Chu Nguyễn


Thảm kịch do xung đột văn hóa!

Ba nạn nhân nữ tươi trẻ thiệt mạng vì xung đột văn hóa năm 2009

Nguồn tin thông tấn xã Canada Press ngày 15 tháng 3, 2018 cho biết, một phụ nữ bị kết án sát hại ba con gái trong vụ án có tên “sát nhân vì danh dự gia đình” (honour killing) đã bị tước bỏ quyền thường trú tại Canada và sẽ bị trục xuất về xứ sau khi thụ án.

Tuy nhiên, lệnh trục xuất tội nhân Tooba Yahya do cơ quan di trú Canada quyết định, chỉ thực hiện sau khi bà ta được phóng thích khỏi nhà tù Quebec.

Được biết Yahya, cùng người chồng là Mohammad Shafia và cậu con trai Hamed, vào năm 2012 đều bị kết án cố sát có dự mưu ba người thân trong gia đình và lãnh những bản án tù dài hạn không được hưởng quyền xin tại ngoại quản thúc sau 25 năm bóc lịch sau chấn song sắt.

Vì đâu nên nỗi, một gia đình di dân từ Afghanistan tới Canada trong hoàn cảnh sung túc, sống tự do trong một thành phố văn minh, trong một quốc gia đa văn hóa, lại rơi vào cảnh sẩy đàn tan nghé, kẻ chết kẻ vào tù? Các chuyên viên xã hội và hình sự cho rằng họ là nạn nhân và đồng thời là thủ phạm của cuộc xung đột văn hóa.

Thế nào là xung đột văn hóa? Khái niệm “cultural conflict” được xã hội học gia Jonathan H. Turner của đại học California định nghĩa giản dị như sau: “Đó là cuộc xung đột giữa những giá trị văn hóa và tín ngưỡng khác nhau khiến cho người này mâu thuẫn với người kia” (it is a conflict caused by “differences in cultural values and beliefs that place people at odds with one another”) .

Xung đột văn hóa có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào, thời gian nào nhưng ở cường độ khác nhau giữa cũ và mới, giữa truyền thống và canh tân, giữa bảo thủ và cấp tiến…. Ở Việt nam trước Thế chiến thứ hai, khi lớp tân tiến hô hào cải cách xã hội, để cao giải phóng cá nhân, thì lớp cũ phản ứng dữ dội đề cao trật tự cũ lấy gia đình làm nền tảng, lấy Nho giáo làm trụ cột. Từ đó nảy sinh Cô Loan trong Đoạn Tuyệt của Nhất Linh gặp phản kháng từ Cô Giáo Minh của Nguyễn công Hoan. Thơ Cũ chống Thơ Mới… cũng là hình thức xung đột văn hóa trong lãnh vực văn chương.

Cuộc xung đột mới cũ ngày ấy ở nhiều thành thị Việt nam tạo ra khá nhiều bi kịch mà cụ thể là nạn tự tử xuất phát từ nguyện vọng tự do yêu đương không được gia đình cổ chấp nhận.

Cuộc xung đột loại trên tuy dữ dội nhưng hiếm khi giữa các cá nhân có tình trạng va chạm tàn khốc như cuộc đối diện bất đắc dĩ giữa Đông-Tây trên bình diện quốc tế vào cuối thế kỷ 20 sang đầu thế kỷ 21 sau khi xảy ra chiến tranh, kinh tế khủng hoảng và xu hướng toàn cầu hóa …

Dù trong một xã hội đa văn hóa như Canada, vẫn có xung đột ngấm ngầm giữa những giá trị văn hóa khác nhau. Có lẽ nhà thơ Rudyard Kipling nói có phần đúng “Đông là Đông, Tây là Tây, cả hai không bao giờ gặp gỡ.” (East is East, and West is West, and never the twain shall meet ).

Vụ án vợ chồng Mohammad Shafia va Tooba Yahya giết con, nhân danh giá trị truyền thống cũ bài bác lối sống Âu hóa (western lifestyles) của con cái là một bằng chứng.

Thảm kịch thủy môn Kingston (Kingston Mills.)

Trong tháng sáu 2009, cái chết của ba cô gái vị thành niên và một phụ nữ trung niên trong một vụ được cảnh sát cho là “ngụy trang tai nạn” ở thủy môn Kingston (hay Kingston Mill locks, hệ thống thủy môn hay cống nước vĩ đại điều chỉnh mực nước ở các sông Rideau và Cataraqui cho tàu thuyền qua lại) đã khiến nhiều câu hỏi được nêu ra.

Phải chăng họ là nạn nhân của một tập tục được gọi là giết kẻ đã phạm tội làm điếm nhục gia phong hay là đã vi phạm danh dự gia đình?

Chuyện cũ kể lại, vào cuối tháng 06, 2009 gia đình Mohammad Shafia, một gia đình phú thương gốc Afghanistan ở Montréal đi du ngoạn ở Niagara Falls bằng hai chiếc xe, chiếc Lexus SUV và chiếc Nissan Sentra 2004 màu đen.

Trên xe ngoài gia trưởng 56 tuổi là Mohammad Shafia (tạm gọi tắt là Shafia), bà vợ 39 tuổi Tooba Mohammad Yahya hay Yhaya (gọi tắt là Yahya) cùng cậu con trai 18 Hamid (Hamed) Mohammad Shafia (gọi tắt là Hamid) còn có ba cô con gái Zainad, 19, Sahari, 17 và Geeti, 13. Ngoài ra còn có người vợ cả của ông Shafia có tên là Rona Amir, 50.

Chuyến nghỉ hè và ngoạn cảnh xem ra vui vẻ và chiều 29 tháng 06 gia đình Mohammad trở về Montréal.

Tới Kingston, theo lời khai của ông Shafia thì màn đêm buông xuống nên ông ta quyết định cho gia đình ngủ lại tại một lữ điếm để lấy sức sáng mai sẽ tiếp tục lái xe về nhà.

Nào ngờ đêm đó lại xảy ra một tấn bi kịch và theo lời ông Shafia, sáng hôm sau ông phát giác ra chiếc Nissan Sentra của gia đình biến mất. Không những thế mà ba cô con gái cùng bà Rona Amir cũng không thấy ở trong phòng lữ quán. Cả nhà đổ đi tìm nhưng vẫn không thấy tung tích của người thân nên ông Shafia và bà Yahya đích thân đi báo cảnh sát Kingston về vụ mất tích kỳ lạ này.

Theo lời khai với cảnh sát thì vào lúc 1:30 rạng sáng ngày 30-06, cô con gái lớn của họ, Zainab đã gõ cửa phòng họ, lấy chìa khóa chiếc xe Nissan Sentry để xuống xe lấy vài món đồ. Theo họ, có lẽ cô này chỉ mượn cớ để lấy xe và đã rủ các em và bà Rona Amir đi dạo ban đêm chăng? Theo họ việc này thường xảy ra dù Zainab chưa có bằng lái xe nhưng vẫn thường lén giấu giếm cha mẹ tìm cách lái xe khi có cơ hội.

Trong khi cảnh sát Kingston mở cuộc truy tìm những người mất tích thì gia đình Shafia, do cậu trai Hamid lái bằng xe Lexus đã quay trở về Montréal vì Shafia cho rằng có thể các cô con gái của ông ta có xe trong tay, đã về nhà trước chăng.

Vào lúc 9:30 sáng ngày 30 tháng 06, chiếc Nissan Sentra đã được phát giác nằm dưới thủy môn Kingston Mills. Cống nước vĩ đại này có chiều sâu trên dưới 5 mét và ở một địa điểm cách biệt với thành phố. Chiếc Nissan chìm dưới nước nhưng ở vị trí bình thường, đầu xe hơi chồm lên vách của hồ nước. Trong xe có bốn xác người và được nhận dạng chính là ba cô con gái của ông bà Shafia và bà Rona Amir.

Ban đầu dư luận cho rằng, có lẽ cô gái đầu lòng của gia đình Shafia, vốn tính mà cha mẹ cho rằng “bướng bỉnh” (rebellious) đã lái xe trên đường Kingston Mills và chắc hẳn bất cẩn, không có kinh nghiệm điều khiển xe, thay vì đạp thắng khi gặp chướng ngại lại đạp nhầm chân “ga” nên xe lao xuống cống nước chăng? Mọi người biểu đồng tình thông cảm cho bi kịch của gia đình Shafia.

Đồng cảm tăng thêm khi được cảnh sát báo tin dữ, trong một cuộc họp báo ông Shafia và bà Yahya đã tỏ ra vô cùng đau khổ nhỏ lệ xót thương cho những đứa con gái xinh xắn và ngoan ngoãn sớm từ giã cõi đời.

Nhưng các nhà điều tra bi kịch Kingston không tin chiếc Nissan Sentry rơi xuống hồ mang theo bốn mạng người chỉ là một tai nạn mà ngờ rằng đó là một vụ thảm sát.

Tại sao lại có nghi vấn này?

Trước hết là lời khai của ông Shafia có vẻ quanh co. Ông ta khai rằng bà Rona Amir chỉ là người em họ của ông và có bổn phận giúp ông quản thúc ba cô con gái đang tuổi dậy thì cần người giáo huấn. Nhưng thực ra bà này chính là người vợ đầu đời của Shafia. Shafia và Rona Amir lấy nhau ở Afghanistan ba mươi năm về trước nhưng bà này vì không có con nên Shafia đã lấy người vợ thứ hai là bà Yahya.

Lý do thứ hai cho rằng Shafia và vợ, Yahya đã man khai khi nói rằng cô gái lớn Zainab đã lấy chìa khóa lái chiếc Nissan Sentry gặp nạn. Cảnh sát cho rằng có chứng cớ, Zainab không làm việc này mà kẻ lái Nissan Sentry tới cống nước Kingston chính là Shafia và con trai là Hamid.

Một lý do quan trọng khác khiến cảnh sát hồ nghi việc Nissan Sentry đâm xuống hồ là tai nạn do lái xe bất cẩn vì vào khu vực cống nước có nhiều chướng ngại vật. Tại sao, nếu do tai nạn gây ra, lại không có dấu vết rào cản bị gãy đổ, bánh xe cà trên trên mặt cỏ hoặc vượt qua một bệ chắn đúc bằng bê-tông hay qua cổng vào cống và làm hư hại hai cọc dựng trước cống trước khi xe lao xuống cống?

Giả thuyết đặt ra là có thể nạn nhân đã chết hoặc bất tỉnh trước khi xe đâm xuống cống và do người khác đẩy xe chứ không phải do tai nạn xe mất đà và lạc tay bánh..

Những ngày tiếp sau đó, cảnh sát Kingston tiết lộ có nhận được một email của một người chị em của bà Rona Amir ở Paris gửi tới, tố cáo với cảnh sát rằng, bốn nạn nhân bị sát hại họ đang điều tra, có thể đã bị gán cho tội phạm tới danh dự gia đình. Trong thư gửi cho cảnh sát trưởng Kingston là Stephen Tanner, lá điện thư cho rằng những nạn nhân, nhất là cô gái lớn trước đây không lâu đã bị đe dọa sát hại vì “các lý do xã hội, văn hóa và gia đình.”

Án mạng xảy ra và chòm xóm của gia đình Shafia ở Laval, Quebec cho biết Hamid (hay Hamed) cậu con trai nhà Shafia là một người không khác gì cha, trong vai gia trưởng rất độc tài và nghiêm khắc với các chị em và có thể cậu ta đóng vai trò quan trọng trong việc sát hại người thân.

Dư luận cũng cho biết cố gái lớn Zainab đã từng có sóng gió trong gia đình vì trong hôn nhân khiến gia đình bất mãn. Nghe nói cô gái tân thời này đã từng vì tình bỏ nhà ra đi mấy tuần mới quay trở về và khiến cho gia đình Shafia mất mặt.

Phải chăng Zainab đã bị quy cho tội làm điếm nhục gia phong? Nhưng tại sao không phải chỉ riêng Zainab bị trừng phạt mà hai người em, Sahari, 17 và Geeti, 13 cùng bà Rona Amir cũng bị sát hại?

Một trong những bằng chứng rất quan trọng mà điều tra viên thu được trong vụ án là nhờ một mẹo lừa nghi can.

Cảnh sát gọi cho bộ ba nghi can và bảo họ rằng họ cần trở lại Kingston để lấy một vài món đồ cá nhân bỏ lại ở lữ quán và cũng yêu cầu họ cùng với điều tra viên tới hiện trường “tai nạn” để họ có thể giải thích theo họ, tại sao xe Nissan Sentra lại rơi xuống kênh.

Khi họ tới hiện trường, cảnh sát bảo họ rằng đã tìm được máy thu hình tại hiện trường và đang nghiên cứu hình ảnh trong đó để biết rõ xe bị nạn đã rơi xuống nước ra sao.

Điều mà bộ ba Shafia, Yahya và Hamed không biết đó là lời nói gạt, đẩy họ phải lo ngại và bàn bạc với nhau. Một việc khác là bộ ba Shafia không ngờ là khi họ theo xe cảnh sát tới hiện trường thì điều tra viên có thì giờ gắn bộ phận nghe lén vào xe minivan Pontiac của họ.

Mẹo lừa có máy thu hình tỏ ra hữu hiệu. Shafia và Yahya bàn tán khi lái xe về Montréal vì nếu có máy thu hình ở hiện trường thì có chứng cớ họ có mặt tại hiện trường “tai nạn”. Hamed không lên tiếng Tuy nhiên những lời sau đây giữa vợ chồng Shafia đã lọt vào tai cảnh sát:

Shafia nói: “Đêm đó, ở đó không có điện. Tối như bưng phải không Tooba?”

Bà vợ đáp: “Em nhớ rõ, đúng thế!”

Gia đình trò chuyện với nhau bằng thổ ngữ Dari nhưng cảnh sát Kingston đã nhờ hai cảnh sát viên cảnh sát Toronto thạo ngôn ngữ Dari giúp việc điều tra

Trong vài ngày kế tiếp băng thu âm còn ghi lại được giọng giận dữ của Shafia, rủa mấy cô con gái là “đồ điếm” (whores) vì dám hò hẹn hò với bạn trai và ông ta luôn luôn nhắc tới danh dự gia đình đã bị tổn hại vì mấy cô gái chống đối và cư xử vượt khỏi thói tục cổ truyền mà gia đình tôn trọng.

Trong một lần nói chuyện Shafia tuyên bố: “Ngay cả họ lôi tôi lên giá treo cổ cũng mặc… vì không có gì có quan trọng với tôi bằng danh dự.” Một câu khác nói rõ hơn ý định sắt đá của ông ta: “Tôi xác định: dù chết hay sống, không có gì quý với tôi bằng danh dự của tôi.”

Trước khi ba nghi can bị bắt cảnh sát có xin được trát tòa lục soát căn nhà của Shafia vào ngày 21 tháng 07, 2009. Trong cuộc lục soát, cảnh sát tìm được cuốn nhật ký của Rona trong đó nạn nhân có than thở vì không có con nên bị chồng phụ bạc, thường bị chồng và vợ hai hành hạ , đánh đập. Cảnh sát cũng tìm được chiếc laptop mà Hamed thường dùng. Qua cuộc phân tích dữ liệu trong laptop này các nhà điều tra như Koopman thấy trước đó mấy tháng người dùng máy đã tìm câu trả lời trên internet: “Nơi nào thuận lợi cho một vụ giết người?” và những câu hỏi khác như tù nhân ở Canada có quyền sở hữu nhà cửa hay không, rồi tìm hiểu về nhà tù ở Montreal và cả những nơi sông nước hoang vắng.

Shafia, Yahya và Hamed bị bắt từ 22 tháng 07, 2009 và trong tương lai như luật lệ quy định có tội cố sát thì họ sẽ phải lãnh án 25 năm tù mà không hy vọng được cứu xét tại ngoại. (life in prison with no chance of parole for 25 years.)

Tờ Gazette tường thuật phiên tuyên án 31 tháng 01, 2012, tại Kingston, Ontario như sau:

Bồi thẩm đoàn sau ba tháng cân nhắc chứng trạng từ 58 nhân chứng, và sau 15 tiếng đồng hồ thảo luận đã đi tới kết luận ba bị cáo Mohammad Shafia, 58, vợ hai, Tooba Mohammad Yahya, 42, và con trai Hamed, 21, phạm tội cố sát có dự mưu 4 mạng người (sát nhân cấp một) ở Thủy môn Kingston.

Chánh án chủ trì phiên xử Robert Maranger của tòa thượng thẩm Ontario đã kết luận, hành vi sát nhân của ba bị cáo vô cùng tàn nhẫn, máu lạnh, mất tính người, đáng hổ thẹn vì nhẫn tâm cắt đứt mọi liên hệ thân tình, thiêng liêng nhất, chỉ nhân danh những tín điều vô vị, hủ lậu, bệnh hoạn. Hành động bất nhân của các bị cáo chỉ nhằm thỏa mãn quyền gia trưởng, quyền nam giới và phụng sự cuồng tín với mục tiêu khống chế phụ nữ, một việc không thể tồn tại trong một xã hội văn minh như Canada. Chánh án đã quyết định dành cho ba kẻ sát nhân bản án tù dài hạn và không được hưởng quyền xin tại ngoại quản thúc sau 25 năm cấm cố.

Cả ba bị cáo đều phủ nhận tội danh. Cậu con trai gục xuốngvành móng ngựa, bà mẹ nức nở như bị oan khuất và chỉ có người cha là cố giữ bình tĩnh cho dù đã mất tất cả, gia đình, tài sản, nhân phẩm, danh dự… để mua một tiếng hão là bảo vệ gia phong.

.

Chu Nguyễn


Cái Đình - 2018