Chu Nguyễn


Giương mắt xem chi buổi bạc tình!

Đầu thế kỷ 20, nhà thơ Trần Tế Xương (1870-1907), vào một năm bị đau mắt, tuy tuổi chưa già nhưng tinh thần và thể xác suy thoái sau những ngày sống trong cảnh giao thời, thất bại về khoa cử và lận đận trong cảnh nghèo, nhìn quanh quẩn, muốn nhờ vợ, nhờ con săn sóc nhưng chẳng thấy ai, đã than thở:

Muốn mù trời chẳng cho mù nhỉ?
Gương mắt trông chi buổi bạc tình?

Hai chữ “bạc tình”ở đây chỉ là sự giễu cợt của nhà thơ nặng chất trào phúng. Trong than thở có sự bày tỏ tâm trạng của một kẻ sĩ trước cảnh xã hội đảo điên, đất nước nghiêng ngửa, khiến con người chỉ vụ cái danh, cái lợi.

Ngày nay, chữ “bạc tình,” nổi bật như màu sắc thời đại, khi tình cảm giữa con người với con người bỗng nhiên trở thành dửng dưng, nhạt nhẽo hay nói theo Nguyễn Công Trứ: “bạc quá vôi mà mỏng quá mây!” Sẽ chẳng ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh tình cảm chỉ còn là danh từ trong tự điển chứ không còn thực chất kể cả mối liên hệ cha mẹ-con cái, anh-em, bạn bè… người trong cuộc có khi chỉ nghĩ tới mình chứ không hề nghĩ tới những đối tượng ruột thịt hay thân thiết khác và gây ra biết bao bi- hài- kịch vô cùng chua xót và thương tâm.

Không phải chỉ ở những xứ lạc hậu mới có các gia trưởng nổi cơn hung ác đày đọa trẻ thơ mà ngay ở Canada và ở Mỹ mới đây đã có hai vụ án, mà nạn nhân là trẻ thơ vô tội và kẻ gây tội lỗi tày đình là cha mẹ.

Mẹ di dân giết con ở Ohio:

Một gia đình bề ngoài êm ấm, cha mẹ còn trẻ, ở tuổi chưa quá 30. Người cha, gốc Hoa nhưng là công dân Mỹ, đẹp trai và cách đây năm sáu năm trước, gặp một cô gái đồng hương xinh xắn mới lưu lạc tới xứ Cờ Hoa. Hai người lập gia đình trong một đám cưới có đủ màu sắc đông vui, xôm tụ của hai nền văn hóa Á-Mỹ. Nàng có tài nấu ăn, nên rủ chàng mở một nhà hàng chuyên nấu đặc sản của Trung hoa.

Món ăn ngon đầy hương vị Trung hoa, thu hút đồng hương và cả khách Tây nên họ làm ăn khấm khá. Hạnh phúc tăng thêm khi một bé thơ ra đời. Bé gái hay ăn chóng lớn nên cũng nghịch ngợm luôn tay. Người mẹ vất vả vì cửa hàng, lại ảnh hưởng lối dạy con của thế hệ trước nên cho rằng phải dùng roi vọt cho con vào nền nếp. Hơn nữa, quan niệm “trọng nam khinh nữ” gần như truyền thống vốn còn lại ở một vài vùng lạc hậu ở lục địa Trung hoa nhất là lúc “chế độ một con” còn là khuôn phép bó buộc mỗi gia đình.

Bé gái dần dần trở thành “cái gai” trước mắt bà mẹ trẻ. Người cha gần như cùng quan điểm dạy dỗ với vợ nên bé gái bị cả cha với mẹ, ghẻ lạnh trong năm năm đầu đời. Rồi án mạng xảy ra.

Cha mẹ lỡ tay đánh chết con không phải chuyện hiếm nhất là ở những nơi gia trưởng còn dùng biện pháp “bạo hành” trong việc cho là “dạy con.” Nhưng vụ án mới đây xảy ra ở Ohio cho thấy hình ảnh và ngôn ngữ của một bà mẹ “giết con” chứ không phải “dạy con” quá tay!

Bi kịch khởi dầu bằng vào 9 tháng một năm 2017, bé Ashley Zhao, 5 tuổi ở với cha mẹ là Liang Zhao và Minh Minh Chen, ở một thị trấn nhỏ có tên Jackson Township, North Canton, Ohio bỗng nhiên mất tích trong trường hợp đáng ngờ .

Cuộc tìm kiếm mở rộng khắp tiểu bang nhưng không thấy tung tích bé. Cảnh sát nghĩ tới việc khám căn tiệm Ang’s Asian Cuisine do vợ chồng Liang Zhao và Minh Minh Chen làm chủ và ngày hôm sau phát giác ra thi thể bé Ashley Zhao được giấu ở sau một tủ đá lớn đặt phía sau nhà hàng Ang’s Asian Cuisine . Thi thể bé thơ được pháp y xét nghiệm và có chứng cớ bé bị tấn công vào đầu cho tới chết. Lập tức vợ chồng Liang Zhao và Minh Minh Chen bị bắt và truy tố về tội sát nhân.

Giả thuyết cho rằng, cái chết của bé Ashley Zhao do cha mẹ hành hạ gây nên. Thảm kịch không những làm cho người biết chuyện, kể cả thân thích mủi lòng vì nạn nhân bị sát hại một cách vô lý và tàn nhẫn mà cũng không ít người thương cảm cho số phận bậc làm che mẹ chỉ vì giáo dục con một cách sai lầm mà phạm tội giết con.

Tuy nhiên, tại phiên tòa đầu tháng 1, 2018, nhiều kẻ bàng quan, cảm thấy kinh hoàng khi một cuốn băng video được công bố, ghi lại lúc thẩm sát viên ghi lại lời cung của người mẹ, Minh Minh Chen, 30. Không mấy ai không đặt câu hỏi, tại sao trên đời lại có một bà mẹ nông nổi và máu lạnh như Chen?

“Thẩm sát viên hỏi:
– Việc gì xảy ra vậy, sao bé chết?
Chen trả lởi:
– Tôi giết nó!
– Bằng cách nào?
Chen giơ tay và diễn cử động tát vào mặt.
Thẩm sát viên hỏi lại:
– Bà dùng tay tát trẻ?
Chen trả lời:
– Đúng thế!
Thẩm sát viên gặng hỏi:
– Sao vậy?
Chen giải thích:
– Nó bướng bỉnh không nghe lời nhất là sau dịp nó về quê nội ở với ông bà nội mấy tháng..”

“Bị cáo còn phân trần mình bận rộn suốt ngày không những coi cửa hàng mà còn quán xuyến gia đình và giơ hai tay trước mắt thẩm sát viên:
– Tôi chỉ có hai tay, chứ không phải con gái có bốn tay…Trong lúc không làm chủ được tâm trạng tôi đã đánh nó! Tôi không chủ tâm…
Thẩm sát viên:
– Sau đó ra sao?
Chen khai:
– Chồng tôi lay nó, nó vẫn không cựa quậy nên tôi bảo chồng tôi tìm cách giấu xác nó!”

Trong phiên tòa diễn ra ở North Canton, ngày 2 tháng 01, 2018, Minh Minh Chen lãnh bản án ngộ sát, kèm theo tội cản trở công lý thi hành và nhiều tội danh khác nên lãnh bản án 22 năm tù.

Còn người chồng ban đầu bị kết án đồng lõa trong tội giết con nhưng sau đó đứng ra làm nhân chứng tố cáo vợ gây ra án mạng nên chỉ lãnh bản án nhẹ hơn là 12 năm tù.

Vụ án quá thương tâm.

Dư luận không những thương xót cho bé thơ vô tội bị mẹ tát cho tới long óc và thiệt mạng, nhưng nghĩ ra cũng tội nghiệp cho cha mẹ di dân vì chịu ảnh hưởng của lối giáo dục cũ, lại chật vật mưu sinh thực hiện “Giấc mơ Hoa” (“American dream”) nên gây tội.

Cũng nên biết, Minh Minh Chen, cũng như chồng là Liang Zhao là những người chịu ảnh hưởng sâu xa nền văn hóa cũ ở lục địa, sử dụng biện pháp trừng phạt cứng rắn chứ không phải biện pháp khuyên răn mềm dẻo. Quan niệm cũ cũng cho rằng cha mẹ có quyền gần như tuyệt đối với con cái. Tiêm nhiễm văn hóa cũ khiến nhiều bậc cha mẹ không chấp nhận con cái cãi lời và khi không thể bảo con nghe lệnh mình thì cơn giận bùng lên.

Nền giáo dục cũ của Trung quốc cũng “trọng nam khinh nữ” nhất là khi xã hội chủ trương mỗi gia đình chỉ có một con. Bé Ashley vô tình trở thành một nạn nhân cho dù ra đời ở Mỹ. Bà mẹ không hài lòng về thái độ của con gái thì nổi hung và gây ra thảm cảnh cả gia đình tan vỡ. Người ta cũng trách Liang Zhao, một người cha nông nổi, đã không bảo vệ được con, lại ngu dại nghe lời vợ tìm cách giấu xác con. Nếu không, vụ án Ashley chỉ thuộc loại ngộ sát và bản án dành cho họ sẽ nhẹ hơn nhiều.

Chen chưa chính thức là công dân Mỹ mà vẫn bị xếp vào loại di dân lậu. Như thế sau khi mãn hạn tù sẽ bị trục xuất về Trung quốc. Thế là giấc mộng di dân của cặp vợ chồng Chen-Liang tan tành thành mây khói. Họ trở thành trắng tay sau một cơn giận: con chết, buôn bán phế bỏ, vợ chồng vào nhà giam ở nơi đất khách quê người. Sau khi trả nợ xã hội, vào tuổi ngũ tuần họ trở lại đời thường, nhưng tìm đâu đất dung thân và lương tâm thanh thản?

Một vụ án khác xảy ra ở Canada và lần này bi kịch giáng lên đầu hai trẻ thơ xinh xắn. Lần này rõ ràng là “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết” vì song thân tranh giành quyền nuôi con nên kẻ thất bại rơi vào cuồng trí và giết hại trẻ thơ.

Vụ án cha giết con ở British Columbia vào ngày Giáng sinh

Oak Bay là một vùng đất giáp biển của tỉnh bang British Columbia. Nó như một mỏm sơn thủy ngoạn mục phía nam Vancouver Island. Oak Bay đất rộng người thưa, gió biển vào tháng chạp thổi lạnh lùng, nhưng vào dịp Giáng sinh vừa qua 25 tháng 12, 2017, không khí trở nên rộn ràng, ấm cúng và êm đềm với tiếng nhạc Christmas Carols. Nhưng trong cảnh thiêng liêng tuyệt vời ấy, bỗng nhiên có tin tại một căn hộ trong cao ốc Beach Drive ở Oak Bay xảy ra hai án mạng trẻ thơ, và nghi can hung thủ, có lẽ là người cha, đã tự sát nhưng bất thành.

Vì đâu đến nỗi Chloe Berry, 6 tuổi và Aubrey Berry, 4 tuổi đang mơ màng với khúc nhạc Jingle Bells trong Đêm thánh vô cùng bỗng nhiên lãnh cái chết thảm thương? Nguyên nhân là cha mẹ chúng, Andrew Berry và Sarah Cotton sau khi chia tay từ năm 2013, tiếp tục tranh quyền bảo hộ, nuôi dưỡng chúng và chia tài sản!.

Lợi thế trong vụ kiện ở về phía Sarah Cotton. Bà vợ tố cáo ông chồng tâm lý bất thường, khi nổi giận thì tỏ ra bất chấp sinh mạng của vợ con, và nhiều lúc ngỏ lời hăm dọa và nói xấu bà ta với con cái. Cũng có lần bà Cotton thưa chồng về tội tấn công con gái kể cả sờ mó chúng. Tuy nhiên, đó chỉ là lời tố cáo của những kẻ thù ghét nhau, không có chứng cớ rõ ràng, nên ban đầu tòa chỉ ra lệnh cấm Berry tiếp xúc với vợ con.

Cuộc tranh chấp chưa đi tới đâu, nội vụ êm dần, thì vị chánh án chủ trì cho phép hai bên quyền nuôi chung, chia phiên tới ai thỉ người đó mang hai đứa bé về nơi mình ở dĩ nhiên người mẹ có ưu thế hơn người cha.

Kể từ mùa xuân vừa qua, chánh án tòa thượng thẩm B.C. là Victoria Gary giải quyết tranh chấp bằng cách chấp nhận quyền cha mẹ chia nhau nuôi dưỡng hai trẻ mặc dù trong dĩ vãng, người cha, ông Andrew Berry bị tố cáo có nhiều khi tỏ ra thái độ quá khích muốn giành toàn quyền nuôi dưỡng con thơ, chẳng hạn có lần ông ta tuyên bố sẽ làm nổ tung tất cả nếu thất kiện.

Trong phán quyết 31 tháng 5, chánh án Gray cho phép người cha, Berry có quyền săn sóc hai bé gái trong 24 giờ bắt đầu từ buổi trưa ngày trước Giáng sinh với lý do “Berry là người cha yêu thương con cái và để cho trẻ bên cha là lợi ích tốt nhất cho chúng trong ngày lễ trọng đại” và rằng “Trong vụ tranh chấp này thì nạn bạo hành gia đình không phải là yếu tố quan trọng trong việc dàn xếp quyền nuôi giữ con cái.”

Nào ngờ cảnh sát tìm thấy trong ngày Giáng sinh thi thể hai bé gái trong tầng trệt một căn hộ ở Oak Bay, nơi người cha của chúng cư ngụ.

Án mạng xảy ra, nghi can còn nằm bệnh viện và dư luận bên ngoài chỉ biết trách cứ lẫn nhau.

Nhiều người trách tòa án đã để cho người cha có dấu hiệu tâm bệnh, có khuynh hướng bạo hành, coi sóc hai trẻ, khiến chúng mất mạng ngay trong dịp lễ thiêng liêng.

Cũng có nhiều chỉ trích nhằm vào nhân viên xã hội. Họ đã theo dõi vụ tranh chấp nuôi con giữa cặp vợ chồng ly thân Berry-Cotton trong nhiều năm… mà đã không nhậy bén trong việc quan tâm tới số phận hai bé gái nạn nhân khi xảy ra cuộc “sẩy đàn tan nghé.”

Câu hỏi tới nay khó trả lời rằng việc bảo vệ trẻ thơ ở B.C. trong những trường hợp như trên có hữu hiệu hay không? Ý kiến chung là chưa tỏ ra hữu hiệu vì xã hội chưa quan tâm đúng mức nên đã không làm tròn nghiệm vụ bảo vệ chúng khi gia đình chúng tan vỡ vì cha mẹ xung khắc và chia tay.

Cộng động Oak Bay chỉ còn biết tổ chức một đêm thắp nến tưởng niệm linh hồn hai trẻ thiệt mạng và cầu nguyện cho chúng, dù biết rằng đó là hành động muộn màng.

.

Chu Nguyễn


Cái Đình - 2018