Lê Ngọc Vân


Giày đó sạch ra sao?

Mặc áo thun polo màu lá mạ và ngồi thành hàng dài, 1700 công nhân may ráp thành chiếc giày. Ảnh: Quinnryanwattingly

Trong khi những xí nghiệp may mặc bị theo dõi chặt chẽ kể từ sau thảm họa Rana Plaza thì công nghệ giày dép vẫn lọt khỏi tầm nhắm. Làm sao ta biết được giày dép của mình có phải do bàn tay trẻ em làm ra trong những xí nghiệp không an toàn ở Á châu? Một cuộc săn tìm.

***

19,90 euro, giá một đôi giày sneaker màu mè theo mốt mùa hè được trưng bày trong tủ kiếng cửa hiệu vanHaren. Giày dép, cũng như quần áo, giờ đây trở thành món đồ thời trang có liền chạy theo mùa. Tiệm giày dép thay đổi kiểu dáng ngày một nhanh hơn, cũng như những mẫu mã hàng hiệu. Thật là sướng cho người tiêu thụ: với một giá rẻ mạt bạn có thể mỗi mùa mua một đôi giày mới đúng mốt. Hoặc là hai đôi. Phụ nữ Hà Lan hiện nay trung bình có 23 đôi giày trong tủ, theo một thăm dò của một chain cửa hàng giày dép.

Tám trong số mười đôi giày được làm tại những quốc gia có nhân công rẻ như Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng trong tình trạng lao động như thế nào? Chúng ta ai cũng biết là công nhân tại các nước viễn đông bị bóc lột trong những xưởng may không có an toàn lao động. Chắc chắn là các xí nghiệp dệt may tại Bangladesh bị chiếu tướng sau vụ nhà máy Rana Plaza bị sập. Với chút ảnh hưởng: nhiều công ty tây phương trong ngành may mặc trong những năm vừa qua đã gắng sức cải thiện điều kiện lao động nơi những nhà cung cấp, qua áp lực của giới tiêu thụ đang bất bình, các chính trị gia và các cơ quan chuyên lo nghiên cứu phát triển.

Thỏa thuận

Trong ngành giày dép thì mọi chuyện lại lặng yên. Trong danh sách các nhà sản xuất thời trang và các nhãn hiệu đã hứa sẽ cải thiện, qua một thỏa thuận với Bộ trưởng Thương mại Nước ngoài Ploumen, không thấy tên một nhà bán giày nào cả.

Thật là đáng nói ở đây, bởi vì trong công nghệ giày dép, những vấn đề tương tự vẫn xảy ra, giống như trong những xí nghiệp may mặc, bà Daniela Kistler, thuộc tổ chức PublicEye – một tổ chức của Thụy Sĩ đang nghiên cứu về ngành giày dép, nói. “Do hệ quả của trào lưu thời trang có liền mà giày dép phải được sản xuất ngày một nhanh hơn và rẻ hơn. Nó tạo nhiều áp lực trên giá cả, tức là trên công nhân các xí nghiệp.” Bên cạnh sự vi phạm nhân quyền, sự ô nhiễm môi trường tại các quốc gia sản xuất cũng là một vấn nạn lớn, như những tổ chức như PublicEye đã chứng tỏ qua cuộc khảo cứu của họ. Nhất là từ giày da, do bởi các lò thuộc da sử dụng những hóa chất độc hại trong sản xuất.

“Gộp cả tiền thưởng và phụ cấp làm ngoài giờ, phần lớn các công nhân kiếm được từ 200 tới 250 euro mỗi tháng.”

Peter Lin, Giám đốc nhà máy.

Những nhà bán giày phủ nhận – chẳng có gì đáng ngạc nhiên – chuyện công nhân và thiên nhiên là nạn nhân của cuộc chạy đua để ngày càng sản xuất được nhiều giày hơn với giá rẻ hơn. Nhưng ai có lý? Điều này khó mà kiểm tra. VanHaren – cửa hàng giày lớn nhất Hà Lan – cũng không cho biết hàng hóa của họ được làm trong nhà máy nào. Đó không phải vì công ty muốn che dấu gì, Andrea Tepest cho biết. Đó là từ tập đoàn Deichmann Groep, công ty mẹ tại Đức, nơi chịu trách nhiệm về chất lượng sản xuất toàn thế giới. Công ty gia đình này sợ là những nhà kinh doanh hàng thời trang lớn như Zara và H&M nắm được thông tin này và qua mặt. “Nhưng chúng tôi luôn luôn chào đón các nhà báo, nghiệp đoàn và các nhóm tranh đấu nào muốn đến xem những nhà máy của chúng tôi.”

Thế là hai tuần sau chúng tôi bước qua cổng của Tripos tại một khu công nghiệp nằm ven ranh thành phố Hồ Chí Minh. Một kẻ bàng quang không thể đặt chân vào khu nhà máy sản xuất giày dép đồ sộ này, nhưng một cuộc viếng thăm có báo trước của một khách hàng quan trọng hàng đầu được cả một bộ sậu ban lãnh đạo đón tiếp một cách thân thiện nhất. Sàn văn phòng sạch bóng, nhà máy mang vẻ dọn dẹp ngăn nắp.

Trong một căn sảnh không lồ 1700 công nhân với trang phục áo thun polo ngồi thành hàng dài nối tiếp nhau cắt cắt may may, và gõ búa. Hàng trăm chiếc máy may gầm gừ, không khí đầy mùi keo dán. Những chiếc quạt thổi hơi mát xuống các công nhân – đại bộ phận là nữ, với khẩu trang.

Kiểm tra chặt chẽ khâu sản xuất đại trà

Để làm một chiếc giày có khoảng một trăm công nhân tham gia, Giám đốc nhà máy Peter Lin giải thích. Người thứ nhất cắt một mảnh mẫu từ tấm da và đặt nó lên đường băng chuyền. Người thứ hai may đường viền. Người thứ ba dán chiếc giày đang thành hình. Người thứ tư đục lỗ để xỏ dây. Mọi người tập trung làm, không nói năng gì, chỉ chăm chăm lo theo kịp nhịp đường băng chạy. Tám giờ một ngày, sáu ngày mỗi tuần.

Một công việc hèn mạt, theo quan điểm tây phương. Nhưng với tiêu chuẩn Việt Nam, những công nhân ở đây được trả lương hậu hĩ, ông Lin nói. “Gộp cả tiền thưởng và phụ cấp làm ngoài giờ, phần lớn các công nhân kiếm được từ 200 tới 250 euro mỗi tháng.”

Lý do vì sao những đôi giày do chừng đó con người nhúng tay vào, rồi sau khi qua con đường dài nửa vòng trái đất lại được bán với giá chưa tới hai tờ giấy bạc một chục euro ở Hà Lan, theo Deichmann không phải là vì nhân công bị bóc lột. Bà Tepest cho biết: “Chúng tôi đặt làm mỗi năm 173 triệu đôi giày, mà chúng tôi bán tại 25 quốc gia. Nó mang đến lợi thế của số lượng lớn. Chúng tôi có cả một hệ thống logistic siêu hiệu năng. Chúng tôi chỉ chở những container và xe tải khi nào chúng đã chất đầy hàng. Và so với những hàng hiệu giày thể thao lớn, chúng tôi tiêu rất ít cho việc quảng cáo.

Lối thoát hiểm

Nhưng làm sao chúng tôi biết được chuyện gì xảy ra trong nhà máy ngay khi nhà báo Hà Lan và giám đốc kiểm phẩm người Đức vừa rời gót? Ai dám bảo là những công nhân không bị ép buộc phải làm luôn đêm để thực hiện cho xong đơn đặt hàng vào giờ chót? Hoặc là lối thoát hiểm hiện giờ đang được dọn trống trải nhưng tuần sau không được như thế mà bị bít – như đã xảy ra ở Rana Plaza?

Giờ đây Deichmann làm việc với nhiều nhà cung cấp quen thuộc hơn khi xưa, bà Tepest nói. “Với nhà máy này chúng tôi là khách hàng suốt 16 năm nay. Chúng tôi mua một phần tư sản phẩm của họ và có nhân viên giám sát riêng thường trực coi sóc, người này ăn lương của chúng tôi. Người này không những kiểm tra xem nhà máy có tuân thủ những quy định của chúng tôi đề ra hay không, mà còn kiểm tra chất lượng giày. Như thế chúng tôi làm một công hai chuyện. Tại Trung Quốc chúng tôi có hẳn một nhà máy chỉ làm việc cho chúng tôi.”

Nhưng không phải lúc nào cũng được như vậy, bà thú nhận. Trước kia Deichmann cũng làm việc với những người môi giới, họ lo liệu làm sao để cho những mẫu mã được thiết kế tại Essen được một nơi nào đó tại Á châu nhận làm. Gần như không có kiểm tra sản xuất.

Vấn đề trọng đại nơi những nhà máy lớn sản xuất cho nhiều khách hàng, theo bà Kistler – thuộc PublicEye, là chẳng một ai có ý thức trách nhiệm thực sự. “Đó là điều mà quí vị thấy ở Rana Plaza, nơi quần áo được làm cho những cửa hàng như Primark, Mango và Walmart. Những cửa hàng hiệu như thế đòi hỏi phải có báo cáo thanh tra, và chúng có đó. Nhưng sau đó không ai cảm thấy mình có trách nhiệm giải quyết những bất cập đã được cảnh báo.”

Về mặt này thì cung cách làm ăn của Deichmann đáng ca ngợi, bà nói. “Deichmann không phải là đứa hạng bét trong đám. Nhưng cũng không phải là đứa hạng nhất. Kỹ nghệ giày dép đã bị cắt vụn ra thành từng mảnh. Là thương hiệu hàng đầu tại Âu châu, Deichmann lẽ ra phải nhận lãnh nhiều trách nhiệm hơn nữa. Sự công bố danh sách các nơi chốn sản xuất và kết quả thanh tra là một trong những điều phải làm.”

Nguyên tác: Hoe schoon is die schoen? – Annemieke van Dongen (AD 22/08/2017)
Người dịch: Lê Ngọc Vân (Hà Lan)


Cái Đình - 2017