Chu Nguyễn


Đôi điều về Tết trung thu

.

Ca dao phác họa sinh hoạt của dân ta trong một năm từ “tháng giêng ăn tết ở nhà, tháng hai cờ bạc tháng ba hội hè…” cho tới “tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân

Tháng bảy đã trôi qua và nay bước vào tháng tám âm lịch với tập tục:

Tháng tám chơi đèn kéo quân!

Lớp trẻ ăn mừng Tết trung thu với rước đèn, trông trăng, ăn bánh trung thu và cùng nhau vui chơi rồng rắn, xoay quanh lửa hồng với nhưng bài hát ngọt ngào của Lê Thương thuở xa xưa:

Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng cuội già ôm một giấc mơ… Lặng yên, ta nói cuội nghe, ở cung trăng mãi làm chi…

Tuy nhiên tuổi trẻ sau 1975, ở quê người mấy ai biết rõ Tết trung thu là gì, nguồn gốc của nó và trong dịp tết này có trò chơi nào ngoạn mục và ý nghĩa phản ảnh văn hóa của của nòi Việt hay không. Muốn tìm hiểu vấn đề này chúng ta có Việt nam phong tục của học giả Phan Kế Bính và các học giả người pháp như Ed Nordemann, George Cordier… Những nhà nghiên cứu kỳ cựu, đã viết ngắn gọn về tết văn hóa nổi tiếng nói trên và được nhà nghiên cứu đông phương học Maurice Durand chú thích cặn kẽ.

Phần sau đây chúng ta có dịp đọc lại Phan Kế Bính và Nordemann với chú thích của Maurice Durand.

Phan Kế Bính nổi tiếng về những tác phẩm nghiên cứu cổ học (Việt hán văn khảo) và phong tục học (Việt nam phong tục) và là dịch giả mẫu mực nhiều tác phẩm lịch sử, sinh năm 1875, tạ thế 1921, đậu thi hương (cử nhân), cộng tác với Đông dương tạp chí trong loạt bài khảo cứu về phong tục, văn học và dịch phẩm.

Rằm tháng 8 là Têt Trung Thu. Tết này ta thường gọi là Tết trẻ con, nhưng có nhà tốn phí nhiều lắm.

Ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt. Đầu cỗ là bánh mặt trăng, và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu các sắc sặc sỡ xanh, đỏ, trắng, vàng. Con gái hàng phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa nọ hoa kia, nặn bột làm con tôm con cá coi cũng đẹp.

Đồ trẻ con chơi trong Tết này toàn là các thứ bồi bằng giấy, như là: voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng hươu, tôm cá, bươm bướm, bọ ngựa, cho chí cành hoa, giàn mướp, đèn cù, đèn xẻ rãnh, đình chùa, ông nghè đất, con thiềm thừ, v.v… Có nhà một vụ Tết, bán các đồ ấy được tới một vài trăm bạc. Mười năm nay họ lại chế ra đồ chơi bằng sắt tây cũng tranh được mối lợi của trẻ con ít nhiều.

Trẻ con tối hôm ấy, dắt díu nhau từng đàn từng lũ đám thì nhảy vô, đám thì kéo co, đám thì bắt cái hồ khoan, đám thì rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la đánh váng cả đường, tiếng reo hò, tiếng đùa rầm rĩ.

Lại nơi nọ hát trống quân, nơi kia hát trống quít, tổng chi gọi là cách Trung Thu thưởng nguyệt.Tục treo đèn bày cỗ, chắc do ở điển vua Đường Minh Hoàng. Hôm ấy là ngày sinh nhật vua Minh Hoàng, truyền cho thiên hạ đâu đâu cũng treo đèn, bày tiệc ăn mừng, rồi ta cũng theo mà thành tục.

Tục rước đèn thì do tự đời nhà Tống. Vì tục truyền rằng: trong đời vua Nhân Tôn, có con cá chép thành yêu, cứ đêm trăng hiện lên là con gái mà đi hại người. Bấy giờ ông Bao Công mới sức cho dân gian làm đèn con cá giống như hình nó mà đem rong chơi ngoài đường để cho nó sợ mà không dám hại người nữa. Lời ấy huyền hoặc lắm, vị tất đã thật.

Tục hát trống quân thì do từ đời Nguyễn Huệ bên ta mới bày ra. Nguyên khi ông đem quân ra Bắc, quân sĩ lắm kẻ nhớ nhà. Ông ấy mới bày ra một cách cho đôi bên giả làm trai gái hát đối đáp với nhau, để cho quân sĩ vui lòng mà đỡ nhớ nhà. Có đánh trống làm nhịp, cho nên gọi là trống quân.

Nordemann trong bộ Cổ văn tuyển tập Việt nam giảng giải về Trung thu tiết như sau:

Ngày Tết là giữa mùa thu, cho nên theo chữ gọi là trung thu tiết. Tết ấy, nhà ai cũng làm cỗ cúng ông bà, ông vải, đến tối thì uống rượu, trông răng để nghiệm mùa làm ruộng. Hễ trăng trong thì được lúa mùa, đục thì được lúa chiêm, mà nếu không có trăng thì mất cả hai vụ. Vì thế tục cũng gọi tết ấy là tết “trông trăng”.

Đến đời nhà Đường, vua Minh Hoàng tối hôm ấy đi với đạo sĩ, lên chơi cung quảng hàn ở trong mặt trăng thấy hơn mươi nàng tiên ra sân múa hát hay lắm. Khi vua trở về mới chế ra khúc Nghê thường như lúc xem trên cung quảng hàn, bây giờ gọi nôm là múa bài bông. Sau dân gian bắt chước làm ra những thứ đèn cù, đèn tự vận chuyển bằng giấy, theo các tích ngũ lão, bát tiên…

Lại đến đời nhà Tống có con cá chép vàng, thành tinh, hễ đến tết ấy thì nó hiện ra người, đi dỗ những đàn bà, con trẻ, hại lắm. Bao công thấy thế tâu vua, sai dân nhà nào cũng phải làm đèn cá bằng giấy, treo ở trước cửa, để nó trông thấy cũng giống nó thì không đến nữa. Từ đấy dân mới được yên.

Bây giờ hễ đến tết ấy, thì bồi giấy làm ra voi, ngựa, rồng, long mã, kỳ lân, sư tử…mấy các thứ đèn tôm cá cho trẻ cầm đi hồ khoan chơi. Hóa ra tục lệ cũng gọi là tết trẻ con.”

Lời bàn của các học giả, từ Nordemann tới Phan Kế Bính có đề cập tới nguồn gốc trung thu đều dựa vào các thuyết hoang đường. Câu chuyện Đường Minh Hoàng, một ông vua tài tử, vị vua thứ bảy đời Đường, trị vì từ 713 tới 756 trước công nguyên, được đạo sĩ La công viễn đưa lên cung trăng vào đêm rằm tháng tám và gặp Hằng nga và được xem tiên nữ múa khúc Nghê thường. Từ đó nhà vua đa cảm, đa tình trở về trần thế và kỷ niệm chuyến viễn du cung quảng hàn bằng cách mở hội rước đèn trung thu. Hiển nhiên cái nguồn gốc ăm ắp chất thơ, chất mộng này chỉ dành tạo nguồn thi hứng cho giới văn chương như thi sĩ Tản Đà từng viết:

Đêm thu buồn lắm chị hằng ơi,
Trần thế em đây chán nữa rồi!

Câu chuyện Bao công và đèn cá chép treo đêm trung thu cũng là giai thoại huyền hoặc như Phan Kế Bính đã viết: “Lời ấy huyền hoặc lắm, vị tất đã thật.”

Các học giả kể trên đã đưa ra nhận định hợp lý hơn để giải thích nguồn gốc tết trung thu:

– Tết trung thu trước hết là tết nông nghiệp của người lớn tổ chức hàng năm. Nordemann cho rằng dân Việt quan sát biểu tượng mặt trăng đêm rằm tháng 8, để dự đoán về mùa màng đắc thất. Nếu trăng tỏ thì được vụ mùa, trăng lu thì được vụ lúa chiêm và không trăng là điềm mất mùa. Kinh nghiệm này có thể không hoàn toàn có căn cứ khoa học nhưng được người xưa tin tưởng trong việc quan sát thiên tượng và chắc cũng giúp nông dân khá nhiều lợi ích trong việc trồng trọt: Người ta đi cấy lấy công,
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.
Trông trời, trông đất, trông mây,
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm.
Trông cho chân cứng đá mềm,
Trời êm, biển lặng mới yên tấm lòng!

Do đó có thể nói Tết trung thu vừa là tết người lớn vừa là tết trẻ con.

Là tết nhi đồng, tết trung thu lại là dịp phô bày nghệ thuật ẩm thực, nghệ thuật trang hoàng của dân tộc ta qua các thứ bánh trung thu, chế tạo các thứ đèn trung thu và vật cắt xén trưng bày trong mâm cỗ trông trăng vô cùng tinh xảo và mỹ thuật. Ai cũng thấy nhờ chế ra các loại đèn cù, đèn kéo quân, đèn ngôi sao và nhiều thứ đèn đủ kiểu, đủ màu, đủ hình dạng giúp trẻ em thêm vui nhộn và hãnh diện khi rước đèn.

Hình ảnh tượng trưng cho cách hát trống quân gồm hai bè nam nữ

Trung thu cũng là dịp nghệ thuật âm nhạc của dân tộc được khai thác qua cách Hát trống quân.

Theo Phan Kế Bính hát trống quân ra đời vào dịp Bắc bình vương mang binh ra bắc, mục tiêu mua vui cho binh sĩ xa nhà dấn thân vào cuộc trường chinh hết sức chông gai và gian khổ. Cũng có thuyết nghệ thuật này xuất hiện từ đời Trần khi dân ta kháng Nguyên.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đều đồng ý hát trống quân là thứ hát bè, có bên nam bên nữ đối đáp trong dịp lễ tết, nhất là dịp trung thu và rằng hát Trống Quân có trống dẫn nhịp (hay tiếng đàn đệm thay trống).

Người ta còn gọi là trống “Trống thùng”. Trống thùng được cấu tạo như sau: Hai cọc được cắm ở hai bên, một bên cọc là phe nam, một bên cọc là phe nữ đứng (hoặc ngồi). Một sợi dây thừng được buộc vào hai cọc, chính giữa sợi dây đặt một cái thùng, mặt rỗng úp xuống một hố đất nhỏ, mặt đáy trên sát sợi dây. Người ta gõ vào đầu dây ở phía cọc, dây bật vào đáy thùng mà kêu thành tiếng. Xưa kia, trống thùng làm bằng hai cọc tre cao khoảng 1 mét và một thanh tầm vông gác ngang. Giữa thanh tầm vông người ta đặt một thanh tre vuông góc, một đầu chống lên một miếng ván mỏng được đặt hờ trên một hố đất nhỏ. Khi đối đáp, bên nào hát dứt câu thì đánh vào trống thùng (là phần dây nơi đầu cọc hoặc đầu thanh tầm vông) để làm nhịp “Lưu không”, vừa để thúc giục phe bên kia hát đáp lại.

Trong dịp Tết nhi đồng, như Phan Kế Bính viết “Trẻ con tối hôm ấy, dắt díu nhau từng đàn từng lũ đám thì nhảy vô, đám thì kéo co, đám thì bắt cái hồ khoan, đám thì rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la đánh váng cả đường, tiếng reo hò, tiếng đùa rầm rĩ. Lại nơi nọ hát trống quân, nơi kia hát trống quít, tổng chi gọi là cách Trung Thu thưởng nguyệt.

Trong phần trích dẫn trên có đề cập tới trò “bắt cái hò khoan” mà trẻ em vui hát trong dịp tết trung thu. Nhiều học giả từ Gaspardone của Viễn đông bác cổ tới Nguyễn văn Vĩnh của Đông dương tạp chí đều cố gắng giải thích những câu hát của trẻ em loại này nhưng chưa có ai giảng giải ý nghĩa đích thực của chúng trong những câu sau đây:

Bắt cái! Bắt cái! Hồ khoan
Tôi là con gái kẻ mơ – Hồ khoan!
Tôi đi bán rượu tình cờ gặp anh – Hồ khoan…
Bắt cái! Bắt cái! Hồ khoan!
Tôi là con gái tràng sinh – Hồ khoan!
Tôi đi bán rượu qua dinh ông nghè – Hồ khoan.

Ngày nay Tết trung thu đã mất ý nghĩa ban đầu là tết nông nghiệp mà chỉ còn là tết dành cho thiếu nhi. Nguồn gốc văn học, nghệ thuật gắn liền với tết trung thu không được phục hồi thỏa đáng. “Trung thu thưởng nguyệt” trở thành cơ hội quà cáp biếu xén, ăn uống, rượu chè vô cùng hoang phí. Những hồi trống vang lừng của chiến binh Việt khi kháng Nguyên, khi diệt Thanh đã rơi vào quên lãng, thay vào đó “Hát trống quân” chỉ còn là những khúc hát hoa tình, “rằng hay thì thực là hay, nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!”:Trống quân, trống quýt, trống còi
Ta chẳng lấy nó, nói đòi lấy ta
Trống quân anh đánh nhịp ba
Lúc vào nhịp bảy, lúc ra nhịp mười!

Chu Nguyễn


Cái Đình - 2017