Lê Ngọc Vân


Cuộc chiến đấu của Amanda Nguyễn: Công lý là một sự giao thoa

Là một người Mỹ gốc Á và là người sáng lập tổ chức tranh đấu cho dân quyền Rise,
cô Nguyễn biết quá rõ rằng phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính có thể hoạt động song hành như thế nào.

Khi COVID-19 tấn công Hoa Kỳ vào năm 2020, thế giới của nhà hoạt động Amanda Nguyễn, cũng như của nhiều người khác, đã hoàn toàn trở nên bế tắc.

Trong bối cảnh hoang mang và kinh hoàng, một số người Mỹ – bị thúc đẩy bởi luận điệu hoa mỹ mang tính phân biệt chủng tộc từ cựu Tổng thống Donald Trump – tin rằng Trung Quốc đáng bị khiển trách vì đã gây ra COVID-19. Khi virus corona lây ra tràn lan, Hoa Kỳ đã chứng kiến sự gia tăng đáng báo động trong các vụ việc chống đối người châu Á, bao gồm các vụ quấy rối và hành hung người Mỹ gốc Á. Nhiều vụ việc diễn ra cực kỳ hung bạo. Vào tháng 3 năm 2020, một người đàn ông đã đâm chết hai trẻ Miến Điện trong một cửa hàng tạp hóa ở Texas vì cho rằng chúng mắc COVID-19. Vào tháng 7, một phụ nữ Mỹ gốc Á 89 tuổi đã bị tấn công và bị đốt cháy quần áo ở Brooklyn. Một người đàn ông Mỹ gốc Philippines đã bị một người đàn ông tấn công bằng dao cắt thùng carton trên xe điện ngầm ở thành phố New York vào tháng 2 và phải khâu gần 100 mũi trên mặt.

Cuộc chiến đấu của cô Amanda Nguyễn

Nguyễn, người sáng lập và Giám đốc điều hành của tổ chức tranh đấu cho dân quyền Rise và là một người Mỹ gốc Việt, cho biết có cảm giác như đất nước và các phương tiện truyền thông đang cố tình làm ngơ trước sự gia tăng của tội ác do thù ghét cộng đồng của cô.

Người phụ nữ 29 tuổi nói với phóng viên tờ HuffPost: “Đó là một hình thức thao túng tâm lý kỳ lạ khi mà bạn liên tục tự hỏi mình rằng liệu những người khác có nhìn thấy những gì mà chúng tôi, cộng đồng châu Á, đang trải qua ngay lúc này không. Tôi còn nghĩ thêm nữa, là tại sao điều này không được ai che chở? Đây rõ ràng là một sự rập khuôn”.

Vì vậy, cô Nguyễn quyết định làm điều mà cô có thể làm cách tốt nhất: lên tiếng. Vào tháng 2, cô đã đưa lên Instagram một video kêu gọi giới truyền thông không che dấu làn sóng các tin về những vụ việc thù hận đối với cộng đồng người Mỹ gốc Á.

“Các phương tiện truyền thông dòng chính không soi sáng đầy đủ những câu chuyện của chúng tôi. Chúng tôi trở thành một vấn đề, và sự phân biệt chủng tộc đang giết chết chúng tôi,” cô Nguyễn nói trong video. “Cộng đồng của chúng tôi đang bị tấn công và chúng tôi đang hấp hối thì mới được người ta lắng nghe cho.”

Lời kêu gọi hành động của Nguyễn được nhanh chóng lan truyền mạnh mẽ, đạt hơn 3 triệu lượt xem trong 24 giờ đầu tiên. Cô được mời nói chuyện trên MSNBC và CNN, và một người dẫn chương trình CNN thậm chí còn xin lỗi cô vì đã không đưa câu chuyện ra sớm hơn.

Khi số lượt xem, thích, và những bình luận trên video của cô tăng lên đều đặn, Nguyễn biết mình phải làm nhiều hơn nữa. Cô đã quay trở lại làm việc để đảm bảo rằng tính nhân bản của người Mỹ gốc Á và dân các đảo ở Thái Bình Dương (AAPI) không phải chỉ dừng lại ở một video thoáng qua trên các mạng xã hội mà thôi.

Vào ngày 6 tháng 5, tổ chức của cô Nguyễn, là Rise, cùng với RUN AAPI, một tổ chức phi lợi nhuận với mục đích nâng cao nhận thức về ý nghĩa của việc là dân AAPI ở Mỹ, đã phát động Lời Cam Kết Thể Hiện nhằm vinh danh cộng đồng AAPI trong Tháng Di Sản Người Mỹ Gốc Á & Thái Bình Dương này. Chiến dịch kéo dài cả năm nhằm mục đích trình bày về di sản của người Mỹ gốc Á cho những ai chưa biết về chuyện này. Những người ký cam kết sẽ được tham gia một khóa học các khái niệm cơ bản như Tết Nguyên Đán, cũng như các vấn đề mang tính lịch sử hơn, chẳng hạn như cách cộng đồng người Mỹ gốc Á và người da đen đã chung tay làm việc với nhau một cách đoàn kết trong nhiều thập kỷ.

“Bạo lực và phân biệt đối xử mà chúng tôi phải đối mặt bắt nguồn từ sự vô hình và sự thờ ơ. Do đó, giải pháp là phải nhận thấy rõ và sự đồng cảm,” cô Nguyễn nói trong một tuyên bố công bố chiến dịch.

Rise đã hợp tác với nhiều tập đoàn, trong đó có cả NBA và Uber, để kêu gọi các cá nhân thực hiện lời cam kết “tự hào làm mới cam kết của chúng tôi trong Tháng Di sản Người Mỹ Gốc Á & Thái Bình Dương để sát cánh cùng cộng đồng người Mỹ gốc Á và các đảo trên Thái Bình Dương”. Ngoài cam kết của các tập đoàn, Rise đã hợp tác với Change.org để tạo ra một thỉnh nguyện thư kêu gọi các tiểu bang đưa lịch sử của nhóm AAPI vào chương trình giáo dục của Mỹ.

Amanda Nguyễn, Giám đốc Điều hành và người sáng lập tổ chức RISE,
tranh đấu cho quyền dân sự, làm việc trên máy vi tính trong một học kỳ tại Washington, D.C.

Cô Nguyễn nói với HuffPost: “Các cộng đồng bị loại khỏi cuộc đối thoại một cách có hiệu quả khi di sản và lịch sử của họ bị xóa. Làm sao chúng ta có thể cùng nhau xây dựng mà không cần biết đến quá khứ của mình? Về những sai lầm của chúng tôi và những chiến thắng của chúng tôi”.

Cô thừa nhận rằng không dễ dàng gì để liên tục lên tiếng chống lại những tội ác kinh khủng và mất nhân tính này. Cô nói rằng những người hoạt động bị kiệt sức là chuyện có thật. Cô biết điều ấy từ trải nghiệm bản thân.

Hành trình của cô Nguyễn với tư cách là một nhà hoạt động bắt đầu vào năm 2013, khi cô bị cưỡng hiếp khi đang học năm cuối tại Đại học Harvard. Sau khi nhận được rất ít sự trợ giúp hay có lẽ chẳng được giúp gì từ hệ thống pháp luật, cô đã thành lập Rise, một tổ chức phi lợi nhuận về quyền dân sự nhắm vào việc bảo vệ những quyền tự do của các nạn nhân bị tấn công tình dục. Vào năm 2016, cô đã soạn thảo ra bản Tuyên ngôn về Quyền của Những Người Sống Sót Sau Khi Bị Tấn Công Tình Dục, đạo luật cho phép nạn nhân bị tấn công tình dục những quyền tự do dân sự cơ bản trong quá trình báo cáo và các thủ tục pháp y tiếp theo.

Nhân vật đấu tranh tiên phong này đã được  đưa tên vào danh sách 100 Next của tạp chí Time, danh sách những ngôi sao đang lên sẽ định hình tương lai của các ngành công nghiệp khác nhau. Cô Nguyễn đã đi khắp thế giới để nói về hoạt động và công việc của mình, đồng thời cô cũng đã là khách mời diễn thuyết tại Women’s March 2017. Cô đã được trao Giải thưởng Heinz về Chính sách Công và Giải thưởng Nelson Mandela Changemaker, đồng thời cô được đề cử cho Giải Nobel Hòa bình năm 2019.

Là một phụ nữ Mỹ gốc Á làm việc trong không gian chống bạo lực tình dục, cô Nguyễn đã quá quen thuộc với những điểm giao thoa của phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính mà đất nước đang chứng kiến. Theo nghiên cứu từ Stop AAPI Hate, một tổ chức phi lợi nhuận về công bằng xã hội chuyên theo dõi sự căm ghét người châu Á, đã có gần 3.800 vụ phân biệt chủng tộc nhắm vào người Côchâu Á đã xảy ra trong năm ngoái. Gần 70% các vụ việc đó thì nạn nhân là phụ nữ.

Cô Nguyễn đã được tạp chí Time đưa vào ‘100 Next’,
danh sách những ngôi sao đang lên sẽ định hình tương lai trong nhiều ngành công nghiệp

Cho dù với kiến thức sâu rộng, cô Nguyễn vẫn ngạc nhiên khi thấy có bao nhiêu người thiếu hiểu biết cơ bản về vấn đề chạm nhau trong căn cước và chạm nhau trong công lý – đặc biệt là sau vụ xả súng tại tiệm spa ở khu vực Atlanta, trong đó sáu trong số tám người bị thiệt mạng là phụ nữ gốc Á.

“Tôi cảm thấy bối rối khi nghe mọi người hỏi,” Đó là phân biệt chủng tộc hay phân biệt giới tính? “Đó là cả hai”, cô Nguyễn nói.

“Khi chúng tôi nghe rằng kẻ sát nhân ở Atlanta nói rằng anh ta không phân biệt chủng tộc nhưng anh ta giết những người này vì anh ta muốn loại bỏ chứng nghiện tình dục, thì ngay lập tức, đó là phân biệt chủng tộc,” cô tiếp tục. “Và đó là bởi vì bạo lực tình dục là vấn đề quyền lực. Hiếp dâm là về sự làm chủ. Đó là về việc giành lấy quyền tự quyết trên cơ thể của một ai đó. Bạn làm điều đó bằng cách biến con người thành đồ vật”.

Thông qua Lời Cam Kết Thể Hiện và sự vận động của cô tại Rise, Nguyễn đã thấy là càng ngày càng có nhiều người thừa nhận rằng các vấn đề công lý vốn là các vấn đề có liên quan đến nhau. Cô hy vọng công việc trong tương lai của mình có thể tiếp tục nâng cao cộng đồng AAPI và nhắc nhở đất nước rằng cộng đồng của cô rất quan trọng.

“Bước đầu tiên để chữa bệnh là thừa nhận rằng có một vấn đề ở đâu đó,” cô Nguyễn nói. “Cuối cùng thì mọi người đang thừa nhận rằng cộng đồng AAPI hiện hữu và người ta cần phải làm gì đó để bảo vệ chúng tôi.”

.

Nguyên tác: Amanda Nguyen’s Fight For AAPI – Justice Is An Intersectional One
Tác giả: Alanna Vagianos. Hình: Ting Shen
Trích từ The Huffington Post.com, tháng 5/2021
Người dịch: Lê Ngọc Vân

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/xahoi/cuocchiendaucuaamanda.htm


Cái Đình - 2021