Chu Nguyễn


Hệ lụy của các cuộc hôn nhân xuyên biên giới!

.

.

.

Hình: Michael Simpson và hai con, Jack và Alice

Hôn nhân quốc tế hay hôn nhân xuyên biên giới quả thực xây dựng trên một thứ tình yêu như lời một bài ca tình nổi tiếng trước 1975: “có trăm lần vui, có vạn lần buồn. Đôi khi nhầm lỡ đánh mất ân tình cũ…”

Tại sao như thế? Hẹn hò với người lạ, lạ có thể do quê hương cách xa, nòi giống, văn hóa, phong tục, tập quán và ngôn ngữ không gần nhau, nhưng lại là một hấp dẫn mới lạ, gợi sự thích thú, nhất là sau một đòn sấm sét nổ ra hay sau một cân nhắc lợi hại, tiền tài, danh vọng hoặc sắc đẹp, khiến tiếng lòng hai kẻ cô đơn có lúc cùng chung một nhịp hoan ca. Nhưng sau nhiều cọ xát, tính tình và thể chất, có thể cả hai kẻ trong cuộc muộn màng cảm thấy có những khác biệt khó lòng san bằng như mộng tưởng “khi yêu trái ấu cũng tròn…”

Không phải hôn nhân quốc tế có nguy cơ tạo hệ lụy cho lứa đôi mà nhiều khi còn gây hệ lụy cho những người quan tâm, gần gũi, như cho con cái, cho thân thích khi những kẻ từng thề non hẹn biển “nửa đường đứt gánh tương tư.”

Những câu chuyện sau đây diễn lại một vài cảnh bi hài của hôn nhân xuyên biên giới.

Cha Canada và mẹ Nhật giành quyền nuôi con

Tờ Vancouver Sun ngày 8 tháng 10, 2005 kể lại một bi kịch hôn nhân quốc tế. Khởi đầu là một cuộc tình đẹp giữa một chàng trai xứ Lá phong và cô gái xứ Anh đào. Chàng có tên là Murray Wood, sinh 1966 và nàng có mỹ danh là Ayako Maniwa, sinh 1968. Đỉnh cao của hạnh phúc khi chàng dạy học ở Vancouver và nàng là nữ tiếp viên hàng không Air Canada.

Cuộc tình ban đầu rất đẹp, khởi từ Nhật khi chàng sang bên đó dạy tiếng Anh và gặp nàng lúc cô gái còn là sinh viên tay trắng mộng đầy và kết thúc bằng hôn nhân. Họ trở về Canada lập nghiệp năm 1993 và hai đứa trẻ lần lượt ra đời, một bé tên là Tannaka sinh năm 1994 và một bé có tên là Manami sinh 1997.

Nhưng có lẽ như Rudyard Kipling từng hoài nghi nhưng không ngờ có lúc xảy ra sự thực: “Đông là Đông, Tây là Tây, cả hai chẳng bao giờ gặp gỡ.” (East is East and West is West, and never the twain shall meet). Cuộc tình Canada-Nhật tan vỡ vào năm 2001 không những do bất đồng ý kiến giữa đôi lứa về xây dựng hạnh phúc, về cá tính, mà với cả gia đình bên chồng. Sau nhiều lần tới pháp đình, cuối cùng tòa án gia đình tỉnh bang B.C. xử cho Wood có quyền nuôi con vì anh ta có khả năng vật chất và tinh thần trong việc giáo dưỡng con cái. Ayako thua cuộc nhưng không thua trận nên áp dụng biện pháp nhường một bước để tiến ba bước.

Kế hoạch đã được sắp đặt có lớp lang từ trước và vào mùa hè 2004 cựu tiếp viên phi hành của Air Canada, Ayako Wood, nhỏ to với con rằng chúng cần phải trở về Nhật để thăm ông ngoại sắp chết. Dù nghi ngờ nhưng Murray Wood, đã tin rằng người vợ cũ, Ayako Wood, có nghề nghiệp vững chắc ở Canada, sẽ tuân thủ lệnh của tòa đã quy định rõ ngày đi và ngày về của hai đứa con chung của họ là Takara, 11 và Manami, 8 tuổi.

Người cha sau này tâm sự: “Tôi luôn luôn ủng hộ việc cho các con tôi trở về Nhật vì nhận thức được tầm quan trọng của mối liên hệ của chúng với văn hóa truyền thống của quê mẹ chúng.”

Nhưng có điều Murray Wood không biết là lúc ông tiễn hai con lên máy bay tại phi trường Vancouver và ôm hôn chúng vào tháng 11 năm 2004, ông sẽ khó có thể gặp lại chúng và từ đó là con đường pháp lý chông gai ông phải trải qua trong việc xin chính quyền Nhật trả lại con ông cho ông. Người cha thất vọng tiết lộ thêm: “Ngay sau khi bầy trẻ đi rồi, tôi mới ngã ngửa ra Ayako đã hủy bỏ những tấm ngân phiếu phần tiền nuôi dưỡng con cái mà cô ta trao cho tôi ở phi trường. Tôi cũng phát giác Ayako đã cho chuyển 18 thùng đồ vật liệu gia dụng, trong đó có đồ chơi và quần áo trẻ sang Nhật và bỏ căn hộ với ba tháng tiền nhà chưa trả.”

Khôn ngoan hơn nữa, cô ta cũng không để lại địa chỉ chuyển thư ở bưu điện hay cho ngân hàng cũng như cho chủ và cho con nợ. Ngoài ra, cô ta cũng bỏ việc tiếp viên phi hành ở Air Canada, và chỉ gọi điện thoại báo cho công ty biết mình bị đau bất thình lình và xin nghỉ ba ngày. Sắp xếp trước đâu vào đó, Ayako đã có thể ung dung dẫn con về Nhật và từ đó cắt đứt liên lạc với Canada.

Không thể liên lạc được với Ayako sau khi cô ta đã hết hạn nghỉ bệnh ba ngày, công ty phải chấm dứt việc làm của cô vào ngày 12 tháng 12, 2004.

Lệnh tòa án Canada đòi truy lùng Ayako được ký vào tháng 1, 2005. Ayako bị khởi tố về hai tội bắt cóc trẻ em và nếu bị kết án có thể lãnh tối đa tới 10 năm tù.

Canada vốn tôn trọng công ước Hague. Trong tháng 12, 2005, một bé gái 3 tuổi ở Coquitlam, vùng phụ cận Vancouver bị người cha và hai bà dì lén mang đi. Người mẹ vội báo với nhà chức trách và cho họ biết có thể đón kẻ phạm pháp ở phi trường. Quả nhiên cảnh sát tới phi trường quốc tế Vancouver đã bắt được người cha và đứa con gái cùng hai bà dì đang chờ máy bay đi Hán Thành, Nam Hàn. Bộ ba bị truy tố về tội bắt cóc.

Trong vụ Ayako, Cảnh sát liên bang Canada đã báo cho Hình cảnh quốc tế về trát bắt này và chính quyền Canada đã nhiều lần yêu cầu chính quyền Nhật cho dẫn độ Ayako nhưng phía Nhật từ chối vì Tokyo không ký vào công ước Hague nên không bó buộc phải làm theo yêu cầu của Ottawa.

Wood tốn bao tâm huyết và tiền bạc tìm lại hai đứa con lưu lạc ở Nhật và từng đưa nội vụ ra trước Tòa án gia đình Nhật. Một vị chánh án người Nhật, Shimizu Atsushi, nhìn nhận theo pháp luật, Ayako có tội chủ tâm bắt cóc con cái nhưng giao trả hai bé Canada và bà mẹ Nhật phạm pháp về Canada thì trái với tập tục Nhật bản. Hơn nữa, Nhật không phạm luật quốc tế vì không ký vào thỏa ước Hague về tội phạm bắt cóc trẻ con (The Hague Convention on the Civil Aspects of International Child Abduction.)

Yêu cầu thực hiện quyền này đối với Nhật thì vô nghĩa. Nhật là nước duy nhất trong nhóm G-7, gồm bảy nước giàu nhất thế giới, không ký vào công ước Hague 1980. Công ước này, để phòng ngừa việc bắt cóc trẻ em trên bình diện quốc tế, đã quy định những ràng buộc, buộc cha mẹ khi dẫn con thơ vượt biên giới từ nước nọ sang nước kia phải tuân thủ. Công ước hiện giờ được trên 80 quốc gia ký kết, quy định rằng bất cứ đứa trẻ nào do một người cha hoặc mẹ mang ra khỏi một quốc gia và tới một quốc gia khác mà không được người phối ngẫu còn lại đồng ý thì lập tức quốc gia đã ký thỏa ước sẽ gửi đứa trẻ trở lại nơi xuất phát và việc tranh chấp quyền bảo dưỡng sẽ giải quyết ở nơi đó.

Annette Marie Eddie-Callagain, một luật sư gia đình quốc tịch Mỹ hành nghề ở Nhật cho rằng tình trạng trên biến Nhật thành nơi trú ẩn an toàn cho bậc làm cha hay mẹ muốn cản trở chồng cũ hay vợ cũ tranh chấp quyền bảo dưỡng con cái.

Ottawa cũng không can thiệp nổi vào việc này nên nội vụ chìm xuồng cả chục năm nay và chỉ hy vọng những hạt giống Canada lưu lạc ở Nhật có lúc trưởng thành sẽ về nhận bố và bên nội.

Giới hữu trách liên bang cho biết hàng năm có chừng khoảng 400 trẻ em ra đời ở Canada bị cha mẹ sinh ở ngoại quốc bắt cóc mang về xứ. Con số này có khuynh hướng gia tăng.

Tòa đại sứ Mỹ ở Nhật cho biết khá nhiều trẻ em mắt xanh, tóc vàng do mẹ Nhật sinh nhưng có bố Bắc Mỹ, hiện ở Nhật và sống tự do dưới sự bảo vệ của luật pháp cho dù các đấng làm cha có kiện tụng xin lại con cũng chẳng làm gì được.

Chuyên gia tâm lý lâm sàng Jim McRae cho rằng trẻ em bị cha mẹ người Nhật, sau khi ly thân hay ly dị, mang về xứ sẽ gặp nhiều ảnh hưởng bất lợi về tâm lý. Tại sao vậy? Tâm lý gia giải thích, vì người Nhật có tập tục cho rằng các cặp vợ chồng đã chia tay thì không còn có dính dáng gì với nhau nữa. McRae cho biết: “Bậc cha mẹ ở Nhật khi đã chia tay với người phối ngẫu thường không nhắc gì tới đối phương nữa. Và ngay cả đề cập tới xứ sở của người đó trước mặt con cái họ cũng tránh.” Điều này tác hại ghê gớm tới tâm lý trẻ.

Cố gắng đưa cháu từ Trung quốc về Anh của một cặp cao niên

Một bi kịch hôn nhân xuyên biên giới mới xảy ra trong năm 2017 ở Trung quốc mà nạn nhân là những đứa trẻ vô tội.

Khởi đầu cũng là những trang tình sử rất đẹp. Chàng trai người Anh có tên là Michael Simpson, 34 và mỹ nhân Thượng hải là WeiWei. Chàng trai sau khi tốt nghiệp đại học và làm cho hãng thời trang NEXT của Anh đã được phái sang Thượng Hải vào 2009, sau khi NEXT bành trướng sang Viễn đông. Tại đây chàng tuổi trẻ tài ba và đẹp trai gặp cô phụ tá chân dài của công ty là WeiWei và họ mở đầu cuộc tình trai thanh gái lịch. Kế tiếp, nàng có thai bé Jack và họ cưới nhau. Cuộc tình ban đầu êm đẹp nên thêm bé Alice ra đời. Nhưng rồi “cơm không lành, canh chẳng ngọt”, chàng chê nàng chỉ biết có tiền (materialistic) và shopping nên chán. Thế là “anh đi đường anh tôi đường tôi” và chàng hào hoa Simpson lại cặp bồ với một cộng tác viên cao cấp trong công ty là nàng Rachel Lin, một cô gái từng tốt nghiệp đại học Anh.

WeiWei bị chồng bỏ đã nuôi hận thù và ghen tuông với bồ mới của chồng nên vào một ngày u ám, 10 tháng ba, 2017, đã thủ dao, cùng hai người bạn tìm tới tổ ấm cũ có lẽ chỉ để đánh ghen bằng cách làm nhục đối thủ. Nhưng rồi cơn hận sôi lên, cô gái Hồ Bắc quyết “trả thù cho duyên kiếp phũ phàng” bằng thủ đoạn của Dương gia nữ tướng.

Không biết có phải WeiWei chỉ định đâm Rachel Lin hay không nhưng Simpson bênh người tình nên trúng nhiều nhát dao chí mạng mà Lin chỉ bị thương ở tay.

Michael Simpson chết vì tình xem ra cũng đáng và cũng đẹp vì chết dưới gốc đóa hồng nhung nhưng tội nghiệp cho cha mẹ nạn nhân. Ông bà Ian Simpson tại Anh quốc. Họ nghe tin con trai bị sát hại, hai đứa cháu nội mà họ từng thăm viếng và san sẻ yêu thương, không rõ tung tích nên vội sang Trung quốc xin cháu về nuôi dạy.

Nhưng họ gặp hàng rào pháp lý và bức tường cách ly. Trước hết gia đình Weiwei đã nhanh chóng vận động đưa hai cháu ngoại về tận Hồ Bắc xa xôi, ở một miền quê cách Thượng Hải 700 dặm. Đối với ông bà Ian Simpson thì thực là nghìn trùng xa cách về cả thời gian, lẫn không gian và ở một xứ lạ có tới gần một tỷ rưỡi dân rất khó tìm ra hai đứa trẻ.

Phía thân thích Wei Wei kín đáo bắn tiếng, nếu vợ chồng già muốn có cháu về Anh thì phải bãi nại vụ Wei Wei giết chồng và nếu cô nàng chỉ bị tội ngộ sát thì án sẽ nhẹ chứ không đến nỗi ngồi tù chung thân, lại khỏi phải bồi thường!

Nhưng cha mẹ nào lại muốn dung tha cho thủ phạm giết con mình? Hiển nhiên họ sẽ có chọn lựa vô cùng khó khăn vì hận thù nàng dâu cũ mà như họ nhận định chỉ biết có tiền và mua sắm trong khi con họ chí thú lo gia đình (Ông Ian Simpson tâm sự: với báo chí: “Michael was a devoted father and did everything for the kids. She – WeiWei – preferred going out and buying clothes. She wanted more money and help with the kids. That’s how the tension grew – WeiWei was materialistic and my son was more home-oriented”)

Tuy nhiên, muốn thắng kiện thì phải có nhiều tiền. Hai vợ chồng già, hưu trí, chỉ còn cách mở cuộc lạc quyên từ những kẻ thân thích và đồng bào Anh quốc.

Chu Nguyễn


Cái Đình - 2017