Nguyễn Hồng Lam


DÂN RƠM TRỒNG CỎ

KỲ III: Gỡ bảng số giang hồ trên đồng cỏ quốc tế

.

NHL - Đau xót, cảm thương cho số phận của các nạn nhân là đồng bào của mình không có nghĩa là tìm cách biện hộ cho hành vi, sai lầm của họ. Rất nhiều bạn đọc, cả trong và ngoài nước, cả trí thức lẫn bình dân đều tỏ ra rất giận dữ, nếu ai đó tỏ ý phản đối, không đồng tình với cách ra đi và rơi vào thảm kịch của các nạn nhân. Mặc định, họ xem tất cả những người nhập cư chui là "người tị nạn", hàm ý xem họ như những nạn nhân của thể chế, của đời sống chính trị - kinh tế đã "quá tệ hại" ở trong nước. Và do đó, ra đi, bất kể bằng con đường nào, bất kể nhằm mục đích gì cũng được coi là lựa chọn duy nhất, là "tị nạn", không thể khác. Ai không cùng cách nhìn, họ sẽ ném đá không thương tiếc, gán cho đủ loại tính từ tệ hại nhất, bất chấp mọi lý lẽ.

Chủ nghĩa vị tha ủy mị sặc mùi dân túy ấy lấn át lý trí, cần phải xem là một sai lầm, bởi nó đang biện minh và phần nào cổ súy cho một xu hướng sai trái, một vấn nạn. Nó sẽ dẫn nhiều người Việt đến gần hơn với các thảm họa nhân đạo. Nó làm ngơ, a tòng để một bộ phận người Việt nhập cư chui trở thành vấn nạn đe dọa sự bình an, thách thức luật pháp của nhiều quốc gia khác.

Nếu không thể tin, không muốn nghe người trong nước nói, hãy nghe chia sẻ của Đại sứ Liên hiệp vương quốc Anh và Bắc Ai Len tại Việt Nam - Ông Gareth Ward, về tình trạng mua bán người và di cư trái phép nhân vụ việc 39 người di cư bất hợp pháp bị chết trong xe container tại Anh.

Ông viết:

"Người Việt Nam vẫn đang bị mua bán sang Anh để làm các công việc nguy hiểm, trái pháp luật, phục vụ lợi ích của các băng nhóm tội phạm có tổ chức. Tuy nhiên, không có nhiều người Việt Nam biết đến thực trạng này....

...Ở nước Anh, chúng tôi sử dụng khái niệm "Nô lệ thời hiện đại" với hàm ý bao gồm mua bán người vì nạn nhân bị mua bán thường bị ép làm việc trong những điều kiện vô cùng tồi tệ, cả về thể xác lẫn tinh thần. Những năm gần đây, Việt Nam luôn là nước có số người nghi là nạn nhân của mua bán người và nô lê hiện đại cao nhất tại Anh, chỉ xếp sau Albania.

Khác với các nạn nhân bị mua bán sang các nước láng giềng với thủ đoạn thường gặp như bắt cóc, gạ gẫm hay lừa gạt, những nạn nhân người Việt Nam tại Anh là những người tự nguyện ra đi, với giấc mơ về một miền đất hứa, kì vọng về cơ hội cải thiện kinh tế cho bản thân và gia đình. Rất nhiều trong số họ là những người đến từ những huyện còn khó khăn của Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Những người này tìm đến những người quen, họ hàng, bạn bè mà nghe đâu đã từng đưa trót lọt ai đó đến Anh để nhờ giúp đỡ. Họ bỏ ra một khoản tiền rất lớn có khi lên đến 600 - 700 triệu đồng, phần nhiều có được là do thế chấp nhà cửa, ruộng vườn, tàu thuyền hay vay nặng lãi để trả cho những kẻ môi giới và những kẻ tổ chức đưa người trái phép qua biên giới.

Như vậy, ngay từ đầu cuộc hành trình của mình từ Việt Nam, họ đã chọn di cư bất hợp pháp và giao phó số phận của mình vào tay bọn tội phạm...."

(Hết trích)

Nhưng tại sao lại là nghề trồng cỏ (cannabis) – quá gần ngưỡng tự biến mình thành tội phạm mà không phải là một nghề nghiệp khác? Câu trả lới rất đơn giản: lợi nhuận vô đối. Và tất nhiên, nếu thành công, nó sẽ giúp một nhóm nhỏ người Việt đạt đến quyền lực vô đối.

***********

Khởi đầu nghề trồng cỏ xứ người là dân giang hồ Hải Phòng nhưng phát triển nó lên hàng quy mô, tạo nên làn sóng buôn nô lệ làm "công nhân nông nghiệp" lại chủ yếu thuộc về "dân chơi" Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Tại sao, muốn trả lời đầy đủ sẽ cần một nghiên cứu về nhiều mặt. Nhưng dễ thấy nhất, đây là ba địa phương đất chật người đông, khó kiếm việc làm. Con người những xứ này có thừa máu liều, người nghèo cũng mang sẵn tập tính "điếc không sợ súng", rất cục bộ và đoàn kết nhau trong "địa phương tính".

Người đi trước dẫn dắt và cưu mang người sau. Hầu hết những người đi sau, phần việc chuẩn bị chỉ là "mua đường". Sang nước ngoài, họ vứt hết giấy tờ, chỉ giữ lại trong bộ nhớ số điện thoại, địa chỉ của "người đón" – một đồng hương có quen biết hay dây mơ rễ má gì đó về mặt quan hệ... Chừng đó là đủ để cho những đường dây buôn người sang Đông Âu, Tây Âu, sang Anh, sang Canada hay Úc... tồn tại thành phong trào suốt hàng chục năm trời.

Anh quốc là nơi phong trào "dân rơm trồng cỏ" của người Việt diễn ra rầm rộ nhất. Nhưng nếu vẽ một bản đồ hình gân lá về ngành công nghiệp trồng và chế biến cần sa do tội phạm gốc Việt thống lĩnh, cuống lá – điểm xuất phát – sẽ là một chấm nhỏ nằm ở miền Tây Nam trên bản đồ Canada – vùng Vancouver thuộc tỉnh British Columbia.

Nửa sau thế kỷ XX, hầu hết nguồn cần sa cung cấp cho dân chơi Bắc Mỹ, gồm cả Canada hầu như đều có nguồn gốc từ Mexico. Cần sa Trung Mỹ được bán lẻ đến tay dân chơi Bắc Mỹ dưới dạng cao marijuana, chất lượng khá tốt. Khách hàng thường trực của loại chất gây nghiện này chủ yếu là thành viên của các băng đảng "Những thiên thần địa ngục" (Hell Angles), với nhãn hiệu cầu chứng là những thân hình lực lưỡng xăm trổ chằng chịt, bọc trong những bộ đồ da nặng trịch, đánh đu và rong ruổi trên những chiếc môtô phân khối lớn kéo nhau diễu thành từng đoàn gây bạt vía trên các xa lộ.

Thập niên 60 – 70 của thế kỷ XX, ý thức phản chiến và phong trào hippi lan rộng khắp nước Mỹ. Nhiều thanh niên xứ Cờ Hoa đã trốn sang miền Nam Canada để tránh bị chính phủ bắt đi quân dịch và quẳng sang chiến trường Nam Việt Nam. Đội ngũ "Những thiên thần địa ngục" tăng vọt về số lượng. Hầu hết họ đều ngã vào vòng đê mê của khói cần sa để tiêu sầu, để chối bỏ và quên thực tại. Một bộ phận đã dạt vào các khu vực rừng núi hẻo lánh của tỉnh British Columbia để trồng cần sa, vừa tự cung tự cấp nhằm thỏa mãn nhu cầu, vừa bán lại cho đồng bọn và bán ngược về Mỹ qua ngả Seattle, bang Washington để làm sinh kế.

Thật không may, cần sa quấn điếu hoặc trộn với thuốc lá hút sống (người Việt thường gọi là Bồ đà, do đọc trại chữ Budda, tức là... ông Phật!) lại nhanh chóng trở thành mốt, được lớp thanh niên đường phố của Canada và Hoa Kỳ ưa chuộng. Trong khi đó, luật pháp Canada lại chỉ xem cần sa là chất gây nghiện, người trồng và sử dụng nó chỉ bị phạt, cùng lắm bị trục xuất hoặc án treo chứ không phải ngồi tù như đối với hêrôin hoặc côcain. Gió đổi chiều, từng đoàn xe tải chở cần sa đã qua chế biến từ Vancouver bắt đầu chạy ngược về Mỹ, cạnh tranh ráo riết và chiếm ưu thế so với marijuana Trung Mỹ.

Với "dân chơi" khắp nước Mỹ, những điếu cần sa nhãn hiệu "BC Bud" (bồ đà Britsh Columbia) vẫn là "số dzách", là thượng hảo hạng! Từ Vancouver giá 1.500USD/pound, về đến California, giá bán sỉ của nó đã tăng vọt đến 10.000USD/pound. Theo ước tính được công khai trên trang web của Cơ quan Bài trừ ma túy Hoa Kỳ (DEA), thập niên 90 thế kỷ trước, mỗi năm, giá trị thương mại của cần sa ở riêng tỉnh Britsh Columbia đã lên đến 6,5 tỉ USD, nguồn thu lớn thứ hai chỉ sau dầu mỏ và khí đốt! Toàn bộ số hàng "cỏ" và khoản lợi nhuận khổng lồ này đều do "Những thiên thần địa ngục" điều phối.

Đang hồi cực thịnh thì dân chơi người Việt nhấp nhứ nhảy vào. Những năm 80, một bộ phận thuyền nhân Việt Nam các tỉnh phía bắc từ các trại ở Hồng Công... được tiếp nhận định cư tại Canada. Hầu hết họ đều không có trình độ, một phần không ít lại xuất thân đầu trộm đuôi cướp cho nên rất ít người trong số thuyền nhân này có cơ hội định cư ở những đô thị chuyên môn cao như Ottawa hay Montreal vùng Quebec ở miền Đông Nam Canada. Vậy là, để mưu sinh và kiếm tiền nhanh, không ít người mới đến đã sẵn sàng tham gia "trồng cỏ". Chủ yếu họ "làm vườn thuê" cho các băng nhóm "Những thiên thần địa ngục".

Dân chơi người Việt "tiến bộ" rất nhanh. Họ nhanh chóng nhận ra rằng, dù có thiết lập ở những nơi thâm sơn cùng cốc, các "trang trại" cũng rất dễ bị các đội tuần tra bằng trực thăng của cảnh sát phát hiện và triệt phá. Hơn nữa, cần sa trồng trong tự nhiên, mùa vụ kéo dài cả năm, “vừa bé hạt thóc, vừa lâu đồng tiền", lại dễ bị lộ. Vậy là, các băng nhóm người Việt nhanh chóng đưa "trang trại" vào trồng thử nghiệm trong nhà kín, các tầng hầm hoặc tầng áp mái, dễ che mắt cảnh sát. Công nghệ sinh học - giống cây trồng cũng được nghiên cứu ứng dụng triệt để và cho tiến bộ vượt bậc. Bằng cách sưởi ấm và thắp sáng bằng đèn điện suốt đêm ngày, "vườn cỏ" trồng trong nhà cho thu hoạch một năm tới 4 vụ.

Cây cần sa trồng trong chậu tuy có kích thước nhỏ, chỉ cao bằng 1/2 cần sa trồng ngoài trời nhưng bù lại có hàm lượng marijuana cao gấp bội, được thị trường chào đón nhiệt tình hơn. Trồng bao nhiêu, "Những thiên thần địa ngục" bao tiêu hết bấy nhiêu. Các băng nhóm "công nhân nông nghiệp" người Việt giàu lên vùn vụt, lấn át rồi dần dần đánh bật "Những thiên thần địa ngục" ra khỏi cuộc chơi "trồng cỏ".

Giang hồ Bắc Mỹ cũng cay lắm nhưng vẫn đành chấp nhận bởi cạnh tranh không lại. Đã thế, chúng có bung ra "cày" được "mảnh ruộng" cần sa nào thì gần thu hoạch lại bị đám người Việt rình mò phát hiện và láu cá... mật báo cho cảnh sát đưa trực thăng đến nhổ sạch! Xem như thua. Bước sang thế kỷ XXI, "Những thiên thần địa ngục" đành ngậm ngùi giã từ nghề "trồng cỏ" để bằng lòng với vị trí khách hàng lệ thuộc, nhường sân chơi cho người Việt nhập cư "múa gậy vườn hoang".

Với nghề "trồng cỏ", các tập đoàn tội phạm người Việt ở miền Nam Canada bành trướng thế lực rất nhanh. Từ miền Tây Nam heo hút, thưa thớt dân cư, tiền bẩn đã giúp chúng vươn tay sang các đô thị sầm uất, tấp nập ở Đông Nam, trở thành "chủ nhân ông" của nhiều cơ sở thương mại, tập đoàn kinh tế lớn. Quyền lực tuyệt đối, trùm của mọi trùm là một khuôn mặt phụ nữ có cái tên khả ái: Lê Thị Phương Mai. Về địa bàn, hồ sơ cảnh sát ghi nhận: Lai Thành Hữu (tức Ngô Tiến Dũng) và gia đình bà Lee (gốc Hoa) trấn giữ Toronto. Hai mảnh đất màu mỡ nhất là Ottawa và Vancouver, một mình nữ quái Lê Thị Phương Mai độc chiếm.

Tuổi thật sinh năm 1966, quê gốc Hải Phòng nhưng trong hộ chiếu, Lê Thị Phương Mai lại khai sinh năm 1973 và quê ở Phú Yên. Khi mới sang, lợi dụng hình thể bé nhỏ so với chiều kích người Canada, cô đã khai gian cho nhỏ tuổi để được hưởng trợ cấp vị thành niên. Cái đầu khôn ngoan "dày" hơn nhiều so với hình hài mảnh mai, bé nhỏ. Lê Thị Phương Mai đã nhanh chóng tiếp cận nghề trồng cỏ và buôn ma túy.

Khi chỗ đứng giang hồ bắt đầu vững, Mai đã kết hợp và chỉ huy một loạt đàn em gốc Bắc thuộc hàng "đầu bù răng bựa" nhất do hai hảo thủ là Hoàng Công Ty (người Quảng Ninh) và Nguyễn Văn Minh (quê Hải Phòng) chỉ huy, tổ chức chuyên môn hóa cao độ nghề trồng cỏ. Mai mua và thuê hàng loạt những ngôi nhà lớn ở những nơi hẻo lánh vùng Vancouver để lập "trang trại". Mỗi "vườn" có một đàn em tin cẩn trông coi và không tên nào được biết "vườn" của kẻ khác, phòng khi bị bắt sẽ khai báo lung tung khiến đổ bể dây chuyền. "Công nhân nông nghiệp", Mai và những tên cầm đầu cất công về Quảng Ninh, Hải Phòng tuyển lựa, làm hộ chiếu du lịch thăm thân nhân đưa sang Canada.

Cứ 6 tháng (2 vụ), các "trang trại" lại thay công nhân một lần, tuyển công nhân mới. Mọi chi phí, Mai lo tất. Được xuất ngoại du lịch miễn phí, sau nửa năm quay về lại được nhận một cục tiền to, đám giang hồ phía Bắc rất khoái được "phục vụ chị Mai", bảo làm gì chúng cũng chẳng từ.

Tiền kiếm được ở Vancouver, Lê Thị Phương Mai đem sang Ottawa, Toronto và Montreal mua bất động sản mở hàng loạt nhà hàng, khách sạn, siêu thị 24/7 (phục vụ liên tục mọi ngày, mọi giờ). Trước cửa ngõ thế kỷ XXI, Lê Thị Phương Mai đã được xem như nữ doanh nhân gốc Việt thành đạt nhất ở Canada, một ngôi sao thành đạt của cộng đồng người Việt ở Bắc Mỹ.

Không mấy ai biết rằng, sau lớp áo doanh nhân là "bà trùm" lớn đứng đầu một tập đoàn mafia chuyên sản xuất cao cần sa, chế biến, đóng viên các loại thuốc lắc, thiết kế và điều hành đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên Bắc Mỹ, đồng thời cầm đầu cả một hệ thống rửa tiền và tín dụng đen xuyên lục địa.

Kết hợp với "con cá mập" người Hoa tên là Ze Wai Wong, sinh năm 1953, hoạt động của tập đoàn Lê Thị Phương Mai đã làm lệch hẳn cán cân cung cấp ma túy vào thị trường Bắc Mỹ. Trung bình mỗi tháng, tập đoàn này sản xuất và tuồn vào nước Mỹ khoảng 1 triệu viên thuốc lắc, tiền lãi đem rửa khoảng 5 triệu USD. Thuốc lắc (ectasy) đưa vào Mỹ tiêu thụ bán sỉ 4 USD/viên và bán lẻ trên các đường phố từ 15 đến 20 USD/viên. Riêng cần sa, Lê Thị Phương Mai không chỉ trồng ở Canada mà còn thiết lập được một loạt trang trại lớn ngay tại TP San Francisco của nước Mỹ. Nguồn cần sa của Lê Thị Phương Mai cung cấp đến 16 thành phố lớn thuộc 10 bang của Mỹ, trong đó có các vùng quan trọng như Atlanta, Los Angeles, New York, Iowa, Tennessee, Houston, Orlando và New Orleans...

Theo đánh giá của DEA và FBI, lượng cần sa do tập đoàn Lê Thị Phương Mai - Ze Wai Wong cung cấp chiếm tới 16% toàn bộ thị phần Bắc Mỹ, chưa kể thuốc lắc tự sản xuất. Dĩ nhiên, với năng lực cung cấp hùng mạnh như thế, Lê Thị Phương Mai đã có quan hệ mật thiết với rất đông các ông trùm mafia Hoa Kỳ. Khi Năm Cam sang Mỹ vào đầu năm 2001, Mai cũng từng gặp gỡ, tính chuyện hợp tác để mở rộng địa bàn làm ăn về quê nhà. Nhưng mối quan hệ này không đi tới đâu. Năm Cam, trong nguyên tắc, không đưa ma túy - chất gây nghiện vào danh mục hoạt động xã hội đen của mình. Trong mộng bá đồ vương, Năm Cam cũng chỉ muốn thâu tóm quyền lực giang hồ Nam-Bắc, thủ lợi chủ yếu bằng bảo kê đâm chém và mở sòng bạc trong nước, chưa đủ năng lực để nghĩ tới tầm mức "hợp tác giang hồ quốc tế". Phương Mai tỏ ra coi thường Năm Cam giang hồ cò con, gà què ăn quẩn cối xay. Câu chuyện của những ông bà trùm chỉ dừng lại ở mức ra mắt xã giao qua trung gian các mối quan hệ giang hồ.

Một phần lớn tiền thu được nhờ ma túy Lê Thị Phương Mai đã tìm cách gửi về Việt Nam để đầu tư vào bất động sản. Theo điều tra của FBI trong vòng chưa đầy 2 năm, từ đầu năm 2002 đến đầu năm 2004, thông qua 2 tổ chức tín dụng đen tại Atlanta (Mỹ) mà Mai dựng lên và thao túng là An Châu Service và Hoàng Nhung Express, Mai đã chuyển về một số địa chỉ (28 cá nhân và 8 doanh nghiệp) ở Hải Phòng tổng cộng 800 triệu USD.

Tháng 5/2001, Cảnh sát Hoàng gia Canada phối hợp cùng FBI và DEA của Hoa Kỳ tổ chức một chiến dịch lớn mang tên "Operation Candy Box" (Chiến dịch Hộp kẹo) nhằm cắt đứt dòng chảy ma túy khổng lồ từ Canada vào nước Mỹ. Một cuộc trao đổi chỉ đạo của Lê Thị Phương Mai để gửi 222.000USD theo hai đường dây tín dụng đen từ Mỹ về Việt Nam vào tháng 7/2003 đã bị ghi âm. Từ đây, dấu "con cá mập" bắt đầu lộ ra. Mọi thông tin liên quan đều được phía Mỹ và Canada cung cấp đầy đủ cho Interpol Việt Nam để yêu cầu giúp đỡ, nhằm bắt giữ Lê Thị Phương Mai và triệt phá đường dây ma túy xuyên Bắc Mỹ.

Cảnh sát đã phanh phui ra thực tế, tổ hợp ma túy Wong và Phương Mai gồm thâu đủ món phạm tội, từ buôn lậu ma túy, rửa tiền, sản xuất thuốc lắc quy mô tại Toronto. Ma túy đá của họ không chỉ “trải đệm” thị trường Canada mà còn tung hoành khắp nhiều đường phố, quán Bar nước Mỹ. Chúng được tuồn qua biên giới Canada - Mỹ ngụy trang trong các ngăn, hộp bí mật, sàn kép, cánh cửa kép hoặc trong thùng xăng hai đáy của xe hơi, xe tải nặng

Trong đợt "ra quân" đầu tiên của chiến dịch “Hộp kẹo", cảnh sát đã phá sập 3 cơ sở sản xuất thuốc lắc tại Toronto, thu giữ 12 súng, 5,9 triệu USD tiền mặt và 500.000 viên thuốc lắc, 531 kg cần sa thành phẩm. Hai công dân Canada gốc Việt Hà Đức Kiệt, 41 tuổi và Phạm Văn Tuấn, 45 tuổi, bị bắt tại Oakville. Kiệt bị bắt với các tội danh buôn lậu các chất cấm, tham gia và tổ chức phát triển mạng lưới tội phạm trong khi Tuấn bị cáo buộc buôn lậu ma túy. Trần Thanh, 47 tuổi; Huỳnh Đồng Đẳng, 39 tuổi, cùng với em gái là Huỳnh Thị Thảo Thi, 33 tuổi và Trần Huy, 24 tuổi, đàn em của Phương Mai bị bắt ở East Bay và San Jose (Mỹ).

Trong khi đó, với danh nghĩa là đại diện của Công ty Viet - Can Resorts & Plantation Inc., (do chính Lê Thị Phương Mai lập ra) có trụ sở tại 857 Unit 1, Somerset St. West Ottawa, Ontario (Canada), đầu tháng 1/2004, Lê Thị Phương Mai và 3 cộng sự về Việt Nam tìm cơ hội đầu tư. Một dự án đầu tư khu du lịch 5 sao và biệt thự cao cấp trị giá 25 triệu USD đã được Lê Thị Phương Mai ký kết với UBND tỉnh Khánh Hòa. UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý giao cho đối tượng 70ha đất tại Dốc Lết, huyện Ninh Hòa để triển khai dự án. Trong số này có 10 ha trùng lặp, nằm chồng lên một dự án đã phê duyệt cấp đất từ trước cho một công ty khác, rất oái oăm, cũng có tên là Công ty Phương Mai.

Âm mưu rửa tiền gặp thuận lợi ngoài sức tưởng tượng, Lê Thị Phương Mai đã gấp rút làm hồ sơ xin lập một ngân hàng 100% vốn nước ngoài, lấy cớ để thuận lợi và nhanh chóng cho việc chuyển giao 25 triệu USD tiền vốn đầu tư. Nhưng chưa kịp thực hiện, đầu tháng 3/2004, Cảnh sát Canada, FBI và DEA của Mỹ đã đồng loạt ra tay. Thêm 3 cơ sở chế biến ma túy với hơn nửa triệu viên thuốc lắc, 14 trang trại cần sa, 28 tên đàn em cùng súng, đạn và 9,1 triệu USD đã bị bắt. Tên của Lê Thị Phương Mai xuất hiện trong nhiều sổ sách bị thu giữ với tư cách "chủ tài khoản". Từ Việt Nam, bà trùm hốt hoảng, vội lấy vé bay về Canada vào ngày 29/3/2004. Hai ngày sau, vừa bước chân vào nhà riêng, "đại cao thủ dân rơm trồng cỏ" người Việt đã phải tra tay vào còng và sau đó ra tòa lĩnh án chung thân cho những tội ác của mình.

Từ đó, những "cánh đồng cỏ" của “dân rơm” người Việt ở Canada đã bị cày tung. "Dân rơm" lục tục kéo nhau sang Anh tìm đất mới.

.

Nguyễn Hồng Lam
(Trích FB cá nhân)

_____________

Xem tiếp:

Bài 4: Nỗ lực chống một thảm họa

Xem lại các bài trước:

Bài 1: Đời chuột chũi trong rừng đại ma

Bài 2: Bán mạng trong “Lò Thiêu Xác”

 


Cái Đình - 2019