Nguyễn Văn Sâm


Tản mạn về tên một ngôi trường

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay có một ngôi trường trung học mang tên danh nhơn văn hóa Miền Nam Huình Tịnh Của. Trên bảng tên trường ta thấy: Trường Trung Học Cơ Sở Huỳnh Tịnh Của. Chắc chắn trước khi bảng được dựng thế nào cũng có thức giả đề nghị viết cái họ theo chánh tả của nhân vật mang họ Huình mà ông dùng khi in quyển tự điển thời danh của mình là Đại Nam Quấc Âm Tự Vị. Và kết quả là ý nầy đã bị bác với lý do không hợp với chuẩn chánh tả ngày nay! Sửa mũ mấn người xưa đâu phải bây giờ chỉ có một!

Thôi thế cũng được, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ về một chữ Y dài hay I ngắn trên một cái tên đã quá xa xưa. Có được tên nhà văn gắn trên một trường học là tốt rồi. Còn hơn những cái tên chìm nổi như Lê Văn Tám, Lê Thị Riêng hay ngô nghê hơn như Trường Trung Học Cơ Sở Phường Bảy, Trường Trung Học Cơ Sở Phường Tám… Chắc hương linh nhà làm tự điển lừng danh Huình Tịnh Của cũng đồng ý về điều đó.

Huình Tịnh Của viết nhiều. Quan trọng nhứt là quyển tự điển nói trên. Số mục từ  gồm 71.651, bắt đầu bằng mục từ A cuối cùng là mục từ xụt. Tổng cộng các chữ trong toàn bộ quyển tự điển lên gần 900 ngàn.Con số chữ tròm trèm một triệu vào những năm cuối của thế kỷ 19 khi chữ quốc ngữ mới bắt đầu được dùng cho cả nước, khi chuyện in ấn là cả một sự nhiêu khê về chuyện sắp các con chữ và đúc bản chì cho tới việc phải đúc chữ Hán, Nôm ở Hồng Kông hay đâu đó ngoài nước Việt thì việc cho ra đời một quyển tự điển vĩ đại có thể coi như là đầu tiên Việt-Việt có thêm chữ Hán, chữ Nôm cho mỗi từ thiệt là công trình đáng được đề cao mà một cái tên trường thôi cho cả nước chắc chắn là chưa đủ.

Tôi luôn có bên cạnh bộ tự điển nầy, đầu tiên là một bộ còn rất tốt do thầy mình là nhà chơi đồ cổ và sách xưa Vương Hồng Sển tiên sanh nhường lại vào năm 1961. Bộ nầy bỏ lại ở quê nhà khi chủ nhơn tìm đường vượt thoát vào năm 1979, nay không biết nó đương nằm ở đâu trong nhà một người thích sách nào đó hay đã thoát kiếp nhờ mấy bà bán xôi bán thịt tùng xẻo từng tờ từng tờ! Lúc đó số tiền để thủ đắc tương đương với 4 lượng vàng - vàng lúc đó sao mà quá rẻ! Nay thì vàng đã lên giá nếu còn, ở Mỹ giá cũng qua khỏi con số một cây!

Mỗi khi dùng Đại Nam Quấc Âm Tự Vị tôi nhớ ơn thầy mình, nhờ Vương sư phụ tôi chuyển hướng đi từ triết học Tây phương sang văn chương miền Nam Việt. Từ đó tôi cũng cảm phục sâu sắc công trình của ông Đốc Phủ Sứ Huình Tịnh Của, người ảnh hưởng rất sớm những gì du nhập của tân trào, nhưng cũng như hiền triết Petrus Ký, không lặn lội vô quan trường mà bận bịu với sách vở văn chương.

Tôi tâm đắc với những định nghĩa của từng mục từ, nhiều khi được định nghĩa hai lần, thường chúng bổ túc nhau, thêm nghĩa cho rõ ràng hơn, nhưng không bao giờ có sự mâu thuẫn.

Thí dụ:

          Chia tay: Chia riêng với nhau.
          Chia tay: Phân bâu; biệt nhau.

hay: 

          Chia phe: Làm phe đảng, không thuận mọi ý.
          Chia phe: Chia làm nhiều bọn, nhiều đảng.

hoặc:

          Trộm cướp: Dùng sức mạnh, thế mạnh mà lấy của người.
          Trộm cướp: Cướp giựt, rình người vô ý mà lấy của (cũng là tiếng đôi).

hoặc:

          Trộm phép: Lấy phép riêng mà làm sự gì.
          Trộm phép: Mạo lệnh quan trên, lấy tiếng quan trên mà làm sự gì.

Tại sao có sự giải nghĩa hai lần?

Ngày xưa người làm tự điển không có những dụng cụ để kiểm tra mục từ nào mình đã giải thích rồi và đã xếp nó ở chỗ khác do đó dễ có sự trùng lập. Mục từ chia tay có giải thích 1 ở từ chia và giải thích 2 ở từ tay. Cũng vậy giải thích 1 từ trộm phép nằm ở từ trộm và giải thích 2 nằm ở từ phép.

Tùy theo cái nhìn của từng người, sự kiện định nghĩa hai lần mang tính ưu điểm hay khuyết điểm. Khoảng đầu thập niên bảy mươi, sinh viên Nguyễn Văn Y trình luận văn Cao Học ở trường Đại Học Văn Khoa Sàigòn về quyển tự điển nầy, coi đó là một yếu tố để ông kết luận rằng Huình Tịnh Của không làm quyển tự điển một mình mà có thêm những người giúp sức.

Tôi không coi quan trọng chuyện có trợ thủ. Điều quan trọng là tự điển Huình Tịnh Của ghi lại hầu hết những từ ngữ Nam Bộ dùng cho tới cuối thế kỷ 19, ngày nay những từ xưa khó hiểu, nhứt là từ dùng ở Nam Trung phần xuống dưới phía cực Nam đều được tìm hiểu nghĩa từ đây. Đó là một từ điển không thể thiếu của người nghiên cứu/giảng dạy văn học cổ, nhứt là văn học Miền Nam. Không thể trích nhiều, chỉ xin đưa ra hai thí dụ chữ tôi đã gặp trong hai tuồng hát bội thế kỷ 19 mà không hiểu nghĩa, phải cầu cứu đến ông Huình Tịnh Của.

Hàng thuyền: Quân chèo thuyền, quân thủy.
Hàng thuyền: Hàng quân lính.

Định nghĩa 1 thì ai cũng hiểu, cũng có thể đã biết trước khi tham khảo, nhưng định nghĩa 2 thiệt là có ích lợi, nhờ đó tôi biết hàng thuyền tương tợ như lính tà lọt thân cận dưới quyền sĩ quan chỉ huy một đơn vị nhỏ trước đây.

Chữ tòa khang thì còn khó hơn,

          Tòa khang: Ăn mặc sắc quá, áo quần nhũm nha.

Đây là tiếng chỉ người giàu có, ăn mặc sang trọng theo cách cắt nghĩa ngày nay.

Một vài từ cho đến nay người ta đã hiểu sai và sự hiểu sai đó đương trở thành đúng theo qui luật đa số người dùng của ngôn ngữ. Chẳng hạn từ bát ngát.

          Bát ngát: Áy náy, lo xa.
          Bát ngát: Lo xa, lo buồn nhiều nỗi.

Vậy thì căn cứ theo nghĩa của tự điển thời rất gần với Nguyễn Du thì câu: Bốn bề bát ngát xa trông phải hiểu lại. Nguyễn Du không chủ ý nói về phong cảnh rộng rãi bao la trước mặt Kiều mà chỉ nhắm tới nội tâm lo buồn nhiều nỗi của nhân vật…

Về chánh tả cũng có nhiều điều hữu lý, chẳng hạn từ chuối và: Ta có 4 từ (1):

Chuối và hương|Chuối và lùn|Chuối và|Mềm như chuối và hương|

Từ nào cũng viết bằng , tôi chắc chắn rằng loại trái cây nầy có nguồn gốc Nam Đảo, đặc biệt là Java, từ đó có tên , như từ chà-và, cũng như chuối Xiêm có gốc từ Thái Lan mà ngày trước gọi là Xiêm La...

Có nhiều từ lạ đối với chúng ta ngày nay chắc chắn đã xuất hiện cho tới năm 1896 là năm quyển sách được in, nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả những từ khó của thời đó đã được ghi nhận.  Chẳng hạn từ quấy chạ thấy trong quyển thơ mỏng Mài Gươm Dạy Vợ của Đặng Lễ Nghi xuất bản ở Sàigòn năm 1914 không có mặt trong tự điển nầy:

Dữ hiền cũng tại nơi ta,
Nơi ta quấy chạ người la người rầy.
Làm đâu khó dễ xưa nay,
Khác nào sợi chỉ lòn rày trôn kim.  
         (MGDV, trg 14)

Những ‘mục từ’ không có nầy có thể thấy nhiều hơn khi ta đọc tác phẩm của M. D. Chaigneau là Thơ Nam Kỳ in ở Paris năm 1876 và quyển kế tiếp cũng của ông là Thơ Tiếp Theo Thơ Nam Kỳ.

Nhưng tự điển dầu được rà soát cách mấy cũng không bao giờ có đủ. Ta thông cảm với Huình Tịnh Của ở điểm nầy.

Nếu bắt khó hơn thì Đại Nam Quấc Âm Tự Vị còn mang khuyết điểm ở chỗ thỉnh thoảng có những mục từ mà tác giả viết chánh tả không đồng nhứt hay những trích dẫn thơ văn quá ít oi lại không ghi xuất xứ. Khuyết điểm thứ nhứt ta có thể hiểu để thông cảm rằng ông Huình Tịnh Của còn đương phân vân giữa cách viết chánh tả chuẩn và cách viết theo giọng đọc mà ông đã nghe. Khuyết điểm thứ hai là bề dầy của quyển sách và mục tiêu mà ông hướng về khác với mục tiêu của nhũng người làm tự điển cho bộ Tự Điển Việt Nam của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội, 1931) hay Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn (Hoa Kỳ, 2009).

Một vài khuyết điểm nhỏ nói trên không đủ để che lấp vô vàn ưu điểm khác của quyển tự điển, đó là một kho kiến thức đồ sộ, một bách khoa từ điển về đời sống nhân văn của người Việt Nam bất cứ ở mặt nào. Lấy một thí dụ nhỏ. Từ chén cho ta hầu như tất cả loại chén thời đó và những sinh hoạt liên quan đến chén (1).

Chén bánh bò | Chén chè | Chén kiểu | Chén đá | Chén cẩm biên | Chén trà chén rượu | Chén thuốc | Chén uống chè |Chén uống rượu | Chén thù chén tạc | Đánh một chén me | Chén ăn | Chén thua | Chén mắt trâu | Chén chỏm chưn | Chén chỏm lòng | Chén chung | Chén bát dùng lâu phải khờn | Lau chén bát | Chén lạu | Chén ngủ liễu | Chén mắt tre | Bát chén mẻ | Chén mích | Nhậm chén rượu |Chén con phụng | Bát rạn chén rạn | Giả chén trà chén rượu | Nói theo chén trà chén rượu | Sứa chén | Chén thánh | Chén ông tiên |

Từ chén mích hơi lạ ta thử coi ông Huình cắt nghĩa ra làm sao:

Chén mích: Chén mẻ một ít.

Tôi chắc rằng ít người biết cái định nghĩa nầy.

Tò mò thử kiếm coi mục từ nào nhiều nhứt: Nói chăng? Nói có 824 mục từ.

Không! Từ làm bứt phá con số nầy, nó có 854 mục từ.

Từ ăn ở con số cũng rất cao, gồm 558 mục từ….

Các từ khác như  nhà (210), cây (361), thuốc (132), ai (106),  cũng thuộc loại  nhiều. Các từ ít hơn cũng ruộng (38) chơi (45), hiền (39), dữ (28), ghét (13), giận (31), thương (87)… nhiều ít tùy thuộc nhiều yếu tố.

Nhìn chung tiếng thuộc về động tác trong loại sinh hoạt thường nhựt của con người chiếm số lớn, những tiếng chỉ vật cụ thể thuộc đời sống xã hội chiếm hạng hai, những tiếng biểu lộ tình cảm thì ít hơn. Những từ thuộc loại chỉ tình trạng hay tiếng mô phỏng âm thanh hoặc mô phỏng hình dạng của đồ vật cũng có mặt nhưng mục từ của những chữ thuộc lại nầy thường có con số 2, 3. Những chữ đồng âm giữa từ Hán Việt và từ Nôm có số mục từ nhiều hơn con số phải có vì  hiện diện  cả  mục từ  của loại Hán và  loại Nôm (từ thương, bình chẳng hạn)

Tóm lại, qua ĐNQÂTV ta có nhiều điều để khảo sát, từ ngôn ngữ, cách viết chữ Nôm cho tới nghĩa xưa và đời sống tinh thần cũng như vật chất (trò chơi, trị bịnh…) của người Việt miền Nam từ khi có phong trào di dân thời các chúa Nguyễn cho tới cuối thế kỷ 19.

Cùng với những đóng góp khác của Huình Tịnh Của ở những công trình phiên âm, giới thiệu những kiến thức cận đại của Âu Mỹ vào thời kỳ nước ta mới tiếp xúc trực tiếp với nước Pháp, một cái tên trường đúng với cách viết của ông là điều cần nên có.

Mong lắm thay!

 

Nguyễn Văn Sâm (CA, Nov. 2, 2015)

________

(1): Bấm vào mỗi từ để xem nghĩa ghi trong ĐNQÂTV


Cái Đình - 2017