Phạm Lưu Vũ


Hugo Chávez, Chủ nghĩa Hỗn độn và nỗi đau của nhân dân Venezuela

.

Hugo Chávez và Nicolás Maduro

Hugo Chávez không phải là đảng viên Đảng cộng sản và ở Venezuela cũng không có đảng cộng sản nào. Các lý thuyết mà Hugo theo đuổi thật ra rất hỗn độn.

Ban đầu Hugo theo ý thức hệ của Chủ nghĩa Bolivar, về sau ông ta kết hợp thêm ý thức hệ của Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21 và vay mượn thêm một ít từ Chủ nghĩa xã hội Marx-Lenin.

Bolivar là tên một anh hùng dân tộc của Venezuela đã lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc khỏi sự thống trị của Tây Ban Nha cho 6 nước bao gồm Venezuela, Colombia, Panama, Ecuador, Peru và Bolivia.

Chủ nghĩa Bolivar bao gồm 7 điểm chính: Độc lập dân tộc, Quyền tự chủ của nhân dân, Công bằng xã hội, Giáo dục toàn dân, Chống tham nhũng, Chống chủ nghĩa quân phiệt, Liên kết Mỹ Latinh.

Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21 được tạo ra bởi Heinz Dieterich, một người cánh tả Mexico gốc Đức, sau đó được phát triển bởi Hugo Chávez, Rafael Correa của Ecuador, Evo Morales của Bolivia và Luiz Inácio Lula da Silva của Brazil. Lula da Silva làm tổng thống Brazil đến 2 nhiệm kỳ, từ 2003 đến 2011.

Nói dài một chút, giới trẻ ở Châu Mỹ Latin khá nhiều người mê Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21 của nhóm này và nhờ đó mà Lula da Silva đắc cử tổng thống Brazil đến 2 nhiệm kỳ. Mới đây Bolsonaro, tổng thống mới của Brazil đã đuổi việc 300 viên chức chính phủ Brazil theo Chủ nghĩa xã hội chính là Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21 của nhóm này.

Chủ nghĩa xã hội không phải là đặc sản của Marx. Chủ nghĩa xã hội ra đời trước Marx rất lâu và về sau phát triển thành nhiều nhánh khác nhau và Marx chỉ phát triển một trong các nhánh đó, gọi là Chủ nghĩa Marx. Tiếp đến Lenin phát triển thành Chủ nghĩa Marx-Lenin, hướng đến việc xây dựng Chủ nghĩa cộng sản, và trong lý luận của học thuyết này có 1 giai đoạn trải qua chủ nghĩa xã hội mà ta có thể gọi là Chủ nghĩa xã hội Marx-Lenin.

Ở các nhánh chủ nghĩa xã hội khác có thể không có mục tiêu đi lên Chủ nghĩa cộng sản mà chỉ dừng ở Chủ nghĩa xã hội.

Điểm chung của tất cả các nhánh chủ nghĩa xã hội bao gồm cả Chủ nghĩa xã hội Marx-Lenin là cho rằng chủ nghĩa tư bản thiếu vắng tính nhân đạo nên cần phải tìm cách hoặc là “cải tạo” chủ nghĩa tư bản cho nhân đạo hơn như các nhánh thuộc Chủ nghĩa xã hội dân chủ hoặc là đánh đổ chủ nghĩa tư bản để xây dựng một xã hội hoàn toàn mới nhân đạo hơn rất nhiều như Chủ nghĩa xã hội Marx-Lenin.

Sự khác nhau là các nhánh Chủ nghĩa xã hội dân chủ vẫn giữ phương thức sản xuất kinh tế thị trường và giữ vững dân chủ. Riêng Chủ nghĩa xã hội Marx-Lenin từ mục đích rất kiên quyết của mình mà có các đặc điểm khác với các trường phái chủ nghĩa xã hội khác ở chỗ chủ trương:

1). Đánh đổ chủ nghĩa tư bản để xây dựng chủ nghĩa xã hội ngay lập tức chứ không chờ đợi sự phát triển từ từ chậm chạp mà nó gọi là Chủ nghĩa xã hội không tưởng.
2). Xây dựng nền kinh tế kế hoạch hóa và
3). Giao cho Đảng cộng sản nắm giữ quyền lãnh đạo độc tôn để đảm bảo 2 mục tiêu trước.

Trong 3 đặc điểm này, Hugo vay mượn đặc điểm kế hoạch hóa nền kinh tế, tập trung phát triển kinh tế nhà nước và triệt tiêu dần kinh tế tư nhân để áp dụng vào Venezuela. Và có lẽ Hugo cũng vay mượn thêm một ít nữa từ tư tưởng độc tôn lãnh đạo mặc dầu Hugo không thành lập Đảng cộng sản ở Venezuela.

Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21 mà Hugo đã tham gia sáng lập và đi theo nếu không vay mượn thêm một số tư tưởng từ Chủ nghĩa xã hội Marx-Lenin thì nó vẫn tôn trọng dân chủ và kinh tế thị trường nên nó phát triển được ở một số nước như Ecuador, Bolivia, Brazil. Chính vì vậy mà ban đầu Hugo được nhân dân Venezuela tín nhiệm bầu làm tổng thống. Ở đây lưu ý có nhiều hiểu lầm rằng Chủ nghĩa xã hội Marx-Lenin đã được người Venezuela đón nhận nồng nhiệt là không chính xác. Trên thực tế họ chỉ đón nhận Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21.

Lại nói dài hơn một chút. Thật ra Gorbachov không phải là người từ bỏ chủ nghĩa xã hội mà chỉ từ bỏ Chủ nghĩa xã hội Marx-Lenin. Gorbachov nằm trong số những người theo Chủ nghĩa xã hội dân chủ, trong đó không công nhận kinh tế kế hoạch hóa, không công nhận vai trò độc tôn của Đảng cộng sản.

Cách làm của Gorbachov trên thực tế là chuyển từ Chủ nghĩa xã hội Marx-Lennin thành Chủ nghĩa xã hội dân chủ.

Tôi cho rằng ông Tập Cận Bình cũng có thể đang cân nhắc việc chuyển này như Gorbachov đã làm và trong một mức độ nào đó thì nó vẫn dễ được nhiều nước trong đó có Mỹ chấp nhận. Bởi vì khi chuyển qua Chủ nghĩa xã hội dân chủ thì vai trò độc tôn của Đảng cộng sản không còn, dù Đảng cộng sản vẫn tồn tại trong đời sống chính trị như Nga hoặc là chuyển thành một đảng xã hội dân chủ để lãnh đạo đất nước Trung Hoa.

Với Trump thì có lẽ ông có tư tưởng hoàn toàn không thích tất cả các trường phái xã hội chủ nghĩa còn Obama thì có thể thích Chủ nghĩa xã hội dân chủ. Obamacare là một biểu hiện khá rõ nét của Chủ nghĩa xã hội dân chủ và chúng ta cũng đừng lạ về điều này vì chính Brazil cũng có một tổng thống Chủ nghĩa xã hội dân chủ và ở Châu Mỹ Latin có nhiều nước có tổng thống theo Chủ nghĩa xã hội dân chủ, và phong trào này có thể lan rộng ra nhiều nước. Vì vậy cho nên khi Trump trước diễn đàn Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc công khai phê phán Chủ nghĩa xã hội là ông bao hàm luôn cả Chủ nghĩa xã hội dân chủ và luôn cả những mầm mống tư tưởng như Obama và có vẻ ông răn đe luôn cả Đảng Dân Chủ với các cá nhân có cảm tình với Chủ nghĩa xã hội dân chủ. Có lẽ Trump lo lắng một ngày nào đó nước Mỹ sẽ có một tổng thống Chủ nghĩa xã hội dân chủ như Luiz Inácio Lula da Silva của Brazil và lại vay mượn các tư tưởng khác như Hugo Chávez.

Người dân Brazil có lẽ đã lo lắng từ bài học Venezuela nên vừa rồi kiên quyết bầu ra một tổng thống có tư tưởng như Trump và cũng vì thế nên với Trump ông coi vấn đề Venezuela rất hệ trọng chứ không phải là coi nhẹ như phân tích của nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới hiện nay.

Thực tế Chủ nghĩa xã hội dân chủ cũng có những mặt tích cực của nó, và nó chỉ gây ra các hệ lụy như ở Venezuela khi vay mượn thêm các tư tưởng của Chủ nghĩa xã hội Marx-Lenin một cách vô nguyên tắc.

Bây giờ quay trở lại Venezuela. Qua một thời gian ngắn nắm quyền lãnh đạo Hugo đưa đất nước này rơi vào kiệt quệ. Sau khi Hugo chết, ông ta “truyền ngôi” lại cho Maduro mà không tổ chức một cuộc bầu cử dân chủ như Brazil. Maduro sau đó có xu hướng triệt tiêu hoàn toàn dân chủ, khiến cho nhân dân phản ứng dữ dội, đưa Venezuela rơi vào vòng xoáy bất ổn nghiêm trọng như đã biết.

Vào lúc thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido kêu gọi thành lập chính phủ chuyển tiếp để đưa Venezuela đi vào ổn định thì ông Diosdado Cabello, chủ tịch Hội Đồng Lập Hiến trả lời: “Sự chuyển đổi duy nhất đối với Venezuela là hướng tới chủ nghĩa xã hội”.

Juan Guaidó là ai?

Juan Guaidó, vị lãnh đạo 35 tuổi của phe chính trị đối lập ở Venezuela, tuyên bố trở thành Quyền Tổng thống của đất nước đang chìm sâu vào khủng hoảng này.

Hàng ngàn người tụ tập trong lễ tuyên thệ hò reo ủng hộ. Mỹ lập tức lên tiếng công nhận Juan Guaidó là tổng thống chính thức của Venezuela. Canada theo sau. Hàng loạt nước Nam Mỹ khác cũng đưa ra tuyên bố tương tự, bao gồm cả Brazil, Colombia và Peru.

Chỉ một tháng trước đây, ít ai biết đến chính trị gia trẻ tuổi này, kể cả ở Venezuela.

Nhưng nay ông trở thành luồng sinh khí mới hứa hẹn giúp phục hồi nền dân chủ Venezuela và đưa đất nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội cực kỳ sâu sắc vốn đã diễn ra từ nhiều năm qua.

“Cậu ấy làm việc rất chăm chỉ, cậu ấy là người khiêm nhường và cậu ấy có thể đoàn kết được chúng tôi”.

Đó là lời của bà Lilian Tintori, vợ của tù nhân chính trị nổi tiếng nhất Venezuela, Leopoldo López. Ông López là lãnh đạo của đảng Voluntad Popular (Popular Will – Dân Ý) và đang bị chính quyền quản thúc tại gia sau khi bị kết án năm 2014. Ông đồng thời là người đã đào tạo Juan Guaidó và giao lại cho học trò mình dẫn dắt liên minh chính trị do đảng Dân Ý dẫn đầu tại Quốc hội khi cơ quan lập pháp này bắt đầu nhiệm kỳ mới ngày 5/1 vừa qua.

Guaidó tham gia chính trị từ năm 2007 khi còn là một sinh viên tại thủ đô Caracas. Ông là thủ lĩnh của phong trào biểu tình phản đối tổng thống khi đó là Hugo Chávez sau khi ông này đóng cửa đài phát thanh lâu đời nhất của Venezuela.

Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư, Juan Guaidó được một công ty tư nhân tuyển dụng đi làm ở Mexico nhưng ông không nhận công việc này.

Ông thuộc về một thế hệ người trẻ Venezuela từ chối cơ hội làm việc ở nước ngoài để ở lại tìm cách thay đổi đất nước. “Cậu ấy thuộc về thế hệ chúng tôi, một thế hệ can đảm lớn lên dưới chế độ độc tài”, David Smolansky, một lãnh đạo đối lập hiện đang lưu vong ở Mỹ, nói.

Sinh năm 1983, Juan Guaidó có bố là phi công, mẹ là giáo viên và bảy anh chị em khác. Ông không xa lạ với tình trạng khốn khó của đất nước Venezuela. Năm 1999, vào thời điểm Hugo Chávez lên nắm quyền tổng thống, gia đình ông đã sống sót qua được nạn đói kinh hoàng ở quê nhà, vốn cướp đi sinh mạng của khoảng 30 nghìn người. Bản thân Guaidó cũng mang sẹo trên người sau khi bị bắn bằng đạn cao su trong các cuộc biểu tình năm 2017.

Sau khi Juan Guaidó bị bắt giữ chớp nhoáng tuần trước, mẹ ông tâm sự với báo chí rằng, việc ông tham gia chính trị vào thời điểm nhạy cảm này của đất nước khiến bà luôn thấp thỏm và lo lắng cho an nguy của con mình.

“Bạn hỏi tôi có sợ không ấy à? Tất nhiên là có chứ”, bà nói. “Juan đã vất vả nhiều năm nay rồi. Nó không bao giờ muốn rời bỏ đất nước này. Nó luôn gắn chặt mình với mảnh đất này”.

Được bầu làm nghị sĩ Quốc hội lần đầu tiên năm 2015, Juan Guaidó không phải là một chính trị gia nổi bật cho đến khi trở thành Chủ tịch Quốc hội ngày 5/1 vừa qua.

“Guaidó là một chiến binh và là một người luôn luôn lạc quan. Cậu ấy khiêm nhường và thành thật”, Freddy Guevara, một lãnh đạo phe đối lập, nói. “Cậu ấy hoà đồng với tất cả mọi người và không có vẻ gì là một chính trị gia cả”.

Theo Wikipedia, đảng Dân Ý do ông lãnh đạo là một đảng dân chủ xã hội trung lập, hiện đang nắm giữ 14 trong tổng số 167 ghế trong Quốc hội và thuộc về một liên minh nắm giữ thế đa số tuyệt đối ở cơ quan lập pháp này. Đảng Dân Ý là một thành viên của Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa (Socialist International), một hiệp hội của 145 đảng dân chủ xã hội, xã hội chủ nghĩa và lao động trên thế giới.

Đảng Dân Ý được thành lập năm 2009 như một nỗ lực phản kháng nạn vi phạm nhân quyền và lạm dụng quyền lực nghiêm trọng của chính quyền Venezuela dưới thời nhà độc tài Hugo Chávez. Đảng này xây dựng hình ảnh như một phong trào đa nguyên và dân chủ, với nghị trình chính hướng tới đảm bảo nhân quyền cho mọi người dân Venezuela.

.

Phạm Lưu Vũ


Cái Đình - 2019