước Wim thường lo ngại có kẻ cài đặt máy nghe trong xe của y. Vì thế khi nào cần lái xe đi đâu, hắn thường đòi cô Sonja ra xe, đề máy xe cho hắn. (Wim chối, không làm điều này). Cô Sonja nghĩ lại không hiểu vì sao cô đã ngoan ngoãn nghe lời anh Wim.

Cả hai cô Astrid và Sonja từ lâu đã nghi ngờ rằng chính Wim là người đạo diễn cho việc sát hại Cor, nhưng họ chưa bao giờ bàn với nhau về chuyện này, coi đó là một bí mật khác của gia đình. Mãi đến năm 2012, hai chị em mới tâm tình với nhau về chuyện này, và họ cùng nhau lập ra một kế hoạch điều tra tìm ra sự thật. Họ hỏi ý ông De Vries có nên tiếp xúc với nhà chức trách để xin ra làm nhân chứng hay không? Lúc này ông De Vries đã trở thành bạn thân, đáng tin cậy của gia đình. Ông yêu cầu hai cô phải hết sức thận trọng. Wim sẵn sàng giết bất cứ kẻ nào qua mặt hắn, bất cứ ai tố cáo với nhà chức trách mà hắn khám phá ra được. Hắn lại có rất nhiều tay trong làm việc với cảnh sát. Nếu biết nó sẽ giết chết hai chị em.

Nhưng cô Astrid nhất định không chịu từ bỏ ý định này. Cô nói với tôi: “Wim là nghi can trong nhiều vụ giết người. Nhưng chưa bao giờ có bằng chứng để đưa hắn ra tòa.”. Cô là người duy nhất có thể đứng ở vị trí cung cấp bằng chứng. Với tư cách một luật sư, cô rất quen thuộc với những luật về bằng chứng trong hình luật Hòa Lan. Cô chỉ lo ngại một điều là nếu cả cô và Sonja đứng ra làm nhân chứng, Wim sẽ nhận được những lời tố giác nặng nề nhất từ trước đến nay. Nếu họ có cách nào thu âm được lời thú nhận của hắn, nói năng phách lối ngang tàng sẵn có của hắn, chắc là lời thú nhận đó sẽ là bằng chứng hùng hồn nhất.

Cô Astrid bắt đầu nghiên cứu về các loại máy microphone dấu kín trong người. Ở Amsterdam có một cửa hàng chuyên bán những vật dụng dành cho điệp viên, thám tử. Nhưng cô không dám đến tiệm này để mua vật dụng, vì cô biết thỉnh thoảng Wim đến đây để mua sắm. Y có thể trông thấy cô mua dụng cụ. Vì thế, cô nhờ một người bạn đi mua giúp cô một máy thu âm. Lúc đầu cô gắn chiếc máy thu âm không giây trong áo su chiêng của cô. Wim thường hay lục lọi ngăn kéo bàn làm việc của em gái, nhưng chưa bao giờ hắn khám xét nịt vú.

Tứ tháng Giêng năm 2013, cô bắt đầu đeo máy ghi âm trong nịt vú mỗi khi Wim yêu cầu cô đi ra ngoài bách bộ với hắn, để hắn kể chuyện giết người, hay chuyện phi pháp cho cô nghe. Vài lần đầu, máy ghi âm nghe không được rõ. Sau này, cô tìm cách gỡ bung máy ra, khâu thẳng nó vào viền áo jacket mặc khoác ngoài. Làm như vậy nghe rõ hơn. Cô còn sắm thêm một bộ cho Sonja để đeo vào người khi Wim nói chuyện riêng với Sonja.

Hai chị em tin rằng nếu Wim biết được việc làm của hai cô, chắc chắn hắn sẽ nổi giận, và đánh đập hai chị em đến chết. Nhưng khi tôi hỏi cô Sonja cô có sợ không. Cô trả lời là cô không còn biết sợ là gì nữa. Cô Astrid thì chép miệng thở dài ý nói chẳng biết phải làm thế nào. Cô Sonja nói với tôi: “Trong hai chị em, tôi là đứa hiền lành, nhẫn nhục. Nếu rủ nhau đi đánh cướp nhà băng, thì người đánh cướp là Astrid chứ không phải là tôi.”.

Vào lúc hai chị em bắt đầu thu âm lời nói của Wim, thì hắn chỉ còn một vài cộng sự viên thân tín mà thôi. Đối với loại báo chí chuyên đăng tin lá cải, Wim vẫn tiếp tục đóng vai giang hồ, đầy uy tín. Nhưng trong những câu chuyện riêng tư, hắn tỏ ra bực bội, thù ghét tất cả mọi người. Hắn chỉ chú ý đến tiền, nhất là số tiền chuộc còn lại do vụ bắt cóc ông Heineken. Tháng Giêng năm 2013, báo chí đăng tin nói rằng cô Sonja đã đạt được thỏa thuận với nhà chức trách Hòa Lan trị giá hàng triệu Euro về những số tiền nằm trong phần tài sản của Cor. Trong đó có dịch vụ rửa tiền, và gian lận thuế trước đây của Cor. Đối với Wim sự thỏa thuận này có nghĩa là Sonja đang ngồi trên một đống tiền kếch sù. Trong đoạn thu âm cuộc nói chuyện của cô và Wim, hắn lớn tiếng mắng chửi cô em gái là “con đĩ”. Hai cô em, đứa nào tỏ ra cãi lời hắn, đều bị hắn lớn tiếng mắng chửi thậm tệ. Trong một đoạn thu âm, hắn hăm dọa Sonja: “Tao là một nhân vật nổi tiếng ở Hòa Lan, không đứa nào được phép qua mặt tao.”. Hắn chửi cô Astrid và hăm dọa cô nếu cô phản y, báo với nhà chức trách, hắn sẽ giết cô và vứt xác cô vào bụi cây. Có thề đích thân hắn sẽ bắn chết cô. Wim hăm dọa Sonja, nếu hắn bị ngồi tù dù chỉ một ngày thôi, con cái của cô ta sẽ bị giết trước tiên.

Sau khi chúng tôi ngồi xuống dùng bữa tại nhà cô Sonja, tôi nghe có tiếng gõ cửa. Người bước vào là cô Miljuschka, con gái của Astrid. Bây giờ cô ta được 33 tuổi, xinh đẹp, với mái tóc nâu vàng, và đôi mắt xanh lơ của mẹ. Cô đã ly dị chổng, và có hai con nhỏ. Cô ôm lấy mẹ, trước khi ngồi xuống. Hai mẹ con chỉ cách nhau 19 tuổi, nên rất gần gũi, và thân thiết với nhau. Cô nói rằng cô rất mừng khi gặp mẹ bằng xương bằng thịt. Cô thường chỉ thấy mẹ qua “Facetime” trên điện thoại mà thôi. Cô Miljuschka từng là một người mẫu nổi tiếng. Hiện nay cô thực hiện một show dạy nấu ăn trên đài truyền hình. Sự nổi tiếng của cô lại càng làm cho hoàn cảnh của cô Astrid thêm phức tạp, bởi vì mọi người ngoài đường phố đều dễ nhận diện ra cô Miljuschka. Cô Astrid không thể nào đi chung với con gái nơi công cộng.

Khi quyết định tố cáo Wim, cô Astrid suy nghĩ rất nhiều về sự nguy hiểm có thể xảy đến cho con gái của cô. Cô nói với tôi: “Tôi tâm sự với cháu rằng có thể cả hai mẹ con cùng bị giết.”. Nhưng cô Miljuschka ủng họ ý kiến của mẹ. Cô nói: “Đây là vấn đề danh dự. Mình phải làm những gì mình cho là đúng. Khi quyết định đứng ra khai hết sự thật. Chúng ta sẵn sàng chấp nhận chết. Con là ngưới của công chúng. Bác ấy có thể tìm ra con dễ dàng, bất cứ lúc nào ông ấy muốn.”. Cô nói với tôi rằng nếu cô bị giết, con của cô sẽ khổ sở vô cùng. Nhưng các cháu có thể lo liệu được. Cô ta còn nói thêm rằng đã đến lúc cả gia đình phải đối đầu với sự thật, làm “một cuộc cách mạng.”. Cô nói với tôi: “Khi cháu còn bé, cháu trông thấy mẹ cháu làm việc cực khổ vô cùng. Cháu thấy rõ mẹ cháu bị người anh hành hạ, đánh đập nhiều lần. Bây giờ là lúc cháu mong đợi từ bấy lâu nay, để mẹ cháu có thể khai hết sự thật.”.

Trong lúc nói chuyện, tôi bị chia trí vì một kẻ lạ bất ngờ xuất hiện ở khung cửa. Đó là một người đàn ông sói đầu, mặt mày sần sùi, mặc toàn đồ đen. Tôi đứng dậy nửa chừng, tim tôi đập mạnh. Thế rồi mọi người cùng cười rộ lên, và tôi đỏ mặt ngượng ngùng khi thấy cô Astrid đưa tay lên gỡ chiếc mặt nạ ny lông ra, và hiện nguyên hình của cô. Cô vỗ nhẹ lên vai tôi và nói: “Tôi đã nói với ông là tôi phải hóa trang.”.

Vào mùa hè năm 1995, một giáo sư triết ở vùng phía bắc New York, tên là Linda Patrik, ngồi xuống nói chuyện với chồng của bà, ông David Kaczynski, một cán sự xã hội, về một đề tài hết sức khó nói. Bà hỏi ông một cách nhỏ nhẹ nếu em trai của ông, Ted, là kẻ khủng bố, giết người mang bí danh Unabomber, thì ông sẽ phải làm gì. Bà đã đọc kỹ bản tuyên cáo do y viết về những nguy hại của kỹ thuật. Bà nghĩ những tư tưởng nghe có vẻ là ý tưởng của em rể bà. Ban đầu, chính ông David cũng nghi ngờ về điều này. Ông nghĩ em trai của ông từng bị bệnh tâm thần. Tuy nhiên ông lại cho rằng Ted không phải là loại người làm chuyện bạo động, giết người. Ông David bắt đầu điều tra thêm, và cho rằng mối nghi ngờ của vợ ông là đúng. Ông liên lạc với nhà chức trách, và tháng Tư năm 1996, Ted bị bắt. Ông David đi dự những phiên tòa để nghe Ted cung khai. Y thú nhận đã thực hiện nhiều vụ giết người, và hắn bị kết án 4 lần tù chung thân. Trong suốt thời gian điều trần, Ted từ chối, không chịu ngó mặt nhìn ông David. Ông David cảm thấy đau khổ về thái độ này của em trai ông. Sau này, ông tâm sự rằng ông có cảm tưởng như mình “mắc vào thế kẹt của mối quan hệ anh em với Ted.”. Nếu ông không làm gì, không tiếp xúc với nhà chức trách, e rằng sẽ còn nhiều người bị sát hại. Nếu ông liên lạc với giới hữu trách thì ông bị mắc tội đã đưa em trai vào án tù chung thân.

Nhiều người khi đứng ở ngã ba phải chọn lựa, đều đứng về phía gia đình. Chuyện cổ Hy Lạp ngày xưa kể về cô Antigone trong tấm thảm kịch Sophocles đã rơi vào tình thế khó xử phải phản bội anh cô. Trong vụ án ở Boston tay cướp James (Whitey) là kẻ đã giết hàng chục người, và anh trai của y đang làm chủ tịch thượng viện Massachusetts, không bao giờ tố cáo anh trai của mình. Sau khi vụ án được kết thúc, ông David nói với tôi rằng những trường hợp anh em trong nhà tố cáo với nhà chức trách rất hiếm khi xảy ra, “Tôi hy vọng sẽ có ngày em Ted sẽ tha thứ cho tôi.”. Nhưng thực tế không bao giờ Ted tha thứ cho David.

Tháng Chạp năm 2014, Wim bị bắt và bị truy tố về tội giết các phụ tá trong xã hội đen của băng đảng. Bốn tháng sau, tờ nhật báo NRC Handelsblad ở Hòa Lan tiết lộ tin tức cho biết Astrid và Sonja đã hợp tác với nhà chức trách, thu thập tài liệu, bằng chứng để kết tội Wim. Bài báo đăng tựa đề lớn như sau: “ANH TÔI WILLEM HOLLEEDER LÀ MỘT KẺ ĐIÊN CHUYÊN GIẾT NGƯỜI.”. Astrid đã cho tờ báo phỏng vấn cô. Trong đó, cô gọi Wim là một “tên đa sát” “serial killer”. Ngồi trong tù, Wim kinh ngạc về sự phản bội của em gái. Sau đó, trước tòa, hắn coi sự phản bội đó như “một cơn sấm sét giữa trời nắng ráo.”.

Cảnh sát trao cho Astrid và Sonja mỗi người một nút bấm “cấp cứu” để sử dụng. Khi cần thấy cần thiết, họ chỉ cấn bấm nút là cảnh sát sẽ đến tiếp cứu ngay. Hai chị em đã chỉ dẫn cho cảnh sát những bằng chứng, và hướng dẫn họ những bằng chứng pháp lý để dồn Wim đến chỗ phải nhận tội. Nhưng khi công bố những đoạn ghi âm của nói chuyện, họ cũng trưng ra cho công chúng một số hình ảnh trái ngược với hình dạng thông thường của tay lãnh tụ băng đảng, có biệt danh “Nose”. Tên này thật ghê tởm, chẳng có gì đáng yêu như các báo “lá cải” thường miêu tả. Nhiều đoạn đối thoại cho thấy Wim đã chửi mắng các em gái trong nhà thậm tệ, và dọa giết họ. Báo chí Hòa Lan kinh hãi khi nghe các đoạn ghi âm. Một tác giả, bạn với cô Astrid đề nghị cô Astrid nên viết thành cuốn tiểu thuyết.

Cô trả lời ông ta: “Tôi đã làm chuyện này, và viết được một nửa cuốn rồi.”.

Cô Astrid quả thực đã viết cuốn truyện mô tả lại sự việc. Nhưng cô viết không phải để xuất bản, mà để dành lại cho con gái cô là Miljuschka, phòng khi cô bị giết, sẽ hiểu được vì sao mẹ làm như vậy. Cô cố gắng che chở cho Miljuschka không để cô ấy dính líu đến hệ lụy của một gia đình dầy rẫy chuyện ân oán, giết chóc. Cô nói rằng trước kia cô chưa bao giờ kể cho con gái nghe chuyện cô bị người cha hung dữ đánh đập hoài. Một người bạn văn của cô Astrid giới thiệu cô với chủ nhà xuất bản Oscar van Gelderen. Ông này rất thích dự án viết sách của cô Astrid. Ông nói với tôi: “Điểm tôi lưu tâm đến không phải là vấn đề tội phạm, rắc rối trong gia đình nhiều rắc rối, bạo hành.”. Cô Astrid thì cho rằng việc viết truyện của cô mang tính chất giải tỏa nỗi niềm, tuy có vẻ không bình thường. Cô nói: “Bình thường tôi không bao giờ viết điều gì xuống giấy trắng mực đen. Bởi vì bất cứ điều gì viết ra cũng có thể tìm thấy.”. Cuối cùng cô trao cho ông van Gelderen một tập bản thảo dài ba trăm ngàn chữ. Tập bản thảo này giống như dòng thác đổ của những con chữ. Ông Gelderen sẽ phải sắp xếp lại thành một cuốn sách. Ông nói với tôi: “Tôi sẽ phải làm cái việc người Hòa Lan gọi là chế biến nó thành kẹo sô cô la.”. Cô Astrid đặt tựa đề cuốn sách là “Judas”, “Tức kẻ bán Chúa”, hay “Tên phản bội.” Bởi vì trong đó, cuốn sách miêu tả những hành vi phản bội của anh cô đối với Cor, và sự phản bội của cô đối với anh của cô. Cô nói với tôi: “Anh ấy rất ghét những điều tôi mô tả về anh để người khác thấy. Và tôi lại là hình ảnh của anh khi soi gương.”.

Ông Van Gelderen sửa lại bản thảo trong vòng bí mật, và thu xếp để xuất bản cuốn sách ở ngoài nước Hòa Lan, vì sợ rằng bản thảo bị tiết lộ. Và mặc dù cô Astrid chuẩn bị cung khai trước một phiên tòa lớn, để nói lên sự thật về Wim. Nhưng cô quyết định sẽ giữ bí mật với tòa án, với nhà chức trach về cuốn sách của cô. Trước ngày cuốn sách được xuất bản, ông van Gelderen hỏi cô Astrid: “Thông thường chúng tôi hay tổ chức một buổi tiệc trước ngày ra mắt sách. Cô có đồng ý để tổ chức tiệc không?”.

Cô nghiêm nghị hỏi lại: “Tổ chức tiệc cho cuốn sách này ư? Tôi làm việc này cho một người khác. Nó không phải là một cuốn sách vẽ tranh khôi hài.”.

Nhưng rồi ông Van Gelderen vẫn tổ chức một bữa tiệc. Với con mắt của nhà xuất bản dầy kinh nghiệm, ông dự đoán tác phẩm sẽ trở thành một cuốn sách rất “hot”. Ông nói cho tôi biết rằng ông đã từng là một nhà sưu tầm sách hiếm, như cuốn truyện tranh vẽ của Banksy, một họa sĩ tài ba được giữ kín. Van Gelderen nắm vững số độc giả khi xuất bản sách. Ông quen biết nhiều tác giả lừng danh. Năm ngoái, ông tổ chức một bữa tiệc ở Frankfurt Book Fair, chỉ dành riêng cho những nhà buôn sách ở ngoại quốc, và rất thành công. Khi bữa tiệc vừa bắt đầu, thì cô Astrid bước vào. Mọi người hết sức kinh ngạc. Ông Van Gelderen mỉm cười kể lại cho tôi biết.

Cuốn truyện “Judas” được phát hành ở Hòa Lan ngày 5 tháng Mưới Một năm 2016, và tám chục ngàn cuốn được bán ra trong ngày đầu tiên. Không giống như loạt phim “The Sopranos” trên truyền hình, cuốn “Judas” mô tả hết sức linh động những chuyện hình sự xảy ra trong một bi kịch gia đình. Cô Astrid mô tả rất khéo cái tính hung bạo của cha cô đối với người khác. Ví dụ như có lần ông bắt con cái trong nhà phải ăn cho hết thức ăn để trên dĩa, vì ông không muốn đổ đi thức ăn thừa. Một tối, cô Astrid bị ép phải ăn hết thức ăn. Nhiều quá, nên cô bé bị ói mửa. Cha của cô hét lên chửi rủa: “Ăn cho hết ngay, con khốn nạn. Mày tỏ ra là đứa vô ơn hả.”. Cô viết: “Tôi thấy cha tôi đánh mẹ tôi rất đau vì bà muốn dấu phần dĩa ăn còn thừa đi chỗ khác.”. Trong một đoạn khác, cô Astrid kể lại chuyến đi chung xe với anh Wim. Anh đem mấy tên đàn em ra bàn với cô trong lúc cô lái xe. Bất ngờ, anh ra lệnh cho cô “Ngưng xe lại bên lề đường.”. Hai anh em đi bộ một quãng để tránh không bị trông thấy, hay nghe lén. Anh nghiêm mặt nói với cô: “Tao sẽ giết hết chúng nó, không còn một thằng nào được sống cả.”. (Wim chối, và bảo rằng y không hề đe dọa giết ai cả.).

Một loại phim ngắn về cuốn “Judas” trên truyền hình Hòa Lan đang được thực hiện. Ngoài ra, một loạt phim khác cũng được thực hiện trên truyền hình Mỹ do công ty Amblin Entertainment của đạo diễn Steven Spielberg sản xuất. Khi Wim than phiền trước tòa án là sẽ có một cuốn phim về việc làm của y trên truyền hình Mỹ, một vị quan tòa mắng y: “Một cuốn phim không thể nào đủ để mô tả tội ác của anh.”.

Ông Van Gelderen thường nói về cuộc đời của cô Astrid với vẻ linh hoạt, nhiệt tình như đang quảng cáo về cuốn sách. Ông nói: “Cô ta mô tả anh chàng Wim như một tay anh chị siêu đẳng, không đối thủ. Nếu Wim là tay tội phạm giỏi nhất, thì cô sẽ là một nhân chứng cừ khôi nhất. Và bây giờ chính hắn ta gặp một tay kình địch không vừa. Đó là em gái của y.”.

Cách đây không lâu, cô Astrid nói với một nhật báo Hòa Lan: “Wim sẽ chỉ yên tâm sau khi nào tôi chết mà thôi. Và tôi chỉ yên nghỉ khi nào anh ta chết. Có lẽ nếu có một vụ đấu súng xảy ra giữa hai đứa chúng tôi, sau đó, quí vị có thể mang xác chúng tôi đi.”.

Thỉnh thoảng tôi có suy nghĩ về sự an toàn của cô Astrid. Không hiểu cổ có làm theo những tiêu chuẩn đúng hay chỉ làm theo sự tưởng tượng. Trong vài tháng liên lạc với cô, tôi được biết cô cả thẩy năm chiếc xe hơi bọc sắt, và thường xuyên mặc áo vét chống đạn. Cô tâm sự: “Nếu ông muốn mua loại xe này, khó lắm, và tốn tiền rất nhiều. Nhưng nếu ông muốn tống khứ nó đi cũng không phải là chuyện dễ làm, vì chẳng ai muốn mua nó cả.”. Khi hỏi tại sao cô lại mua những năm xe. Cô lảng tránh, không muốn trả lời. Như đã nói ngay từ đầu, cô chia nơi cư ngụ của mình ra hai địa điểm an toàn. Cả hai nơi đều có mái nhà chống đạn. Trước tòa, cô mô tả sơ cho tòa án biết cuộc sống trốn tránh của cô: “Con gái của tôi còn không biết nơi tôi ở.”. Nhưng sau khi gặp cô ở nhà Sonja, cô xác nhận hiện nay cô đang ở chung với chị Sonja. (Nghe nói bây giờ cô lại dọn đi nơi khác rồi.).

Trước tòa, Wim Holleeder khẳng định với quan tòa rằng không bao giờ ý có ý ám hại người thân trong gia đình như cô Astrid. Tuy nhiên, việc Wim chối không ăn khớp với những lời đe dọa nhiều lần y từng nói với Astrid và Sonja thu được trong máy ghi âm. Ôn Jan Meeus, nhà báo tiết lộ tin cô Astrid đã hợp tác với nhà chức trach quả quyết rằng mặc dù tên “The Nose” này không minh thị ra lệnh, chắc chắc thế nào cũng có đứa đàn em đi giết Astrid để lấy công dâng lên đàn anh Wim. Ông Meeus nói: “Có nhiều tên gangster nghĩ rằng trong hồ sơ lý lịch của chúng sẽ sáng giá, nêu chúng hại được cô Astrid.”.

Gần đây tôi có dịp nói chuyện với luật sư của Wim, ông Sander Janssen. Ông nói rằng: “Có lẽ cô Astrid lo sợ cô bị nguy hiểm. Về phần tôi, tôi không thể nói cô ấy chẳng có gì phải lo cả. Vì nói như thế chẳng hóa ra tôi là thượng đế. Nhưng Willem nói với tôi rằng cô Astrid không bị nguy hiểm gì đâu. Đừng có lo, hắn sẽ không làm gì để hại cô ấy đâu. Có điều ông Janssen xác định là Wim rất tức giận về cô Astrid.”.

Tháng Tư năm 2016, Wim lại bị bắt một lần nữa, bởi vì khi ngồi trong tù nó đã ra chỉ thị cho hai thành viên của băng đảng nổi tiếng Curaçao No Limit Soldier ra tay giết cô Astrid. Sonja, và Peter de Vries về tội đứng ra làm nhân chứng trong vụ án nổi tiếng xử hắn. Wim chối tất cả những tội trên, và nói rằng việc vu cáo cho hắn ra lệnh cho đàn em giết người là “tào lao”, vô căn cứ. Hắn nằng nặc nói rằng hắn không hề có ý định giết hai cô em gái của mình. Những tên trong băng đảng bị bắt cũng nói những lời y trang như Wim. Cô Astrid tin rằng bọn chúng phải khai như vậy vì chúng sợ hãi tên Wim. Một đại diện ban công tố nói với tôi rằng họ tin rằng tên Wim quả thực đã ra lệnh cho đàn em làm chuyện giết Astrid để bịt miệng.

Tôi tin rằng nỗi lo sợ của cô Astrid là đúng. Wim muốn cô Astrid phải chết. Nếu cô có nói những gì mâu thuẫn thì chẳng qua là cô sơ suất, việc cô lo sợ bị anh mình giết là đúng. Cô không hề có ý dựng chuyện để cho câu chuyện thêm phần gay cấn. Khi nói chuyện với nhà báo về xe bọc sắt, chống đạn, cô muốn nhắn tin với Wim rằng cô đã thủ thế sẵn sàng, để giũ an toàn cho bản thân. Anh cô chẳng nên tìm cách bắt cô.

Cô kinh hãi khi nghe tin anh cô sai đàn em trong nhóm Curaçao No Limit Soldier ra tay sát hại cô. Việc hắn dùng cả một nhóm băng đảng ra tay giết cô, thay vì chỉ cần một vài tên sát thủ, cho thấy hắn tuyệt vọng, và cả quyết muốn tìm cách giết cô. Cô không hoàn toàn tin tưởng vào nhà chức trách Hòa Lan.Theo cô họ chỉ là những tay mơ, thiếu chuyên nghiệp, trong việc bảo vệ cô. Chỉ ít lâu sau khi nhận được nút bấm gọi cấp cứu, cô và chị Sonja phát giác ra là cái nút bấm đó không hoạt động. Nhưng mặc dù rất sợ khi nghe tin mình là mục tiêu bị sát hại, cô không hoàn toàn bất mãn khi được biết Wim đã thảo ra kế hoạch giết cô. Cô nghĩ có một số người trước đây tưởng là cô lo sợ vẩn vơ, hơi quá đáng. Nay thì họ tin sự sợ hãi của cô là thực.

Một ngày vào tháng Ba, tôi lấy taxi đi đến khu phía Tây của thành phố Amsterdam, đi ngang qua một đám đông người bàng quan, đang đứng xếp hàng chờ đợi để được cho vào ngồi dự phiên tòa ở phòng trưng bầy tranh Bunker. Thủ tục tiến hành phiên tòa kéo dài nhiều tháng trời, và được ba vị thẩm phán ngồi chủ tọa. Khi phiên tòa vừa bắt đầu, một vị thẩm phán nói đùa: “Phòng xử không phải là một rạp hát, mặc dù trông nó giống như vậy. Wim Holleeder ngồi ở một cái bàn dài, nhìn về phía các thẩm phán. Hắn mặc quần áo bình thường, mầu đậm. không chải chuốt. Hắn ta đang thì thầm bàn chuyện với các luật sư. Sau đó, cô Astrid cất cao giọng nói từ phía sau tòa án, vang lên. Đã từng làm việc lâu năm trong nghề luật sư, cô gọi thẳng các vị thẩm phán, và luật sư bằng tên riêng cho thân mật. Cô nói với ngôn ngữ chuẩn mực, trí thức của người Hòa Lan, đôi lúc pha trộn tiếng địa phương của dân khu Jondaan khi cô muốn bầy tỏ cảm xúc của mình. Có một lúc, luật sư Sander Janssen của Wim cắt ngang lời cô. Cô bèn phản pháo: “Xin hãy để cho tôi nói tiếp, không được cắt ngang.”.

Luật sư Janssen cũng chẳng vừa, nói lại: “Nhưng cô nói dài qua, không bao giờ hết. Cô cứ tiếp tục nói mãi.”.

Công tố viên đưa đến kết luận như sau: “Người đàn ông bị đem ra xét xử ngày hôm nay không phải là một tay tội phạm đáng yêu, hay một tay trùm tội phạm, y còn là một tay chuyên bắt cóc người lạnh lùng, không gớm tay.”. Mỗi khi cô Astrid đứng ra khai một điều gì, Wim có thái độ khinh bỉ ra mặt. Y thường đổi thế ngồi trên ghế, lấy kính ra quay quay trên tay. Luật sư của Wim hùng hồn biện hộ rằng Wim chỉ là một tay giang hồ cấp nhỏ trong thế giới xã hội đen to lớn ở Amsterdam. Do một tình cờ nào đó, Wim có dịp quen biết nhiều người trong chốn giang hồ, và chẳng may những người đó bị giết một cách thê thảm. Biện lý mô tả Wim như một tay hiếu sát, hắn giết bất cứ ai làm việc chung. Vả lại, không có một bằng chứng nào liên kết Wim với những vụ giết người đó. Phía bên luật sư biện hộ, họ dùng chiến lược là đưa ra những đoạn ghi âm rất thân thiện giữa anh em nhà Holleeder, để cho thấy Wim đối xử với các em tử tế. Khi cô Sonja bị vặn hỏi trước tòa vế những câu nói ân cần mà cô nói với Wim, vậy tại sao bây giờ lại nói khác. Cô phản bác lại luật sư như sau: “Anh ấy giết Cor, chồng tôi. Các ông nghĩ sao, chẳng lẽ tôi lại lên tiếng thách thức hắn.”.

Về những đoạn ghi âm lời nói hăm dọa, lỗ mãng của Wim, phía luật sư biện hộ cho Wim nói rằng hắn chỉ dọa, hay thuyết phục hai cô em gái mà thôi . Có thể hắn phun ra những lời chửi rủa hăm dọa nghe tục tằn thô lỗ như “con đĩ”, nhưng thực ra đó chỉ là ngôn ngữ giới giang hồ mà hắn quen miệng dùng. Trước tòa, Wim khẳng định: “Tôi là Wim, một thằng con trai của hè phố, có lối ăn nói riêng của tôi. Chỉ có thế thôi.”.

Wim còn cãi rằng thực ra y chỉ là một nạn nhân trong câu chuyện dài lịch sử của gia đình. Hắn là một người anh trai chỉ biết lo cho gia đình, và bị hai cô em gái nguyền rủa chỉ vì cách ăn nói không khéo léo của hắn. Wim cảnh cáo các vị quan tòa chớ nên bị đánh lừa bằng những thủ đoạn mà cô Astrid bầy ra, với rất nhiều đoạn ghi âm lời nói của hắn. Những lời khai của Astrid chẳng qua chỉ là một vở kịch, một màn kịch của “quán rượu ở quận Jordaan”.

Cô Astrid nói với tôi: “Nếu vụ án này được quyết định bằng một bồi thẩm đoàn, có lẽ Wim sẽ thắng bởi vì hắn có lối nói chuyện rất lôi cuốn, và hấp dẫn.”. Wim là một nhân chứng sống động tại phòng xử. Hắn có thể nói đùa với thẩm phán, cười rộ lên khi khai, và thì thầm lời bình luận khi có sự kiện mới. Có một lần hắn nói: “Tôi không cần đến tiền bạc.” .

Ông thẩm phán nhận định: “Đây là một câu nói đáng ghi nhận đối với một người đi bắt cóc người khác để đòi hàng triệu bạc tiền chuộc.”.

Không chần chờ một giây, Wim trả lời ông thẩm phán: “Tôi phải bắt đầu với một số vốn chứ.”.

Nhưng khi chuyển sang đề tài liên quan đến Cor, thì Wim không còn mang vẻ một người đàng hoàng, tử tế. Hắn hầu như không có một chút thương cảm gì đối với Cor cả. Hắn nói với tòa: “Thằng đó là một con người bất trị, bướng bỉnh. Nếu ông không phải cãi nhau với nó mới là chuyện rất lạ.”. Có lúc các luật sư biện hộ cho nghe đoạn thu âm Wim nói với Sonja rằng y không hề có ý định giết con của cô.

Về sau, cô Astrid nói với tôi với sự kinh ngạc: “Đối với Wim, đó là sự thương cảm.” Hắn muốn luật sư của hắn mở đoạn băng đó nghe để chứng minh rằng hắn cũng có sự thương cảm đối với người trong gia đình.

Tôi có dịp hỏi luật sư Janssen về đoạn ghi âm này, ông ta nói: “Đó là một sự đóng kịch hết sức giả dối. Phải công nhận Wim là một con người có cá tính rất mạnh. Hắn biết rõ hắn muốn điều gì.”.

Trước mỗi phiên xử, cô Astrid đều phác họa sẵn một chiến lược đưa ra lời khai, và dự đoán về phản ứng của Wim. Cô cũng biết rằng khi ngồi trong nhà tù, Wim cũng suy nghĩ rất nhiều về chiến lược đối phó với những lời khai của cô.

Tại tòa án, cô Astrid không trông thấy mặt Wim, nhưng cô nghe rõ những gì y nói. Từ ba năm nay, cô chưa hề gặp lại Wim, nói chuyện vói Wim ở ngoài tòa án. Tôi hỏi cô có nghĩ rằng cô vẫn “nói chuyện, liên lạc” được với hắn không. Cô trả lời: “Có, tôi vẫn nghĩ đến anh ấy.”.

Sau khi nhà văn Salman Rushdie xuất bản cuốn truyện: The Satanic Verses” năm 1988, ông ta bị giáo chủ Ayatollah Khomeini của Iran tuyên bố rằng cuốn sách đó nói xấu Hồi Giáo, và ông ký một giáo lệnh yêu cầu người Hồi Giáo phải giết nhà văn này. Trong suốt mười năm, nhà văn Rushdie phải sống trốn tránh, với sự canh chừng 24/24 của cảnh sát. Ông phải sống một cuộc đời đầy “lo âu, phải che mắt người ngoài.”. Đến năm 1998, chính phủ Iran mới đưa ra giáo lệnh mới nói rằng họ sẽ không còn thực hiện giáo lệnh cũ, và tánh mạng của Rushdie mới hết nguy hiểm. Sự nguy hiểm của cô Astrid Holleeder rất giới hạn, chỉ có một người muốn cô chết mà thôi. Tôi băn khoăn không biết đến khi nào cô mới hết không còn phải sống ẩn náu. Nếu vụ xử án Wim kết thúc bằng việc bỏ tù Wim đến hết phần còn lại của đời y, liệu rằng khi đó cô có thể sống thoải mái, công khai được không. Cô ấy trả lời: “Không. Không thể nào có kết cục hạnh phúc được đâu. Tôi biết tánh anh ấy rõ lắm. Nếu anh ấy có hy vọng được tự do, khi đó, tôi mới có hy vọng được sống. Nếu anh ấy bị tù chung thân, chắc chắn anh ta sẽ có kế hoạch trả thù. Ngồi trong tù, anh ta sẽ chỉ nghĩ đến việc trả thù mà thôi.”. Cô kết luận: “Tôi phải trả cái giá cho những gì tôi làm. Anh ấy sẽ giết con của tôi hay giết Sonja khi anh không thể làm gì được tôi.”. Cô Sonja cũng đồng ý: “Dù có bị kết án anh ta sẽ không để chúng tôi được sống yên ổn đâu.” .

Cô Astrid nói về mối nguy hiểm trong tương lai với sự nghiêm chỉnh. Cô nói thêm: “Nếu tôi ở trong địa vị của anh ta, tôi cũng làm như vậy. Tôi sẽ phải giết anh ta.”.

Trong lúc vụ xử án gọi là “mega-trial” còn kéo dài, cô Astrid tiếp tục sự nghiệp viết sách của cô.Tháng 10 năm 2017, cô cho xuất bản cuốn sách thứ hai, tựa đề: “Diary of a Witness” – “Nhật Ký của Một Nhân Chứng.”, trong đó cô mô tả về cuộc sống trốn tránh của cô. Cuốn “Judas” – “Kẻ Phản Bội” sẽ được xuất bản bằng Anh Ngữ vào mùa hè năm nay. Cô sẽ viết thêm cuốn sách thứ ba, về đề tài gì thì cô chưa tiết lộ được.

Tại phiên tòa, Wim nói rằng cô Astrid là kẻ lúc nào cũng muốn nổi tiếng, thích đi tìm tiền tài, danh vọng, và cô ta đã khai thác chuyện của gia đình một cách tán tận lương tâm. Hắn nói tiếp: “Bây giờ em tôi nó có rất nhiều tiền. Nó sẽ nhận ra rằng tiền bạc không làm cho người ta hạnh phúc.”. Astrid trả lời về những điều Wim sỉ nhục cô như sau: “Tôi làm nghề luật sư, kiếm khá nhiều tiền, và sống rất thoải mái. Anh ta nói nhảm.”. Tuy nhiên, cô cũng mong sẽ bán được nhiều sách. Tiền thu được sẽ giúp cô phương tiện để giúp cô tẩu thoát. Cô nói điều này với tôi vài lần. Cô muốn đem cả gia đình ra khỏi Hòa Lan, có lẽ sang Mỹ.

Hai chị em nhà Holleeder không muốn phiên tòa này sẽ đi đến kết quả là “miễn tố” hay tha bổng. Đây là một kết quả có thể xảy ra. Cho đến nay, phiên xử diễn ra đa số theo chiều hướng thuận lợi cho Wim. Trong nhiều tuần lễ, phiên tòa xoay quanh những lời thú nhận của Wim mà hai cô ghi âm được, từ tình trạng tài chánh của cô Sonja đến quan hệ tình dục của cô Astrid. Khi luật sư Janssen tố cáo cô Astrid có mối tình với một tay buôn ma túy nổi tiếng. Cô đã phản ứng rất mạnh với những lời lẽ chua cay. Cô hỏi luật sư Janssen: “Ông có thấy tôi ngủ với thằng đó chưa?”. Janssen thú thật là chưa. Cô Astrid kể lại với tôi rằng những tay luật sư này muốn thảo luận với tôi. Nhưng chúng không có kinh nghiệm giang hồ trên hè phố, nên tôi dùng ngôn ngữ thô tục để quật ngã họ ngay lập tức. Tôi có thể nói chuyện tục tĩu cả ngày cũng được. Các ông thẩm phán bối rối, vì họ biết tôi cũng là một luật sư.

Cô Astrid có thể yêu thích ngành luật, và sự trong sáng của luật pháp. Nhưng phiên tòa kéo dài lê thê, giống như một màn xiệc rối tung. Cô Astrid và Sonja tuyên thệ khai đúng sự thực, nên họ phải nói đúng. Nhưng Wim không hề tuyên thệ, vì thế hắn tha hồ tự do tung tin hỏa mù để đánh lạc hướng. Ngay cả ba vị thẩm phán cũng không thể nào vãn hồi trật tự, ngăn cản những tiếng ồn ào khi Wim cung khai. Vài tuần trước, Wim đã mắng chửi cô Astrid: “Mày là bịa chuyện, nói láo trắng trợn, một thứ ký sinh trùng.”. Cô Astrid phản pháo lại: “Anh làm hại cả cuộc đời tôi. Nếu được, tôi sẽ lấy súng bắn vỡ sọ anh.”.

Mối căng thẳng trong liên hệ gia đình được trình bầy rất nhiều trong phiên tòa, nhưng tôi ngạc nhiên khi thấy có rất ít chi tiết về những vụ giết người mà Wim bị kết tội. Tôi hỏi cô Astrid về sự bất cân xứng này. Cô cho biết theo hình luật Hòa Lan, thủ tục nhiều khi kéo dài đến độ phát ngán. Bản án có lẽ sẽ kết thúc vào năm tới. Cô Astrid kể cho tôi nghe về một phiên tòa hình sự Hòa Lan đã kéo dài đến một chục năm. Hiện nay, rõ ràng là phiên tòa “mega-trial” xử Wim chỉ toàn là những bi kịch trong gia đình. Khi tôi hỏi cô Astrid vì sao cô lại tức giận đòi bắn vỡ đầu anh cô, cô nói rằng chính Wim đã khiêu khích cô trước bằng giọng nói, và cách nói của y. Người ngồi trong phòng xử án không hiểu được, nhưng cô bắt được ý này của anh cô. (Một trong ba vị thẩm phán đã lên tiếng khiển trách cả hai anh em về thái độ gay cấn của họ trước phiên tòa.)

Trong bữa ăn trưa ở nhà Sonja, cô cháu gái của Astrid là cô Frances đã trầm ngâm nói rằng: “Phải chi phiên tòa được xử ở Hoa Kỳ thì hay hơn.”

Astrid trả lời: “Nếu xét xử ở Iran là hay nhất.”.

Có đôi lúc. Cô Astrid muốn điều động thủ tục với sự bình tĩnh để cho tương xứng với thái độ của anh cô. Cô nhấn mạnh với tôi, cũng như với tòa án rằng việc cô thu âm những lời nói của anh cô và nhiều người khác là một thói quen cô muốn làm, để phòng khi kẻ gian chối về những tội chúng đã làm. Cô nói với tôi: “Cái tụi tội phạm thường hay bịa chuyện, và chối tội lỗi của mình. Chúng giống như bọn điếm, sẵn sàng dạng chân cho bất cứ kẻ nào có tiền muốn chơi bời.”

Wim biết tôi biết rõ về những vụ giết người y làm. Tôi thu âm những lời lói của y để làm một đảm bảo cho con con cháu của tôi biết. Tại tòa án, nếu quan tòa không cho cô nói hết, cô hăm dọa: “Nếu các ông không cho tôi trình bầy, tôi sẽ về cho công bố hết lên trên YouTube để mọi người biết.

Luật sư Sander Janssen cho rằng lý do khiến phiên tòa xử vụ án này kéo dài lâu vì lập luận quá yếu của phía công tố. Ông nêu ra để chứng minh: “Nếu quí vị có kết quả thử nghiệm DNA, hay tịch thu được vũ khí làm tang chứng thì quí vị không cần nghe nhiều lời khai.”. Về cơ bản, hai cô Astrid và Sonja muốn nói lên một điều là “Chúng tôi biết rõ anh ấy là kẻ giết người vì chúng tôi sống bên cạnh anh ta suốt cả đời.”. Nhưng không rõ có bao nhiêu người tin ở hai cô này. Wim từng nói rằng chúng ta nên coi hai cô ấy như những kẻ đi theo bọn tội phạm, chứ không phải là công dân bình thường ngay từ Ngày Đầu Tiên của phiên tòa.

Khi tôi hỏi ông Janssen lý do vì sao hai chị em phải trả giá quá đắt để đứng ra làm nhân chứng buộc tội ông anh. Ông Janssen nói với tôi rằng đó là điều ông cũng muốn điều tra thêm cho rõ.

Cô Astrid tin tưởng nhiều vào khối lượng bằng chứng phong phú của cô. Cô đã ghi âm những điều Wim gián tiếp công nhận vai trò của y trong vụ giết Cor và nhiều người khác. Chính hắn đã kể tên những đứa nhúng tay vào vụ giết người. Những tên này đã trực tiếp, hay gián tiếp can dự vào việc giết Cor. Tôi thắc mắc chuyện gì sẽ xảy ra nếu những bằng chứng hai cô đưa ra không đủ để kết tội Wim. Lời khai của cô Astrid trước tòa không đủ để truy tố Wim.

Cô nói với tôi: “Như vậy, tôi sẽ phải giết anh ta. Lẽ ra tôi phải làm việc này từ nhiều năm trước.”.

Mẹ của cô Astrid, bà cụ Stien, năm nay được 82 tuổi. Cách đây hai năm, bà viết một lá thư gửi cho viên chức nhà tù nói rằng bà e ngại sức khỏe của bà ngày càng xấu. Nếu lỡ bà có chết, bà yệu cầu đừng cho Willem Holleeder đến thăm bà ở bệnh viện, hay dự đám tang của bà. Bà nói lý do là vì bà nghĩ những đứa con, đứa cháu khác của bà sẽ bị nguy hiểm nếu để cho Wim ra khỏi nhà giam.

Tuy nhiên, cô Astrid nói với tôi rằng mẹ cô vẫn không hoàn toàn bỏ thí, không nghĩ gì đến Wim đâu. Bà cụ vẫn gửi tiền cho y để y tiêu vặt, và bà còn giữ một ngàn rưởi Euro cho Wim, để sẵn trong ngăn kéo của hắn. Nói trong nước mắt, cô Astrid kể với tôi: “Chị Sonja bảo mẹ tôi hãy vứt số tiền đó đi. Bà cụ không cho. Bà bảo hãy giữ lấy để phòng khi thằng Wim cần dùng đến.”.

Cô Astrid nói với tôi: “Chẳng nên thù oán làm gì. Tôi chỉ thù ghét cha tôi thôi, tôi không thèm liên lạc với ông. Nhưng đối với Wim thì khác. Anh ấy nằm trong hệ thống máu mủ của tôi.”

Trong một lần nói chuyện khác, tôi hỏi cô Astrid nếu hai anh em có dịp nói chuyện với nhau cô sẽ nói gì với Wim. Cô nói: “Tôi vẫn còn yêu anh ấy mặc dù những chuyện đã xảy ra. Tôi ước gì anh ấy vẫn là anh của tôi, và tôi có thể đưa anh ấy về nhà.”.

.

Phóng sự của Patrick Radden Keefe trên The New Yorker ngày 6/8/2018
(How a Notorious Gangster Was Exposed by His Own Sister) –
Nguyễn Minh Tâm dịch


Cái Đình - 2018