Phạm Đình Lân


Năm Tý nói chuyện Chuột

 

Năm 2020 là năm Canh Tý. Canh đứng hạng thứ 7 trong thập can (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quí) có nghĩa là sửa đổi, thay thế, bồi thường, đền bù. Thực tế chữ CANH rất rộng nghĩa, có tốt cũng có xấu. Ở đây chúng ta chỉ bàn về chuyện Chuột mà thôi.

VÀI NÉT TỔNG QUÁT VỀ CHUỘT

Chuột được gọi một cách văn vẻ là Thử. Đó là loại gậm nhấm có xương sống, máu đỏ, sinh con. Tên khoa học của chuột là Mus musculus, thuộc gia đình Muridae. Tên gọi thông thường của chuột là:

Quốc gia

 Tên gọi

Việt Nam

Chuột, Thử (Hán Việt)

Anh

Rat, Mouse (chuột nhà)

Pháp

Rat, Souris

Trung Hoa

Shu (âm thành Thử)

Nhật Bản

Nezumi (chuột lắc), Sozoku (chuột lớn)

Chuột được tìm thấy khắp nơi trên thế giới ngoại trừ Nam Băng Châu. Ngay cả Greenland và Iceland là những vùng băng giá quanh năm cũng có chuột sinh sống. Chuột là loài ăn tạp. Chúng ăn khoai củ, lúa thóc, thảo mộc, thịt, cá và các sinh vật nhỏ khác.

Chuột kiếm ăn ban đêm nhưng thị giác của chuột lại kém. Bù lại thính giác của chuột rất tinh. Khứu giác của chuột rất tốt. Người ta dùng chuột để khám phá bãi mìn, bịnh tật của loài người hay thử nghiệm thuốc. Chuột có thể nghe những tiếng động nhẹ cách xa 10 - 15m dễ dàng. Chuột có bốn chân. Hai chân sau to lớn và mạnh nên chạy và phóng nhảy rất nhanh. Vì vậy mới có nhóm chữ nhanh như chuột lắc.

Trong các loại động vật chuột và thỏ nổi tiếng về khả năng sinh sản. Một con chuột mới sinh được hai hay ba tháng tuổi bắt đầu yêu đương, mang thai và sinh con. Một con chuột cái có thể có từ 24 đến 72 con chuột con trong một năm. Ở Mỹ Châu có lộc thử (deer mouse) mang tên khoa học Peromyscus maniculatis thuộc gia đình Cricetidae sinh 14 lứa trong một năm! Chuột cái vừa sinh đã quan hệ tình dục với chuột đực và mang thai trong vòng 24 giờ đồng hồ sau. Ba mươi ngày sau có thêm một bầy con khác. Mỗi lứa có từ 4 đến 12 con chuột con. Tuổi thọ trung bình của chuột xê dịch từ 1 đến 3 năm.

Chuột là loài gậm nhấm phá hại loài người rất nhiều. Đại cương ta có:

Chuột Đồng Bắc Mỹ (nl.pinterest.com)

Chuột rằn (Zebra mouse) (nl.pinterest.com)

CHUỘT VÀ LOÀI NGƯỜI

Chuột phá hoại hoa màu của loài người vì sự sinh tồn.

Loài người ghét và tìm cách diệt chuột cùng vì sự sinh tồn.

Ngoài những phá hoại trong nhà, ngoài đồng, ngoài đường phố quanh các thùng rác; thân xác của chuột từ nước miếng, nước tiểu đến phân chuột đều có độc chất có thể gây tử vong cho loài người. Bo chét Xenopsylla cheopis trên mình chuột được xem là nguyên nhân gây bịnh dịch hạch. Năm 1347 lục địa Á-Âu bị bịnh dịch càn quét khiến cho hàng triệu người chết.

Chuột mang cho loài người:

Như đã thấy, chuột làm đổ bể đồ đạc trong nhà, phá hại mùa màng ngoài đồng ruộng và gây bịnh tật trong thành phố.Loài người trả đũa lại bằng nhiều phương cách khác nhau:

Chuột cũng mang lại lợi ích cho loài người. Đó là một nguồn thịt to lớn.

Ngày xưa người La Mã ăn thịt chuột ngủ Glis glis thuộc gia đình Gliridae

Người Trung Hoa, Việt Nam và nhiều dân tộc khác trên lục địa Á-Phi-Trung, Nam Mỹ đều ăn thịt chuột. Ở Việt Nam người ta quay chuột như quay gà và làm mắm chuột, khô chuột.

Đền thờ chuột Karni Mata (ảnh internet)

Ở Bihar, Ấn Độ, người ta nuôi chuột và bắt chuột để ăn thịt mặc dù ở Ấn Độ có đền thờ chuột Karni Mata ở Deshnoke, tiểu bang Rajasthan, nơi có hàng chục ngàn con chuột đen Hắc Thử được nuôi dưỡng và sùng kính. Những người ăn thịt chuột nầy bị xem là người thuộc giai cấp hạ lưu. Họ được gọi là Musahar, nghĩa là người ăn chuột. Người ta còn bắt chuột con mới sinh còn đỏ hồng ngâm rượu để uống như rượu thuốc. Rượu nầy dành cho các sản phụ mới sinh uống phục hồi sức khỏe. Như đã thấy, chuột được dùng để thử thuốc, nghiên cứu bịnh Alzheimer, chứng cao huyết áp, giúp các nhà y học chữa dây cột sống bị tổn thương.

Trong Thánh Kinh Do Thái chuột bi liệt vào vật dơ bẩn, không được phép ăn thịt.

Trong Ấn Giáo chuột được xem là hiện thân của nữ Thần Durga.

Trong huyền thoại Hy Lạp chuột liên hệ đến Thần Apollo.

Trong huyền thoại Nhật Bản chuột là sứ giả của Thần Daikoku, thần tài sản, sự phồn thịnh, Thần bảo vệ đất đai. Ngày xưa người Nhật tin rằng chuột ăn bánh đầu năm thì năm ấy được mùa.

Năm 1960 có hai con chuột ngồi trên phi thuyền Sputnik của Liên Sô.

Ở Đức có Tháp Chuột (Mouse Tower) tức Maus Turm nằm trên một hòn đảo trên sông Rhine.

Chuột Mickey Mouse của Hoa Kỳ được nhi đồng thế giới ưa chuộng.

Chữ Mouse (Chuột) được thịnh hành kể từ khi thế giới bước sang thời đại computer.

Chữ Rat trong tiếng Anh còn có nghĩa là kẻ phản bội, phản đảng.

Trong Thiên Văn học có chòm sao Thiên Hà Thử (Mice Galaxies).

Ở Việt Nam có chuyện Trinh Thử, tranh vẽ Đám Cưới Chuột đầy duyên dáng. Tô Hoài có tác phẩm O Chuột.

Tranh đám cưới chuột (tranh Đông Hồ)

Ở Việt Nam có một chuyện kể liên quan đến chuột được lưu truyền như sau:

Ngày xưa có một ông quan thanh liêm. Ông giúp đỡ nhiều người vì óc công bằng và lòng nhân đạo mà thôi.

Một hôm nhân lúc ông đi vắng, có một người mang một bao tiền đến đưa cho vợ ông. Bà vợ hỏi:

“Tiền gì vậy?”

“Đó là tất cả tấm lòng biết ơn của tôi đối với quan lớn. Quan lớn đã cứu tôi. Tôi có bổn phận đền ơn quan lớn.” Người đàn ông đáp.

“Không được. Ông mang tiền về đi. Ông tôi biết được thì ông quở trách tôi.” Vợ ông quan nói.

Người đàn ông nài nỉ mãi, vợ ông quan vẫn khăng khăng khước từ. Người đàn ông liền hỏi tuổi ông quan.

“Tôi không nhớ rõ. Nghe ổng nói thì ổng tuổi con chuột.” Vợ ông quan nói.

Ít hôm sau người đàn ông mang một con chuột bằng vàng đến tặng vợ ông quan. Lần nầy bà không có lý do khước từ. Bà cám ơn người đàn ông và đem tượng thử tộc bỏ vào hộc tủ khóa lại cẩn thận.

Thời gian trôi qua, ông quan đến tuổi về hưu. Tiền bạc dành dụm không nhiều nên cuộc sống của hai vợ chồng càng ngày càng trở nên khó khăn.

Một hôm bà vợ nghĩ đến việc dùng một phần vàng trong con chuột để mua rượu thịt cho chồng ăn sau nhiều năm khổ cực và ăn uống thiếu thốn. Ông chồng ngạc nhiên hỏi do đâu bà có tiền để mua rượu thịt. Người vợ thuật lại câu chuyện về cái túi bạc và con chuột vàng. Bỗng người chồng tức ông quan thanh liêm trước kia trách vợ: “Sao bà không nói tôi tuổi Sửu mà nói tôi tuổi Tý?”

Ngôn ngữ Việt Nam đề cập nhiều đến chuột như:

Cháy nhà ra mặt chuột.

Chuột đội vỏ trứng (người đạo đức giả).

Chuột sa hũ nếp (nam nhân nghèo nhưng có vợ giàu).

Chuột gặm chân mèo (không biết lượng sức khi gặp một đối thủ mạnh hơn).

Chuột cắn dây buộc mèo (dại dột khi cứu kẻ hại mình).

Thử dịch (bịnh dịch hạch do vi khuẩn Yersinia pestis do bọ chét Xenopsylla cheopis trên thân chuột gây ra).

Thử mục (mắt láo liên, lém lỉnh).

Thử độn (trốn chui như chuột).

Rễ đuôi chuột (Rễ dài ăn sâu dưới đất để tìm nước nuôi cây. Cây đứt rễ đuôi chuột thì không sống được).

Thèo lèo cứt chuột (trà liệu: kẹo ăn để uống trà – theo phong cách Trung Hoa. Đó là kẹo do người Hoa làm từ đậu phọng, mè đen và đường thắng đặc. Kẹo bán vào dịp Tết ở Việt Nam).

Các thầy tướng Đông Phương cho rằng người có tai nhỏ như tai chuột thì không thọ và người có mặt chuột thì không phải là đấng trượng phu quân tử.

Bị chuột cắn quần áo là điềm xui xẻo.

Bị chuột cắn cũng nguy hiểm như bị chó dại cắn vì nước miếng chuột rất độc.

Chuột vô nhà báo hiệu sắp có tiểu nhân quấy nhiễu, gây phiền.

Trong thực vật học có:

Chuột đứng đầu trong 12 con giáp. Năm con chuột được gọi là năm Tý. Năm Tý là năm Dương (+) đi kèm với can dương: Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm. Cứ 60 năm ta có năm cùng can chi. Thí dụ: Năm 1960 là năm Canh Tý. 1960 + 60 = 2020 cũng là năm Canh Tý. Tháng Tý là tháng 11 Âm Lịch.

Năm

  Hành

   Màu

Giáp Tý

  Kim

  Trắng

Bính Tý

 Thủy

   Đen

Mậu Tý

  Hỏa

    Đỏ

Canh Tý

 Thổ

  Vàng

Nhâm Tý

 Mộc

  Xanh

Tuổi Tý hợp với: Thìn, Thân và Sửu. Không hợp với: Ngọ, Mão, Dậu và Mùi.

Trong số đề 40 con, chuột mang số 15 trước con ong (số 16) và sau con mèo rừng (số 14).

BIẾN CỐ CHÁNH TRỊ VÀO NĂM TÝ TRONG THẾ  KỶ XX

1900: Bát Quốc Liên Quân đánh dẹp Nghĩa Hòa Đoàn ở Beijing (Bắc Kinh); William Mc Kinley (Cộng Hòa) đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, phó tổng thống là Theodore Roosevelt; Nga chiếm 56 làng ở phía đông Hei Longjiang (Hắc Long Giang), trục xuất 30.000 thần dân Thanh triều ra khỏi nhà; Nga hoàng Nicholas II ra tuyên ngôn Nga hóa Phần Lan (Phần Lan phải chấp nhận Nga ngữ là quốc ngữ); chến tranh Boer lần thứ nhì (Nam Phi); tàu hải quân Nga đến Triều Tiên khiến Nhật Bản đặc biệt lưu ý đến.

1912: Phan Bội Châu thành lập Việt Nam Quang Phục Hội ở Trung Hoa; Woodrow Wilson (Dân Chủ) đắc cử tổng thống Hoa Kỳ; tàu Titanic chìm; Sun Yatsen (Tôn Dật Tiên): tổng thống Dân Quốc Trung Hoa (Dân Quốc: Cộng Hòa) rồi nhường chức cho Yuan Shikai (Viên Thế Khải); nhà Thanh (Qing) cáo chung sau 286 năm ngự trị ở Trung Hoa; Thế Vận Hội Mùa Hè ở Stockholm (Thụy Điển); thợ mỏ vàng dọc sông Lena (Nga) đình công bị thảm sát; thành phố Tokyo tặng Washington DC 3.000 cây anh đào; chiến tranh Balkans chống đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ); đoàn thám hiểm Hoa Kỳ đến Nam Cực; Nhật hoàng Meiji (Minh Trị) băng hà; sự chào đời của Quốc Dân Đảng (Kuomintang).

1924: Anh Quốc nhìn nhận chánh quyền Liên Sô; Lenin chết; cuộc tranh chấp quyền hành ngấm ngầm giữa Stalin và Trotsky; chánh quyền Anh bắt nhà cách mạng Chandra Bose của Ấn Độ; Edgar Hoover được bổ nhiệm làm giám đốc FBI; vụ thảm sát công nhân đốn mía người Phi Luật Tân trên đảo Kaua’i, Hawaii; Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh sau nầy) sang Moscow thụ huấn để trở thành một Cominterchik (cán bộ Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản); Phạm Hồng Thái, đoàn viên Tâm Tâm Xã, một tổ chức của các đảng viên trẻ của Việt Nam Quang Phục Hội chủ trương bạo động, ám sát hụt toàn quyền Merlin ở Guangzhou (Quảng Châu), thất bại ông nhảy xuống sông tự sát; Calvin Coolidge (Cộng Hòa) thắng cử ở Hoa Kỳ.

1936: Mặt Trận Bình Dân (Front Populaire) do Léon Blum đứng đầu (Pháp); có từ 1 triệu – 2,5 triệu đoàn viên Tổng Liên Đoàn Lao Công Pháp (CGT: Confédération Générale du Travail) đình công; kiến trúc thủy tinh không cửa sổ hoàn thành ở Toledo, Ohio; Thế Vận Hội ở Đức; Hitler thông báo việc sản xuất xe hơi Nhân Dân (Volkswagen – Beetle); Franklin D. Roosevelt (Dân Chủ) đắc cử tổng thống nhiệm kỳ hai; Hitler tuyên bố hủy bỏ hiệp ước Versailles ký năm 1919; Ý xâm lăng Ethiopia; Trục Phát Xít Đức-Ý-Nhật hình thành; chương trình thành lập Mông Biên Quốc (Mengjiang - Nội Mông), bù nhìn của Nhật như Mãn Châu Quốc; tướng Franco và nội chiến Tây Ban Nha bắt đầu.

1948: Miến Điện độc lập; Anh quốc hữu hóa thiết lộ để lập ra British Railways; Mahatma Gandhi bị ám sát chết; Thế Vận Hội Mùa Đông ở Thụy Sĩ; Liên Bang Mã Lai (Liên Hiệp Mã Lai + đảo Penang + bán đảo Malacca); Cộng Sản nắm chánh quyền ở Tiệp Khắc; kế hoạch Marshall dành 5 tỷ Mỹ kim viện trợ cho 16 quốc gia; cuộc nổi dậy của dân đảo Jeju (Tế Châu), Nam Hàn với hàng chục ngàn người chết; tổ chức Y Tế Thế Giới WHO; sự ra đời của quốc gia Do Thái; chiến tranh Do Thái-Á Rập; phong tỏa Berlin; Tito của Nam Tư đoạn tuyệt với Stalin; động đất Fukui ở Nhật (3.769 người chết); sự ra đời của Cộng Hòa Dân Chủ Triều Tiên (Bắc Hàn); Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) làm thủ tướng; Huynh Đệ Hồi Giáo ám sát thủ tướng Ai Cập Mahmut Fahmi Nokrashi; con khỉ Albert I được đưa lên không gian từ White Sands, New Mexico.

1960: John F. Kennedy (Dân Chủ) đắc cử tổng thống Hoa Kỳ; sự ra đời của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch; Hoa Kỳ hứa sẽ gởi 3.500 quân sĩ sang Nam Việt Nam; tổng thống Nam Hàn Syngman Rhee (Lý Thừa Vãn) bị lật đổ; phi cơ do thám U-2 của Hoa Kỳ bị Liên Sô bắn hạ, phi công bị bắt và bị xử 10 năm tù; tình báo Mossad của Do Thái bắt cóc Adolf  Eichmann ở Argentina, người tự hào nhảy múa trên 6 triệu xác chết của người Do Thái trong đệ nhị thế chiến; vệ tinh Sputnik-4 của Liên Sô được phóng lên không gian; Anh trả độc lập cho đảo Cyprus (Địa Trung Hải); sự ra đời của OPEC (tổ chức các quốc gia xuất cảng dầu hỏa  - Organization of the Petroleum Exporting Countries) gồm Iran, Iraq. Kuwait. Saudi Arabia, Venezuela; biểu tình ở Algeria khi tổng thống De Gaulle thăm viếng: 127 người chết.

1972: Đông Hồi (Đông Pakistan) trở thành Cộng Hòa Bangladesh; tổng thống Ali Bhutto của Pakistan có chương trình sản xuất bom nguyên tử; Thế Vận Hội Mùa Đông ở Sapporo, Nhật; tổng thống Nixon thăm viếng Trung Quốc lần đầu tiên; Cộng Sản miền Bắc tấn công Bình Long, Kontum, Quảng Trị; Hoa Kỳ oanh tạc Hà Nội, Hải Phòng bằng B-52; vụ Watergate bắt đầu nhen nhúm; tổng thống Nixon đại thắng cuộc bầu cử nhiệm kỳ hai; tổng thống Sadat của Ai Cập trục xuất 20.000 cố vấn Liên Sô; 11 lực sĩ Do Thái tham dự Thế Vận Hội Munich, Tây Đức, bị thảm sát; bang giao Nhật-Trung Quốc; Hoa Kỳ trả Okinawa cho Nhật; bà Imelda Marcos, phu nhân của tổng thống Phi Luật Tân Marcos, bị thương nặng vì bị đâm, hung thủ bị cận vệ của bà bắn chết; Apollo 17 đáp xuống cung trăng.

1984: Andropov chết, Konstantin Chernenko lên thay làm tổng bí thơ đảng Cộng Sản Liên Sô; Thủy Quân Lục Chiến Mỹ rút khỏi Beirut, Lebanon; Liên Sô tẩy chay Thế Vận Hội Los Angeles; Liechtenstein là quốc gia cuối cùng ở Âu Châu cho phép phụ nữ đầu phiếu; 500.000 người biểu tình ở Manila chống tổng thống Marcos; nữ thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi bị ám sát chết; Ronald Reagan đại thắng trong cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ hai; Trung Quốc và Anh ký bản Tuyên Bố Chung quyết định tương lai của Hong Kong.

1996: Xô xát giữa quân sĩ Phi Luật Tân và người tỵ nạn Việt Nam bị cưỡng bách hồi hương; Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cho Nga vay 10,2 tỷ Mỹ kim để cải cách kinh tế; Do Thái tấn công Lebanon, trả đũa những cuộc tấn công khủng bố của Hamas và Hezbollah; tổng thống Yeltsin đắc cử nhiệm kỳ hai trong vòng hai; Thế Vận Hội Atlanta; Bill Clinton (Dân Chủ) tái đắc cử nhiệm kỳ hai; Taliban chiếm Kabul, bắt cóc Najibullah từ văn phòng Liên Hiệp Quốc trong thành phố và hành quyết sau khi tra tấn, đánh đập.

2008: Iran có trung tâm không gian và phóng hỏa tiễn vào không gian lần đầu tiên; Kosovo tuyên bố độc lập; động đất 7,9 ở Sichuan (Tứ Xuyên) làm chết 87.000 người; Quốc Hội Nepal bỏ phiếu chấm dứt chế độ quân chủ 240 tuổi để thành lập nền Cộng Hòa; Thế Vận Hội Beijing (Bắc Kinh); khủng hoảng tài chánh thế giới; Barack Obama (Dân Chủ) đắc cử tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ và là vị tổng thống da đen đầu tiên của Hoa Kỳ.

Tranh chuột rước đèn (ảnh internet)

NHÂN VẬT NỔI DANH TRÊN THẾ GIỚI SINH VÀO NĂM TÝ

Nhiều nhân vật nổi danh trên thế giới sinh vào năm Tý. Nam nhân sinh vào năm Giáp Tý hay Nhâm Tý được xem là cực quí.

Hoa Kỳ có hai tổng thống sinh vào năm Giáp Tý 1924. Đó là tổng thống Jimmy Carter (Dân Chủ) và George H.W. Bush (Cộng Hòa). Tổng thống Mugabe của Zimbabwe, Kim Dae Jung của Nam Hàn đều tuổi Giáp Tý. Hai thủ tướng Nhật tuổi Giáp Tý là Noboru Takechita và Tomiichi Murayama.

Bà Ngô Đình Nhu (Trần Lệ Xuân), Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, tướng Alexander Haig đều sinh vào năm Giáp Tý. Mỗi người được nổi danh theo cách riêng.

Các nhà lãnh đạo như Kim Il Sung (Kim Nhật Thành – 1912), Michel Debré (Pháp – 1912), Erich Honecker (Đông Đức – 1912), Silvo Berlusconi (Ý – 1936), Frederic W. De Klerk (Nam Phi – 1936), Thái Tử Anh Charles (Anh – 1948), Al Gore (Hoa Kỳ – 1948), Hassan Rouhani (Iran – 1948), Yulia Tymoshenko (Ukraine  – 1960), Benigno Aquino III (Phi Luật Tân – 1960) v.v. đều sinh vào năm Tý. Bà Eva Braun, hôn thê của Hitler vào phút chót hấp hối của chế độ Đức Quốc Xã, sinh vào Nhâm Tý 1912.

Các ông Foster Dulles (ngoại trưởng Hoa Kỳ - 1888), Mc Cain (nghị sĩ Hoa Kỳ – 1936), Jon Huntsman Jr. (đại sứ – 1960), Elena  Kagan (nữ thẩm phán Tối Cao Pháp Viện – 1960) đều sinh vào năm Tý.

Có hai vị Giáo Hoàng sinh vào năm Tý: Giáo Hoàng John Pauli I sinh năm 1900 và Giáo Hoàng Francis sinh năm 1936.

Chúng tôi sẽ không ghi tiểu sử các nhân vật mà ai cũng biết, trái lại sẽ nêu bật tên tuổi của vài nhân vật ít được biết đến.

SELMAN WAKSMAN (1988 – 1973) (hình: https://www.famousscientists.org/)

Selman Waksman là một nhà vi trùng học và sinh hóa học. Ông xuất thân từ một gia đình Do Thái ở Ukraine. Ông chào đời trong một thành phố nhỏ ở Ukraine, Novaya Priluka, thời đế quốc Nga. Dưới thời Nga hoàng người Do Thái bị kỳ thị, nhất là ở nông thôn.

Vì có một người chị chết vì chứng bạch hầu và sống gần nơi canh tác cây lương thực thường bị sâu rầy phá hại, ông nghĩ nhiều đến vi trùng và cách chữa trị bịnh vi trùng cho người lẫn cây lương thực.

Với lý lịch Do Thái ông khó được học đại học ở Nga. Năm 1910 ông theo một người bà con sang Hoa Kỳ. Ông đến New Jersey và làm nghề nông. Ông học đại học Rutgers ở New Jersey, lấy cử nhân năm 1915, cao học khoa học năm 1916. Ông làm việc cho một sở nông nghiệp. Năm 1918 ông lấy tiến sĩ về hóa sinh. Ông khám phá ra streptomycine (chữa bịnh lao – TB) và 15 loại trụ sinh khác. Ông viết 28 quyển sách khoa học và 400 bài khảo cứu về hóa sinh và vi trùng học. Năm 1952 ông lãnh giải thưởng Nobel về y học. Ông được Nhật và Pháp ban những huy chương cao quí nhất của hai nước nầy.

NIKOLAI BUKHARIN (1888 – 1938) (hình: https://foreignpolicyi.org/)

Nikolai Bukharin  là một nhà trí thức, nhà kinh tế học, nhà báo, đảng viên Bolshevik thuần thành. Ông tham gia cuộc nổi dậy ở Nga năm 1905 sau khi Nga bị Nhật đánh bại trên eo biển Tsushima. Ông có cuộc đời hoạt động sống động khi học đại học Moscow. Dưới thời Nga hoàng ông bị bắt nhiều lần. Năm 1906 ông sớm gia nhập đảng Dân Chủ Xã Hội. Bị chánh quyền Nga hoàng ruồng bắt, ông chạy trốn sang Tây Âu, nơi ông hoạt động cùng với Lenin và Trotsky.

Khi cách mạng 1917 bùng nổ, ông trở về Nga và hoạt động với tư cách một đảng viên Bolshevik thuần thành tuyệt đối tin tưởng vào chủ nghĩa quốc tế (Internationalism). Ông ủng hộ chánh sách NEP (Kinh Tế Mới) của Lenin năm 1921.

Năm 1924 Lenin mất. Bukharin liên minh với Stalin chống phe Trotsky. Sau khi Zinoviev bị hạ bệ, ông được đưa lên làm tổng bí thơ Đệ Tam Quốc Tế (Comintern) vào năm 1926. Đến năm 1929 Stalin loại ông ra khỏi Bộ Chánh Trị và không cho ông trông coi tờ Pravda nữa. Năm 1937 ông bị bắt bí mật và bị xử tử năm 1938 trong thời kỳ Đại Thanh Trừng của Stalin. Năm 1988 Bukharin mới được phục hồi danh dự.

Vài đặc điểm của Stalin cần được lưu ý:

VON BRAUN (1912 – 1977) (hình: https://commons.wikimedia.org/)

Von Braun sinh năm 1912 trong thành phố Wirsitz, tỉnh Posen, Đức quốc. Cha ông là tổng trưởng bộ Canh Nông thời Cộng Hòa Weimar (1919 – 1933). Mẹ ông có liên hệ huyết thống với các vua Pháp, Đan Mạch và Anh thời Trung Cổ.

Thuở ấu thời mẹ ông cho ông một kiếng thiên văn. Không ngờ vật nầy làm cho ông yêu thích thiên văn học. Ông có mộng lên cung trăng.

Von Braun không giỏi về vật lý và toán học. Nhưng ông cương quyết trau dồi và học hỏi hai môn học nầy ở bậc đại học. Năm 1932 ông là kỹ sư cơ khí ở tuổi 20. Ông quyết học vật lý, hóa học và tinh tú học tại đại học Frederich-Wilhelm ở Berlin và lấy tiến sĩ về vật lý năm 1934. Lúc ấy Hitler nắm chánh quyền. Là người Đức, ông phải phục vụ cho chánh quyền Đức Quốc Xã trong thời gian từ 1937 đến 1945. Ông phải gia nhập đảng Quốc Xã. Ông là cha đẻ của hỏa tiển V2 (Vergeltungwaffe – Vengeance 2) nhắm vào thành phố Antwerp của Bỉ và London của Anh vào năm 1944.

Khi Đức đầu hàng Đồng Minh, Von Braun và 1.600 khoa học gia, kỹ thuật gia Đức không muốn đầu hàng Liên Sô mà đầu hàng Hoa Kỳ. Ở Hoa Kỳ ông phát triển việc sản xuất hỏa tiễn và là cha đẻ  của ngành không gian Hoa Kỳ.

Năm 1957 Liên Sô phóng vệ tinh nhân tạo lên không gian. Năm 1958 Hoa Kỳ chạy đua với Liên Sô trong việc phóng vệ tinh nhân tạo. Năm 1961 Alan Shepard Jr. là phi hành gia Hoa Kỳ đầu tiên đi vào quỹ đạo trái đất. Năm 1969 phi thuyền Apollo XI cho người đáp xuống mặt trăng. Năm 1971 Alan Shepard Jr. là phi hành gia thứ 5 của Hoa Kỳ đi trên mặt trăng (Apollo 14). Von Braun có chương trình đưa người lên Hỏa Tinh. Hiện nay Hoa Kỳ thực hiện chương trình nầy.

Ông mất năm 1977 vì ung thư lá lách ở Alexandria, Virginia.

Hitler bài Do Thái. Albert Einstein, Henry Kissinger,… rời bỏ Đức sang Hoa Kỳ.

Hitler bại trận. Von Braun và 1.600 khoa học gia, kỹ thuật gia lỗi lạc của Đức đầu hàng sang Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ là nơi đón nhận người bị đàn áp, bị áp bức (Do Thái như Einstein) và người bại trận (Đức Quốc Xã như Von Braun). Hoa Kỳ biến họ trở thành những người hữu dụng và nổi danh có lợi cho chính họ và cho Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Đó là nơi những kẻ thù xưa gặp nhau, quên đi chuyện hận thù cũ để cùng nhau sống yên vui hạnh phúc trong cảnh thái bình và thịnh vượng mà họ có góp phần cống hiến.

CHEN SHIUNG WU (1912 – 1997) (hình: https://www.newscientist.com/)

Bà Chien Shiung Wu là một nhà khoa học nguyên tử của Hoa Kỳ gốc Trung Hoa. Bà sinh năm 1912 tại Liuhe (Liễu Hà), tỉnh Jiangsu (Giang Tô). Bà là một nữ sinh xuất sắc nổi tiếng trong trường Nữ Sư Phạm Suzhou (Tô Châu). Với sự thông minh thiên phú của bà, bà khó chấp nhận làm một nữ giáo viên tầm thường. Bà ghi danh học đại học Nanjing năm 1929. Thời bấy giờ Nanjing là thủ đô của chánh phủ Quốc Dân Đảng do Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) đứng đầu.

Năm 1936 bà sang Hoa Kỳ và học ở đại học Berkerley, California. Năm 1940 bà trình luận án tiến sĩ. Năm 1942 bà kết hôn với Luke Chia-Liu Yuan, một nhà khoa học, cháu nội của tổng thống Yuan Shikai (Viên Thế Khải). Yuan đến Hoa Kỳ trước bà và là người khuyến khích bà học ở Berkeley thay vì ở đại học Michigan.

Năm 1944 bà Chien Shiung Wu là phụ nữ gốc Hoa duy nhất trong dự án Manhattan nhằm mục đích sản xuất trái bom nguyên tử đầu tiên cho Hoa Kỳ. Năm 1945 bà là giáo sư đại học  Columbia. Bà quen với hai nhà vật lý Hoa Kỳ gốc Hoa là Tsung-Dao Lee và Chen Ning Yang. Cả hai được giải thưởng Nobel về Vật Lý năm 1957.

Bà Chien Shiung Wu được ví như một Marie Curie gốc Hoa. Bà tách Uranium kim loại ra U-235 và U-238 isotopes. Bà được giải thưởng Comstock về Vật Lý (1964), giải thường Bonner (1975), huy chương Khoa Học (1975) và giải Wolf (1978).

Năm 1973 bà về lục địa thăm mồ mả ông bà. Bà đau đớn khi thấy mồ mả của cha mẹ bà bị phá hủy. Thủ tướng Zhou Enlai (Châu Ân Lai) tiếp bà, an ủi và xin lỗi về chuyện đáng tiếc xảy ra trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa (1966 – 1976).

Bà Chien ShiungWu mất năm 1997 tại thành phố New York.

PEGGY WHITSON (1960 - ) (hình: https://www.esa.int)

Peggy Whitson là nữ phi hành gia Hoa Kỳ sinh năm 1960 tại Beaconfield, Iowa.

Bà lấy cử nhân về sinh vật học ở trường đại học Wesleyan, Iowa năm 1981. Bà lấy tiến sĩ về hóa học ở đại học  Rice, Texas, năm 1985. Bà làm việc cho Trung Tâm Không Gian Johnson ở Houston, Texas.

Bà Peggy Whitson được đưa vào không gian ba lần vào năm 2002, 2007 và tháng 11 năm 2016. Trong chuyến du hành không gian thứ ba bà khởi hành từ Kazakhtan mãi đến tháng 9 năm 2017 mới trở về Trái Đất.

Bà phải mất 10 năm xin làm phi hành gia mới được chấp nhận. Bà có thời gian sống trên không gian dài nhất: 665 ngày 22 giờ 22 phút.

Năm 2017 bà về hưu và được xem là phi hành gia lớn tuổi nhất.

.

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.


Cái Đình - 2020