Lê Ngọc Vân


Tiền có làm ta hạnh phúc? Có chứ, nếu bạn biết tiêu chúng vào ba mục này

“Hãy mua một chiếc máy rửa chén, đừng mua chiếc xe Porsche”

Tiền không làm ta hạnh phúc, đó là câu châm ngôn. Nhưng có thật vậy không?
Trong cuốn sách Maakt geld gelukkig? (tạm dịch: Tiền có tạo hạnh phúc không?),
hà tâm thần học Ap Dijksterhuis đã có sẵn vài câu trả lời làm ta ngạc nhiên:
“Một khi các nhu cầu cơ bản của bạn – ăn uống, quần áo và mái nhà – đã được thỏa mãn,
bạn phải tiêu tiền vào ba thứ: thời gian, kinh nghiệm và vào hạnh phúc của tha nhân.”

– Jeroen Denaeghel.

Ap Dijksterhuis (49 tuổi) có cái gì đó liên quan tới hạnh phúc. Năm 2015, cuốn “Op naar geluk” (Trên đường tới hạnh phúc) của ông đã được coi là một cuốn sách bán chạy, và hiện giờ ông đang đi du lịch tại các nước Á châu để tìm hiểu xem sự tự do có ảnh hưởng ra sao tới hạnh phúc. Tuy thế, trong những buổi diễn giảng của ông, lần nào cử tọa cũng đặt câu hỏi: ‘Tiền có làm ta hạnh phúc hay không?’ “Vì thế tôi quyết định tìm hiểu về điều này, và đã thấy lóe ra một sự thực khó chịu.”

Theo ông thì trong đầu chúng ta đã có sắp đặt sẵn sự mong muốn có tiền. Nhưng tâm thức thỉnh thoảng đánh lừa chúng ta.

Ap Dijksterhuis: “Đúng vậy. Chúng ta có thể tưởng tượng một cách tuyệt hảo những gì một nhà tỉ phú làm với tiền của họ. Chúng ta thấy ông ta uống rượu champagne giữa đám mỹ nữ mặc bikini trong bể sục (jacuzzi) trên du thuyền neo tại Saint-Tropez. Nhưng điều chúng ta không nghĩ tới, là ông ta đang mắc kẹt trong một vụ tranh chấp về ly dị, đang lo lắng vì ông con đang dính dấp tới ma túy, và đang khổ sở vì tuyến tiền liệt gặp vấn đề.

<=== Ap Dijksterhuis. ©Erik Smits

“Bạn biết không, tiền bạc tự thân nó không có giá trị. Nó chỉ có giá trị khi nào chúng ta có thể dùng nó để mua thứ gì đó. Và đó là điều chúng ta thích làm: mua sắm là thú giải trí ưa chuộng ngày một tăng của giới trẻ, bệnh thích mua sắm hiện giờ đã là một chứng nghiện được y khoa công nhận. Sự thúc bách phải có thêm tiền thì ngày càng lớn hơn: nhờ đó bạn có thể sắm được chiếc xe bạn ham thích hay chiếc áo đầm ưng ý. Nhưng câu hỏi vẫn còn đó là phải chăng chúng làm cho chúng ta thấy hạnh phúc.”

Khi tôi thấy vợ tôi sau khi cô ta vừa mua một đôi giày, tôi không nghi ngờ gì về điều này cả.

“Đó là một lầm lẫn lớn. Khi cô vợ của bạn thấy đôi giày nằm trong tiệm, trong đầu cô ta bắt đầu có giọng thủ thỉ: ‘Ui chao, nó đẹp làm sao. Nó hợp với mi lắm đấy, mi phải mua nó đi!’ Điều mà bạn thấy hạnh phúc khi mua sắm, là cái tiếng thủ thỉ quấy rầy đó rốt cuộc im bặt. Nhưng rồi vào cuối tuần sau cái trò khốn nạn lại đó lại đến nữa: ‘Mi phải mua chiếc váy kia, nó rất hợp với đôi giày đó!’ Mua đổ chỉ làm cho bạn có được hạnh phúc trong chốc lát, nó không có chút ảnh hưởng nào về lâu về dài. Đó là vì trong vô thức, bạn chỉ ghi khắc những ảnh hưởng có tác động ngắn ngủi. Còn chuyện hạnh phúc của bạn do đôi giày không thay đổi sau một khoảng thời gian dài, thì từ trong vô thức bạn không lưu tâm tới. Bạn sẽ vì thế mà tiếp tục làm những chuyện sai lầm tương tự.”

“Điều khó chịu là dần dà chúng ta lại cần thêm, và thêm nhiều nữa để có được cái cảm giác hạnh phúc sâu đậm. Chiếc VW Golf ngày xưa bạn mơ ước, phải trở thành chiếc Audi hay BMW. Người nào cũng đều nhớ lại rõ ràng từng chút lần đầu được ăn trong một nhà hàng có sao, nhưng nếu mỗi tuần bạn đi ăn tại tiệm của Sergio Herman thì bạn sẽ không nhanh chóng bị lâm vào trạng thái ngây ngất.

Nhưng dù sao đi nữa, ông xác quyết trong cuốn sách của ông là chúng ta có thể hạnh phúc hơn khi có nhiều tiền hơn.

“Bí quyết là phải dùng số tiền thặng dư cho những mục đích phi vật chất. Một khi các nhu cầu cơ bản của bạn – ăn uống, quần áo và mái nhà – đã được thỏa mãn, bạn phải tiêu tiền vào ba thứ: thời gian, kinh nghiệm và vào hạnh phúc của tha nhân.”

Mua thời gian có làm ta hạnh phúc hơn không?

“Có. Điều đó được chứng minh qua một cuộc khảo cứu trong đó cảm giác hạnh phúc của con người được lượng định. Mỗi ngày những tham dự viên, vào một thời điểm nhất định, qua cái app, phải đánh giá họ thấy hạnh phúc nhiều ít ra sao. Qua đó ta thấy là họ có ít hạnh phúc nhất trên đường tới nơi làm việc và trên đường trở về nhà. Thay vì bỏ tiền mua một chiếc Mercedes to đùng mà bạn phải chịu ùn tắc ba tiếng, tốt hơn bạn nên mua một căn hộ gần chỗ làm. Như thế bạn có thêm thời giờ để làm những công việc mà bạn thấy thích thú. Tôi cũng khuyên mọi người là nên tậu một chiếc máy rửa chén bát. Bạn được lợi mỗi ngày một giờ và bạn không phải mất công gây chuyện về việc ai phải rửa bát đĩa. Ít tranh cãi và có nhiều thời gian thư thả có nghĩa là có thêm hạnh phúc.”

Ông khuyên độc giả tốt hơn là bỏ tiền đi Tibet du lịch thay vì mua một chiếc xe Porsche mắc tiền.

“Hạnh phúc ngắn ngủi đối với những vấn đề vật chất, nhưng nhiều năm sau bạn vẫn có thể thấy hứng thú với những trải nghiệm. Tôi chỉ cần nhìn qua một tấm hình ngọn núi Everest và tất cả những ký ức đẹp của chuyến du lịch tới rặng Hi-Mã-Lạp-Sơn một lần nữa lại nổi lên trong đầu. Dư vị còn lưu lại, lại mạnh hơn cả sự trải nghiệm, bởi vì những phiền toái trong chuyến du lịch – tôi bị bệnh không chịu được độ cao và bị ngộ độc thức ăn – đã từ lâu bị xóa bỏ khỏi bộ nhớ. Bạn chỉ nhớ những chuyện thích thú.”

Rất có thể có những người thấy chuyện được cầm lái chiếc Porsche là nó cho nhiều trải nghiệm hơn là một nhu cầu vật chất.

“Đúng, và điều đó làm thay đổi cảm giác hạnh phúc của bạn. Người ta đã từng nghiên cứu về sự cảm nhận hạnh phúc trong hai nhóm phụ nữ trong một trung tâm săn sóc sức khỏe và thẩm mỹ. Người nào coi đó là một cuộc giải trí với bạn bè thì sau đó cảm thấy hạnh phúc hơn những tham dự viên coi đó là một đầu tư cho ngoại hình của họ. Loại thứ hai này cũng là một mục tiêu vật chất. Nó cũng giống như những người đi du lịch để đánh bóng hình ảnh của họ hoặc để nâng cao đẳng cấp xã hội. Nếu bạn đi Việt Nam chỉ để mỗi giờ có thể tung một tấm hình lên Facebook hay Instagram, bạn sẽ ít hạnh phúc hơn là khi bạn đi vì mục đích phiêu lưu.”

Đã có bằng chứng khoa học nào chứng tỏ là có thêm tiền sẽ có hạnh phúc nhiều hơn không?

“Một nhà nghiên cứu người Anh đã vạch ra rằng những người trúng số lotto thực sự có hạnh phúc hơn, nhưng không phải là ngay sau khi trúng số, mà là một hoặc hai năm sau đó. Khởi đầu, nhiều người trúng số đã để họ bị bao trùm bởi những kích thích mua sắm, như mua một chiếc Ferrari hay một chiếc tàu cao tốc. Họ chưa quen với việc có nhiều tiền như thế và có nhiều người xía vào sự giàu sang của họ, làm họ bất an. Nhưng sau một thời gian ngắn họ đã bình tĩnh lại và suy tính làm sao họ có thể dùng tiền để tạo thêm hạnh phúc, thí dụ họ có thể làm ít giờ hơn và chơi đùa với con cái nhiều hơn. Họ cũng sau đó nhận thức là tiền bạc đã cho họ một sự yên ổn dễ chịu: chẳng cần phải lo lắng về chiếc máy giặt bị rỉ nước, chỉ việc đi mua một cái máy giặt mới.”

Nguồn gốc của khổ não

‘Bạn đừng chạy theo tiền bạc, mà hãy đón nhận nó,’ chủ hãng tàu giàu có người Hy Lạp, Aristoteles Onassis, nói.

“Quả như vậy. Có sự khác biệt lớn giữa nhận tiền và ham tiền. Rất thường là sự cố gắng kiếm tiền làm cho bạn bất an và không thấy hạnh phúc. Sự ao ước nếu không  được thỏa mãn là nguồn cơn của khổ não, như những phật tử thường nói. Phấn đấu để có thêm nhiều tiền hơn đồng nghĩa với tham lam, và theo triết gia Hy Lạp Diogenes, đó là mẹ của mọi tội lỗi. Một cuộc khảo cứu của đại học Tilburg dường như đồng một ý: những người tham lam thì ít rộng lượng hơn, ít có sự thông cảm và xấu xa hơn. Họ cũng có ít lòng tự trọng hơn và ít thấy hạnh phúc hơn.”

Có lời giải thích nào cho chuyện này không?

“Theo một nghiên cứu ở Hoa Kỳ, điều này có liên quan đến lẽ sống mà con người đã tự vạch ra. Những mục đích đi chung với sự gia tăng hạnh phúc là thăng tiến cá nhân, tình yêu thương, đóng góp cho xã hội và một thể chất tốt. Những mục đích gắn liền với ít hạnh phúc là giàu sang, sự nổi tiếng, danh vọng và sự quyến rũ bề ngoài. Những mục đích này người ta gọi là mục tiêu vật chất.

“Tại Anh quốc người ta đã nghiên cứu sự hạnh phúc nơi hai mươi nhóm nghề nghiệp. Hàng đầu của danh sách là những người bán hoa và thợ sửa ống nước – họ không giàu nứt đố đổ vách, mà họ luôn phục vụ người khác. Và họ có được ưu điểm là họ có thể trải nghiệm lập tức sự khen ngợi của khách hàng. Những nhóm nghề nghiệp mà đẳng cấp xã hội và đề cao cá nhân được coi là quan trọng, thí dụ như những người làm trong ngành ngân hàng và giám đốc, lại nằm dưới chót trong các bậc thang sắp hạng.

Ông cảnh báo về hậu quả của chủ nghĩa vật chất, thí dụ như sự cô đơn.

“Đúng. Người nào chạy theo mục đích vật chất, sẽ bị rơi vào sự cô lập. Một cuối tuần chơi trong vùng Ardenne là cái mà bạn phần lớn cùng vui chung với người khác, nhưng việc mở rộng bộ sưu tập mẫu xe lửa thì không như vậy. Qua việc mua một game trò chơi mới hay mua một con tem hiếm, những người cô đơn sẽ cảm thấy nhất thời vui thích và họ tạm quên là họ không có hay có rất ít các mối quan hệ xã hội. Nhưng đó là cái vòng luẩn quẩn: chủ nghĩa vật chất đưa tới sự cô đơn, nó lại mang tới sự sâu đậm thêm trong ý niệm yêu vật chất, và qua đó bạn sẽ trở nên cô đơn hơn.”

Sự tăng lương làm chúng ta vui thích, nhưng một sự sụt lương làm chúng ta mất hạnh phúc gấp đôi, ông viết như vậy.

“Đúng. Có thêm 500 euro tiền ròng thì vui, nhưng bị sụt 500 euro thì bạn sẽ cảm thấy đau đớn gấp đôi. Bạn cũng nhanh chóng quen với sự tăng lương hơn, còn ảnh hưởng tiêu cực của sự bị sụt lương thì kéo dài hơn. Nhưng phần lớn người ta thấy chuyện có lương cao hơn người khác là chuyện quan trọng. Rất thú vị trong cuộc trắc nghiệm, hỏi xem người ta thích sống trong một thế giới mà họ lãnh 50.000 euro mỗi năm trong khi tất cả những người khác lãnh có 25.000 hay là thích một thế giới trong đó họ lãnh 100.000 euro còn tất cả những người khác lãnh 200.000 euro. Đa số đã chọn một mức lương thấp là 50.000 euro, ngay cả khi họ có khả năng mua sắm gấp đôi trong trường hợp thứ nhì. Người nào cũng muốn mình lãnh lương nhiều hơn nhà hàng xóm. Do đó các chuyên gia cũng bác bỏ ý tưởng công bố tiền lương cho mọi nhân viên biết: nó chỉ gây nên lộn xộn và bất mãn. Khi bạn lãnh lương cao nhất nhì trong toàn cơ quan, chỉ thua một đồng nghiệp thôi, bạn cũng ghen tị so sánh với người đó.”

Có chăng một cái trần cho bực lương mà lên khỏi trên đó hạnh phúc không tăng thêm?

“Vài trăm ngàn euro mỗi năm là đủ, người ta phỏng đoán, nhưng không có số liệu nào chính thức về chuyện đó. Tôi không nghĩ là Mark Zuckenberg của Facebook kém hạnh phúc hơn Bill Gates, chỉ vì ông ta chỉ có 70 tỉ đô la còn ông chủ của Microsoft có tới 90 tỉ đô la.”

Thuế tài sản

Sự giàu có có ảnh hưởng trên hạnh phúc giống như sự nghèo túng trên bất hạnh hay không?

“Sự liên hệ giữa nghèo túng và không thấy hạnh phúc thì mạnh hơn. Sự nghèo túng đưa tới sự bất an và sinh ra stress. Một số người còn không biết rằng hôm nay họ sẽ có đủ đồ ăn thức uống hay không. Do sự lo lắng về tài chánh mà người nghèo có ít năng lượng hơn để dành cho những việc quan trọng khác. Họ cũng vì thế mà quên uống thuốc hay quên rửa rau, thí dụ vậy. Sự bất bình đẳng trong thu nhập là nguyên nhân gây ra hố cách biệt trong tình trạng sức khỏe.”

Như vậy những người sống trong các quốc gia giàu có thì có hạnh phúc hơn những người sống trong các quốc gia nghèo khó?

“Tại nước Rwanda nghèo khó, tình trạng chung là những cư dân thấy ít hạnh phúc hơn những người sống ở nước Thụy Điển giàu có. Nhưng thường thì những vấn đề khác quyết định cảm giác hạnh phúc. Có một sự săn sóc sức khỏe tốt không? Con cái tôi có thể tới trường được không? Tôi có cảm thấy an toàn không? Tòa án có làm tròn phận sự của họ không? Dẫn chứng: dân Costa Rica thấy hạnh phúc như dân Bỉ, mặc dù tổng sản lượng quốc gia bình quân trên mỗi đầu người ít hơn nhiều. Hạnh phúc của một đất nước là một cái gì khó hiểu. Mới đây tôi tới Turkmenistan và tưởng là dân chúng trong đó khổ sở vì sự độc tài, nhưng họ chẳng quan tâm gì tới điều đó.”

Tại Hoa Kỳ cũng như tại Tây Âu người ta được hưởng sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong suốt nhiều thập kỷ. Người Âu châu nhờ đó thấy hạnh phúc hơn, nhưng dân Mỹ không thấy vậy. Đó là vì sao?

“Đó là bởi ít người Mỹ có thể hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế. Nếu bạn muốn làm cho người ta hạnh phúc hơn, bạn phải cho họ tiền bạc. Tại Hoa Kỳ chỉ có một số ít người giàu sụ là trong nửa thế kỉ qua tiếp tục giàu thêm. Tài sản của gia đình Walton, chủ nhân của hệ thống cửa hàng tổng hợp Walmart, được ước tính là 175 tỉ đô la. Đó là tương đương với 41,5% dân Hoa Kỳ nghèo nhất cộng chung lại, mà số này là trên 50 triệu gia đình.”

“Mà nó cũng sẽ không tốt hơn đâu, vì tổng thống Trump vừa mới ký luật thuế trong đó qui định là các công ty lớn sẽ chỉ phải trả ít thuế hơn. Những nước như Hà Lan, Đan Mạch và Thụy Điển, trong đó những người giàu nhất chiếm 1 phần trăm dân số và thâu tóm từ 6 tới 8 phần trăm của số thu nhập quốc gia, dân chúng có hạnh phúc hơn những quốc gia như Hoa Kỳ và Colombia, trong đó số người giàu nhất là 1% dân số bỏ túi khoảng 20 phần trăm của thu nhập quốc gia. Sự bất bình đẳng càng nhỏ bao nhiêu thì hạnh phúc càng lớn bấy nhiêu.”

Sự tái phân bổ tiền bạc trên thế giới chính là chiếc đũa thần của ông, có đúng không?

“Tám mươi người giàu nhất có chung nhau một số tiền bằng phân nửa những người nghèo trên toàn thế giới. Ba người giàu nhất thế giới – Jeff Bezos của Amazon, đại tài phiệt đầu tư Warren Buffett và Bill Gates – có chung nhau một tài sản trị giá 286 tỉ đô la. Nó nhiều bằng sản lượng hàng năm của Pakistan, một quốc gia với 212 triệu cư dân. Tôi thấy đó là chuyện ngược đời. Và vấn đề ở đây là sự bất bình đẳng mỗi ngày một gia tăng. Oxfam đã tính là toàn thế giới năm 2017 có thêm khoảng 90 ngàn tỉ đô la. Rất tiếc là 82 phần trăm của số này chạy thẳng vào túi của 1 phần trăm giàu nhất thế giới. 1 phần trăm nghèo nhất đã nhận được gì, bạn thử nghĩ xem? Hoàn toàn không. Nếu bạn muốn chấm dứt sự di dân kinh tế từ Phi châu mà Âu châu đang vướng mắc, phải có một sự thay đổi về nhân sinh quan. Giải pháp nằm trong tầm tay: sự giàu có phải được tái phân bổ. Như thế những di dân sẽ ở lại nước của họ.”

Bill Gates chắc chắn sẽ đề nghị là ông ta sẽ làm cho kinh tế của nhiều nước như vậy hoạt động.

“Vài nhân vật cực giàu, như Bill Gates, hiến tặng rất nhiều và không trốn thuế, ngược với những siêu cầu thủ như Lionel Messi và Cristiano Ronaldo. Nhiều người giàu kinh hoảng với ý tưởng là họ phải nhượng một phần tài sản của họ cho xã hội. Chuyện họ không thể tiêu hết tiền trong khi đó những người khác có thể sử dụng số tiền đó tốt hơn, không có trong đầu óc của họ. Đây là lúc khẩn thiết phải có một chính sách đóng thuế tài sản.”

Nhưng có phải nhờ thế mà những người nghèo tốt lên không?

“Người ta có những kinh nghiệm tích cực tại những quốc gia Á châu như Bangladesh trong việc cấp tiểu tín dụng (microcredit). Khi cho những người kinh doanh địa phương vay tiền với số phân lời tối thiểu, bạn dạy họ cách gây dựng một cuộc sống tốt hơn và sử dụng tiền một cách có trách nhiệm. Chuyện này phần lớn đạt kết quả nơi phụ nữ, bởi vì nam giới có khi xem tín dụng như là tiền túi để nhậu nhẹt.”

Kết luận của ông: chúng ta chỉ thực sự có hạnh phúc khi nào chúng ta chia sẻ sự giàu có.

“Đương nhiên. Điều ngạc nhiên là chuyện này tách biệt với thu nhập. Những người nghèo cũng có hạnh phúc hơn nếu họ chia sẻ số tài sản khiêm nhượng mà họ đang sở hữu cho người khác. Hạnh phúc mà bạn trải nghiệm khi bạn cho bớt tài sản của mình đã nằm nơi bạn từ khi mới sinh ra. Nhà tâm thần học nổi tiếng Elizabeth Dunn đã minh chứng điều này nơi trẻ nhỏ. Những em này nhận hai loại kẹo: chúng được phép ăn những cái màu xanh, còn màu đỏ thì không được ăn. Đến một thời điểm, chúng được lệnh đem kẹo cho một con khỉ đồ chơi. Điều xảy ra: trẻ cười nhiều hơn khi chúng đưa cho con khi những chiếc kẹo màu xanh, mà chúng đã được phép ăn.

.

Nguyên tác: Maakt geld gelukkig? Wel als je het uitgeeft aan deze drie dingen.
Tác giả: Jeroen Denaeghel
Người dịch: Lê Ngọc Vân
Trích từ: De Morgen, 09.10.2018


Cái Đình - 2018