Nguyễn thị Cỏ May


Tổng Thống François Hollande tới Việt nam – Có gì mới lạ?

 

Ảnh www.gettyimages.in

Vài chuyện đặc biệt của Tổng Thống Hollande tới Việt Nam

Khi tới Hà Nội, khá đông đảo dân chúng đứng sẵn chào đón quốc khách. Ông Tổng Thống Hollande phải đưa tay vạch cho mình lối đi. Người Việt nam có tiếng là hiếu khách. Những bàn tay chìa ra chào mừng. Điện thoại cầm tay đưa lên cao nhắm quốc khách chụp hình kỷ niệm. Thỉnh thoảng những tiếng hoan nghênh vang lên như có ai nhắc kẻo thiếu sót thất lễ. Một thanh niên đứng với tấm bảng ghi “Ông Tổng Thống muôn năm!”. Chắc cậu này đã quen luật lệ biểu tình có chỉ đạo nên nay chào đón Tổng thống Pháp mà tưởng như đang mừng đón Bác về hay rước Nguyễn Phú Trọng !

Quang cảnh người Việt nam đứng ngoài đường chào mừng Tổng Thống tới làm cho ông bỗng sống lại lúc ông đắc cử năm 2012 tuy nay bốn năm đã trôi qua. Tuy nhiên ông vẫn muốn nghĩ là mọi việc rồi đây sẽ tốt đẹp với ông. Ông vội thốt lên phải chi cánh tả biết đừng chia rẽ nữa mới được.

Cái nhiệt tình của quần chúng Việt nam dành cho ông Tổng Thống hôm nay, ông phải đi 9210 km mới tìm lại được sau bốn năm dài không có được ở quê hương. Nó giúp ông tạm quên những con số không mấy đẹp của kết quả thăm dò dư luận ủng hộ ông (90% không muốn thấy ông ra tranh cử nữa). Tạm quên những ồn ào trong đảng, các đồng chí phản đối ông ra tranh cử năm tới.

Ở Hà Nội, Tổng Thống Hollande gặp gỡ nói chuyện với một nhóm thanh niên chừng mươi người. Cuộc tiếp xúc được tổ chức ở tiệm cà-phê trong một khu phố xưa của người Pháp. Những thanh niên này đều học ở Pháp về xứ làm việc. Có cả nhà toán học Ngô Bảo Châu. Ông yêu cầu chụp chung một tấm hình làm kỷ niệm.

Vào Sài gòn, trước cộng đồng Pháp kiều, ông Hollande nhắc lại cuốn phim “Éternité” chiếu tại rạp hôm thứ tư mùng 7 tháng 9 do Trần Anh Hùng thực hiện. Ông đề cặp phim “Éternité” là để trình bày nhũng tư tưởng mà ông tâm đắc: “Nói Éternité” (vĩnh cửu) bởi vì đời sống của chúng ta là hữu hạn, để chúng ta có thể hiến dâng cho đời cái tinh hoa của chính chúng ta. Làm được điều đó là chúng ta lưu lại cho lịch sử những dấu ấn đẹp”.

Đến phần cuối bài diễn văn, ông lợi dụng cơ hội trước cử tri ở hải ngoại để khéo léo vận động bầu cử, làm cho ông nổi bật trong cánh tả: “Nước Pháp là một ý tưởng hơn là một bản sắc”. Ông tìm cách tách bạch ông khỏi tập thể cánh tả vì các đồng chí của ông ngăn cản ông ứng cử kỳ tới. Ông nhấn mạnh “Có một sự khác biệt rõ ràng giữa tôi và mọi người. Tôi mới là ông Tổng thống, chớ không phải những ai khác đâu”. Ông sử dụng sức nặng của chức vụ lãnh đạo tối cao làm ưu thế cuối cùng để vận động bầu cử (Theo đặc phái viên F.X.Bourmaud, Le Figaro, 6/9/16).

Tâm lý hoài cổ

Trong quá khứ, Pháp và Việt Nam liên hệ chặt chẽ. Sau hơn nửa thế kỷ, vẫn còn không ít người Pháp ngày nay cứ nghĩ Việt Nam vẫn là Việt Nam của thuở xưa. Họ giữ trong đầu hình ảnh của một Việt nam thời thuộc địa. Còn lớp trẻ thì không biết Việt nam là gì. Nằm ở đâu trên quả địa cầu. Bởi một thiếu sót trong sách giáo khoa. Nói về Việt nam, lịch sử lớp thi Tú Tài II chỉ dành có mấy dòng. Trong Địa lý, Việt nam được nói nhiều hơn. Vì Việt nam không quan trọng trong quan hệ với Pháp? Hay vì mặc cảm thời đô hộ Việt nam? Hay vì bị cuộc chiến nặng nề ở Algérie sau Việt nam án mất?

Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước không vì thế không có nghĩa là không tốt đẹp. Năm 1973, Việt nam và Pháp lập bang giao. Từ đó, đối thoại giữa Paris và Hà Nội vẫn dễ dàng và thường xuyên. Năm 1993, Tổng Thống Mitterrand là quốc khách đầu tiên tới thăm viếng Việt nam, khép lại một trang sử không đẹp trong quá khứ, tạo cho Việt Nam cơ hội mở cửa ra với thế giới. Tiếp theo, Tổng Thống Chirac hai lần, năm 1997 và 2004, qua thăm viếng Việt Nam và tổ chức Pháp thoại. Việt Nam tham dự như một quốc gia thành viên, điều này giúp Việt Nam có những mối quan hệ kinh tế với khối Phi châu. Hơn nữa, chương trình pháp thoại cũng giúp một số thanh niên Việt nam qua Pháp học và tu nghiệp. Từ nay, Việt nam có cơ hội tham gia vào các tổ chức địa phương và quốc tế, chấm dứt một thời kỳ dài bị ngăn cách với thế giới không cộng sản.

Năm 2009, Thủ tướng Pháp, ông François Fillon qua Việt nam. Phía Việt nam, năm 2000, ông Lê Khả Phiêu, Tổng Bí Thư đảng cộng sản, qua thăm nước Pháp, năm 2005, ông Nông Đức Mạnh. Về Chánh phủ Hà Nội, ông Chủ tịch nước Trần Đức Lương qua thăm Pháp năm 2002, và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, năm 2013. Trong buổi hợp báo với Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault, ông Dũng muốn nhờ kéo tấm màn che ánh nắng rọi thẳng vào mặt, ông có những cử chỉ làm cho ông Ayrault kinh ngạc. Sau đó chuyện của ông Dũng trở thành đề tài thời sự khôi hài cho báo chí và TV Pháp.

Khi nói về pháp thoại, Tổng Thống Chirac gặp phải vấn đề nhạy cảm là phải đề cặp tới Nhân quyền. Ông nói qua và sau cùng, ông để lại một danh sách tù nhân chánh trị, yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội giải quyết.

Kỳ thăm viếng này, ông Hollande cũng nói qua vấn đề Nhân quyền và chắc ông cũng sẽ để lại thỉnh nguyện thư của Cộng đồng người Việt nam ở Pháp gởi cho ông trước khi ông lên đường.

Tới nay vẫn còn không ít người Pháp nhớ Việt Nam. Với họ quá khứ chưa chết hẳn. Một phần do liên hệ gia đình. Và những tác phẩm văn chương viết về Việt Nam, phim ảnh,… làm sống lại ở họ hình ảnh Việt Nam. Ngoài ra còn những cơ sở văn hóa như Trường Viễn đông Bác cổ, Viện Hải học Nha trang, hoặc những kiến trúc như cầu Paul Doumer, 1700 km đường xe lửa Bắc-Nam, xe đạp Peugeot, xe Traction Avant,… Tất cả đã tạo nên một di sản quốc gia vật thể và phi vật thể mà ngày nay, người Pháp và cả người Việt Nam lớn tuổi, đều cảm thấy thú vị để nhắc lại, để khám phá.

Về mặt tình cảm, người Pháp nhớ Việt Nam vì thấy người Việt Nam, không như người Algérie, không tỏ ra giữ tinh thần phục hận cái quá khứ thuộc địa. Giữa hai nước luôn luôn giữ được mối quan hệ tốt đẹp.

Ngày nay, Pháp là nước thứ hai đón nhận nhiều sinh viên Việt nam, với 7000 sinh viên có mặt thường trực. Con số này sẽ gia tăng.

Chuyện vui bên lề chuyến viếng thăm chánh thức

Hình chụp thẻ kiểm soát của quan khách tham dự

Trước đây, ông Clinton, kế tiếp, ông Obama, hai Tổng Thống Huê kỳ, tới viếng thăm Việt Nam, đều được dân Việt Nam, đa số là thanh niên, đông đảo chào đón nhiệt tình. Họ đứng bên lề đường suốt nhiều giờ, cả dưới trời mưa, để đợi chào mừng thượng khách. Ông Obama tới vào buổi tối. Phía nhà cầm quyền ở Hà Nội giới hạn nghi lễ đón tiếp quốc khách để làm nổi bật tính trọng thể khi đón rước chú ba tàu Tập Cận Bình. Hôm nay, Hà Nội đón ông Tây Hollande, cũng kẻ cựu thù, tương đối khá hơn. Vì không bị áp lực của Bắc kinh? Nhưng về phía dân chúng lại kém sự nồng nhiệt.

Ông Clinton ăn phở gà đường Hiền Vương. Obama ăn bún chả hà nội. Hai tiệm ăn này ngày nay đã đi vào lịch sử ẩm thực của Sài Gòn và Hà Nội.

Nay nhân chuyến tới Việt Nam, ông Hollande cũng muốn đi thăm dân cho biết sự tình. Nghe nói ông không ăn phở, cũng không bún chả mà ăn bánh mì và uống cà-phê ở khu phố cổ của người Pháp. Để ủng hộ sản phẩm văn hóa của Pháp.

Ai cũng biết bánh mì và cà-phê ở Việt nam là do người Pháp đem tới cùng với cuộc viễn chinh hồi thế kỷ XIX. Khi có ở Pháp mới biết bánh mì ở Sài gòn trước 75 là ngon không kém và không khác bánh mì ở tại Pháp. Tuy do người Việt Nam làm ra. Nhưng với vật liệu hoàn toàn của Pháp và kỹ thuật Pháp.

Tại sao gọi “Bánh mì?”. Vì bánh làm bằng bột mì?

Ở Hà Nội trước năm 54, người dân gọi là “Bánh Tây”. Vì bánh này chỉ có người Tây ăn hằng ngày mà thôi. Người Việt Nam ăn cơm và ăn phở. Ngày nay, người Hà nội ở Sainte Livrade (Gironde sur Lot) vẫn quen gọi “Bánh Tây” vì họ đi khỏi Hà Nội năm 56, định cư ở đây, hoàn toàn cắt đứt liên hệ với quê hương nên còn giữ nguyên ngôn ngữ Việt Nam của thời đó. Giống như trường hợp tiếng pháp của dân Québec ở Canada.

Theo một bản tin của AFP, tiếng “Bánh Mì” là do tiếng pháp “Pain de mie” (Bánh mì ruột lớn, mềm, thường làm sandwich) phát âm trại đi. Ở khu phố Tây cổ, có một lò bánh mì sản xuất cả ngàn cái ba-guết mỗi ngày. Cả bánh ngọt. Đúng theo tiêu chuẩn bánh mì Tây chánh gốc.

Ngoài bánh mì bán ra, người chủ còn làm thêm sandwich theo cách Việt Nam: bánh mì ba-guết kẹp thịt phá lấu, hoặc chả lụa, với vài cọng hành, ngò, vài miếng ớt đỏ, củ cải chua. Sandwich Việt Nam chẳng những hợp khẩu vị người Việt mà còn hấp dẫn cả khách ngoại quốc. Ngày nay, trong bảng liệt kê 10 món ăn nhanh nổi tiếng thế giới, món sandwich việt nam chiếm một ngôi vị trong bảng danh dự đó.

Nếu không tại sao có một anh Tây, sau thời gian sống bụi đời Tây ba-lô ở Sài gòn, trở về Paris, sắm một chiếc cam-nhông trang bị cửa hàng bán dạo sandwich việt nam. Anh thường đậu xe bên bờ sông Seine, ngang thư viện quốc gia, bán sandwich việt nam cho sinh viên và du khách thế giới tới thăm viếng thư viện. Một hôm, anh và chiếc xe bán bánh mì dạo được TV Fr3 đưa lến màn ảnh giới thiệu. Với khách hàng đứng nối đuôi dài chờ mua.

Chương trình chánh thức thăm viếng Việt Nam

Ông Hollande thăm viếng Việt Nam 48 giờ, thu hoạch kết quả rất khả quan. Chuyến đi của ông vừa cho chuyện riêng vừa cho chuyện công. Về chuyện riêng, ông muốn biết Việt nam cụ thể sau khi nghe nói nhiều về Việt Nam vì ông có người con gái thực tập ở một Bịnh viện Sài gòn. Chuyện công, ông lấy được hợp đồng bán cho Việt Nam máy bay Airbus trị giá 6,5 tỷ đô-la. Ngoài ra, ông còn ký giao ước sẽ bán tiếp cho Việt Nam một số Airbus đời mới 350.

Về trao đổi, ông cam kết giúp Việt Nam cải thiện và phát triển ba địa hạt then chốt: y tế, văn hóa và pháp thoại trong đó dĩ nhiên không thiếu chương trình cải thiện môi trường mà cụ thể là giải quyết tình trạng nhiễm mặn và khô hạn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Ông không quên đề cặp vấn đề Nhân quyền ở Việt Nam. Tiếp theo Thứ trưởng Bộ Phát triển và Pháp thoại, André Vallini, đưa cho nhà cầm quyền Hà nội danh sách 4 tù nhơn lương tâm cần được trả tự do sớm.

Trước khi lên đường đi Việt Nam, Liên Đoàn Nhân quyền Quốc tế có gởi ông một thỉnh nguyện thư yêu cầu ông đứng quên Việt Nam là nước vi phạm Nhơn quyền nghiêm trọng. Nhưng nhà cầm quyền là cộng sản thì không thể biết tôn trọng Nhân quyền.

Nguyễn thị Cỏ May

 


Cái Đình - 2016