Phạm Đình Lân


Thái độ chánh trị

.

Hiểu biết chánh trị là một điều tối cần thiết. Tìm hiểu chánh trị để có một thái độ chánh trị. Tìm hiểu không có nghĩa là làm chánh trị. Không biết, không cần biết hay không cần hiểu chánh trị cũng là một thái độ chánh trị. Nó đồng nghĩa với sự chấp nhận mọi việc tốt, xấu diễn ra do người lãnh đạo mang đến cho mình. Các vua chúa thời phong kiến, các nhà độc tài thời hiện kim và các nhà lãnh đạo dân chủ đều thích những người này. Vì họ đương nhiên chấp nhận mọi diễn biến xảy ra dù tàn bạo hay bất công. Vô tình thái độ này là chướng ngại vật trên con đường xây dựng DÂN CHỦ. Việc xây dựng dân chủ không phải là việc dễ làm.

Các nước dân chủ đều là những nước phát triển và tiến bộ đồng đều trên mọi bình diện (kinh tế, chánh trị, văn hóa, xã hội v.v...). Chuyện dễ hiểu. Ở các nước thiếu dân chủ không có sự bình đẳng nam-nữ. Phụ nữ không được đi học, không được dự các kỳ thi (có học đâu mà dự thi) để nhận lấy các chức vụ công quyền. Thế là 50% nhân lực chỉ nằm nhà lo nấu cơm. Vào thời phong kiến hay ở các nước độc tài, nhân tài tìm thấy trong hai câu nhận xét dưới đây:

Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa thì quét lá đa.

Không có sự bình đẳng và công bằng trong việc tuyển chọn và xử dụng nhân tài.

Bất bình đẳng nam-nữ loại 50% nhân lực ra ngoài sinh hoạt xã hội và quốc gia.

Tình trạng phi dân chủ loại 90% nhân lực và trí tuệ của đại đa số quân chúng. Tệ hại hơn là sự hủy diệt niềm tin và hy vọng của con người để biến con người sống nhưng tinh thần đã chết trở thành người vô hồn biết đi.

* Trước cách mạng 1789 các sĩ quan và tướng lãnh chỉ huy quân đội ở Pháp phải là những người xuất thân từ các gia đình quí tộc. Nên ông cai (caporal) Hoche mới có dịp phô trương khả năng chỉ huy quân sự của mình sau khi các sĩ quan và tướng lãnh gốc quí tộc rời khỏi nước sau khi cách mạng 1789 bùng nổ.

* Anh là một nước quân chủ nhưng có truyền thống dân chủ rất lâu với Magna Carta Libertatum ban hành ngày 15-06-1215. Cuộc cách mạng kỹ nghệ và cách mạng đại nghị củng cố nền dân chủ Anh và đưa nước này đến sự phát triển kỹ nghệ, kinh tế, thương mại và hàng hải để trở thành một đế quốc rộng lớn vào thế kỷ XIX. Vua Anh ngự mà không trị. Thủ tướng mới thực sự là người đứng đầu quyền Hành Pháp trong chế độ đại nghị. Anh là một nước quân chủ rất dân chủ mặc dù không có hiến pháp.

* Nước Nhật trước 1868 theo chế độ tướng quân (shogunal regime) như vua Lê chúa Trịnh ở Việt Nam. Tướng quân (Shogun) nắm thực quyền nhưng họ vẫn tôn trọng Thiên Hoàng (Mikado).

Thiên Hoàng Meiji (Minh Trị) canh tân và dân chủ hoá nước Nhật bằng cách ban hành hiến pháp 1889 trước khi dân chúng đòi hỏi. Trước kia việc kiếm cung do các bushido (võ sĩ đạo), samurai (hiệp sĩ) đảm nhận. Năm 1873 dân Nhật sung sướng được quyền làm lính khi luật tòng quân được ban hành. Hiến pháp 1889 bị hủy bỏ sau khi Nhật bại trận. Hiến pháp 1946 do các luật gia Hoa Kỳ soạn thảo được Nhật thi hành cho đến ngày nay. Sự hội nhập của người Nhật vào định chế chánh trị dân chủ Tây Phương không có gì khó khăn cả.

* Ông Sun Yatsen (Tôn Dật Tiên), linh hồn của cách mạng Tân Hợi lật đổ nhà Mãn Thanh năm 1911, là người theo đạo Tin Lành, từng học ở Hawaii và Hong Kong tức chịu ảnh hưởng văn hóa Anh, Mỹ. Chủ Nghĩa Tam Dân của ông chịu ảnh hưởng của các tư tưởng dân chủ-xã hội Tây Phương + nguyên tắc "Vì Dân, Do Dân, Bởi Dân" của tổng thống Abraham Lincoln. Nhưng khi Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) áp dụng chủ nghĩa Tam Dân trong nước Trung Hoa Dân Quốc trên lục địa và trên đảo Taiwan (tức Trung Hoa QDĐ – Dân Quốc: Cộng Hoà) Trung Hoa có dân chủ không? Còn ông Mao Zedong (Mao Trạch Đông) với chủ nghĩa Marx-Lenin Hán hoá theo tư tưởng Mao thì sao? Cũng giống như các chế độ độc tài, phong kiến ngàn năm để lại.

* Cũng như Trung Hoa, Ấn Độ là một quốc gia cổ xưa, đông dân, có văn hoá, tôn giáo lâu đời và có quá khứ thuộc địa. Trung Hoa bị người Mãn Châu đô hộ, bị các liệt cường Âu-Mỹ xâu xé. Ấn Độ đặt dưới sự đô hộ của người Anh. Vài hải cảng bị người Bồ Đào Nha và Pháp chiếm đóng. Sau khi độc lập, Ấn Độ được xem là quốc gia dân chủ lớn và đông dân nhất ở Á Châu. Nhưng nền dân chủ này chỉ hơn các nước Á Châu ngoại trừ Nhật mà thôi. Nó bị hạn chế rất nhiều vì xã hội Ấn Độ là một xã hội nặng về tôn giáo và giai cấp. Một quốc gia có cả tỷ dân nhưng, sau ngày độc lập, gia đình thủ tướng Nehru nắm quyền liên tục từ ông Nehru, con gái Indira Gandhi đến cháu ngoại là Rajv Gandhi. Bà Indira Gandhi và con Rajv Gandhi bị ám sát chết. Vợ ông Rajv Gandhi, người Ý, là thủ lãnh đảng Quốc Đại.

* Sự xây dựng dân chủ ở các quốc gia cổ xưa có quá khứ thuộc địa tương đối khó khăn vì:

– sự tự tôn, tự hào về sự già nua của xứ sở với nền văn hóa cổ truyền sáng lạn.

– sự tự ty vì thua sút và chậm tiến về nhiều mặt đối với quốc gia đô hộ.

– sự thiếu tự tin, dồi dào óc lệ thuộc và sợ sệt chánh quyền vì sống dưới chế độ độc tài phong kiến và bị ngoại nhân đô hộ quá lâu.

Việt Nam cũng khó thoát khỏi qui luật thông thường đó.

So sánh hai ý niệm ĐỘC TÀI và DÂN CHỦ, ý niệm nào có lợi cho sự phát triển quốc gia?

Độc quyền và độc tài?

Dân chủ, nhân quyền và bình đẳng xã hội?

Dân chủ và độc tài, cái nào gây phấn khởi cho dân chúng tham gia trong việc phát triển quốc gia?

Dân chủ chân chính là một nhu cầu bức thiết cho sự phát triển quốc gia. Nó tạo cảm hứng cho toàn dân góp công sức, trí tuệ và tài vật lộc vào việc phát triển quốc gia. Những dân chủ mị dân hay dân chủ hình thức còn tệ hại hơn chế độ độc tài.

Dân chủ là món ăn đòi hỏi nhiều thành phần nấu nướng đắt tiền (lãnh đạo lành mạnh và có khả năng, kinh tế vững mạnh, dân tâm, dân trí tốt, tinh thần trọng pháp cao v.v…), khó nấu nhưng không có hương vị hấp dẫn đối với nhiều quốc gia trên thế giới kể cả các đại cường như Nga và Trung Quốc.

.

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.


Cái Đình - 2018