Đào Viên


Một cuộc viếng thăm “lịch sử”

Hỏi: "Tại sao người lại mất công đến nhà tù rửa chân cho chúng tôi?"
Đáp: "Những việc làm từ con tim đâu cần giải thích”.

- - - - Jorge Mario Bergoglio (1) - - - -

Lời nói đầu – Nhiều người Việt Nam, ít hay nhiều, đã phải trải qua khnạn của người dân di cư vì chiến tranh. Cả trăm ngàn người di cư từ Bắc vào Nam những năm 53-60, từ đất liền ra biển những năm 74-80 với nhiều cướp bóc, chết chóc, trong một cuộc nội chiến, nồi da nấu thịt, chỉ vì khác biệt ý thức hệ.

Ngày nay bên Trung Đông, cũng có cả trăm ngàn người dân phải trốn tránh vì chiến tranh, một cuộc chiến tranh đượm mùi Tôn giáo. Họ phải vượt biển để đến những nơi an toàn hơn. Nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu, chẳng ai muốn chứa chấp họ. Rút cục họ bị giam lỏng trong những nhà tù khổng lồ.

Nỗi khổ của họ nào ai hay.

Cho đến khi có một người động lòng thương xót…

***

Một chuyến phi cơ đến một hòn đảo

Hôm ấy là ngày 16 tháng 4, 2016, một chiếc phi cơ Alitalia thuê bao đã đáp xuống phi trường Mytilene của hòn đảo Lesbos thuộc nước Hy Lạp (Greece). Bước xuống phi cơ là đức Giáo Hoàng Francis cùng đoàn tùy tùng của Tòa Thánh Thiên Chúa giáo La Mã. Theo sau là những phóng viên nhà báo. Đây là mộc cuộc viếng thăm bất ngờ của Ngài đến Trung tâm Moria, nơi đang giam giữ trên 30.000 dân tỵ nạn chiến tranh đến từ nhiều nơi tiếp giáp với biển Địa Trung Hải (Sea Mediterrannean).

Phi cơ Alitalia đến phi trường Mytilene

Từ nhiều năm nay cả trăm ngàn ngưòi tỵ nạn chiến tranh, trên những chiếc thuyền mong manh, đã tìm cách vượt biển đến Hy Lạp, để tìm đường đến các nước Tây Âu. Nhiều người đã chết đuối trên biển cả, không tới bờ, trong số này có một em bé mà thi hài đã trôi dạt vào bờ xứ Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey). Hình ảnh một em bé nằm bất động, một mình không người thân đã nói lên cuộc khủng hoảng lớn lao của người tỵ nạn chiến tranh. 

Em bé chết đuối rạt vào bờ

Theo thống kê của Hy Lạp, trong năm vừa qua đã có 89.443 người tỵ nạn đến đảo Lesbos. Hiện nay có 4.142 người trong Trung tâm tỵ nạn Moria. Trong số này có 3.525 người muốn được ở lại Hy Lạp dưới quy chế người tỵ nạn chính trị.

Khi phi cơ hạ cánh xuống phi trường Mytilene, Giáo Hoàng Francis đã hội kiến riêng với Thủ tướng Hy Lạp, ông Alexis Tsipras, trước khi vào Trung tâm Moria, tại đây dân tỵ nạn chờ đợi để biết số phận mình ra sao. Ông Thủ tướng Hy Lạp tuyên bố với các nhà báo: Đây là cuộc Viếng thăm "lịch sử", trong khi đó nhiều nước bạn chúng ta, tự nhận là dân nước Chúa, lại dựng hàng rào, dựng tường cao, cấm đoán những kẻ khốn cùng tìm đường đến nơi sống an bình hơn.

Francis hội kiến với Thủ tướng Hy Lạp

Cùng với Giáo Hoàng của Tòa Thánh La Mã, còn có hai vị lãnh đạo nhà thờ Chính Thống giáo, Eastern Orthodox Christian church, là các Ngài Archbishop Ierorymos II và Patriarch Bartholomew.

Ngài Archbishop Ierorymos II, lãnh tụ nhà thờ Chính Thống Giáo Hy Lạp đã nói Địa Trung Hải không thể là một nấm mồ cho những kẻ xấu số. Họ phải được lên bờ, không sợ hãi, vui vẻ tiếp tục sống cuộc đời của mình.

Những quốc gia tiếp giáp với biển Địa Trung Hải tại đó đang có chiến tranh tiếp diễn hoặc có nguy cơ chiến tranh bao gồm các nước Lybia, Syria, Lebanon, dải Gaza, Iraq. Tất cả là những nước theo Hồi giáo (Islam).

Ngài Giáo Hoàng Francis vào Trại Tỵ nạn

Đến trại Moria, Giáo Hoàng Francis thong thả tiến vào giữa hàng dân tỵ nạn đang đứng chờ, phần lớn là người theo đạo Hồi (Islam). Nhiều người đứng sau đã phải giơ cao cái điện thoại tay cầm để chụp ảnh Ngài. Có người giơ cao một em bé để trông thấy Ngài. Giáo Hoàng Francis bước vào một cái lều lớn. Ngài trông thấy một bà mẹ Hồi giáo đầu có khăn che đang bế con nhỏ. Một đứa trẻ đến gần và đưa biếu ngài một hình vẽ bằng bút chì. Trong lều có rất đông gia đình. Một người đàn bà tiến đến xin Giáo Hoàng chỉ cách tìm thuốc men để chữa trị đứa con bà ta đang bị ung thư xương. Một người đàn ông đã khóc khi Ngài Giáo Hoàng đặt tay lên đầu ông ta. Ông này liên tiếp kêu lên:" Đức Thánh Cha, xin ngài hãy cứu con!"

Một đứa trẻ hôn tay Francis

Ngài Giáo Hoàng vào Trung tâm Moria được hoan hô nhiệt liệt. Nhiều người tỵ nạn đã quỳ xuống dưới chân ngài, khóc không thôi. Nhiều người khác hô lớn: "Tự do! Tự do". Ngài trả lời "Các con không bị bỏ rơi đâu". Ngài đã nói với người dân tỵ nạn: "Tôi rất mong tất cả các anh chị em trên thế giới sẽ là những Mạnh Thường Quân đến đây giúp quý vị trong tinh thần huynh đệ, đoàn kết và tương kính". Cùng với Giáo Hoàng Francis, hai ngài Trưởng phụ đạo Công giáo Chính thống Patriarch Bartholomew và Archbishop Ierorymos đã ra hải cảng chính của đảo Lesbos và ném xuống biển những vòng hoa tưởng niệm để nhớ tới những dân tỵ nạn chết ngoài biển khơi không tới Tây Âu được.

Chuẩn bị ném vòng hoa tưởng niệm

Đứng ngay chỗ trước đây hai tuần, đội tuần cảnh của Chính quyền Liên minh Tây Âu (Europeen Union) đã dẫn độ một số dân tỵ nạn trở về Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm mục đích ngăn cấm họ đến Liên Âu, Ngài Giáo hoàng đã lớn tiếng yêu cầu thế giới đừng nghĩ đến việc dựng tường làm hàng rào. Ngài cũng không quên cám ơn thường dân đảo Lesbos đã mở lòng chia sẻ ít nhiều với người tỵ nạn. Ngài nói: "Thiên Chúa sẽ trả lại họ tấm lòng quảng đại này".

Thêm một bất ngờ

Ngài Francis đến thăm trại tỵ nạn đã là một bất ngờ thích thú cho tất cả mọi người. Bất ngờ hơn nữa là ngài đã quyết định mang về La Mã trên chuyến phi cơ riêng của ngài 12 người tỵ nạn Hồi giáo đến từ Syria. Trong số này có 6 trẻ em. Họ thuộc 3 gia đình: Hai gia đình đến từ thủ đô Damascus và một gia đình từ thành phố Deir al Zour nước Syria. Nhà cửa của họ đã bị dội bom tan nát trong chiến tranh. Về chuyện này, Tòa Thánh ra một thông cáo ngắn nói rằng Ngài chỉ muốn tỏ lòng hoan nghênh những người tỵ nạn vì chiến tranh. Trong một bữa cơm trưa, ngay tại Trung tâm Moria, với sự hiện diện của hai vị lãnh đạo nhà thờ Chính Thống giáo, Eastern Orthodox Christian Church đức Giáo Hoàng đã tuyên bố:

"Chúng tôi đến nơi đây để kêu gọi thế giới hãy lưu tâm đến cuộc khủng hoảng nhân loại nghiêm trọng này và tìm cách giải quyết chung. Chúng tôi – những nhà tôn giáo – cũng muốn nói lên là Thế giới cần chứng kiến những cảnh đau khổ đang cần giúp đỡ này để có những hành động xứng đáng với tình nhân loại của chúng ta". Trên chuyến phi cơ trở về La Mã, Ngài Giáo Hoàng đã nói với các phóng viên nhà báo rằng quyết định đưa 3 gia đình tỵ nạn không phải là chuyện ngẫu hứng mà thực ra đã được tính toán trước giữa Tòa Thánh (Catholic Charitable Association Sant'Egidio) và chính quyền các quốc gia Ý Đại Lợi và Hy Lạp.

Mọi người lên phi cơ trở về Ý

Ngài Giáo Hoàng không giải thích tại sao Ngài đã chọn 3 gia đình đó. Ngài chỉ nói: "Họ là khách được mời của chúng tôi". Ngài đưa cho các phóng viên hai tấm hình vẽ trẻ em Trung tâm Moria đã biếu Ngài. Một cái vẽ mấy đứa trẻ tỵ nạn đang chết đuối trên biển, một cái vẽ mặt trời đang khóc. Ngài nói: "Mặt trời mà còn khóc được (trước thảm cảnh nhân loại), thì chúng ta cũng khóc được"  

Lời phát ngôn này làm một phóng viên nhà báo nghĩ tới tác phong của một tu sĩ Thiên Chúa giáo theo dòng khổ hạnh Jesuite xứ Á Căn Đình (Argentina) nhiều năm trước. Đã làm đến một vị Tổng Giám Mục mà ông không chịu dời về ở một lâu đài dành riêng cho Tổng Giám Mục mà chỉ vẫn ở ngôi nhà cũ, tự nấu ăn lấy một mình, đi đâu vẫn đi xe buýt, không dùng xe hơi, lâu lâu vẫn đến những xóm nghèo ổ chuột bị bỏ quên – Olvios – để nghe ngóng tình trạng con chiên của mình. Người tu sĩ này tên là Jorge Mario Bergoglio, chính là vị Giáo Hoàng tương lai.

Tổng Giám Mục đi xe buýt đi làm

Thực ra trước đây, năm 2013, đức Giáo Hoàng Francis đã lưu tâm đến người tỵ nạn vì chiến tranh khi Ngài đến thăm đảo Lampedusa thuộc nước Ý Đại Lợi. Tại đây, đã có rất nhiều dân tỵ nạn đến từ Lybia, sống sót sau những cuộc hải trình rủi ro đầy nguy hiểm.

Ngài cũng cho các phóng viên nhà báo biết là việc chọn lựa 3 gia đình Hồi giáo đưa về La Mã không dựa theo tiêu chuẩn tôn giáo mà theo may rủi. Các quan chức ở Lesbos đã giúp Ngài chọn người. Vì số dân tỵ nạn quá đông, mọi người đành phải dùng đến phương sách rút thăm từ một cái hộp. Ông Stravos Mirogianis, một quan chức Hy Lạp nói thêm là "chúng tôi muốn công bằng với tất cả mọi người. Những người này trúng số và ngày đó là ngày tốt số của họ. Tất cả là vậy". Ngài Giáo hoàng nói thêm là khi về đến La Mã 3 gia đình này sẽ được giúp đỡ để "an cư" để rồi sẽ "lạc nghiệp" tại Ý Đại Lợi. Nhà báo hỏi ngài ý kiến về chuyện nhiều quốc gia Tây Âu có ý định ngăn chặn làn sóng tỵ nạn bằng cách đưa tất cả dân tỵ nạn đó về Thổ Nhĩ Kỳ. Giáo Hoàng Francis cho rằng các chính quyền Tây Âu nên có chính sách cởi mở hơn, giúp họ có việc làm, cho họ sống hòa hợp với xã hội mới. Ngài cũng hiểu là tại nhiều quốc gia, dân chúng rất ngán sợ dân tỵ nạn, vì những chuyện đáng tiếc xẩy ra giữa dân địa phương và người tỵ nạn. Nhưng điều đó không làm chính quyền khước từ trách nhiệm giúp đỡ kẻ khốn cùng. Những kẻ khốn cùng này sinh sống ra sao trên đảo Lesbos, trước khi Giáo Hoàng Francis đến thăm họ? Họ không được đi lại tự do như những nhà báo phóng viên trông thấy. Khoảng 3.000 dân tỵ nạn được dồn vào một khu có hàng rào bao bọc, trên hàng rào có giây thép gai cho khỏi trèo lên chốn ra ngoài. Đây là một trại giam. Trước ngày Giáo Hoàng Francis đến, chính quyền địa phương đã quét dọn, chùi rửa sạch sẽ, dựng lều cho thật khang trang. Họ còn đem ra một số dân tỵ nạn ra ngoài trại giam để trình diễn cho tươm tất. Ngoài ra họ còn phát quần áo và cho dân tỵ nạn được tắm rửa sạch sẽ sau cả tháng không được tắm.

Trại Tỵ nạn Moria là một nhà tù

Sham Jutt một người Pakistan 21 tuổi đứng trong hàng rào trại giam đã nói: " Chúng tôi đang chờ hy vọng thì Ngài Francis đến, Ngài là hy vọng độc nhất của chúng tôi". Anh cũng nói thêm là lúc đầu nơi này là một Trung tâm cho người tỵ nạn đến ghi danh để rồi được đi nơi khác làm cuộc đời mới. Từ ngày có thỏa hiệp kỳ lạ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Liên minh Tây Âu, nơi này trở thành một nhà tù khổng lồ'.

Ảnh hưởng cuộc viếng thăm bất ngờ

Tin Ngài Francis đến Hy Lạp đã làm cho quan chức nước Anh Cát Lợi phải xét lại. Giám Mục nhà thờ Anh Cát Lợi Vincent Nichols lên tiếng cho rằng Chương trình cứu trợ dân tỵ nạn của chính quyền David Cameron quá chậm, quá yếu. Giám Mục Vincent Nichols tuyên bố thẳng thừng: "Đó là một thất vọng. Chính phủ Anh cần tỏ ra có tinh thần nhân bản hơn". Tuyên bố trên đài BBC, ông nói "Tôi nghĩ nước chúng ta là một nước giầu có. Các bạn thử nghĩ xem Những nước như Lebanon họ có thể cưu mang dân tỵ nạn vào nước họ nhiều tới ba bốn chục phần trăm dân số trong nước. Tôi cho rằng chúng ta có thể, với quyết tâm giúp đỡ, lập ra một hệ thống tốt, cưu mang thêm người tỵ nạn". Thỏa hiệp giữa Liên minh Âu Châu (EU) và Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) đáng lẽ phải được thi hành Thứ Hai tuần trước, theo đó 200 người dân tỵ nạn sẽ được chuyên chở bằng đường thủy từ đảo Lesbos đến một hải cảng nước Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên chuyện này phải tạm ngưng vì một số người dân tỵ nạn muốn xin ở lại Hy Lạp, để vào quy chế tỵ nạn chính trị. Trong khi ấy, phía Hy Lạp than phiền rằng họ chưa thấy Tây Âu đưa sang Hy Lạp những thông dịch viên, những luật gia, rất cần thiết để xúc tiến việc giải quyết dân tỵ nạn. Thổ Nhĩ Kỳ lại cảnh cáo sẽ chỉ thi hành Thỏa hiệp nếu những hứa hẹn của Tây Âu được thể hiện. Để giải quyết vấn đề dân tỵ nạn chíến tranh muốn vào những quốc gia Âu Châu trù phú, Liên minh Tây Âu đã lập ra một Thỏa hiệp với Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ là một nước theo Hồi giáo, đất rộng người thưa. Âu Châu hứa sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ sáu tỷ euros để cưu mang 2,7 triệu dân tỵ nạn. Ngoài ra Thỏa hiệp còn cho phép người dân Thổ được vào các nước Liên minh Âu châu miễn thị thực nhập cảnh (visa).

Tổng thống Thổ Tayyip Erdogan

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ông Recep Tayyip Erdogan đã nói rõ: đó là những điều khoản rõ rệt và nếu Tây Âu không thực thi những điều khoản đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thi hành Thỏa Hiệp đã cam kết với Tây Âu. Như thế có nghĩa là trong khi chờ đợi, dân tỵ nạn không đi đâu được, phải ở lại nhà tù khổng lồ trên đảo Lesbos. Chính quyền Hy Lạp tiếp tục chịu đựng ngày một gia tăng số dân tỵ nạn chiến tranh đến đảo Lesbos.

Chỉ ít ngày sau lời đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ thì có tin Ngài Gíao Hoàng Francis đến Hy Lạp, thăm viếng trại Moria những dân tỵ nạn vì chiến tranh; và sau đó Ngài đã mang theo về La Mã ba gia đình dân tỵ nạn.

Nghĩa cử bất ngờ này chỉ xẩy ra trong vòng mấy tiếng đồng hồ trong một ngày nhưng đã có một tiếng vang rất lớn trên thế giới. Thỏa hiệp Liên Âu Thổ Nhĩ Kỳ, một Thỏa hiệp được đôi bên thảo luận cả tháng, đem ra áp dụng nhiều ngày mà chưa đi đến đâu.

Thế giới đã lên án và chỉ trích dữ dội Thỏa hiệp này.

Đào Viên
(Trích từ: daovien.wordpress.com)

_______________

(1) Câu chuyện này đã xẩy ra như sau: Chỉ vài tuần lễ sau khi lên ngôi, Giáo Hoàng Francis đã đến nhà tù Casa Del Marmo để làm một công việc đã được Chúa Giê Su làm cách đây cả nghìn năm: ngài đã rửa chân cho 12 tông đồ. Các vị Giáo Hoàng trước đây thường làm lễ rửa chân tông đồ ngay tại Tòa Thánh St. Peter, cho 12 vị linh mục đã được chọn sẵn. Các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm thường chỉ cúi xuống, lấy một miếng vải chùi nhẹ lên chân của 12 vị tu sĩ, và coi thế là xong.

GH Francis đã không làm như vậy. Tại khám đường Casal Del Marmo, Ngài đã quỳ hẳn xuống sàn đá lạnh, bỏ cái mũ trắng vẫn đội trên đầu sang một bên, rồi bắt đầu dùng tay kỳ cọ cho sạch trong một thau nước, lấy khăn lau khô, rồi hôn lên chân của 12 phạm nhân trong nhà tù, Nhiều cái chân đưa ra cho GH rửa có những hình xâm trông rất ghê gớm. Hai trong số phạm nhân đó là người Muslim.

 


Cái Đình - 2016