Nguyễn Tối Thiện


Truyền thống người Việt Nam

.

Truyền thống là:

– những giá trị tinh thần mà đa số người trong một cộng đồng dân tộc chấp nhận và gìn giữ,
– những phong tục tập quán lâu đời còn được áp dụng,
– những kinh nghiệm sinh tồn của dân tộc tích tụ theo dòng lịch sử để tồn tại và phát triển,
– những kinh nghiệm ứng xử giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người cùng tiếng nói và huyết thống.

Giá trị là cái con người muốn hướng tới, muốn đạt được và muốn gìn giữ.

A/ Truyền thống gia đình Việt Nam:

Truyền thống gia đình VN có rất nhiều nhưng suy nghĩ cho kỹ 5 truyền thống sau đây là phổ biến nhất và được thừa nhận bởi hầu hết các nhà nghiên cứu về VN:

a- Lòng hiếu thảo muôn đời được truyền tụng.
b- Tôn ti trật tự trong gia đình và tinh thần kính trên nhường dưới.
c- Tinh thần đùm bọc và tương trợ trong gia đình.
d- Quí trọng tình nghĩa, lễ giáo.
e- Tục thờ cúng ông bà tổ tiên, làm chay, làm giỗ.

a- Lòng hiếu thảo muôn đời được truyền tụng:

“Công cha như núi Thái Sơn,
“Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
“Một lòng thờ mẹ kính cha,
“Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.

b- Tôn ti trật tự trong gia đình và tinh thần kính trên nhường dưới:

So sánh ngôn ngữ Việt Nam và ngôn ngữ các nước khác, chúng ta thấy vai vế trong gia đình người Việt Nam được qui định rõ ràng chính xác, không lẫn lộn giữa anh, chị, em, chú, bác, cô, dì, cậu mợ, dượng… Mỗi người đều biết chỗ đứng của mình trong gia đình bên nội cũng như bên ngoại.

c- Tinh thần đùm bọc, tương trợ trong gia đình được diễn tả bằng những câu ca dao:

Chị ngã thì em nâng.
Quyền huynh thế phụ.

Sẩy cha còn chú, Sẩy mẹ bú dì.

d- Quí trọng tình nghĩa, lễ giáo:

Điều nầy được xác nhận bởi nhiều học giả trong những tác phẩm nghiên cứu của họ:

e- Không có dân tộc nào tôn trọng việc thờ cúng Ông Bà Tổ Tiên như dân tộc Việt Nam, hơn cả người Tàu là một dân tộc có nhiều điểm chung trong nền văn hoá Á Châu.

Kiến trúc nhà xưa ở Việt Nam thì có 3 gian, 2 chái: gian giữa dành trọn vẹn cho bàn thờ Ông Bà Tổ Tiên một cách uy nghiêm hãnh diện. Ra nước ngoài, những người còn giữ phong tục Việt Nam thì trong phòng khách thế nào cũng có một khoảng trang trọng dành cho bàn thờ Ông Bà. Phong tục thờ cúng Ông Bà Tổ Tiên người Việt đã thu phục Thiên Chúa giáo La Mã đã phải thay đổi quan điểm thờ phượng của mình: Công đồng Vatican 2 (1962 - 1965) đã cho phép những người theo đạo Chúa được thờ cúng Ông Bà, làm chay làm giỗ để được người Việt chấp nhận mới có thể truyền đạo được.

B/ Truyền thống YÊU NƯỚC THƯƠNG DÂN

Nước ta vì có một vị thế địa lý chính trị quan trọng ở Châu Á, ở ngã tư đường từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, nên lúc nào cũng bị các cường quốc thế giới dòm ngó. Hơn nữa nước ta lại nằm gần cạnh một đất nước khổng lồ, mỗi lần được hưng thịnh là nổi cơn hiếu chiến, thèm muốn thôn tính các nước lân cận.

Lịch sử Việt Nam là một lịch sử triền miên chiến tranh, hết chống ngoại xâm, rồi đến nội chiến.

Một ngàn năm Bắc thuộc là một ngàn năm tranh đấu giành độc lập:

– Hai bà Trưng (40 - 43) khởi nghĩa chống nhà Hán.

– Bà Triệu khởi nghĩa chống nhà Đông Ngô (248).

– Lý Nam Đế khởi nghĩa chống nhà Lương (541).

– Mai Đắc Đế (722), Bố Cái Đại Vương (791) chống nhà Đường.

– Ngô Quyền (939 - 944) khởi nghĩa chống nhà Tấn.

– Nhà Trần (1225 - 1400): ba lần chiến thắng quân Nguyên, là một đạo quân hùng mạnh đã từng làm cỏ tận trời Âu.

– Lê Lợi khởi nghĩa chống nhà Minh (1418 - 1428), chấm dứt hơn 20 năm đô hộ của nhà Minh. Mở đầu cho một độc lập lâu dài.

– Nguyễn Huệ đã đánh tan quân Thanh trong vòng 6 ngày.

Trong một trăm năm Pháp thuộc đã có hàng trăm cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ:

– Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực (1861).

– Đề Thám khởi nghĩa ở Yên Thế (1884).

– Phan Đình Phùng và Cao Thắng với khởi nghĩa Hương Khê (1892).

– Phan Chu Trinh và Duy Tân Hội (1904).

– Lương văn Can, Đào Nguyên Phổ với Đông Kinh Nghĩa Thục (1907).

– Phan Bội Châu và Việt Nam Quang Phục Hội (1912).

– Phạm Hồng Thái và Tân Việt Thanh Niên Đoàn (Thanh Tâm Xã) (1923).

– Nguyễn Ái Quốc với Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên, sau đổi tên là Tân Việt Cách Mạng Đảng (1925).

– Nguyễn Thái Học với Việt Nam Quốc Dân Đảng (1927) khởi nghĩa ở Yên Bái (1930).

– Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930).

– Mặt trận Việt Minh (Việt Nam Độc Lập Đồng Minh – 1941).

Đây là chưa kể những cuộc khởi nghĩa tự phát khác. Tất cả những cuộc khởi nghĩa đều xuất phát từ lòng yêu nước thương dân, ý thức đặc tính khác biệt của dân tộc đối với quân xâm lăng, để bảo tồn sự toàn vẹn của lãnh thổ và bảo vệ nòi giống khỏi sự áp bức, bóc lột của ngoại nhân.

Chúng ta hãy nghe lời khẳng khái bất hủ của Bà Triệu mà lịch sử còn ghi lại: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng kình ở Biển Đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tì thiếp cho người ta…” (Việt Sử Tân Biên - Phạm văn Sơn).

C/ Truyền thống ANH HÙNG BẤT KHUẤT

Vì ý thức sự khác biệt về văn hoá và cá tính dân tộc, nên người Việt Nam không chấp nhận một dân tộc nào khác cai trị đất nước mình, đè đầu, cưỡi cổ dân mình, cho dù dân tộc ấy mạnh mẽ gấp bội.

Không có triều đại hùng mạnh nào của nước Tàu mà không xâm lăng Việt Nam và không có cuộc xâm lăng nào mà không bị Việt Nam đánh bại.

Các triều đại hoàng đế lớn Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều bị chiến thắng bởi Việt Nam.

Chúng ta hãy nghe Lý Thường Kiệt phán:

Sông núi nước Nam, vua Nam ở,
Rành rành định phận tại sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng bây sẽ bị đánh tơi bời.

Trong bài ‘Bình Ngô Đại Cáo’, Nguyễn Trãi đã viết:

Xét như nước Đại Việt ta,
Thật là một nước văn hiến.
Cõi bờ sông núi đã riêng,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.

Hãy nghe bài hịch đánh quân Thanh của Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ:

Đánh cho để dài tóc.
Đánh cho để răng đen.
Đánh cho nó chích luân bất phản.
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn.
Đánh cho nó sở tri Nam Quốc anh hùng duy hữu chủ.

D/ Tinh thần hy sinh vì ĐẠI NGHĨA, CHÍNH NGHĨA

Người Việt Nam thường “trọng nghĩa khinh tài”. Vì thấm nhuần đạo đức Khổng Học nên dân ta xem “nhân nghĩa” làm trọng, lấy “nhân nghĩa” làm thước để đo giá trị con người. Lấy chính nghĩa và đại nghĩa làm tiêu chuẩn để đánh giá hành động.

“Đem Đại Nghĩa thắng hung tàn.
Lấy Chí Nhân thay cường bạo”.

Trần Bình Trọng, một danh tướng đời Trần, trong những trận đánh đầu tiên rất khốc liệt của quân Nguyên vào nước ta, ông bị bắt và bị quân Nguyên dụ dỗ phong vương tước vì thấy ông có tài. Ông kiên quyết không khuất phục, đã khẳng khái trả lời: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”.

Tướng Nguyên bắt buộc phải giết ông, năm ấy ông được 26 tuổi.

Nghĩa là điều nên làm và phải làm, vì nó có lợi ích chung làm tiêu chuẩn và có lý trí soi đường. Đại nghĩa là dám hy sinh cá nhân, cuộc đời cho đất nước dân tộc.

Đây là một lý tưởng nhân sinh cao cả lấy tình thương và bổn phận đặt lên trên mọi tình cảm cá nhân tầm thường hay mọi tính toán lợi lạc ích kỷ. Đó là bổn phận phải làm của người dân đối với đất nước, của con cháu đối với cha ông, của thế hệ đương thời đối với thế hệ mai sau, của con người đối với con người.

E/ Truyền thống HIẾU HỌC và HIẾU DANH

Không biết truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam có từ lúc nào. Lịch sử có ghi lại những sử tích hiếu học: Mạc Đĩnh Chi (1280 - 1346) làm quan đời Trần Anh Tôn đến chức Thượng Thư, sau thăng chức Đại Liêu Ban tương đương với Tể tướng. Lúc nhỏ, nhà rất nghèo nhưng rất ham học: ban ngày đến các lớp học các thầy đồ, đứng bên ngoài học trộm, đêm đến không có đèn thắp sáng, phải bắt đom đóm cho vào vỏ trứng để có ánh sáng mà học. Lớn lên đỗ đầu kỳ thi Trạng Nguyên 1304. Ông có tướng mạo xấu xí, nhưng rất thông minh uyên bác, có tài ứng đối nhanh lẹ. Được vua cử đi sứ nhà Nguyên, hai lần ông đã dùng trí tuệ và tài năng ứng đối với vua Nguyên, được vua Tàu cảm phục phong tước hiệu “Lưỡng quốc Trạng Nguyên”.

Học vấn là con đường tiến thân dân chủ ở nước ta từ thời quân chủ xa xưa. Nhà dù có nghèo, nhưng hễ thi đậu ra làm quan thì sẽ được võng lọng, chiêng trống đón rước về làng, vinh quy bái tổ một cách trang trọng làm vinh dự cho bản thân, hãnh diện cho ông bà cha mẹ và cho cả dòng họ. Đôi khi vua cho cả “võng chàng đi trước, võng nàng theo sau”.

Có lẽ đó là một lý do tạo nên truyền thống hiếu học của người Việt Nam.

Nhưng ở đây ta đặt câu hỏi hiếu học hay háo danh?

Tra cứu văn học sử và lịch sử của nước ta, trong số 55 Trạng nguyên, Tiến sĩ từ vị đầu tiên ở thời Lý (Lê văn Thịnh) cho đến vị cuối cùng thời nhà hậu Lê (Trịnh Tuệ), ta thấy không có mấy vị để lại cho hậu thế những sự nghiệp văn học, nghệ thuật hay kỹ thuật có thể làm hãnh diện cho nền học thuật nước nhà. Đa số chỉ cốt ăn học để thi đỗ làm quan, để vinh thân phì gia.

Chỉ có một số ít, có thể đếm trên đầu ngón tay, là học vì sự hiểu biết, chứ không phải vì bằng cấp hay chức vị. Tuy vậy, những vị nầy đã để lại những công trình vĩ đại cho hậu thế như:

Tuệ Tĩnh (1330 -?) (hay Nguyễn Bá Tĩnh) đậu Thái học sĩ dưới triều vua Trần Dụ Tông, nhưng không ra làm quan, ở trong chùa chuyên cần học thuốc, làm thuốc chữa bệnh, cứu người. Ông để lại hai bộ sách giá trị là:

* Nam dược thần hiệu;

* Hồng nghĩa giác tư y thư, trong đó có bản thống kê 500 vị thuốc Nam, viết bằng chữ Nôm, đây là một tác phẩm quan trọng trong lịch sử văn học chữ Nôm. Có thể xem đây là bộ Dược điển đầu tiên của nước ta. Trong y giới và nhân dân Việt Nam đều tôn ông là “Ông thánh thuốc Nam”.

Nguyễn Trãi đỗ Thái học sĩ năm 1400, là nhà tư tưởng và cách mạng lỗi lạc.

Lương Thế Vinh đỗ trạng nguyên năm 1463 dưới triều Lê thánh Tông, là một tài năng trứ danh về toán học qua tác phẩm ‘Đại Thành Toán Pháp’.

Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ Trạng nguyên năm 1535, tinh thông lý học, là nhà tiên tri đại tài.

Lê Quí Đôn đỗ Tiến sĩ năm 1721, nhà bác học uyên thâm, có kiến thức đa dạng.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 - 1791) thuộc gia đình có truyền thống khoa bảng; cha ông từng đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ. Ban đầu, ông dự định nối nghiệp cha, lấy khoa cử làm đường tiến thân. Ông nghiên cứu binh thư và võ nghệ rồi xin tòng quân để thử nghiệm sức học của mình. Chẳng bao lâu, ông nhận thấy xã hội thối nát, chiến tranh chỉ tàn phá và mang lại đau thương cho đồng bào, ông xin từ quan và ra khỏi quân đội để về quê nuôi mẹ già và theo đuổi nghiên cứu y học. Ông đã bỏ ra hơn 10 năm để viết bộ ‘Y tôn tâm lĩnh’ gồm 28 tập, 66 quyển, bao gồm đủ các mặt về y học, y đức, y lý, y thuật dược, dinh dưỡng. Ông được tôn làm tổ nghề Y của Việt Nam.

Hải Thượng Lãn Ông không những là một danh y có công to lớn cho nền y học dân tộc, mà còn là nhà văn học và tư tưởng lớn của đất nước.

Cái học ở nước ta đã hỏng từ lâu, từ thời quân chủ - chỉ cốt ra làm quan để vinh thân phì gia - tới thời Bắc thuộc, bị áp đặt một nền văn hoá nô dịch. Đến thời Pháp thuộc, cái học chỉ để đào tạo lớp trung gian cho kẻ cai trị và người bị trị.

Điều nầy chứng tỏ người Việt Nam hiếu danh hơn hiếu học: lúc nhỏ học vì cha mẹ (cha mẹ muốn con phải học như thế), lớn lên học vì bằng cấp, vì địa vị xã hội, chớ không phải học vì ích lợi của sự hiểu biết để truyền thừa và phát huy kiến thức cho nhân loại. Hãy xem GS Cao Xuân Hạo phát biểu: “Ngày xưa, ông cha ta vốn không phải vì hiếu học mà học. Họ vì ý chí làm quan mà học. Họ không có cách nào khác để thoát khỏi cái thân phận tủi cực của kẻ nghèo hèn.... Như vậy, tính hiếu học không phải là một đức tính cố hữu của người Việt, nhưng kể từ một thời đại nào đó, do chính những yêu cầu có thể là rất ích kỷ của giai cấp thống trị, nó đã trở thành một truyền thống...”.

Tinh thần hiếu danh nầy vẫn còn di hại đến nền giáo dục hiện tại ở trong nước. Người ta chạy theo bằng cấp Tiến sĩ và phó Tiến sĩ đến nỗi tạo thành những căn bệnh trầm trọng: mua bán bằng cấp. Ở nước ngoài, tinh thần hiếu danh, hiếu học dừng lại ở chỗ đạt được bằng cấp cao, người Việt Nam thoả mãn với sự thành công của mình, làm hãnh diện cho cha mẹ, cho gia đình; nhưng sau đó người ta không còn nghe nói tới ông hay bà Tiến sĩ đó nữa.

Việt Nam có nhiều Tiến sĩ ở nước ngoài, có nhiều người không sống nổi với bằng tiến sĩ nầy, phải đi kiếm sống bằng những việc bên lề. Đó cũng chỉ vì tinh thần hiếu danh hơn hiếu học.

Tánh tình người Việt Nam

A/ Tinh thần Tự ái, ngã mạn

Người Việt rất tự ái. Nếu được khen thì càng cống cao ngã mạn. Nếu bị chê thì thù ghét kẻ chỉ trích mình, mà không tìm hiểu lời phê bình đó đúng hay sai.

Người Việt thường không chấp nhận ý kiến khác mình, cho dù ý kiến đó hay hơn ý kiến của mình; do đó, tìm cách nói xấu, hạ bệ, chụp mũ, triệt hạ. Người Việt không đối thoại với nhau được vì không tôn trọng tinh thần dân chủ, tinh thần quân tử. Chính người Việt đã đẻ ra tư tưởng: “quân tử ngay là quân tử dại” để giết chết hình ảnh người quân tử.

Chính cái tính tự ái, ngã mạn nầy đã gây ra tinh thần chia rẽ, vô kỷ luật “được làm vua, thua làm giặc”, “phép vua thua lệ làng”.

Lịch sử Việt Nam đã chứng minh điều nầy:

1/ Nội chiến Thập Nhị Sứ quân kéo dài 22 năm (945 - 967). Phải đợi vua Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp để thống nhất xứ sở.

2/ Trong những thời tự chủ và không có ngoại xâm, thì chia rẽ nội bộ và nội chiến liên miên.

Sau khi Lê Lợi đã diệt quân nhà Minh, đánh đuổi quân Tàu ra khỏi bờ cõi nước Đại Việt ngày 3/1/1428, thì dân tộc ta hưởng độc lập trong 430 năm (1428 - 1858). Trong hơn 4 thế kỷ ấy, 4 triều đại quân chủ nhà hậu Lê, nhà Mạc, nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn không ngừng đánh nhau để tranh giành giang sơn bờ cõi, có những giai đoạn hai hay ba họ cùng một lúc tranh nhau làm vua, mỗi họ trấn giữ một vùng. Riêng nhà Lê, từ 1545 đến 1786, đã bị các chúa Trịnh nắm hết mọi quyền hành, chỉ làm bù nhìn. Ngay cả nhà Tây Sơn cũng tranh nhau bờ cõi. Nguyễn Nhạc tự xưng làm Trung ương hoàng đế, hiệu Thái Đức, đóng đô ở Đồ Bàn là kinh đô cũ của Chiêm Thành (Qui Nhơn bây giờ), cho người em thứ nhì là Nguyễn Lữ mảnh đất Nam Việt, với tước Đông Định Vương, và cho người em thứ ba là Nguyễn Huệ mảnh đất từ đèo Hải Vân đến đèo Hoành Sơn, với tước vị Bắc Bình Vương, và nhường Đàng Ngoài cho vua Lê Chiêu Thống (1786 - 1793).

Như vậy, nước Việt bị chia làm 4 mảnh, có 4 vị vua trị vì.

Đại lược trong khoảng thời gian nầy, lịch sử diễn tiến như sau:

a- Nhà Lê và nhà Mạc đánh nhau.

b- Các chúa Trịnh lộng hành giết các vua Lê:

– Trịnh Tùng giết vua Lê Anh Tông (1573)

– Trịnh Tùng lại giết vua Lê Kính Tông (1599).

– Trịnh Giang giết vua Lê Đế Duy Phương (1732).

c- Các chúa Trịnh và chúa Nguyễn đánh nhau:

Trong khoảng thời gian 50 năm, hai bên đánh nhau hơn 7 lần (1627 - 1673), dân tình khổ sở biết bao, núi sông binh lửa dậy trời, chỉ để tranh giành làm vua làm chúa.

d- Tây Sơn diệt Nguyễn rồi diệt Trịnh

e- Nguyễn Huệ đánh tan quân Thanh và chiếm lấy Đàng Ngoài của vua Lê

f- Nguyễn Ánh diệt Tây Sơn

g- Đến thời cận đại chiến tranh Quốc Cộng kéo dài hơn 30 năm: máu lửa ngập tràn đã nướng cháy 4 triệu thanh niên và thường dân Việt Nam.

Sau thế chiến thứ 2, phong trào giải thực đã giúp các nước bị đô hộ dần dần tự giải phóng mà không tốn nhiều xương máu. Chỉ có Việt Nam ta chọn con đường chiến tranh máu lửa.

Người Việt có khát máu chăng? có hiếu chiến và háo thắng chăng?

Hay người Việt phá hoại thì giỏi, nhưng xây dựng thì dở?

Hai nước Đức đã thống nhất một cách hoà bình êm đẹp, vậy mà người Việt vẫn tự hào là đỉnh cao trí tuệ nhân loại.

Không lẽ cái truyền thuyết lập Quốc 50 con theo cha xuống biển và 50 con theo mẹ lên núi đeo đuổi muôn đời con dân nước Việt?

B/ Người Việt nặng về ĐỨC TIN, nhưng nhẹ về LÝ TRÍ

Nặng về đức TIN, người Việt Nam dễ rơi vào 2 thái cực: một là dễ tin, hai là đa nghi. Người Việt Nam tin tưởng vào: Trời, Phật, Thánh, Thần, Ma quỷ, Vong linh, Phúc đức, Luân hồi, Nghiệp quả... và rất nhiều điều mê tín dị đoan. Mê tín là tin vào những điều không có thật, vào cái không ích lợi cho đời sống xã hội hay cho sự tiến hóa tâm linh của con người.

Vì dễ tin nên người Việt Nam đã chấp nhận dễ dàng những thần thánh do người Tàu áp đặt trong thời văn hoá nô lệ:

– Thờ Quan Công: (còn gọi là Quan Vũ, Quan Vân Trường, Quan Thánh Đế Quân…) Ông là một nhân vật lịch sử thời Tam Quốc ở bên Tàu (211 - 264), anh em kết nghĩa của Lưu Bị, vua nước Thục Đế đánh lại nước Ngô và nước Ngụy. Ông tượng trưng cho các đức tính trung nghĩa, chính trực, võ nghệ cao cường, có tiết tháo của người quân tử. Đó chỉ là một vị tướng giúp vua Tàu để tranh bá đồ vương. Đâu phải là một vị anh hùng cứu nước như Trần Hưng Đạo hay Quang Trung. Thà chúng ta thờ Trần Hưng Đạo hay Nguyễn Trãi, Quang Trung còn xứng đáng hơn.

– Thờ Ông Địa và Thần Tài: Tục thờ cúng ông Địa và Thần Tài là phong tục tín ngưỡng của người Trung Hoa mê tín dị đoan, chỉ cầu mong ở sức mạnh thần quyền để giúp họ buôn may bán đắt. Những người Tây phương đâu có thờ Thần Tài đâu mà sao họ vẫn trở thành triệu phú, tỷ phú. Những người mua trang, lập bàn thờ Thần Tài hay ông Địa chỉ làm giàu cho bọn buôn thần bán thánh mà thôi.

Alexandre de Rhodes (1591-1660) nhận xét: “Đặc điểm chung phổ biến của  người Việt là thói mê tín dị đoan”. Ngày nay, người ta vẫn còn tin “đốt tiền vàng mã” để cung cấp tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, gia nhân, nàng hầu cho những người bên kia thế giới. Đốt đồ thiệt không biết họ có hưởng được không, chứ đừng nói là đốt đồ giấy. Thật là ngu xuẩn!

Một số chùa chiền Việt Nam vẫn còn dung dưỡng thói tục xin xâm, cúng sao giải hạn, giải oan...

Đối nghịch với mê tín là đa nghi. Vì thiếu suy nghĩ chân chính, lý luận vững chắc, tìm hiểu rạch ròi, một số người Việt trở thành đa nghi và rơi vào “lý thuyết chủ mưu”, lúc nào họ cùng tìm được lý do để nói ngược lại một cách bướng bỉnh, mù quáng. Chẳng hạn họ tin rằng: chiến tranh Việt Nam được giải quyết bởi “một nhóm siêu quyền lực Do Thái”. Viện nghiên cứu xã hội học Hoa Kỳ đã đưa ra một nhận xét về người Việt: “thông minh, sáng tạo khi phải đối phó với những khó khăn ngắn hạn, nhưng thiếu khả năng suy tư dài hạn và linh hoạt”. Do cái học từ chương, trích cú, học thuộc lòng không cần suy nghĩ, lý luận trong nhiều thế kỷ qua, học không phương pháp từ đầu đến cuối, không thử nghiệm thực dụng, nên kiến thức không có hệ thống và căn bản.

Người Việt không biết xử dụng tất cả những phương pháp suy luận của tư tưởng: phân tích, tổng hợp, diễn dịch, qui nạp, so sánh, và thường phạm phải những lỗi lầm của tư duy, như:

1/ Vơ đũa cả nắm: trong ngôn ngữ thường diễn tả bằng những chữ, như: “tất cả đều”, “luôn luôn”, “không bao giờ”.
2/ Lý luận lưỡng phân: chỉ nhìn thấy hoặc đen hoặc trắng, mà không chấp nhận xám xám. Thí dụ lý luận: nếu anh không phải là bạn tôi thì anh là kẻ thù của tôi.
3/ Võ đoán: không dựa trên những bằng chứng cụ thể, chính xác, lại đưa ra những kết luận vội vã, hàm hồ.
4/ Phóng đại hoá hoặc giảm thiểu hoá: chuyện nhỏ phóng ra to, chuyện to biến thành nhỏ.
5/ Lấy tình cảm, cảm xúc làm tiêu chuẩn xét đoán: khi yêu trái ấu cũng tròn, khi ghét trái bồ hòn cũng méo.
6/ Loại bỏ thiên vị hoặc chọn lựa thiên vị: quan tâm trên một chi tiết nhỏ nhặt mà bỏ quên toàn diện.
7/ Cá nhân hoá: tất cả đều qui về một cá nhân hoặc qui về mình. Thí dụ: “lỗi tại anh, tại nó”, sự thất bại của một công cuộc, một chính sách là kết quả của nhiều yếu tố, nhưng cứ đổ tội cho một cá nhân.

Trên đây là tất cả những sai lầm của tư duy cần phải được loại trừ.

C/ Người Việt thiếu đam mê nên dễ bỏ cuộc

Có lẽ vì chịu ảnh hưởng của Phật Giáo, nên người Việt không đam mê gì cả, ngay cả với tình yêu: “Tu là cội phúc, tình là dây oan”.

Trong khi người Tây phương: “chỉ có những đam mê và những đam mê lớn mới có thể nâng cao tâm hồn lên đại sự” (Il n’y a que les passions et les grandes passions qui puissent élever l’âme aux grandes choses – Diderot).

Con cái thích âm nhạc thì bị cha mẹ giáng cho một câu “xướng ca vô loại”.

Người Việt rất khéo tay nhưng vì thiếu đam mê nên ít quan tâm đến sự toàn hảo của các sản phẩm của mình. (thiếu tính chuyên nghiệp, tính hoàn hảo).

Bỏ cuộc giữa chừng vì đam mê nửa vời, do đó người Việt không có những nhà tư tưởng lớn, những nhà phát minh lớn, những nghệ nhân lớn.

D/ Người Việt Nam và người Trung Hoa hay dấu nghề,

cho nên người Việt không quan tâm đến sự truyền thừa kiến thức hay tay nghề.

Nước Tàu đã chậm tiến mấy thế kỷ vì sự dấu nghề. Nghề hay chỉ được truyền cho con trai. Nhà nào không có con trai thì kể như nghề đó bị mai một. Ngược lại, ở Nhật Bản, nghề hay có thể truyền cho con gái với điều kiện là chàng rể phải đổi sang họ nhà vợ. Chính vì vậy, ở Nhật những ngành nghề truyền thống được gìn giữ và những nghệ nhân nổi tiếng được quí trọng như những bảo tàng sống.

E/ Tinh thần ba phải của giới trí thức Việt Nam và trí thức Tàu

Tánh ba phải bắt nguồn từ lý thuyết “Tam giáo đồng nguyên” ở bên Tàu. Cách đây khoảng 1100 năm, các nhà Tống nho đã làm một tổng hợp tư tưởng ba tôn giáo Nho, Phật, Lão và đi đến kết luận là 3 đạo nầy cùng một nguồn gốc.

Về mặt lý thuyết thì muốn lý luận sao cũng được (vì là ba phải mà!!!), nhưng về thực hành thì mới tai hại. Khi được thời, các nhà nho vỗ ngực nói mình theo ông Khổng, nhưng khi thất cơ lỡ vận, về quê cưỡi trâu thì nói tôi theo ông Phật, ông Lão. Cái nầy mới thật là tai hại cho xã hội. Người sĩ phu không có lập trường, không đi đến tận cùng tư tưởng của mình, không có trách nhiệm và tinh thần nhất quán giữa tư tưởng, lời nói và hành động.

Thật ra Phật Giáo tự nó đã là một tôn giáo hoàn chỉnh, không cần phải được chứng minh là đồng nguyên, đồng thể với tôn giáo nào khác.

Trong Phật Giáo, ta vẫn có thể nhập thế giúp dân, giúp nước, để tạo điều kiện phước báu cho một thời nào đó xuất thế tự tu, tự độ. Hai lối tu nầy bổ túc cho nhau mà vẫn không mâu thuẫn.

Trong Phật Giáo vẫn có ý niệm về một trật tự xã hội, về một nền chính trị quốc gia. Nhưng khác với đạo Khổng, trong Phật Giáo không có dạy: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Đức Phật không có dạy dân phải đối với vua chúa như thế nào, nhưng Phật dạy rất nhiều (10 điều) mà vua chúa hay nhà cầm quyền phải gìn giữ.

Mười nhiệm vụ của nhà vua (thập vương pháp) được ghi lại trong tiền thân:

  1. Vua phải rộng rãi, bố thí và bác ái.
  2. Vua phải giữ 5 giới của người cư sĩ.
  3. Vua phải hy sinh tất cả vì hạnh phúc của dân.
  4. Vua phải chính trực: ông phải xa lìa sự sợ hãi và thiên vị, thành thật trong ý định và không được lừa bịp quần chúng.
  5. Vua phải sống một đời giản dị và không được xa hoa.
  6. Vua phải có một tính tình hoà nhã.
  7. Không thù hận, ác độc.
  8. Vua phải cố tạo hoà bình và ngăn ngừa chiến tranh.
  9. Nhẫn nhục: ông vua phải có thể chịu đựng những khó khăn, khổ nhọc và những sự nhục mạ mà không mất bình tỉnh.
  10. Vua không được đi ngược với ý chí của toàn dân (trích con đường thoát khổ W. Rahula- Thích nữ Trí Hải).

Những nhiệm vụ trên không phải là không thể thực hiện được, hầu hết những nguyên thủ ở các quốc gia dân chủ hiện tại trên thế giới đều thực hiện những nhiệm vụ và đức tính trên, chỉ có ở những nước độc tài thì khác hẳn. Ngày xưa, các vua quan thời Lý Trần ở nước ta đều là những bậc gương mẫu như thế. Nhờ thế nước ta đã được thái bình thịnh trị trong nhiều thế kỷ.

F/ Cá nhân ‘vị kỷ’ hơn ‘vị tha’

Sau 100 năm đô hộ của người Pháp, người Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cá nhân của những người thực dân Pháp sống trên lãnh thổ thuộc địa. Nghĩa là họ coi quyền lợi của cá nhân họ, của gia đình họ cao hơn quyền lợi của cộng đồng chung quanh (dĩ nhiên người Pháp không phải như thế khi họ sống trên đất nước họ).

Người Việt trở nên ích kỷ, đố kỵ, chia rẽ và không thích trách nhiệm. Do đó, các hội đoàn lần lần tan rã không có người tiếp nối, thích tụm đám bạn bè vui chơi để nói dóc, nói tục, nói về mình, khoe khoang nhà cửa con cái hơn là tìm một lý tưởng cao đẹp để nối kết với nhau tạo nên một sức mạnh đoàn kết lâu bền.

Vì tính cách cá nhân, vị kỷ, người Việt không muốn chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm cho người khác. Người trí thức có được một vốn học thức thì bo bo giữ lấy cho mình để bảo vệ vị trí ăn trên ngồi trước. Trong số những vị thầy dạy đại học ở Việt Nam, có bao nhiêu vị để lại những sách vở và công trình có giá trị có thể truyền thừa cho con cháu?

Người Việt thích nói hơn thích viết, vì nói có trật cũng không sao, nó đã tan theo mây khói, còn viết thì “bút sa, gà chết”. Người Việt rất sợ thành ngữ nầy, lại thêm chính sách kiểm duyệt văn hoá của 100 năm đô hộ Pháp, của hơn 70 năm kiểm soát tư tưởng của chế độ Cộng Sản. Điều nầy đã giết chết đầu óc sáng tạo của người Việt.

Người Tây phương viết rất nhiều, người làm bếp cũng viết, người làm vườn cũng viết, viết để cởi mở tâm hồn, để phát biểu sự phẫn nộ, để đánh dấu lịch sử, để truyền thừa kiến thức.

Có thể tôi chưa nói hết những điều muốn nói và chịu trách nhiệm những điều diễn tả của mình. Không phải đả phá, mà tâm ý muốn xây dựng. Khi nói đến người Việt Nam là đã có tôi trong đó. Đau lòng lắm chớ. Nhưng mà phải nói, phải suy nghĩ, phải viết lên để mọi người nhìn thấy những cái hay, những truyền thống tinh thần giá trị phải gìn giữ kế thừa và những cái dở để sửa đổi thay thế.

Dĩ nhiên, có người sẽ không đồng ý. Tôi ngưỡng mong những vị đó đóng góp ý kiến để chúng ta có được một cái nhìn chân xác về người Việt mình, về dân tộc mình, ngõ hầu cùng nhau tiến đến CHÂN, THIỆN, MỸ.

G/ Tinh thần người Việt Nam rắc rối, linh hoạt, là do tiếng Việt quá chi li

a,  ă,  â,
e,  ê,
i,  y,
o,  ơ,  ô,
u,  ư;

và có rất nhiều những nguyên âm kép:

ao (sao),  au (sau),  âu (sâu),
ai (mai),  ay (may)  ây (mây)
ua (mua),  ưa (mưa)
uô (luôn),  ươ (gươm), v.v….

Đồng thời, tiếng Việt có 6 thinh âm thành ra có thể có 6 từ ngữ với 6 ý nghĩa khác nhau: Ma, Má, Mà, Mả, Mã, Mạ.

Trong khi tiếng Tàu chỉ có 4 thinh âm.

Do đó, người Việt có thể học bất cứ một ngôn ngữ nào một cách dễ dàng. Cụ Trương Vĩnh Ký thông thạo 15 sinh ngữ và cổ ngữ Âu Châu và 11 sinh ngữ Á Châu.

Tôi chắc chắn một ca sĩ Việt Nam rành nhạc lý, có giọng ca tốt; nếu được rèn luyện sẽ trở thành một ca sĩ nổi tiếng hoàn vũ. Chúng ta đã có 2 tấm gương nho nhỏ tại Belgique và Pháp (cô Phạm Quỳnh Anh và Sophie Tith đã đoạt giải Pop Star). Trên thế giới, có những đài truyền hình quốc tế đã tuyển chọn những xướng ngôn viên Việt Nam rất nổi tiếng.

Mỗi chữ có một âm hiệu mang một ý nghĩa riêng biệt, có một phận sự ngữ pháp nhất định (Lê văn Lý). Do đó, ta có thể kết hợp chữ nầy với một chữ khác tạo thành một chữ thứ ba. Thí dụ: lụi cụi, lờ đờ, lẩn quẩn…

Hay ta có thể thay thế chữ nầy bằng chữ khác, hoán chuyển vị trí, nên việc sáng tác văn, thi, nhạc rất phong phú. Ta có thể thay thế cách trình bày những bản nhạc Việt Nam theo thể điệu Jazz để làm phong phú hoá nền âm nhạc nước nhà. Gần đây có nhạc sĩ Nguyên Lê, con của giáo sư sử học Lê Thành Khôi ở Pháp, đã bắt đầu khai thác lối nhạc nầy và đã nổi tiếng hoàn cầu. Có ca sĩ Bích Chiêu cũng hát nhạc Việt Nam theo thể Jazz, nhưng vẫn còn lẻ loi lắm.

Chúng ta hãy xem nhà ngữ học Việt Lê văn Lý nêu ra một câu 5 chữ, có khả năng hoán chuyển tạo thành 39 câu khác nhau

– Sao nó bảo không đến?
– Sao bảo nó không đến?
– Sao không bảo nó đến?
– Sao không đến bảo nó?... v. v….

* Có thể lấy một danh từ để biến đổi thành một loại tự hoặc một đại danh từ. Thí dụ:

kẻ sống, người chết,
thằng đàn ông, con đàn bà,
con dao, cái bàn,
sự sống, lẽ chết….

* Tiếng Việt có đầy đủ danh từ để chỉ định 9 thế hệ liên tiếp trong một đại gia đình: Sơ, Cố, Ông, Cha, Tôi, Con, Cháu, Chắt, Chít.

Tôi không phải là nhà ngôn ngữ học, chỉ nêu lên một vài đặc trưng để chứng tỏ tính cách tuyệt vời của ngôn ngữ Việt, với dụng ý là chúng ta phải bảo tồn nó “Tiếng Việt còn, nước Việt còn” (Phạm Quỳnh).

Sự phong phú của tiếng Việt có hệ quả tốt xấu của nó:

Hệ quả tốt: sự thông minh và linh hoạt của người Việt Nam.

Hệ quả xấu: Tâm hồn người Việt Nam rất rắc rối, đến nỗi tác giả Falazzoli đã viết: “Một sự tinh tế cố tình chẻ sợi tóc làm tư (le Vietnam entre deux mythes).

Người VN dễ vọng đọng, không đủ định tâm để hướng dẫn tư tưởng của mình đến chỗ tận cùng của nó.

Do đó, viện nghiên cứu xã hội học Mỹ đã đưa ra nhận xét: “Người Việt Nam thông minh, sáng tạo, song chỉ có tính cách đối phó với những khó khăn ngắn hạn, thiếu khả năng suy tư dài hạn và chủ động”.

.

Nguyễn Tối Thiện
Trích từ: “Phật Giáo và dân tộc Việt Nam”


Cái Đình - 2018