Lê Ngọc Vân


Cưỡng bách triệt sản và đặt vòng ngừa thai trong chính sách kế hoạch hóa gia đình tại Trung Quốc áp dụng cho người Duy Ngô Nhĩ: ‘sự diệt chủng dựa trên căn bản nhân khẩu’

.

Chính phủ Trung Quốc đã làm sống dậy các biện pháp gắt gao nhất trong chính sách về sinh đẻ
vốn đã ngặt nghèo tại tỉnh Tân Cương, cực tây Trung Quốc.
Phụ nữ Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) bị cưỡng bách triệt sản và phải đặt vòng ngừa thai.
Ai có nhiều con hơn mức tối đa được quy định, bị đưa vào trại cải tạo.
Nhóm dân thiểu số đông nhất sống tại Tân Cương, là dân Hán, lại được khuyến khích sinh nhiều con.

Trẻ em Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) tại Tân Cương.  Hình Getty Images

Hãng thông tấn AP đã đăng tin này, dựa trên những cuộc phỏng vấn dân Uyghur và từ những tài liệu của nhà nước mà ông Adrian Zens, chuyên viên nghiên cứu dữ kiện tại Tân Cương, có được. Chính phủ Trung Quốc cho chuyện này là ‘hoàn toàn tạo dựng’.

Theo cuộc nghiên cứu của Zenz, tại hai vùng nông thôn miền nam Tân Cương, vào năm 2019, một chiến dịch rộng lớn cổ võ cho việc triệt sản đã được nhắm vào 14 và 34% những phụ nữ có gia đình, đôi khi được sự ủng hộ tài chánh của chính phủ trung ương. Ảnh hưởng của chúng, theo ông Zenz, giờ đây thấy rõ trong đồ biểu về dân số. Nếu vào khoảng thời gian giữa 2005 và 2015, số người Uyghur tăng nhanh gấp 2,6 lần số người Hán tộc tại Tân Cương, thì kể từ khi chiến dịch bắt đầu năm 2015, số sinh tại những vùng có nhiều người Uyghur sinh sống đã giảm dữ dội. Tại Hòa Điền (Hotan) và Kashgar, 2 vùng ở Tân Cương, số sinh đã giảm tới 60%.

Những làn sóng di dân

Tân Cương, từ thuở xa xưa vốn là nơi cư ngụ của các nhóm chủng tộc sống đan xen nhau – trong đó chỉ có 6,7% là người Hán tộc, đã bị nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thôn tính sau cuộc cách mạng cộng sản năm 1949. Ngay liền sau đó, những làn sóng di dân của người Hán từ phương đông bắt đầu tràn tới, họ khai thác vùng sa mạc, biến nó thành đồng bằng và khu kỹ nghệ. Mặc cho sự bất mãn từ dân bản xứ, vào năm 1980, bốn chục phần trăm dân số Tân Cương là người Hán.

Nhưng trong suốt 3 thập kỷ, người Hán phải tuân thủ theo chính-sách-một-con, trong khi 55 nhóm dân thuộc các chủng tộc khác tại Trung Quốc được đối xử rộng rãi hơn: họ được phép có hai tới ba người con, để phòng ngừa sự bất ổn do sự áp đảo của dân Hán tộc trong khối nhân khẩu. Trong cộng đồng người Tàu gốc Hán lại có sự chống đối từ lâu về việc ‘đặc ân’ này, và những chuyên gia nghiên cứu khoa học hiện nay chỉ trích công khai mức gia tăng dân số quá trớn nơi những nhóm dân thiểu số.

Sinh suất của người Hán tộc lại cũng thấp vì nhiều người Hán, khi cân nhắc về kinh tế, đã tự chọn cho mình con đường có một gia đình nhỏ bé. Điều này gần như không thay đổi sau khi chính-sách-một-con đã được bãi bỏ năm 2016: chính phủ Trung Quốc gặp khó khăn để nâng mức sinh suất nơi những cư dân các thành phố. Trong khi đó thì người Uyghur, nhất là tại miền quê, lại sinh đẻ nhanh, nhất là cho tới năm 2015, khi sự giám sát hạn mức sinh đẻ ở Tân Cương được nới lỏng. Người nào sinh 1 đứa con quá luật định, chỉ phải trả một số tiền phạt vạ và mọi chuyện được giải quyết êm đẹp.

Sự gia tăng dân số nơi người Hán tộc ở Tân Cương bị chựng lại, cũng do bởi người Hán hàng loạt rời bỏ tỉnh này sau khi có những vụ bạo động có chết chóc nổ ra giữa người Uyghur và người Hán. Vào năm 2018, con số dân gốc Hán ở Tân Cương đã giảm xuống chỉ còn 31,6%.

Hình AP

Khuyến khích

Bằng những lời hứa hẹn có công ăn việc làm, có đất đai và căn hộ miễn phí, người Hán đã được khuyến khích cứ ở lại Tân Cương và tiếp tục sinh đẻ nơi đó. Những người Tàu gốc Hán thành hôn với người Uyghur sẽ được thưởng, ngay cả tới mức được cả máy giặt, truyền hình và tủ lạnh. Chính sách dàn mỏng các sắc dân ở Tân Cương được chính thức ban hành năm 2014, khi nhà cầm quyền của tỉnh này áp dụng chính sách sinh con đẻ cái đồng đều cho mọi người: dân thành phố được phép có 2 con và dân vùng quê được phép có 3.

Chính quyền ở tỉnh đã bơm hàng triệu đồng cho các chương trình giảm thiểu sinh đẻ dành cho phụ nữ Uyghur. Trái ngược với những gì xảy ra tại các tỉnh mà cư dân người Hán chiếm đa số – nơi mà việc áp dụng vòng ngừa thai và triệt sản đã bắt đầu giảm khi chính-sách-một-con được bãi bỏ năm 2016 – thì con số triệt sản và đặt vòng ngừa thai tại Tân Cương gia tăng bùng nổ.

Ở phần còn lại của Trung Quốc thì việc ép buộc triệt sản và phá thai đã ăn sâu mọc rễ vào quần chúng suốt ba thập kỷ, nhất là nơi những người Hán tộc. Chính sách về sinh đẻ hiện được áp dụng nghiêm ngặt hơn tại Tân Cương có thể được giải thích là một sự đuổi bắt cho kịp sau nhiều năm dài kỳ thị trái chiều và thả lỏng, nhưng những người chỉ trích chính phủ Trung Quốc như Zenz coi đó là vấn đề ‘diệt chủng dựa trên nhân khẩu’ áp dụng trên người Uyghur.

Cải tạo

Năm 2017 Trung Quốc bắt đầu thực hiện một chương trình giam giữ trong đó có tới 1 triệu người Uyghur và những người Hồi giáo bị đưa vào các ‘cơ sở giáo dục và huấn luyện’ để cải tạo. Tân Cương đã từ lâu vướng mắc vào những cuộc tấn công khủng bố do những người Hồi giáo quá khích. Theo Bắc Kinh, chiến dịch giam giữ chỉ là một phương pháp với ý tốt để ngừa khủng bố.

Nếu gia đình có đông người thì bị coi là một biểu tượng của sự dễ dàng tiêm nhiễm chủ thuyết tôn giáo cực đoan. Vì thế, đó là một trong nhiều lý do để tống người Uyghur vào trại, điều này đã được tìm thấy trong hồ sơ của chính quyền địa phương. Họ theo dõi chặt chẽ sự có mặt cũng như vắng mặt để giam giữ người Uyghur, qua một chương trình giám sát rộng lớn. Sự sử dụng hệ thống tố giác và các cuộc khám xét của cảnh sát được dùng chung với những kỹ thuật cao cấp mới nhất trong lãnh vực canh phòng.

Bên ngoài những ‘trung tâm huấn luyện’, người Uyghur lại bị chi phối bởi những chương trình triệt sản gọi là ‘tự nguyện’ – với mức thưởng là 700 đô la cho một cuộc triệt sản. Hãng thông tấn AP đã nói chuyện với những phụ nữ từ chối chương trình này và do đó bị đưa vào trong các trại, trong đó khả năng thụ thai lại được kiểm soát bằng thuốc chích, thuốc uống và đặt vòng. Mức phạt cho trẻ em sinh ngoài mức hạn định về sinh đẻ tăng gấp ba lần, tại vài địa phương họ còn áp dụng sự hồi tố cho những trẻ em sinh trước năm 2015. Người Uyghur nào không thể trả tiền phạt, thì đã có những trại giam chờ đón họ.

Một tòa nhà tại Tân Cương, nơi người ta nghi ngờ đó là trại cải tạo dành cho người Uyghur. Hình AFP

.

Nguyên tác: Gedwongen sterilisatie en spiraaltjes in China's geboortebeleid voor Oeigoeren: ‘demografische genocide’.
Tác giả: Marije Vlaskamp (de Volkskrant 29/06/2020)
Người dịch: Lê Ngọc Vân

 


Cái Đình - 2020