Minh Hạnh


‘Jesus không mang khẩu trang, Ngài đã vượt qua được cả sự chết’

.

Ông ta nhỏ con, cười luôn miệng và trên hết thảy, là một tôi tớ của Chúa.
Linh mục Tuấn T. Nguyễn (51 tuổi) đang chuẩn bị lễ Giáng Sinh thứ ba
với tư cách là cha sở của giáo xứ Eusebius ở Arnhem.

Vụ cấm cửa (lockdown) không ngăn được ông rao giảng tinh thần Giáng Sinh.
Chính lúc này Chúa muốn ở cùng chúng ta, ông nghĩ.
“Luôn có một chỗ trong bữa tiệc Giáng Sinh dành riêng cho Chúa Jesus.”

Linh mục Tuấn T. Nguyễn của giáo xứ Eusebius (Arnhem) đang sửa soạn
cho một ngày giáng sinh đặc biệt. ©Rolf Hensel

Lễ Giáng Sinh vẫn luôn đặc biệt với linh mục Tuấn. Vào năm 1980 khi ông là một cậu bé Việt Nam tị nạn 11 tuổi đến Hòa Lan, Giáng Sinh là ngày hội đầu tiên cậu tham dự.

Ông còn nhớ gì trong ngày Lễ Giáng Sinh đầu tiên?

“Thật choáng ngợp. Tôi quá ngạc nhiên đã được phép cùng tổ chức lễ Giáng Sinh trong nhà thờ ở Lobith, mặc dù tôi không nói được một tiếng Hòa Lan nào. Chúng tôi đã được đón tiếp rất mực thân thiện và hiếu khách. Một phần vì biết ơn sự hiếu khách đó, sau này tôi đã trở thành một linh mục. Tôi muốn hoàn lại thứ gì đó cho Hòa Lan và cho Thiên Chúa.”

Sau một thời gian làm linh mục tại Amersfoort, từ 2018 ông là linh mục của giáo phận Arnhem. Với ông, thành phố này mang ý nghĩa gì?

“Nhiều lắm. Arnhem với nhà thờ của thành phố từ lâu là nơi quen thuộc với tôi và tôi giữ những hồi ức đẹp về những nơi này. Một người anh họ của tôi xưa kia sống ở thành phố này. Nhiều tối tôi đã cùng với anh ấy ghé nhiều quán bar và disco ở Arnhem.

Điều tuyệt vời là nhà thờ Martinus ở Arnhem luôn có một buổi rước lễ vào tối Chúa nhật. Vì vậy, tôi không phải đến nhà thờ vào sáng Chúa nhật, vài giờ sau khi đi chơi phố về. Tôi luôn luôn có thể ngủ nướng.”

Linh mục Tuấn T. Nguyễn cố gắng loan truyền thông điệp Giáng Sinh mặc dù đang trong tình trạng lockdown.
“Chúng tôi đến với nhau để cho thấy là chúng tôi muốn cùng nhau ăn mừng cuộc sống.
Rằng chúng tôi không đơn độc.” ©Rolf Hensel

Tại Arnhem có một giáo hội Công Giáo có tầm vóc không?

“Trước kia thì có, nhưng bây giờ không còn nữa. Điều đặc biệt của giáo hội Arnhem là nó mang tính cách rất là đa văn hóa. Đó thực sự là một tập thể hỗn hợp. Theo quan điểm đặt trên nhận thức cơ bản của riêng tôi, tôi cũng cố gắng làm cái gì ở đó cho họ. Nhất là vào dịp lễ Giáng Sinh. Tôi muốn mọi người cảm thấy nơi đây cũng như nhà của mình”.

Người bàng quan có khi nghĩ là linh mục không bao giờ ra khỏi nhà thờ.

“Đó là một hình ảnh sai lầm. Tôi thì rất thường tiếp xúc với dân chúng, cũng nói chuyện với những người ngoài vòng tôn giáo. Tôi được nghỉ ngày thứ hai. Thì hôm đó tôi chơi tennis, khi nào cũng vậy. Tôi thích thể thao và tôi cố gắng giữ gìn sức khỏe và thể lực.

Trong giờ rảnh tôi thích nghe nhạc. Tôi nghe thứ nhạc gì nhỉ? Tôi thích nhiều loại. Tôi thích nghe nhạc cổ điển và nhạc giao hưởng, nhưng cũng thích nhạc thời trang. Tôi thấy Tina Turner hát rất hay. Trong dịp Giáng Sinh tôi nghe tấu khúc Messia của Händel và đôi khi nghe cả Mariah Carey.”

Virus corona đã có ảnh hưởng ra sao trên công việc mục vụ của ông?

“Lúc này là thời gian căng thẳng. Trước tiên tôi phải để ý đến sức khỏe của chính mình. Nếu tôi bịnh, thì mọi hoạt động của nhà thờ sẽ ngưng lại. Bởi vậy khi đến thăm nhà ai chúng tôi luôn luôn giữ khoảng cách và đeo khẩu trang.

Nhưng chúng tôi muốn là, cho giáo xứ, làm sao để mọi chuyện vẫn được diễn ra bình thường càng nhiều càng hay. Vì thế chúng tôi luôn luôn theo đúng qui định do chính phủ và đức giám mục đề ra. Chúng tôi thường xuyên hội họp bàn thảo làm cách nào để áp dụng những qui tắc đó.”

Việc tổ chức ngày lễ trong nhà thờ sẽ được tiến hành ra sao?

“Trong thánh lễ của giáo xứ chúng tôi, nhà thờ chỉ đón tiếp tối đa 30 người. Họ phải ghi tên trước đó. Trước khi có dịch corona thì có từ 150 tới 200 người tham dự. Từ những ngày gần đây, thánh lễ cũng đã được truyền trực tuyến, như thế thì người ta có thể ở nhà cùng theo dõi và tham dự.

Chuyện này đầu tiên chúng tôi làm rất là sơ sài, với một cái webcam. Nhưng rồi chúng tôi đã có hai chiếc máy quay phim nhà nghề. Nhà nguyện thì mở cửa cả ngày. Người ta có thể tới đó cầu nguyện và thắp nến.”

Là linh mục, ông đương nhiên là người bảo bọc giáo xứ, là vị chủ chăn của đàn chiên. Giữ được khoảng cách khó khăn ra sao?

"Rất khó, nhưng với sự giúp đỡ của tất cả các người tình nguyện chúng tôi đã thành công làm tròn công việc. Tôi rất tiếc là tôi chỉ có thể gặp gỡ ít người và trò chuyện thẳng với họ. Tôi thực sự nhớ tiếc những cuộc trao đổi vòng ngoài.

Khó chịu nhất, tôi thấy, là người ta không gặp nhau nữa. Và không giúp nhau, để ý đến nhau. Thật là trắc trở trong thời gian này. Điều đó cũng xảy ra cho nhà thờ. Cùng chung cầu nguyện, cùng chung vui hưởng lễ. Cũng có đó, nhưng không rộng rãi như xưa.”

Đông người cũng được mà, theo như luật cho phép. Trong những làng như Staphorst mỗi Chúa nhật có hàng trăm người đi lễ nhà thờ. Ông nghĩ sao về điều này?

“Cái đó còn tùy thuộc bạn theo hoặc chống: những nhà thờ đó giữ đúng những qui định đã được đề ra. Giáo đường có chỗ đứng riêng của nó trong xã hội. Hình ảnh mà người ta có về giáo đường không phải lúc nào cũng đúng.

Không phải mọi nhà thờ đều đầy ngập khi có 200 người bên trong. Thí dụ như tại Veenendaal, bình thường nhà thờ có thể chứa 2000 người tham dự thánh lễ. Nếu nơi đó do corona chỉ có thể hành lễ với 200 người, cách khoảng 1 thước rưởi, thì nó đủ an toàn. Ta không thể so sánh nhà thờ với quán nước. Và ta đừng có cào bằng mọi thứ.”

Năm nay, Giáng Sinh sẽ khác với những gì ông hằng quen. Hội đồng Giám mục Hòa Lan hôm thứ tư đã quyết định hủy bỏ các lễ cho đại chúng vào đêm Giáng Sinh. Giáo xứ của ông đón nhận tin đó như thế nào?

“Đó tất nhiên là một sự thất vọng lớn. Thánh lễ Nửa đêm trong đêm Giáng Sinh luôn luôn rất đặc biệt. Bạn muốn ăn mừng điều gì đó chung cùng mọi người. Nhưng quyết định này là dễ hiểu. Là một nhà thờ, chúng tôi đang tạm ngưng. Trước hết cần làm sao loại bỏ con virus đó. Không có cách nào khác."

Ông có lời giải thích nào cho sự đau khổ mà virus corona đem tới cho nhân loại không? Có phải đó là một cơn thịnh nộ của Thiên Chúa?

“Không. Bệnh tật, nỗi cô đơn, sự khốn khổ, chiến tranh và bạo lực thời nào cũng có. Thiên Chúa không thể ngăn cản những việc như vậy gieo tai họa cho chúng ta. Nhưng Ngài có thể chứng tỏ là Ngài ở cùng chúng ta, ngay trong thời khắc này.

Mọi người đều biết câu chuyện hang lừa nơi Jesus sinh ra. Ngài đã chia xẻ cùng chúng ta sự lạnh lẽo, tăm tối và cô đơn, tức là gồm cả những sự khổ lụy nữa. Chúa đi chung cùng chúng ta.”

Ông cố gắng phục vụ mọi người như thế nào với thông điệp Giáng sinh năm nay?

“Chúng tôi vẫn làm thánh lễ nửa đêm với giáo xứ của chúng tôi như thường lệ. Buổi rước lễ được thâu hình để mọi người có thể xem tại nhà. Nhà thờ Martinus cũng được mở cửa thường xuyên hơn để mọi người có thể đến viếng. Bên cạnh đó, chúng tôi có trang hoàng nhiều hơn, có những hang đá và cây ước muốn trong năm nay.”

Thông điệp Giáng Sinh năm nay khác những năm trước ra sao?

“Chúng tôi mừng ngày Chúa Jesus ra đời giống như mọi năm, nhưng năm nay các buổi lễ có một lợi thế đặc biệt. Tất nhiên, thật đau lòng khi chúng ta không thể đến được với nhau. Nhưng chính trong những thời khắc này mà Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài đã cho ta thấy điều này với sự Nhập thể của Chúa Jesus.

Qua sự giáng sinh của Chúa Jesus, Thiên Chúa đã cho thấy là Ngài muốn tìm đến chúng ta để ở cùng chúng ta. Điều này được hình thành hàng năm vào dịp Giáng Sinh do cách mọi người đến thăm nhau. Chúng tôi đến với nhau để chứng tỏ rằng chúng tôi muốn cùng nhau mừng sự sống.

Điều đó có nghĩa là chúng tôi không đơn lẻ. Năm nay chúng ta chỉ được tiếp ba người khách trong dịp giáng sinh. Nhưng điều hay là Thiên Chúa không bị lệ thuộc vào những biện pháp này. Luôn luôn có một chỗ danh riêng trong bữa tiệc Giáng Sinh dành cho Đức Jesus. Hãy mở lòng ra đón tiếp Ngài.”

Vậy Jesus có phải mang khẩu trang không?

“Haha. Không đâu. Jesus không cần mang khẩu trang. Ngài đã vượt qua được sự chết.”

.

Nguyên tác: ‘Jezus draagt geen mondkapje, hij heeft de dood al overwonnen’. Job Van Gasselt. Algemeen Dagblad, 18.12.2020
Người dịch: Minh Hạnh

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/xahoi/jesuskhongmangkhautrang.htm


Cái Đình - 2020